(Danlambao) - Vào năm 1955, cùng một lúc làng Vĩnh Lộc được đón hai nhân vật nổi bật. Nói nổi bật là có ý so với mặt bằng rất thấp của cái làng miền trung nghèo đói và lạc hậu này, chứ thực ra họ cũng bình thường, lại là dân gốc của làng, tức là cũng có thời từng làm thằng con nít tồng ngồng chạy ra Bến Kiềng mò hến hoặc sau mỗi trận mưa ra Đồng Chùa mót khoai sót, những mẩu khoai sùng, khoai non bé chỉ bằng ngón tay cái. Sau này lớn lên mỗi người một ngả theo sự dun dủi của số phận.
Ông thứ nhất học giỏi, nghe nói giỏi nhất trong cả ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, được quan Toàn Quyền Pháp đích thân trao học bổng sang Paris học khoa luật ở Sorbonne, năm 1946 trở về Việt Nam cùng một nhóm trí thức yêu nước theo lời kêu gọi của chính phủ cách mạng. Suốt thời gian kháng chiến ông ở Việt Bắc, rồi sau về Hà Nội hai năm, làm gì, giữ chức vụ nào không ai biết, chỉ thấy một hôm ông trở về làng, những tưởng chỉ ở chỉ ít ngày, nhưng rồi ông sửa sang nhà cửa, lại đưa cô Ba Héo cháu ông về ở cùng, vừa giúp vặt trong nhà, vừa để ông dạy chữ cho cô. Vậy là người ta đoán ông về hẳn, chắc do bị kỷ luật. Tuy nhiên không vì thế mà dân làng dám coi thường, vì ông có tiền, do vợ con bên Pháp đều đặn gửi về ba tháng một lần, vì ông từng là giáo sư một trường đại học danh tiếng bên ấy, và vì cả việc ông mở lớp học chữ không mất tiền cho trẻ con trong làng. Cô cháu ông đã hăm lăm mà chưa chồng, tức là sẽ không bao giờ hy vọng có chồng sau cái tuổi ấy. Cô xấu xí, người gầy đét nên mới có cái tên Héo đi kèm. Héo hon. Nhưng bù lại, cô có giọng nói sang sảng và khá chua ngoa. Người ta gọi ông bác cô là Ông Đeo Kính, vì ông này cận thị nặng và luôn đeo cặp kính trắng mắt tròn, gọng kim loại màu đen. Trong làng ông duy nhất là người đeo kính, khiến mọi người thấy vừa ngồ ngộ, vừa kính nể.
Người thứ hai là Ông Mao Chủ Tịch Dạy, do tại ông hay nói câu này, cả khi phát biểu long trọng ở hội nghị lẫn khi giao tiếp hàng ngày. Ông đi bộ đội từ hồi cách mạng, lên đến chức trung đoàn trưởng thì chuyển sang ngành dân chính và vừa mới tham dự một khóa tập huấn cải cách ruộng đất ở Hồ Nam, Trung Quốc. Vậy ông phải là nhân vật quan trọng, một quan to. Ông về cái làng này, tất nhiên chỉ một thời gian ngắn theo nguyện vọng, là cốt để biến nó thành điển hình tốt cho cả tỉnh, nếu không muốn nói cả nước, trong cuộc vận động, như Mao Chủ Tịch dạy, long trời lở đất này. Cuộc cải cách ruộng đất mà chỉ cách mạng mới có thể mang lại, làm cho người cày có ruộng, xóa bỏ tận gốc sự bóc lột và đói nghèo. Dân làng ắt phải lấy làm vinh dự và biết ơn ông lắm. Lúc nào ông cũng mặc bộ đại cán dày cộp, phẳng phiu màu lông chuột, nên đi dứng có vẻ hơi cứng nhắc, khệnh khạng. Cũng có thể ông chủ ý làm ra thế. Hồi rời làng ông không biết chữ, bây giờ thì đọc thông viết thạo, nói năng lưu loát, bàn tay phải luôn vung lên đập xuống khi muốn nhấn mạnh điều gì. Ông về làng sau Ông Đeo Kính sáu tháng, bằng ô tô riêng của tỉnh ủy Nghệ An, nhưng xe phải dừng ở chợ Hôm vì đường nhỏ, khiến ông đi bộ những ba cây số, là điều lãnh đạo xã rất lấy làm ái náy. Để tỏ ra mình quần chúng, ông từ chối không ở căn nhà riêng do xã bố trí, có người phục vụ, mà về ở với ông bố đã bảy mươi tuổi hiện đang sống một mình. Khác với ông con cách mạng triệt để, ông bố nổi tiếng hay ăn nói lung tung và “rất yếu về lập trường giai cấp”. Nể tình có con làm to, chứ không thì đã mọt gông từ lâu.
Ông Mao Chủ Tịch Dạy cho mời cán bộ cốt cán trong làng đến nhà mình. Sau một hồi dài dòng thuyết về mục đích, ý nghĩa cuộc cải cách ruộng đất, là điều ai cũng biết vì được học tập rất nhiều trước đó, ông giao cho họ phải tìm bằng được mười gia đình địa chủ cường hào gian ác trong tổng số 200 hộ ở làng Vĩnh Lộc này “Mao Chủ Tịch dạy cái bọn người thối tha ấy ít nhất phải chiếm năm phần trăm dân số mỗi địa phưng. Chúng vô cùng xảo quyệt trong việc che giấu của cải và bộ mặt thật của mình. Nhiệm vụ của các đồng chí là phải tìm ra chúng. Tìm bằng hết, bằng mọi giá!”
Mọi người đưa mắt nhìn nhau. Làng Vĩnh Lộc xưa nay thuần nông mà ruộng thì vẻn vẹn một dải đất trũng dọc theo Kênh Nhà Lê. Phần lớn dân làng phải làm thuê, cấy tô cho thiên hạ, cả làng giỏi lắm chỉ chục nhà có được dăm sào ruộng, tức là nếu không mất mùa thì vừa đủ ăn. Tìm đâu ra mười gia đình địa chủ bây giờ? Lại phải cường hào gian ác! Một vài người tỏ ý băn khuăn, liền bị Ông Mao Chủ Tịch Dạy đè dập ngay bằng cách nói, bàn tay phải vẫn luôn chém vào không khí, rằng dân Trung Quốc cũng nghèo như ta, nhưng do lập trường vững và giác ngộ cao, nên họ vẫn tìm đủ con số năm phần trăm ấy, nhiều nơi còn vượt kế hoạch. Hay lập trường giai cấp các đồng chí thấp? Không, tất nhiên, không, mọi người hùng hổ đáp. Có anh còn lấy làm ngạc nhiên rằng làng mình nhiều địa chủ thế mà xưa nay không biết. Thế là người ta ra nghị quyết nhất định phải đạt hoặc vượt chỉ tiêu được giao.
Khi giải tán, Ông Mao Chủ Tịch Dạy bảo cô Ba (Ba Héo) ở lại. Cô này đang là đối tượng kết nạp Đảng nên hăng lắm, suốt ngày lăng xăng bên mấy ông bà cán bộ xã, bỏ cả việc học chữ và cơm nước cho ông bác đeo kính.
“Đồng chí Ba, ông bác của đồng chí thế nào?”
Cô Ba Héo chúm miệng vắt nước trầu, quệt vào vạt áo:
“Báo cáo, vẫn như mọi ngày. Chỉ đọc sách rồi ngồi thừ người ra”.
“Ngồi thừ người ra nghĩa là thế nào? Mà đọc sách gì?”
“Toàn sách Tây, tôi không biết. Đọc rồi ngồi thừ ra suy nghĩ. Thỉnh thoảng chép miệng”.
“Toàn những dấu hiệu đáng ngờ. Cô phải luôn để mắt theo dõi. Ông ấy theo cách mạng cả chục năm nay mà vẫn không bỏ được thói xấu đọc sách và suy nghĩ. Chẳng trách bị tống về quê. Mao Chủ Tịch dạy ta không được một phút lơ là. Kẻ thù có thể ẩn nấp dưới những vỏ bọc vô hại nhất, có thể chính là người thân của chúng ta. Tuyệt đối không để tình cảm riêng tư làm sói mòn giác ngộ giai cấp. Đồng chí nhớ thấy gì báo tôi ngay”.
Ông nhìn bà cách mạng trẻ đang nhổ toẹt bãi nước trầu xuống nền nhà, khó chịu nói tiếp:
“Theo tôi đồng chí nên giảm bớt, bỏ được càng tốt, cái thói quen ăn trầu luôn miệng ấy đi. Đó là tàn dư của nông thôn lạc hậu. Mà rồi cũng không nên phô vú ra như thế. Đó là một biểu hiện xấu của bọn tư sản đồi trụy. Bên Trung Quốc người ta nịt chặt, phẳng lì như đàn ông”.
Từ đó cô Ba Héo có ngực phẳng lì như ngực đàn ông, là điều khiến cô càng gầy và xấu hơn. Nhưng thói ăn trầu và nhổ bậy thì cô không bỏ được, một phần vì cách mạng cũng không quá khe khắt về việc này.
“Thằng Nhất vào đây tao bảo!” có giọng nói ồm ồm từ phòng trong vọng ra, khi cô Ba Héo đã ra về và Ông Mao Chủ Tịch Dạy đang mở xắc-cột lấy tập giấy gì đó định đọc.
Đó là ông cụ bố ông. Ông cụ vẫn ăn nói kiểu ấy với con trai, bất chấp tuổi tác và chức vị của ông ta. Ông ta khó chịu lắm nhưng không làm được gì, chỉ còn biết yêu cầu bố nói nhỏ để người ngoài không nghe thấy.
“Tôi hỏi anh. Anh khoe đi Trung Quốc mấy tháng học hành cái gì bên đó, để bây giờ về làng làm thế à?” Ông cụ cao giọng, lúc ấy đang ngồi uống nước chè xanh trên chiếc chõng tre.
“Bố nói gì con không hiểu. Làm thế là làm gì?”
“Là bắt phải moi ra những mười gia đình địa chủ ở cái làng nghèo rớt mồng tơi này. Ở đây không có ai địa chủ cả. Chuyện khôn không học, lại học điều quái đản gây thù hằn, chém giết lẫn nhau. Mà giả sử tìm được địa chủ, chúng mày định làm gì họ? Bắn hết à?”
“Chuyện ấy để còn xem. Cách mạng sẽ phán xử theo đúng tội từng đứa. Đây là việc của con, chuyện lớn, chuyện chính trị, bố biết gì mà nói”. Ông con cũng cao giọng.
“Chuyện của mày nhưng làng của tao. Mày đi Trung Quốc, còn tao thì suốt đời ở đây. Ai thế nào, làm gì, tao không biết hơn mày chắc? Nếu mày bảo đó là cách mạng thì tao không cần cái cách mạng ấy. Nghe chưa? Đất nước được tự do, độc lập là tốt rồi. Bây giờ chúng tao muốn được yên ổn làm ăn. Tao không muốn cảnh đấu tố, bắn giết loạn xạ như ở Đô Lương, Yên Thành. Lại càng không muốn mày, thằng con tao, làm điều đó, ở đây, trên mảnh đất đã đẻ ra mày!”
“Bố im đi. Phản động hay sao mà dám ăn nói thế!” Ông con quát, giận sùi cả bọt mép.
“Nếu thế là phản động thì tao là phản động đấy. Bắt tao đi! Bắn tao đi!”
“Không phải thách. Mao Chủ tịch dạy…”
“Cút mẹ mày đi với Mao Chủ tịch! Nó dạy mày ăn cứt mày cũng ăn à? Nó dạy mày bắn bố mày, dân làng mày, mày cũng bắn à?”
Ông cụ lóng ngóng đứng dậy, tay cầm chặt chiếc điếu cày, nhưng ông kia đã vội bỏ đi, sang ở hẳn bên căn nhà người ta đã chuẩn bị sẵn cho ông.
*
Mọi việc diễn ra nhanh chóng, dồn dập, cứ như bị ma đuổi. Có thể vì Ông Mao Chủ Tịch Dạy muốn giải quyết nhanh chóng ở đây để còn đi chỉ đạo nơi khác vì ông là nhân vật quan trọng. Tối nào dân làng Vĩnh Lộc cũng họp từ bảy đến mười một giờ. Sau đó thì cán bộ làng họp với cốt cán xã và một ông nhà thơ kháng chiến được bổ sung từ Vinh về chỉ đạo cải cách ruộng đất. Họp ở ngôi nhà dành cho Ông Mao Chủ Tịch Dạy, tới hai, ba giờ sáng, có hôm thâu đêm. Cô Ba Héo ngoài việc đóng góp những câu tranh luận hùng hồn còn biết lo món cháo gà và rượu Thọ để mọi người họp xong ăn. Dạo này cô hầu như ít khi ở nhà, có hôm không về ngủ.
Không khí trong làng hừng hực, không ai chạy trên đường mà cứ rầm rập, rầm rập. Các cuộc đấu tố diễn ra triền miên, thường vào buổi sáng khi nạn nhân mới bị bắt, kéo dài đến trưa để sau đó giải đi nơi khác xử án, kết án và thi hành án. Phần sau ít ầm ĩ, không kèn trống và cũng đơn giản, chóng vánh hơn. Các làng bên cũng nhộn nhịp không kém. Cứ như hội, như cơn lên đồng tập thể sặc mùi chết chóc. Anh em, cha con, hàng xóm tố nhau loạn xạ, toàn những điều nhảm nhí ai cũng biết nhưng ai cũng tin hoặc vừ tin. Mặt người nào người ấy đỏ phừng, trừ Ông Mao Chủ Tịch Dạy còn giữ được bình tĩnh. Trẻ con cũng được lôi vào cuộc, và như người lớn, chúng làu làu đọc những lời tố được cán bộ mớm từ trước. Chúng thích lắm, vì không phải đi chăn trâu, vì đôi đứa được gọi bằng đồng chí, được mời tham gia một vở kịch người thật việc thật của người lớn. Lúc ấy tôi mới bảy tuổi, do quá nhỏ và cũng do cả việc bố mẹ, ông bà thuộc thành phần “ưu tú” nhất, tức là nghèo nhất, nên tôi chỉ được diễn vai phụ của đám đông hò hét. May không bị bắt đấu tố ai, nhất là người thân trong gia đình, họ hàng. Đến nay, dẫu đã năm mươi năm trôi qua, nhiều đêm tôi vẫn mơ thấy những cảnh rùng rợn ấy. Và tôi luôn tự hỏi vì sao, để làm gì và bằng cách nào người ta có thể bắt được người dân làng tôi làm được cái điều trái đạo lý ấy.
Ông Đeo Kính bị bắt lúc sáu giờ sáng, khi đang ngồi uống nước, đọc sách và “thừ người ra” như mọi ngày. Ông quen dậy sớm, luôn ngồi ở nhà không đi đâu, nhiều hôm đóng kín cửa để khỏi nghe, khỏi thấy những gì đang diễn ra bên ngoài.
Chính thức ông bị buộc tội là địa chủ (không có từ cường hào gian ác), và làm gián điệp cho nước ngoài. Bằng chứng không thể chối cãi là trong nhà ông có mấy cuốn sách chữ Tây (sách triết học phương Tây trong đó có cuốn Tư bản luận đại cương của Cac Mac và ít sách văn học), mấy tờ giấy ông ghi những câu tâm đắc khi đọc, và khoảng mươi bức thư vợ con ông gửi. Tất cả bằng chữ Tây, và vì không ai biết đọc thứ tiếng ấy nên mặc nhiên chúng là tài liệu gián điệp. Ngoài ra ông còn bị buộc thêm một tội nữa, tội này còn lớn hơn mặc dù không được đọc to, không có trong giấy tờ – ông là người có học.
Đêm trước khi quyết định bắt, Ông Mao Chủ Tịch Dạy nói với mấy ông bà cốt cán:
“Mao Chủ Tịch dạy: Trí thức chỉ là cục cứt. Mà cứt thì thối, phải hót đi. Còn cương lĩnh Đảng ta thì Trí Phú Địa Hào đào tận gốc trốc tận rễ, quên rồi à? Thằng này đáng ngờ lắm. Thử hỏi hắn đọc sách làm gì? Đọc rồi ngồi thừ suy nghĩ. Sao phải suy nghĩ? Suy nghĩ gì nếu không phải tìm cách phá hoại, tìm cách chống Đảng, chống cách mạng?”
Ông hùng hồn chém tay vào không khí rồi quay sang cô Ba Héo:
“Theo tôi, đồng chí Ba đã mất cảnh giác khi đồng ý để hắn dạy chữ. Bọn trí thức là thâm lắm. Chúng muốn đồng chí biết chữ rồi đọc sách, rồi suy nghĩ, và cuối cùng là mất lập trường giai cấp. Mất lúc nào không biết. À mà đồng chí nhớ cách tôi dạy đồng chí đấu tranh với hắn thế nào rồi chứ? (Cô Ba Héo ngừng nhai trầu đáp ‘Thưa thủ trưởng nhớ ạ”. Dao này tự nhiên cô thích dùng cách xưng hô ấy, như thể cô đã là người của cơ quan nhà nước). Sáng mai cô cứ thế mà làm. Tuyệt đối không được để tình cảm riêng tư chi phối. Mao Chủ tịch dạy vì sự nghiệp của giai cấp, người cách mạng phải biết tàn nhẫn, thậm chí cả với cha mẹ mình chứ chưa nói chú bác”.
Hôm sau Ông Đeo Kính bị cô cháu tố là đã hiếp cô ta đúng 124 lần trong vòng ba tháng kể từ ngày ông dụ dỗ cô về ở chung. Chính xác chừng ấy lần vì cô ghi đầy đủ (cô quên rằng cô không biết chữ và trong khoảng thời gian ấy chẳng mấy hôm ở nhà). Vâng, hắn hiếp dã man như một tên trí thức đồi trụy.
Ông Đeo Kính bị trói quặt hai tay về phía sau, vào chiếc cột chôn ở sân đình. Chiếc kính của ông bị một anh dân quân lột khỏi mắt rồi dẫm nát dưới đôi chân trần to bè của mình. Suốt buổi đấu tố, từ chín giờ sáng đến hơn mười một giờ, ông im lặng không nói gì. Mái tóc bắt đầu đốm bạc dính bết trên trán, vì mồ hôi và vì cả những bãi nước bọt người ta nhổ vào ông. Đôi mắt ông thật buồn, ngơ ngác nhìn đám người rách rưới điên khùng đang la ó xung quanh. Tôi cũng có mặt hôm ấy, và mặc dù không hiểu gì, mặc dù nghĩ ông là một tên phản động, tôi vẫn cứ thấy thương thương thế nào.
Đứng chạng chân trước mặt bác mình, bộ ngực bằng phẳng kiểu Trung Quốc ưỡn về phía trước, cô Ba Héo chuyển sang phần tố ông làm gián điệp.
“Ngày nào, đêm nào tao cũng rình mày, thấy mày viết báo cáo cho bọn gián điệp nước ngoài, rồi nhận chỉ thị của chúng. Rồi mày bật điện đài bấm tích tích tè tè liên lạc với chúng. Có đúng thế không?”
Người bị tố gật đầu.
“Rồi mày nhận tiền công của chúng. Hàng tập dày tiền đô-la. Phải dày thế này… – cô ta gang tay cho mọi người xem. – Có đúng thế không?”
Gật đầu.
“Thế mày giấu tiền ở đâu? (Im lặng). Mày chôn dưới gầm giường phải không? Và cả ngoài vườn nữa?”
Gật đầu.
Thế là rõ. Một tên phản quốc nguy hiểm đã bị vạch mặt. Bây giờ người ta tố hắn về tội địa chủ. Cô Ba Héo mệt nên người khác làm chuyện này. Nhiều người sẵn sàng tố. Bằng chứng là trong khi cả làng đói ăn thì hắn vẫn có gạo, rau, nhiều khi còn cá thịt. Vậy thì hắn phải là địa chủ, phải nhờ bóc lột mà có. Sau đến lượt trẻ con thi nhau tố ông khi dạy chữ đã đánh đập chúng chết ngất bằng đòn gánh và cán cuốc. Một đứa bé gái nói ngày nào ông cũng sờ bướm nó. Nói chung chúng tố hăng lắm, có điều đôi đứa do quên hoặc do lập trường giai cấp chưa vững nên đã lễ phép thưa ‘Con chào thầy ạ’ trước khi tố.
Như nhiều người khác trước đó, ngay chiều hôm ấy ông bị đem đi bắn ở Đồng Chùa. Khi vực xác ông dậy để đem chôn, người ta thấy một cuốn sách nhỏ từ trong ngực ông rơi ra. Đó là cuốn “Discourse en Method” của René Descartes. Đó là cuốn sách khổ nhỏ, giấy vàng úa và nhàu nát. Chẳng biết ông giấu nó trong ngực để làm gì. Một viên đạn bắn xuyên qua nó trước khi vào tim ông. Một anh nông dân nhặt nó lên, lật giở đúng trang có câu “Cogito, ergo sum” bằng tiếng La-tinh và câu “Je pense, donc je suis” tiếng Pháp. Cả hai đều có nghĩa “Tôi tư duy, nghĩa là tôi tồn tại”, đều được ông gạch chân tô đậm và đánh một dấu hỏi lớn bên cạnh. Anh nông dân mù chữ không biết tiếng Pháp, lại càng không hiểu ý nghĩa luận đề nổi tiếng này của nhà tư tưởng Pháp vĩ đại. Còn dấu chấm hỏi lớn của tên phản động thì đơn giản anh ta không thèm để ý. Trước khi xử bắn, người ta đã lục túi và tìm thấy một cuốn sách, cuốn “L’esprit du lois” của Montesqieu. Nó cũng bị vứt cho trẻ con chia nhau làm giấy dán diều.
Ông Đeo Kính không có được cái may như anh Bính nửa tháng sau đó. Anh này là đảng viên cốt cán, không hiểu thế nào bị tố oan thành địa chủ, kẻ thù của cách mạng, và cũng bị xử bắn tại Đồng Chùa. Đúng khi dân quân dương súng lên cò thì có người từ huyện về thông báo quyết định sửa sai. Giữa đường xe đạp người này hỏng, may sửa nhanh nên mới kịp.
Đôi điều nói thêm về các nhân vật trong câu chuyện này.
Ông Mao Chủ Tịch Dạy rất hậm hực về việc dù được ông đích thân chỉ đạo, làng vĩnh Lộc vẫn không đạt chỉ tiêu tìm ra mười tên địa chủ và phản động. Tuy nhiên, khi có chủ trương sửa sai, ông lại khoe rằng chính nhờ ông tỉnh táo, linh hoạt nên dân làng mới chết ít thế. Ông được khen, được đề bạt, sau này làm to lắm, đến mức suýt được chôn ở nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội, vốn chỉ dành cho lãnh tụ, nếu ông không dính vào một vụ tham nhũng tai tiếng. Người ta định đưa ông về mai táng trong nghĩa trang dòng họ mình ở Rú Thần nhưng ông trưởng họ, vốn có người thân bị ông hãm hại, nhất định không chịu. Thành ra bây giờ xác ông vẫn nằm đâu đó ở xứ người.
Cô Ba Héo được kết nạp Đảng, không mảy may ân hận về việc làm của mình với ông bác, và mặc dù bị hiếp dã man tới chính xác 124 lần, cô vẫn lấy được chồng, lấy ông nhà thơ cán bộ đội cải cách được điều từ Vinh về. Ông này luôn mặc cảm với cái danh nhà thơ của mình (cũng một dạng trí thức), nên quyết định lấy bà nông dân để tăng sức nặng cho lý lịch. Họ mới chết cách đây không lâu, chết già, trong tiếng khóc thương tiếc của cháu con và lời chia buồn chân thành của cơ quan, đồng nghiệp. Báo tỉnh in cáo phó cả hai người như hai cán bộ cách mạng lão thành đáng cho lớp trẻ noi gương phấn đấu, vì trước khi về hưu, bà là phó chủ tịch hội phụ nữ tỉnh, còn ông, nhờ một bài thơ ca ngợi lãnh tụ, được làm phó chủ tịch hội văn nghệ.
Anh Bính may mắn thoát chết trong gang tấc, nhưng đời anh sau này cũng lắm nỗi long đong. Số là sau sửa sai, người ta cho khôi phục đảng tịch nhưng anh không nhận. Từ đó bị coi là kẻ bất mãn. Rồi bị tù ba năm vì tội dùng dao thái thịt rạch miệng một đứa từng tố gian anh. Rạch đúng mỗi bên năm phân như biên bản vụ án ghi rõ. Ra tù, anh trốn vào Nam, có người nói bỏ xác ngoài biển, cũng có người nói anh đang ở Mỹ hay Canađa gì đó.
Ông Đeo Kính được minh oan như nhiều người lúc đó. Có một điều lạ là khoảng chục năm sau, bà vợ người Pháp của ông về làng, thuê người bốc mộ ông rồi đem đốt hài cốt cho vào lọ mang về Pháp mà không xây cho ông một ngôi mộ nào, dù tượng trưng, trong nghĩa trang liệt sĩ của xã. Mọi người ngạc nhiên hỏi vì sao, bà chỉ đáp: “Ông ấy muốn thế”.