Bài 3 – Tổng thống Nelson Mandela ở Nam Phi [Nhà lãnh đạo quốc gia, lúc về hưu họ làm những gì ? (III)]

Nelson Mandela là một trong số ít người nổi danh nhất trên thế giới ngày nay mà đặc biệt xuất thân từ lục địa Phi châu. Năm nay đã vào tuổi 93, ông bắt đầu suy yếu nhiều, nhưng cuộc đời ngọai hạng của ông thật ít có người đương thời nào mà lại có thể sánh kịp được.

Vì triệt để tranh đấu chống lại nạn kỳ thị chủng tộc Apartheid, mà ông đã bị ngồi tù suốt 27 năm, sự việc đã khiến nhiều nơi trên thế giới đã phát động một chiến dịch sôi nổi “ đòi trả tự do cho Nelson Mandela “ ( Free Nelson Mandela). Nhiều sách báo, phim ảnh, bản nhạc ca tụng thành tích sáng chói của ông. Nhiều quốc gia trên thế giới, điển hình là các nước Mỹ, Canada, Anh quốc, Ấn độ, Liên Xô, Thổ nhĩ kỳ… đã tôn vinh ông với những huân chương cao quý nhất. Đặc biệt ông đã được trao tặng giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1993, trước khi ông được người dân Nam Phi bầu vào chức vụ Tổng Thống năm 1994.

Và năm 2009 mới đây, Liên Hiệp Quốc đã công bố ngày 18 tháng Bảy sinh nhật của ông là “Mandela Day” để vinh danh sự đóng góp của ông cho chính nghĩa Tự do trên thế giới.

Để bạn đọc có thể theo dõi rõ ràng hơn câu chuyện về sinh họat của nhân vật kiệt xuất này sau khi rời bỏ trách nhiệm lãnh đạo đất nước từ năm 1999 lúc bước vào tuổi 81, người viết xin lược thuật về quá trình tranh đấu kiên trì của Nelson Mandela trong công cuộc xây dưng một xã hội dân chủ tự do và nhân ái cho dân tộc xứ Nam Phi là quê hương bản quán của ông.

 

I – Nelson Mandela và Phong trào tranh đấu chống lại nạn kỳ thị chủng tộc Apartheid.

 A – Bối cảnh địa lý lịch sử.

Nam Phi là một vùng đất ở cực Nam của lục địa Phi châu nơi tiếp giáp của hai đại dương là Ấn độ dương và Đại tây dương. Với diện tích rộng vào khỏang 1.2 triệu km vuông và dân số hiện nay chừng gần 50 triệu người, Nam Phi là một quốc gia được xếp vào hạng phát triển nhất tại Phi châu.

Từ thế kỷ XVII, người Hòa lan đã đến lập nghiệp tại đây và những hậu duệ của họ được gọi tên là Afrikaaners với ngôn ngữ riêng. Đến giữa thế kỷ XIX, với sự phát hiện của các mỏ kim cương trong khu vực, người Âu châu, kể cả người Ấn độ lại đổ xô vào đây để khai thác và thuê mướn nhân công địa phương. Vào cuối thế kỷ XIX, lại xảy ra cuộc chiến giữa quân đội Anh với dân Afrikaaners, cũng được gọi là cuộc chiến Boer (Boer war) và kết cục, Nam Phi đã trở thành một thuộc địa của người Anh. Sau đệ nhị thế chiến, Nam Phi được trao trả độc lập, nhưng lại do người da trắng thiểu số nắm giữ mọi quyền hành. Dân da đen chiếm tuyệt đại đa số đến 80% dân số, nhưng vì thuộc các bộ lạc khác nhau, nên không hợp thành một sức mạnh của đa số, cho nên trong một thời gian khá dài họ bị thiểu số lối 10% người da trắng gốc gác từ Âu châu lấn ép kềm kẹp, với những luật lệ rất khắt khe tàn bạo của nạn kỳ thị chủng tộc mà thường được gọi là Apartheid.

B – Nelson Mandela nhập cuộc tranh đấu.

Ngay từ thời ở vào lứa tuổi 20, Nelson Mandela đã tham gia tích cực vào cuộc tranh đấu chống lại những đàn áp bất công và chà đạp nhân phẩm của người da màu như mình. Ông học luật và đã mở văn phòng luật sư hồi thập niên 1950. Nhưng vì nhận thấy chính quyền của người da trắng vẫn ngoan cố, nên Nelson đã cùng với một số bạn chủ trương sử dụng phương pháp bạo động như những vụ phá họai nhằm ép buộc chính quyền phải nhượng bộ. Vì thế mà vào năm 1963, ông đã bị chính quyền Nam Phi bắt giữ và đem ra tòa xử phạt với án chung thân khổ sai và nhốt ông vào những trại tù khắc nghiệt. Nhưng là người có ý chí cang cường, nên dù bị giam giữ tù đày, ông vẫn tiếp tục theo đuổi công cuộc tranh đấu đòi tự do và nhân quyền cho người da màu. Vì thế mà ông được sự ủng hộ rộng lớn của tòan thể dân tộc Nam Phi, cũng như gây được thiện cảm của số đông nhân vật quốc tế.

Năm 1990, nhà cầm quyền phải trả tự do cho ông. Và năm 1994, sau cuộc tổng tuyển cử, ông được bàu vào chức vụ Tổng thống và giữ nhiệm vụ này cho đến năm 1999 mới về nghỉ hưu vào tuổi 81. Nelson Mandela đã trở thành biểu tượng của công trình giải phóng người da màu ở Nam Phi khỏi nạn áp bức bất công và nhục nhã do người da trắng đã gây ra từ bao thế kỷ qua. Ông cũng là niềm tự hào cho mọi sắc dân thuộc các bộ lạc ở Phi châu nữa. Trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông, tại Nam Phi dưới sự chủ tọa của vị Gíám mục Desmond Tutu nổi tiếng với giải Nobel Hòa bình năm 1984, thì Ủy Ban Sự thật và Hòa giải ( the Truth & Reconciliaton Commission) đã họat động rất sôi nổi, nhằm mục đích hóa giải hận thù giữa cộng đồng người da màu với người da trắng. Và Nelson Mandela đã hỗ trợ hết mình cho công cuộc hòa giải này, khiến gây được sự cảm phục trong công luận thế giới.

 

II – Nelson Mandela vẫn hăng say họat động từ lúc về nghỉ hưu.

Với uy tín lớn lao, ông được mời tham gia những vụ việc điều đình dàn xếp rất quan trọng trên trường quốc tế. Điển hình như trong vụ giải quyết tranh chấp liên quan đến chuyến mày bay Pan Am 103 bị quân khủng bố người Lybia làm nổ tung tại thành phố Lockerbie xứ Scotland Anh quốc, thì do sự dàn xếp của ông, chính quyền Gaddafi đã chịu trao 2 kẻ khủng bố cho Tòa án ở Hòa lan xét xử, nhờ đó mà làm giảm bớt được tình trạng bế tắc căng thẳng giữa Lybia và các quốc gia Âu Mỹ, đặc biệt là nước Anh.

Vào năm 2007, Mandela đã tìm cách thuyết phục nhà độc tài Robert Mugabe xứ Zimbabuwe là nên từ bỏ quyền hành trong danh dự, để khỏi bị săn đuổi như trường hợp của tướng Augusto Pinochet xứ Chili.

Cũng trong năm 2007, Nelson Mandela cùng với Giám mục Desmond Tutu cùng hợp chung với các nhân vật có uy tín quốc tế như cựu Tổng thống Jimmy Carter, cựu Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Kofi Annan, Mary Robinson ( cựu Tổng thống Ireland), Muhammad Yunus ( nhà sáng lập hệ thống miro-credit tại Bangladesh)… để thành lập được một nhóm lấy tên là “The Elders” ( Nhóm Bô Lão)  để cùng góp phần vào việc giải quyết những vấn đề cực kỳ khó khăn của thế giới.

Ông còn có sự quan tâm đặc biệt đến tai họa HIV/AIDS mà đến trên 11% dân chúng Nam Phi (tức là trên 5 triệu người) mắc phải, khiến gây ra cái chết đau đớn cho hàng trăm ngàn người mỗi năm, trong đó có cả chính người con trai thứ của ông là Makgatho Mandela chết năm 2005. Năm 2004, ông tới đọc diễn văn tại Hội nghị AIDS Quốc tế lần thứ XV tại Bangkok. Và mỗi năm ông đều tham gia rất nhiều trong các sinh họat gây quỹ nhằm giúp đỡ các nạn nhân của đại họa này.

Ngòai ra, còn phải kể đến 3 sáng hội đã được thiết lập đều lấy tên của ông, đó là : Nelson Mandela Foundation, Nelson Mandela Chindren’s Fund và Mandela Rhodes Foundation để đẩy mạnh những dự án về từ thiện xã hội nhân đạo.

 

Tóm tắt lại, với quá trình tranh đấu kiên cường của mình để giải thóat tầng lớp người da màu khỏi nạn kỳ thị dã man của nhóm người thiểu số da trắng lì lợm ngoan cố, Mandela đã quy tụ dân tộc Nam Phi về một mối và khởi sự xây dựng được một quốc gia thống nhất, tự do dân chủ như ta thấy ngày nay. Từ rất lâu, tên tuổi của Nelson Mandela đã gắn liền với sứ mệnh bảo vệ nhân phẩm và nhân quyền cho hết thảy những người cùng đinh ở Nam Phi.

Mặt khác, noi theo gương bất bạo động triệt để của Thánh Gandhi ( người đã từng làm luật sư bênh đỡ lớp người Ấn độ tại Nam Phi hồi đầu thế kỷ XX) trong việc giải quyết những mối tranh chấp bất đồng tại các địa phương, Nelson Mandela đã gây được sự tín nhiệm và sự kính phục rất cao trên trường quốc tế, nhờ đó mà những hành động và lời nói của ông đều có ảnh hưởng lớn lao tại Nam Phi cũng như trên tòan thế giới.

Nelson Mandela quả thật là hiện thân của một thế lực tinh thần cao quý, và đó cũng là một tiếng nói lương tâm đày sức thuyết phục trong thời đại ngày nay của chúng ta vậy./

Westminster, tháng Bảy năm 2011

Đòan Thanh Liêm