Những suy Nghĩ và Cảm nhận về:
Thảm Kịch Gia Đình Họ Tạ ( Texas)
( dưới góc nhìn của Phụ Nữ )
Trong cộng đồng VN ở Mỹ, từ hơn 1 tháng nay, khi nhắc đến thảm kịch gia đình họ Tạ (Texas), hầu như ai cũng biết. Đó là một tin chấn động lớn gây bàng hòang sững sốt cho mọi người, dù là kẻ bàng quan nhất cũng cảm thấy chạnh lòng! Trước biến cố đau buồn này, chị em phụ nữ nghĩ gì về hôn nhân gia đình VN ở xứ người Những ý kiến được ghi nhận đây đó trong những lúc tản mạn chuyện trò ở những buổi họp mặt, những lúc đi bộ, ở những lớp học Yoga, nơi sở làm giữa những chị em người Việt với nhau. Đó là những ý kiến cá nhân, nhưng nó cũng có thể tiêu biểu cho cái nhìn, cách cảm nhận của nhiều chị em. Những ý kiến đó có thể đúng, có thể sai, có thể hòan tòan khác với cái nhìn của các ông. Chúng tôi sẳn sàng đón nhận những ý kiến phản hồi từ phía qúy ông, nhưng trước hết xin hãy lắng nghe ý kiến và tâm tình của chị em chúng tôi.
Câu chuyên bắt đầu từ một vụ nổ súng của anh Đổ Tân (35 tuổi) xả súng bắn vào gia đình vợ trong bữa tiệc mừng sinh nhât 11 tuổi của con trai, do chính anh đứng ra tổ chức. Kết qủa anh đã bắn chết vợ anh (Trini Tạ, 29 tuổi) cùng 3 người em vợ ( 2 gái, 1 trai) và cô em dâu của vợ với bào thai trong bụng, sau cùng anh đã dùng súng tự sát. Một tấn thảm kịch gia đình đã dẫn tới cái chết của 6 mạng người và một bào thai, đó là chưa kể những người bị thương nặng, nhẹ phải vào bịnh viện Đau lòng hơn nữa là tấn thảm kịch này lại xảy ra trong một gia đình Công Giáo VN. Nếu anh Tân là người có đức tin mạnh mẽ, tin vào Chúa, chắc anh sẽ không hành động cướp quyền của Thiên Chúa để tước đi mạng sống của những người khác như thế! Nhưng mặt khác có người luôn tin vào sự quan phòng của Chúa trong mọi sự sẽ thắc mắc: “Chúa ơi ! Chúa ở đâu trong tấn thảm kịch này? Tại sao Chúa lại để cho điều tàn ác đó xảy ra ??”
Thảm kịch này xảy ra không phải do một cơn nóng giận bộc phát thình lình không kiềm chế được, mà là cả một kế họach định sẳn từ trước, nó phát sinh từ một mối hận lòng sâu xa đã đưa anh Tân đến quyết định hủy diệt đời mình và kết thúc luôn mạng sống của vợ và những người thân trong gia đình vợ, Không ai hiểu được nỗi hận lòng của anh sâu đậm tới mức độ nào? Vì từ khi bắn phát súng đầu tiên, cho đến khi phát súng cuối cùng để tự kết liểu đời mình, anh hoàn toàn “câm nín”, không hề bộc lộ một lời nào. Qủa là :
“ Có những niềm riêng một đời câm nín
Đến lúc xuôi tay, còn chút ngậm ngùi!”
Không biết khi “ra đi” anh “còn chút ngậm ngùi” nào không ?, hay chỉ là một sự “hả hê” vì đã giải tỏa được mối hận lòng của mình từ bấy lâu nay ! Từ khi lên kế họach thảm sát đến giây phút lìa đời, anh có chút ngậm ngùi nào khi nghĩ tới 2 đứa con thơ của mình sẽ rơi vào cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ và hình ảnh cuộc thảm sát này sẽ mãi mãi là ấn tượng kinh hòang theo sát tâm trí chúng cho đến hết cuộc đời? Đó là sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà, đàn bà khi nghĩ tới con là sẳn sàng hy sinh tất cả, nhịn nhục tất cả vì con ! Anh Tân khi lên kế họach thảm sát này, nỗi hận thù đã che lấp tình thương con trong lòng anh
Ông bà xưa thường hay mỉa mai, châm biếm sự nông nổi của đàn bà qua câu ca dao:
“Đàn ông nông nổi giếng khơi
Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”
Có lẽ vì “giếng khơi” qúa nên anh Tân đã âm thầm lên kế họach chu đáo: đứng ra tổ chức tiệc sinh nhật cho con trai, để có cơ hội mời đầy đủ gia đình bên vợ tới dự, hầu có thể “ra tay” sát hại một lần cho gọn và cho “đã nư”. Thật đáng sợ và nguy hiểm cho cái sâu sắc “giếng khơi” đầy thủ đọan của đàn ông kiểu này! Còn đàn bà nông cạn như “cơi đựng trầu” nên dễ tin, dễ nghe do đó Trini Tạ đã từng bị chồng dùng súng uy hiếp dọa bắn và hành hung nhiều lần, đến nỗi chị phải xin án lệnh của tòa “cấm chồng lại gần”, nhưng khi nghe chồng năn nỉ, chị đã “mau quên” và “vội tin” nên xin rút lại án lệnh, dù tòa không đồng ý, vì chị muốn cho chồng “thêm 1 cơ hội”. Và qủa là chị đã cho chồng “một cơ hội” không phải để hàn gắn gia đình mà là để “thảm sát vợ và gia đình vợ”. Thật đáng thương và tội nghiệp cho cái nông nỗi như cơi đựng trầu của của chị em phụ nữ!, lúc nào cũng để tình cảm che mất lý trí! Có lẽ khi chết Trini đã không kịp ân hận về quyết định định đầy sai lầm của mình mà chỉ còn kịp nhớ lo trối trăn nhờ cha mẹ chăm sóc 2 con dùm mình. Dù bị chồng coi như kẻ thù và bắn giết không thương xót, nhưng ở giây phút lìa đời, ta không hề thấy chị bộc lộ chút nào lòng hận thù đối với chồng Tình thương đã che lấp lòng hận thù nơi tâm hồn chị. Thật đáng quý thay tấm lòng nhân ái của phụ nữ mà ít khi chồng nhận ra vì trong tâm còn bận chứa đầy những hận thù bất mãn triền miên!
Ngòai ra theo tin tức được loan tải, Trini là người năng nổ xông xáo, làm 2,3 job, như vậy là chị đã phạm một tội rất nặng khác. Đó là “tội thành công và kiếm tiền nhiều hơn chồng”, đó là điều nhiều ông chồng không chấp nhận đươc!.Nhiều chị em phụ nữ đã từng thấm thía rút ra kinh nghiệm: trong một gia đình, nếu chồng thành công hơn vợ, gia đình đó hạnh phúc bình thường, nhưng ngược lại nếu người vợ thành công hơn chồng, gia đình đó sẽ gặp khủng hỏang trầm trọng. Hạnh phúc sẽ bị xáo trộn và lung lay, không phải vì người vợ tự kiêu, coi thường chồng mà vì cái “mặc cảm thua kém vợ” đã làm tổn thương lớn lao đến cái sĩ diện “gia trưởng” của người đàn ông Việt Nam
Tôi nhớ có lần về VN, đọc 1 tờ báo Phụ nữ để thấy đau lòng với tâm sự của một phụ nữ trẻ thành đạt: vợ chồng chị cùng học chung đại học, yêu nhau thắm thiết rồi ra trường làm đám cưới. Hai người được phân công về làm việc ở 2 cơ quan khác nhau, chị năng nổ, xốc vác lại may mắn làm việc trong một môi trường thuận lợi dễ phát tirển tài năng của mình. Sau hơn 10 năm làm việc qua nhiều thăng tiến chị trở thành tổng giám đốc một công ty thương mại có uy tín, trong khi anh vẫn tà tà làm việc và giữ một chức vụ khiêm nhường trong cơ quan của anh. Chị càng thăng tiến bao nhiêu, thì sư “khó chịu, gắt gỏng, bắt ne, bắt nẹt” của anh càng lên cao. Chị tất bật với công việc ở công ty, về nhà còn phải lo đi chợ cơm nước hầu hạ chồng và 2 con, trong khi anh về đến nhà là đọc báo, xem tivi. Với khả năng tài chính của mình, chị thừa sức mướn người giúp việc để phụ chị, nhưng anh không “cho phép” vì anh cho đó là bổn phận đàn bà phải chu tòan trong gia đình, rôi mới lo ngòai xả hội. Với chức vụ tổng giám đốc, chị cần có một chiếc xe hơi riêng để đi giao dịch và quần áo lịch sự tương xứng với chức vụ mình, ngân khỏan do công ty đài thọ, nhưng anh không “cho phép”: “vì TGĐ là ở công ty, về nhà này cô là vợ tôi, tôi bảo gì phải nghe theo!”. Một thời gian dài chị phải khéo léo, giải thích, chiều chuộng năn nỉ mãi anh mới “cho phép” với điều kiện: “phải thuê một chổ khác để xe hơi, không được đem về nhà này, trông ngứa mắt”. Vậy là mỗi sáng chị phải dậy sớm giải quyết công việc nhà xong, mặc quần áo “bình dân” chạy Honda ra chổ thuê để xe hơi, ở đó trang điểm, thay y phục lịch sự rồi lái xe đi làm. Có lúc chị thấy “cực thân, cực tâm” qúa, cũng muốn “tung bê” mọi thứ, nhưng nghĩ thương 2 đứa con nhỏ dại, không muốn nhìn cảnh gia đình tan nát, chị lại phải “cắn răng” nuốt nước mắt vào trong để “vâng phục” chồng, nếu không anh sẽ bảo “À ! thì ra cô được thăng quan tiến chức rồi cô khinh thường chồng” Vì đối với đàn bà hạnh phúc gia đình con cái là trên hết chứ không phải như đàn ông công danh sự nghiệp là trên hết, nhưng không biết sự chịu đựng của chị sẽ kéo dài thêm bao lâu nữa vì sức người chịu đựng có hạn!
Nói tới việc vợ phải “vâng phục” chồng, tôi lại nhớ tới đám cưới lớn nhất thế kỷ vừa diễn ra giữa Hòang tử William và Kate ở London. Hằng triệu triệu người trên thế giới đã theo dõi đám cưới lịch sử này qua trực tiếp truyền hình. Họ đã lắng nghe từng chữ trong lời tuyên hứa của đôi vợ chồng trẻ hòang gia này trước bàn thờ Chúa, đặc biệt là của Kate : “ …em sẽ chung thủy và tôn trọng anh suốt đời em”, không hề có chữ “vâng phục”,đối với Hoàng tử Và ngay cả thời của công nương Diana ( mẹ của William) cũng vậy, không hề có chữ “vâng phục” trong lời tuyên hứa hôn nhân của mình.( dù là đối với Thái tử!) Tại sao lại phải “vâng phục”? khi mối quan hệ giữa 2 người là “bạn đời” với nhau chứ có phải là quan hệ “chủ- tớ” đâu ?. Bao giờ đàn ông VN tẩy bỏ được tinh thần “gia trưởng” và “vợ vâng phục” trong đầu của mình thì hạnh phúc các gia đình VN sẽ được thăng tiến nhiều hơn
“ Trông người lại ngẫm đến ta”, nhìn thấy thế hệ trẻ mới trưởng thành sau này ( Trini mới 29 tuỗi) mà còn phải chịu nhiều “áp lực” từ.chồng như vậy thì huống hồ gì là thế hệ gìa ( sắp về hưu hay đã về hưu) nhất là thế hệ những người vợ H.O thì “áp lực” đó còn khủng khiếp tới chừng nào !. Những người phụ nữ này đã qua một thời son trẻ, bươn chãi trong một xả hội đầy khó khăn và kỳ thị để gánh vác gia đình, nuôi con ăn học, nuôi chồng trong tù. Sau này trong chương trình H.O.sang Mỹ, họ lại tiếp tục bươn chãi, thích nghi với xã hội mới, mưu sinh với gia đình. Những ông chồng sang đây nếu an phận hoặc thành đạt là phước báu cho họ (số này hiếm hoi), còn đa số không thành đạt đều mang đầy mặc cảm tự ti, sẽ là nỗi khủng hỏang lớn lao trong gia đình. Họ trở thành “bất mãn kinh niên”, nhìn đâu cũng thấy điều để chê trách, để bất mãn từ trong gia đình cho tới ngòai xả hội, nhất là đối với vợ, “nhìn đâu cũng thấy tội” vì là “đối tượng gần nhất” để hứng chịu những cơn “,bất mãn chung thân” của họ. Họ như chúa sơn lâm không được vẩy vùng theo ý thích, không còn được làm “chúa tể rừng xanh” một cõi tung hòanh nên họ như: “gặm một khối căm hờn trong cũi sắt” (T.L)
Đặc biệt đối với qúy ông, khi ở VN có những địa vị (bác sĩ, nha sĩ..) thường được xã hội VN quý trọng đặc biệt thì nỗi khủng hỏang sẽ còn trầm trọng hơn nhiều. Họ đi từ thái cực “tự tôn” sang thái cưc “tự ti”, khi “không thành đạt” họ bất mãn,sống co cụm không muốn tiếp xúc với ai, có người bị depress qúa nặng đâm ra “ngơ ngơ, ngẫn ngẫn’ lúc nào cũng mơ màng chuyện huy hòang ngày xưa. Có người thì lao vào cờ bạc rượu chè để giải khuây làm khổ vợ con;có người thì lăng nhăng trai gái để tự khẳng định mình vẫn còn “có giá”, nhưng khi vợ hé môi tâm tình với bạn để xả stress thì liền bị gán tội bêu riếu, nói xấu chồng, thành thử các bà luôn:
“Có những niềm riêng một đời dấu kín
Như rong, như rêu lắng trong biển khơi”
Những nỗi sầu u uất cứ lắng đọng mãi trong tâm ngày này qua tháng khác có thể sẽ kết tụ thành một khối ung thư (điều này khoa học đã xác nhận). Đó lại là một nan đề khác cho chị em, khi tuổi càng cao, sức khỏe càng suy yếu, sức đề kháng càng thấp:
“ Giết nhau chẳng cái dao cầu
Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa? (C.Ó.N.K)
Tôi có chị bạn thân rơi vào hòan cảnh chồng “không thành đạt”, nên lúc nào anh cũng bất mãn kinh niên, người ta sang Mỹ đổi đời đi lên, anh thì ngược lại, đổi đời đi xuống nên “trăm dâu đổ đầu tằm”,anh đổ thừa mọi thất bại của anh là do chị gây ra!?. Chị cũng hiểu anh là người tài giỏi, có khả năng lảnh đạo, làm việc hăng hái tích cực, được bạn bè tín nhiệm yêu mến, nhưng sang đây vì “không thành đạt”, nên anh không có “đất để dụng võ” Do đó trong lòng anh đầy sự phản kháng và tâm lúc nào cũng ấm ức, buồn phiền. Chị thương và chạnh lòng khi nghĩ về anh với hình ảnh:
“Những dòng sông đã lâu
Không ra được biển rộng
Là những dòng sông lạc loài
Muộn phiền quanh vách núi
Như gương không người soi” ( TLA)
Nhiều lần chị cố gắng muốn đến gần giúp anh “gở bỏ” những khó khăn trong tâm, nhưng con người anh luôn có một hàng rào phòng thủ tự động chung quanh. Mỗi lần chị tìm cách đến gần là bị “tự động đánh bật ra” với nhiều lý do khác nhau: “muốn làm thầy đời, dạy khôn.., giả dối, gỉa hình, show up…” riết rồi chị chịu thua vì chỉ có anh mới là người có thể tự gở bỏ trái bom trong tâm anh mà thôi. Chị muốn giúp anh, nhưng anh luôn phản kháng từ chối nên chị không làm gì được. . Càng ngày vợ chồng càng xa cách, anh kết tội chị đủ mọi điều theo sự suy diễn của anh. Cái gì anh đã nghĩ trong đầu là đúng thì nó phải là đúng ( dù trên thực tế nó hoàn toàn sai) nhưng không ai có thể gở bỏ điều đó ra khỏi đầu óc anh. Nhiều lúc chị thấm thía lời bài hát của VTA:
“Ôi thôi ! đời ta phung phí trong cơn buồn phiền
Ta xin tháng ngày rồi bình yên”
Và để đạt đến sự bình yên đó, chị đã cố gắng tập thiền, tập sống xã bỏ:
“Một chẳng chấp, hai chẳng chấp
Chấp chứa làm chi cho thêm mệt!
Một cũng bỏ, hai cũng bỏ,
Thong dong tấc dạ, thế mà vui!”
Chị tìm quên lãng với bạn bè, đi chơi đây đó với người thân..anh càng ấm ức và cương quyết đòi ly dị. Dù lòng không muốn, chị cũng thuận theo ý anh để anh không còn cớ phản kháng và tâm được bình yên, nhờ đó tâm chị cũng sẽ được bình yên theo. Nhưng sau đó thấy chị sống bình an thoải mái, anh lại tức tối cho rằng chị đã “gài bẩy” anh vào kế họach chị đã dọn sẳn. Ôi thật chẳng có cách nào làm anh vừa lòng, dù là đã làm theo ý anh !!
Ai cũng nói, bước vào “tuổi thu phai” là tuổi đẹp nhất đời người vì bổn phận lo cho con đã xong, chúng đã trưởng thành Tuổi này là tuổi vợ chồng nương tựa nhau mà sống, có thể thong dong đi chỗ này chỗ kia để thưởng thức vẻ đẹp của cảnh vật thiên nhiên với “mùa Thu lá bay”, nhưng đối với chị hạnh phúc hình như đã bay theo mùa Thu tự lúc nào! Tôi phải an ủi chị “Không phải ai muốn điều gì cũng được, hãy vui hưởng những gì mình đang có trong tầm tay” Hãy cầu nguyện với Chúa:
“Lạy Chúa xin giúp con thay đổi, những gì có thể thay đổi
Và xin Chúa giúp con chấp nhận những gì không thể thay đổi được”
Hãy phó thác mọi sự trong tay Chúa và để Chúa “dẫn con đi”
Trở lại câu chuyện của Trini Tạ, chị đã làm đơn xin ly hôn, nhưng cứ còn đắn đo mãi và vẫn mong muốn cho chồng có thêm cơ hội, bởi với phụ nữ hạnh phúc gia đình là quan trọng, họ rất đau lòng khi nhìn gia đình tan vỡ. Ở Mỹ tỷ lệ ly hôn trong các gia đình VN tăng cao, các ông đổ thừa cho các bà sang Mỹ học đòi theo lối Mỹ nên hay bỏ chồng. Các ông đâu hiểu các bà sang đây cũng phải gian nan vất vả để đi học, đi làm, chịu stress đủ bề, về nhà còn phải chịu đựng thêm một ông chồng lúc nào cũng như “thùng thuốc nổ”, nổ bất cứ lúc nào, tự động nổ mà không cần có ai châm ngòi. Chịu đựng không xiết thì phải “bung”!, ai chịu đựng giỏi thì “còn ở lại’ theo kiểu tâm niệm: “lâu dần, đời mình cũng quen” nhưng “quen” bao lâu thì chưa biết?? vì sức chịu đựng mỗi người đều có giới hạn. Ngoài ra phụ nữ có khả năng thích nghi cao, nên dễ hội nhập vào xã hội mới, trong khi các ông cứ khư khư ôm theo “lề thói xưa” ( gia trưởng, vợ phải vâng phục chồng, trai có quyền 5 thê,7 thiếp…) Đúng là:
“Anh đi bằng nhịp điệu 1,2,3,4,5
Em đi bằng nhịp điệu 6,7,8,9,10
Làm sao, làm sao ta gặp được nhau?” (TCS)
Vậy xin qúy ông vui lòng “tự xét lại mình” trước khi đổ tội cho các bà! mà đâu cần gì ở xã hội Mỹ, ở VN bây giờ tỷ lệ ly hôn cũng tăng cao, vì ngày nay người phụ nữ cũng phải ra đời bươn chãi mưu sinh nuôi gia đình. Sở dĩ ngày xưa tỷ lệ ly dị thấp vì các bà không có nghề nghiệp, luôn phải sống dựa vào chồng, “chồng là Vua, bảo gì vợ phải nghe theo”, ví dù “ chàng muốn vợ bé, thiếp thì cưới cho”. Ly dị thì biết lấy gì mà sống, mà nuôi con ?? nên đành phài “ngậm bồ hòn làm ngọt” chứ nhiều bà cũng căm hận đến mức “Khối hờn mang xuống tuyền đài chưa tan!” như những câu chuyện tôi đã từng được nghe kể. Nếu các bà sống ở thời đại này, chắc chắn các bà cũng không thể chấp nhận được hòan cảnh bị ức chế nhu vậy.
Mới mấy tháng trước đây, có nhiều bài phổ biến trên internet thống kê về các hoa hậu, người đẹp ở VN đều lấy chồng nước ngòai, vì họ muốn được yêu thương chiều chuộng, được tôn trọng, được đối xử công bằng, vợ chồng vẫn có những khỏang riêng tư cần thiết. Còn đàn ông VN ảnh hưởng phong kiến, lúc nào cũng muốn kiểm sóat vợ, muốn vợ luôn phục tùng hầu hạ mình, còn mình thì sĩ diện đàn ông, không thể “hạ mình” xuống hầu hạ vợ làm mất sĩ khí nam nhi, nhưng nỗi nóng “vũ phu” đánh vợ lại là chuyện bình thường. Bài báo còn nêu lên viễn ảnh, nếu đàn ông VN không sớm lo thay đổi thì sẽ bị ế vợ dài dài
Trong thảm kịch ở Texas, thú thật khi nhìn hình ảnh Trini tươi cười, ghé đầu vào vai chồng trong chuyến vacation của cả gia đình ở Cancun, trước đó 2 tuần, không ai có thể ngờ được ít lâu sau Trini lại bị chồng giết như giết một kẻ thù không chút xót thương! Có những người đàn ông rất yêu thương vợ con, nhưng khi vợ làm một điều gì phật ý, thì tình nghĩa keo son bỗng chốc hóa hư không, và chỉ còn lại hận thù trong tâm họ mà thôi. Hãy nhìn hình ảnh Trini sau khi bị chồng bắn đang hấp hối, cố gắng trăn trối, bên cạnh đứa con trai 11 tuồi khóc lóc van xin:
“Ba oi ! đừng bắn má nữa !
Nhưng anh Tân đã lạnh lùng bồi thêm phát nữa để Trini chết tức khắc khỏi phải trăn trối thêm điều gì! Theo tin tức kể lại anh Tân là người nóng tính, trước đó anh đã từng đánh đập chị mang thương tích đầy mình, đã từng kẹp cổ chị và bắn súng lên trần nhà để uy hiếp chị! Hình như đa số đàn ông VN đều nóng tính, dù có thể là họ cũng thương yêu vợ con, nhưng khi máu nóng nổi lên, nỗi sân hận sẽ che mờ cả lý trí và tình cảm, dẫn họ đến những hành động tàn bạo không thể cứu vãn được! Kinh nhà Phật đã nêu lên hình ảnh thật cụ thể: Tình yêu thương, tâm tốt lành có thể giúp ta gieo trồng,nuôi dưỡng một rừng công đức trong thời gian dài, nhưng chỉ cần 1 phút nổi nóng, sân hận bùng lên như một mồi lửa nhỏ có thể thiêu rụi trong chốc lát cả một rừng công đức, mà ta đã ra sức vun trồng trong bao năm. Do đó đừng coi thường “nóng tính”, nó là “căn bệnh” nguy hiểm cho hạnh phúc gia đình Hãy tìm cách “chữa trị” nó càng sớm càng tốt bằng cách học “Thiền”, theo học những lớp về “cách kiểm sóat cơn nóng giận”… kẻo nó sẽ đốt cháy cuộc đời bạn và ngôi nhà hạnh phúc của gia đình bạn.
Ngoài ra đàn ông VN trong cư xử thường thiếu tôn trọng vợ, ở lớp yoga tôi theo học buổi tối, một hôm bị cúp điện nên lớp tập ít giờ hơn, mọi người có giờ rảnh để bàn chuyện “Texas”, ai cũng thương cảm cho gia đình họ Tạ. “Đúng là họ Tạ, nên bị sao quả Tạ ngàn cân chiếu vào,,”. Bỗng nhiên một chị (nha sĩ) nhìn đồng hồ xong vội vả đứng dậy: “Thôi, em phải về để ông xã trông. Dạo này ông tiến bộ ghê lắm rồi nên mới cho em đi tập yoga buổi tối, chứ trước kia đừng hòng bao giờ cho em đi đâu một mình, rồi còn hay rỉa rói tùm lum, nhức mình lắm..”. ( Sau một thời gian dài theo học, tôi dần dần phát hiện lớp gồm đa số là dân ‘trí thức’, bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ., kỷ sư...họ đến lớp để rèn luyện và giữ gìn sức khỏe ở tuổi xế chiều). Tôi đưa tay vẫy chào và hen gặp chị lần tới, lòng thầm nhủ : “Trí thức mà còn bị chồng đối xử như vậy, huống hồ gì là dân ít học”. Trước khi về, chị B đưa tôi đĩa copy Paris by night mới phát hành (mỗi lần Paris by night ra DVD mới, con chị đều mua biếu chị và biết tính chị hay thích “share” với bạn, nên copy luôn vài cái “để mẹ tùy nghi sử dụng” ). Nhìn lại trong giỏ, thấy còn dư 1 đĩa, chị bèn đem đến dúi vào tay chị T và nói:
- Đem về xem, mới ra, hay lắm
Chị T mừng rỡ, cười :
- Ối, tốt qúa, cám ơn chị nhiều lắm!
Nhưng ông chồng chị T đứng gần đó, thấy vậy, bèn chạy đến giật chiếc đĩa từ tay vợ, đem trả lại tận tay chi B:
- Cám ơn chị, nhà tôi không xem thứ này!
Tôi nhìn thấy vậy, bất bình, buột miệng hỏi:
- Tại sao không ?? chị T thích xem mà!
- Già rồi sắp xuống lổ, coi văn nghệ, văn gừng làm gì!
- Già cũng cần giải trí chứ!
- Cô còn trẻ thì coi được, vợ tôi già rồi nên chỉ nghe những đĩa tụng kinh thôi (chị hơn 70 tuổi)
Tôi lắc đầu “hết ý kiến”, nhìn lại thấy chị T đứng trơ với 2 bàn tay hẫng, không nói 1 lời nào. Tôi đến bên, xiết nhẹ tay chị:
- Em thương chị, em nói thiệt, từ trước tới giờ em cứ nghĩ “ông xã em là số 1”, nhưng hôm nay nhìn thấy cảnh này, em thấy em còn may mắn hơn chị. Tạ ơn Chúa!
Nước mắt rân rấn, chị khẽ nói:
- Em ơi, chị chịu đựng như ri, đã hơn 50 năm rồi!
Tôi thật không ngờ ở xứ Mỹ này vẫn còn có những cảnh chồng cư xử với vợ thô bạo, độc đóan, gia trưởng đến như vậy, dù a/c đã sang đây từ 75 và đều là dân học thức, nay đã về hưu. Tôi chợt thấm thía 1 lời hát của LHH:
“Hãy nhìn xuống chân, biết bao nhiêu người thua mình”
Có điều đáng nói là anh T cư xử với bạn trong lớp, với người ngoài rất nhã nhặn, lịch sự và nhiệt tình giúp đở mọi người, nhưng đối với vợ thì ôi thôi,,! Điều này khiến tôi nhớ lại lời cha linh hướng giảng trong 1 khóa Thăng tiến hôn nhân:
“ Có những ông ra ngoài thật tốt bụng, dễ thương và hết lòng giúp đỡ mọi người, nên ai cũng quý mến và khen nức nở, nhưng về nhà thì ngược lại là “hỏa ngục” cho vợ con!”??
Kết luận, nói đi thì cũng phải nói lại cho công bằng kẻo mang tiếng “quơ đủa cả nắm”.Tôi cũng từng chứng kiến những ông chồng VN cư xử với vợ thật “nice” thật tử tế! (chắc nhờ ảnh hưởng văn hóa Mỹ, hay nhờ vợ khéo “training”.?) Tôi có 2 chị bạn thân cùng học DHSP Saigon, vừa rồi có dịp đến ở chơi nhà mới thấy rõ. Chị Đ ở Sacramento thì mê chăm sóc vườn cây, nên tối ngày chị cứ loay hoay với đám cây “con của chị”, rồi tưới cây, tưới cỏ là hết ngày, ông xã chị lo chăm sóc cháu,rồi lo nấu ăn dọn sẳn, đến bữa chị cứ việc vào nhà ngồi xơi cơm. Chị H ở Oregon thì ông xã về hưu trước, nên sáng nào anh cũng dậy sớm lo cạo rữa cả rổ các loại củ, qủa, cắt nhỏ để bỏ vào máy xay rút nước tinh chất rót ra ly, xong anh pha café sữa theo đúng gu của chị, rồi chuẩn bị sẳn dĩa trái cây, nướng bánh mì hay waffer sẳn sàng trước khi mời vợ xuống ăn sáng. Hôm nào chị dậy trễ, vội qúa không đủ giờ sửa sọan đi làm, anh đem khay ăn sáng lên tận phòng cho chị. Được vợ khen “Anh pha café ngon quá !” rồi thêm mấy tiếng “thank you, thank you” là anh vui rồi! Bây giờ chị mới xin về hưu non, không phải đi làm nữa, nhưng anh vẫn theo “nề nếp cũ”, sáng nào cũng chuẩn bị phục vụ bữa ăn sáng cho chị thật chu đáo. Sau đó anh lo chăm sóc vườn cây, khi nào chị cần gì anh luôn sẳn sàng giúp ngay
Trong lúc trò chuyện khi anh đang chuẩn bị buổi ăn sáng, tôi hỏi anh:
- Làm như vậy, anh có ngại bị mang tiếng là “hầu vợ”, mất sĩ diện đàn ông không ? (nhất là khi nhà đang có khách)
Anh cười trả lời:
_ Có gì đâu mà ngại, tôi thấy vợ chồng già có dịp chăm sóc nhau là điều tốt nên làm!. Tôi lo phục vụ ăn sáng cho vợ, rồi những bữa ăn còn lại trong ngày vợ lại phục vụ cho tôi
Rồi anh tâm sự: Con người không ai hòan hảo, ai cũng có khuyết điểm, nên tương nhượng nhau mà sống, ai cũng có vài ưu điểm, nên nhớ tới ưu điểm nhau để sống bình an vui vẽ. Vợ chồng sống với nhau mấy chục năm , biết tánh ý nhau rồi! “Đừng thả mồi bắt bóng”, chê trách điều này, điều nọ, bỏ đi tìm cái khác, tưởng khá hơn, ai dè còn gặp thứ tệ hơn, hối hận thì đã muộn, vì quỹ thời gian không còn, đâu còn biết được bao lăm ngày nữa??, Nhìn chung quanh bạn bè bệnh tật ra đi cũng nhiều, đột ngột ra đi cũng không ít. Tại sao vợ chồng sống với nhau bao năm rồi, không biết bỏ qua những tị hiềm, ganh ghét, tranh chấp hơn thua để sống với nhau tử tế trong những ngày cuối đời cho tâm mình thanh thản bình an ...
Tôi thầm cám ơn anh đã cho tôi “bài học triết lý buổi sáng” đơn sơ nhưng sâu sắc về tình nghĩa vợ chồng. Đúng là:
“Hãy sống hết lòng mình
Trước khi đời khép kín”
Bước ra mảnh vườn nhỏ sau nhà, nhìn màu hoa giấy đỏ rực trong nắng sáng, tôi chợt nhớ đến một bài hát năm xưa, lâu lắm rồi, mà tôi vẫn thích nên khẻ hát:
“Như chuyện đã viết xong
Mà lòng vẫn còn muốn nói thêm..
Và những được - mất riêng của mình
Đời người ai cũng có
Hãy cho nhau tình yêu
Hãy thương nhau thật nhiều” (TLA)
Vì:
“Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng
Được - mất – bại – thành bỗng chốc hóa hư không”
8/2011
Phượng Vũ