Vừa buôn đồ cổ, vừa buôn đồ cũ từ nước ngoài về, ông Bùi Xuân Hải trở thành một đại gia vô cùng giàu có. Khi đó, tài sản của ông ước tính lên đến 200 triệu USD, một số tiền khổng lồ thời bấy giờ. Với số tài sản ấy, người ta đã xếp ông vào hàng ngũ số ít người giàu có nhất nước.
Vừa buôn bán đồ cổ, ông Hải vừa đưa ra nhiều ý tưởng kinh doanh, đổi mới và được Bí thư thành phố Đoàn Duy Thành lưu ý, áp dụng. Lãnh đạo thành phố đã sắm tàu lớn để làm ăn, buôn bán với nước ngoài.
Nhờ có một số người mạnh dạn làm ăn, coi “phi thương bất phú” như ông Bùi Xuân Hải và được sự hỗ trợ của lãnh đạo thành phố nên Hải Phòng nhanh chóng biến thành trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Chợ Sắt và bến cảng biến thành nơi trung chuyển các loại hàng hóa từ nước ngoài nhập vào.
Vừa buôn đồ cổ, vừa buôn đồ cũ từ nước ngoài về, ông Bùi Xuân Hải trở thành một đại gia vô cùng giàu có. Khi đó, tài sản của ông ước tính lên đến 200 triệu USD, một số tiền khổng lồ thời bấy giờ. Với số tài sản ấy, người ta đã xếp ông vào hàng ngũ số ít người giàu có nhất nước. Tuy nhiên, làm ăn được vài năm, thì thông tin “Hải Phòng dùng đồ cũ, rác thải tư bản” đến tai trung ương, thế là cơ hội làm giàu từ buôn bán đồ cũ bị dừng lại.
Ông Hải tâm sự: “Tôi là người luôn có tư tưởng đổi mới, luôn đi trước thời đại vài chục năm, nên làm gì cũng mạnh dạn. Tuy nhiên, chính sự mạnh dạn này, mà tôi phải trả giá bằng 4 lần đi tù”.
Lần đi tù hài ước nhất vào năm 1981 mà nhắc lại nhiều người Hải Phòng vẫn biết, là vụ ông Hải đi mua đồng đen ở Thái Thụy (Thái Bình). Để mua được cục đồng đen, ông Hải đã mang theo 1,7kg vàng. Khi chủ nhà đưa ra cục đồng hun đen và bị ông Hải phát hiện, thì công an ập vào thu sạch cả “đồng đen” lẫn vàng.
Lần đó, ông Hải ngồi trại 2 tháng vì buôn hàng quốc cấm. Khi những công an thoái hóa kia bị bắt, ông Hải mới biết họ dựng màn kịch mua bán cốt để cướp tiền của người mua. Màn kịch của họ là sẽ cướp tài sản, rồi mặc kệ cho người mua và người bán trốn thoát. Nhưng ông Hải không chạy trốn, muốn làm cho ra chuyện, nên cả ông và mấy vị công an đều đi tù.
Ngày Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình về Hải Phòng tìm cách kiếm tiền cho Bộ, bà đã được ông Đoàn Duy Thành giới thiệu Bùi Xuân Hải. Khi đó, bà Bình mới biết, trong ngành giáo dục có một nhân vật giàu có đứng đầu cả nước. Thế là, ông Hải theo bà Bình về Hà Nội nghĩ cách làm giàu cho Bộ.
Ông Hải đã đề xuất thành lập Công ty Thiết bị giáo dục, trong đó có một nhiệm vụ lạ là huy động học sinh thu gom phế liệu. Khi đó, học sinh cả nước cùng đi gom các loại phế liệu bán cho nhà trường, nhà trường chuyển lên cho công ty để tái chế. Thế hệ học sinh những năm 80 đều còn nhớ rõ sự kiện này. Thế nhưng, nhà máy chế biến phế liệu vừa xây xong, thì năm 1986 ông Hải bị bắt vì tội đầu cơ đồ cổ. Dự án làm giàu cho Bộ Giáo dục cũng đổ vỡ.
Phiên tòa mở vào năm 1987, sau 21 tháng điều tra. Tòa án tuyên phạt 21 tháng tù giam với ông và như vậy ông được thả ngay tại tòa, vì thời hạn tạm giam vừa đủ 21 tháng. Lần đi tù này ông Hải bị thiệt hại lớn vì hàng vạn món đồ cổ bị thu sạch.
Ra tù, ông Hải dồn hết vốn liếng lập Công ty Havico với nhà xưởng, máy móc hiện đại bậc nhất thời bấy giờ. Công ty này chuyên sản xuất đồ gốm sứ và đồ giả cổ. Từ một ông thầy giáo, song nhiều năm nghiên cứu đồ cổ, ông đã nắm được các bí quyết để làm ra những món đồ vừa đẹp, vừa bền lại sang trọng. Công ty nhanh chóng phát triển mạnh mẽ với hệ thống 5 doanh nghiệp trực thuộc, có 4000 công nhân.
Thời điểm đó, Havico là doanh nghiệp duy nhất ở nước ta có thể xuất khẩu hàng hóa sang Đông Âu. Nhà nước đã chọn doanh nghiệp này để xuất khẩu hàng hóa nhằm trả nợ cho Nhà nước. Chỉ 2 năm, công ty đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 8 triệu USD.
Vì công ty sản xuất hàng để trả nợ cho Nhà nước, nên ông Hải được ưu đãi vay ngân hàng tới 17 tỷ đồng. Nhưng họa vô đơn chí, công ty đang ăn nên làm ra, thì Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Các nước không thanh toán được tiền hàng, trong khi nợ ngân hàng một khoản tiền lớn. Thế là, năm 1997, ông Hải bị bắt vì tội: “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”.
Đây là kiểu hình sự hóa các quan hệ kinh tế, đã khiến hàng loạt doanh nhân trong thời kỳ đó phải ngồi tù. Theo ông Hải, chỉ cần Nhà nước gia hạn cho ông, chờ nung 300 ngàn đồ gốm sứ, rồi xuất sang Nhật, cũng thừa trả. Đấy là chưa kể tài sản của ông là những kho đồ cổ với những món đồ tuyệt đẹp. Thế nhưng, những món đồ gốm chưa nung chỉ được coi là đất sét, còn mấy kho đồ cổ là tài sản của ông thì bị tịch biên. Nếu phát mại những thứ đó, thì thừa sức để ông trả nợ ngân hàng. Thế nhưng, ông đã bị tuyên một cái án oan 20 năm tù.
Hồi ở tòa, bà Thẩm phán chất vấn ông: “Ông chỉ là một thầy giáo địa lý, không được học hành kinh doanh, thì làm sao ông hiểu luật và biết kinh doanh mà lập doanh nghiệp làm giám đốc?”.
Ông Hải chơi xỏ bà Thẩm phán thế này: “Nếu có một cuốn sách dạy mua hàng chỗ này, bán hàng chỗ kia, và chắc chắn thu lãi, thì cả nước ta đều trở thành tỷ phú hết. Nhưng ở đời không có cuốn sách đó. Theo luật pháp, tôi có một dự án khả thi và một số tiền vốn cần thiết thì tôi có quyền thành lập công ty và đương nhiên tôi là giám đốc. Còn việc kinh doanh như thế nào thì hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng của từng người. Cũng như chị và chồng chị đã đến phường đăng ký kết hôn thì đương nhiên chị được làm vợ và anh ấy được làm chồng. Còn có con hay không, con trai hay con gái là tuỳ phúc phận của mỗi người chứ khi đăng ký kết hôn, nhà chức trách không hỏi anh chị rằng đã học cách lên giường chưa?”.
Với cái kiểu trả lời chế nhạo thế, thì ông nhận mức án 20 năm tù là điều dễ hiểu. Thế nhưng, trong phiên tòa phúc thẩm, với bộ óc cực kỳ thông minh, sắc sảo, thuộc luật như thuộc thơ, không cần đến luật sư, một mình ông đứng “cãi” để rồi tòa phải tuyên… trắng án.
20 tháng ngồi tù oan, Nhà nước quyết định bồi thường cho ông Hải 1,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông không chấp nhận mức bồi thường đó, vì thực tế, vì vụ án này, doanh nghiệp khổng lồ của ông bị đóng cửa, tổng tài sản thiệt hại lên đến cả trăm, thậm chí cả ngàn tỷ đồng. Đã vậy, từ bản án oan này, ông đã biến thành “Chúa Chổm”.
Ra tù, người đàn ông này vẫn không nguôi khát vọng làm giàu. Ông cùng với công nhân phát cây cỏ mọc như rừng trong sân công ty rộng tới 3 héc-ta, khôi phục lại máy móc, lò nung. Ông làm việc ngày đêm nhằm vực lại doanh nghiệp. Ông đã làm một đề án xây dựng lâu đài sứ, mà ông gọi là trường ca đất và lửa. Mô hình thì đã xong, chỉ còn bắt tay vào thực hiện nữa thôi.
Thế nhưng, công việc đang dang dở thì năm 2002, ông Hải lại bị bắt giam vì vi phạm Luật đất đai và bị tống vào tù 14 tháng. Khi đó, giọng ông trước tòa không còn đanh thép nữa, mà đã khản đục vì căn bệnh ung thư vòm họng. Lần ngồi tù này, trước ranh giới sự sống và cái chết, ông Hải đã làm được 2 điều đặc biệt.
Thứ nhất, ông đã hoàn thành công nghệ vẽ vàng ròng lên đồ sứ trước khi đem nung. Sau này, khi ra tù, ông đã đầu tư lò nung và thực hiện thành công công nghệ này. Ông là nghệ nhân duy nhất ở nước ta thực hiện được việc vẽ vàng trên sứ và khách hàng ruột của ông chính là người Trung Quốc, nơi gốm sứ phát triển nhất thế giới. Trong một hội chợ quốc tế về gốm sứ, sản phẩm của ông đã đánh bại gốm sứ Trung Quốc và là sản phẩm duy nhất đoạt cúp vàng.
Điều đặc biệt thứ hai là ông đã hoàn thành một công trình tầm cỡ có tên “Công trình nghiên cứu khoa học kinh tế chiến lược về đất đai Việt Nam”. Đây là một công trình nghiên cứu đặc biệt, mà ông viết bằng kinh nghiệm máu xương với sự trả giá bằng tù đày của mình. Từ công trình này, như một bệ phóng, hàng loạt đề án hiến kế làm giàu cho đất nước đã ra đời.
Còn tiếp…
Theo Phạm Ngọc Dương
VTC News