Theo tin Zenit, thế hệ kỹ thuật số đang lũ lượt tiến về Madrid tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới sẽ được chứng kiến một trong các phiá tối của nền văn hóa kỹ thuật số, đó là việc “đua nở” của kỹ nghệ khiêu dâm trên liên mạng.
Nhờ một cuốn phim tài liệu được giải thưởng do Anteroom Pictures thực hiện tại thành phố New York, kỹ nghệ mãi dâm sẽ được vạch trần và phân tích trước cử tọa giới trẻ. Cuốn phim tựa đề “Out of the Darkness" ( Ra khỏi bóng tối) trình bày câu truyện của Shelley Lubben, một cựu “công nhân” của kỹ nghệ tình dục và là tài tử khiêu dâm đã từ bỏ con đường cũ và trở lại Kitô Giáo.
Thứ năm tới, cuốn phim được giải thưởng Mầu Nhiệm Tình Yêu tại Đại Hội Điện Ảnh Quốc Tế Gioan Phaolô II năm 2011 tại Miami này sẽ được Morality in Media trình chiếu trên liên mạng. Sau đó, nó sẽ được đem qua Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Tây Ban Nha để trình chiếu vào ngày 17 tháng 8.
Lý do làm phim
Hãng tin Zenit tình cờ gặp được đạo diễn và nhà làm phim Sean Finnegan của cuốn phim trên và đã phỏng vấn ông về lý do thực hiện cuốn phim này. Ông cho biết ông vốn làm việc cho một công ty khác chuyên sản xuất các phim có chủ đề Kitô Giáo và Công Giáo. Một số người cho ông thấy tầm quan trọng mỗi ngày một gia tăng của nạn khiêu dâm, nên ông để ý thăm dò chủ đề này. Ông thấy khá nhiều công trình đã được đưa ra và nhiều cuốn phim cũng đã đề cập tới chủ đề này. Tuy nhiên, đa số các phim đó chỉ chú trọng tới vấn đề ghiền văn hóa khiêu dâm hoặc Tu Chính Án Thứ Nhất (tự do ngôn luận), chứ không có cuốn phim nào đề cập tới nạn nhân hàng đầu của khiêu dâm, tức người đàn bà. Ông cho rằng đấy mới là cách độc đáo để đề cập tới vấn đề khiêu dâm.
Dĩ nhiên, đối với ông, các phim thăm dò khía cạnh ghiền khiêu dâm và tự do ngôn luận đều quan trọng, nhưng ông muốn phim của ông nhắc người ta nhớ, dưới các khía cạnh ấy, ta cần nói tới những con người nhân bản, được dựng nên theo hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa. Ông muốn dùng phim, chủ yếu vốn là phương tiện kể truyện, để đặt yếu tố nhân bản vào tâm điểm câu truyện.
Ông bắt đầu tìm hiểu vấn đề, tìm gặp một ai đó từng tham dự kỹ nghệ khiêu dâm nhưng sau đó trốn thoát kỹ nghệ này. Rất may mắn, chẳng bao lâu, ông gặp được Shelley Lubben và câu truyện hết sức đáng lưu ý của cô. Ông thấy không những câu truyện của cô đáng được kể lại, mà nó còn làm nổi bật một số vấn nạn trong xã hội ta vốn có liên hệ tới văn hóa khiêu dâm, như việc tình dục hóa trẻ em, cảnh cô đơn, mất niềm tin…
Ông muốn cuốn phim "Out of the Darkness" có những người có thể đề cập đến các vấn đề nói trên và cho thấy rõ những điều kiện lịch sử cũng như tâm lý hiện có hay đã có có thể khiến văn hóa khiêu dâm “nở rộ” tại xứ sở này. Dự tính của ông đã thành công ở chỗ mời được tiến sĩ Judith Reisman, một chuyên viên nổi tiếng chuyên nghiên cứu về Alfred Kinsey, Hugh Hefner và lịch sử, sự lớn mạnh và các nguy hiểm của văn hóa khiêu dâm, và tiến sĩ Richard Fitzgibbons, một cố vấn hôn nhân Công Giáo với nhiều thập niên kinh nghiệm trong ngành. Ông cũng gặp được Mark Houck với câu truyện ghiền văn hóa khiêu dâm và cuộc đấu tranh liên tục sau đó của anh chống lại tệ nạn này.
Ông chỉ sợ cuốn phim của mình bị sa lầy vào sự kiện và các con số thống kê, nên ông cố gắng giữ cho câu truyện của mình chủ yếu tập trung vào những người liên hệ. Ông để mỗi người tự kể truyện của mình và để khán giả tự tham dự và đáp ứng về phương diện xúc cảm, nhờ thế, họ sẽ thấy rõ các câu truyện chồng chéo với nhau và liên kết chặt chẽ với nhau ra sao.
Tuy nhiên, theo ông, các tín liệu do tiến sĩ Reisman trình bày có tính cách thông sáng hơn cả. Bà đã dành nhiều thập niên để lột mặt nạ câu truyện thực của Alfred Kinsey, nhưng tiếng nói của bà bị mất hút trong nền văn hóa khoa bảng. Công trình của Kinsey đã ảnh hưởng đến quá nhiều các khía cạnh khác nhau của xã hội ta, ấy thế nhưng khá nhiều người chưa bao giờ thực sự nghiên cứu công trình của ông ta. Thay vì tập chú vào phương cách kỳ dị ông đạt tới, và có thể đã sáng chế ra, các khoa học và các nhà khoa học xã hội lại chỉ chú trọng tới các kết luận của ông và cuộc cách mạng tình dục do chúng đẻ ra.
Ít người, ngân sách nhỏ
Dù với số người ít và ngân sách nhỏ, Sean Finnegan không để những yếu tố ấy khiến ông sản xuất một cuốn phim xoàng. Nhất định hình ảnh của nó phải tốt, âm thanh phải khá và diễn tiến xuôi chẩy. Ông biết câu truyện ông muốn kể có giá trị nên không thể sản xuất một cuốn phim tầm thường được. Thực vậy tầm ý nghĩa của chủ đề đòi mọi yếu tố có giá trị bên ngoài kia không thể không có trong câu truyện của phim.
Bởi thế, ông đã phỏng vấn mỗi người tham dự hàng nhiều giờ, thu thập đủ dữ kiện để cóthể tạo ra nhiều cuốn phim tài liệu. Tuy nhiên, ông chỉ quan tâm tới các yếu tố nhân bản của mỗi người. Khó có thể nói được việc làm cuốn phim này tác động ra sao đối với người khác, nhưng đối với ông, ông thấy triết lý thực dụng về tính dục đã lan tràn rất xa và rất sâu trong xã hội. Văn hoá khiêu dâm hầu như đã tác động tới mọi người, cách này hay cách khác, đủ mọi thành phần trong đời sống. G.K. Chesterton có lần viết rằng: đôi lúc có những điều lớn quá đến độ ta không nhìn thấy nó nữa. Đó chính là điều Sean Finnegan cảm nhận về triết lý tính dục thực dụng . Nó có mặt khắp nơi. Và thiệt hại do nó đem lại sâu rộng đến nỗi người ta tiên thiên chấp nhận nó, cho rằng đó là cách thế của nền văn hóa hiện đại. Nhưng Sean Finnegan cho rằng: thái độ đó không đúng; ông muốn dùng cuốn phim của mình để làm nổi bật những câu truyện có tính bản thân của những người từng bị thái độ lầm lẫn ấy gây hại.
Một kinh nghiệm khác xẩy tới với ông khi thực hiện cuốn phim tài liệu này là: ta không nhất thiết phải chấp nhận nền văn hóa như đã được truyền lại cho ta. Thực ra, ta có thể tạo ra văn hóa và cải thiện nó; tạo ra nghệ thuật hướng người ta lên những điều cao hơn, tốt hơn. Kể một câu truyện với mọi yếu tố của sa đoạ, mất mát, tội lỗi, ơn thánh, hồi tâm, và giải thoát quả là một kinh nghiệm mở mắt và thay đổi tâm hồn ta. Ông hy vọng “Out of the Darkness” sẽ chuyên chở được điều này tới khán giả, giúp họ cũng được đánh động và thúc đẩy như các thành viên trong nhóm thực hiện cuốn phim.
Phản ứng đối với cuốn phim
Sean Finnegan cho Zenit hay vì đây là một cuốn phim tự phát hành, nên các nhà làm phim đã phải dùng cách không truyền thống giúp nó được nhiều người coi. Họ đã đưa cuốn phim tới nhiều đại hội điện ảnh, cả Kitô Giáo lẫn thế tục, và tới nhiều giáo hội, cả các nhà thờ, các nhóm thanh niên, các nhóm công dân, cả Công Giáo lẫn các hệ phái Kitô Giáo khác, các hệ thống truyền hình Công Giáo/Kitô Giáo, các trung tâm đại học và cao đẳng để trình chiếu. Đây là một diễn trình chậm chạp, rất tốn thì giờ, nhưng nhờ thế, tạo được liên hệ với các tổ chức ấy, hy vọng đạt được một chiến dịch truyền miệng giúp nhiều người biết đến cuốn phim.
Phản ứng của người xem cho tới nay khá mạnh và tích cực. Nhất là giới trẻ, họ rất xúc động đối với sứ điệp yêu thương và hy vọng của phim. Cuốn phim này, theo Sean Finnegan, xác nhận nhiều điều mà chính giới trẻ đã từng trực giác thấy: như họ đã nhận được nhiều dối trá về những hứa hẹn và tự do của phong trào giải phóng tình dục. Họ nhận ra việc sử dụng người khác trong văn hóa khiêu dâm là một diễn trình gây hại cho mọi người liên hệ.
Phần lớn cử tọa cũng đánh giá cao sự kiện đây là một cuốn phim tài liệu về khiêu dâm, nhưng không có tính chất thoả mãn thị hiếu (voyeuristic), giật gân hay khiếm nhã nào. Nhờ tập chú vào những truyện kể có tính bản thân của những người có liên hệ hay chịu ảnh hưởng bởi khiêu dâm, nên cuốn phim đã tránh được việc cần tới những tư liệu đáng trách. Thay vào đó, các người thực hiện phim đã có thể đưa được yếu tố nhân bản vào vấn đề khiêu dâm, giúp khán giả có thể can dự vào và đáp ứng xúc cảm đối với phim.
Phim nào cũng có những phản hồi tiêu cực, nên dù phim của ông nhận được gần như sự tán thưởng phổ quát của khán giả, vẫn có những người cho rằng câu truyện của Shelley thật khó tin hay ít nhất cũng khó mà không tin là nó đã được dàn dựng cho có hiệu quả. Nhưng như Austin Ruse viết khi duyệt cuốn phim này “Shelley không phải là không có kẻ thù: và đó đều là những kẻ thù đích đáng”.
Theo Sean Finnegan, câu truyện của nàng quả là một đe dọa đối với nền văn hóa sặc mùi tính dục của ta và do đó, ông thích được nghe những lời phê phán nó. Nhiều người, trái lại, cho rằng các nhà làm phim không nhấn mạnh đủ tới câu truyện ghiền và phục hồi của Mark Houck. Quả có nhiều khán giả lưu ý tới câu truyện của anh hơn hành trình của Shelley bước vào kỹ nghệ tình dục. Dù thế, các nhà làm phim vẫn muốn qua Mark Houck đưa người ta vào ý niệm này: các hình ảnh mà họ ghiền gây hại cho họ, không trên bình diện này cũng trên bình diện khác, có khi gây hại cho chính con người của họ.
Sean Finnegan cho hay: "Out of the Darkness" là phim được trình chiếu mở màn cho Đại Hội Phim Ảnh Quốc Tế Gioan Phaolô II tại Miami tháng 2 vừa qua. Khán giả rất thích sứ điệp mạnh mẽ của phim, do đó nó đã được giải thưởng “Mầu Nhiệm Tình Yêu” vì là phim diễn tả hay nhất chủ đề của đại hội. Phim cũng sẽ được chiếu như là một phần trong chương trình văn hóa của Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Madrid vào tháng 8 này. Đây là cơ hội lớn để giới thiệu cuốn phim với một khán giả trẻ và đầy hứng khởi, biết sống cuộc sống theo Tin Mừng. Nhóm làm phim cũng sẽ cộng tác với Morality in Media để chiếu trên liên mạng vào ngày 4 tháng 8. Độc giả được mời tham gia chiến dịch “Be Aware” trên trang mạng của họ (www.moralityinmedia.org).
Sean Finnegan hy vọng rằng "Out of the Darkness" sẽ giúp lột mạt nạ sự dối trá, vốn coi văn hóa khiêu dâm như một thứ tiêu khiển vô tội. Ông ước mong các khán giả nhớ rằng con người nhân bản, cả người sử dụng lẫn người sản xuất, đều bị thương tổn thực sự bởi văn hóa khiêu dâm và triết lý thực dụng về tình dục. Dĩ nhiên, không một cuốn phim đơn độc nào có thể làm xoay chuyển tình thế, nhưng ông hy vọng một số người, sau khi coi phim sẽ nghĩ hai lần trước khi “click” con chuột, mua một tạp chí, hay sử dụng một con người nhân bản khác về phương diện tình dục mà không một chút kính trọng đối với phúc lợi của họ. Ông cũng mong nhiều người ý thức hơn đối với công trình quan trọng của Tiến Sĩ Reisman. Alfred Kinsey là một nhân vật rất quan trọng của thế kỷ 20, nhưng ít người thực sự biết ông là ai. Những năm gần đây, người ta đã chú ý nhiều hơn tới Kinsey. Nhưng chỉ khi nào ta lột mặt nạ được tác giả này và cuộc nghiên cứu của ông ta, ta mới thực sự dành lại được nền văn hóa của ta.