Nhà Thơ Bàng Bá Lân Và Nạn Đói Ất Dậu, 3.1945

Thi sĩ Bàng Bá Lân sinh tháng 11 năm 1912 tại phố Tân Ninh, Phủ Lạng Thương (Bắc Giang), nhưng gốc làng Ðôn Thư, phủ Bình Lục (Hà Nam). Dòng dõi Nho gia, ông nguyên họ Nguyễn Xuân, mới đổi ra họ Bàng khoảng ba đời.

Nhà thơ Bàng Bá Lân (1912-1988) người duy nhất “tường thuật” trận đói Ất Dậu làm chết 2 triệu người Việt Nam. (Tài liệu Khởi Hành)

Ông theo học các trường công ở Phủ Lý, Phủ Lạng Thương, khi lên trung học vào trường Bảo Hộ Hà Nội (Bưởi hay Chu Văn An), tốt nghiệp bằng Thành Chung. Về sự nghiệp văn chương, Bàng Bá Lân đã từng viết các báo: Ðàn Bà (1939-1945), Công Dân, Hạnh Phúc, Nhân Loại (bộ cũ), Tia Sáng. Sau 1954 ở miền Nam, ông viết cho Văn Nghệ Tập San (1955), Phổ Thông. Thi phẩm đã xuất bản: Tiếng Thông Reo (1934), Xưa (1941, in chung với Anh Thơ), Thơ Bàng Bá Lân, Tiếng Võng Ðưa (1957). Thật ra ông còn nhiều tác phẩm khác nữa như Người Vợ Câm (1960), Vào Thu (1969) Kỷ Niệm Văn thi sĩ hiện đại viết theo thể ký ức. (1) Bàng Bá Lân còn là một nhà giáo, dạy môn Việt văn tại các trường Văn Lang, Cộng Hòa, Hoàng Việt (Sài Gòn), và là một nhiếp ảnh gia đã từng tham dự triển lãm tại nhiều nước ở Âu Mỹ và từng được nhiều giải thưởng quốc tế. Ông mất ngày 21 tháng 10, 1988 tại Sài Gòn.

Sống ở nông thôn nhiều năm hẳn vì vậy mà thơ ông thường lấy đề tài về đồng quê, và đã được tặng cho danh hiệu là “Nhà thơ của đồng áng.” Ông chính thức bước vào làng Thơ năm 1939 bằng tác phẩm Tiếng Thông Reo (với lời tựa của nhà văn Lê Văn Siêu), và đã nổi tiếng ngay là một nhà thơ đồng quê. Nếu Anh Thơ là nữ thi sĩ tiêu biểu cho lối thơ trên, thì Bàng Bá Lân, “từ khi phong trào thơ Mới thịnh hành cho đến khi Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ trên mảnh đất này, trong phạm vi thi ca đất nước, chưa có một thi nhân nào làm thơ về phong tục, đồng quê và tả cảnh xuất sắc như Bàng Bá Lân là nhà thơ tiên phong mở đầu cho lối thơ đồng quê, sau Ðoàn Văn Cừ nối tiếp với thi phẩm Ngày Nay, nhưng vẫn không hơn được những nét đặc sắc của Bàng Bá Lân.” (2) Ông có những câu thơ phổ biến rộng rãi trong nhân gian đến nỗi tưởng đó là ca dao, như:

Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.

Cùng làm thơ một thời với Bàng Bá Lân về người và cảnh thôn quê, ngoài Anh Thơ còn có Nguyễn Bính. Khi so sánh ba người, Hoài Thanh, Hoài Chân trong Thi Nhân Việt Nam viết: “Nguyễn Bính nhà quê hơn cả nên chỉ ưa sống trong tình quê mà ít để ý đến cảnh quê. Anh Thơ là một người thành thị du ngoạn, nên chỉ thấy cảnh quê. Bàng Bá Lân gần Anh Thơ hơn gần Nguyễn Bính.”

Trong ba người vừa kể, Bàng Bá Lân hiện thực hơn cả. Bài Ðói của ông là một bức tranh không tô vẽ tưởng tượng: toàn là thực. Ðây là một bài thơ có giá trị, có lẽ là một bài thơ duy nhất về thảm nạn có một không hai trong lịch sử ta: một thảm nạn xảy ra vào năm Ất Dậu tháng 3 năm 1945 với hai triệu người chết đói. Nguyên nhân xa gần của thảm nạn này cho tới nay, chúng tôi chưa có đủ tài liệu để quyết đoán, nhưng chắc chắn ngoài thiên tai bão lụt ra, còn “nhân tai” do các phe phái chính trị đương thời gây ra nữa. Lụt lội gây mất mùa đã đành, nhưng tài liệu còn cho thấy Nhật có phần trách nhiệm, Việt Minh có phần trách nhiệm, Pháp có phần trách nhiệm... Lúc ấy quân Nhật ở khắp Ðông Dương, và Miến Ðiện, và sự tiếp tế từ Nhật qua Ðông Dương phần lớn trông vào đường biển ngoài khơi Việt Nam, thế mà tài liệu cho thấy, đường biển huyết mạch này bị phi cơ Ðồng Minh, nhất là Mỹ, ném bom đến tê liệt. Hàng trăm tàu tiếp tế bị đánh chìm. Trong một bài ký, nhà báo Nguyễn Ngu Í cho biết Việt Minh ra lệnh cho cán bộ thu vét lúa gạo để gửi cho họ, chính ông lúc ấy ở Phan Thiết nhận được lệnh phải thu gạo gửi cho Việt Minh, ông đã từ khước. Cho nên chính cán bộ cộng sản cũng tịch thu lúa gạo của dân, chứ không phải chỉ có quân Nhật làm việc ấy. Dù sao, không có bao nhiêu tài liệu về thảm nạn này, mà mỉa mai thay, người cung cấp “tài liệu” nhiều nhất về Nạn Ðói Ất Dậu, lại là một nhà thơ, nhà thơ Bàng Bá Lân với bài thơ “Ðói.”

Trong nhiều những sách tổng hợp thi ca Việt Nam, kể cả Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh Hoài Chân đều vắng bóng bài thơ này. Trong thư viện của chúng tôi, chỉ có hai cuốn Thi Nhân Việt Nam Hiện Ðại của Phạm Thanh (1959) và Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến của Ng. Tấn Long, Ng. Hữu Trọng (1967) là có trích bài thơ này. Ðây là một bài thơ đã và sẽ đánh động lương tâm con người trước cái chết vì đói của hàng triệu người Việt Nam thời tăm tối ấy. Và, không có bài thơ của Bàng Bá Lân, nhiều người thuộc các thế hệ tiếp nối và các thế hệ sau không thể hiểu gì về thảm nạn này. Xin tưởng niệm thi sĩ với lời cảm tạ.

Ðói

Năm Ất Dậu tháng ba còn nhớ mãi

Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương!

Những thây ma thất thểu đầy đường,

Rồi ngã gục không đứng lên vì... đói!

Ðói từ Bắc Giang đói về Hà Nội,

Ðói ở Thái Bình đói tới Gia Lâm.

Khắp đường xa những xác đói rên nằm

Trong nắng lửa, trong bụi lầm co quắp.

Giữa đống giẻ chỉ còn đôi hố mắt

Ðọng chút hồn sắp tắt của thây ma;

Những cánh tay gầy quờ quạng khua khoa

Như muốn bắt những gì vô ảnh.

Dưới mớ tóc rối bù và kết bánh,

Một làn da đen sạm bọc xương đầu.

Răng nhe ra như những chiếc đầu lâu,

Má hóp lại, răng hằn sâu gớm ghiếc,

Già, trẻ, gái, trai, không còn phân biệt,

Họ giống nhau như là những thây ma,

Như những bộ xương còn dính chút da,

Chưa chết đã bốc xa mùi tử khí!

Mùi nhạt nhẽo, nặng nề, kỳ dị.

Một mùi tanh lộn mửa thoảng mà kinh.

(Mùi tanh hôi ám ảnh mãi bên mình

Khiến cả tháng ăn không còn ngon bữa!)

Những thây đó cứ xỉu dần, tắt thở,

Nằm cong queo, mắt vẫn mở trừng trừng.

Tròng con ngươi còn đọng lệ rưng rưng,

Miệng méo xệch như khóc còn dang dở.

Có thây chết ba hôm còn nằm đó,

Ruồi tám phương bâu lại khóc vo vo...

Rồi ven đường đôi nhát cuốc hững hờ

Ðắp điếm vội những nấm mồ nông dối!

Ðói tự Bắc Giang đói về Hà Nội,

Ðói ở Thái Bình đói tới Gia Lâm.

Rải ven đường những nấm mộ âm thầm

Ðược đánh dấu bằng ruồi xanh cỏ tốt.

Có nấm mộ quá nông, trơ hài cốt,

Mùi hôi tanh nồng nặc khắp không gian,

Sau vài trận mưa nước xối chan chan.

Ôi, thịt rữa xương tan phơi rải rắc!

Tại Hà Nội cũng như bao tỉnh khác.

Những thây ma ngày lết đến càng đông,

Ðem ruồi theo cùng hơi hướm tanh nồng,

Rồi ngã gục khắp đầu đường cuối ngõ.

Thường sớm sớm cửa mỗi nhà hé ngỏ

Rụt rè xem có xác chết nào chăng!

Từng chiếc xe bò bánh rít khô khan

Mỗi sáng dạo khắp nẻo đường nhặt xác.

Xác chồng chất lù lù như đống rác,

Ðó đây thò khô đét một bàn chân

Hai cánh tay gầy tím ngắt teo răn,

Giơ chới với như níu làn không khí

Như cầu cứu, như vẫy người chú ý...

Có hơi thở tàn thoi thóp chưa thôi,

Có tiếng cựa mình, tiếng nấc... những tròng ngươi

Nhìn đẫm lệ người chôn chửa chết!

Bốn ngoại ô mở ra từng dẫy huyệt

Ðược lấp đầy bằng xác chết... thường xuyên.

Ruồi như mây bay rợp cả một miền...

Chết!

Chết! Chết! Hai triệu người đã chết!...

(1957)

Chú thích:

(1) Tài liệu tổng hợp từ Phạm Thanh trong Thi Nhân Việt Nam Hiện Ðại, Khai Trí xuất bản tại Sài gòn năm 1959 - Thơ Mới, Tác Giả& Tác Phẩm, NXB Hội Nhà Văn) -và theo Ng. Tấn Long, Ng. Hữu Trọng trong Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến.

(2) Ng. Tấn Long, Ng. Hữu Trọng, Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến, 1967.