NĂM DẤU THÁNH
I
Cái yên tĩnh của ban đêm đã bao trùm tu viện khi Cha Piô còn ngồi giải tội cho các thầy. Đó là ngày 5 tháng Tám 1918, là ngày ngài không thể quên được vì nó bắt đầu sự thống khổ đặc biệt của ngài.
Ngài giật mình kinh hãi khi thấy một người lạ tay cầm thanh kiếm dài và mỏng đứng ngay trước mặt. Thân thể như tê liệt, ngài không thể cựa quậy và mắt trừng trừng theo dõi mũi kiếm mà từ đó phát ra những tia lửa. Đột nhiên, ngài thất thanh kêu lên một tiếng lớn khi thanh kiếm như xuyên qua linh hồn ngài. Không biết làm sao mà ngài lấy lại được bình tĩnh và giải tán các thầy đang chờ xưng tội. Suốt đêm đó và qua một ngày và một đêm hôm sau, thân thể ngài yếu dần vì như có lưỡi kiếm bằng lửa đang cắt thân thể ngài ra từng mảnh.
Hơn một tháng trôi qua, sau khi làm lễ vào sáng thứ Sáu, ngày 20 tháng Chín, sự kinh hoàng và thống khổ của ngài đến tột đỉnh ngoài sức chịu đựng của con người. Tuy nhiên, cơn ác mộng đó bắt đầu trong một giây phút thật bình thản và yên lặng. Ngài cảm thấy buồn ngủ, như thể ngài ngủ say đến độ không còn biết gì cả. Cái cảm giác kỳ lạ thấm dần qua từng sớ thịt và hầu như làm ngài mê đi.
Và rồi, vị khách bí ẩn đã đến trong giấc mộng êm đềm, và chính lúc đó các giọt máu từ tay, chân và cạnh sườn của vị khách bắt đầu chẩy ra và đọng lại thành vũng trên sàn nhà. Ngay lập tức cái êm đềm của Cha Piô tan biến và tim ngài bắt đầu đập mạnh như muốn vỡ tung lồng ngực trong cái thân thể bất động. May mắn thay, tất cả dịu lại một cách thật bất ngờ cũng như khi xuất hiện, và thân thể mềm nhũn của ngài khụy xuống vũng máu.
Ngài mở mắt, những giọt nước lăn dài trên khoé mắt. Cơ thể ngài bắt đầu có cảm giác và ngài nhận thấy tay trái của mình đang run rẩy. Ngài cố nhấc chân lên và ngay lập tức cái đau âm ỉ trở thành nhói buốt đâm vào tay, chân và cạnh sườn ngài. Ngài chống khủy tay ngẩng đầu dậy và nhìn vào đôi tay run lẩy bẩy. Hai bàn tay đầy máu. Nhìn vào thân thể, ngài thấy một bên áo dòng ướt đẫm. Đôi mắt ngài tiếp tục nhìn xuống. Và đôi chân ngài cũng đỏ máu. Toàn thân ngài run lên vì sợ hãi. Ngài muốn cất tiếng kêu cứu nhưng cổ họng như nghẹn lại, và ngài há hốc mồm để thở.
Cơn ác mộng tiếp diễn. Có một động lực nào như giục ngài đứng dậy, đi về phòng trước khi các linh mục trong tu viện trở về và có thể bắt gặp. Ngài cố nhấc mình lên, và thân thể quặn đau theo từng bước. Không hiểu làm sao mà ngài có thể lết qua cái hàng lang dài để về đến phòng. Ngài ngã vật xuống giường trong đau đớn và sợ hãi.
Ngài rên rỉ, "Xin giúp con. Xin Chúa giúp con để hiểu."
Hơi thở ngài đã đều hòa, nhưng cơn đau vẫn mãnh liệt. Khi đưa tay sờ vào cạnh sườn, ngài cảm thấy vết máu trên áo dòng ngày càng lan rộng, như bị xuất huyết tự bên trong. Đôi mắt mở to vì sợ hãi, ngài ngồi dậy và xem xét vết máu trên áo, tự hỏi không biết mình có chết vì vết thương này hay không.
Ngài cầu xin, "Xin đừng để con khiếp sợ."
Những giây phút chậm chạp trôi qua. Từ từ ngài lấy lại bình tĩnh và xem xét các vết thương. Không nghi ngờ gì cả--đó là những vết thương thật. Đó không phải là ác mộng hay ảo giác. Bắt đầu ngài nhận ra sự thật. Ngài được in năm dấu thánh--là những vết thương có hình dạng và vị trí giống như các vết thương của Đức Kitô.
Tâm trí ngài từ từ mở ra với thực tại, và cảm thấy khuây khỏa khi biết rằng các vết thương đó không nguy hiểm đến tính mạng. Nước mắt ngài tuôn tràn, và cảm tạ Thiên Chúa.
Trong một tuần lễ ngài tránh xuất hiện và giấu bàn tay trong những chiếc găng. Nhưng vào cuối tuần, một thầy lau chùi phòng ốc nhận thấy có vết máu trên tấm trải giường. Thầy chạy như bay đến Cha Paolino để báo cáo.
Sau đó, Cha Paolino hỏi ngài: "Điều này có nghĩa gì?"
Cha Piô lưỡng lự trong giây lát, nhưng ngài biết có giấu thì cũng vô ích. Những vết thương ở chân và tay thật lộ liễu và không thể nào lành được. Ngài tháo đôi găng và giơ ra bàn tay rách thịt rướm máu.
Vừa nhìn thấy Cha Paolinô giật nẩy mình. Ngài lúng túng không nói nên lời mà chỉ sững sờ nhìn Cha Piô.
"Hãy bình tĩnh," Cha Piô trấn an. "Đó không phải bởi ma quỷ. Sau Thánh Lễ thứ Sáu tuần qua, một người lạ xuất hiện trước mặt tôi, và tôi bị đâm ở tay, chân và cạnh sườn."
Cha Paolino lắc đầu không tin. Ngài xem xét các vết thương và ra lệnh tìm cách chữa trị ngay lập tức, đồng thời ngài phúc trình hiện tượng này cho bề trên tỉnh dòng ở Foggia và bề trên tổng quyền ở Rôma.
Giáo Hội ghi nhận có khoảng 290 người được Chúa ban cho năm dấu thánh. Vị thánh nổi tiếng của thời đại là Thánh Phanxicô Assisi, sáng lập dòng Phanxicô. Thánh Phanxicô, khi là thầy sáu, được in năm dấu thánh vào ngày 17 tháng Chín 1224, trên núi Alvernia trong rặng Appenine, hai năm trước khi ngài chết. Bởi thế, bây giờ tin tức về vị linh mục được in năm dấu thánh đã thu hút người ta như nam châm, kể cả những người tò mò.
Vì ông bà Orazio không biết đọc nên một người bà con đã viết thư cho Cha Don Salvatore Panullo, cha xứ Pietrelcina, để xin ngài báo tin cho hai ông bà. Khi ấy, người thân nhân này đang theo học nội trú ở Foggia.
Bà Giuseppa đang một mình ở trong bếp thì Cha Don Salvatore bước vào với lá thư trên tay và muốn đọc cho bà nghe. Tim bà đập thình thịch. Bệnh dịch cúm đã cướp đi mạng sống của Felicia khi được hai mươi lăm tuổi. Không biết có điều gì khủng khiếp sẽ xảy ra cho gia đình nữa hay không? Bà nghĩ đến các con. Pellegrina, cô thợ may, đã lấy chồng và sống ở Pietrelcina; Grazia bây giờ là Sơ Pia, ở Rôma; Michael đang làm việc ở Hoa Kỳ; và Francis bây giờ là Cha Piô, ở San Giovanni Rotondo. Khi nghe Cha Don Salvatore đọc bà đã khóc.
Ngài nói, "Bà đừng khóc. Đó là vì sự thánh thiện của cha."
Nước mắt bà ngừng chảy và bà tư lự một hồi lâu. Bà quay sang nói với ông Orazio, "Bây giờ mình đâu được gọi nó là Francis nữa. Phải gọi là Cha Piô."
Anh Michael đang làm việc ở Flushing, Nữu Ước, khi nghe tin đã thốt lên: "Trời đất ơi, Francis tốt lành là chừng nào mà phải chịu đau khổ như vậy!" Anh đã đáp chuyến tầu sớm nhất trở về Ý. Tuy nhiên, khi biết đó là năm dấu thánh, anh đã khóc vì sung sướng.
Tất cả gia đình vội vã đến gặp Cha Piô và trong những ngày tiếp đó họ đã đến thăm ngài thật lâu. Mặc dù Cha Piô sung sướng để gặp lại gia đình, nhưng thường thường, nhất là sau khi được in năm dấu thánh, ngài tự hỏi không biết ai an ủi ai.
Ngay sau khi sự kiện ấy xảy ra, tin tức lan ra nhanh chóng bất kể cha bề trên tỉnh dòng có muốn trì hoãn công bố hay không, ngài muốn đợi đến sau khi các bác sĩ khám nghiệm xong và phúc trình về Tòa Thánh.
Các vết thương cho thấy hoàn toàn không liên hệ gì đến các nguyên tắc vật lý. Bốn vết thương ở tay và chân ngài xuất huyết liên tục, từng giọt một, với máu đỏ tươi. Vết thương thứ năm ở ngực khoảng gần tim, tiết ra máu và chất lỏng như nước.
Cha Don Salvatore nói với dân làng, "Đó là ý Chúa."
"Con không tin," một dân làng lầu bầu. "Làm gì có chuyện như vậy."
Cha Don Salvatore nhìn ông, nói: "Như vậy ông không tin là Thánh Phanxicô cũng được in năm dấu thánh."
"Dĩ nhiên là con tin. Nhưng trường hợp này thì khác."
"Khác cái gì?"
"Thánh Phanxicô đã sống từ lâu khi những điều lạ lùng ấy xảy ra. Bây giờ những điều ấy không còn nữa."
Cha Don Salvatore giơ hai tay lên trời. "Được. Nếu vậy tôi khuyên ông đến San Giovanni Rotondo để chính mắt ông nhìn thấy."
Người nông dân này đã đến và cả một nửa làng Pietrelcina cũng đến. Mặc dù Cha Piô cố giấu vết thương khi ngài cử hành Thánh Lễ, nhưng dân chúng vẫn xầm xì về đôi tay rỉ máu của ngài. Chẳng bao lâu, tất cả những ngôi làng tại San Giovanni Rotondo đều biết, và lan ra đến Foggia. Từ đó tin tức lan tràn trên toàn nước Ý ra đến thế giới bên ngoài. Một số linh mục bắt đầu tấn công Cha Piô và năm dấu thánh của ngài qua những bài giảng và bài báo; một số khác bảo vệ ngài và phản công trên báo. San Giovanni Rotondo trở nên một nơi bùng nổ tôn giáo về đức tin, đức cậy, sự khả tín, sự hoài nghi và sùng kính. Và huyền thoại về Cha Piô bắt đầu.
II
"Cha ơi, có quà cho cha đây," một thầy nói với Cha Piô. "Món quà mãi từ Thụy Điển."
Đôi mắt sâu đen của Cha Piô nhìn vào cái hộp nhỏ mầu nâu. "Món quà cho tôi?" Ngài mở ra và mỉm cười, tay giơ lên một đôi giầy vải mềm mại. "Món quà thật ý nghĩa."
Thầy dòng gật đầu, "Thật như vậy. Có lẽ bây giờ đôi chân cha không còn làm cha đau đớn nhiều."
Cha Piô rất hài lòng. Ngài đi về phòng và tìm một đôi vớ, cẩn thận xỏ vào đôi chân sưng húp và tránh đụng đến các vết thương. Rồi ngài mang đôi giầy mới. Chân và cổ chân của ngài vẫn tiếp tục sưng tấy, nhất là chân bên phải. Ngài đứng dậy, đi thử đôi giầy mới. Vết thương có vẻ không còn đau như trước, nhưng khi cất bước ngài vẫn phải kéo lê đôi chân và dáng đi vẫn chậm chạp, không vững và ngập ngừng.
Ngài tìm được một cái gương soi mặt và nhìn ngắm mình. Ngài thầm nghĩ, Mới ba mươi mốt tuổi mà đã là một ông già tàn tật. Ngài đưa tay xoa bộ râu và vuốt mớ tóc lòa xòa trên trán. Đôi mắt sâu của ngài vẫn trong sáng, và ngài trông không có vẻ khổ sở lắm--nếu không phải đi lại hoặc đứng quá lâu. Chiếc áo dòng nâu dài che kín vết thương cạnh sườn và đôi găng tay--được cắt phần bọc các ngón tay--bao phủ các vết thương đang hé mở và rỉ máu. Sau này ngài đã lên ký và cân nặng đến 165 cân Anh. Tuy vậy, ngài vẫn mảnh khảnh, cao năm "feet" mười "inches", nhưng bộ áo dòng thùng thình khiến ngài có vẻ to lớn hơn.
Ngài nhìn mình trong gương lâu hơn chút nữa. Trên gương mặt nghiêm nghị của ngài có vẻ buồn u uẩn và thầm kín. Ngài cũng thấy chứ. Dường như đó là khuôn mặt của một người lạ đang nhìn ngài. Ngài thì thầm nói với khuôn mặt trong gương, "Mi, không bao giờ thoát khỏi sự đau khổ."
Ngài quay mình và tần ngần nhìn cánh cửa trước khi đi ra. Ngài tự nhủ: "Ai bắt đầu yêu thương phải chuẩn bị chịu đau khổ."
Ở bên ngoài, giống như một cuộc náo loạn. Một thầy gặp ngài ở hành lang cho biết, "Họ đến cả hàng ngàn người."
Cha Piô gật đầu, "Cha biết." Ngài có vẻ lo âu, "Thầy có nghĩ là họ hỗn loạn không?"
Thầy dòng nhún vai. "Có người nói họ đã hỗn loạn rồi. Hàng ngày phải có cảnh sát đến đây trông chừng đám đông. Cha có biết không?"
Cha Piô cau mày ngạc nhiên và lưỡng lự mạo hiểm đi ra ngoài. Một cách chậm chạp và khó nhọc ngài bước qua đám đông đang tụ họp ở các hành lang. Ngài cố nở nụ cười, và dừng chân để nói chuyện một cách thân mật với một bà già, lưng còng vì tuổi tác và bệnh hoạn. Từ từ ngài cảm thấy một hạnh phúc mới và sự nhiệt tình, ngài đưa tay chúc lành cho đám đông.
Trời đã cuối thu và gió đông đã bắt đầu thổi qua tu viện Đức Mẹ Ban Ơn. Nhưng ngày nào cũng như ngày nào. "Đám đông này phá rối trật tự công cộng," một viên cảnh sát trung ương lầu bầu. Ông đưa tay ngoắc một cảnh sát viên đang lảng vảng ở cửa, "Anh kia. Đã đến lúc chúng ta phải chấm dứt hành động này. Tôi muốn anh bắt cái ông linh mục đó."
Viên cảnh sát miệng há hốc, "Cha Piô?"
"Phải. Cái ông đó."
Viên cảnh sát bất mãn đi về phía tu viện. Ông thấy con đường chật ních những xe cộ đủ loại, xe tư, xe công cộng, ngay cả những chiếc xe dài như toa xe lửa. Gần cổng vào tu viện, đàn ông, đàn bà, và trẻ em đang vây quanh một linh mục trẻ tuổi, tóc đen với chiếc áo dòng mầu nâu. Ông thấy họ tiến đến hôn tay ngài và ngài chúc lành cho họ.
Ông cố chen vào đám đông và hỏi, "Có phải là Cha Piô không?"
"Đúng vậy," một phụ nữ ở trước mặt ông trả lời. Bà quay mặt liếc nhìn ông và nói, "Ngài thật lạ lùng phải không? Chúa đã để ngài sống giữa chúng ta."
Viên cảnh sát bỏ ra về. Ông nói với vị chỉ huy, "Cha ấy chẳng làm gì sái quấy cả."
Ngay lập tức, viên cảnh sát bị sa thải, và một người khác được thay thế. Nhưng lần này cũng vậy. Viên cảnh sát trở về mà không bắt Cha Piô.
Vị chỉ huy tuyên bố, "Chính tay tôi phải đi bắt mới được." Ông nhét đôi còng vào túi.
Khi ông đến tu viện, trời đã sẫm tối vì những đám mây mưa nặng nề lơ lửng trên bầu trời mùa đông. Mọi người đều đi ăn trưa, ngoại trừ Cha Piô vẫn còn lê bước đến từng người. Ông thấy có một bà quỳ xuống chân ngài, tay ôm chặt đứa con.
Bà nài nỉ, "Cha Piô. Xin giúp con tôi. Nó bị câm và điếc."
Ngài nhìn đứa bé nhỏ xíu trong vòng tay bà mẹ. Ngài hỏi, "Tên của cha là gì?"
Khuôn mặt nhỏ xíu của đứa bé quay lại và trả lời, "Cha Piô."
Vị chỉ huy há hốc miệng, và ông thấy người mẹ vui sướng như điên ôm đứa con bước ra khỏi đám đông.
Cha Piô quay sang hỏi vị chỉ huy, "Ông muốn gì?"
Ông ngoan ngoãn thưa, "Con muốn xưng tội."
"Được," Cha Piô nói, "đi theo tôi." Ngài chỉ vào chiếc áo choàng dầy cộm của ông và nói một cách ráo hoảnh, "Hãy cẩn thận. Đừng để đôi còng đó làm ông bị thương."
III
Vào năm 1919 sự ồn ào về Cha Piô và năm dấu thánh đã gia tăng mãnh liệt đến độ các tu sĩ ở San Giovanni Rotondo phải đau khổ vì bị tấn công, nhưng họ không cô đơn. Cha Piô cũng được sự hỗ trợ của các linh mục ở Ái Nhĩ Lan, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, và Ba Lan. Cũng có rất nhiều linh mục Ý tin rằng Cha Piô được in năm dấu thánh.
Trong các bác sĩ tâm lý học, tâm bệnh học, và thần kinh học khám nghiệm năm dấu thánh của Cha Piô, vị bác sĩ đầu tiên là Bs. Luigi Romanelli, một bác sĩ nổi tiếng ở Barletta; cuộc nghiên cứu của ông gồm năm lần khám nghiệm.
Được dòng Capuchin mời, Bs. Romanelli đã đến gặp Cha Piô vào tháng Sáu, 1919. Trong bản phúc trình y khoa ông diễn tả các vết thương ở tay Cha Piô là những vết thương thuộc về cơ thể học gần các đốt bàn tay, hầu như hình tròn, có đường kính khoảng hai xăng-ti-mét. Những vết thương này được che bởi cái vẩy màu nâu đỏ, các mô ở chung quanh không chảy máu, không mưng mủ, và không bị viêm.
Vị bác sĩ nói, "Vết thương ở tay ngài không chỉ ở ngoài da, vì khi tôi dùng tay bóp vào bàn tay ngài, tôi cảm thấy có một khoảng trống." Ông kết luận, "Vết thương ở tay Cha Piô thực sự là những vết thương bởi sự đâm thâu qua. Đây có thể là lý do tại sao Cha Piô không thể nắm bàn tay lại được." Trong buổi tối hôm đó, Bs. Romanelli đã làm lại cuộc thử nghiệm tàn bạo đó, dù ông biết Cha Piô rất đau đớn. Ông lại làm cuộc thử nghiệm đó vào buổi sáng và luôn quả quyết rằng đó là những vết thương bị đâm thâu qua.
Bs. Romanelli cho biết, "Vết thương ở chân ngài cũng có đặc tính giống như ở tay, nhưng miệng vết thương rộng hơn. Chân thì khó khám nghiệm hơn vì nó dầy. Chỉ cần ấn nhẹ vào chân ngài thôi cũng đủ khiến Cha Piô nhăn mặt vì đau đớn. Nước mắt dàn dụa trên mắt ngài chứng tỏ sự đau đớn của thân xác ngài là có thực."
Cái vẩy tròn mầu nâu được tạo bởi máu từ từ đông lại, và dần dà những cái vẩy ấy rơi ra, để lộ vết thương với mọi chi tiết. Đường viền của vẩy thật sạch sẽ đến nỗi khi nhìn dưới kính phóng lớn cũng không thấy có nước hay có màu đỏ.
Một ngày kia Bs. Romanelli khám nghiệm vết thương ở ngực. Ông thấy vết thương này dài gần ba "inches" và thon nhỏ ở hai đầu, có máu chảy ra và có hình dạng thập giá để ngược. Vết thương nằm ở khoảng một "inches" bên dưới đầu vú bên trái và ngay bên ngoài trái tim và cũng có đặc tính như các vết thương khác. Mép vết thương cho thấy đó không chỉ là vết thương ngoài da. Các mô chung quanh vết thương không bị viêm, nhưng rất đau khi bị chạm nhẹ.
Khi một linh mục Capuchin từ Milan đến thăm, các linh mục khác nói cho ngài biết về vị trí vết thương của Cha Piô ở cạnh sườn bên trái, trong vùng gần tim.
Linh mục Capuchin này tuyên bố, "Vết thương của Đức Kitô là ở bên phải. Chắc chắn là ngọn giáo từ dưới đâm lên, xuyên từ bên phải vào tim mà không thấu qua sườn bên kia."
Các linh mục đi tìm Cha Piô, và hỏi, "Có phải vết thương của cha nằm đối diện với vết thương của Đức Kitô không?"
Cha Piô bắt gặp ánh mắt dò xét của các linh mục. Ngài bình thản trả lời, "Nếu được giống hệt như vết thương của Đức Kitô thì thật là quá đáng."
Bs. Romanelli nhận thấy khi được chữa trị tốt đẹp thì các vết thương có vẻ lành lặn, nên ông ra lệnh cho Cha Piô, "Tôi muốn cha rửa tay với nước khử trùng và sau đó dùng găng tay sạch mà bọc, đừng dùng lại găng cũ bị dơ bẩn."
Cha Piô sẵn sàng nghe theo nhưng ngài quá mệt mỏi để thi hành những gì được sai bảo.
Khi thấy sự săn sóc thiếu chu đáo không ảnh hưởng gì đến vết thương, Bs. Romanelli để Cha Piô rửa các vết thương với xà-bông loại rẻ tiền nhất. Và điều đó cũng chẳng làm vết thương tệ hại thêm, hay biến chứng thêm. Ông cho bôi một loại thuốc để giúp vết thương mau lành. Sau cùng, ông dùng đủ mọi cách để chữa trị, nhưng các vết thương vẫn không thay đổi.
Bs. Romanelli lắc đầu tuyệt vọng. "Tôi không tìm thấy một chứng cớ bệnh lý nào cho phép tôi xác định những vết thương này về phương diện y khoa." Ông đã trình lên Văn Phòng Tòa Thánh bản phúc trình dài và có kèm theo hình ảnh.
Bs. Romanelli nói với Cha Bề Trên Paolino. "Tôi không thể nào giải thích được, kể cả các vết thương cũng như mùi thơm của Cha Piô."
"Cái gì của Cha Piô?" Cha Paolino hỏi.
"Mùi thơm. Một tu sĩ như Cha Piô lại dùng dầu thơm thì không bất thường sao?"
Cha Paolino kinh ngạc và đồng ý rằng đó là điều khác thường.
Về sau, Bs. Romanelli viết thư cho cha bề trên báo cáo rằng ông lại ngửi thấy mùi thơm đó khi vừa bước xuống thang lầu nhà ông để chuẩn bị đến tái khám cho Cha Piô. Đó không phải là điều tự kỷ ám thị, ông nhấn mạnh là không có ai cho ông biết trước về điều đó. Và lần nào mùi thơm cũng giống nhau.
Cha Paolino thầm nghĩ có lẽ chính ngài phải đích thân điều tra trước khi sự việc ra ngoài tầm tay. Ngài chặn hai thầy đang trên đường đến nhà nguyện, và hỏi, "Hai con có thấy Cha Piô dùng dầu thơm không?"
Hai thầy cùng nhăn mặt. "Dầu thơm?" Một thầy cố nín cười hỏi lại.
Cha Paolino nhíu mày khó chịu. "Cha không nghĩ đó là điều tức cười."
Thầy vội vàng đáp, "Thưa cha không. Cha có muốn chúng con hỏi dùm cho cha không?"
Cha Paolino lau mồ hôi lấm tấm trên trán. "Không cần." Ngài thở dài, vội vã bước đi.
Cha Piô làm như không nghe thấy tiếng xầm xì to nhỏ của các tu sĩ, và ngài tránh những cặp mắt dò xét khi ngài khó nhọc lê bước trên hành lang. Khi nói chuyện với ai, ngài cũng tránh đề cập đến vấn đề.
Ngày kia, ngài nói với một linh mục, "Chúng ta cần có một bệnh viện."
Cha gật đầu. "Dạ phải. Con đồng ý với cha."
Cha Piô tư lự một lúc và cảm thấy thích thú với ý tưởng này. Ngài cố thuyết phục bất cứ ai mà ngài nói chuyện dù rằng họ là những người không cần phải thuyết phục. Ngài nói, "Từ ngày đầu tiên tôi đến San Giovanni Rotondo này, tình trạng y tế ở Gargano thật tệ hại đến nỗi có một ông nhà nghèo kia bị thương, người ta phải đưa ông ấy từ Gargano đến Foggia bằng xe bò. Điều đó có nghĩa phải mất sáu tiếng đồng hồ, nên ông ấy đã chết vì ra máu nhiều quá."
Mọi người đều tán thành điều đó. Tình trạng y tế của một thành phố mà dân số ngày càng gia tăng đã bị quên lãng từ lâu. Chữ "bệnh viện" ở đây chỉ là một vài căn phòng nhỏ trong phố, và không đủ giường cho bệnh nhân nằm. Trong các trường hợp khẩn cấp, vị bác sĩ địa phương thường được gọi đến nhưng chính ông phải mang theo dụng cụ hành nghề. Với những trường hợp nguy kịch, bệnh nhân phải đến các thành phố lân cận như Foggia, San Severe, hay Monte Santangelo, và ở đó, việc chữa trị lại bị trì hoãn vì thiếu phương tiện liên lạc để có được thuốc men giúp đỡ nạn nhân.
Trong một bữa trưa, bỗng dưng Cha Piô nói lớn, "Tôi sẽ phải làm cái gì đó cho tình trạng này."
Mọi người nhìn ngài. Họ ngồi ở những chiếc bàn gỗ xếp thành vòng tròn trong phòng ăn.
Một phút im lặng trôi qua. Một thầy ngồi đối diện với Cha Piô mỉm cười, nhìn khuôn mặt rạng rỡ của ngài và nói, "Cha làm ơn đưa cho con ổ bánh mì."
IV
Ban Giám Đốc Trung Ương của dòng Capuchin, có trụ sở quốc tế ở Rôma, thấy cần phải điều tra thêm về các vết thương. Do đó, cha bề trên tổng quyền đã xin Tòa Thánh Vatican đề cử một bác sĩ. Tòa Thánh gửi Bs. Amico Bignami, một người sói đầu, dáng dấp đặc biệt và là giáo sư danh dự của Đại Học Rôma. Vì ông là một người vô thần, nên hy vọng rằng quan điểm của ông sẽ khách quan và có tính cách khoa học. Ông đến tu viện San Giovanni Rotondo vào một ngày hè nóng nực và ẩm thấp trong tháng Bảy 1919.
Bs. Bignami chú ý đến kích thước và vị trí của vết thương và cái vẩy trong lòng bàn tay phải của Cha Piô. Cái vẩy, như ông cho biết sau này, thì hình tròn và gần như mầu đen. Da chung quanh vết thương thì bình thường, tuy nhiên, không bị rách và có mầu vàng vì thuốc khử trùng "iodine" (i-ốt).
Ông hỏi, "Cha đã dùng thuốc gì vậy?"
Cha Piô giải thích việc ngài dùng thuốc khử trùng để chữa vết thương cho khỏi chảy máu. Nhưng máu vẫn tiếp tục rỉ ra và ngài phải thay tấm băng vải một ngày hai lần.
Bác sĩ cũng thấy một miếng vẩy khác, có vẻ mỏng hơn, ở lưng bàn tay của Cha Piô, đối diện với vết thương ở lòng bàn tay. Ngay cả miếng vẩy này và da chung quanh cũng thấy rõ ràng có mầu thuốc i-ốt. Và ở bên tay trái, Bs. Bignami cũng thấy y như vậy.
Trên lưng bàn chân phải, ở khối xương chân thứ hai, vị bác sĩ nhận thấy các mô bị thương tích và một miếng vẩy mỏng, mầu nâu sậm, và chung quanh cũng có mầu thuốc i-ốt. Ở lòng bàn chân của Cha Piô, ông cũng thấy một khoảng da nhỏ hình tròn và đậm mầu thuốc i-ốt.
"Lại i-ốt nữa," vị bác sĩ lên tiếng. "Ở Ý còn chỗ nào bán thuốc này nữa không?"
Cha Piô cười gượng gạo. Ngài nói, "Tôi không biết làm gì hơn." Mắt ngài như dán vào một điểm trên tường trong khi Bs. Bignami tiếp tục xem xét bàn chân trái.
Vết thương bên chân trái rất giống với bên chân phải ở chiều dài, vị trí, và đặc tính.
Cha Piô cởi áo dòng và vắt lên ghế. Vị bác sĩ xem xét vết thương bên ngực trái của Cha Piô. Vết thương kéo dài từ nách ra đến giữa ngực, có hình chữ thập, khoảng từ năm đến chín xăng-ti-mét chiều ngang, và thon nhỏ dần. Làn da thì khô, mầu nâu đỏ, với vết trầy sơ bên ngoài. Không có máu chảy. Bs. Bignami nhận thấy vết thương này không sâu và da không bị hư hại.
Bs. Bignami nói, "Tôi sẽ bôi thuốc để chữa vết thương." Để thận trọng không bị mắc lừa, ông dán một miếng băng trên các vết thương sau khi bôi thuốc.
Khi đến ngày gỡ miếng băng, ông ngạc nhiên khi thấy các vết thương không bị ảnh hưởng gì đến cách chữa trị mà ông đã dùng.
Ông nói, "Tôi không hiểu nổi cái vị trí cân xứng của các vết thương ở cả hai tay, hai chân và cạnh sườn. Và tôi cũng không hiểu tại sao vết thương vẫn y như thế sau gần một năm trời mà không lành và cũng không tệ hơn."
Cha Piô lắc đầu. "Tôi không biết."
"Tại sao cha lại có những vết thương ở năm vị trí đặc biệt trên thân thể mà không ở chỗ khác?" Bs. Bignami bất thình lình hỏi.
Cha Piô mặc lại chiếc áo dòng cho ngay ngắn, và xoay nhẹ giây thừng quấn quanh bụng. Ngài đáp, "Điều đó ông phải cho tôi biết chứ. Ông là một khoa học gia mà." Bs. Bignami nhìn ngài nghi ngờ.
Điểm chính của bản phúc trình của Bs. Bignami gửi cho nhà dòng Capuchin là ông cho rằng năm dấu thánh của Cha Piô là sự thoái hoá của lớp da và biểu bì, giống như các tế bào ở bên trên và bên dưới làn da bị chết đi. Đây là giả thuyết nổi tiếng của ông về sự thoái hóa biểu bì vì già hay vì bệnh tật (necrobiosis), nhưng ông không thể giải thích được vị trí đặc biệt của năm vết thương này.
Lời đồn thổi tiếp tục lan rộng bất kể mọi khám nghiệm. Một số người công khai hỏi Cha Piô. Có người hỏi ngài về sáu mươi hai vị trong lịch sử giáo hội được in năm dấu thánh và đã được phong thánh.
Ngài ngắt lời, "Những vết thương của Chúa Cứu Thế là một điều muôn đời kỳ diệu. Nhưng những vết thương của loài người thì chỉ là sự thoái hoá của các tế bào."
Cha Piô tự hỏi không biết khi nào thì những điều này sẽ chấm dứt. Ngài cầu nguyện và chiêm niệm trong nhiều giờ, và trong những lúc ấy cơn đau và sự hoang mang cũng tan biến, giúp ngài có sự bình an sâu xa và khuây khoả.
Trong khi đó, bản phúc trình của Bs. Bignami không làm hài lòng các cha Capuchin. Do đó, vào đầu mùa thu năm ấy Ban Giám Đốc Trung Ương của dòng Capuchin đã mời Bs. Giorgio Festa, một vị bác sĩ giải phẫu nổi tiếng ở Rôma. Ông là một người lớn tuổi, tóc bạc với bộ râu cắt tỉa gọn gàng. Bs. Festa, một người Công Giáo, rất được quý mến và được coi là người rất khách quan. Đầu tiên ông dừng ở Foggia để gặp vị bề trên tỉnh dòng, cũng như để xem xét các tài liệu liên hệ đến Cha Piô. Sau đó ông và cha bề trên cùng lái xe đến San Giovanni Rotondo để gặp Cha Piô.
Bs. Festa ở trong nhà dòng một thời gian lâu đủ để có nhận định về đời sống và cá tính của Cha Piô trước khi ông khám nghiệm. Ông quan sát vị linh mục trẻ tuổi thi hành bổn phận hàng ngày một cách khiêm tốn và kín đáo. Mọi sự quan sát dường như đều làm cha khó chịu.
Cha Piô vâng chịu những cuộc khám nghiệm kéo dài và mệt mỏi mà không than trách. Kết luận của Bs. Festa xác nhận những gì mà đồng nghiệp của ông đã thấy. Ông quan tâm đến sự điều hoà của hơi thở và máu huyết lưu thông của Cha Piô, cũng như phổi, áp huyết và nhịp tim đập của ngài. Ông cũng đồng ý về sự điều hòa của bộ phận tiêu hóa, các cơ quan trong bụng, và sự quân bình tuyệt hảo của các chức năng hệ thần kinh và tâm trí của Cha Piô. Ông xác nhận điều nhận xét của bạn đồng nghiệp về khoảng da chung quanh các vết thương. Nhưng, cũng như Bs. Romanelli, ông không đồng ý với Bs. Bignami về việc sự diễn tả các vết thương.
Ông nói với Cha Piô, "Tôi muốn lấy một ít máu của cha để khảo sát dưới kính hiển vi."
Ông lấy một miếng bông vải và thấm máu từ bàn tay Cha Piô rồi cất trong chiếc cặp da. Khi ông rời tu viện, ông đi chung xe taxi đến trạm xe lửa với một người thợ may có tiếng và hai phụ nữ.
Một bà nói, "Tôi ngửi thấy mùi gì tuyệt diệu quá."
Những người khác cũng hít hà, và mặc dù gió lồng lộng theo vận tốc xe chạy, họ cũng ngửi thấy như thế. Người đàn ông nói, "Mùi thật thơm." Bs. Festa ngồi im lặng, lắng nghe.
Ông giữ miếng bông vải trong ngăn kéo tủ của phòng mạch ở Rôma. Miếng bông vải thấm máu này đã tiết ra mùi thơm đến nỗi các bệnh nhân đến khám bệnh thường hỏi đó là mùi gì. Nó có mùi thơm pha trộn của hoa hồng, hoa tím, và hoa huệ tây.
Bs. Festa tuyên bố, "Tôi phải thú nhận là miếng bông ấy làm tôi bối rối." Ông biết chắc chắn rằng máu lấy từ thân thể thì thường có mùi ghê tởm. Ông kết luận rằng mùi này trái ngược với bất cứ quy tắc nào có tính cách tự nhiên hay khoa học. Ông nói, "Nó đánh đổ bất cứ lý luận nào. Nhưng tôi phải thú nhận là nó có thật."
Các cha Capuchin háo hức lắng nghe ông phúc trình. Ông nói, "Vào ban đêm, Cha Piô mang vớ và găng tay không có ngón, làm bằng vải bông hay len, tùy theo thời tiết. Ban ngày, ngài mang găng tay nâu, đặt ngay trên vết thương. Vào buổi sáng khi ngài tháo găng ra, thì có máu dính vào ở những chỗ vết thương. Tôi đã khám nghiệm nhiều đôi vớ và găng tay, và kết quả cho thấy các vết máu đó là do máu động mạch gây nên." Các cha Capuchin lắc đầu ngạc nhiên.
Bs. Festa cho biết, "Có một lần khi ngài tháo đôi vớ ra, tôi thấy miếng vẩy mầu nâu đỏ rơi ra, và tôi thấy một vết sẹo thật rõ ràng và có màu trái ngược với làn da hồng hào ở chung quanh. Vết thương thực sự thì nằm ở giữa miếng vẩy có hình bông hồng. Vết thương to bằng hạt đậu, với đường viền mầu nâu đỏ không đều đặn. Dường như nó tạo bởi một vật gì nhọn đâm vào chân. Vết sẹo trên mu bàn chân cho thấy có một vết thương nằm cân xứng một cách tuyệt hảo với vết thương ở lòng bàn chân."
Một trong các linh mục Capuchin, vị bề trên tỉnh dòng, Cha Pietro da Ischiatella, có mặt trong phòng Cha Piô khi khám nghiệm, cho biết, "Tôi chứng kiến Cha Piô đặt tay của ngài trên bàn, được phủ bằng giấy báo. Khi ngài tháo găng tay ra, miếng vẩy che vết thương rơi ra. Tôi thấy có cái lỗ rõ ràng xuyên qua bàn tay. Và tôi có thể đọc được chữ của tờ báo qua vết thương ở tay ngài. Vết thương thực sự có cái lỗ!"
V
Trong lịch sử các thánh, sự kiện có mùi thơm thì không gì mới mẻ. Tay Thánh Đa Minh phát ra mùi thơm khi dân chúng hôn tay ngài, và Thánh Helena phát ra mùi thơm khi ngài rước lễ. Một số thân thể các thánh phát ra mùi thơm sau khi chết, như trường hợp của Thánh Coletta, Thánh Joseph Cupertino, và Thánh Martin de Porres. Bất cứ ai đang trong tình trạng mắc tội trọng, Thánh Philip Rôma đều ngửi thấy mùi hôi thối khi ngài đến gần, mặc dù thân thể người đó rất sạch sẽ.
Trong trường hợp của Cha Piô, mùi thơm nói lên sự hiện diện an ủi của cha. Đó là để khuyến khích, chú ý đến điều nguy hiểm ngay lập tức, hay nhớ đến sự hiện diện, sự khuyên bảo và sự hướng dẫn của cha. Nhiều người nhận ra mùi thơm đó một cách riêng biệt, không phải ai ai cũng nhận thấy cùng một lúc.
Các tu sĩ ở tu viện Đức Mẹ Ban Ơn lắng nghe các người khách bàn tán sôi nổi về mùi thơm này.
Một linh mục nói với hai thầy, "Có nhiều người cho rằng nó giống mùi át-xít 'carbolic'. Có người còn cho rằng nó giống mùi nhang hay mùi thuốc lá nữa chứ."
Một thầy phản đối, "Không. Điều đó vô lý. Cha ấy đâu có dùng thuốc khử mùi hôi." Hai người kia gật đầu đồng ý. "Tôi nghe có người nói nó tùy thuộc tình trạng linh hồn của người gặp ngài. Họ nói những người trong tình trạng ơn sủng thì ngửi thấy mùi ngọt ngào, trong khi người mắc tội trọng thì chẳng ngửi thấy gì cả. Nhưng tôi nghĩ đến một điều đang được người ta công nhận rằng những người không có đức tin và mắc tội trọng được ngửi thấy mùi ngọt ngào này lần đầu tiên khi gặp ngài, và điều này ảnh hưởng đến sự trở lại của họ."
Bà Grazia Formicelli, mẹ đỡ đầu của Cha Piô, nói với một thầy rằng, "Tôi cũng cảm nghiệm được điều đó. Khi tôi đang ở trên núi hái dâu và đang đi giật lùi. Bỗng dưng tôi ngửi thấy mùi thơm của Cha Piô. Tôi ngẩng đầu lên, quay người lại, và thấy ngay đằng sau là một vách núi thật dốc. Chỉ cần thêm một bước nữa thôi là tôi lọt xuống đó ngay."
Sau này, khi bà đến San Giovanni Rotondo để cám ơn Cha Piô đã cứu mạng bà, cha đã xua tay và nói, "Đó là để bà nhớ đừng bước giật lùi như con nít."
Một người viết tiểu sử Cha Piô, là Gian Carlo Pedriali, viết cuốn Tôi Đã Gặp Cha Piô và kể lại lúc ông đến gặp cha vì tò mò. Ông viết, "Tôi đang đứng ở trước nhà thờ với đứa con trai, đó là lần đầu tiên trông thấy ngài với đám đông vây quanh. Tôi đứng xa chỗ ấy lắm và một mùi thơm nhẹ nhàng xông vào mũi. Ngay lúc đó đứa con trai hỏi tôi đó là mùi gì vậy."
Bà Josephine Marchetti ở Bologna có ghi nhận một phép lạ. Bà nói, "Trước khi cánh tay tê liệt của tôi được bình phục , ngay từ đầu tôi đã ngửi thấy mùi thơm của Cha Piô. Từ lúc đó trở đi tôi bắt đầu cảm thấy cánh tay như sống lại, mặc dù vài bác sĩ cho rằng tôi không thể nào sử dụng cánh tay đó được nữa."
Ngài Domenico Tognola, ở Zurich, Thụy Sĩ viết cho tu viện San Giovanni Rotondo, và kể với các thầy: "Một sáng kia tôi thức giấc và ngửi thấy mùi thơm nồng nàn của hoa tím, hoa huệ tây và hoa hồng. Tôi nhận ra mùi thơm đó có liên hệ đến Cha Piô và tự hỏi không biết điều đó có ý nghĩa gì. Và tôi chợt hiểu khi người phát thư trao cho tôi lá thư của người em tôi, mà đã ba mươi hai năm tôi không gặp chú ấy và tưởng đã chết. Tôi từng xin Cha Piô cho tôi được biết bất cứ tin tức gì về em tôi, và ngài đã trả lời."
Một chủng sinh, James Bulmann người Hoa Kỳ, một sáng kia đến tu viện Đức Mẹ Ban Ơn và được vinh dự giúp lễ cho Cha Piô. Sau đó, chủng sinh này nói với các thầy dòng: "Trong khi giúp lễ, tôi ngửi thấy mùi thơm tuyệt diệu chưa từng thấy. Tôi biết rất ít về Cha Piô và cũng không biết gì về hiện tượng này."
Các thầy dòng cười. Một thầy nói, "Đó là dấu hiệu cho thấy Thiên Chúa đã ban một ơn gì đặc biệt qua Cha Piô."
Một thầy khác nói xen vào, "Đúng vậy, trong những người biết Cha Piô, nhiều người cho rằng mùi thơm này chứng tỏ là ngài đã nghe lời cầu xin của họ, hoặc như một cảnh giác nên tiếp tục hay nên dứt bỏ một hành động nào đó, hoặc như sự thúc giục cầu nguyện hay tiếp tục trông cậy. Họ coi như ngài muốn nói rằng ngài đang cầu nguyện và đang chú ý đến khó khăn của họ, và mùi thơm chứng tỏ là ngài đang hiện diện về phương diện tinh thần dù rằng thân xác ngài cách xa đó."
Chủng sinh này hỏi, "Cha Piô nói gì về tất cả những điều này."
"Cha chẳng nói gì cả," thầy dòng trả lời. "Ngài không thích đề cập đến bất cứ điều gì."
Người chủng sinh nói, "Như vậy, tôi có thể nói đó là một hiện tượng bí ẩn kỳ lạ."
Các thầy quay lưng định bước đi, chủng sinh này hỏi, "Các thầy muốn biết tôi nghĩ gì không?" Mọi người nhìn đến anh.
"Tôi nghĩ tất cả chỉ là một sự tưởng tượng được phóng đại!"
Các thầy giật mình, nhưng người chủng sinh phá lên cười. "Đời sống sẽ tẻ nhạt nếu thỉnh thoảng không có những mâu thuẫn, phải không?" Họ nhìn anh hơi nghi ngờ, và quay bước.
Những mâu thuẫn cũng xảy ra trong lãnh vực y học. Bs. Romanelli đã đến gặp Bs. Festa vào tháng Bảy 1920 và họ không còn bất đồng về vết thương như lúc trước. Cách đây một năm, Bs. Romanelli chỉ thấy có một vết thương dài chừng bảy đến tám xăng-ti-mét. Ngược lại, cũng như Bs. Bignami, Bs. Festa lại thấy hai vết thương, và đó là vết thương ngoài da và có hình thập giá để ngược. Bây giờ tất cả đều đồng ý--đó là một thập giá để ngược.
Hình thập giá để ngược ở ngoài da ít có ảnh hưởng đến lớp biểu bì. Nhưng lớp da đó có nhiều điểm kỳ lạ. Có một cái sẹo ngắn và hẹp che phủ phần chính giữa vết thương. Các mô chung quanh không thấy đỏ, không bị thâm nhiễm hay làm mủ. Nhưng bề ngoài của cái sẹo khiến người ta tưởng lầm, vì chỉ cần chạm nhẹ thôi nó cũng khiến đau ghê gớm và lan rộng hơn cả diện tích của cái sẹo.
Mặc dù vết thương ở ngực có vẻ chỉ ở ngoài da, nhưng Bs. Festa cho biết chính mắt ông thấy máu nhỏ ra từ vết thương đó còn nhiều hơn ở các vết thương khác. Ông nói, "Trong lần khám nghiệm đầu tiên, vào lúc chín giờ tối, tôi lấy đi mảnh vải--cỡ chừng bàn tay--đang đậy vết thương ấy, nó ướt đẫm chất lỏng màu đỏ, và tôi đặt một khăn tay mới lên vết thương. Đến bảy giờ sáng hôm sau, chiếc khăn tay mà tôi đặt vào tối hôm trước, và cả mảnh vải cùng kích thước mà Cha Piô đặt lên vết thương vào nửa đêm, đều ướt sũng với chất bài tiết đó, chứng tỏ thực sự có xuất huyết."
Cha Piô thường giữ những mảnh vải to bằng bàn tay ở chiếc bàn ngủ bên cạnh giường. Trước khi cha bề trên được lệnh từ Vatican là phải gìn giữ những mảnh vải này, Cha Piô muốn đốt chúng đi.
Bs. Festa đề nghị, "Hãy giữ lấy những mảnh vải ấy và phân phát cho người tín hữu." Cha Piô suy nghĩ trong giây lát và đồng ý.
Bs. Festa cho biết, "Tôi thu thập rất nhiều mảnh vải ấy, và tỉ lệ máu và nước thấm ở những mảnh vải này đều giống nhau và có cùng một đặc tính, dù lượng chất lỏng nhiều ít. Trong năm tôi khám nghiệm Cha Piô, một ngày ngài phải dùng đến ít nhất là ba mảnh vải, và một số ướt sũng."
Vị bác sĩ cũng nhận thấy máu và nước tiết ra một cách tách biệt nhau ở ngoài rìa vết thương. Trên các mảnh vải người ta có thể thấy chỗ máu và nước hòa lẫn với nhau. Và sau một thời gian, chất lỏng này trở thành máu khô.
Trong nhiều năm, Bs. Festa ghi nhận lại những sự kiện của các mảnh vải này, và thỉnh thoảng ông phúc trình cho các cha Capuchin. Ông viết, "Không có trường hợp nào mà sự hòa lẫn của chất lỏng này hoàn tất cả. Không có sự rữa nát, hay có vi khuẩn xuất hiện hay có mùi hôi." Ông cho biết, trong mọi trường hợp, vết máu trở thành mầu nâu sau nhiều năm, nhưng nếu nhìn mảnh vải ở chỗ sáng sủa, thì nó có mầu đỏ hơn là mầu nâu.
Bs. Festa cho biết: "Ở lòng bàn tay trái của ngài, khoảng giữa lưng bàn tay, có một vết thương gần như hình tròn, gọn gàng, và đường kính lớn hơn hai xăng-ti-mét. Nó được che bởi cái vẩy mầu nâu. Miếng vẩy này cứng dần vì máu rỉ ra từ giữa vết thương."
Vết thương ở lòng bàn tay, dù được quan sát bằng kính phóng đại cũng không thấy có mủ hay sưng. Và vết thương ở bàn tay phải, Bs. Festa cho biết, cũng giống như ở bàn tay trái. Trong khi khám nghiệm, ông thấy có giọt máu rỉ ra ở chung quanh vết thương.
Mọi bác sĩ đều nhận thấy Cha Piô rất đau đớn, và ngài phải kéo lê đôi chân mỗi khi đi đứng. Trước khi một thang máy được thiết lập, việc lên xuống cầu thang hàng ngày là một thống khổ cho ngài.
Một phụ tá nói với ngài, "Những bậc thang quả là đường lên núi Sọ cho cha."
Ngài trả lời, "Đường núi Sọ của tôi đâu chỉ có những bậc thang này."
Ngài cố tránh dây dưa vào những bàn cãi và tranh luận về các dấu thánh và sức mạnh siêu nhiên mà người ta gán cho ngài. Nhưng ngài không thể bưng tai bịt mắt mà không nghe biết về những điều ấy, và khi được Tòa Thánh ra lệnh tuân phục để điều tra và khám nghiệm ngài cũng không biết làm sao hơn.
Việc bàn cãi về vết thương của ngài hầu như xảy ra hàng ngày. Một người không đồng ý là Cha Agostino Gemelli, ngài là linh mục, bác sĩ, tâm lý gia, khoa trưởng Đại Học Công Giáo Milan, người cố vấn cho Đức Giáo Hoàng Piô XI, và là người tư vấn cho các Thánh Bộ. Ngài được coi là một linh mục rất đạo đức và có uy tín về phương diện khoa học.
Trong một chiều tối, Cha Gemelli bất ngờ đến tu viện Đức Mẹ Ban Ơn.
Ngài nói với thầy dòng tiếp đón ngài, "Tôi muốn gặp Cha Piô."
Thầy thưa, "Xin lỗi cha. Cha Piô đang cầu nguyện. Xin cha ở lại qua đêm và sáng hôm sau sẽ gặp ngài."
Cha Gemelli đồng ý, và sáng sớm hôm sau ngài đợi Cha Piô ở hành lang. Trong ánh sáng lờ mờ của bình minh, cha nhận ra bóng dáng Cha Piô đang lê bước đến ngài. Khi Cha Piô đến gần, cha hơi sững sờ nhìn thấy khuôn mặt hiền từ của Cha Piô mà cha tưởng rằng ngài sẽ nhăn nhó ghê gớm vì đau đớn.
"Cha Piô," Cha Gemelli vừa ôm lấy cánh tay cha vừa nói. "Tôi đến để khám nghiệm vết thương của cha." Ngài nở một nụ cười thật tươi, tỏ vẻ ân cần.
Cha Piô dừng bước. Cha cảm thấy hơi căng thẳng. "Cha có giấy phép không?"
Nụ cười của Cha Gemelli vụt tắt. "Giấy phép?"
"Phải."
Cha Gemelli quay mặt đi chỗ khác. Ngài ấp úng, "Không. Tôi..." Và ngài bỏ lửng câu nói.
Cha Piô nhìn vào đôi mắt bối rối ấy, và không nói một lời ngài tiếp tục đến nhà nguyện cử hành Thánh Lễ.
Cha Gemelli nói vói theo, "Chúng ta sẽ nói về chuyện ấy sau." Nhưng ngài rời tu viện mà không gặp Cha Piô.
Về sau, Cha Gemelli tuyên bố một cách công khai cũng như riêng tư rằng ngài đã khám nghiệm vết thương của Cha Piô và ngài thấy đó không phải là các vết thương trên da thịt như của Thánh Phanxicô. Ngài cho rằng các dấu thánh của Cha Piô đối với ngài chỉ là một đặc tính thoái hóa của các tế bào hoặc đúng hơn được gây ra bởi một sự lừa dối thực sự và chính xác. Những lời nhận xét của Cha Gemelli lọt vào tu viện.
Một thầy hỏi Cha Piô, "Cha có biết Cha Gemelli nói gì không?"
Cha Piô gật đầu, thực sự không lưu tâm. "Ai ai cũng nghiêm trọng nói với tôi điều ấy cả."
Thầy ấp úng, "Nhưng... Làm thế nào mà cha chịu được? Người ấy còn thuyết phục cả Đức Giáo Hoàng rằng các vết thương của cha chỉ là vết thương đương nhiên của một người cuồng điên."
Cha Piô nhún vai, "Họ có quyền bày tỏ ý kiến."
"Không, không," thầy lý luận. "Nó không đơn giản là vấn đề quan điểm. Người ấy viết báo làm xáo trộn đủ mọi thứ. Tại sao ngay cả các nhà dòng cũng bị tấn công. Tỉ như các cha dòng Tên người Anh. Họ cũng bị tấn công vì bênh vực cha."
Cha Piô nhìn xuống đôi bàn chân. Chỉ cần đứng lâu một vài phút thì chúng đã sưng và đau nhức.
"Cha không hiểu sự quan trọng của việc tấn công ấy," thầy kêu lên. "Cha không trả lời những điều kết án ấy sao?"
Cha Piô nhìn lên trời và lắc đầu. "Không."