Những Triệu Chứng Tâm Thần Chính

Khi một người đã viết sách để bán, nhất là những sách nói về mình là đã có ý muốn người khác chạy tới xem, trong khi ta đang cởi áo banh lưng ra đây! tức là họ đã đặt mình vào vị trí cho mọi người nhìn vào và phê phán. Tùy theo trình độ của người xem, nếu là trẻ con thì chúng chỉ thích nhìn chỗ nào có thể cười được. Còn người trai trẻ và tùy theo đối tượng, họ cũng thường nhìn vào một chỗ đặc biệt nào đó trên cơ thể. Có người cũng nhìn như tất cả mọi người nhưng họ còn tìm hiểu và phê phán nữa. Tôi là con người ấy. Để tránh sự chỉ trích cá nhân, tôi giả sử những tác phẩm của ông PHẠM CÔNG THIỆN viết bởi một người có tên là A, hay là một nhân vật nào đó mà ông ta đã gặp ngoài đời, hay là một nhân vật tưởng tượng để ông A diễn tả tư tưởng như đại đa số các tác giả thường làm. Tôi đang đọc sách của ông A và đang tìm hiểu nhân vật "NÓ" trong những sách ấy qua con mắt của một bác sĩ tâm thần. Tôi nhấn mạnh là tôi chỉ tìm hiểu nhân vật "NÓ" hay nội dung câu chuyện trong sách mà thôi.

Trong tập thơ NGÀY SINH CỦA RẮN, xuất bản lần đầu 1969, tại Việt Nam, tái bản năm 1988 tại Mỹ, có 12 bài thơ ngắn, có vài bài hay hay, số còn lại đều có vẻ bất thường. Ví dụ bài thơ số VI. Để tránh sự trích dịch, tôi chỉ nói ý của bài thơ. Ông nói là ông mửa máu đen trên nửa đêm Paris, ông giao cấu với mặt trời sinh ra mặt trăng, ông thủ dâm Thượng Đế sinh ra loài người, ông hô hoán lên là mặt trời có thai và đã sinh cho ông ta một đứa con trai mù mắt.

Tôi không thấy triết lý gì trong ấy cả.

Khi đọc xong bài thơ tôi có cảm giác như mình đang đối diện với một người phá hoại và cảm thấy tức giận. Nhưng đây là một triệu chứng giúp cho tôi biết là tôi đang gặp một người có rối loạn cá tính. Thơ văn của ông A gợi cho ta biết về một người có behavior problems, một thằng người quái đản, đáng ghét, không bình thường nhưng không điên (người điên thường làm ta sợ hay thương hại chứ không tức giận). Thơ văn của ông A và của Bùi Giáng đã gây ra những cảm xúc khác nhau nơi người đọc. Văn xuôi và thơ của Bùi Giáng đều làm cho người đọc tức cười hay thương hại cho sự bất thường ấy. Còn của ông A thì làm cho kẻ hiểu biết khó chịu, và làm cho kẻ kém hiểu biết dễ bị lầm bởi cái "TÔI" hợm hĩnh của ông.

Tập thơ đã gợi cho tôi về một người có rối loạn về cá tính. Còn triệu chứng về những rối loạn cá tính ấy thì đầy dẫy trong những tác phẩm của ông. Điều ấy rất dễ hiểu, vì ông A hay khoe khoang nói mãi về mình, từ hồi 20 tuổi đến gần 50 tuổi. Ông nói về ông như một người rất đặc biệt, thiên hạ đều phải nể, ông để lộ cái "TÔI" hợm hĩnh, ngông cuồng, thay đổi bất thường, màu mè điệu bộ, giả dối, cải lương và quái đản. Ông có triệu chứng của bốn rối loạn cá tính sau đây: Narcissistic, Borderline, Histrionic và Schizotypal personality. Tôi sẽ lượm lặt, sắp xếp lại những triệu chứng ấy từ bài viết CÒN TUỔI DẠI (CTD) viết năm 1966, và từ cuốn ĐI CHO HẾT MỘT ĐÊM HOANG VU TRÊN MẶT ĐẤT (ĐCHMĐHVTMĐ), viết năm 1988.

Trong bài viết CTD, ông cho biết là hồi còn nhỏ, cha mẹ ông mãi lo làm giầu, chỉ lo cho người anh của ông, bỏ không chăm sóc gì đến ông. Giữa ông và cha mẹ không có tình mẫu tử hay phụ tử gì cả. Sau này khi gia đình sạt nghiệp, ông phải đi dạy học để giúp gia đình. Sự cực khổ đã làm ông nhớ lại sự bất công, thiếu tình thương của cha mẹ từ hồi còn bé. Ông trở nên thù ghét tất cả mọi người và lan ra thù ghét cả nhân loại nữa! Ông đã có một quá khứ thời thơ ấu rất đặc biệt, thường thấy ở người có rối loạn cá tính Borderline.

Má ông cho biết là ông cũng có cá tính bất thường như anh của ông, hồi ấy đang học ở bên Pháp. Như vậy cá tính bất thường của ông có tính gia đình, thường thấy ở những người rối loạn cá tính.

Ông có triệu chứng rối loạn về IDENTITY rất sớm. Từ hồi teenager, từ hồi 15 hay 16 tuổi. Ông không biết mình là ai? Hỏi đi hỏi lại mãi những câu hỏi của trẻ lên ba, say mê đọc sách về Triết đến điên cuồng, lẩn quẩn loanh quanh, khi tu khi xuất. Khi tu thì phạm giới, khi xuất thì lông bông. Ông ta có vẻ khoẻ mạnh nhưng không đóng góp gì cho cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam như đại đa số những người đồng thời đã làm. Nhưng sau này ông có chửi Cộng Sản lai rai trong tác phẩm của ông.

Ông có rất nhiều triệu chứng về Affective instability. Tâm hồn ông thay đổi như chong chóng, cười đó, khóc đó, lầm lỳ, lạnh lùng, khô khan, hết giận rồi ghét, trơ trơ lạnh lùng hay thản nhiên một cách nguy hiểm (tr. 158, CTD). Triệu chứng này thường có ở những người có cá tính Borderline và Histrionic.

Khi dạy học, ông chửi mắng học trò, hầm hừ với hiệu trưởng, hậm hực với mọi người. Đấy là triệu chứng inappropriate intense anger or lack of control of anger, rất thường có ở cá tính borderline,

Rồi ông bỏ dạy, sống lông bông vô gia cư nghề nghiệp, đi ăn mày từng đồng từ mấy người bạn nhưng lại thù ghét lòng nhân đạo ấy! Trong cuốn ĐCHMĐHVTMĐ, ông cho biết là ông thương và kính mến Thảo, cũng như Bùi Giáng, nhưng họ là những người mà ông thường gây lộn, hung hăng chỉ chực đánh nhau (tr.33). Đây là triệu chứng unstable interpersonal relationship của người borderline.

Ông có triệu chứng rất đặc biệt của người borderline là alternating between extremes of overidealization and devaluation trên cùng một người, một tác phẩm. Có lúc ông thù ghét Khổng tử, Kant, Aristote. Bây giờ ông quay ra kính trọng, say mê. Có một dạo ông mê Dostoyevsky và ghét Tolstoy, bây giờ ông lãnh đạm với Dostoyevsky và mê Tolstoy...

Một triệu chứng cũng rất đặc biệt ở người borderline là TỰ TỬ. Ý nghĩ tự tử gần như thường trực suốt trong cuộc đời ông. Không biết ông có uống thuốc quá liều hay cắt cổ tay để tự tử không? Nếu có thì ông có đầy đủ của người borderline. Sự buồn chán, trống rỗng lúc nào cũng có trong đầu ông.

Ông cũng có triệu chứng của người có cá tính schizotypal, tính kỳ kỳ, ý nghĩ và hành động quái đản, không giống ai, như ngồi nghe lá cây mọc trên mười ngón tay hay ngửi thấy mùi địa ngục và cười một mình trong bóng đêm ma dại, hay ngồi suốt đêm trong nghĩa địa trong đêm giao thừa (tr.174, 199, 200, CTD). Sau này dù đã ba bốn mươi tuổi rồi mà tính quái đản dị thường ấy vẫn còn, như mua rượu về uống và nói chuyện suốt đêm với chó, hay ngồi nói chuyện suốt buổi với chậu hoa Thạch Thảo. Ông có những cử chỉ, hành động làm người yêu sợ sệt (tr.159, ĐCHMĐHVTMĐ).

Trong cuốn ĐCHMĐHVTMĐ, dày 332 trang, trang nào cũng có đầy dẫy hợm hĩnh, ngông cuồng, tự cao tự đại. Ông nói trực tiếp, gián tiếp, nói bóng nói gió, cách này hay cách khác rằng ông ta là thiên tài. Đặt những câu hỏi gợi ý ông ta là thiên tài. Ví dụ: "Tại sao lúc mới mười lăm tuổi mà nó đã viết một đống sách? Tại sao đùng một cái nó nổi tiếng thần đồng?" (tr.77, ĐCHMĐHVTMĐ), ngoài ra ông còn cho biết là ông dạy Triết cho ban Thạc sĩ triết học, chấm thi cho ban Tiến sĩ tại đại học TOULOUSE bên Pháp. Tay này khoe khoang ghê gớm, không bỏ một cơ hội nào để khoe khoang khi có thể khoe khoang được, nhưng tôi không thấy chỗ nào nói là ông có bằng cấp đại học nào cả. Tôi cũng không thấy ông có một triết lý nào qua những tác phẩm của ông để người ta mời ông dạy Thạc sĩ hay chấm thi Tiến sĩ mà không cần bằng cấp. Đại học Vạn Hạnh thì không kể làm gì. Qua những sách ông viết, tôi thấy tâm hồn ông bịnh hoạn vô cùng. Còn Triết, phần lớn là lập lại NIETZCHE, đả phá hay nghi ngờ mọi giá trị, rồi lấy cái này một ít, cái kia một ít, xào nấu qua lăng kính của người rối loạn cá tính thành một thứ dị hình dị dạng, hùm bà lằng xắn khấu, giống như người ăn không tiêu hay học võ bị tẩu hỏa nhập ma! Ngay cả những bài khảo luận viết sau này đăng trên tạo chí VĂN, đều lộ hẳn cái tính khoe khoang và muốn người ta tin ông ta là thiên tài. Ông nói mãi về cái "TÔI" đáng ghét của mình mà ông ta không biết! Đây là triệu chứng grandiose sense of self-importance, phóng đại thành những thành quả và tài năng để mong được công nhận là "đặc biệt" để được đối xử đặc biệt của người Narcissistic.

Ông cũng có triệu chứng của người Histrionoc, ngôn ngữ ông dùng rất màu mè, đao to búa lớn, làm người đọc choáng váng bởi những danh từ, tĩnh từ, trạng từ, diễn tả sự tối đa, tuyệt đối, nhưng thực chất thì mơ hồ, trống rỗng, nếu muốn hiểu thì đi tra cứu sách khác. Khi muốn khen hay chê một tác giả nào, ông khen tưới hột sen hay chê thậm tệ mà không nói tại sao? ví dụ như ông chê cuốn A HISTORY OF WESTERN PHILOSOPHY của Bertrand Russell là cuốn ngu dốt nhất và nông cạn nhất về triết lý Tây phương (tr, 80, ĐCHMĐHVTMĐ), không một lời giải thích cho một câu phê phán cực đoan như vậy! Đây cũng là một cách nói của người Narcissistic, làm như ta đây là thầy của thiên hạ vậy. Một thí dụ khác, khi ông nói về bài thơ của thi sĩ "Bài thơ của thi sĩ là quà tặng từ trời cao rơi xuống lòng đất sâu thẳm nhất, thi sĩ phá vỡ tất cả mọi nguyên lý, đẩy lùi nguyên lý đồng nhất, đập nát nguyên lý lý trí tự túc, cắn nát nguyên lý tránh mâu thuẫn và nhổ ra cánh đồng mạ cháy đầy quạ đen hốt hoảng như bức tranh VANGOGH năm 1890. Năm cuối cùng ở Auvers-sur-oise. Tháng bảy cuối cùng của Vangogh, của một thi sĩ (trong hội họa) tự tử, tử trận oanh liệt trong trận đấu tranh quyết liệt giữa sự xé rách thị kiến loài người và sự bừng vỡ của một luồng ánh sáng không có trên mặt đất..." Tôi không biết ông có hiểu ông đang nói cái gì không? Nói như con vẹt, dùng toàn đao to búa lớn để lòe đời, bịp những người thiếu hiểu biết. Thực ra thì sự tự tử của ông Vangogh là hậu quả của bịnh Giang mai giai đoạn ba, ăn vào não bộ của ông ta sau bao nhiêu năm sống chung với gái điếm. Theo Y khoa thì ông có thể bị Organic affective syndrome, trong cơn buồn bực người bịnh thường tự tử, hoặc bị Organic psychosis, ông đã tự tử vì do đã hành động theo sự sai khiến của ảo giác hay chịu hết nổi những sự hành hạ của ảo giác hay do những ý tưởng điên rồ do sự tổn thương não bộ. Triết lý gì trong đó! chỉ nói nhảm. Tôi có cảm tưởng là ông A không có những căn bản hiểu biết về khoa học mấy. Có lẽ ông đã không đến trường học đàng hoàng. Từ hồi còn bé ông đã đọc sách lung tung, phần lớn là sách triết, có lẽ ông có trí nhớ tốt, đọc nhiều nhớ nhiều rồi tưởng mình là thiên tài vì ông thấy ông có tất cả những tư tưởng của người khác!

Một triệu chứng khác không thể thiếu được của người rối loạn cá tính là thiếu khả năng phán đoán và sự hiểu biết về mình (poor judgment and insight). Trong CTD, ông kể rằng ông bỏ dạy học, sống đói rách, ăn mày từng đồng bạc. Bốn mươi bốn năm sau, ông mò tới nhà một người bạn ở Paris, bị nó đóng cửa không cho vô nhà, phải ngủ ngoài đường hai đêm liền. Đây là những thí dụ về poor judgment của ông ta. Thiên tài thiên tiếc gì mà bị bạn đóng cửa không cho vô nhà! Thường người rối loạn cá tính hay làm phiền người chung quanh họ, hoặc người bạn ấy đã ghét cái hợm hĩnh ngông cuồng của ông A hay là ông A cứ tưởng nhà bạn là chùa nên tới thọ trai miễn phí chăng! Tại sao đang làm giáo sư đại học Toulouse mà bỏ sang ở chùa Los Angeles làm gì? Tôi thấy ông đâu có tu hành gì đâu mà ở chùa? Bàn về sự thiếu óc phán đoán, tôi nhớ đến lời của Trần Tuấn Kiệt kể trong cuốn TÁC GIẢ VÀTÁC PHẨM: "Hồi ấy nhìn cảnh sa sút và túng bấn của gia đình, mà mình thì lận đận lao đao, không giúp ích được gì, đó cũng là lý do khiến ông ta bỏ đi tu ngoài Nha Trang. Khi viết báo có nhiều tiền, ông đem đi uống rượu say sưa, rồi kêu lũ trẻ đánh giày, bán báo lại phân phát hết sạch trong nháy mắt, để rồi hôm sau đi kiếm lại vài chục để uống cà phê là chuyện thường!" Trong lúc gia đình ông cần ông làm cái gì để giúp đỡ thì ông lại bỏ đi tu! Khi có tiền thì lại quân tử tàu! Đây là hành động của những người có cá tính chưa trưởng thành (immature). Hành động quân tử tàu thường là một hành động ngược lại bản chất ích kỷ của người ấy để tìm khoái cảm anh hùng, cao cả mà người có cá tính narcissistic thường cần.

Ông cũng cho biết là ông say sưa nghiện ngập, uống rượu suốt ngày và dâm dục nữa. Đây cũng là một triệu chứng ìt khi thiếu của người rối loạn cá tính. Đi tu mà say sưa dâm dục! ông ta có vẻ như một nhà sư hổ mang! Thật ra đây là do thiếu khả năng kiềm chế dục vọng khoái lạc (impulsivity) hoặc là do không đương đầu nổi với thực tế của cuộc đời nên phải đi tìm quên trong khoái lạc để tự lừa mình.

Cuối cùng, chính ông đã thú nhận là suốt đời đã làm những chuyện lố lăng, giả vờ triết lý, làm như ta đây thông thái, thiên tài, cao siêu, phi thường, rộng lượng. Hay viện dẫn tiếng Phạn, La tinh, Hy lạp, Đức, Pháp, Tây ban Nha, tiếng Mường... vv... để lòe đời! Ông nói như thế có hai nghĩa, người đọc cũng có thể hiểu là ông ta khiêm nhường. Nhưng như tôi đã phân tách, con người này không có một trình độ tâm thần phát triển đến độ ấy! Toàn bộ tác phẩm của ông ta đã có một giá trị lớn là đã vẽ được một bức tranh đầy đủ các triệu chứng của một con người rối loạn cá tính với ngông cuồng hợm hĩnh, ích kỷ, lợi dụng, màu mè điệu bộ, dùng chữ đao to búa lớn, mơ hồ, trống rỗng, cải lương, thay đổi thất thường và quái đản. Vì ông cứ lồng những triệu chứng kể trên với thiên tài, với Triết lý, nên dễ làm những người trẻ lầm rằng hễ thiên tài là phải quái đản như ông ta! cho nên tác phẩm của ông ta rất có hại. Ông cũng thừa nhận điều đó. Tôi cũng đồng ý như vậy.

Theo DSM III R, thì ông A hay nhân vật "NÓ" có triệu chứng của bốn rối loạn cá tính mà tôi đã kể trên (narcissistic, Borderline, Histrionic và Schizotypal) nên gọi là Mixed type Personality Disorder hay Personality Disorder Not Otherwise Specified (NOS).

Có người sẽ nói: Ông ta như vậy là vì ông ta là triết gia. Câu trả lời là triết gia đâu có miễn nhiễm với bệnh tâm thần! Cũng như đâu phải hễ là Bác sĩ thì khỏi bịnh ung thư! Triết gia triết diếc gì cũng được, nói trời nói đất gì cũng được, thiên tài thiên tiếc gì cũng được, nhưng cuộc đời lông bông, vô gia cư nghề nghiệp, nay tu mai xuất, thiếu óc phán đoán, thiêú khả năng kiềm chế dục vọng khoái lạc, nghiện ngập, làm phiền người khác đến độ bị bạn đóng cửa không cho vô nhà, phải ngủ bờ ngủ bụi, không trách nhiệm với gia đình, tổ quốc và có đầy đủ triệu chứng là bị bịnh rồi!

Cũng may là ông ta có rối loạn cá tính của nhóm chưa trưởng thành (immature) ngoại trừ cá tính schizotypal. Nghĩa là ông sẽ trưởng thành theo thời gian. Dường như ông ta đã có triệu chứng trưởng thành gần đây, như lập gia đình với một cô gái người Huế nào đó, và cũng đã có một chút hiểu biết về mình (insight) qua những lời tự nhận xét. Đáng mừng cho ông ta đấy! nhưng cũng còn phải chờ xem...

KẾT LUẬN

VĂN là người. Người sao văn vậy. Người khật khùng thì văn thơ cũng khật khùng. Người loạn trí, rối loạn cá tính, thì văn thơ dị thường quái đản. Điều ấy gần như một định luật. Khi thấy một cái gì dị thường quái đản thì nghĩ ngay đến một người có bịnh tâm thần, một người điên, một người rối loạn cá tính, trước khi nghĩ đến thiên tài hay một sự đùa dai, như trong hài kịch CHỮ NHO của Khái Hưng trong TIẾNG SUỐI REO. Trong đó kể chuyện một anh chàng ưa nói chữ Nho bị bạn chơi xỏ, bằng cách đưa ra một người chẳng ra gì (Ba Ếch) đóng vai ông CỬ, đến gặp. Ba Ếch nói loạn xà ngầu bằng cách ráp chữ vô nghĩa và chữ có nghĩa lại với nhau, làm cho anh ưa nói chữ Nho choáng váng, không biết đâu là thực đâu là giả. Ví dụ: "Dật trở ngôn luận hủy hàm chủng tai, nhi bất khả kết khái chiết triệu giả hồ". Và bảo bốn câu thơ sau đây là của Đỗ Phủ: "Sĩ tiến đâu trừu độc khúc tiêu, lâu khâu nghị luận bột nghê thiều, kỳ sầm hoắc chuyết bào tung sủy, chửng bột văn nhân quách bất siêu." Anh ưa nói chữ Nho cũng khen hay! Cũng như ông A đã xổ tiếng Hy Lạp trước mặt anh sinh viên mù tại Đại học Vạn Hạnh (tr.110,ĐCHMĐHVTMĐ). Ai hiểu được ông nói cái gì? và có nói đúng hay không? nhưng cả hai bên đều đạt được mục đích. Ông A thì thỏa mãn được cá tính của ông, và người sinh viên kia thì tin là mình đã gặp được tôn sư! Hoặc ở những người thiếu tự tin và tự trọng (low self esteem) nhưng lại muốn nổi tiếng, nên hay tìm một người quái đản đã nổi tiếng nào đó để bắt chước. Hoặc có những trường hợp khác mà tôi chưa được biết tới.

Điều tôi mong mỏi khi viết bài nầy là giúp cho người đọc hiểu được vì sao có những bài thơ, những cuốn sách dị thường quái đản, những cuộc đời bất thường và để giúp cho người trẻ tránh đượcsự hiểu lầm và bắt chước tai hại. Họ không phải là thiên tài gì đâu, mà là người điên và người rối loạn cá tính đấy! Biết bao thiên tài, triết gia, bác học, đã sống đã viết rất bình thường và khiêm tốn nữa. Đấy mới thật là thiên tài đáng cho ta bắt chước.

Phung Duc Nguyen, MD

April/25/1993