Các Công Đồng Trong Thiên Niên Kỷ Thứ Nhất

Trong Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, từ thương cổ tới nay có 21 Công Đồng chính thức được công nhận :

Thứ tự Năm
1/Nicaea 1325
2/Constantinople 1381
3/Ephesus431
4/Chalcedon451
5/Constantinople 2553
6/Constantinople 3680
7/Nicaea 2787
8/Constantinople 4869
9/Lateran 11123
10/Lateran 21139
11/Lateran 31179
12/Lateran 41215
13/Lyon 11245
14/Lyon 21274
15/Vienne1311
16/Constance1414
17/Basel-Ferrara-Florence-Rome1431
18/Lateran 51512
19/Trent1545
20/Vatican 11869
21/Vatican 21962

Ở đây chúng ta thử tìm hiểu về các Công Đồng đầu tiên có liên quan đến vấn đề thiên tính của Chúa Giêsu Kitô , và do đó có liên quan đến vấn đề Đức Maria Mẹ Thiên Chúa .

1/ Công Đồng Nicaea năm 325 lên án lạc thuyết Arius.

Arius là người xứ Lybia , từng theo học ở Antiokia , có trí khôn sắc sảo , lý luận cứng rắn, thâm sâu , hình dáng khắc khổ , có sức lôi cuốn thanh niên bằng những giọng điệu ngọt ngào. Năm 310 thụ phong linh mục và được coi giáo xứ Baucalis , ngoại ô thành Alexandria. Tại đây không bao lâu sau ông nổi danh là nhà giảng thuyết hấp dẫn nhiều thính giả. Từ đó ông đưa ra quan điểm mới về giáo lý. Năm 321 bắt đầu có cuộc khủng hoảng về giáo thuyết của Arius. Ông cho rằng Thiên Chúa không thể thông bản tính mình cho ai được , vì nếu chủ trương khác tức là phủ nhận Thiên Chúa, Đấng đơn thuần duy nhất. Rồi ông kết luận tất cả mọi vật ngoài Thiên Chúa đều là thụ tạo, kể cả Đức Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa . Theo Arius Chúa Kitô không phải là Thiên Chúa, không ngang hàng, không đồng bản thể với Ngôi Cha . Ngài chỉ là một tạo vật hoàn hảo nhất, có trước thời gian , nhưng không phải là vô thủy vô chung. Ngài được chọn làm con Thiên Chúa , được tham dự Thiên tính, được đặt làm trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Arius mượn lời trong Phúc Âm Thánh Gioan : “ Cha ta cao trọng hơn ta “ ( Ga 14 , 28 ) để chứng minh sự xa cách giữa Chúa Cha và Chúa Con.

Arius đã gây được thanh thế lớn trong xã hội thời đó , như các giám mục bạn học của ông ở đông phương , nhóm Melecius ở Alexandria. Giới phụ nữ thành này hoan nghênh ông vì sự giải thích dễ hiểu về mầu nhiệm chính yếu và cao siêu nhất , nhất là giới bình dân và thợ thuyền , những người coi ông là bậc thánh .. Tuy nhiên ngay từ đầu hàng Giáo phẩm xứ Lybia và Ai cập đã đả kích Arius , nhất là thánh Alexandro, Giám mục thành Alexandria. Năm 322 , Công Đồng Miền họp tại Alexandria có gần 100 Giám mục tham dự, trong đó bên Arius cũng như bên chống đối được tự do trình bầy chủ trương của mình. Cuộc tranh luận rất sôi nổi , kết quả hầu hết các Giám mục đứng vế phía thánh Alexandro kết án Arius , khiến ông phải rời bỏ Alexandria đến trú ngụ ở Cesarea ( Palestina ) với Giám mục Eusebius, người ủng hộ ông . Ở đây Arius lập bè phái, và được 2 Giám mục trong vùng ủng hộ. Thánh Alexandro liền gửi thư cho các Giám mục, trình bầy kết quả của Công Đồng Alexandria. Do đó gây nên cuộc tranh luận xôn xao ở các xứ Syria, Palestina và Tiểu Á. Để tránh sự chia rẽ gây ảnh hưởng đến an ninh đế quốc, hoàng đế Constantinus quyết định triệu tập một đại Công đồng gồm các Giám mục trong đế quốc hầu xác định các điều phải tin. Theo lời mời của hoàng đế, trên 300 Giám mục từ các nơi trên thế giới đến họp ở Nicaea ( 20-5-325 ). Cuộc tranh luận kéo dài một tháng và diễn tiến trong ôn hoà. Arius cũng được tham dự để tự bào chữa. Một bản tuyên xưng đức tin được đem ra thảo luận và biểu quyết . Đó là bản kinh Tin Kính ( của Công Đồng Neacea còn được xử dụng đến ngày nay ) : Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muông vật hữu hình và vô hình…. Hội Thánh Công Giáo phạt vạ tuyệt thông những ai nói rằng : Chúa Giêsu Kitô không có từ trước muôn đời , và những ai nói rằng : Trước khi Người sinh ra , Người chưa có, và những ai nói rằng : Người bởi không hoặc bởi bản thể khác mà được tạo dựng … “ Tất cả các Nghị phụ đều ký nhận bản tuyên xưng , cuối cùng còn 2 vị cùng với Arius không chịu ký bị trục xuất và lưu đầy đến vùng sơn cước Ba Tư .

Năm 326 thánh Alexandro qua đời , vị phó tế của ngài, thánh Athanasio lên thay thế, làm giáo chủ Alexandria.

Năm 328 , nhờ có sự can thiệp của Constancia, em gái của hoàng đế và là ngưởi có cảm tình với giáo phái, Arius đựơc tha về sau khi ký một bản tuyên xưng đức tin mập mờ . Các giám mục bị lưu đầy cũng được gọi về. Nhưng chỉ 10 năm sau, bè Arius lại vùng lên và suốt nửa thế kỷ nó làm lung lay Giáo Hội . Các Công đồng Sardica ( 347 ) , Sirmium (351-359), Rimini (359 ) tiếp theo nhau để nhằm chấm dứt sự chia rẽ trong Giáo Hội, bàn về những danh từ trong bản Tuyên xưng Đức Tin như đồng bản tính ( homousius, consubstantialis ) , bác bỏ Công Đồng Nicaea . Lúc này hoàng đế Constantinus đã mất, các con là Constans và Constantius nắm quyền , một ở bên Tây, một ở bên Đông. Năm 350 Constans băng hà, Constantius nắm trọn quyền đế quốc, tự coi mình là giáo chủ tối cao, và bị bè Arius lung lạc, muốn công nhận bè Arius làm quốc giáo. Nhưng sau đó phe Arius bị phân hoá thành ba phe.

Tình hình tôn giáo thật thê thảm , tín lý, kỷ luật, phẩm trật đều đảo lộn , những vụ truất ngôi hàng loạt , lật đổ những vị chủ chăn đáng kính và thay vào đó mnhững chủ chăn bất xứng, xa lạ. Năm 361 hoàng đế Constantius băng hà, tân hoàng đế Julianus cho các Giám mục Công giáo cũng như bè Arius trở về. Nhờ sự cố gắng thuyết phục hàng giáo sĩ Gaulois và Ý đại lợi trở về với Công đồng Nicaea của các thánh Athanasio, Hilario, Eusebio nên cán cân đã nghiêng về phía Công Giáo. Lực luợng bè Arius mỗi ngày thêm suy yếu.

2- Đại Công Đồng Constantinopoli 1 ( 381 )

Năm 381, hoàng đế Theodosius ( 379-395 ) triệu tập Công Đồng Constantinopoli , gồm 150 Giám mục Công giáo Đông phương và 36 Giám mục phe Macedonius. Sau những phiên họp đầu tiên, phe Macedonius đã rút lui.Kết quả, Công đồng nhìn nhận giáo thuyết Nicaea, và thêm vào bản tuyên xưng đức tin của Nicaea về Chúa Giêsu : Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh nữ Maria, và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng tôi, chịu khổ hình và mai táng thời Phongxiô Pilato.”

Như vậy năm 381 là niên hiệu khai tử cho lạc thuyết Arius sau 60 năm làm nghiêng ngả con thuyền Giáo Hội Công Giáo .

3/ Công Đồng Ephesus ( 431 )

Dưới triều Theodosius II ( 408 – 450 ), những cuộc tranh luận về mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể diễn ra rất sôi nổi tại đế đô Constantinopoli ( ngày nay là Istanbul , thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ ) . Thời kỳ đó có hai trung tâm tôn giáo là Constantinopoli và Alexandria ( phía bắc Ai cập ) . La mã có nhiều liên hệ với Alexandria hơn là với Constantinopoli. Giám mục thành Constantinopoli bấy giờ là Nestorius ( 380-440 ) người xứ Syria, một nhà hùng biện đã từng chống trả các bè Arius, Novatianus và Macedonius. Ông chủ trương chỉ nên gọi Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Chúa Kitô chứ không phải là Mẹ Thiên Chúa. Theo ông, Chúa Kitô ( sinh bởi Đức Maria ) chỉ là một người được phúc tiền định mặc thiên tính, trở nên đền thờ của Ngôi Lời. Như vậy Nestorius phân tách Ngôi Lời ra khỏi Chúa Kitô, phân tách Ngôi Hai Nhập Thể thành hai Ngôi Vị riêng biệt được lồng vào nhau. Thánh Cyrillo, Giáo chủ thành Alexandria liền báo cáo sự việc lên Hoàng đế Theodosius II . Đức Thánh Cha Celestin ( 422- 432 ) cũng nhận được phúc trình và ngài đã kết án vạ tuyệt thông cho Nestorius ( 430 ) . Để giải quyết vấn đề, hoàng đế yêu cầu triệu tập Đại Công Đồng . Vào tháng 6 năm 431, Công Đồng Ephesus được triệu tập . Khi khai mạc Công đồng, các nghị phụ Syria và Antiokia thuộc phe Nestorius tới trễ, nhưng giáo chủ thành Alexandria vẫn quyết định khai mạc Công Đồng với sự tham dự của 160 giám mục Ai Cập, Palestina và Tiểu Á . Sau một ngày tranh luận, Công Đồng tuyên bố cất chức Nestorius ( vắng mặt ) , kèm theo 12 đề tài tuyên vạ tuyệt thông của thánh Cyrillo, đồng thời các Nghị phụ công nhận từ ngữ Theotokos - Mẹ Thiên Chúa – là chính đáng . Các nghị phụ Syria và đại diện La mã đến trễ đã phản đối sự vội vàng của Công Đồng. Phải 20 tháng sau sự hoà gioải mới đạt được giữa các Giám mục Syria và Ai cập , và một công thức được nhìn nhận như sau : “ Chúa Kitô đồng bản tính với Đức Chúa Cha về thiên tính, và đồng bản tính với chúng ta về nhân tính. Bản án tuyện vạ tuyệt thông Nestorius cũng được các Giám mục Syria đồng ý, sau khi nghe đương sự tự bào chữa .

Để có thể hiểu được những chi tiết khi nhắc đến các Công Đồng đầu tiên trên đây, chúng ta cần nhắc lại vài nét lịch sử Giáo Hội . Kể từ khi Giáo Hội thời sơ khai ở La Mã bị Neron bách hại tàn bạo năm 64 ( sau CN ) cho đền khi có chiếu chỉ Milan về tự do tín ngưỡng của hoàng đế Constantinus I vào năm 313, Giáo Hội thời đó phải sống trong hầm mộ dưới lòng đất, tính ra là 249 năm . Sau khi thoát khỏi sự trấn áp của vua chúa trong đế quốc La mã, thời kỳ tiếp theo Giáo Hội được tự do phát triển, nhưng sự can thiệp của các hoàng đế lại ở dưới một hình thức khác. Các hoàng đế coi các giám mục như chức quan của triều đình, nên có những cảnh hoàng đế triệu tập công đồng, đầy ải các giám mục chống đối , gây ra các lạc thuyết, giáo phái vì lý do an ninh của đế quốc. Như vậy sở dĩ có những vụ lưu đầy các giám mục như Arius hay Nestorius … là do lệnh của hoàng đế, tức là sự can thiệp của chính trị vào sự an toàn của Giáo Hội. Và bởi vì đế quốc La mã thời đó bao gồm cả khu vự Tây phương ( Alexandria ) và Đông phương ( Constantinople ) nên trong Giáo Hội có những khi không đồng nhất về các danh từ dùng trong các văn kiện chính thức, các kinh tuyên xưng đức tin , vì lý do bên Tây dùng tiếng La tinh, bên Đông lại dùng tiến Hy lạp làm ngôn ngữ chính . Vì vậy mà có nhiều những cuội tranh luận về các danh từ dùng trong Công Đồng của các vị giám mục, có khi kéo dài hàng chục năm sau khi Công Đồng đã kết thúc …

4 / Công Đồng Chalchedon .

Sau Công Đồng Ephesus, vấn đề tín lý Ngôi Hai Nhập Thể đã đi đến một cực đoan khác là chủ trương Ngôi Lời kết hiệp chặt chẽ với Nhân tính đến độ chỉ còn một bản tíh duy nhất là Thiên tính.Giáo thuyết này do Eutykes , một đan viện phụ ở Constantinopoli, đối thủ của Nestorius, đưa ra, và người lãnh đạo là Dioscorus , giáo chủ Alexandria. Nhưng giáo thuyết này đã bị thánh Flavian, Giám mục Costantinopoli , phạt vạ tuyệt thông, và thánh Giáo Hoàng Leo y nhận. Nhưng Hoàng đế Theodosius và Dioscorus bênh vực. Eutykes cũng kiện sang Toà thánh. Năm 449, một Công Đồng họp tại Ephesus do Dioscorus chủ toạ, có nhiều binh sĩ canh gác. Ba đại diên La mã cũng đền , đem theo bức thư của Đức Thánh Cha Leo, Nhưng Dioscorus không cho đọc bức thư đó. Tại Công Đồng, Eutykes được lên tiếng tự bào chữa và được tha vạ. Các Giám mục chống đối vụ này bị binh lính đánh đập dữ dằn, thánh Flavian bị đánh tới chết. Tại La mã liền sau đó có một Công Đồng được Đức Thánh Cha triệu tập để bác bỏ Công Đồng Ephesus 449 (được lịch sử gọi là mẻ cướp Ephesus ) . Nhưng Dioscorus vẫn bênh vực lạc thuyết Eutykes , công khai tuyên truyền và lấy tên là Monophysism.

Năm sau đó hoàng đế Theodosius băng hà, do đó ảnh hưởng và thế lực của Dioscorus cũng chấm dứt. Mardianus vị hoàng đế được Giáo hội tấn phong đầu tiên quyết lập lại hoà bình tôn giáo và giao hảo với La mã. Năm 451, một Công Đồng được triệu tập và họp tại Nicaea. La mã cử 5 đại diện gồm 3 Giám mục và 2 Linh mục đến dự, mang theo bức thư của Đức Thánh Cha Leo. Diocorus cũng đến dự và tin rằng sẽ thắng một lần nữa, nên đã có hành động quá đáng là đề nghị kết án tuyệt thông Đức Thánh Cha Leo , nhưng không ai hưởng ứng. Một tháng sau, Công Đồng di chuyển đến Chalcedon. Công việc thứnhất của Công Đồng là xét lại Mẻ cướp Ephesus, Diocorus bị kết tội lộng hành , bị cách chức và đi đầy. Sau đó bản Tuyên xưng Đức Tin Nicaea và bức thư của Đức Thánh Cha Leo được đem ra đọc. Hai bản văn vừa đọc xong, các Nghị phụ đồng thanh xưng hô : Đó là Đức Tin của các Tông Đồ, chúng tôi đều tin như vậy. Nhưng có nhiều Giám mục Hy lạp, Syria, Ai cập không chịu ký nhận công thức mà Công Đồng Chalcedon đã soạn theo tinh thần của Đức Thánnh Cha Leo : Chúng tôi đồng thanh dạy rằng : Ngôi Con, tức Đấng Giêsu Kitô Chúa chúng ta, có trọn vẹn Thiên tính và trọn vẹn Nhân tính, Thiên Chúa thật và người thật, đồng bản tính với Đức Chúa Cha về Thiên tính và đồng bản tính với chúng ta về Nhân tính ; sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước vô cùng về Thiên tính , và về nhân tính đã sinh ra trong thời gian qua vì chúng ta, bởi Trinh nữ Maria , Mẹ Thiên Chúa ( the Virgin God-bearer ) , cùng là một Đấng Kitô, Ngôi Con, Chúa chúng ta, được sinh ra với hai bản tính, không lẫn lộn, không biến đổi, không phân chia, không lìa nhau… trong một Ngôi vị duy nhất “

Sau đó có sự phân ly, tách rời , giữa Constantinopoli và La mã. Nhiều Giám mục ở Syria, Palestina bất mãn với giáo lý Chalcedon , và đi theo phái Monophysism.

 

Đinh Đông Phương sưu tầm

 

Sách tham khảo : The General Councils. Christopher M. Bellito. Paulist Press. NJ 2002-

Lịch sử Giáo Hội Công Giáo. LM Bùi Điức Sinh OP. Chân Lý. Saigon 1972.

The New Columbia Encyclopedia . Columbia University 1975.