Chót trên cành cao vót
Mấy quả sấu con con
Như mấy chiếc khuy lục
Trên áo trời xanh non..'
(Xuân Diệu trong 'Quả sấu non trên cao'
Trước tháng 4 năm 1975, quả sấu cũng như quả nhót, chỉ là những kỷ niệm của những người 'di cư' , mang theo trong tâm tư cùng với nỗi nhớ, khi đã phải rời bỏ miền Bắc vào miền Nam năm 1954. Ngày nay quả sấu cũng vẫn còn là nhựng niềm nhớ nhung của người Việt đã phải rời nước ra đi, định cư các quốc gia Âu-Mỹ (do những ly do riêng chủ quan và khách quan chưa thể hay chưa muốn trở lại quê hương)..vì cây sấu chỉ mọc tại vùng Đông Nam Á và hầu như không được trồng tại các nơi khác trên thế giới.
Quả Sấu, trong thơ văn thường được xem như biểu tượng cho thời học sinh nhiểu mơ mộng, nhất là với học sinh miền Bắc, Hà nội với các món ăn vặt như ô mai sấu, sấu dầm..
Những người đã từng sống tại Hà nội chắc sẽ có nhiều kỷ niệm về những hàng cây sấu quanh hồ Hoàn kiếm và trên các đường Phan đình Phùng, Bà Triệu..đặc biệt là vào tháng 5 khi sấu trổ hoa và vào cuối hè lúc quả sấu chín..
Tên khoa học và các tên khác :
Dracontomelon duperreanum = Sấu trắng, Long cóc. Nhân diện tử = ren-mian-zi. Pháp: Cailloutier, Pancovier, Figuer perreux
Dracontomelon dao= Sấu xoài, Long cóc xoài. New Guinea walnut, Pacific walnut., Argus pheasant tree. Philippines : Dao. Thái lan : Ka-kho, Sang-kuan.
Cả hai đều thuộc họ thực vật Anacardiacea
(Trong dân gian, còn có cây Sấu đỏ hay sấu chua, tên khoa học Sandoricum koetjape thuộc họ Meliacea, hoàn toàn khác biệt với hai cây trên)
Đặc tinh thực vật học :
Sấu trắng (Dracontomelon duprreanum)
Cây thuộc loại đại mộc sống lâu năm, lớn, xanh lưu niên, có thể cao 30-40m. Thân có bạnh lớn, vỏ thân màu nâu. Cành nhỏ có cạnh và có lông nhung màu tro ; cành non mập màu hơi xám, có lông. Tán lá tròn và rậm. Lá kép hình lông chim, mọc so le, gồm 19 đến 23 lá chét hình trái xoan mọc đối, có gốc lệch, đầu nhọn. Lá ở gần gốc dài 5-6 cm, rộng 1-2 cm; lá ở ngọn lớn hơn : 10-14 cm x 3-4 cm. Hai mặt nhẵn. Lá vò ra có mùi thơm.
Cụm hoa mọc thành chùm ở ngọn hay gần ngọn, có lông mềm. Lá bắc to và thuôn hình mác. Hoa nhỏ, lưỡng tính, màu xanh lục-trắng nhạt.
Quả hạch, hình cầu đường kính khoảng 2cm, khi chín màu vàng hay vàng-cam. cùi màu trắng đục giòn có vị chua, quả chứa một hạt to, vi đắng.
Cây trổ hoa trong các tháng 5-7, ra quả các tháng 8-10. Việc ra quả tùy thuộc vào thời tiết lúc trổ hoa , nếu luc trổ hoa trời mưa nhiều, cây sẽ cho it quả. Cây trồng có thể cho quả saư 7-8 năm, sản lượng quả tăng dần đên khi đạt 50 tuổi..
Cây sâu trắng phân bố trong vùng nhiệt đới Đông Nam Á, tại vùng Nam Trung Hoa (Quảng đông, Quảng tây, Vân nam), Thái Lan, Lào, Việt Nam..mọc tự nhiên và được trồng tại những vùng cao độ đến 600m.
Tại Việt Nam, cây mọc tự nhiên và được trồng nhiều từ Lạng Sơn xuống đến vùng Quảng Nam, Cao nguyên.như Ban Mê thuột Tại Hà Nội, đường Phan đình Phùng (gọi là Phố Sấu) có rất nhiều cây sấu hai bên đường, có cây đã được trên 100 tuổi..Vườn Cúc Phương có những cây sấu đại thụ, cao đến 45m.
Dracontomelon dao :
Cây đại mộc, cao 20-25m, có thể đến trên 40m. Thân có đường kính to đến 1-1.5 m ; vỏ thân mầu nâu-xám có nhựng mảng xanh, vỏ bên trong màu hồng. Nhánh non có lông màu đỏ hung. Lá kép hình lông chim, có cuống chung dài đến 30-40 cm, mang 6 đến 9 đôi lá chét hình bầu dục hay trái xoan dài 10-14 cm, rộng 3-5 cm. Mặt dưới của phiến lá hơi nhám. Cụm hoa mọc thành chùy thòng, có lông; hoa nhỏ màu xanh-vàng nhạt, có mùi thơm nhẹ. Quả hạch hình xoan-tròn có những vết sần đường kính1.5-2.5 cm, khi chín màu vàng.
Cây trổ hoa trong các tháng 4-5, sau khi thay lá và ra quả chín vào các tháng 8-9.
Cây sấu xoài phân bố trong vùng Nam Trung Hoa xuống đến Đông Nam Á (Thái Lan, Lào, Mã lai..) mọc tự nhiên tại các vùng rừng từ Lạng Sơn xuống đến Nghệ Tĩnh và một số nơi tại miền Nam VN, Kampuchea.. Cây cũng mọc tại các hải đảo Nam Thái bình dương như Philippines, Papua Tân Guinea, Solomons..
Dracontomelon macrocarpum : Đại quả nhân miện tử
Cây cao 15-18 m, mọc tại vùng đòi núi phía Nam Vân nam (Trung Hoa), xuống đến vùng biên giới Bắc VN. Quả hạch có đường kính đến 3.5 cm.
Thành phần hóa học :
Theo kết quả phân chất ghi trong Cây thuốc và Động vật làm thuốc tại Việt Nam (Viện Dược liệu VN) :
Quả sấu chín chứa (theo %) :
Nước : 80
Acid hữu cơ : 1 %
Chất đạm : 1.3 %
Chất bột-đường (Glucides) : 8.2 %
- Cellulose : 2.7 %
Calcium : 100 mg %
Phosphorus : 44 mg %
Vitamin C : 3 mg %
(Các acid hữu cơ chinh trong quả gồm citric, malic, succinic, tartric..Trong Hoa có một số tinh dầu phần lớn là những cymenes.
Hạt chứa tannins và một sắc tố khi nấu chin làm nước nấu có màu đen. Lá chứa tannin (0.057g/100 gram lá)
Một số nghiên cứu khoa học về Sấu :
Nước chiết từ Sấu bằng ethyl acetate có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của các vi khuẩn Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Bacillus subtilis ở nồng độ tối thiểu (MIC= Minimum Inbibitory Concentration) 0.117-0.234 mg/ dĩa thử (dùng phương pháp khuếch tán). Nước chiết bằng butanol có hoạt tính yếu hơn : 0.496 mg/dĩa (Trung Dược Số 23-2010)
Kết quả phân chất tinh dầu dễ bay hơi từ vỏ chồi Sấu xoài của Su Siufang và các cộng sự viên ghi nhận : tinh dầu vỏ chứa 13 hợp chất trong đó những chất chính là n-Hexade canoic acid (46.3%), Octadecanoic acid (15.4%), E-9-octadecanoic (13.7%)..Các n-hexadecane acid và hexa decanoic acid có thể được dùng làm thuốc diệt muỗi, và được thử nghiệm về một số hoạt tính diệt tế bào ung thư vúT120 (Shizhen Sinopharm Medicine Số 18/2007)
Hạt sấu xoài làm thuốc nhuộm răng : Bộ lạc Thương Kamu tại Lào và VN có tục lệ nhuộm răng đen. Họ dùng hạt Sâu xoài, hạt quả Lành ngạnh đẹp= Cratoxylum formosum và gỗ cây Cù đèn lá bạc= Croton cascarilloides để làm thuốc nhuộm răng. Hạt và gỗ được đốt thành than trên một dĩa kim loại và lấy bồ hóng để chà vào răng. Thử nghiệm dùng dịch chiết từ hạt sấu cho thấy không tác dụng trên vi khuẩn Streptococcus mutans (gây sâu răng) cấy trên thạch nhưng lại ngăn chặn được sự phát triển của S. mutans khi trộn chung vơi nước bọt rồi thoa trên nướu răng..(Community Dental Oral Epidemiology Số 34/2006)
Nghiên cứu của Khan và Omoloso ghi nhận dịch chiết từ lá sấu xoài bằng dichloromethane có hoạt tính kháng một số vi khuẩn khi thử in vitro (Fitoterapia Số 73/2002)
Quả sấu dùng làm thực phẩm và làm thuốc :
Sấu làm thực phẩm :
Quả sấu có vị chua riêng khác với me, và mùi thơm nhẹ, cần bỏ hạt khi dùng. Tại miền Bắc Việt Nam, quả sấu đã được dùng làm thực phẩm từ lâu. Rất nhiều món ăn dùng sấu đã được mô tả và phổ biến trên các sách báo và diễn đàn điện báo.Có thể tóm lược thành các phương thức như nấu canh (dùng vị chua của quả), từ những món rất đơn giàn như thêm vào nước luộc rau muống đến những món canh cầu kỳ hơn như canh chua nấu với thịt heo nạc, với cá, với sườn heo. Sấu còn được dùng dưới dạng sấu ngâm : ngâm muối hay ngâm nước đường; sấu ngâm muối sẽ được dùng để pha nước giải khát, sấu ngâm đường (thêm gừng) được dùng như một món mứt. Món ăn được nhiều người ưa thích nhất có lẽ là sấu chế biền thành ô mai rất đa dạng như ô mai sấu chua dòn, ô mai sấu cam thảo, gừng..Ngoài ra còn có thể nấu chè sấu.
Sấu làm thuốc :
Quả sấu được dùng Dược học cổ truyền Trung hoa và Việt Nam dùng làm thuốc để trị một số bệnh thông thường. Theo các tài liệu của các Viện Đông Y, Viện Dược liệu VN thì :
' Quả sấu, lúc xanh có vị chua hơi chát, khi quả chín có vị chua ngọt, tính mát, có công hiệu kiện vị sinh tân, tiêu thực chỉ khát, chỉ ho, tiêu đờm..được dùng để trị các chứng bệnh như nhiệt miệng, khô khát, ngứa cổ, đau bụng, nôn mửa do có thai, giải rượu, các chứng nổi mẩn đỏ ngứa ngoài da..'
Các phương thức dùng cũng khá đơn giản như : ' dùng cùi quả sấu, từ 4-6 gram, sắc nước rồi uống'..
Ngoài ra :
Hoa sấu : dùng trị ho. Hấp với đường phèn hay mật ong để trị ho cho trẻ em.
Lá : nấu lấy nước để trị lở loét, hoại tử..
Vỏ thân : trị phỏng và xuất huyết tử cung.
Vỏ rễ : trị sưng vú
Công dụng của Sấu xoài :
Sấu xoài có nhiều công dụng tại các hải đảo trong vùng Nam Thái bình dương :
Thực phẩm : Quả được dùng ăn sống, tuy không..ngon lắm. Hoa và lá non dùng làm rau tại Papua Tân Guinea, và gia vị nấu canh.
Nhiên liệu : Cành cây dùng làm củi đốt.
Gỗ mộc : Gỗ thân cây Sâu xoài khá chắc có tỷ trọng 370-790 kg/ m khối, độ ẩm 15%. Tâm gỗ màu xám nhạt, có thể từ vàng-xanh nhạt đến nâu hạt dẻ. Gỗ có nhiều vân đẹp nên được dùng để đóng bàn ghế, trang trí..
Thuốc :
Tại các hải đảo như Guinea : Vỏ thân dùng trị kiết lỵ, sắc lấy nước trị nhiễm ký sinh trùng Giardia, thoa trị mẩn đỏ ngoài da; Hoa và lá trị ho.
Tại Trung Hoa, quả sấu xoài hay nhân diện quả (quả mặt người), HongKong= Dao dragon plum, thu hoạch vào mùa thu, khi quả chín vàng, thịt mềm, vị chua-ngọt. Quả được xem là co cac tac động vào Tỳ và Vị, giúp tiêu hóa tạo nước bọt, giải khát.
Quả được chế biến dưới dạng ngâm muối= Yan yin ren theo tỷ lệ quả tươi: muối trọng lượng bằng nhau. Dùng để trị ăn không tiêu, ăn không ngon miệng; buồn nôn và oi mửa khi mang thai, nong sưng cổ họng, ngứa, mẩn đỏ ngoài da..
Tài liệu sử dụng :
Cây thuốc và động vật làm thuốc tại Việt Nam , tập 2 (Viện Dược liệu).
Medicinal Plants of Asia and the Pacific (Christophe Wiart)
Fruits as Medicine (Dai Yin-fang)
Medicinal Plants of China (J. Duke & E. Ayensu)
AgroForestry Database : Dracontomelon Dao