Cuộc Nổi Dậy Bên Bờ Sông Nil

Dòng sông Nil chảy dọc đất nước Ai cập từ Bắc xuống Nam, là dòng sông quan trọng, thủy lộ giao thông đường sông chính xuyên qua suốt đất nước Ai Cập. Thủ đô Cairo của Ai Cập nằm phía tả ngạn dòng sông Nil.

Sông Nil cùng với những Kim Tự Tháp hùng vĩ ẩn chứa những kho tàng bí mật huyền bí của các triều đại Vua Pharao hằng ngàn năm trước Công Nguyên, đã trở thành những hình ảnh biểu tượng của đất nước Ai Cập.

Từ 14.10.1981 đến 12.02.2011 Ông Mubarak lên cầm quyền hành chính trị, cai trị đất nước theo phương pháp dân chủ độc tài, do đảng của ông nắm giữ hết quyền hành ở Quốc Hội và cả Quân đội.

30 năm cai trị đất nước theo chính sách đè bẹp áp chế tự do, kiểm soát mọi sinh hoạt chính trị văn hóa, để cho phe cánh ủng hộ chính quyền lộng hành tham nhũng. Do đó đời sống đại đa số người dân bị thiệt thòi lâm cảnh nghèo túng.

Do ảnh hưởng thành công của cuộc cách mạng Hoa Nhài ở Tunesien ngày 13.01.2011, khiến Tổng Thống độc tài Ben Ali sau 23 năm cai trị đất nước Tunesien đã phải từ chức trốn chạy tỵ nan sang Arab Saudi. Dân chúng Ai Cập, đại đa số những người trẻ tuổi đã kéo nhau xuống đường biểu tình ở thủ đô Kairo đòi Tổng Thống Mubarak phải từ chức, yêu cầu cải tổ sinh hoạt chính trị trong nước về kinh tế, văn hóa.

Diễn tiến cuộc biểu tình của dân chúng Ai Cập lật đổ chế độ Tổng thống Mubarak từ ngày 25.01 đến ngày 12.02.2011:

1. Ngày 25.01.2011 hàng ngàn vạn lớp người trẻ Ai Cập đã tụ tập ở thủ đô Kairo và những thành phố lớn như Alexandria, Suez, nêu yêu sách đòi Tổng Thống phải từ chức, kêu gọi người dân trong nước nổi dậy làm cuộc cách mạng chống tham nhũng, chống nghèo đói, chống nạn thất nghiệp, chống tra tấn hành hạ. Những ngày trước đó hai người thanh niên ở thủ đô Kairo và thành phố lớn Alexandria đã tự thiêu châm ngòi lửa cách mạng chống chính phủ.

Ngọn lửa nổi dậy làm cách mạng lan tràn nhanh chóng trong khắp nước Ai Cập từ ngày này, bắt đầu còn hòa hoãn nhưng dần dần xảy những xô xát gây đổ máu giữa người biểu tình và phe theo chính phủ.

2. Ngày 26.02.2011 đoàn người biểu tình bất chấp lệnh giới nghiêm, luật cấm biểu tình tuần hành, họ càng kéo đến đông hơn đi biểu tình ngoài đường phố. Bộ máy chính quyền công an cảnh sát phản ứng bạo tàn, họ phun xịt hơi cay, ngạt, dùng gậy dùi cui tấn công, nhằm giải tán người biểu tình.

3. Ngày 27.01.2011 bạo lực leo thang mạnh hơn, những người biểu tình chống chính phủ tấn công đồn cảnh sát, đốt trạm cứu hỏa, cướp khí giới chống lại cảnh sát. Trong ngày hôm đó Tiến sĩ El Baradei, một người Ai Cập đã được giải thưởng Hòa Bình Nobel năm 2005, Ông cũng là một nhà ngoại giao lão thành của Ai Cập, nhưng Ông thuộc phe đối lập chống chính phủ, đã trở về dẫn đầu đoàn biểu tình ở thủ đô Ai Cập.

4. Ngày 28.01.2011 sau buổi cầu nguyện ngày Thứ Sáu của người Hồi Giáo ở đền thờ, đoàn người biểu tình lại kéo nhau xuống đường biểu tình. Họ hô hoán dùng đá gậy ném vào cảnh sát gây ra cảnh xô xát. Cảnh sát dùng hơi cay phun xịt và bắn đạn cao su trả đũa lại. Chính phủ cắt đứt ngăn cản mọi phương tiện truyền thông Internet cùng điện thoại di động, với mục đích bưng bít thông tin gây cản trở khó khăn cho những người biểu tình. Ông El Baradei bị cô lập giam lỏng ở nhà không cho đi ra ngoài.

Lớp người biểu tình kéo đến càng đông hơn lên tới hơn 100.000 người.

5. Ngày 29.01.2011 xảy ra những vụ đập phá cướp bóc các cửa hàng, nhà cửa ở thủ đô Kairo. Nhiều khu phố không còn an ninh trật tự nữa, dân chúng phải tự thành lập đội ngũ nhân dân tự vệ kiểm soát giữ an ninh cho khu phố mình đang ở.

Để làm dịu bớt tình hình căng thẳng, Tổng Thống Mubarak cải tổ chính phủ: bổ nhiệm Ông Suleima làm Phó Tổng Thống, Ông Scharif làm tân Thủ Tướng.

Chính phủ các nước ngoại quốc như Đức, Pháp, Anh phê bình cho cải tổ như thế là chưa đáp ứng đủ yêu sách của người dân, và yêu cầu chính phủ của Tổng Thống Mubarak chấm dứt tình trạng dùng vũ khí đàn áp người dân không có vũ khí trong tay. Số người bị chết do đàn áp trong thủ đô Kairo lên tới 100 người.

6. Ngày 30.01.2011 càng ngày càng có nhiều vụ đốt phá cướp bóc trong thủ đô, nên quân đội được điều động đến giữ an ninh trật tự ở các thành phố lớn trong nước. Trên bầu trời thủ đô Kairo máy bay phản lực bay với tọa độ thấp, mục đích uy hiếp tinh thần người biểu tình. Nhưng họ kiên cường không để bị đe dọa làm nản chí, mà vẫn đòi hỏi Ông Mubarak phải từ chức. Ông El Baradei thoát vòng kiểm tỏa, đi ra khỏi nhà dẫn đầu đoàn người biểu tình chống chính phủ Mubarak.

Những chuyến bay đầu tiên của các hãng hàng không ngoại quốc bắt đầu di tản kiều dân ngoại quốc ra khỏi Ai Cập.

7. Ngày 31.01.2011 Tổng Thống Mubarak cải tổ nội các, thay thế Bộ Trưởng Nội vụ Habib Al Adli, người mà bị những người biểu tình chỉ trích nặng nề. Phó tổng thống Suleiman mời gọi đối thoại sửa đổi Hiến Pháp và ngành Tư Pháp, nhưng đoàn người biểu tình bác bỏ, từ chối tham gia.

Quân đội tuyên bố không dùng vũ khí bắn vào người biểu tình. Số người đi biểu tình càng lúc càng kéo đi đông hơn.

8. Ngày 01.02.2011 ở quảng trường Tahrir 250.000 người tụ tập, đây là số người biểu tình đông đảo lớn nhất của phe đối lập chống chính phủ, đòi hỏi Tổng Thống Mubarak phải từ chức tức khắc. Quân đội kiểm soát giấy tờ người đi biểu tình, nhưng không ngăn cản ai đi vào công trường Tahrir.

Trên hệ thống truyền hình, Tổng Thống Mubarak nhượng bộ những yêu cầu của phe biểu tình đến tháng chín tổ chức bầu cử mới, nhưng ông không chịu từ chức ra đi tỵ nạn. Ông lưu lại là Tổng Thống không ra ứng cử lần nữa vào tháng chín tới.

9. Ngày 02.02.2011 bạo lực lại leo thang tới cao điểm, phe nhóm thân chính phủ tổ chức biểu tình phản pháo lại, ném đá, dùng gậy gộc, ném bom lửa cháy tấn công vào đoàn người biểu tình chống chính phủ. Buổi chiều họ còn dùng ngựa và lạc đà chạy xô vào đám người biểu tình quật ngã, đánh đập tàn nhẫn làm nhiều người bị thương ngay trên đường phố, nhằm mục đích chia rẽ và làm nản lòng những người đi biểu tình chống chính phủ.

Quân đội với xe tăng bọc sắt đứng trung lập không tấn công bên nào. Họ chỉ ngăn cản hai bên biểu tình không để cho bạo động leo thang gây thiệt hại về nhân mạng. Quân đội canh gác những dinh thự nhà cửa cộng cộng, bảo tàng viện để tránh không bị đốt phá cướp bóc hôi của.

10. Ngày 03.02.2011 hai bên biểu tình ủng hộ và chống chính phủ lại tấn công nhau, sang ngày thứ hai ngoài đường phố, chung quanh ở quảng trường Tahrir. Hai bên dùng vũ khí bắn vào nhau, một ít dinh thự bị đốt cháy. Quân đội lập khu hàng rào ở giữa, ngăn cản hai bên thù địch nhau, không cho họ tới gần nhau gây bạo động, dẫu vậy quân đội cũng không ngăn cản chấm dứt bạo động được.

Tổng Thống Mubarak lên truyền hình lập lại lời cương quyết không từ chức. Ông cho rằng nếu ông từ bỏ ra đi, tình trạng hỗn loạn sẽ xảy ra khắp trong nước. Đồng thời Ông cũng cảnh báo, nếu Ông ra đi, phe cánh Huynh đoàn Hồi Giáo sẽ chiếm quyền. Đây là điều gây nên lo âu cho các nước bên phương Tây.

11. Ngày 04.02.2011 ở quảng trường Tahrir 100.000 người kêu gọi: hôm nay là „ngày ra đi" nhất quyết áp lực buộc Tổng Thống Mubarak phải từ chức ra đi. Hôm nay tình hình trở nên yên tĩnh không có bạo động xảy ra. Thay vào đó, Bộ trưởng Quốc Phòng Mohammed Hussein Tantawi, Ông Arm Mussa Tổng thư ký khối Ảrập xuất hiện đến thăm đoàn người biểu tình ở quảng trường Tahrir.

Các đường dây ngoại giao từ phía Hoa Kỳ và khối Liên hiệp Âu Châu ( EU) gây áp lực với Tổng Thống Mubarak. Các vị đứng đầu chính phủ Hoa kỳ và Âu Châu yêu cầu phải có thay đổi ngay lập tức, nhưng họ không đòi buộc Ông Mubarak từ chức tổng thống.

12. Ngày 05.02.2011 sau khi cải tổ nội các chính phủ, Ông Mubarak sắp xếp cải tổ lại đảng cầm quyền NDP của Ông. Đoàn thư ký đảng gồm sáu người được thay đổi mới. Ông Gamal Mubarak, con trai Mubarak, người có thể sẽ nối nghiệp Ông làm tổng thống cũng mất chức luôn. Tuy nhiên Ông Mubarak vẫn là đảng trưởng đảng NDP.

Ở quảng trường Tahrir hàng trăm ngàn người biểu tình nhất quyết ở lại bất tuân lệnh của chính phủ phải thu dọn về nhà. Nhiều nhóm người đến nằm ngồi trước các xe tăng bọc sắt của quân đội, ngăn cản không cho họ chuyển bánh rời khỏi vị trí đang đậu.

13. Ngày 06.02.2011 lần đầu tiên có cuộc đối thoại nói chuyện trực tiếp giữa chính phủ và phe biểu tình chống ông Mubarak. Phó Tổng Thống Suleiman gặp phe cánh Huynh đệ Hồi Giáo và những đại diện phe đối lập. Ông hứa thiết lập tự do báo chí, cải tổ ngành công an cảnh sát, tự do tụ tập biểu tình. Nhưng phe nhóm đối lập thất vọng, vì Ông Suleiman từ chối điều kiện của phe biểu tình đòi buộc Ông Mubarak phải từ chức.

14. Ngày 07.02.2011 ở quảng trường Tahrir hàng trăm ngàn người vẫn cố thủ biểu tình chống Ông Mubarak, tình trạng dẫu thế dần dần trở lại yên tĩnh bình thường. Nhiều cửa tiệm bán hàng hóa mở cửa trở lại, chỉ có ban đêm còn tình trạng giới nghiêm.

15. Ngày 08.02.2011 dù các cuộc nói chuyện giữa hai bên chính phủ và phe đối lập tiếp tục trở lại, nhưng cuộc biểu tình vẫn tiếp tục không giảm bớt về cường độ, số lượng. Ban ngày có hàng trăm ngàn người tụ tập ở quảng trường Tahrir biểu tình kết thành hình ảnh biểu tượng của phong trào chống Mubarak. Cuộc biểu tình lan sang tòa nhà quốc hội và cả những nơi khác trong nước.

Theo UNO và Ủy Hội Quốc Tế Nhân Quyền từ ngày 25.01.2011 tới nay có 300 người bị chết. Theo nguồn tin của chính phủ Ai Cập trái lại có 11 người chết và 1000 người bị thương.

16. Ngày 10.02.2011 tình hình ở quảng trường Tahrir yên tĩnh. Theo thông báo buổi chiều tối Tổng Thống Mubarak sẽ lên đài truyền hình đọc bài diễn văn quan trọng. Mọi người nhất là phe biểu tình chống đối hy vọng Ông Mubarak sẽ từ chức. Vì trước đó, quân đội đã nói là những đòi hỏi của người biểu tình được đáp ứng đầy đủ.

Nhưng Ông Mubarak không từ chức. Ông sẽ lưu lại là Tổng Thống cho tới tháng chín bầu cử mới. Ông trao quyền hành cho Phó Tổng Thống Suleiman. Ông quyết tâm bảo vệ sự an ninh cùng độc lập của đất nước Ai Cập. Đoàn người biểu tình ở quảng trường Tahrir thất vọng giận dữ với bài diễn văn của Ông. Nhiều người cởi giầy ra khỏi chân ném chỉ vào hình Tổng Thống Mubarak. Đây là cử chỉ khinh miệt coi thường, không còn tôn trọng nữa.

17. Ngày 11.02.2011 Phó Tổng Thống Suleiman trước ống kính truyền hình tuyên bố: Tổng Thống Mubarak từ chức trao quyền lại cho Hội đồng quân đội. Đám người biểu tình hân hoan reo hò vui mừng chiến thắng trên quảng trường Tahrir. Toàn dân Ai Cập đã chiến thắng sau 17 ngày biểu tình lật đổ được nhà cầm quyền độc tài Mubarak từ 30 năm nay.

Dân chúng tràn ra đường trương cờ, nhấn kèn xe hơi ăn mừng chiến thắng suốt cả đêm tới sáng hôm sau.

Gia đình cựu Tổng Thống Mubarak dùng máy bay trực thăng di chuyển ra khỏi thủ đô Kairo bay về cư ngụ ở nhà nghỉ mát bờ biển Đỏ Scharm al Scheich. Ông Mubarak không chấp nhận giải pháp rời bỏ đất nước trốn đi tỵ nạn.

18. Ngày 12.02.2011 sau khi Ông Mubarak từ chức ra đi, hàng rào cản, lều vải cùng những chướng ngại vật dựng ở quảng trường Tahrir trong suốt 17 ngày biểu tình được gỡ tháo bỏ. Quảng trường được thu dọn sạch sẽ trở lại. Nhóm đối lập biểu tình ra tuyên cáo vẫn tiếp tục biểu tình, làm áp lực để những đòi hỏi của họ không bị bóp méo quên lãng.

Quân đội hứa tôn trọng những thỏa hiệp quốc tế, mà Ai cập đã ký kết với các nước ngoại quốc nhất là hiệp ước hòa bình với Israel.

Một trang sử mới đã mở ra cho đất nước người dân Ai Cập về chính trị, kinh tế cũng như văn hóa giáo dục, nhất là cho thế hệ những người trẻ.

Những người trẻ Ai Cập đã làm cách mạng xây dựng lại đất nước của họ bằng ý chí quyết tâm của họ.

17 ngày biểu tình chống đối đòi hỏi đâu có phải là thời gian dài cho một cuộc cách mạng. Nhưng lại làm nên lịch sử, đem đến thành công rực rỡ đổi mới cho một dân tộc đất nước bị cai trị suốt 30 năm với phương pháp độc tài, bưng bít, tham nhũng theo kiểu ban phát ân huệ xin cho.

Một khởi đầu mới đã đang bắt đầu ở đất nước Ai cập với hàng ngàn năm văn hiến, văn minh trong lòng nhân loại.

Bao giờ ngày khởi đầu mới đó đến với nước Việt Nam cũng đã có hơn 4 ngàn năm văn hiến?

Mong mỏi chờ đợi lắm thay!

14.02.2011

Phỏng dịch theo đài truyền hình ARD Đức Quốc ngày 13.02.2011

Đinh Kim Tân