Vấn Đề Chính Trị Của Chủ Nghĩa Đa Nguyên Tôn Giáo

Theo gương vị tiền nhiệm của mình, Đức Bênêđíctô XVI thường khuyên tín hữu Công Giáo và những người có thiện chí sống quyền tự do của họ phù hợp với chân lý và ích chung.

Nhu cầu sống “bác ái trong chân lý” (Caritas in Veritate) là vấn đề hết sức quan trọng trong các xã hội “tự do” bất kể đó là các nền dân chủ đại nghị, các nền cộng hòa hay các nền quân chủ hợp hiến, bởi nếu không, họ sẽ thoái hóa trở thành các chế độ toàn trị trá hình một cách lộ liễu, được cai trị bằng nền độc tài của chủ nghĩa duy tương đối.

Vì vấn đề duy trì trật tự công cộng trong các xã hội đa nguyên tiếp tục ám ảnh các nhà lý thuyết chính trị học, nên một số người đang tái suy nghĩ về dự án tự do hiện đại. Họ tin rằng nay đã đến lúc xét lại cả các giả thiết trên đó trật tự chính trị kia vốn đặt nền tảng, lẫn khả năng của giáo huấn Công Giáo và luật tự nhiên trong việc phục vụ như những cột mốc hữu hiệu cho các chính thể được coi là tự do ấy.

Một trong các nhà triết học chính trị ấy là Thaddeus Kozinski, một giáo sư phụ khảo về nhân văn, triết học, và thần học tại Trường Cao Đẳng Công Giáo Wyoming và là tác giả cuốn “Vấn Đề Chính Trị Của Chủ Nghĩa Đa Nguyên Tôn Giáo: Tại Sao Các Triết Gia Không Thể Giải Quyến Được Nó?” ("The Political Problem of Religious Pluralism: And Why Philosophers Can't Solve It", do nhà Rowman &Littlefield xuất bản, một cuốn sách mà Linh Mục Aidan Nichols, OP, cho rằng đã đưa ra một chứng minh công phu và có bề dầy kinh nghiệm cho thấy các giới hạn tinh thần và sự phá sản siêu hình của triết lý chính trị tự do.

Trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin Zenit, Kozinski giải thích lý do tại sao một nhà nước “tuyên tín”, nghĩa là một nhà nước trong đó Đạo Công Giáo là tôn giáo chính thức, là điều cần thiết nếu người ta muốn có một nền tảng thích đáng để con người nhân bản triển nở.

Đối với Kozinski, chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo ở đây có ý nói tới một cộng đồng chính trị trong đó các công dân duy trì các thế giới quan khác nhau và đôi khi không thể hoà giải được với nhau. Đây là tình thế của hầu hết các quốc gia hiện đại ở Phương Tây kề từ thế kỷ 17. Đa nguyên tôn giáo là một vấn đề vì chính trị, xét trong nền tảng, vốn là việc con người nhân bản phải tổ chức cuộc sống của họ với nhau ra sao để đạt được điều họ coi là ích lợi cá nhân và ích lợi công cộng. Nếu ta không nhất trí với nhau về điều thế nào là ích lợi, là ta đã có một vấn đề chính trị nghiêm trọng rồi vậy. Lúc ấy, nếu chỉ tư hữu hóa hay phi chính trị hóa sự bất đồng của ta, thì đó không phải là một giải pháp. Bất đồng hay ngu dốt về sự thiện nhân bản, xét cho cùng, là một vấn đề tôn giáo. Có đặt tựa cho cuốn sách là “Vấn Đề Tôn Giáo của Chủ Nghĩa Đa Nguyên Chính Trị” thì vấn đề cũng không thay đổi, vì tôn giáo và chính trị đan kết với nhau một cách chặt chẽ. Ích lợi hay sự thiện là điều không thể tránh được về phương diện chính trị, và đó là lý do tại sao dự án tự do hiện đại nhằm “tư hữu hóa sự thiện”, nói theo kiểu nói của MacIntyre, không phải là câu trả lời cho vấn đề chính trị của chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo. Nó chỉ che dấu vấn đề, khiến người ta không còn thắc mắc một cách chân thực về sự thiện nữa mà thôi.

Cuốn sách của Konzinski thực ra nhằm trình bày các nền triết lý chính trị của ba tư tưởng gia có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20, đó là John Rawls, Jacques Maritain, và Alasdair MacIntyre, mổ xẻ từng cố gắng của họ nhằm đạt được một khuôn khổ đạo đức học gắn bó làm cơ sở và tiêu chí cho trật tự đa nguyên chính trị tự do. Kozinski cho biết: ý niệm nòng cốt của John Rawls như đã được trình bày trong cuốn “Chủ Nghĩa Tự Do Chính Trị” ("Political Liberalism") là sự “đồng thuận chồng lên nhau” ("overlapping consensus"). Sự đồng thuận này bao gồm mọi học thuyết tôn giáo, triết học và luân lý hợp lý nhưng chống chọi nhau có cơ may tồn tại trong nhiều thế hệ và đã có được một số đáng kể các đồ đệ trong một chế độ ít nhiều hợp hiến, một chế độ trong đó tiêu chuẩn công lý được dùng làm ý niệm chính trị. Sự đồng thuận này có tính chính trị, chứ không có tính siêu hình, nên có thể được các công dân thuộc nhiều học thuyết khác nhau hỗ trợ; tuy nhiên nó phải là sự đồng thuận mạnh về luân lý.

Đối với Kozinski, điều ấy không thể thành công được; vì, bất cứ sự đồng thuận mạnh nào về luân lý liên quan tới các luật lệ chính trị và pháp lý cũng đều trước đó cần có một số ý niệm siêu hình và thần học, những ý niệm vốn không được mọi người trong nền dân chủ tự do đa nguyên chia sẻ. Bởi thế, Rawls đã “lén lút” du nhập vào cả học thuyết triết học “hoàn toàn có tính chính trị” lẫn sự đồng thuận thực tế nhiều ý niệm siêu hình và tôn giáo không có tính bao hàm. Đây là mâu thuẫn chính nằm ngay tại tâm điểm dự án của ông.

Giống Rawls, Maritain muốn tạo căn bản cho một trật tự chính trị có khả năng bao gồm và hội nhập các công dân tin theo những học thuyết trái ngược nhau đến không thể hòa giải được. Nhưng trái với Rawls, Maritain cho rằng các giá trị luân lý đặc thù dùng làm cơ sở cho sự đồng thuận chồng lên nhau kia không tự nhiên đối với con người, mà cũng chẳng phải chỉ là những khai triển lịch sử trong quá trình biến hóa của họ, nhưng là kết quả trực tiếp của ơn thánh siêu nhiên vốn bàng bạc từ thời hậu nhập thể, là hoa trái chính trị của việc Biến Cố Nhập Thể “lên men” thiêng liêng trong lịch sử.

Dịch bản của Maritain về sự đồng thuận chồng lên nhau này, điều ông gọi là “hiến chương dân chủ”, cao hơn ý niệm của Rawls vì không cần nại tới tính trung lập về siêu hình và thần học. Tuy thế, dù Maritain đúng trong lối giải thích của ông liên quan đến cơ sở lý thuyết cho bất cứ hiến chương dân chủ nào, ông vẫn lầm lẫn trong việc cho rằng tính khả niệm và tính chức năng thực tiễn của hiến chương này có tính trung lập. Đối với Maritain, người ta không cần các công dân phải có cơ sở đúng về triết học và thần học để hiến chương này thành công về chính trị; các công dân chủ trương các thế giới quan hoàn toàn khác nhau vẫn có thể thành thực tán thành hiến chương ấy và sống theo các qui định của nó một cách thích đáng.

Ở đây, ta thấy Maritain vướng vào một mâu thuẫn vì chính cơ sở lý thuyết của ông dành cho hiến chương dân chủ thực ra chỉ là một tổng hợp thiếu sót các nguyên tắc Công Giáo, Tômít, thế tục, triết lý và thần học tự do. Không như Rawls và Maritain, Alasdair MacIntyre không cố gắng đưa ra một biện minh lý thuyết và một khuôn mẫu thực tiễn cho một trật tự chính trị đại qui mô dựa trên luân lý trong một xã hội đa nguyên sâu sắc. Điều mà MacIntyre cố gắng đưa ra là một giải thích triết lý đầy thuyết phục cho thấy một biện minh và một khuôn mẫu như trên là điều không thể có được. Lý thuyết của MacIntyre về “lý tính do truyền thống tạo thành” giải thích cho ta hiểu lý do tại sao một trật tự chính trị hợp luân một cách chân thực, ngược với thứ đồng thuận có tính tạm ước (modus vivendi) thực tiễn, không thể nào thể hiện được trong một xã hội đa nguyên sâu sắc.

Mặc dù khuôn mẫu chính trị về các cộng đồng tiểu qui mô hoàn toàn có tính truyền thống của MacIntyre có trổi vượt hơn sự đồng thuận chồng lên nhau, tức khuôn mẫu tuy truyền thống nhưng là một truyền thống không độc hữu mà có tính bao hàm của Rawls và Maritain, nó vẫn có vấn đề. Các cộng đồng trong quan niệm của MacIntyre thực sự không có tính chính trị bởi lẽ các nhà có thẩm quyền của chúng không có sức mạnh và quyền lực của luật, và họ phải đương đầu với mối liên hệ không mấy thoải mái và đầy hàm hồ với một nhà nước quốc gia đại qui mô, tự do và đa nguyên theo truyền thống.

Tuy nhiên, theo Kozinski, quan điểm triết học của MacIntyre có khả năng nhất trong việc cung cấp cho ta cách suy nghĩ gắn bó để tìm ra một trật tự chính trị hợp công lý, miễn là phải bổ túc cho nó bằng một nền thần học chính trị. Thực vậy, MacIntyre tự hạn chế mình vào việc đặt ra các câu hỏi có tính triết học mà thôi và tìm cách trả lời chúng, nghĩa là các câu hỏi có thể xem sét thấu đáo và đưa ra câu trả lời dứt khoát bằng cách chỉ nhờ vào lý tính nhân bản. Nếu chính trị và việc suy tư chính trị hoàn toàn có tính tự nhiên và chỉ là công việc của lý trí, thì cách tìm kiếm và luận chứng triết học của MacIntyre kể như đủ rồi. Tuy nhiên, theo Kozinski, chính trị thực ra, như trên đã nhắc, xét cho cùng là một vấn đề tôn giáo, vì nó đề cập tới thiện ích của con người, tới cùng đích (telos) của họ, mà như người Kitô hữu chúng ta thường biết, cùng đích của con người hiển nhiên là một cùng đích siêu nhiên. Điều này có biết bao hệ luận về phương diện tư duy và thực tiễn, hay chính trị.

Chính vì thế, Kozinski nghĩ rằng nhà triết học MacIntyre khó có thể luận bác một cách hữu hiệu chống lại một số nền triết lý chính trị tinh tường và đầy thuyết phục nhưng phản Tômít và phản Công Giáo như chủ nghĩa dân chủ duy truyền thống của Jeffrey Stout. Vì không đưa ra được một vai trò thẩm quyền trong lý thuyết và trong thực hành cho nền thần học chính trị, nên chủ nghĩa Tômít nặng về triết học của MacIntyre đã thất bại không nhận ra đầy đủ rằng Thiên Chúa vốn từng lên tiếng một cách có thẩm quyền liên quan tới cấu trúc thích đáng và hướng đi thần thiêng cho trật tự chính trị. Theo Kozinski, nếu các vấn đề sâu sắc mà MacIntyre từng nhận diện trong trật tự chính trị hiện đại là do một lầm lẫn thần học gây ra, tức ý niệm và việc định hình sai lầm về phương diện văn hóa và chính trị cho mối liên hệ đặc trưng giữa tự nhiên và ơn thánh, thì các vấn đề này chỉ có thể được giải quyết bằng một ý niệm đúng đắn về mối liên hệ đó mà thôi. Và ý niệm này ta chỉ có thể phát biểu được nhờ sự trợ giúp của nền thần học mạc khải. Đây là một kết luận mà nền triết lý chính trị Tômít và Công Giáo phải được dẫn tới, và nền thần học chính trị Tômít và Công Giáo cũng buộc phải bắt đầu từ đó.

Một nhà nước tuyên tín?

Xem ra Kozinski muốn biện luận cho một nhà nước tuyên tín (confessional state). Nhưng trong một đất nước đa nguyên, làm sao có thể có một nhà nước tuyên tín được? Phải chăng điều này đòi phải có một sự thuần nhất về văn hóa và sắc tộc? Kozinski xác nhận ông muốn biện luận cho một nhà nước tuyên tín. Và cho biết: ông làm thế chỉ là bước theo giáo huấn truyền thống của Giáo Hội Công Giáo mà thôi. Và trong vấn đề này, ông không cho là mình cô đơn. David Schindler chẳng hạn, từng viết trong cuốn “Trái Tim Thế Giới, Tâm Điểm Giáo Hội” ("Heart of the World, Center of the Church") vào năm 1996 rằng: “Trong trật tự duy nhất chân thực của lịch sử, một nhà nước vô tuyên tín, xét theo luận lý, là điều không thể có. Vì, trong vấn đề tôn giáo, nhà nước không thể tránh được việc phải khẳng định dành ưu tiên cho việc một là thoát khỏi tôn giáo hai là tôn trọng tự do tôn giáo, cả hai thứ ưu tiên này đều hàm nghĩa một nền thần học”.

Tuyên Ngôn “Dignitatis Humanae” tập chú vào việc khai triển giáo huấn của Giáo Hội về tự do tôn giáo; ấy thế nhưng, nó vẫn duy trì một giáo huấn bổ túc cho rằng trật tự chính trị lý tưởng vẫn là một nhà nước theo tuyên tín Công Giáo; bởi vì đó là trật tự duy nhất biết nhìn nhận, thiết lập và duy trì một cách trọn vẹn triều đại xã hội của Chúa Kitô Vua: “Hơn nữa, vì tự do tôn giáo, sự tự do mà con người đòi hỏi trong khi thi hành nhiệm vụ phụng thờ Thiên Chúa, có nghĩa là không bị một áp bức nào trong xã hội dân sự ràng buộc, nên sự tự do đó bảo toàn được nguyên vẹn giáo lý truyền thống Công Giáo về bổn phận luân lý của con người cũng như của các đoàn thể đối với tôn giáo chân thật và Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô” (số 1).

Còn việc làm thế nào có thể có được một nhà nước tuyên tín giữa lòng một xã hội đa nguyên, thì Kozinski thú thực là ông không bàn đến nó một cách sâu rộng trong tác phẩm của mình. Tiện đây, ông chỉ ráng đưa ra câu trả lời sơ đẳng. Bước đầu tiên tiến tới bất cứ trật tự chính trị có tính tuyên tín nào, dủ nhỏ nhoi đến đâu, cũng là phải làm sao để người ta hiểu rằng một nhà nước tự do, thế tục và đa nguyên không phải là trật tự chính trị duy nhất và tốt nhất; xét theo lịch sử, nhà nước ấy cũng chỉ có tính tình cờ (contingent) và do đó không nhất thiết có hòai hay không thể tránh. Ta cần mở rộng tầm tưởng tượng sáng tạo cả trong lãnh vực chính trị. Theo ông, Thông Điệp “Caritas in Veritate” là một mẫu mực hàng đầu trong khía cạnh này vì đã tổng hợp được tính chính thống rõ ràng và một nền triết học truyền thống với một quan điểm cởi mở, sắc sảo, và canh tân cả về văn hóa, chính trị, xã hội và kinh tế.

Ngoài ra, ta cũng cần thấy rằng điều mà sự đồng thuận được Maritain kêu gọi trong thập niên 1950 và được Đức Bênêđíctô XVI kêu gọi hiện nay, tức sự đồng thuận đặt căn bản trên luật tự nhiên với điều kiện hướng tới siêu việt, nhưng không hẳn minh nhiên dựa trên học thuyết và sự thờ phượng Công Giáo, chắc chắn là điều tốt và cần thiết; ta cần phải cứu Phương Tây khỏi nền văn hóa sự chết càng sớm càng tốt.

Ấy thế nhưng, một đồng thuận chính trị và văn hóa dựa trên các qui luật và thực hành tự nhiên giữa lòng một môi trường văn hóa đa nguyên triệt để của chúng ta hiện nay chỉ có thể là một đồng thuận tối thiểu, chắc chắn không sâu xa đủ để phục vụ ích chung một cách vững ổn và mạnh mẽ, chứ đừng nói tới triều đại xã hội của Chúa Kitô Vua. Nếu có được sự đồng thuận tối thiểu, tạm thời và dựa vào luật tự nhiên này, thì bước kế tiếp hẳn là ta phải điều hướng sự đồng thuận ấy về một điều gì vững ổn và sâu sắc hơn. Phải coi chính trị là việc phát huy các điều kiện tốt nhất về xã hội, luật lệ, định chế và văn hóa cho các khám phá của cộng đồng và việc thiết lập chính trị có tính đồng thuận một tôn giáo chân thực, sau khi được quảng đại quần chúng nhìn nhận như thế.

Nhưng trước khi các qui định của luật tự nhiên được thiết lập về phương diện văn hóa và chính trị làm bước đầu tiến tới Thế Giới Kitô Giáo (Christendom), thì quần chúng cần phải nhận ra thực tại bá quyền đầy tính bạo chúa của “truyền thống” duy tự do. Ở đây, lời phê phán của MacIntyre đối với chủ nghĩa duy tự do, coi nó như một truyền thống thiếu sót từ căn bản, giúp ta rất nhiều. Vì chỉ bao giờ cái truyền thống duy tự do ấy mất đi thẩm quyền xã hội và chính trị gần như tuyệt đối và đầy phá hoại của nó nơi công dân, thì một truyền thống thực sự xứng đáng và gây ích lợi một cách có thẩm quyền công khai mới được khai triển và thay thế cho nó.

Nói tóm lại, người Công Giáo trước nhất phải tìm cho ra một sự đồng thuận có tính cộng đồng đối với tính thiếu sót nội tại về chính trị của chủ nghĩa duy tự do đa nguyên, rồi sau đó, nhất thiết phải bứng rễ chủ nghĩa này bằng một biện chứng pháp cộng đồng được cùng đích soi sáng hướng về và khát mong chân lý tôn giáo, cuối cùng hiện thân hóa chân lý này trên bình diện đại qui mô của cả quốc gia, và có thể đi xa hơn thế, bao quát cả Thế Giới Kitô Giáo. Kozinski nghĩ rằng Đức Bênêđíctô XVI hiểu rõ điều này, nhưng ngài không minh nhiên nói ra vì những lý do khôn ngoan. Ông cho rằng khuôn mẫu tuyên tín chưa tàn lụi và luật tự nhiên một mình nó không đủ, về phương diện chính trị.

Có điều, trong Thông Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới năm nay, Đức Bênêđíctô XVI tuyên bố rằng tự do tôn giáo là con đường không thể miễn chước dẫn tới hòa bình, chân lý và sự triển nhân bản. Há đó không phải là dấu chỉ mặc nhiên Đức Giáo Hoàng muốn dùng để nói tới chính sách chuộng trật tự chính trị tự do của Giáo Hội, một trật tự đặt cơ sở trên luật tự nhiên theo quan niệm của Maritain? Kozinski trả lời rằng nhà nước tuyên tín Công Giáo vừa tự do (theo nghĩa đúng đắn của nó, tức tự do về phương diện luân lý) vừa đặt căn bản trên luật tự nhiên. Vấn đề thực sự vì thế là làm thế nào để bất cứ trật tự chính trị nào cũng tự do đích thực, nghĩa là làm thế nào để nó đảm bảo được quyền tự do chân thực của con người trong tư cách con cái Thiên Chúa, và việc qui định cũng như ấn định các sự thiện của luật tự nhiên phải đặt cơ sở trên nguyên tắc: việc vâng phục các qui định đó phải cần nhờ đến ơn thánh của Thiên Chúa.

Thực ra, chủ điểm cuốn sách của Kozinski là: bất cứ trật tự chính trị nào cũng phải cổ vũ sự triển nở trọn vẹn của những con người nhân bản. Đây là điều Đức Bênêđíctô XVI đang kêu gọi và là điều nền dân chủ tự do đa nguyên nào cũng tự cho là mình đã đạt được. Sự triển nở này phải tương hợp và tùy thuộc vào ý Thiên Chúa. Theo Kozinski, đây chính là điều Đức Bênêđíctô XVI muốn nói tới khi ngài nói rằng chính trị phải cởi mở và hướng tới “siêu việt”, nghĩa là được bản vị hóa nơi Chúa Giêsu Kitô.

Vì ý minh nhiên của Thiên Chúa đã được tỏ bày một cách có thẩm quyền qua Giáo Hội Công Giáo, và được Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận, theo nghĩa luật tự nhiên cũng như thiên luật chỉ được giải thích và được công bố một cách có thẩm quyền qua Giáo Hội Công Giáo mà thôi, nên bất cứ nhà nước nào nếu muốn điều tốt nhất cho công dân của mình đều phải tôn trọng sự tự do của Giáo Hội Công Giáo và chính thức hợp tác vào sứ mệnh của Giáo Hội, trong khi vẫn cho phép và hỗ trợ sự tự do của mọi cộng đồng tôn giáo khác bao lâu họ biết đóng góp vào ích chung và duy trì trật tự công cộng.

Hiến chương dân chủ của Maritain có vấn đề ở chỗ này: nó không thể sống đúng lý tưởng của nó; đàng khác, hiến chương ấy đã đem ra thử lửa, nhưng thất bại. Loại luật tự nhiên dựa trên trật tự chính trị mà Maritain và cả Linh Mục John Courtney Murray nữa muốn đạt tới đáng lẽ đã có thể đem ra áp dụng vào thập niên 1950. Nhưng dù là lúc đó, Kozinski vẫn không nghĩ là nó kéo dài. Ta cần một phương thức thực tiễn và triệt để hơn để thay thế. Người ta sợ rằng khuôn mẫu của Kozinski còn thiếu thực tiễn hơn khuôn mẫu của ba nhà tư tưởng Công Giáo vĩ đại của thế kỷ 20.

 

Vũ Văn An