1. Thứ bảy 14/5/2011, lúc 3 giờ. Buổi chiều thật đẹp, dù trời chưa vào Xuân, có nắng vàng rực rỡ –điều rất hiếm hoi cho tiểu bang Oregon gió lạnh mưa mùa, quanh năm mây mù lãng đãng trôi trên những ngọn thông già xanh biếc, gợi nhắc một Đà Lạt yêu kiều, đầy thơ đầy mộng, của những tháng ngày hạnh phúc mờ xa. Cũng là điềm tốt cho chúng tôi, những người tổ chức và tham dự Lễ Cầu Hồn, trong buổi chiều đó, cho Bà Ngô Đình Nhu, nhũ danh Maria Trần Lệ Xuân tại Thánh đường La Vang, Portland, đã rời bỏ cuộc đời này đúng Ngày Chúa sống lại 24/4 tại Rome, Ý Quốc.
Khách, được mời chung trên báo, đã đến dự lễ không nhiều, trên dưới khoảng 60. Nhưng tất cả là những người, dĩ nhiên, còn nặng tình với nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam và cảm thông, nếu không nói cảm thương, nỗi đoạn trường của Bà Nhu, một nữ lưu thông minh, tài sắc vẹn toàn, quyền uy một thuở. Đủ mọi thành phần, tuổi tác. Có một số thanh niên, thiếu nữ mà tôi đoán được sinh ra sớm nhất cũng chỉ vào cuối thập niên 60. Đa số là Công giáo, trong số có cựu Thượng nghị sĩ Bùi Văn Giải và cựu Trung tá Lê Văn Khương, hai cố vấn Cộng đồng Oregon, và nhân sĩ Bùi Phan, trưởng Ban Tổ Chức. Một số Phật tử thuần thành, như họa sĩ Nguyễn Văn Nhớ, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Hà Tịnh..., hoặc tín đồ Tin Lành như Giáo sĩ Huỳnh Quốc Bình. Có người đến từ Salem, Beaverton. Hoặc từ Troutdale như nữ nhiếp ảnh gia Hoa Azer, hay Vancouver, WA, khá xa như nhà văn Hà Bắc. Tất cả tự nguyện bỏ một buổi chiều cuối tuần đến cầu nguyện cho linh hồn một người mà phần đông, nếu không nói tất cả, chưa có dịp diện kiến, cũng như chưa hề nhận được ân huệ cá nhân nào, dù nhỏ nhoi, từ chính quyền của cụ Ngô. Linh mục Phạm Hữu Đạt, chánh xứ La Vang và chủ lễ cầu hồn (em của SVSQ khóa 2 trường ĐH/CTCT Đà Lạt Phạm Hữu Lý, người bạn cùng đội tù với tôi ở Vĩnh Phú), còn chưa sinh ra khi chế độ sụp đổ, năm 1963.
Thánh lễ được cử hành một cách trang nghiêm, trân trọng. Trên vẻ mặt mọi người tôi thấy thoáng vương một nét buồn lặng lẽ, và biết bao âm thầm tưởng tiếc cho Bà, và qua đó, cho vinh quang bèo mây, cho hạnh phúc hư ảo, cho nỗi oan khiên ngút trời của một mệnh phụ vừa ra đi về trong giấc ngủ dài cô đơn –cô đơn như cuộc sống năm mươi năm trên xứ người.
Trong bài giảng, cha Đạt nói, đại khái: "Hôm nay, chúng ta bất luận tôn giáo cùng họp nhau trong nhà thờ này để dâng thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn Maria Trần Lệ Xuân, tức Bà Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Và qua hình ảnh của Bà, chúng ta có dịp nhớ lại một thời thanh bình dưới nền Đệ Nhất Cộng Hòa, tuy ngắn ngủi, và cảm tạ Tổng thống Ngô Đình Diệm về công lao to lớn đối với quốc gia VNCH, qua cuộc di cư vĩ đại năm 1954 đã đưa gần một triệu người từ miền Bắc vào miền Nam Tự Do, qua quyết tâm và kế hoạch chống Cộng hữu hiệu của ông."
2. Cha chánh xứ nói đúng. Công lao ấy không ai có thể phủ nhận. Còn những lỗi lầm, nếu có, hoặc chưa chắc có, của chế độ, và đặc biệt của Bà Ngô Đình Nhu? Những kẻ ghét Bà không nhắc đến những việc tốt đẹp mà Bà, trong tư cách dân biểu và vợ của ông Cố vấn, đã đóng góp, như Luật Gia Đình bảo vệ quyền lợi phụ nữ, Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới, Tổ Chức Thanh Nữ Cộng Hòa, cải tổ xã hội, dẹp bỏ tệ đoan, v.v... làm cho đất nước phú cường và thế giới nể phục. Họ không nhắc đến tinh thần chống Cộng quyết liệt của Bà. Để, sau ngày đảo chánh thành công, chỉ biết mở lại vũ trường, hủy bỏ Ấp chiến lược, mang ra chế giễu chiếc áo dài hở cổ vô tội, đập phá bức tượng Hai Bà Trưng có nét giống Bà, không do Bà nặn ra. Để bịa đặt chuyện phòng the quái dị, rồi viết sách kích thích trí tưởng tượng và sự tò mò bệnh hoạn của đa số quần chúng say men chiến thắng, cốt triệt hạ thanh danh của Bà. Để vẫn chỉ vin vào một câu phát biểu cứng rắn mà họ cho là thiếu ngoại giao, thiếu khôn ngoan, để lên án, chê bai Bà. Nhưng, cũng như báo chí Việt và ngoại quốc, họ cố tình quên câu nói trên đài phát thanh, chẳng hạn, "diễn lại cái trò khỉ", nặng hơn, của Thủ tướng Trần Văn Hương, khi cũng đám đông ấy, một năm sau đảo chánh, năm 1964, vẫn tiếp tục biểu tình chống đối chính phủ của ông. Phải chăng đó là một trong nhiều bằng chứng cho thấy chính quyền Kennedy chỉ muốn lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm về cái "tội" đã dám từ chối không cho quân Mỹ vào Việt Nam tham chiến, và dùng Bà Nhu như dê tế thần?
Nhiều người đã biết, đã nói, đã viết về điều này, trong số có vài sử gia lương thiện Mỹ. Đây không còn là chính trị xu thời. Mà là Sự Thật phải được phơi bày ra ánh sáng. Xin hãy để lịch sử, công lý và thời gian định luận, xét xử Tổng thống Ngô Đình Diệm và Bà Ngô Đình Nhu, dù thời gian phải chờ đợi lâu nữa. Nhà vật lý và thiên văn Galilée, thế kỷ XVII, khi tuyên bố trái đất quay quanh mặt trời đã bị Tòa án Giáo Hội La Mã thời ấy kết tội rối đạo, phải đợi đến hơn ba trăm năm sau mới được Giáo Hoàng John Paul II giải oan, xin lỗi. Chúa Giêsu bị án tử hình đã hơn hai ngàn năm, mà gần đây Tòa án Do Thái mới xử lại, phán quyết Ngài vô tội.
Và có một điều ít người để ý: Giờ đây, còn ai nhắc nhở, chứ đừng nói vinh danh, tên những tướng phản loạn, còn ai gọi biến cố 1/11/1963 là "cách mạng" nữa, hay chỉ là một vụ "đảo chánh" tầm thường, được tiền thưởng của CIA? Nhưng hàng năm, tại các thánh đường Việt Nam hải ngoại có dâng lễ cầu hồn cho hai nhà yêu nước chân chính Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, nạn nhân của âm mưu chính trị do Mỹ giật dây và vụ thảm sát dã man và hèn hạ (hai ông đã đầu hàng, không có vũ khí). Riêng về Bà Nhu, những cáo buộc, công kích Bà nay rõ ràng bị coi là những vu khống, mạ lỵ, ngụy tạo đê tiện, kể cả về đời tư và cá nhân, nhờ vào những tài liệu đã được giải mật và cái nhìn bình tĩnh, công bằng và xuyên suốt của lịch sử, của thời gian, và của các thế hệ trẻ trưởng thành sau này có căn bản học vấn, suy luận đúng đắn, không mù lòa bởi thiên vị, thiên kiến, cảm xúc nhất thời và nhất là có can đảm, dám nói lên sự thật mình thấy, mình biết.
3. Tôi ngắm khung ảnh đen trắng của Bà Ngô Đình Nhu, thời còn xuân sắc, đặt trên kệ thờ nhỏ, bên dưới có bình hoa tươi và ánh nến lung linh, mà tưởng về, mà thương cho dung nhan mỹ nhân, phận đời mong manh –cũng chóng phai úa như những bó hoa phủ đầy huyệt mộ trong những nghĩa trang, cánh mỏng cuốn bay theo cơn gió, tả tơi, cùng với khói hương tàn lụn. Rồi chợt nhớ những câu thơ buồn bã của Baudelaire từng tháng từng năm sống trong lẻ loi chờ mong cái chết đến giải thoát những buồn đau, tuyệt vọng –những câu thơ mà tôi thầm đọc lại ngày nào trước quan tài của Mẹ tôi, năm năm rồi:
Je veux dormir! dormir plutôt que vivre!
Dans un sommeil aussi doux que la mort
Ngủ, hơn là sống, trong một giấc ngủ cũng dịu êm như nỗi chết, trả hết cho đời những vinh quang và tủi nhục, những thành công và thất bại, những yêu thương và thù hận. Dormir plutôt que vivre. Tôi tự hỏi, giờ này, dưới mộ sâu, Bà cũng đang ngủ, trong niềm mơ của thi sĩ, hay phiêu bồng ở một thế giới khác, tốt đẹp hơn? Một thế giới thảnh thơi, không còn những oán hờn, gian trá, phản bội. Không còn những khổ lụy đeo đẳng suốt bao năm vàng võ. Một thiên đường bình yên, diễm ảo Bà đang trở về, có những thảo nguyên xanh biếc mộng mơ và mây ngàn bát ngát tình người.
Tự dưng, một nỗi buồn mênh mang xâm chiếm tâm hồn. Tôi ngậm ngùi nghĩ đến xác thân Bà dưới huyệt mộ một ngày rồi cũng sẽ phai úa như hoa, tàn lụn như hương khói. Như nhan sắc mỹ nhân, như quyền lực, như danh vọng, như tiền tài. Như kiếp con người. Ôi, phù vân của những phù vân! Tất cả là phù vân. Vanitas vanitatum, et omnia vanitas, như lời Cựu Ước. Tất cả là phù vân. Nhưng người ta đã quên, nên lúc nào cũng hối hả, bon chen, đố kỵ, mưu toan triệt hạ, hãm hại nhau. Tệ hơn, lúc nào cũng mang bên lòng mối oán thù nặng trĩu, trái với lời dạy của Chúa, của Phật. Quả vậy, Bà vừa nằm xuống người ta đã thấy xuất hiện những bài báo cả Việt lẫn Mỹ tiếp tục, luân phiên đánh Bà không nương tay, như loài kên kên chờ rỉa xác người quá cố, trong tục "điểu táng" của dân Tây Tạng. Khiến tôi càng thương cảm Bà hơn.
Tôi không có một kỷ niệm cá nhân nào về Bà. Ngoài hình bóng bi thương của trưởng nữ Bà, Ngô Đình Lệ Thủy, một hồng nhan mệnh yểu, một bạn học dưới hai lớp và thành viên của Hội Thanh Sinh Công Đại Học Văn Khoa năm 1963, và một trăm đồng mà cô nói maman cho Hội. Bấy nhiêu thôi chưa đủ để tôi còn nghĩ đến, còn đứng đây cầu nguyện trước di ảnh của Bà. Nhưng tôi đến đây, trong chiều Portland, bởi vì trên tất cả, tôi khâm phục Bà về tư cách cao quý, sang cả, cuộc sống thầm lặng, khép kín, thái độ trầm tĩnh tha thứ (một người nếu ăn nói hồ đồ, xốc nổi, như người ta thường phê phán Bà, làm sao một sớm một chiều có thể tự tạo một thái độ trầm tĩnh như vậy?) và tiết hạnh khả phong hiếm quý trong thời đại thượng tôn vật chất, đảo điên về luân thường đạo lý. Tôi thương Bà về bao nhiêu bất hạnh, đớn đau, thử thách Bà phải trải qua, từ sau 1963, đã kết thành một khối u hờn, oan khuất mang xuống tuyền đài chưa tan, như trong câu thơ cổ.
4. Xin những bạn bè của tôi, những cựu công bộc của chế độ Ngô Đình Diệm còn sống, những ai yêu chuộng công bằng bác ái –chiều nay đã không thể đến dự lễ cầu hồn chung với chúng tôi– hãy cùng đọc với tôi một lời kinh cho Bà. Nguyện xin linh hồn Maria sớm về nơi Vĩnh Phúc.
Với những người con yêu dấu của Bà, tôi xin chia sẻ nỗi buồn đau không còn mẹ, cho mùa Vu Lan này. Cũng như chính tôi, từ năm năm trước.
Vĩnh biệt Bà Ngô Đình Nhu, nhũ danh Maria Trần Lệ Xuân. Thôi, Bà hãy ngủ một giấc ngủ thật bình yên, ngàn năm.
Portland, 14/5/2011