Từ mấy thập kỷ nay, những khám phá mới về sinh học đã gây cám dỗ Thủ biến con người (manipulation de l’homme), nhất là nhân bản (cloning, clonage) nó, do đó đặt ra bao vấn đề gay cấn về Sinh đức hay đạo đức sinh học (bioethics). Từ bấy đến nay, các nhà luân lý thần học vẫn vò đầu suy nghĩ, nhưng với những quan niệm quá cũ về tạo thế và bản tính con người, liệu họ có ứng phó nổi với những phát minh quá mới, hòng đưa ra những giải đáp đủ sức thuyết phục hay không?
Khám phá về nền tảng sự sống và những viễn ảnh y tế mở ra
Những viên gạch làm nên ngôi nhà sự sống là các acid amin, rồi acid nucleic. Do sự trùng kết (polymérisation) của các acid amin mà ta có những đại phân tử protein. Mà acid amin, người ta đã có thể tạo nó trong phòng thí nghiệm. Còn cách trùng kết, người ta cũng biết rồi. Acid nucleic thì khó hơn, nhưng chắc rồi cũng tìm ra cách chế tạo thôi, có điều từ đó làm nên các ARN, nhất là phức hợp tinh tế các chuỗi xoắn ADN (cùng với sự kết nối và trình tự của bốn chất kiềm làm nên mã số di truyền) là công việc quá nhiêu khê, tỉ mỉ. Ngoài ra,người ta cũng mới phát hiện tế bào gốc (stemcells, cellules souches), tế bào mà, tùy môi trường nuôi cấy, khoa học có thể làm nên mọi loại tế bào cho mọi loại mô, cơ quan, thậm chí cả tế bào phôi, từ đó tạo thành cả một cơ thể.
Tế bào gốc đã được phát hiện ngay từ năm 1981, nhưng ở chuột cơ. Và cơn sốt Tế bào gốc chỉ thực sự bốc cao trước thềm năm 2000 khi các ống kính khoa học hướng về nó nơi con người.
Tế bào gốc trước hết là của trứng thụ tinh. Từ 1 tới 5 ngày, nó sinh sôi thành mấy chục, và trong giai đoạn đầu ấy, chúng là toàn năng (totipotent), nghĩa là, nếu cứ thế phát triển, sẽ làm nên toàn bộ một cơ thể. Sau ngày thứ năm, trứng hõm lại thành túi phôi (blastocyste), với một đầu là núm phôi, để từ đấy, tùy vị trí trong phôi mà các tế bào chuyên biệt hóa hướng phát triển (hướng về một số mô và cơ quan nhất định), và đây là trạng thái đa năng (pluripotent) của chúng.
Một cơ thể dù trưởng thành vẫn còn những tế bào gốc, vì một tế bào gốc, để thành tế bào chuyên loại, luôn phân thành hai, trong đó chỉ có một tế bào dự chuyên (précurseur), còn tế bào kia là tế bào gốc mới. Tế bào gốc này, nếu cấy nuôi vào một mô, cơ quan thích hợp (như tim), có thể sinh ra những tế bào thuộc mô hay cơ quan ấy. Nếu lấy ra nuôi cấy trong một môi trường, thì tùy môi trường mà sinh ra những loại tế bào chuyên biệt khác nhau. Cũng thế nếu cấy vô một phôi, thì tùy vị trí trong phôi mà sinh ra một số dạng tế bào nhất định.[1]
Những phát minh nói trên mở ra biết bao triển vọng về mặt y khoa. Người ta có thể thay thế hay sửa chữa những gen nào là nguồn gốc một căn bệnh. Người ta có thể sản sinh máu tốt từ tế bào gốc người bệnh để thay thế máu cũ. Người ta có thể nâng cấp di truyền của một người, nhờ đó người này và con cháu họ có thể khỏe hơn, miễn nhiễm hơn hay thông minh hơn. Người ta có thể tạo ra phiên bản của những con người tuyệt thế như Einstein, Ali, Pelé…
Thế nhưng. . .
Những vấn đề đạo đức đặt ra
Việc thiết lập bản đồ gen và phát hiện tế bào gốc, cùng với những triển vọng mở ra, đặt con người trước những vấn đề đạo đức chưa từng có. Người ta đang tạo ra những chú heo mang gen người để dùng tim, thận… của nó thay ghép cho con người. Người ta cũng muốn tạo những con chuột mang não người “để xem sao” nữa. Sự cao quý của con người như đang bị xói mòn dần! Vì mục đích trị liệu, trước đây người ta chỉ lập hồ sơ nhóm máu của anh thôi, chứ nay thì luôn cả hệ gen (génome). Mà tình trạng di truyền này nếu lộ ra sẽ gây những hậu quả xã hội rất nghiêm trọng : một người nào đó sẽ bị các hãng bảo hiểm chê, cũng như không thể tìm được việc làm cho mình. . .
Sự việc càng trở nên gay cấn khi, lợi dụng những phát minh di truyền, y sĩ muốn nâng cấp (enhance) một cơ thể, đồng thời nâng cấp cơ thể những ai sẽ sinh ra từ người ấy. Và đây là vấn đề ưu sinh (eugénics), là sửa chữa hay biến chế gốc, mầm:
a) Cất giữ tinh trùng và trứng trong ngân hàng băng lạnh, để sau này khi cần, sẽ mang ra chọn, vứt bỏ cái xấu, lựa lấy cái tốt, chỉnh sửa nếu muốn, rồi cho trứng và tinh trùng phối hợp, xong nuôi ngoại môi (in vitro), rồi đưa vô một dạ con.
b) Với một phụ nữ đang mang bầu: lấy phôi ra ngoài, loại bỏ nếu bất bình thường, còn không thì chỉnh sửa, nuôi ngoại môi, rồi trả về bụng mẹ.
Đáng sợ hơn nữa khi người ta muốn tạo mới hẳn một con ngườí! Chế tạo với kỹ thuật đã phát minh mới đây: Nhân bản (cloning, clonage):
Nhân bản xưa chỉ là phân trứng (thụ tinh) thành hai để có hai đứa song sinh y hệt nhau (con do một cặp nam nữ). Nhân bản nay là nạo vét nhân một noãn bào (ovocyte, tế bào trong noãn), rồi đưa nhân (ADN) một tế bào vào thay thế, và thế là phiên bản của người này được tạo ra, như chú cừu Dolly vậy.
Với cách nhân bản như thế, bác sỹ có thể sáng tạo mọi thứ người theo đơn đặt hàng. Đặt hàng, có thể đây là những cặp vợ chồng vô sinh. Mà cũng có thể là những trùm độc tài hay trùm mafia, khủng bố, muốn có dưới trướng những nhà khoa học tối thông minh để chế tạo khí giới, và những đội quân vô cùng khỏe giúp chúng bá chủ hoàn cầu. Con người không còn là mục đích nữa, nó thành món hàng và công cụ mất rồí!
Trước những triển vọng sinh học đáng sợ như thế, thần học luân lý đã đối phó ra sao cho tới nay?
Những giải đáp cho tới nay của thần học luân lý[2]
Thần học luôn nhấn vào quyền tối thượng của Thiên chúa đối với thiên nhiên, đặc biệt đối với con người “được dựng nên theo hình ảnh Thiên chúa”. Thần học cũng dựa vào Sáng thế thư (1.28 và 2.15) mà xác lập quyền quản lý (stewardship) của con người đối với trái đất. Vậy nếu chỉ động chạm đến thân thể mình để sửa chữa những khiếm khuyết, dù bằng liệu pháp gen, thì cũng không có gì đáng nói, miễn là tất cả thực hiện trong tinh thần cẩn trọng, trách nhiệm cao. Chứ nếu di chuyển, biến đổi các gen với mục đích ưu sinh, như cho một thiếu niên cao lớn hơn, một công nhân kháng được những khí độc khi hành nghề, thì đây lại là chuyện lớn, bởi động chạm đến cấu trúc con người và biến đổi cả một dòng họ. Con người không còn là quản lý nữa: xem ra nó đã vi phạm quyền tối thượng của Thiên Chúa và tính thánh thiêng của thiên nhiên, nhất là của con người.
Để giải quyết vấn đề, một số nhà thần học muốn nâng cao vị thế và vai trò của con người: con người không chỉ là quản lý, mà còn là đồng sáng tạo (cocreator) của Thiên chúa! Vâng, con người chẳng hề “cướp quyền Tạo hóa” bởi lẽ Tạo hóa thì sáng tạo từ hư không, trong khi con người chỉ làm việc với những gì đã có, chỉ hoàn thiện những gì Thiên chúa đã làm nên thôi. Và đây là nhìn vũ trụ như một cái gì chưa hoàn tất và coi tạo thế là một sáng tạo liên tục, hướng về sự hoàn tất của thế giới ở điểm cánh chung.
Thuộc Dothái-Kytôgiáo có ba thứ cánh chung quan: (A) Cánh chung quan khải huyền (apocalyptic) với tận thế-hướng: một cái nhìn yếm thế về lịch sử; (B) Cánh chung quan hướng đích (teleological) coi thế giới như đang phát triển về phía hoàn thiện của nó ở điểm cánh chung; (C) Cánh chung quan sấm báo (prophetic) hướng về một tương lai tốt đẹp cho thế giới này.
Những người theo cánh chung quan A đòi chúng ta phải tôn trọng ý định của Thiên Chúa đang dẫn đưa thế giới đến cáo chung, mà đừng can thiệp dù để nâng cấp hay cứu vãn loài người. Còn những ai theo hai cánh chung quan dưới thì chấp nhận một sự can thiệp có giới hạn vào hệ di truyền. Theo K. Rahner, chúng ta được Thiên Chúa trao trọng trách hoàn tất công việc của Ngài. Cả vũ trụ lẫn lịch sử đều chưa tới bến, và việc của loài người là, bằng tự do và trong tư thế đồng sáng tạo của Thiên chúa, phải thủ biến (manipuler) thiên nhiên, thậm chí thủ biến chính mình. Có điều thủ biến đến đâu và thế nào hẳn phải là chuyện khác.
Trước hềt, phải xem thiên nhiên là cái gì trong tay chúng ta. Phải chăng chúng chỉ là phương tiện suông, tùy ý ta sử dụng, nên cũng tùy ý ta biến đổi? Biến đổi ngay chính thân xác này vốn được nhiều người coi như riêng rẽ và lệ thuộc tinh thần? Thật ra, cũng có quan điểm coi thiên nhiên đã được sáng tạo hoàn tất như thế, một thiên nhiên thánh thiêng mà ta phải tôn trọng, không được thêm bớt chi vô cả. Đối với thứ thiên nhiên này, chúng ta chỉ đóng vai trò quản lý thôi. Quản lý luôn đối với thân xác của mình. Thế nhưng cũng có một chủ trương nữa, rằng thiên nhiên chưa hoàn tất và mãi trong tiến hóa theo quy định, nhưng một quy định không cứng nhắc; và con người là một thực tại duy nhất với cả thể xác lẫn tinh thần, với thiên nhiên thì nó có thể nhào nặn để thể hiện chính mình, chứ đối với thân xác thì nó không thể thủ biến tới mức mầm và gen.
Xem như thế, phần đông coi việc trị liệu dù bằng liệu pháp gen là điều khả thi, chứ nếu nâng cấp (enhance) bằng cách biến đổi hệ gen , thì hầu hết chống lại. Nói chi đến tạo mới cả một cơ thể bằng cloning, nhưng đâu phải chỉ một cơ thể, mà một con người, và đây còn là ép tạo ra một linh hồn “từ hư vô” nữa. Một đôi người chấp nhận cloning, thì coi đây không phải là tạo từ hư vô, mà “sinh sản có trợ giúp” (assisted reproduction) thôi. Họ nghĩ rằng không thể tán thành cloning con người, nhưng chấp nhận thì được. Dù sao, chứng lý thần học của họ xem ra cũng không đủ sức thuyết phục.
Một tạo thế quan mới để giải quyết những vần đề sinh đức
Người xưa, kể cả tác giả Sáng thế thư, luôn cho rằng tạo ra các loài sinh vật, Hóa công đã tạo chúng trực tiếp, hết loài này đến loài kia riêng biệt. Nhưng rồi khoa học đã cho thấy điều ngược lại: các sinh vật đã tiến hóa từ loài này sang loài kia, kể cả loài người nữa. Ngay đến sự sống cũng từ khoáng chất phát sinh đấy thôi.
Bắt chước môi trường quanh các vì sao mới (với sự bắn phá dữ dội của các hạt cơ bản và sự có mặt của một vài khoáng chất cần), người ta đã tạo ra được trong phòng thí nghiệm những viên gạch thứ nhất của sự sống : các acid amin, mà với phương pháp trùng kết (polymerisation) sẽ làm nên các đại phân tử protein. Và chắc là mai ngày rồi khoa học cũng có thể chế những acid nucleic, từ đó làm nên các chuỗi xoắn ADN nữa.
Nếu ngày xưa, người ta nghĩ Hóa công phải nhào nặn từng loài một, thì ngày nay, văn minh hơn, người ta biến Ngài thành kỹ sư, dựa vào quy luật mà làm nên tất cả. Giống như Dêmiourgos (Hóa công) của Platon, chỉ cần đẩy cái đầu tiên, để vũ trụ tự đẩy tiếp mà sinh sinh hóa hóa. Và như thế, Ngài chỉ là nguyên nhân tác thành đàu hay Primum movens. Có điều, muốn hưởng hiệu quả, Ngài đã phải đặt nguyên nhân, y như chúng ta muốn ăn thì phải đi chợ và nấu nướng. Để rồi hôm nay, nếu có ai mang ADN vô noãn bào vét rỗng nhân mà cloning, thì kẻ đó tưởng mình thay thế Thiên Chúa, còn người khác lại kêu là hắn tiếm quyền Ngài, “dỡn mặt” (playing) Ngài.
Thế nhưng hướng đi mới của khoa học vĩ mô lại coi tạo thế không phải bằng đun đẩy từ sau với những nguyên nhân, mà hút về phía trước thành một tiến hóa. Mà tiến thì phải nhắm một cái đích, dù nhắm đích thì người hữu thần cho là Thiên Chúa, còn người vô thần lại bảo là thiên nhiên: Thiên nhiên có mắt, tự nó huớng về và tìm đường để tiến về. Chủ thuyết Tiến hoá đã khởi đầu trên bình diện sinh học với những tên tuổi lớn như Lamarck và Darwin. Và nó tiếp tục trên bình diện khoáng chất với thuyết vật lý Bigbang mà nay tới trên 90% khoa học gia công nhận.
Năm 1929, E. Hubble phát hiện các thiên hà ngày càng xa giải Ngân hà của chúng ta, từ đó ông nhận định: vũ trụ đang dãn nở! Căn cứ vào đà dãn nở hiện nay mà ngược dòng về điểm khởi đầu, hẳn ta phải nhìn nhận rằng : ở thời điểm 0 ấy, vũ trụ co hẹp đến số 0. Một vũ trụ lớn như hiện nay với toàn bộ vật chất, do đó toàn bộ khối lượng (mass), chứa trong đó ( với khối lượng cũng là năng lượng qua công thức E=mc2 ), mà nén tới 0, thì tưởng tượng xem sức nén sẽ kinh khủng mức nào! Hậu quả do đó phải là một vụ nổ (văng ra) cực lớn, tức Big-bang, từ đó một dãn nở đến vô tận. Theo đà dãn nở mà nhiệt độ nguội dần, nhờ thế năng lượng tụ kết thành những loại hạt tối cơ bản trong đó có electron, có các quarks chúng sẽ họp thành những proton và neutron để làm nên các hạt nhân với các electron đến xoay quanh mà hình thành nguyên tử, kế đó nguyên tử tụ thành phân tử, những viên gạch xây nên thế giới khoáng chất. Sự sống cũng bắt đầu từ đấy với mấy loại phân tử tối đặc biệt trong một môi trường cũng đặc biệt nốt.
Vũ trụ đã dãn nở rất nhanh từ 15 tỷ năm nay, và nếu nó cứ thế tiếp tục thì cái gì sẽ xảy ra mai ngày? Phần đông theo lý thuyết Einstein, cho rằng, do nguyên lý vạn vật hấp dẫn, vũ trụ luôn bị hút vào trung tâm để làm nên một vũ trụ cong, hình cầu, cuối cùng sẽ đổ sập vào giữa thành một Sập lớn, tức Big-crunch. Có điều, với những phát hiện mới đây về tình trạng bức xạ nền (rayonnement de fond) do hai khinh khí cầu Boomerang và Maxima (của cơ quan không gian châu Âu), cũng là bức xạ hóa thạch (rayonnement fossile, hình thành từ năm 300.000 sau Bigbang), thì có lẽ vũ trụ không cong, mà phẳng (bôi bác, chiffonné), do đó không có Sập- lớn. Cũng có giả thuyết cho rằng các Bigbang và Bigcrunch nối tiếp nhau không ngưng để làm nên nhiều tạo thế và nhiều tận thế. Người khác lại tưởng tượng ra nhiều thế giới song song (với những Bigbang và Bigcrunch song hành), và nhiều thế giới khác hẳn thế giới của chúng ta, thậm chí thế giới trên mười chiều.[3]
Dù với sơ đồ tạo thế như thế nào, tạo thế chắc chắn là bằng một tiến hóa. Chẳng những tiến hóa trong nội bộ sự sống và nội bộ khoáng chất, mà còn tiến hóa từ bên này sang bên kia nữa. Để có tiến hóa này, thì ngay trong giai đoạn khoáng, đã phải có một phối hợp tuyệt vời giữa bốn lực cơ bản và mấy hằng số với nhau. Giả như hằng số hấp dẫn lớn hay nhỏ quá, thì hoặc các vì sao co hẹp nhanh đến nỗi vật chất không kịp phức tạp hóa đủ, hoặc các thiên thể không chịu suy sụp để các vì sao hình thành, và nơi vì sao các nguyên tố nặng. Và cũng thế nếu lực hạt nhân không đủ mạnh để cố kết proton và các neutron lại mà làm nên hạt nhân, thì sẽ không có nguyên tử, phân tử và sự sống . . . Tất cả phải đúng mức và sự phối trí phải vô cùng tinh tế, đến nỗi một nhà vật lý thiên văn không Kytô-giáo như Trịnh xuân Thuận cũng phải ngỡ ngàng trước tài thiện xạ của Hóa công. Vâng, từ điểm 0 Ngài đã nhắm bắn cái hồng tâm 1cm (là Con người) ở khoảng cách vô tận là 15 tỷ năm ánh sáng, mà chỉ một phát trúng phóc ngay.
Theo tôi, thì không phải Thiên Chúa đứng từ điểm đầu mà bắn, nhưng ở điểm cuối mà hút. Vâng, Thiên chúa là Tinh thần, mà tinh thần thì làm gì cũng vì một mục đích mà làm. Ngay thứ tinh thần pha tạp (pha với vật chất) là con người đây cũng đã vậy rồi. Quả thế, không phải vì sẵn nhà mà tôi ở, vì sẵn gạch và thợ nên có nhà; nhưng vì nhắm ở mà tôi xây nhà, vì muốn có nhà mà tôi tìm kiến trúc sư thiết kế, tìm xi măng và gạch để mua, tìm cai thầu và thợ để kiến thiết. Vâng, tôi luôn nhắm đích trước rồi mới đặt nguyên nhân: nghĩa là mục đích quyết định nguyên nhân!
Nếu con người không thể đạt mục đích nếu không có nguyên nhân, thì Thiên chúa vốn là Tinh thần thuần túy và tuyệt đối hẳn không cần nguyên nhân, do đó việc Ngài làm bao giờ cũng là phép lạ, nghĩa là thấy sự kiện mà không thấy nguyên nhân của sự kiện, hay ít là thấy nguyên nhân không tương xứng với sự kiện: và đây gọi là “bước nhảy vọt” ở mỗi giai đoạn tiến hóa.
Thật ra, nếu muốn có con người, Thiên Chúa chỉ cần “phán”, tức muốn hay nhắm, là có ngay thôi. Nhưng Thiên Chúa đã chọn con đường dài, đã muốn sử dụng đến nguyên nhân, nên mới có tiến hóa. Tiến hóa thì không phải là biến hóa suông. Với biến hóa, không có Tiến, cũng chẳng có Hướng tiến. Bằng như có Tiến và Hướng tiến, thì phải có nhắm trước và có nhảy vọt, do đó một mình nguyên nhân không thể giải thích hết hiệu quả: “Không ai cho cái mà mình không có”. Cái còn thiếu cho giải thích, đó là phép lạ vậy.
Nói cho rõ hơn, tạo thế bằng con đường dài là tiến hóa, Thiên chúa đã nhắm cái đích CON NGƯỜI, và lập tức từ phía đối diện xuất hiện cái Lượng tử ban sơ (Quantum initial) cùng với sức mạnh và những khả thể tiềm tàng trong đó. Để rồi sau Bigbang, cái gốc Energy-mass (Năng luợng-khối lượng) ấy, với tất cả sự năng động của nó do sự Nhắm đích (của Thiên chúa) đã hằn ghi thành Hướng đích (ở vật chất), sẽ tự dò đường tìm lối cho mình. Mỗi khi tìm ra lối đi hướng về phía đích, nó liền để Vết lại, và đây là quy luật, một thứ “tập quán” mà mọi thành phần vật chất sau đó cứ thế mà làm, mà “lặp lại” (répétition). Vâng, Thiên Chúa không “tuân theo” quy luật, khi mà quy luật được tạo ra do thiên nhiên dưới áp lực của hướng nhắm mà Thiên Chúa đặt vô nó.[4]
Quan niệm Tạo thế do nhắm đích này, chẳng những giải thích được Tiến hóa, mà còn bảo vệ được mặt thiêng liêng của con người dù vẫn nhìn nhận nó hóa sinh từ khỉ. Quả thế, nếu nhìn nhận có Nhảy vọt và Phép lạ ở mỗi giai đoạn tiến hóa, thì nguyên nhân không giải thích được hết hiệu quả, con khỉ không giải thích được hết con người. Cho nên không phải là khỉ đẻ ra người, mà khỉ chỉ là một công cụ và mắt xích qua đó và nhờ đó Thiên Chúa tạo con người bắt đầu từ Quantum sơ thủy. Vâng, nếu bảo Thiên Chúa nhắm con người qua Quantum sơ thủy, rồi qua con khỉ, thì phải nhìn nhận rằng, chỉ vì con người nên mới có con khỉ kia. Thế nghĩa là không phải Do khỉ mà có người, nhưng ngược lại Do người mà có khỉ. Và thế là, thay vì giải thích bằng nguyên nhân tác thành, sâu xa hơn , chúng ta đã giải thích tất cả bằng mục đích. Mà giải thích bằng mục đích mới là giải thích phù hợp với tinh thần là chúng ta, phù hợp với tạo thế nó là tác phẩm của Tinh thần thuần túy là Thiên Chúa.
Nếu không phải con khỉ sinh ra con người, thì càng không phải nhà khoa học Tạo ra con người bằng cloning. Việc làm của ông ta chỉ là tuân theo một quy luật và đặt ra một nguyên nhân, để rồi hướng đi của thiên nhiên, cũng là đích nhắm của Thiên Chúa, sẽ làm nốt phần còn lại, nghĩa là tạo ra con người ấy. Việc cloning con người do đó hẳn không còn tính “động trời” nữa, và chắc do đó cũng không mấy hấp dẫn đối với những kẻ muốn “dỡn mặt Thiên Chúa” hay “cướp quyền Tạo hóa”.
Cái nhìn Tạo thế bằng Nhắm đích qua Tiến hóa ấy cũng bảo vệ được nhất tính của con người. Con người không phải là xác riêng hồn riêng, mà do đó Thiên Chúa phải chờ một cái xác sinh ra để tạo một linh hồn đút vô, hay tạo sẵn một linh hồn nơi mầm (trứng thụ tinh hay phôi non) một thể xác chưa thành hình. Nhìn cái phôi non -thậm chí cái trứng mới thụ tinh- như một con người (khi chưa có gì của một thể xác người), là cách nhìn nhị nguyên như thế đấy. Bảo rằng cái phôi non hay trứng thụ tinh đã có linh hồn (dù chưa có xác người để được sống động hóa bởi nó), thì cũng bằng như coi con khỉ xưa, hay mớ vật chất nay sẽ làm nên xác một người, coi chúng đã có linh hồn đợi sẵn đấy rồi, để khi xác người thành hình, là hồn sẵn đó sẽ hoạt động.
Nhiều thần học gia coi cái phôi đã là người như thế, trong khi phần lớn khoa học gia lại coi cái thai trên ba tháng mới là người. Theo tôi, thì bởi hồn từ não và hệ thần kinh mà hoạt hóa thân xác, nên khi não và hệ thần kinh đã hoàn chỉnh, thì phôi có thể thành người nơi cái đầu tầu ấy rồi. Cho nên không cần chờ đến ba tháng, mà chỉ chín tuần, thậm chí sáu tuần rưỡi (lúc đầu và mình đã thấy rõ). Vâng, khi cơ thể phát triển vừa tới đó, thì do hướng đích đã tiềm sẵn trong vật chất và sự sống, có Nhảy vọt nó làm nên con người[5]. Có điều, vì phôi non hay trứng thụ tinh kia đang trên đà trực tiếp thành ngưới, nên do hướng đích trực tiếp thành người này, mà nó phải được kính trọng đặc biệt[6].
Chính vì vai trò khoa học gia trong Enhancement hay Cloning không còn lớn lao nữa, nên con người có thể thủ biến chính mình bằng Nâng cấp và Cloning mà không lo “Cướp quyền Tạo hóa” hay “Dỡn mặt Thiên Chúa”. Thế nhưng tính thánh thiêng của thiên nhiên, nhất là của bản tính tự nhiên con người, lại được gia tăng khi mà hướng nhắm hay ý định của Thiên chúa đã hằn ghi trên đó, khiến đụng tới đó cũng là chạm tới thánh ý Ngài rồi[7]. Có điều thánh ý Ngài là gì thì lại là vấn đề khác.
Xem ra ý Thiên Chúa là để con người làm đồng sáng tạo để hoàn chỉnh thế giới này, vì thế giới được làm nên vì con người, khi mà con người được làm nên vì mình và vì Thiên Chúa. Chính hai cái Vì này vừa mở cửa cho chúng ta thủ biến, vừa giới hạn sự thủ biến luôn. Giới hạn trong khuôn khổ đích nhắm của Thiên Chúa. Nghĩa là chúng ta có thể thủ biến thiên nhiên sao cho nó hoàn hảo hơn (trong hướng đi đã nhắm) để phụng sự tác giả chính và mục đích chính của nó là Thiên Chúa, phục vụ đồng tác giả và đồng mục đích của nó là con người. Nhưng mà không được đi trệch hướng tiến hóa, cũng là hướng nhắm đầu của Thiên Chúa, nghĩa là đổi thay bản tính thực tại nói chung. Đổi thay bản tính một hai sinh vật thì không đáng chuyện chi, bởi chúng không có mục đích ở nơi chúng, vì mục đích của chúng là thiên nhiên nói chung, rồi con người. Chứ đổi thay bản tính con người, -mà thân thể cũng thuộc bản tính này- là điều không thể. Vâng, con người không phải là sự vật hay công cụ. mà là mục đích: không chỉ là mục đích của thiên nhiên, con người còn là mục đích của chính mình nữa. Dù lấy mình ra mà thí nghiệm, thủ biến, thì cũng là lấy mình làm phương tiện và trò chơi của mình rồi. Nên chỉ trong trường hợp tối cần thiết, con người mới được động chạm tới mình ở mức “bản”(gốc) như ADN,ở mức mầm trong cloning.
Ngoài tính thánh thiêng của thiên nhiên, nhất là của bản tính người, còn lý do nguy hiểm nữa. Để tiến tới cấu trúc của sự sống, nhất là của gen người như hiện nay, theo tiếng gọi và nhắm đích của Thiên Chúa, thiên nhiên đã phải vạch lối tìm đường suốt nhiều tỷ năm nay mới lần ra, thì việc tái cấu trúc hệ di truyền vội vã, khi ngàn vạn ngõ ngách bí hiểm của nó không dễ gì thông suốt, liệu có quá liều lĩnh, dễ gây những quái biến không cách cứu vãn hay không? Chúng ta từng đã làm hư nhiều cái, trong đó có môi trường, mà không biết bao giờ mới chỉnh sửa được. Một mạo hiểm nữa mà hỏng có thể là nấm mồ chôn cả giống người chúng ta đấy.
May mà ngày nay, phong trào sinh thái đang đưa con người trở lại với lòng kính cẩn đối với thiên nhiên. Mà trong thiên nhiên, không gì đáng quý hơn sự sống. Nhìn từ bên ngoài, thì sự sống của cây cỏ và chim muông chẳng có gì khác lạ đối với sự sống chúng ta cả. Nên tôn trọng sự sống nói chung cũng khiến người ta quý trọng sự sống của con người. Vâng, một kẻ quen đổ máu con chim con sóc hẳn cũng không mấy ghê tay khi đổ máu đồng loại của mình, trừ khi lo tù tội. Vậy trong tinh thần, hãy trở về với đức hiếu sinh của Phương đông được thể hiện ở luật Ahimsâ (giới sát) của Ấn độ và nhận định của Khổng giáo :”Thiên địa đại đức viết Sinh” (Đức (sức mạnh) lớn của trời đất là Sinh”.
Đối với thiên nhiên, không nên quá theo Sáng thế thư mà coi mình chỉ là Chủ (1.26,28) thôi, nhưng theo Phaolô mà coi nó là bạn đồng hành (Rom.8.19-22) nữa. Vả lại chăm lo cho thiên nhiên cũng là bảo vệ chính mình đó. Hơn thế, lòng tôn kính đối với con người chỉ dễ duy trì khi được lồng vào trong niềm tôn trọng đối với thiên nhiên.
Trong khi phần đông chưa đủ lòng tôn kính đối với sự sống và vẫn muốn làm loé mắt thế giới khi chế biến “chơi” những con người, thì luật pháp các nước cần vào cuộc. Trong những trường hợp đặc biệt và với những nhóm người có tinh thần trách nhiệm cao, luật pháp có thể cho phép nâng cấp, thậm chí cloning người đôi khi, cho phép cấy nuôi các cơ quan hay nuôi súc vật mang gen người vì những mục đích thuần túy nhân đạo. Vâng, chỉ e loài người còn đấy mà con người (tức con người như một phẩm giá) không còn nữa!
[1] Xx. Science et vie, Nov. 2001, tr.82-99.
[2] Xx. Theological studies, th. ba/1999: bài của J-J. Walter ( tr.124-134) và của Th-A. Shannon (tr.111-123); tác phẩm tập biên Moral issues and christian responses, Harcourt Brace College Publishers, 6th edition,1998, bài của J-J. Walter (tr. 345tt.) và của W-F. Anderson (tr.353tt.), Ted Peters (tr.358tt.) và Allen Verbey (tr.364tt.).
[3] Xx. Science et vie th.4/1992, tr.30tt.; th.6/2000,tr.77-88; th.11/2000. . .
[4] Tạo thế quan bằng đích nhắm này, tôi đã trình bày trong bài “Với khoa học mới, cần đổi mới nhiều quan niệm triết-thần”, HTTH, Paris, số 23, tr.75-99.
[5] Cũng như xưa, từ phôi của một vài tinh tinh đột biến đã nở sinh mấy con người đầu tiên.
[6] Do đó không thể phá bỏ khi không có lý do tối quan trọng.
[7] Nếu hướng nhắm của Thiên Chúa đã hằn ghi nơi thiên nhiên, thì hướng tiến của thiên nhiên cũng là một với hướng đi của Tạo hoá. Và như thế, chúng ta đã hòa giải được cái nhìn của nhà khoa học với cái nhìn của nhà thần học.