Đây là bài thứ năm trong lọat bài ký sự về cuộc viếng thăm bà con trong thân tộc và bằng hữu của tôi tại Úc châu vào cuối năm 2011 vừa qua. Trong suốt một tháng sinh sống tại nhà của bà con cư ngụ tại hai thành phố lớn nhất của Australia là Melbourne và Sydney, tôi đã có nhiều thời gian trao đổi chuyện trò thân mật với cả trăm người già trẻ, lớn bé thuộc cả ba thế hệ trong gia đình người Việt, mà phần đông đã định cư tại đất nước này đến 30 năm nay.
*Thế hệ thứ nhất là lớp các ông bà, thì nay đã vào lứa tuổi từ 70 trở lên và hầu hết thì đã về nghỉ hưu. Trong số này, nhiều người thân thiết của tôi đã trút hơi thở cuối cùng và đang an giấc ngàn thu nơi các nghĩa trang tại xứ này. Cháu Tống Ngọc Lân hiện ở khu vực Footscray đã chở tôi đến thăm mộ của mẹ cháu mất năm 1994 và được an táng tại nghĩa trang gần sát với phi trường Melbourne. Mẹ của cháu Lân là cô em dâu của tôi.
*Thế hệ thứ hai là lớp các con, thì phần đông đã ở vào lứa tuổi 50, mà lúc rời Việt nam thì đã tới 20 – 30 tuổi, nên vẫn còn nhiều kỷ niệm với quê hương đất nước. Nhưng sau khi định cư tại Úc trên vài chục năm, thì nay họ đã có được công ăn việc làm ổn định và sắm được nhà cửa tươm tất, con cái được đi học ở những trường có danh tiếng. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình coi như được bảo đảm vững vàng nơi xứ sở Úc Đại Lợi này.
*Thế hệ thứ ba là lớp các cháu, thì hầu hết đều sinh trưởng, học hành tại Úc và nói tiếng Anh thông thạo như người bản xứ, nên đã dễ dàng hội nhập tự nhiên êm thắm với dòng chính của xã hội địa phương. Mặt khác, vì nhờ có sự sinh họat thường xuyên và gắn bó trong đại gia đình gồm cả ba thế hệ nói trên, nên các cháu ở thế hệ thứ ba phần đông còn nói được tiếng Việt và giữ gìn được nền nếp đạo đức văn hóa trong gia tộc của ông bà cha mẹ mình.
I – Cảm nghĩ sau các chuyến về thăm quê hương Việt nam.
Với khỏang cách tương đối gần, đi máy bay chỉ mất chừng 8 giờ, nên bà con ở Úc châu đi lại Việt nam thường xuyên và thật dễ dàng. Nhất là lớp người trung niên, thì hay tìm cách dẫn con cái về thăm lại quê hương bản quán, để các cháu có dịp tìm hiểu cho rõ ràng hơn về nơi miền đất cội nguồn của cha mẹ ông bà mình.
A - Tôi chú ý đến nhận xét của các cháu thuộc thế hệ thứ ba - ở vào tuổi trên dưới 20 đang còn là sinh viên đại học - sau những chuyến theo cha mẹ về thăm Việt nam. Vì hầu hết các cháu đều sinh trưởng tại Úc nên không hề có thành kiến hay kỷ niệm vui buồn gì liên quan đến quê hương Việt nam của bố mẹ mình. Do vậy mà ý kiến của các cháu dễ có tính cách khách quan hơn là của thế hệ cha bác vốn đã từng là nạn nhân của chế độ độc tài cộng sản ở trong nước.
Đại khái các cháu cho biết là không có mấy thiện cảm với những điều chính bản thân các cháu chứng kiến bằng tai nghe mắt thấy tại Việt nam trong thời gian vài ba năm gần đây. Khi được hỏi liệu có cháu nào dự tính sẽ về lập nghiệp ở Việt nam chăng ? Thì không một cháu nào tỏ ý muốn về sinh sống lâu dài ở nơi đó cả. Phần lớn các cháu chỉ về VN một vài lần vì tò mò muốn đích thân quan sát để cho biết thực tế ra làm sao vậy thôi. Và xem ra qua những gì đã chứng kiến trong chuyến về thăm đó, thì các cháu đều cho là mình không thể sống thỏai mái, hòa đồng tự nhiên trong cái môi trường xã hội hỗn độn xô bồ phức tạp, mà lại thiếu vắng sự thông cảm chân tình của những người xung quanh với mình.
B - Còn đối với thế hệ thứ hai là những người nay đã ở vào cỡ tuổi 40 - 60, thì có sự hiểu biết chi tiết hơn về tình hình sinh họat trong xã hội ở Việt nam, họ có thể nhận ra sự thay đổi rõ rệt trong xã hội hiện nay so sánh với thời kỳ 25 - 30 năm trước - vào lúc họ vẫn còn sinh sống ở trong nước. Qua sự quan sát tại nhiều nơi trong nước và nhất là qua sự gặp gỡ trao đổi tâm sự chân tình với thân nhân bạn hữu, họ có nhận định rằng tuy về mức sống vật chất có sự cải thiện nào đó, nhưng về phương diện tinh thần, thì vẫn còn ngộp thở bí bức thế nào ấy, chứ không có được sự thỏai mái cởi mở hồn nhiên như trong xã hội nước Úc là nơi họ đã định cư từ 30 năm nay.
Luật sư Phước quê ở Cần Giuộc đã tốt nghiệp ở trường Luật Saigon từ trước năm 1975, thì cho biết rằng cái lề lối quản lý xã hội ở Việt nam hiện nay đã bóp nghẹt mọi sáng kiến về cải tiến xã hội của những người có ưu tư đến vận mệnh của dân tộc. Vì thế mà trong lớp người tỵ nạn như chúng em đã đến lập nghiệp tại Úc châu từ 30 năm nay, thì chẳng một ai mà còn nghĩ đến chuyện đưa gia đình trở về lại Việt nam sinh sống nữa. Cô Oanh là bà xã của Phước thì cũng nói thêm vào : Anh thử coi xem mấy đứa con của chúng em nay đã ở độ tuổi 30, và đã có công ăn việc làm ổn định nơi đây rồi, thì chẳng cháu nào mà lại có ý định về lập nghiệp ở Saigon đâu. Như vậy là cả ba thế hệ trong gia đình tụi em thì nhất quyết bám trụ lại ở xứ sở Úc châu này như là quê hương thứ hai vậy - và Việt nam chỉ còn lại như là một kỷ niệm sâu sắc trong tâm hồn những người cỡ tuổi chúng em mà thôi. Chứ đối với các cháu sinh trưởng ở bên Úc hay rời Việt nam lúc còn quá nhỏ, thì rõ ràng là tụi chúng không thể có được cái ký ức thân thiết như thế hệ chúng em được.
II – Chúng tôi đi mang theo Quê Hương.
Chuyện lập lại cuộc đời tại một xứ sở xa lạ như ở nước Úc, tuy vậy mà cũng không đến nỗi vất vả khó khăn chật vật lắm, bởi lẽ kể từ thập niên 1980 trở đi, thì đã có số khá đông bà con người Việt được cho nhập cư một cách dễ dàng và chính phủ Úc cũng đã phát động rộng rãi chính sách “ Úc châu đa chủng tộc & đa văn hóa” (muti-ethnic & multi-cultural Australia). Hiện nay đã có đến con số 280,000 người gốc Việt sinh sống trên lãnh thổ Úc châu, mà đa số định cư tại hai tiểu bang đông dân nhất là Victoria với thành phố Melbourne và New South Wales (NSW) với thành phố Sydney.
A – Ngòai ảnh hưởng của đại gia đình ra, thì phải kể đến các tổ chức tôn giáo là những cơ sở tinh thần thiết yếu cho việc phát huy và bảo tồn văn hóa và đạo đức truyền thống Việt nam.
Với sinh họat gặp gỡ thường xuyên trong đại gia đình gồm cả ba thế hệ ông bà, cha mẹ và con cháu, thì ngay cả thế hệ thứ ba sinh ra trên đất Úc cũng vẫn còn nói được tiếng Việt và nhất là còn giữ vững được tinh thần đạo đức cốt yếu thuộc bản sắc dân tộc Việt nam. Và tại các chùa, nhà thờ nào, thì cũng có những lớp dậy tiếng Việt cho các em nhỏ vào những ngày cuối tuần, và các cơ sở tôn giáo này cũng đều tạo dịp cho cả ba thế hệ trong gia đình cùng hợp lại quây quần sinh họat chung với nhau trong các buổi cầu kinh và cử hành nghi lễ tôn giáo bằng tiếng Việt - hoặc có kèm thêm bằng tiếng Anh để lớp trẻ dễ dàng tiếp thu hơn. Tôn giáo còn có mặt thường xuyên và gắn bó mật thiết trong các sinh họat vui buồn của mọi gia đình tín đồ - cụ thể như trong các lễ đám cưới, lễ an táng v.v…
Nhất là trong việc chăm sóc, an ủi, viếng thăm các cụ già yếu bệnh họan phải ở một mình tại các nursing home, mà con cháu vì bận rộn chuyện làm ăn, nên không thể lo lắng chu đáo mọi bề cho cha mẹ được. Thủy là bà xã của cháu Lân làm nghề y tá điều dưỡng ở Melbourne, thì cháu có trao đổi với tôi về những khó khăn của các cụ già sống cô đơn lủi thủi trong nursing home, và tôi đã góp ý với Thủy là các tổ chức nhân đạo từ thiện của cộng đòan tôn giáo có thể góp phần tích cực hơn trong vấn đề chăm sóc tinh thần cho các cụ già ở đây, nhất là vận động cho giới trẻ như học sinh, sinh viên tổ chức những cuộc viếng thăm an ủi thường xuyên tại các nursing home - để hợp cùng với gia đình các vị bô lão trong việc tạo dựng được bàu không khí ấm cúng thân mật trong cuộc sống tại cơ sở y tế xã hội này.
B – Vai trò của các tổ chức văn hóa xã hội thiện nguyện khác.
Trong một xã hội dân chủ cởi mở như ở Úc châu, người dân được tòan quyền tự do đứng ra thành lập các hội đòan hiệp hội nhằm theo đuổi các mục đích văn hóa xã hội cũng như thể thao giải trí. Các đơn vị này được gọi là tổ chức phi chính phủ, bất vụ lợi (non-governmental/non-profit organisations). Những hiệp hội đòan thể này cũng như các tổ chức nhân đạo từ thiện do các tôn giáo điều hành, thì đó chính là thành phần cốt lõi của khu vực Xã hội Dân sự. Nhân viên trong chính quyền nhà nước Úc châu không hề tìm cách can thiệp, hạn chế hay thao túng đối với sinh họat của các tổ chức tư nhân đó – điều này khác biệt hẳn với chế độ độc tài chuyên chế như tại các nước do đảng cộng sản nắm giữ quyền bính.
Nói chung, thì khu vực Xã hội Dân sự - do tập thể bà con người gốc Việt gầy dựng và duy trì trong hơn 30 năm qua – hiện đang góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa ngôn ngữ riêng biệt Việt nam tại miền đất mới ở phía Nam bán cầu. Điển hình là trong các Hội Chợ Tết - với hàng nhiều vạn người tham dự để vui chơi thưởng thức nhiều tiết mục đa dạng về phong cách trình diễn nghệ thuật, âm nhạc, đánh cờ, múa lân võ thuật - và nhất là các món ăn truyền thống Việt nam – thì luôn luôn được nhiều đòan thể hiệp hội tích cực tham gia khiến phát động được bàu không khí náo nhiệt phấn khởi tương tự như trong những Lễ Hội Dân Gian (Folk Festival) tại quê hương từ thuở xa xưa. Cụ thể như trường hợp của anh Nguyễn Văn Thuất là một Trưởng Hướng Đạo Sinh kỳ cựu hiện ở Sydney. Anh Thuất luôn ưu tư về việc phải đưa sắc thái văn hóa Việt nam vào trong các cuộc tập hợp vui chơi giải trí của người Việt như trong những Hội chợ Tết (Tết Fair) hay như Lễ Hội dành riêng cho Thiếu Nhi (Children’s Festival) được tổ chức vào dịp Trung Thu, mà lại dành cho các em thuộc mọi sắc dân – chứ không chỉ dành cho giới trẻ Việt nam của mình như thường thấy tại các nơi khác. Lễ Hội Thiếu Nhi này đã được tổ chức hàng năm vào tháng Chín từ trên 10 năm qua và được sự hưởng ứng nồng nhiệt của cộng đồng các sắc dân tại nhiều thành phố xung quanh Sydney. Và các Hướng Đạo Sinh Việt nam luôn tự nguyện đóng vai trò chủ chốt trong việc tổ chức và điều hành các buổi Sinh họat có quy mô thật lớn lao này. Người viết sẽ trình bày chi tiết hơn về lọai Lễ Hội độc đáo này trong một bài khác.
C – Khu vực Thị trường Kinh doanh (The Marketplace).
Tôi chưa có dịp tìm hiểu chi tiết về quy mô lớn lao của các cơ sở kinh doanh sản xuất hay thương mại của người Việt tại Úc, nhưng qua những cuộc viếng thăm nhiều khu buôn bán làm ăn tiêu biểu xung quanh Melbourne như Footscray, Richmond, Springvale hay khu lân cận với Sydney như Cabramatta, Bankstown…, thì rõ ràng là đã có sự sầm uất phồn thịnh xuyên qua các cửa hàng đày ắp sản phẩm phù hợp với thị hiếu đặc trưng của người Việt xưa nay. Có thể nói tại hàng ngàn, hàng vạn các quán ăn cũng như tại các cửa hàng rất tấp nập trong các khu thương mại này, thì hầu như không hề thiếu một món nào so với ở quê nhà Việt nam mà bà con vẫn ưa thích.
Bà con cho biết là tại tiểu bang Queensland ở phía bắc của New South Wales, thì nhờ có khí hậu nóng và nhiều mưa, nên việc trồng rau, trái cây rất phát triển để có thể cung ứng dồi dào đến tay người tiêu thụ những sản phẩm của xứ nhiệt đới – không thua kém gì so với nông sản xuất phát từ Việt nam. Nhờ vậy mà trong các bữa cơm gia đình, hầu như không bao giờ thiếu vắng những món ăn đặc sản phổ biến mà bà con vẫn ưa thích khi còn ở bên quê nhà.
Nói vắn tắt lại, nhờ tinh thần năng động tháo vát trong lãnh vực kinh doanh cũng như trong việc phát triển sinh họat đa dạng của Xã hội Dân sự, nên cái Không gian Xã hội của người Việt tại Úc châu đã đạt tới trình độ hết sức linh động khởi sắc – vừa giữ được tính chất truyền thống cố hữu của bản sắc văn hóa dân tộc, vừa tiếp thu được những cái mới lạ độc đáo tiến bộ trong nếp sống đã có sẵn tại địa phương bản xứ.
Thành ra bộ mặt Quê hương Việt nam - mà tập thể gần 300,000 người Việt nam tỵ nạn tại Úc đã chung sức kiên trì xây dựng từ trên 30 năm qua – đã có những nét thật tươi đẹp rạng rỡ khiến cho ngay cả đến các giới chức lãnh đạo xã hội bản xứ cũng phải bày tỏ sự khâm phục mến chuộng trước những cố gắng hội nhập cũng như những đóng góp tích cực với quốc gia Úc châu của sắc dân Việt nam.
Và quả thật, tập thể người Việt tại Úc châu đã tạo ra được một nét son độc đáo trong việc đem một phần tinh hoa của Quê hương Việt nam tháp nhập êm thắm vào với xã hội nước Úc và cũng đã đem lại niềm tự hào cho tòan thể dân tộc chúng ta nữa vậy./
California, tháng Hai năm 2012
Đoàn Thanh Liêm