VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 nhìn nhận sự đóng góp của Con đường Tân Dự Tòng từ hơn 40 năm nay cho Giáo Hội và ngài khích lệ các thành viên Con đường này ngày càng tăng cường tình hiệp thông sâu xa với các vị Chủ Chăn và các thành phần khác trong Giáo Hội".
ĐTC bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 17-1-2011 dành cho 7 ngàn người trong đó có hai vị khởi xướng và lãnh đạo Con đường Tân Dự Tòng gồm Ông Kiko Arguello, bà Carmen Hernández, cùng với cha Mario Pezzi, các toán trách nhiệm lưu động của Con đường này tại hơn 120 quốc gia. Hiện diện trong buổi tiếp kiến còn có 78 vị Giám đốc các chủng viện Redemptoris Mater, Mẹ Đấng Cứu Chuộc, đông đảo các LM, 2 ngàn chủng sinh, các gia đình truyền giáo cho dân ngoại và các giáo lý viên thuộc con đường này tại Roma và vùng Lazio.
Buổi tiếp kiến này được dư luận đặc biệt chú ý vì trong thời gian qua HĐGM Nhật Bản đã yêu cầu ngưng sự hiện diện và hoạt động của Con đường Tân Dự Tòng tại Nhật trong vòng 5 năm vì cho rằng các thành viên Con đường này tạo ra sự chia rẽ và đố kỵ trong các Giáo Hội địa phương. Tuy nhiên, ĐTC không chấp nhận giải pháp do các GM Nhật đưa ra và cho biết sẽ gửi một đại diện đến Nhật Bản để góp phần giải quyết vấn đề này.
Trong buổi tiếp kiến sáng hôm qua tại Đại thính đường Phaolô 6, ĐTC đã gửi 230 gia đình đi thi hành sứ mạng truyền giáo tại 46 nước 5 châu. Trong những năm trước đây Đức Gioan Phaolô 2 và Đức đương kim Giáo Hoàng đã gửi tổng cộng hơn 600 gia đình đi truyền giáo.
Ngoài ra, ĐTC đã chính thức khai mạc 13 sứ đoàn mới truyền giáo cho dân ngoại tại 6 nước Âu Châu (Đức, Áo, Macedonia, Pháp, Ucraine, Thụy Điển và Hungari) và Venezuela, Nam Mỹ. Cho đến nay đã có 30 sứ đoàn truyền giáo thuộc loại này được sai đi. Mỗi sứ đoàn gồm có 1 linh mục, được 3 hoặc 4 gia đình đông con tháp tùng, được gửi đến một giáo phận theo lời thỉnh cầu của Giám mục sở tại với sứ mạng truyền giảng Tin Mừng tại những khu vực dân ngoại hoặc xa lìa Kitô giáo.
Trong những ngày qua, Bộ giáo lý đức tin đã thông báo cho Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân rằng sách giáo lý của Con đường Tân Dự Tòng nay trở thành "Chỉ nam Huấn Giáo của Con đường Tân Dự Tòng", vì sách này từ nay không chỉ chứa đưng những đường hướng dành cho các toán Giáo lý viên của Con đường này, nhưng đã được Bộ giáo lý đức tin tu chính và bổ túc nơi phần chú thích các phần khác nhau của Sách Giáo Lý Công Giáo.
Tại buổi tiếp kiến, ĐTC đã nhắc đến các sự kiện trên đây và nói: "Từ hơn 40 năm nay, Con đường Tân Dự tòng góp phần khơi dậy và củng cố trong các giáo phận và giáo xứ hành trình khai tâm Kitô giáo, giúp các tín hữu dần dần tái khám phá sâu xa những phong phú của bí tích rửa tội, nếm hưởng đời sống thần linh, đời sống thiên quốc mà Chúa đã khai mạc qua sự nhập thể của Ngài khi đến giữa chúng ta.. Hồng ân này của Thiên Chúa ban cho Giáo Hội, đặt mình "Phục vụ Đức Giám Mục như một trong những phương thức để thực hiện việc khai tâm Kitô giáo trong giáo phận và giáo dục trường kỳ về đức tin" (Qui chế 1,2).
ĐTC nói thêm rằng: "Giáo Hội nhìn nhận nơi Con đường Tân Dự tòng một hồng ân đặc biệt được Chúa Thánh Linh khơi dậy: với tư cách đó, dĩ nhiên, Con đường này hướng đến dự hội nhập vào trong sự hòa hợp rộng lớn của Thân Mình Giáo Hội. Dưới ánh sáng đó, tôi nhắn nhủ anh chị em hãy luôn luôn tìm kiếm một sự hiệp thông sâu xa với các vị Chủ Chăn và với mọi phần tử của Giáo Hội địa phương và các bối cảnh Giáo Hội rất khác nhau, trong đó anh chị em được kêu gọi hoạt động. Quả thực, tình hiệp thông huynh đệ giữa các môn đệ Chúa Kitô là chứng tá đầu tiên và quan trọng nhất nhân danh Chúa Kitô".
Với các chủng sinh, ĐTC nhắn nhủ các thầy hãy trở thành những linh mục say mê Chúa Kitô và Giáo Hội, có khả năng thông truyền cho thế giới niềm vui vì đã được gặp Chúa và có thể phụng sự Chúa".
Con đường Tân Dự Tòng được khai sinh ở ngoại ô Madrid Tây Ban Nha hồi năm 1964 do ông Francico Arguello, quen gọi là Kiko, và bà Carmen Hernández, được Tòa Thánh chính thức nhìn nhận ngày 29-6-2002 và qui chế được phê chuẩn chung kết ngày 13-6-2008 sau khi được các cơ quan trung ương Tòa Thánh yêu cầu duyệt lại hàng trăm đường lối thực hành, nhất là về vấn đề cử hành thánh lễ.
Hiện nay Con đường này hiện diện tại hơn 900 giáo phận tại 120 quốc gia và có hơn 20 ngàn cộng đoàn và đảm trách vài ngàhn giáo xứ. Con đường này có 80 đại chủng viện thừa sai trên thế giới. 70% thành viên của Con đường là những người trước kia đã xa lìa Giáo Hội hoặc là dân ngoại (SD 17-1-2011)
LM Trần Đức Anh OP