Vài Ngộ Nhận Về Đạo Công Giáo Cần Được Sáng Tỏ

Trong vòng một thập niên trở lại đây, cùng với sự phát triển của Internet, sự hạ giá của các loại máy Computer, một hiện tượng xã hội đã diễn ra trong cộng đồng Việt hải ngoại, tuy thầm lặng nhưng hậu quả rất đáng ngại, đó là việc xử dụng thư điện tử (e-mail) để tấn công, bôi lọ, và chụp mũ nhau. Nguy hiểm nhất là chiến dịch nhằm phân hóa và làm tan vỡ sự đoàn kết của các cộng đồng tị nạn qua việc tấn công và khiêu khích Tôn Giáo, đặc biệt nhắm vào Đạo Công Giáo, đã được thực hiện bởi một nhóm chuyên viên “khiêu khích tôn giáo” (1) trên các diễn đàn thư điện tử. Để miệt thị đạo Công Giáo, nhóm này đã đổi danh hiệu của đạo mà gọi là đạo “Ca Tô”, rồi viết “thư gửi các tín hữu Ca Tô”, với mục đích cho rằng đạo Công Giáo là đạo ngoại bang (Ca-tô được phiên âm từ chữ Catholic), không phải đạo gốc của dân tộc Việt. Ngoài việc chứng minh “đạo Công Giáo là tà đạo, đến Việt Nam theo chân quân Thực Dân Pháp” để cho cộng đồng oán ghét những người theo đạo Công Giáo, nhóm khiêu khích này còn cắt xén, gán ghép loạn xạ một số tư tưởng, dụ ngôn, danh xưng, và phương cách thực hành đạo ra rồi cười nhạo, chế giễu, hầu làm cho chính những người theo Đạo ngờ vực tín lý của đạo mình, từ đó mà buông bỏ tín ngưỡng. Thực tâm, họ mong cho người khác tôn giáo khinh rẻ người Công Giáo mà không hợp tác, đoàn kết trong các chương trình đòi Tự Do Tôn Giáo và Nhân Quyền cho Việt Nam nữa.

Vì thế, trong phạm vi hiểu biết hạn chế của một tín hữu Công Giáo, người viết xin trình bầy một số điều căn bản thường bị bọn khiêu khích kia đưa ra để gây ngộ nhận trong cộng đồng như sau:

1-Cựu Ước:

Cựu Ước là những tài liệu, sách, truyện, dụ ngôn được ghi lại bởi những người Do Thái cổ viết về Thiên Chúa và việc làm của các Tiên Tri cùng các dữ kiện lịch sử về đời sống của người Do Thái trước Công Nguyên, cũng như các lời răn dậy, thánh vịnh, châm ngôn của người đời xưa. Tổng cộng Cựu Ước có 46 “quyển” (gọi là “quyển”, nhưng có tài liệu chỉ có 21 giòng): 5 quyển sách Luật Mô-sê (Sáng Thế, Xuất Hành, Lê-vi, Dân Số, Đệ Nhị Luật); 16 quyển sách Lịch Sử (Giô- suê, Thẩm Phán, Rút); 2 sách Sa-mu- en; 2 sách các Vua; 2 sách Sử Biên Niên; 2 sách Ma-ca-bê; 7 quyển sách Khôn Ngoan: Gióp, Thánh vịnh, Châm Ngôn, Giảng Viên, Diễm Ca, Khôn Ngoan, Huấn Ca; 18 quyển sách Ngôn Sứ: I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ai Ca, Ba-rúc, Ê-dê-ki-en, Đa-ni- en, Hô-sê, Gio-en, A-mốt, Ô-va-đi-a, Gio-na, Mi-kha, Na-khum, Kha-ba-cúc, Xô-phô-ni-a, Khác-gai, Da-ca-ri-a, Ma-la-khi. Tất cả những tài liệu, sách này được viết bằng chữ Do Thái cổ trên những giấy làm bằng da thuộc.

(Năm 1947, tại Qumran, gần Biển Chết, người ta tìm thấy một thư viện chôn giấu từ thế kỷ I sau công nguyên, trong đó có những bản nguyên thủy của Cựu Ước được viết trên giấy da còn tốt.). Những bản nguyên thủy này, sau đó, được dịch lại sang các thứ tiếng. Bản dịch Cựu Ước đầu tiên được dịch từ tiếng Hipri sang tiếng Hy Lạp kéo dài gần 100 năm (250 -150 trước công nguyên) và do tổng cộng 70 người thực hiện. Nhiều thế ký sau đó, các bản dịch này lại được dịch sang tiếng La Tinh. Vào thế kỷ thứ 4, Thánh Giêronimo lại thực hiện việc này và bản dịch của Ngài được gọi là Bản Dịch Phổ
thông và được trân trọng cho đến ngày nay.

A.Tính chất của các bản văn.

Như đã viết ở trên, ngoài các tài liệu có tính chất tường thuật lại lịch sử, một số lớn các “quyển sách” của Cựu Ước chỉ gồm những dụ ngôn, lời khuyên nhằm dậy bảo con người phải sống ngay lành trong điều răn của Thiên Chúa. Vì thuở xa xưa ấy, tâm hồn của con người còn rất thuần hậu, và sự hiểu biết còn rất giới hạn, nên nếu nói đến những điều cao siêu mà Thiên Chúa làm, chắc số đông sẽ không nhận thức được, cho nên các Tiên Tri và những người rao giảng lời Chúa phải dùng dụ ngôn, châm ngôn, và những lối nói bóng bẩy theo kiểu kể chuyện để người nghe dễ tiếp thu. Các câu chuyện, ngụ ngôn này, đôi khi lại rất lòng vòng, nếu không nghe toàn bộ câu chuyện và không tìm hiểu phong tục đời sống của người khi ấy, thì người đời sau sẽ không hiểu được. Thí dụ như đọc câu này: “Thiên Chúa phán: “Hãy đánh vào xác người chết bằng một phần thịt của con bò cái tơ được cúng tế . Như thế Thiên Chúa sẽ làm người chết sống lại và sẽ làm những dấu hiệu của nó để các người có thể tìm lý do.” Người đọc đương đại sẽ ngạc nhiên tự hỏi: “Sao Thiên Chúa lại làm những chuyện vô lý như thế?”. Nhưng khi tìm hiểu kỹ, thì sẽ thấy rằng, hồi đó, những người Do Thái xấu hay giết các người già cả để chiếm gia tài. Sau khi giết rồi, thì quăng xác vào gần nhà ai đó để vu vạ cho người ta. Theo suy nghĩ của các Giáo Chủ hồi đó, nếu muốn tìm thủ phạm, người ta phải đánh vào xác nạn nhân bằng một phần thịt của con bò cái tơ được cúng hiến và tin rằng làm như thế sẽ tìm được kẻ giết người.

B.Về việc Thiên Chúa tạo ra vũ trụ trong bẩy (7) ngày.

Khi ghi chép lại các sự kiện đã xẩy ra, những người tường thuật có thể theo một trong hai khuynh hướng: Hoặc tường thuật theo trình tự thời gian (chronological reports), hoặc tổng hợp các sự kiện có tính chất giống nhau vào một mục (non-chronological or functional reports). Người Do Thái cổ khi viết về việc Sáng Thế, không theo khuynh hướng của người hiện đại là sắp xếp các việc trước, sau theo trình tự thời gian ngày thứ nhất, ngày thứ hai, thứ ba… liên tục như chúng ta vẫn làm, mà lại xếp theo “nhiệm vụ”. Những gì cùng chung một tính chất, thì cho vào một mục. Vì thế, khi viết về việc Sáng Thế (Genesis), tạo ra Trời Đất và Vũ Trụ của Thiên Chúa, người Do Thái đã viết là “Ngày thứ nhất, Chúa tạo ra Trời và Đất, rồi chia rẻ Nước và Đất, rồi Ánh Sáng và Bóng Tối, rồi Sinh vật trong nước, trên không, rồi tới Con Người.” Chỉ cần để ý chút xíu, chúng ta cũng thấy đó là sự tổng hợp các sự việc tương cận, cùng chủng loại, hay đối xứng. Những người ghi chép cuốn Sáng Thế đã làm công việc của sự tập hợp chứ không phải theo trình tự thời gian thật sự. Hơn nữa, đây là việc làm của những con người đã sống sau khi việc Sáng Thế hoàn tất cả tỷ tỷ năm rồi, có ai sống ở lúc đó mà chứng kiến được việc đó? Vì thế, khi những kẻ có mưu đồ mạ lị đạo Chúa thường lấy các thứ tự 7 ngày đó để làm đề tài khích bác, họ đã vô tình lộ ra là kẻ kém hiểu biết. Một số người khác lại đưa ra con số 6,000 năm (?) tạo thiên lập địa rồi nhạo báng đức tin của người Công Giáo và cho rằng người Công Giáo ngu xuẩn khi thực tế, mặt trời đã được hình thành từ hơn 4 tỷ năm rồi. Điều bắt bẻ này cũng chứng tỏ họ hoàn toàn thiếu trí khôn khi thực tế, không có người Công Giáo nào tin rằng vũ trụ mới được tạo ra vào 6,000 năm trước. Trong tất cả các sách Thánh Kinh chính thống, dù Cựu Ước hay Tân Ước, không có chỗ nào nói về con số 6,000 năm ấy.

Từ thế kỷ thứ 7, Khoa Học Gia Công Giáo Bede, the Venerable (c.672–735), tác giả cuốn "Time and its Reckoning” (Thời gian và sự Phán đoán), đã nói lên những nhận thức của ông về vũ trụ và Thiên Chúa một cách sắc bén. Từ thời đại này, đã không có người nào tin rằng trái đất mới được thành hình có 6.000 năm. Đến thứ kỷ thứ 9, Khoa học gia Công Giáo là Pope Sylvester II (c.950–1003), người sưu tầm sách, dậy Toán và Thiên Văn học đã nói về vũ trụ một cách rất khoa học. Thế kỷ thứ 11, Hermann of Reichenau (1013–1054), viết về Hình học, Toán học, và khoa “đo vị trí của tinh tú”. Sang thế kỷ 12, Robert Grosseteste (c.1175–1253) người sáng lập ra những kiến thức về khoa học cho trường Oxford, cũng là một Khoa Học Gia Công Giáo nổi tiếng trên toàn thế giới,viết nhiều về khoa học thiên nhiên, toán, thiên văn học, quang học, và hình học; người áp dụng phương pháp thực nghiệm để chứng minh thay vì dùng lý luận. Đến thế kỷ 15-16, hai thiên tài khoa học Galileo và Newton với những lý luận khoa học làm căn bản cho nền khoa học hiện đại. Tất cả những vị này, chắc chắn không thể nào tin được là vũ trụ mới có 6,000 năm.

Như thế, việc bôi lọ Công Giáo bằng con số 7 ngày cũng như 6,000 năm đó chỉ chứng tỏ rằng nhóm khiêu khích tôn giáo kia chỉ muốn xỉ nhục người Công Giáo mà thôi.

C.Về sự khác biệt của nhiều loại Kinh Thánh.

Vào thời cổ đại, khi “tờ giấy” làm bằng bột thực vật như hiện đại chưa được phát minh, người Do Thái cổ chỉ viết lên trên giấy cói làm từ cây Papyrus, loại sậy mọc ở
Ai Cập, cao 2-3 m. Một số tài liệu cũng được viết trên giấy da dưới dạng chữ hoa hay chữ thảo. đóng từng tập, rồi cuộn lại. Dĩ nhiên với phương tiện hồi đó, chỉ trong một thời gian là các chữ viết bị phai mờ, chưa kể đến yếu tố chiến tranh, và trộm cắp làm hư hỏng đi nhiều tài liệu. Cho nên, khi dịch sang chữ hiện đại, người đời sau nhất định sẽ viết sai vì thiếu hiểu biết, hoặc cố tình sửa đổi cho dễ đọc. Vì thế, có nhiều sự kiện rất khó hiểu nhưng người đời sau đành chấp nhận vì không còn chọn lựa nào khác.

Từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ tư, nhiều Kinh Thánh (được gọi là sách Tin Mừng) đã được truyền tải đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó, cũng có rất nhiều sách Tin Mừng gây rất nhiều tranh cãi trong suốt nhiều thế kỷ. Trước sự kiện có nhiều sách Thánh như thế, Giáo Hội Công giáo đã phải lập nhiều cơ quan tìm hiểu và phân tách từng bộ sách Tin Mừng, và đến hiện nay, chính thức đã bác bỏ nhiều sách mà Giáo Hội gọi là “Ngụy Thư” ngay cả các Tin Mừng của Thánh Phê Rô, Tin Mừng của Thánh Toma, Tin mừng của thánh Gia cô bê, sách Công vụ của thánh An rê, sách Khải Huyền của thánh Phê rô…và rất nhiều bản khác cũng đều bị Hội Thánh loại ra khỏi danh sách Tin Mừng cần được nghiên cứu hay học tập.

Vì thế mà khi “nhóm khiêu khích tôn giáo” kia đưa ra nhiều dụ ngôn khó hiểu và chèo kéo người Công giáo phải trả lời, nhiều tín hữu Công Giáo đã ngơ ngác không hiểu họ kiếm đâu ra những câu chuyện như vậy, nhất là các đoản văn đã bị cắt đầu, dấu đuôi, gán ghép từ bộ sách Tin Mừng này sang bộ Kinh Thánh khác.

D.Về sự du nhập của đạo Công Giáo vào Việt Nam.

Đạo Công Giáo đến Việt Nam từ năm 1550, qua những nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Có một số người Anh theo đạo Công Giáo đã đến Đà Nẵng nhưng bị giết ngay. Một số tu sĩ khác đã thành công trong việc giảng đạo và thành lập cả giáo xứ tại Đàng Trong (phía Nam sông Gianh) do Chúa Nguyễn cai trị và Đàng Ngoài (phía Bắc sông Gianh) dưới quyền Chúa Trịnh. Vì thế, mà Giáo Hội Công Giáo Việt Nam mới chọn năm 1533 làm năm chính thức phát triển đạo. Mãi cho đến thế kỷ thứ 19, các tu sĩ Công giáo Pháp mới ồ ạt đến Việt Nam theo chân của quân Thực Dân Pháp qua lời thỉnh cầu của Hoàng Tử Nguyễn Ánh, sau trở thành Vua Gia Long.

Vì sự thiếu hiểu biết hoặc vì mưu đồ muốn bôi lọ Công Giáo theo lệnh của Bắc Bộ Phủ, “nhóm khiêu khích tôn giáo” cứ liên tục tố cáo là Đạo Công Giáo mang theo quân Thực Dân đến xâm chiếm nước ta. Họ đã lờ đi sự việc phát triển của đạo từ hơn 300 năm trước và đã thành lập được nhiều làng toàn tòng Công giáo từ rất lâu trước khi quân Pháp chính thức đặt chân lên Việt Nam. (Vì thế mà khi có lệnh cấm đạo, có nhiều làng Công giáo bị tàn sát toàn bộ, hoặc bị “phân tháp” (hay “Phân sáp”?) nghĩa là buộc cha và mẹ phải chia tay với con cái và với nhau. Chồng bị đầy biệt xứ, vợ cũng đi biệt xứ, bỏ con ở lại với họ hàng.) Ngay trong thời quân Pháp đô hộ, cũng không phải tất cả tín hữu Công Giáo đều theo Tây. Chỉ có một số nhỏ nào đó tham quyền lợi mới bán rẻ mình cho giặc, và trong số phản quốc này, dĩ nhiên cũng có nhiêu người theo tôn giáo khác ngoài Công giáo. Ngược lại cũng có hàng vạn người Công giáo theo nghĩa quân chống giặc Tây Dương. Còn lại đa số giữ lòng “kính Chúa, yêu người”, không làm điều ác, cũng như không chiến đấu, và thản nhiên chấp nhận rơi đầu vì Chúa. Hiểu theo một nghĩa khác, người Công giáo bị họa chém đầu cũng vì sự có mặt của quân Tây Thực Dân. Như vậy, quân Tây Thực Dân chính là kẻ thù của người Công giáo, vì nếu bọn xâm lăng kia không tung hoành bá đạo, thì người Công Giáo vẫn sống yên ổn, làm lành, lánh dữ, theo Chúa mà yêu Người.

Để kết luận, không riêng gì Công Giáo, mà tất cả mọi tôn giáo chính thống khác đều dậy người ta hướng Thiện, tránh ác. Không có đạo nào dậy tín hữu mình phải làm hại người khác cho dù bằng lời nói. Chỉ có “nhóm khiêu khích tôn giáo” kia vì muốn “lập công dâng Đảng” mới thích dùng chữ viết mà hại người khác, nhục mạ các tôn giáo, làm hỏng tiến trình đoàn kết dân tộc và tín ngưỡng, gây phiền muộn cho tất cả mọi người. Bọn “Trần Ích Tắc” này còn muốn hãm hại người, khi lớn tiếng kêu gọi nhà cầm quyền độc tài bán nước Cộng Sản hãy ra tay tiêu diệt các tín hữu Thái Hà, Tam Tòa khi những người dân vô tội này đứng lên, yêu cầu trả lại đất đai mà nhà cầm quyền đã đang tay cướp đoạt của dân chúng. Điều quan trọng là bất cứ khi nào có một vấn đề gì cần quan tâm ở Việt Nam, như khi có các vụ xử các nhà Dân Chủ, thì lập tức có một chiến dịch “khiêu khích tôn giáo” nổi lên, hầu mong cho dư luận bị phân tán mỏng, có lợi cho chế độ tham nhũng bán nước của Cộng Sản.

“Ông Trời có mắt”. Công Lý nhất định thắng. Kẻ ác nhất định sẽ phải đền tội. Những tên “khiêu khích tôn giáo” kia nhất định sẽ nếm mùi đau khổ khi toàn dân Việt đứng lên đòi Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền cho đất nước.

Chu Tất Tiến.

(1) Nhóm khiêu khích tôn giáo thường xuyên đăng bài trên diễn đàn: Trần chung Ngọc, Nguyễn Mạnh Quang, Trần Quang Diệu, Trần Tiên Long, Nguyễn Hữu Ba, Hòa Bình (tyvn)…