Giới thiệu sách
Việt nam trong Chiến tranh Tư hữu
Tác giả : Nguyễn Cao Quyền
Tủ Sách Tiếng Quê Hương ấn hành năm 2010
Với sự bền bỉ miệt mài, trong mấy năm gần đây Tủ Sách Tiếng Quê Hương ở Virginia đã liên tiếp cho ấn hành nhiều tác phẩm có giá trị về nội dung cô đọng gọn gàng, cũng như với hình thức trình bày trang nhã bằng khổ chữ sắc nét in trên loại giấy được chọn lọc rất kỹ lưỡng, nên các tác phẩm của Tủ Sách này lại càng có sức lôi cuốn đối với người đọc, đặc biệt là lớp người đứng tuổi.
Trong mấy cuốn sách được cho trình làng vào năm 2010 vừa qua, tôi đặc biệt chú ý đến cuốn sách biên khảo của tác giả Nguyễn Cao Quyền vốn là một thẩm phán phục vụ lâu năm trong ngành Quân pháp của Việt nam Cộng hòa hồi trước năm 1975. Đó là cuốn sách nhan đề : “ Việt nam trong Chiến tranh Tư hữu”, dày tổng cộng 472 trang với bìa cứng, khổ chữ 12 in trên loại giấy trắng ngà. Người viết rất vui mừng được giới thiệu với quý bạn đọc như dưới đây :
I – Sơ lược về thân thế của tác giả.
Ông Nguyễn Cao Quyền năm nay đã ở vào tuổi 80. Từ trên 20 năm nay, ông là một khuôn mặt quen thuộc và được nhiều người nể trọng trong cộng đồng người Việt tại khu vực Washington DC, Maryland, Virginia qua các chức vụ Chủ tịch Cộng đồng và Chủ tịch Khu hội Cựu Tù nhân Chính trị VN tại địa phương.
Ông đã từng tốt nghiệp các văn bằng Cử nhân Luật khoa và Cao học Kinh tế tại Đại học Luật khoaSaigon. Và đã phục vụ nhiều năm trong hàng ngũ quân đội Việt nam Cộng hòa, với chức vụ cao nhất là Chánh Án Tòa Án Quân sự Đặc biệt. Rồi sau khi giải ngũ, ông đã giữ nhiệm vụ Cố vấn Ngọai giao tại Nhiệm sởParis, Pháp.
Sau năm 1975, ông Quyền phải đi tù cải tạo 10 năm từ 1975 tới 1985. Ông tới định cư tại Hoa kỳ năm 1990 và hiện sống với gia đình tạiMaryland.
Năm 2010, ông đã tiếp súc với độc giả rất đông trong buổi Ra Mắt Sách để giới thiệu tác phẩm “Việt nam trong Chiến tranh Tư hữu” tại khu vực thủ đô Washington DC. Nhưng vì sức khỏe yếu kém, ông đã không thể di chuyển đi xa đến các nơi khác để tiếp súc với các độc giả mến mộ được.
II – Mấy nét chính yếu của tác phẩm.
Đây là một cuốn sách được biên sọan khá công phu, gọn gàng xúc tích, mà lại sáng sủa dễ đọc. Tác giả là một luật gia, quen thuộc với chuyện lập luận vững vàng, dựa trên những dữ kiện, số liệu thống kê và chứng từ khả tín để có thể cống hiến cho công chúng độc giả một tác phẩm thật có giá trị và bổ ích.
Sách được phân bố trong ba phần, mỗi phần gồm có một số chương, tổng cộng là 25 chương, chưa kể phần Dẫn nhập và chương Tổng kết. Ba phần có tiểu đề chính thật rõ ràng như sau :
Phần Một : Ý niệm Tư hữu (trang 35 – 99)
Phần Hai : Chiến tranh Tư hữu Tòan cầu (trang 103 – 288)
Phần Ba : Việt nam trong Chiến tranh Tư hữu ( trang 289-421)
Nói chung, cuốn sách cung cấp cho người đọc rất nhiều thông tin và kiến thức mới mẻ do tác giả đã dày công tham khảo từ nhiều nguồn sách báo và tài liệu đáng tin cậy. Tác giả đã vận dụng khôn khéo nguồn vốn kiến thức của mình để hòan thành được công trình biên khảo về một đề tài quan trọng, mà cho đến nay chưa mấy ai đã để tâm nghiên cứu khai thác một cách thấu đáo tường tận, để trình bày trong các sách báo viết bằng Việt ngữ chúng ta.
Về hình thức diễn đạt, tác giả đã sử dụng những câu văn thật ngắn gọn, mà dứt khóat xuất phát từ niềm xác tín của mình. Có thể nói cuốn sách này là một bước khai phá độc đáo cho sự tìm hiểu sâu sắc hơn về hiện tình đất nước Việt nam trong bối cảnh tòan cầu vào đầu thế kỷ XXI hiện nay, để rồi từ đó người dân có thể tìm ra được một con đường tái thiết và xây dựng thích hợp. Xin ghi ra mấy điểm chi tiết đáng chú ý như sau :
1 – Ý niệm Tư hữu qua thời gian.
Sau khi lược qua sự biến chuyển về quyền sở hữu trong lịch sử nhân lọai, tác giả đã xác quyết rằng : “ Từ cổ chí kim, nhân chủng học không phát hiện một xã hội con người nào (mà) không biết đến quyền sở hữu. Sở hữu và Người là hai thành phần cấu tạo căn bản của xã hội. Đặc tính của cả hai là xuất phát từ tự nhiên.” (trang 52)
A) Nghiên cứu trường hợp nước Anh, tác giả viết : “ Tấm gương chính trị ở Anh chứng minh một nguyên tắc dân chủ hàng đầu : tư hữu có tác dụng hạn chế và kiểm sóat quyền lực của nhà nước” (trang 58).
B) Trong khi đó, thì tại nước Nga rất lâu dưới các triều đại phong kiến Sa hòang : “Vì không có tư hữu, nên dân Nga không có phương cách gì chống lại sự độc tài của vua chúa.” (trang 74)
2 – Chiến tranh Tư hữu Tòan cầu.
Phần này dài trên 180 trang được dàn trải từ chương 5 đến chương 17, trong đó tác giả dành 7 chương viết về Liên Xô và 3 chương viết về Trung quốc.
A) Số liệu về sự tàn sát dưới các chế độ cộng sản được ghi lại thật rõ ràng, dựa theo những thống kê chính xác và cập nhật mới đây nhất. Tác giả ghi rõ như sau : “ Stephane Courtois, trong tác phẩm “ sách đen về chủ nghĩa cộng sản” đã tính có từ 85 đến 100 triệu người thiệt mạng, nghĩa là gấp 1.5 lần số người chết trong cả hai cuộc thế chiến” (trang 104).
B) Trong chương viết về sự sụp đổ của Liên Xô, có đọan rất đáng chú ý là mục viết về “ Tiến trìnhHelsinki” ( từ trang 217 đến 220). Tác giả ghi lại nguyên ủy của tiến trình này là do “Hiệp ước Helsinki” do 35 quốc gia ở Âu châu cùng với Mỹ và Canada ký kết vào năm 1975, ” khẳng định sự tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do khác như tự do tư tưởng và tự do tín ngưỡng.” Và từ đó mà các tổ chức NGO tranh đấu cho nhân quyền khắp nơi, đặc biệt là tại Nga và Đông Âu đã nhất tề đứng lên đòi hỏi tự do, dân chủ, nhân phẩm và nhân quyền cho người dân nước mình. Đó là một đóng góp quyết định vào sự tan rã của chế độ cộng sản ở Đông Âu và ở Nga.
C) Trong chương “Trung quốc và Viễn cảnh Dân chủ”, tác giả ghi rõ về “Lộ trình Hồ Cẩm Đào” được phác họa trong dịp Đại hội 17 của Đảng Cộng sản Trung quốc vào tháng 10 năm 2007. Tác giả viết : “Theo báo cáo của Hồ cẩm Đào, Trung quốc đang đi vào một thời kỳ phát triển mới. Mục tiêu của thời kỳ này là xây dựng một “xã hội hài hòa” và phương tiện để đạt tới mục tiêu đó là chủ nghĩa “Dân chủ Xã hội” (Social Democracy) (trang 281). Tác giả còn ghi thêm về những kiến nghị của Tân Tử Lăng đã viết trong cuốn sách được nhiều người chú ý, đó là cuốn “Mao Trạch Đông, ngàn năm công tội”, điển hình như câu : “Phải xây dựng hình thái ý thức hài hòa với trào lưu dân chủ thế giới …” (trang 282)
3 - Việt nam trong Chiến tranh Tư hữu Tòan cầu.
Phần này gồm 8 chương, dài trên 130 trang. Đáng chú ý nhất là ở chương 25 chủ yếu trình bày về sự kiện chính Hồ chí Minh là nhân vật cốt cán đã du nhập chủ nghĩa cộng sản vào Việt nam. Tác giả viết rất đanh thép rõ ràng : “ Vì là nhân viên thừa hành của QTCS (Quốc tế Cộng sản = Comintern), nên giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản quốc tế, Hồ chí Minh đã chọn con đường thứ hai. Con đường thứ hai này đã được thực tiễn kiểm nghiệm và chứng nghiệm như là một thảm họa cho nhân lọai. Đem thảm họa về cho dân tộc, Hồ chí Minh và những người trong đảng của ông đã có tội rất lớn đối với tổ quốc” (trang 408).
Trong đọan chót với tiêu đề “Trả lại sự thật cho lịch sử”, tác giả đã trưng ra 5 Luận điểm của cộng sản Hanoi được đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân số ra ngày 20/9/2009, kèm liền theo các Phản biện rất chi tiết và xác đáng của chính tác giả nêu ra để trả lời cho từng Luận điểm của giới lãnh đạo cộng sản vẫn còn ngoan cố ngụy biện nhằm tiếp tục phỉnh gạt, mê hoặc quần chúng (trang 411 – 419).
4 – Những trải nghiệm cần rút tỉa.
Trong chương kết thúc này, tác giả bày tỏ sự lạc quan với con đường Dân chủ Xã hội mà nhiều quốc gia tiến bộ ở Âu châu, điển hình là Thụy Điển đã thực hiện từ nhiều năm nay với sự thịnh vượng kinh tế và ổn định xã hội. Ông khẳng định : “ Chủ nghĩa DCXH đang trở thành con đường lòai người cùng chấp thuận và đang đưa lòai người vào một thời kỳ hòa bình và phát triển” (trang 431).
Tiếp theo, tác giả còn nêu ra sự kiện rất quan trọng mới đây tại Trung quốc, đó là vào ” tháng Ba năm 2004, kỳ họp thứ 2 Quốc Hội Khóa 10 đã đưa tư tưởng quan trọng “Ba Đại Diện” và điều khỏan “bảo hộ chế độ tư hữu” vào Hiến pháp. Đây là cải cách chính trị quan trọng nhất kể từ thời “mở cửa”. (trang 432)
Cũng cần ghi thêm hai mục cuối cùng trong chương này là : “Việt nam và Trật tự Trung Hoa” (Pax Sinica) và “Tầm Nhìn Thế Kỷ “. Tác giả đã chỉ dẫn cho chúng ta con đường phải noi theo để đối phó với sức ép nặng nề của Trung quốc, đó là tăng cường “Sức mạnh mềm”. Ông viết thật ngắn gọn : “ Sức mạnh mềm duy nhất Việt nam có trong tay là lòng yêu nước và niềm tin của người dân sẽ được sống trong một xã hội tự do dân chủ. Việt nam có thể chuyển sức mạnh mềm này thành sức mạnh cứng để bảo vệ đất nước, nếu biết bắt chước có chọn lọc và cũng đừng để sự bắt chước xẩy ra quá chậm. Nếu không, cơ hội sẽ tuột khỏi tầm tay như đã nhiều lần xảy ra trong dĩ vãng.” (trang 436)
III – Để tóm gọn lại.
Cuốn sách này soi sáng cho chúng ta về nhiều vấn đề liên hệ trực tiếp đến sự sống còn và hưng thịnh của đất nước. Tác giả đã đem hết tâm hồn và trí tuệ của mình vào trong công việc tham khảo nghiên cứu để hòan thành được một tập biên khảo thật sự có giá trị này.
Người viết xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với tác giả Nguyễn Cao Quyền và các bạn hữu thân thiết - mà điển hình là nhà văn Trần Nhật Kim - đã hết lòng cổ võ và hỗ trợ cho tác giả suốt thời gian dài chuẩn bị cho công trình này.
Và xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn sách có thể sử dụng đặc biệt làm tài liệu tham khảo cho các khóa huấn luyện trang bị cho thế hệ trẻ thấu triệt được những đường hướng chính yếu cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, trong giai đọan cực kỳ nguy nan của tòan thể dân tộc Việt nam trước đe dọa xâm lược rất hung hãn thâm độc của tập đòan hiếu chiến và bành trướng bá quyền phương bắc vậy. /
Costa Mesa, tháng Tám 2011
Đòan Thanh Liêm