Đây là thuyết mới trong lãnh vực tôn giáo, không phải Thuyết Tương Đối của Einstein trong lãnh vực khoa học. Thuyết này đang là mối nguy cơ cho đức tin Công giáo, khiến cho nhiều người mất niềm tin. Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã nhiều lần nhắc nhở cho Giáo Hội về nguy cơ này. Thuyết Tương Đối phủ nhận chân lý tuyệt đối, cho rằng tất cả là tương đối. Từ đó người ta cho rằng đạo nào cũng tốt, có thể theo nhiều tôn giáo một lúc cũng chẳng sao. Luân lý không còn tiêu chuẩn để định hướng lương tâm, vì vậy người ta muốn làm gì thì làm, không còn ý thức sự phạm tội nữa.
Để tìm hiểu về lý thuyết này, chúng ta dựa trên bài diễn văn của Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đọc tại buổi họp các Chủ tịch các Ủy Ban Tín Lý của Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh, họp tại Guadalajara, Mexico, năm 1996, khi ngài còn là Hồng Y Ratzinger, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý - Đức Tin của Tòa Thánh Vatican.
Bởi vì chúng ta không phải là những người có hiểu biết nhiều về thần học, nên chúng ta không đi sâu vào các chi tiết chuyên môn, mà chỉ tìm hiểu sơ qua cho biết về những nét chính trong lý thuyết nguy hiểm này mà thôi.
*XXX*
I.- Thuyết Tương Đối trong khoa học.
Trong khoa học thực nghiệm người ta kết hợp khoa tóan học trừu tượng với vật lý học cụ thể để hình thành những lý thuyết về thế giới vật chất. Những lý thuyết này có thể có những ứng dụng hữu ích cho đời sống con người mà cũng có thể đưa đến những ứng dụng tàn phá nguy hiểm cho nhân lọai . Chẳng hạn thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, Archimede của Hy lạp đã khám phá ra sức đẩy của nước và được ứng dụng vào việc chế tạo thuyền bè. Vào thế kỷ 17, Isaac Newton (1642-1727) đã tìm ra thuyết Sức hấp dẫn của vạn vật để tính được những chuyển động của các thiên thể trong vũ trụ ; sự tổng hợp các mầu sắc trong ánh sáng trắng, anh sáng gồm những phân tử, thuyết lượng tử… Newton đã giải thích rõ về sức hấp dẫn của trái đất khiến các vật thể đều rơi xuống. Những tính tóan của Newton đã được ứng dụng vào ngành khoa học không gian, phóng vệ tinh, thám hiểm mặt trăng…
Albert Einstein (1879- 1955) gốc Do thái, sinh tại Đức, sang Thụy sĩ học trung học, mang quốc tịch Thụy sĩ, đưa ra thuyết Tương Đối vào năm 1905, giải thích hiệu quả của điện quang (photoelectric effet) và nghiên cứu về chuyển đông của nguyên tử. Năm 1914 trở thành công dân Đức, đọat giải Nobel về vật lý năm 1921. Thời Đức quốc xã, Einstein trốn khỏi nước Đức, trở thành công dân Hoa kỳ năm 1940. Năm 1939, Einstein dưới sức ép của một số khoa học gia đã viết thư cho tổng thống Roosevelt của Hoa kỳ đề nghị chế tạo bom nguyên tử. Ông cũng nghiên cứu về thuyết lương tử. Thuyết Tương Đối của Einstein nói về thời gian, theo đó thời gian tùy thuộc vào chuyển động, có nghĩa thời gian chỉ là tương đối. Nếu một đồng hồ đặt trong một con tầu chạy nhanh bằng tốc độ ánh sáng thì đồng hồ đó sẽ đứng yên. (Các đồng hồ trong các tiệc cưới của người Việt Nam sống tại Hoa Kỳ thường chạy rất chậm, chậm hơn ít là 3 tiếng. Giấy mời nói khai mạc lúc 5 giờ chiều nhưng phải đến 8 giờ mới bắtc đầu). Công thức nổi tiếng của Einstein :
E = mC 2 (bình phương) . E là năng lương, m là khối lương vật chất, C là vận tốc ánh sáng (300.000km/s) Con số bình phương của vận tốc ánh sáng thật là khủng khiếp. Một vật chuyển động càng nhanh thì động năng cung cấp cho nó càng lớn. Động năng cung cấp cho vật thể đã tích tụ dưới dạng khối lượng, như vậy năng lượng là khối lượng, và khi khối lượng phân tán sẽ cho trở lại năng lượng. Lý thuyết này đúng vì trái bom nguyên tử của Mỹ (khi đó còn là lọai tý hon) thả ở Hiroshima và Nagasaki, Nhật bản, tháng 8 năm 1945, đã giết chết 230.000 người trong nháy mắt, cả thành phố biến thành tro bụi. Đó là năng lương phát ra khi phá hủy nguyên tử của chất uranium.
II.- Thuyết Tương Đối trong tôn giáo ngày nay.
Giáo Hội do Chúa Kitô thiết lập, trải qua 2000 năm, đã nhiều phen phải đương đầu với những " bè rối ", tức là những nhóm người theo một lý thuyết nào đó tách rời khỏi Giáo Hội, kêu gọi một số người khác theo mình để chống lại Giáo quyền. Trong thế giới đương đại, những thế lực đi sai đường lối Giáo hội hay đứng ngòai Giáo hội có chủ trương chống phá Giáo Hội có thể kể ra thuyết Mac xít và Thần học Giải phóng. Thuyết Mác xít chống lại tôn giáo nói chung và chống lại văn minh Kitô giáo, văn minh Âu châu. Thuyết Mác xít hình thành đảng Cộng Sản, chiếm được chính quyền Nga, tạo ra đế quốc Đông Âu và một số chư hầu khác, có âm mưu thôn tính tòan thế giới. Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, tại châu Mỹ la tinh đã nổi lên thuyết Thần Học Giải Phóng, một lý thuyết dựa trên chủ thuyết Mac xít, dùng danh từ Giải Phóng thay cho danh từ Cứu Độ trong truyền thống của Giáo Hội Công Giáo. Lý thuyết này cho rằng chúng ta đang sống trong một thế giới mà con người không còn sống trong sự tốt lành của Thiên Chúa. Nghèo đói, áp bức, bất công, những người tốt lành, vô tội phải chịu đau khổ. Do đó Thần Học Giải Phóng cho rằng không thể để hòan cảnh này tiếp diễn, phải thay đổi các cơ cấu chính trị của thế giới này, một cơ cấu do tội lỗi và sự dữ mà ra. Nếu tội lỗi còn đầy trong các cơ cấu chính trị, từ đó chúng âm mưu gây nên sự nghèo đói thì phải lật đổ chúng bằng những cuộc đấu tranh chính trị, việc ăn năn cá nhận không đủ. Như vậy việc cứu độ trở thành một tiến trình chính trị được thuyết Mác xít hướng dẫn. Đức Tin, theo Thần Học Giải Phóng trở thành thực hành, những công tác mà người giáo dân phải nhận lãnh, nó trở thành niềm hy vọng thực tiễn, một hành động cứu độ cụ thể trong tiến trình giải phóng.
Sự sụp đổ của Cộng sản ở Nga và Đông Âu khiến cho thuyết Cứu độ Chính trị thực hành bị lu mờ. Khi các thể chế chính trị muốn đem lại sự cứu độ, làm công việc của Thiên Chúa, thì thực sự chúng lại trở thành ma quỉ. Sự tàn ác của chế độ Cộng Sản bây giờ được phơi bầy trước lương tâm nhân lọai. Chiến tranh thế giới lần thứ hai làm chết 60 triệu người thì chế độ Cộng sản tại các nước đã tiêu diệt 100 triệu người. Cộng Sản cho rằng mình đã thay thế tôn giáo bằng một nền chính trị thực hành dựa trên khoa học (khoa kinh tế chính trị học theo K. Marx) . Sự thất bại của một hệ thống duy nhất dựa vào khoa học để giải quyết những khó khăn của nhân lọai đã đưa đến thuyết Tương Đối .
1/ Thuyết Tương Đối, một triết lý đang lên .
Thuyết Tương Đối trở thành vấn đề chính của Đức Tin, được trình bầy như một lập trường dứt khóat qua những quan niệm : sự khoan dung và sự hiểu biết nhờ đối thọai và tự do . Thuyết Tương Đối trở thành nền tảng triết học cho nền dân chủ . Trong thực tế tất cả mọi phương cách đều chỉ là những mảnh vụn của một cố gắng đạt đến điều tốt hơn. Một hệ thống tự do phải là một hệ thống mà các vị trí được liên kết với nhau vì chúng tương đối và lệ thuộc vào các hòan cảnh lịch sử, sẵn sàng đón nhận những diễn biến mới, cho nên một xã hội tư do phải là một xã hội tương đối. Từ đó mới có tự do và sẵn sàng cho tuơng lai.
Trong phạm vi chính trị, không có chính kiến nào hòan tòan đúng. Điều tương đối : sự tự do chung sống giữa người dân, không thể là điều tuyệt đối. Đây là sai lầm của lý thuyết Mac xít và các nền thần học chính trị. Không phải tất cả mọi sự trên chính trường đều có thể đạt được với thuyết Tương Đối hòan tòan. Có những điều bất công không bao giờ trở thành công chính, chẳng hạn sự giết người vô tội, từ khước quyền sống xứng đáng với nhân phẩm của một cá nhân hay một nhóm người . Trái lại, có những điều công chính không bao giờ trở thành bất công . Thuyết Tương Đối phát xuất từ thế giới Tây phương với các dạng tư tưởng triết học của nó, đàng khác nó lại liên kết với các thể chế triết học và tôn giáo Á châu, đặc biệt là Ấn Độ, làm nên thần học đa nguyên về tôn giáo và được khai triển dần dần từ thập niên 50, dần dần thay thế vị trí của Thần học Giải phóng, ở dạng mập mờ và hiện diện trong những lãnh vực khác nhau của nền văn hóa, cố tạo cho mình một hình thức canh tân. Khó có thể trình bầy các đặc tính của nó một cách gọn gàng.
2/ Thuyết Tương Đối trong thần học : hạ giá Kitô học .
Người sáng lập : Mục sư Tin Lành, phái Presbyterian Hoa Kỳ, John Hick, dựa trên triết học của Kant : hiện tượng và bản thân của vật tính. Chúng ta không nắm được chân lý tối hậu mà chỉ bóng dáng của chân lý bằng cách nhận thức qua những lăng kính (hay phạm trù, categories) khác nhau. Điều chúng ta nắm được chỉ là sự suy nghĩ theo mức độ của chúng ta, không phải là thực thể đúng nghĩa .
Ông Hick hình thành quan niệm này trong phạm vi Kitô học, sau khi ở Ấn Độ một năm. Ông cho rằng chỉ Đức Giêsu Nazaret, nhân vật lịch sử là có thật. Còn Thiên Chúa hằng sống chỉ là huyền thọai. Chúa Giêsu trở thành một lãnh tụ tôn giáo giữa những lãnh tụ khác. Đấng tuyệt đối không thể vào lịch sử, nhưng chỉ có các kiểu mẫu, các hình thức tư tuởng nhắc nhở cho chúng ta về điều mà chúng ta không bao giờ hiểu rõ được. Vì thế những quan niệm như Hội Thánh, Tín điều, Bí tích phải mất đi tính cách vô điều kiện, nghĩa là không cần thiết. Như vậy là nâng mình lên ngang hàngh với Thiên Chúa, làm mất đi tính cách vô cùng của Thiên Chúa.
Việc xác tín rằng có một chân lý vững chắc trong lịch sử nơi nhân vật Giêsu Kitô và đức tin của Hội Thánh được ông Hick coi là chủ thuyết cơ bản tấn công thực sự vào tinh thần hiện đại, đe dọa chính cho sự tốt lành tối thượng của thời hiện đại, thí dụ : sự khoan dung và tự do.
Khái niệm đối thọai, trong truyền thống Plato và Kitô, bị thay đổi ý nghĩa, trở thành tinh hoa của bản tuyên xưng đức tin của phe Tương Đối, chống lại sự hóan cải và truyền giáo (Kitô giáo). Theo đó, đối thọai là đưa lập trường, đức tin của mình ra ngang hàng với mức độ xác tín của người khác, không coi lập trường của mình đúng hơn của người khác . Chỉ khi đó mới có đối thọai (theo thuyết Tương Đối). Chỉ bằng cách này mới có sự hợp tác và hợp nhất giữa các tôn giáo khác nhau. Như vậy thuyết Tương Đối phân hủy môn Kitô học, nhất là Hội Thánh học, thuyết này trở thành điều luật chính cho tôn giáo. Ông Hick cho rằng tin vào thiên tính của một con người cụ thể (ám chỉ Chúa Giêsu) đưa đến chủ nghĩa quá khích, tách rời đức tin ra khỏi đức ái, đó chính là điều phải vượt qua.
3/ Dựa vào các tôn giáo Á châu .
Tư tuởng của ông Hick, tiêu biểu nhất cho chủ thuyết Tương Đối về tôn giáo, có một sự gần gũi giữa nền thần học hậu siêu hình của Âu châu và nền thần học yếm thế của Á châu. Đối với Á châu, thần linh không thể lộ ra thế giới bên ngòai nơi chúng ta đang sống, nhưng luôn tỏ lộ trong những suy tư liên hệ, và vẫn ở ngòai thế giới.
Hai nền triết học khác nhau tận căn bản, nhưng theo thuyết Tương Đối chúng lại bổ túc cho nhau. Thuyết Tương Đối vô tôn giáo và thực dụng của Âu Mỹ có thể được tôn trọng bởi các tôn giáo từ Ấn độ, là nơi có vẻ đề cao việc khước từ các tín điều trước mầu nhiệm của Thiên Chúa và của con người.
Còn tư tưởng Âu Mỹ thì củng cố cho cái nhìn triết học và thần học Ấn Độ về tính tương đối của tất cả các hình thức tôn giáo của Ấn độ. Theo đó nền thần học Kitô giáo của Ấn độ cũng phải lấy hình ảnh Đức Kitô từ vị trí độc nhất, được coi là thuần Tây phương xuống để đặt ngang hàng với những đấng cứu độ trong thần thọai Ấn độ (thần voi Ganesa, thần điểu, thần rắn …) Chúa Giêsu lịch sử trở nên không hơn gì các nhân vật cứu độ khác trong lịch sử… Như vậy thuyết Tương Đối trở thành triết lý chính hiệu của nhân lọai, và có sức mạnh vô địch. Ai chống lại nó là chống lại dân chủ và khoan dung, một nhu cầu căn bản của cộng đồng nhân lọai (theo thuyết Tương Đối).
4/ Tính chính thống (Orthodoxy) và tính chính hành (Orthopraxis)
Trong thuyết Tương Đối về tôn giáo của ông Hick, tôn giáo có nghĩa là đi từ sự từ bỏ mình để đi đến thực tại như là sự hiện hữu của một con người mới, là những kẻ lân cận của mình. Như vậy thì không cần đến tôn giáo. Đây là một lối lập luận ngây ngô, khiếm khuyết. Vì thế mà cựu linh mục Công giáo Paul Knitter đã đưa ra một tổng hợp mới cụ thể hơn và có nội dung phong phú hơn giữa Á châu và Âu châu, bằng cách liên kết thần học đa tôn giáo với các thuyết thần học giải phóng. Đối thọai tôn giáo dựa trên nguyên tắc : tính chính hành (orthopraxis) ưu việt hơn so với tính chính thống (orthodoxy), việc làm có giá trị hơn kiến thức. Tri dị hành nan. Đây là gia sản do thuyết Mac xít để lại, khi Mac xít rút ra từ sự chối bỏ siêu hình học để đi đến hành động (praxis). Knitter xác quyết rằng : không thể biết Đấng Tuyệt Đối, nhưng có thể tạo ra Đấng ấy. Nhưng nếu đã không biết Đấng Tuyệt Đối thì làm sao biết được thế nào là công chính tuyệt đối. Thất bại của chế độ Cộng Sản là muốn thay đổi thế giới (cách mạng) nhưng không biết điều gì tốt và điều gì không tốt cho thế giới mới, thay đổi thế nào, theo chiều hướng nào? Chủ trương của Cộng Sản là cứ làm đi (praxis) rồi sẽ có kết quả. Vì vậy mà Nga sô đào tạo kỹ sư chỉ cần theo nhu cầu số lượng, không cần chất lượng. Trung Cộng dưới thời Mao Trạch Đông có phong trào thi đua chế tạo gang thép bằng cách làm các lò nung bằng đất đắp ngay ngòai đồng ruộng. Ở Bắc Kinh có thời nhà nước bắt tất cả dân chúng ra ngòai đường lúc 8 giờ sáng, mỗi người cầm một cái nồi hay mâm đồng và cây củi để đập vào nồi gây tiếng động trong nhiều tiếng đồng hồ để đuổi chim sẻ, vì lý luận rằng mỗi con chim sẻ chì ăn một nhúm thóc thì hàng triệu chim sẻ tại thành Bắc kinh ăn hết bao nhiêu tấn thóc. Vì vậy gây tiếng động để không cho chim sẻ đáp xuống đất, chúng bay mãi sẽ yếu sức mà chết. Kết quả là chim sẻ chết nhiều, nhưng sâu bọ làm hại cây hại lúa lại tăng nhiều hơn.
Ta thử xét xem khái niệm chính hành là gì? Các tôn giáo của Ấn Độ nói chung không có tính chính thống mà chỉ có chính hành. Các tôn giáo Ấn Độ không có một giáo lý chung và phổ cập, và không cần chấp nhận một cách tuyên xưng đức tin nào để được thuộc về các tôn giáo này. Nhưng các tôn giáo này có một hệ thống nghi thức mà họ coi là cần thiết cho việc cứu độ.
Trong các tôn giáo Ấn Độ, người tín hữu của họ ít hiểu biết về tôn giáo của họ nhưng tuân hành cách kỹ lưỡng một nghi lễ mà người ấy phải theo cả đời. Orthopraxis ở đây có nghĩa là luật về các nghi lễ.
Trong các Giáo Hội Công Giáo thời sơ khai, orthodoxy, doxa, được hiểu là vinh quang, làm vinh danh. Orthodox, chính thống, có nghĩa là biết và thi hành con đường đúng mà Thiên Chúa muốn Ngài được vinh tụng. Nó ám chỉ sự sùng kính, và dựa vào sùng kính mà sống.
Trong phái Tương Đối, orthopraxis không mang ý nghĩa nghi thức nữa, không còn liên hệ với quan niệm của Ấn độ giáo. Ỡ đây praxis được hiểu theo nghĩa luân lý hay chính trị. Nhưng trong nghĩa luân lý thì đối với những người theo thuyết Tương Đối, luân lý không được đề cập đến, vì không còn vấn đề tốt hay xấu để mà bàn. Nếu hiểu theo nghĩa xã hội hay chính trị thì các môn phái Thần Học Giải Phóng xác tín rằng chủ nghĩa Mác xít vạch cho họ thấy rõ hành vi chính trị tốt là gì. Trong trường hợp này thì nó là một phương thức về chính hành được đưa ra cho mọi người, là đem cộng đồng lại với nhau, và phân biệt nó khỏi những người không thuộc phe của mình. Orthopraxis theo nghĩa của thuyết Tương Đối hiện đại thì đó là một khuôn khổ, giả thuyết bắt buộc về con đường đưa đến tự do. Nhưng tất cả mọi thuyết Tương Đối đều đi đến một tình trạng không bó buộc, vì thế trở thành hời hợt. Thực ra các quan niệm Thần Học Giải Phóng của Á châu ngày nay cũng đề ra những hình thức Kitô giáo được coi là thích hợp với tinh thần Á châu, và họ đặt các sinh họat tôn giáo vào phạm vi chính trị : chính trị được biến thành tôn giáo (Hồ Chí Minh trở thành Phật, và được thờ trong chùa). Điều này trái ngược hòan tòan với quan điểm tôn giáo nguyên thủy của Á châu. Khi mà mầu nhiệm không còn giá trị thì chính trị được biến thành tôn giáo.
5/ Phái Thời Mới (New Age)
Thuyết Tương Đối của Hick và Knitter dựa trên thuyết Duy Lý (Kant) tuyên bố rằng lý luận không thể có nhận thức siêu hình. Nền tảng của tôn giáo hình thành nhờ đi theo một đường lối thực tiễn có nhiều hậu quả luân lý hay chính trị. Tuy nhiên cũng có những môn phái chống lại thuyết Tương Đối cho tất cả là tương đối . Đó là phái Thời Mới, (Time of Waterman) do Raul Le Cour, Alice Bailey đưa ra vào năm 1945, nói về một trật tự mới và một tôn giáo mới trên thế giới, kết quả của việc trộn lẫn những yếu tố của Do Thái giáo và Kitô giáo trong tiến trình thế tục hóa với những yếu tố Ngộ Đạo .(Ngộ Đạo,Gnosticisme, là lạc giáo xuất hiện vào thế kỷ 2, thời Giáo Hội sơ khai, là một giáo phái trộn lẫn những tôn giáo Hy lạp, Ai cập, Ba tư … tin rằng con người có gốc thần linh, như các thần được diễn tả trong thần thoại Hy lạp …) Trong phái này có một kiểu thần bí tân thời. Không cần tin có Đấng Tuyệt Đối, nhưng cần cảm nghiệm Ngài. Thiên Chúa không phải là một vị cần phải được phân biệt với thế gian, nhưng là một năng lực thiên nhiên hiện diện trong vũ trụ. Tôn giáo có nghĩa là hòa hợp chính mình với tòan thể vũ trụ. Cứu độ được tìm thấy trong việc mình được thả lỏng. Người ta tìm kiếm trạng thái xuất thần, sự say sưa trong vô cùng mà chúng ta có thể cảm nghiệm được trong âm nhạc, vũ điệu, những ánh sáng cuồng lọan và những bóng tối ngất ngây và trong đám đông nhân lọai.
Đây là sự chối từ chính con người. Các thần minh trở lại. Chúng trở thành đáng tin hơn Thiên Chúa. Các nghi thức tôn giáo thời sơ khai được canh tân, cá nhân được tháp nhập vào tòan thể và được tự giải phóng. Người ta tái lập các tôn giáo và văn hóa "Tiền Kitô". Từ đó Kitô giáo chỉ là một cái gì được nhập cảng từ bên ngòai, một tinh thần đế quốc cần phải cương quyết lọai trừ, như lọai bỏ các nền chính trị đế quốc .
Nếu không có sự tiếp xúc của Thiên Chúa với con người trong các bí tích thì các bí tích chỉ là những nghi lễ trống rỗng, chẳng có ích gì cho con người. Từ đó đi đến việc tìm kiếm sự say sưa xuất thần mà đam mê của nó có thể biến đổi chúng ta trong giây phút thành các thần minh, cho chúng ta cảm thấy trong chốc lát niềm vui của sự vô hạn. Nếu sự tuyệt đối của chính trị càng phát triển mạnh thì sự hấp dẫn của những điều vô lý và sự từ chối sự thật trong đời sống hàng ngày sẽ ngày càng mạnh hơn.
6/ Chủ nghĩa Thực Dụng với đời sống hàng ngày của Giáo Hội.
Những giải pháp cấp tiến và chủ nghĩa thực dụng của phái Thần Học Giải Phóng đã phát sinh một chủ nghĩa Thực dụng Xám của đời sống hàng ngày của Giáo Hội, trong đó mọi sự dường như vẫn tiếp tục như thường, nhưng thực sự thì đức tin đã bị tiêu hao và hầu như trở thành vô nghĩa . Theo Đức Hồng Y Ratzinger, có 2 hiện tượng đáng lo ngại :
a/ Chủ trương đưa nguyên tắc đa số vào Đức Tin và phong tục. Kết quả là dân chủ hóa Hội Thánh. Những điều phải tin là những điều không hiển nhiên đối với đa số. Một đức tin mà chúng ta có thể quyết định (theo đa số) thì không còn phải là Đức Tin tuyệt đối nữa. Đức Tin cùng với cách sống đức tin phải là từ Chúa mà đến qua Hội Thánh và tác vụ bí tích. Nếu không, Đức Tin đó sẽ không hiện hữu cách tuyệt đối. Nhiều người bỏ đức tin vì họ coi nó như được định đọat từ những nhu cầu, giống như chương trình của các đảng phái. Người có quyền là người quyết định những điều nào là thành phần của Đức Tin. Như thế trong Hội Thánh điều quan trọng là là làm sao nắm được quyền bính, mà nếu không nắm được thì tốt hơn là hãy bỏ Đức Tin.
b/ Phụng vụ . Các giai đọan khác nhau của canh tân phụng vụ đã làm cho nhiều người đưa ra ý kiến là người ta có thể tự ý thay đổi phụng vụ. Tất cả có thể thay đổi được, trừ lời Truyền Phép.
Theo khuynh hướng của chủ nghĩa duy lý và đạo đức của thập niên 70 và 80 (thế kỷ trước) thì ngày nay người ta nhàm chán phụng vụ thuần túy và đọc ra tiếng, mà tìm một thứ phụng vụ sống động, rất gần gũi với phái Thời Mới, tìm những gì mê mẩn và ngất ngây chứ không tìm sự thờ phương hợp lý.
Trong các cộng đồng đang có khuynh hướng này. Vì lý do đó chúng ta cần phải cảnh giác để không đi vào trường phái tin vào một Tin Mừng khác với Tin Mừng mà Chúa đã ban cho chúng ta .
7/ Đức Tin và lý trí.
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao có nhiều người tìm các đi ra khỏi con đường của Giáo Hội đã đi qua 2000 năm lịch sử : Thánh Thiện, Công Giáo, Tông Truyền? Các trường phái Thần Học Giải Phóng, Tương Đối, Thời Mới đều tỏ ra lúng túng và không giải đáp được ước muốn cải cách của họ, đáp ứng được yêu cầu của những người không còn muốn tin vào tín lý truyền thống của Giáo Hội nữa ?
Tại sao Thần học Cổ điển bất lực trước những điều đang xẩy ra? Yếu điểm của nó là gì ?
Theo Đức Hồng Y Ratzinger, tức là Đức Thánh Cha Biển Đức 16, thì đó là vì tất cả họ đều thiếu niềm tin vào Đức Kitô.
Hick và Knitter đã tham kiến các nhà Chú giải Thánh kinh. Những người này cho rằng Chúa Giêsu đã không bao giờ tuyệt đối coi mình là Con Thiên Chúa hay Thiên Chúa nhập thể, nhưng sau đó chính các Môn Đệ của Người đã từ từ dựng nên chuyện đó. Hick và Knitter cũng dựa vào triết lý của Kant, cho rằng người ta không thể nhận diện được Đấng Tuyệt Đối trong lịch sử. Cơ cấu nhận thức của chúng ta không thể nào chứng minh những gì mà đức tin Kitô giáo xác tín.Do đó các mầu nhiệm, phép lạ, bí tích đều là mê tín dị đoan.
Theo Đức Thánh Cha Biển Đức 16 thì Hick và Knitter không thể được chống đỡ bằng các chú giải Thánh Kinh nói chung, như là có một kết luận rõ ràng mà mọi người đều đạt đến. Điều này không xẩy ra được trong nghiên cứu lịch sử, vì không thể có một thứ chắc chắn như vậy, và lại càng không thể xẩy ra được đối với những vấn đề không hòan tòan chỉ thuộc về lịch sử và văn chương, có giá trị vượt tầm mức của quá khứ và giải thích bản văn. Giả sử các nhà chú giải Thánh Kinh đều nghĩ như nhau thì lấy gì làm căn bản cho đa số ấy? Các nhà chú giải Thánh Kinh nghĩ như Hick và Knitter vì họ có cùng quan điểm triết học. Chính triết học đã đã phát sinh ra các nhà chú giải Thánh Kinh. Các nhà chú giải Thánh Kinh không thể khám phá điều gì không phải là sự thật trong các Sách Thánh, nếu họ đã biết trước là Chúa Giêsu không thể là Thiên Chúa, vá các bí tích, phép lạ chỉ là mê tín dị đoan. Phương pháp phân tích lịch sử là cách để biết về quá khứ mà thôi. Người ta phải giả sử rằng lịch sử đồng nhất trên nguyên tắc. Nhưng con người và thế giới rất đa dạng, không thể bị định đọat bởi các định luật và giới hạn. Các nhà chú giải Thánh Kinh không đem Thánh Kinh đến cho tôi hôm nay,. trong cuộc đời này, mà chỉ trình bầy Thánh Kinh hòan tòan trong quá khứ. Nếu trung thành với phương pháp này thì chỉ cò thể cho chúng ta thấy Đức Kitô trong quá khứ mà không bao giờ có thể cho chúng ta thấy Đức Kitô của hôm qua, hôm nay, và mãi mãi .
Vấn đề của việc giải thích Thánh Kinh là nó nối kết với vấn đề của triết học. Nhưng lý luận thực chứng đã khiến cho Đức Tin trở nên nghèo nàn. Nếu siêu hình học còn bị đóng lại, nếu triết lý của Kant không thể vượt qua được thì Đức Tin sẽ trở nên hao mòn. Không thể lấy triết lý độc lập với Đức Tin làm nền tảng cho Đức Tin, bởi vì triết học luôn thay đổi. Nhưng ngược lạ cũng sai lầm khi cho rằng Đừc Tin là một sự ngược đời thuần túy chỉ có thể hiện hữu ngược với lý trí và không lệ thuộc vào lý trí. Đức Tin không chống lại lý trí, không ở ngòai lý trí, nhưng nó làm cho lý trí được hòan bị. Đức Tin và Triết học cần hỗ trợ cho nhau. " Lý trí sẽ không cứu được (con người) nếu không có Đức Tin, nhưng Đức Tin không có lý trí sẽ không phải là con người " .
8/ Thay cho kết luận, triền vọng của Đức Tin.
Trong thế kỷ 20, thuyết Tương Đối của Einstein trong lãnh vực khoa vật lý học được coi là vô địch, là chân lý chắc chắn. Nhưng thời gian đã trả lời khác hẳn. Ngày nay thuyết Tương Đốti của Einstein đã bị các thuyết khác qua mặt. Theo thuyết Tương Đối, Einstein chứng minh rằng vũ trụ đứng yên và có kích thước không thay đổi. Năm 1922, Alexandre Friedman sóat lại các phương trình tóan học của Einstein và tìm ra trong đó một con tóan đại số sai. Sau khi sửa lại, Friedman nhận thấy rằng cơ cấu của vũ trụ hòan tòan biến đổi khác hẳn. Vũ trụ sống động chứ không đứng yên, nó có thể bành trướng hay co rút lại. Điều này trùng hợp với kết quả thu được bởi Edwin Hubble khi dùng kính quang phổ phân tích ánh sáng phát ra từ các tinh vân, các đảo trong vũ trụ. Ông nhận thấy 80% các thiên thể cho một quang phổ mà các vạch di chuyển về phía hồng nội tuyến. Điều này chứng tỏ các nguồn áng sáng đang chuyển động xa dần địa cầu. Các tinh vân, thiên hà càng ở xa thì vận tốc di chuyển càng lớn. Tức là vận tốc bành trướng của vũ trụ tăng theo khỏang cách.
Hiện nay đường kính vũ trụ tăng thêm 25 triệu km trong một giây đồng hồ (25.000.000km/s) . Và trong một tỷ năm tới vũ trụ sẽ gấp đôi bây giờ. Vậy khi mới thành hình vũ trụ chỉ là một khối duy nhất và cuộc bành trướng đã khởi đầu cách nay khỏang 15 tỷ năm.
Với thời gian tìm tòi nghiên cứu, sau Einstein đã có thuyết Le Maitre, thuyết Tolman, thuyết Hoyle Narlikar đưa ra các lối giải thích khác về vũ trụ.
Thí dụ thuyết của Fred Hoyle và Jayant Vichnou Narlikar cho rằng tất cả các vật chất trong vũ trụ, dù nhỏ đến đâu, đều có một sự liên hệ mật thiết với nhau. Nếu lọai bỏ các ngôi sao gần mặt trời thì chuyển động của trái đất sẽ thay đổi rất nhiều, do sự biến đổi của khối lượng mặt trời. Thuyết này đưa đến một ý niệm : vũ trụ hiện thời và các yếu tố vật lý như năng lượng, lực hấp dẫn, cường độ sáng của tinh tú, v.v…đều tùy thuộc các cơ cấu kiến trúc tổng quát của vũ trụ.
Giả sử phân nửa số lượng vật chất, hành tinh, tinh tú trong không gian biến mất thì chuyện gì sẽ xẩy ra ?
Theo Newton và Einstein thì không có gì xẩy ra cả. Nhưng theo Hoyle – Narlicar thì mặt trời sẽ hút các hành tinh hai lần mạnh hơn và phát ra sức nóng gấp trăm lần. Trái đất sẽ bị cháy bùng lên rồi tan thành hơi. (Đó là ngày tận thế ?)
Thuyết Tương Đối của Hick về tôn giáo cũng sẽ bị vượt qua, bị đào thải.
Đức Hồng Y Ratzinger cho rằng trong tình trạng văn hóa ngày nay, thực sự chỉ nhờ phép lạ mà chúng ta vẫn còn Đức Tin Kitô, bất chấp mọi sự, một Đức Tin trọn vẹn, trong sáng của Tân Ước và của Hội Thánh trong mọi thời đại. Bởi vì Đức Tin hòa hợp với bản chất con người .
Trong con người có một khao khát sự vô biên mà không ai có thể dập tắt được. Người ta đã thử rất nhiều, nhưng không một câu trả lời nào có thể thỏa mãn được sự khao khát này. Chỉ có chính Thiên Chúa là Đấng trở thành hữu hạn để mở sự hữu hạn của chúng ta ra, và dẫn chúng ta đến chiều rộng của sự vô biên của Ngài để trả lời về sự hiện hữu của chúng ta. Vì lý do này mà Đừc Tin Kitô cũng tìm được con người ngày nay. Nhiệm vụ của chúng ta là phục vụ Đức Tin với một tinh thần khiêm nhường, hết lòng, hết sức và hết trí khôn của chúng ta .
Seattle, 20-6-2009.
ĐĐP.