Tình... Việt kiều già đứt đoạn

Gia đình ông bà Sơn cư sống khu Springvale thuộc thành phố Melbourne ở Úc với ba cô con gái và một cậu trai, nhờ chắc chiu dành dụm họ sang được một quán ăn nhỏ trong khu vực buôn bán cho người đồng hương.

Tháng ngày trôi qua, từng đứa con lập gia đình ra riêng không ở cùng cha mẹ nữa. Tuy vậy chị em tụi nó vẫn lẩn quẩn trong cùng vùng, thỉnh thoảng cuối tuần chúng hú nhau tụ lại ẳm bồng mấy đứa con về thăm ông bà nội ngoại v.v.. Cuộc sống có thể nói là quá suông sẻ với đôi vợ chồng già. Con cái ăn học thành tài dựng vợ gã chồng êm xuôi, cháu nội, cháu ngoại cả trai lẫn gái đều có đủ. Nhìn bề ngoài ai cũng thấy hai vợ chồng ông Sơn có cung phúc vận loại "cát tường", cuộc sống xa quê hương mọi việc hạnh thông tốt đẹp.

Chưa đến bảy mươi, bà Sơn vẫn còn sức khỏe và sự nhanh nhẹn để làm việc, nhưng từ ngày đám cưới thằng út xong, mấy đứa con không muốn ba má tiếp tục bán quán thêm chi cho cực nhọc nên bắt ông bà phải sang tiệm lại rồi nghỉ làm. Ở không nhàn hạ quá thì lại thấy buồn, mà lại có ít tiền dư rủng rỉnh nên ông bà Sơn có ý định đi Việt Nam để về thăm họ hàng chuyến. Thật ra gia đình ruột thịt của ông Sơn cũng chẳng có ai ở Việt Nam, ông Sơn không có anh em, cha mẹ già đã mất từ lâu, ông chỉ còn vài bà con chú bác xa, phía bên bà Sơn thì anh chị em đều định cư ở nước ngoài, nhưng dù gì đi đã lâu ông bà cũng muốn về thăm cái nơi gọi là "quê nhà" của mình một lần. Vậy là hai vợ chồng thu xếp làm chuyến về quê.

Cũng vui và náo nhiệt lắm, ngày ông bà Sơn về nước được mọi người hân hoan đón tiếp. Họ ở lại nhà người em họ dưới quê, thăm viếng, biếu xén bà con, và giúp đỡ chút vốn liếng cho mấy đứa cháu nào có hoàn cảnh khó khăn. Hai vợ chồng rất thích thú với sự thân tình của họ tộc... Nhưng chỉ được hơn tuần, vì bà Sơn vì là một phật tử tại gia, bà thường hay sinh hoạt trong các công việc công quả cho chùa nên thấy nhớ chùa. Bà một hai đòi về Úc trước, để ông Sơn ở lại chơi thêm mấy hôm rồi về sau.

Loanh quanh dưới quê hoài cũng hết mục vui, khi đưa bà Sơn lên phi trường về Úc, gặp lúc đã xong mùa gặt ông Sơn rủ chú em họ của ông ở lại Sài Gòn vài bữa để cùng ông khám phá thành phố. Thế là họ thuê khách sạn ở tạm, rồi đèo nhau trên chiếc xe Honda của cậu em, ngày ngày đi thăm viếng chỗ này chỗ kia coi như đi du lịch vậy. Hai hôm sau, người em bà con phải trở về quê cùng gia đình, chỉ còn mình ông Sơn nán lại khách sạn chờ đổi lịch cho chuyến bay về Úc.

Vậy là trong những ngày nấn ná lại Sài Gòn làm du lịch "Việt ba lô", ông Sơn ngoắc xe ôm lang bang một mình giữa phố thị, ông đã khám phá ra một điều mà ông gọi là "thay đổi lớn" cho cuộc đời của một người đang mon men xếp hàng cùng nhóm cao niên tại Springvale như ông. Đó là ông gặp được "tiếng sét ái tình" với một cô gái làm công cho một quán ăn gần nơi khách sạn nơi ông ở.

Ở khách sạn, hằng ngày ông Sơn thả bộ dọc vĩa hè tìm thức ăn và ông hay đến cái quán này. Ở đây có đủ cơm tấm, bánh canh, hủ tíu Mỹ Tho và nhiều món ăn sáng khác rất hợp khẩu vị của ông. Quán lại có sân vườn rộng, thoáng mát nên ông Sơn có thể vừa ăn vừa ngồi nhâm nhi ly cà phê phin và đọc cả tờ báo từ sáng sớm đến gần buổi trưa mà chủ quán vẫn vui vẻ nói ông cứ "vô tư". Nhất là có những hôm ông hết tiền Việt nên xòe ra tờ trăm đô Úc nhờ cô bán quán chạy qua tiệm vàng bên kia đường đổi dùm, vậy là cái "mát" Việt kiều đã lộ (mà cũng có khi là ông cố tình "nhá" nó ra) nên thỉnh thoảng cô bán quán những lúc vắng khách cũng hay ghé tạt lại bàn của ông để hỏi thăm chuyện ở nước ngoài.

Qua câu chuyện tán gẫu họ cảm thấy gần gũi nhau hơn vì cô này cũng ở miệt vườn vùng Cai Lậy lên Sài Gòn làm công đã lâu. Hoa, tên cô gái, chỉ mới 30 tuổi, bằng tuổi con gái thứ hai của ông Sơn, theo cô kể thì cô đã từng một lần dang dở và không có con cái gì hết với người chồng mà cô chia tay đã lâu. Hiện tại cô ở trọ cùng chị em cũng ở quê lên. Hoa vui vẻ nửa đùa nửa thật nhờ ông Sơn khi về Úc nếu biết có người quen nào đàng hoàng thì giới thiệu cho cô, tuổi tác không thành vấn đề. Hoa không đẹp lắm, lại hơi móm, nhưng có duyên ngầm và khá vui tính. Ông Sơn thấy cô có cái giọng nói ngọt ngào của gái quê. Và nhất là dường như cái "xì tin" của con gái Việt Nam bây giờ, ít cô nào chịu gọi đàn ông lớn hơn mình nhiều tuổi là chú hay bác cả, già cỡ nào cũng gọi bằng anh tuốt tuột. Có nhiều cô còn trẻ hơn mấy đứa con của ông cũng anh anh em em với ông Sơn ngọt lịm, chỉ có mỗi anh xe ôm chở ông đi hằng ngày là chịu gọi ông bằng bác và xưng con mà thôi. Nghe tiếng anh em của các cô gái riết thành quen nên ông Sơn có cảm giác mình trẻ thiệt và ông cũng mạnh miệng xưng anh em với những cô mà ông gặp, bất kể họ bao nhiêu tuổi.

Chơi mãi rồi đến lúc cũng phải về, ông Sơn đã đổi vé chuyến bay, còn hai ngày nữa là ông rời Việt Nam trở lại Úc. Hôm đó ông Sơn muốn đi chợ An Đông, một nơi mà ông nghe nhiều người về Việt Nam hay nói là do Đài Loan đầu tư khang trang lắm, nhưng ông chưa đi qua. Ông Sơn muốn mua một ít đồ đạt linh tinh đem về Úc cho con cái, và biếu tặng bạn bè. Ông hỏi thăm Hoa về chợ An Đông trong đó bán cái gì, giá cả đắt rẻ ra sao thì được cô ngỏ ý dẫn ông đi để mua dùm cho ông, "Đàn ông như anh thì có biết giá cả gì đâu mà chợ với búa, lớ ngớ với cái mặt Việt kiều là coi như đưa lưng cho người ta... chém, để mai em xin nghỉ một ngày, anh muốn mua cái gì em dắt đi mua cho", Hoa đề nghị.

Vậy thì còn gì bằng, sáng hôm sau ông Sơn gọi một chiếc taxi rồi đến khu nhà trọ bình dân nơi Hoa cư ngụ để đón cô, hai người cùng đi chợ An Đông, đến giờ trưa, ông mua tặng cho Hoa một xấp vải may áo dài, và đưa Hoa ra một nhà hàng Tàu khá tươm tất trong khu chợ để ăn trưa, coi như tế nhị trả công cho nàng làm hướng dẫn buổi chợ búa hôm nay...

Trong bữa ăn, ở một nơi không phải cái quán của mình làm công mỗi ngày, Hoa có nhiều thời giờ và nhiều điều tâm sự trải bày với ông Sơn hơn. Từ hoàn cảnh gia đình nghèo em đông phải bỏ quê lên Sài Gòn làm công, từ mẹ đau ốm hàng tháng phải cần tiền thuốc men, từ đứa em trai mới bị tai nạn lưu thông đang nằm bệnh viện chưa biết sống chết thế nào v.v... Nhìn mái tóc dài xỏa phủ vai và cái miệng hơi móm của Hoa, cùng nỗi thương cảm của nàng qua hàng lệ lả tả rơi trong câu chuyện, ông Sơn đã không cầm được lòng trắc ẩn. Ông đổi ghế qua ngồi cạnh Hoa choàng tay ôm vai cô gái để chia sẽ nỗi thương cảm mà cô đang có.

Thật ra ông Sơn làm điều này chỉ là một thói quen như những lúc ông dỗ mấy đứa con gái ở nhà của ông nín khóc mỗi khi bị mẹ của nó rầy la. Lạ một cái là Hoa không cảm thấy gì với cái choàng vai của người đàn ông lớn tuổi chỉ mới sơ giao, cô còn ngả hẵn đầu vào vai ông Sơn nũng nịu y như trong phim bộ Hàn quốc vậy "Anh cho em mượn bờ vai (để khóc) một chút nghen!". Rồi cô dúi đầu vào ngực ông rưng rưng thêm mấy tiếng nấc tự thương cảm cho đời mình phải truân chuyên giữa dòng đời, và giữa... vòng tay của ông Sơn đang xoa nhè nhẹ trên vai cô.

Xong bữa ăn trưa, Hoa xin ông Sơn cho ghé qua bệnh viện Chợ Rẫy để thăm đứa em, cô nàng dẫn ông xuyên qua các lô phân loại khu nhà trong bệnh viện một cách thành thạo, rồi lên một dãy lầu chung không có ngăn phòng mà trong đó tràn ngập đến cả trăm bệnh nhân. Giường bệnh nào cũng có hai người nằm ngược chiều trở đầu với nhau. Dưới sàn nhà là những chiếc chiếu nhỏ và đồ đạt linh tinh của người đi nuôi bệnh, ngoài hành lang lối đi cũng được tận dụng để kê thêm giường bệnh và đầy nhóc chật cứng thân nhân người bệnh... Đưa ông Sơn luồn lách khó khăn trong đám người bệnh đông đến quá tải trên dãy lầu, Hoa nhìn dáo dát xem coi đứa em của mình nằm ở đâu. Bệnh viện Chợ Rẫy lúc nào cũng tràn ngập các ca cấp cứu tai nạn giao thông, bệnh nhân ra vào tấp nập, những giường bệnh phải xoay qua đẩy lại bị thay đổi vị trí là chuyện thường. Hoa bảo ông Sơn đứng chờ ở hành lang rồi bước đến cạnh một giường mà người nằm trên đó là một thanh niên đang mê man cùng những cuộn băng quấn kín gần hết cả cái đầu, thêm vài chỗ trên tay chân cũng quấn đầy băng... Đúng là nạn nhân của tai nạn đụng xe loại nặng, và cùng một giường trở đầu với anh ta cũng là một bệnh nhân khác đang có bình nước biển tiêm vào cánh tay, và cũng mê man tương tự.

Dáng bộ thương tâm, Hoa im lặng nhìn cậu em bị quấn kín băng trong khoảnh khắc, rồi kéo nhẹ tấm khăn giường cáu bẩn đầy vết máu khô đắp lên người em, xếp dời lại mấy thứ linh tinh ở đầu giường...

Khi mới bước chân vào bệnh viện, ông Sơn quả có hãi hùng với quang cảnh nơi đây. Theo ông thì bệnh viện là nơi chữa cho người bệnh được hết bệnh, còn đàng này, với cảnh tượng ở đây không có bệnh mà vào đây sẽ thành bệnh là cái chắc. Đã vậy khi đứng ở hành lang nhìn xuyên qua cửa sổ phòng lúc Hoa đến thăm cậu em đang mê, ông nghĩ với tình trạng bệnh viện như vầy, thì cậu em này có lành lại được chắc là phải có phép tiên.

Ông Sơn ra hiệu cho mình sẽ đợi Hoa ở đầu dãy lầu rồi rón rén bước ngang qua một vài người nuôi bệnh đang nằm ngủ mê mệt giữa lối đi. Ông bước ra ngoài trước. Chừng vài phút sau Hoa cũng ra theo. Trên đường về cả hai không nói gì. Ngồi trên băng sau của taxi ông Sơn thương cảm nắm lấy bàn tay cô gái.

Hoa cho biết bệnh viện bây giờ được phân làm nhiều khu theo định giá lệ phí về phòng nằm, nếu có tiền thì sẽ được nằm phòng ít người hơn, hay ngay cả phòng riêng có máy lạnh và người dọn phòng, còn không thì cứ nhét vào khu chung chạ cả trăm người trong một dãy lầu như ông vừa thấy... biết vậy nhưng cô làm gì có tiền, tiền lương làm công cho quán ăn hàng tháng phải gửi về quê cho má uống thuốc còn không đủ... Bây giờ thêm thằng em bị tai nạn, nếu không có tiền thuốc men chạy chữa thì nó... chết chắc.

"Ôi quê hương ta... khói lửa điêu tàn...!" Ông Sơn bật than một câu mà ông nhớ mang máng trong một tuồng cãi lương nào đó mặc dù bây giờ chuyện "khói lửa điêu tàn" của quê hương đã hết từ lâu. Ông thương cảm cho cảnh nghèo và khổ của cô gái này quá sức. Lúc sáng khi đón cô ở chỗ trọ bình dân ông đã tự hỏi chỗ như vầy mà cũng ở được sao? Thật sự nó còn tệ hơn cái garden shed nơi để dụng cụ làm vườn trong sân sau nhà ông ở bên Úc. Bây giờ thêm hoàn cảnh cậu em bị tai nạn, và bà mẹ ở quê với cơn bệnh trầm kha mà Hoa đang nặng gánh chất trên vai. So với mấy đứa con gái của ông cũng đồng tuổi với Hoa thì tụi nó quả sướng giàn trời.

Thôi thì giúp cho người tích phước cho đám cháu nội ngoại của ta, ông Sơn đề nghị với Hoa cho ông được giúp nàng trang trải chút viện phí cho cậu em và chút đỉnh thuốc men cho... má (của Hoa) ở dưới quê. Ông hào phóng móc bóp đếm năm tờ trăm đô dúi vào tay Hoa. Cô gái ngại ngùng giẫy nẩy "Đâu được... anh đừng làm vậy, em không muốn để anh coi thường em...". Nói đến mấy cô cũng không bằng lòng nhận thành ý của mình, cuối cùng ông Sơn phải tự mở cái bóp xách tay của Hoa ra mà nhét tiền vào đó. Hoa vẫn vùng vằng và mạnh miệng nói ông Sơn "anh làm vậy là kỳ quá hà" nhưng không thấy nàng móc tiền ra trả lại cho ông Sơn.

Về đến khách sạn cũng gần 4 giờ chiều, dù sao thì cũng đã xin nghỉ làm trọn ngày hôm nay rồi, Hoa không trở lại quán nữa. Cô đề nghị ông Sơn có muốn đi xem ca hát hay hài kịch thì để tối cô dẫn đi...

Vậy là Hoa theo ông Sơn lên phòng ông ở khách sạn để tránh cái oi nóng của nắng chiều Sài Gòn chờ tối sẽ đưa ông ra bờ sông ăn cá nướng, rồi đưa ông Sơn đi xem kịch Thành Lộc đang biểu diễn ở sân khấu nhỏ Võ Văn Tần. Bề gì ông cũng chỉ còn ở Sài Gòn có hôm nay.

Dường như mùi thơm của năm tờ tiền đô đang nằm yên trong bóp xách đã thành một lực thu hút cho tình cảm của Hoa và ông Sơn được nhanh chóng xích lại gần nhau hơn. Ông Sơn đi tắm trước rồi đưa cho Hoa mượn bộ đồ ngủ rộng thùng thình của mình để nàng thay ra giữ bộ quần áo đang mặc cho khỏi nhàu để tối còn đi chơi tiếp. Hoa vào phòng tắm thay quần áo, sẵn vòi nước nàng tắm luôn một cái cho mát rồi thân mật nhảy lên đầu giường ngồi cạnh ông Sơn. Trong tiếng máy lạnh rù rù mát dịu ông Sơn lại choàng tay cho Hoa "mượn một bờ vai" lần nữa để nàng dúi đầu vào nách ông tâm sự tiếp những uẩn khúc trong cuộc sống khó khăn của mình, Hoa thổ lộ là chuyện riêng này cô "giữ kín trong lòng" chỉ mới nói cho có một mình ông biết thôi. Hoa mủi lòng cảm khái ông Sơn đã "hiểu và thương" cho hoàn cảnh của cô, và để cám ơn lòng từ tâm của ông Sơn đã cứu mạng thằng em, qua năm tờ trăm đô đang nằm yên trong bóp, trong một phút xúc cảm nhất thời, Hoa chồm lên đè dính ông Sơn xuống nệm giường hôn ngấu nghiến lên đôi môi già nồng nặc mùi thuốc lá của ông.

Quả là ông Sơn có ú ớ với nụ hôn đột ngột này, năm nay ông đã 70, ít gì cũng hơn ba mươi năm rồi vợ chồng ông không còn có cái vụ hôn môi nhau nữa. Dù nỗi rạo rực đang làm dâng tràn làm niềm đam mê tưởng đã ngủ yên bỗng nhiên ngùn ngụt trở về bằng nụ hôn quá nhiệt tình của cô gái trẻ đang đè sấp trên người mình, ông Sơn cũng phải lựa thế mà rời ra khỏi đôi môi trên cái miệng móm có duyên của Hoa, vì ông sợ hàm răng thật đều đặn nhưng chỉ toàn giả của mình sẽ bị nụ hôn mạnh bạo làm cho rơi ra ngoài.

Chuyện gì sẽ đến rồi cũng phải đến... Đã từ lâu, phần vì tuổi già, phần vì bà vợ suốt ngày chỉ biết có tụng kinh rồi đi chùa, ông Sơn tưởng như tuổi xuân của mình bị đánh rơi theo hoàn cảnh bây giờ được Hoa nhặt lên gắn trả trở về. Ông ôm siết Hoa vào lòng, mạnh dạn móc ngón chân vào cạp quần Pyjama của nàng rồi đạp mạnh cho tuột hết ra mà không gặp sự phản kháng nào. Ông Sơn phấn chí hùng hục quần thảo với cô gái trẻ chỉ bằng tuổi con gái ông suốt cả buổi chiều. Nụ hôn môi thắm thiết cùng cánh mũi phập phòng ư ứ kích dục, và thân thể săn chắc trần truồng của cô gái quê tràn ngập lửa tình đang oằn thân trên mặt nệm như đã tiêm vào người ông Sơn một liều thuốc hồi xuân cực mạnh. Ông Sơn không khác gì trai trẻ, còn hơn thế nữa, như hổ vồ mồi ông đắm chìm tận hưởng cảm giác của da thịt, hơi thở của ông tăng nhịp gấp rút đến đứt đoạn, mười ngón tay tham lam nhồi bấu đôi gò ngực trần của Hoa như người ta nhồi bột nắn bánh dầy. Và ông tận hết sức già của mình cỡi sóng sòng sọc cho con cá lý ngư được hóa rồng giữa chín tầng mây trong tiếng rên ứ nghẹn khoái lạc của Hoa... Ông Sơn tưởng như mình sắp tắt hơi luôn trong đôi vòng tay quấn siết của nàng, cho đến khi ông nhắm tít mắt nghiến răng rống lên một tiếng lớn, toàn thân ông giật bần bật như cá lóc bị đập đầu rồi đổ gục trên đôi vú trần của Hoa, lúc đó ông Sơn mới tin và biết rằng cái sức trẻ mà lâu nay ông tưởng đã tiêu tùng của mình bây giờ đụng phải "hàng mới", té ra vẫn còn... xài được...

ooOoo

Vậy là hôm sau, ông Sơn có trăm ngàn lý do để hoãn chuyến bay về Úc thêm lần nữa. Ông dang rộng tay ra sức giúp cho "một kiếp hồng nhan" được thoát khỏi bể khổ của dòng đời trầm luân. Việc đầu tiên là ông Sơn đưa Hoa đi tìm thuê ngôi nhà nhỏ khang trang hơn rồi bảo nàng dọn ra khỏi đám phòng trọ bình dân nơi Hoa đang ở. Ông đưa cô đi mua sắm ít tiện nghi linh tinh cho cuộc sống. Một cái giường đôi, tủ quần áo, bộ bàn ghế nhỏ, chiếc lò ga, cái tủ lạnh bé v.v... Chỉ toàn hàng nội hóa hoặc của Trung quốc nên chẳng bao nhiêu tiền. Dù gì ông Sơn nghĩ mình cũng cần có "một cõi đi về" cho những lần về nước sau này nữa chứ. Ở khách sạn, tốn mấy chục đô mỗi ngày mà làm sao tiện nghi thoải mái cho bằng ở nhà riêng với Hoa được. Hơn nữa Hoa cũng là một cô gái "có tư cách", suốt cả ngày cùng ông Sơn đi mua sắm cô đã bao lần gạt phăng đi những thứ ông đề nghị mua mà nếu cô cảm thấy là không tối cần thiết cho chỗ ở mới, hoặc như cô thấy nó là hàng tốt mà đắt tiền thì chẳng thà cô chọn loại bình dân nhưng rẻ hơn. Cô không muốn ông Sơn đã quá tốt với mình, mà còn phải tốn thêm nhiều tiền cho cô nữa. Nội cái điểm này đã làm ông Sơn đôi lúc ôm cô trong lòng mà cứ gục gặc đầu mĩm cười một mình.

Không phải ông Sơn chưa từng biết hay nghe nói về những bẫy tình của các cô gái ở Việt Nam mà các ông Việt kiều nhẹ dạ hay bị rơi vào. Nhưng bàn tay có ngón ngắn ngón dài. Hoa của ông như một đóa sen trong đầm sình, "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" chút nào, y như câu ca dao mà ông học lúc nhỏ.

Ông Sơn đổi lịch bay lần nữa để ở lại thêm một tháng sắp xếp chuyện thuê nhà sắm đồ cho Hoa, ông cảm thấy mình thật may mắn. Về nước lần này không chủ tâm mà ông lại tìm được một chậu hoa kiểng thật quý, nội cái chuyện mỗi lần xong cuộc mây mưa Hoa thường phóng xuống giường chạy vào nhà tắm dội nước ào ào rồi cứ "để vậy" mà nhong nhỏng loanh quanh trong nhà, làm việc này việc nọ, pha cho ông ấm trà, ly nước, gọt đĩa trái cây... Những lúc đó chỉ cần nhìn đôi bờ mông tròn lẵng săn chắc núng nính và cặp "bánh dày" tưng tưng trước ngực của cô gái trẻ miệt vườn đang trần truồng vẹo qua vẹo lại trước mắt mình là ông Sơn đã cảm thấy thật "đáng tiền" lắm rồi. Huống hồ gì ông chẳng phải chỉ được nhìn không, mà còn được Hoa cho ông tha hồ "nhồi bột" trên ngực nàng, rồi còn được "cày" đến "tơi cỏ" trên đám "ruộng" nhỏ của nàng nữa...

Tuy gương mặt của Hoa không thuộc hàng diễn viên hay ca sĩ, nhưng thân hình của nàng khi ở truồng để vẹo thì tràn đầy nét gợi dục đủ làm ông Sơn mờ con mắt. Đối với ông Sơn như vậy là quá mỹ mãn. Cô gái trẻ này đã hiến dâng hết cho ông, và từ nay coi như chắc cú là nàng đã thuộc về ông.

Người ta nói lấy "tuổi trẻ bù đắp cho tuổi già" có lẽ đúng. Ở bên cạnh Hoa, ông Sơn thấy mình dường như được "trẻ hoá" lại đến vài chục năm. Và ông nghĩ thời gian của tuổi tác của mình chẳng biết còn được bao lâu, nếu bây giờ trở về Úc rồi ngày ngày cứ lang thang bên bàn cờ tướng ở trong nhà lồng chợ Springvale như lúc trước nữa thì thật đúng là họa chăng có bị "ngu đột xuất" mới tiếp tục hưởng già theo kiểu đó. Ông quyết định sẽ tạo cho mình một cuộc sống vui thú điền viên mới. Tuổi già của ông đang bước vào "màu hoàng hôn" rồi, phải "hưởng" ở Việt Nam thì mới đúng ý, nhất là bên cạnh đó còn có Hoa, cô gái mà ông đang yêu say đắm .

Vậy là ông Sơn về Úc để thông báo với đám con cái dâu rể, và bà Sơn là ông sẽ đi Việt Nam... hồi hương luôn chứ không ở Úc nữa. Con cái đứa nào cũng đã có gia đình riêng, bà Sơn cũng có... chùa và câu kinh tiếng kệ của bà, ông không còn trách nhiệm để lo lắng cho ai.

Mặc cho đám con hết hồn rồi hết lời ngăn cản, ông Sơn cứ "hướng về quê mẹ" mà tiến bước. Thu xếp chút cần thiết cho một chuyến đi lâu ngày, tuần sau ông trở lại Sài Gòn tìm Hoa và sống chung với cô như vợ chồng, dốc tâm xây dựng niềm hạnh phúc mà ông mới tìm được cho riêng cái tuổi già của mình.

Để cho kế hoạch vui thú điền viên của mình bên cô vợ trẻ được bền chắc lâu dài hơn, ông Sơn đề nghị Hoa tìm mua một miếng đất vườn nho nhỏ miệt ven đô bên Thủ Thiêm, rồi ông thuê người đào đìa nuôi cá Koi một ngành kinh doanh đang hái ra bạc lúc này.

Cuộc sống của hai người nếu bỏ qua sự khác biệt về tuổi tác thì ông Sơn và Hoa có vẻ như một đôi ý hợp tâm đầu. Hoa quả tình không đua đòi ăn chơi chưng diện như những cô gái khác khi có người bao bọc, nàng rất mực chăm lo cho ông Sơn đúng ý như một người vợ hiền. Không tham lam vòi vĩnh ông mua sắm thứ này thứ kia, Hoa còn hết sức tiết kiệm cho bản thân mình để ông Sơn đỡ tốn tiền, vì vậy khi mua đất đai vườn tượt ông Sơn đã mạnh dạn để tên nàng đứng tên sổ đỏ, ông nghĩ nếu dùng tên của ông thì sẽ có "yếu tố nước ngoài" sẽ thêm phần rắc rối khó khăn hơn, và ông cũng không bắt Hoa làm một cam kết cá nhân nào giữa ông với nàng trong khi tiền mua vườn đất là hoàn toàn do ông bỏ ra.

Vợ chồng mà, một ngày cũng là tình nghĩa, dù không chính thức pháp lý nhưng Hoa đối xử với ông "như bát nước đầy" nàng có khác gì người vợ đảm đang đâu.

Ông Sơn thả cá Koi giống xuống đìa, theo kế hoạch thì chỉ gần năm là có thể thu hoạch lai rai. Hoa vui và yêu "chồng" ra mặt, từ một cô làm công trong quán ăn, ở trọ cùng với mấy đứa bạn dưới quê trong khu nhà ổ chuột, nhờ được ông Sơn "thương" mà hôm nay cô đã "lên đời" thành bà chủ vườn cây có luôn kinh doanh đìa cá, và để cám ơn ông Sơn, hàng đêm Hoa lại "chăm sóc" ông nhiệt tình hơn.

Với sức của thiếu nữ đang tuổi sung mãn mà lại ly dị chồng lâu ngày thiếu vắng hơi đàn ông, lại thêm xuất thân từ gái vườn nên thịt da của Hoa ngồn ngộn rắn chắc và lúc nào cũng ràn rụa thấm đẫm nhựa tình... Thật lòng mà nói thì ông Sơn cũng biết với mớ đũa hơn sáu bó của mình, dù ông có sung mãn cách mấy cũng làm sao "dàn dựng súng đạn" mỗi ngày để thúc quân xung trận với cô vợ chỉ mới 30 lúc nào cũng hừng hực hương yêu. Ở tuổi của ông Sơn lâu lâu có được ngọn "gió hiu hiu" đã là hiếm hoi rồi, còn thì hàng ngày chỉ toàn cảnh chưa ra khơi mà "cột bườm đã gẫy". Nhưng đời bây giờ mà, đàn ông dù có tuổi nhưng nếu biết chuẩn bị trước thì đâu còn bị cảnh "trên bảo dưới không nghe" nữa, anh bạn trẻ chạy xe ôm vẫn cung cấp cho ông những viên thuốc có tên Tàu như "vĩnh bất lão", "thượng hoàng ái" v.v... Gì chứ loại này thì của Tàu nó "works" hơn Viagra của Tây nhiều. Ở tuổi gần bảy mươi, dù da thịt không còn săn chắc và có chỗ đã trổ mấy bông đồi mồi nhưng ông Sơn vẫn làm cho Hoa được no đầy thỏa mãn, thậm chí có lúc nàng phải la làng van nài trối chết xin chịu thua cái sức già (nhờ thuốc) của ông.

Ông Sơn vững tâm yên lòng với niềm hạnh phúc bất chợt bên vườn cây trái và đìa tôm ở miệt Thủ Thiêm, ông hả hê với mình, vì lúc cuối đời ông có cuộc sống điền viên cùng cô vợ trẻ, mà ông cho là hiếm có người may mắn để được như ông bây giờ.

ooOoo

Nếu như cuộc đời thỉnh thoảng không xẩy ra vài điều ngoài dự kiến thì có lẽ cuộc tình của đôi đủa lệch này không chừng cũng tìm ra được lối ngõ để dẫn ông Sơn đi vào thiên đàng hạ giới như ông mơ ước. Giữa lúc ông Sơn đang say tình, hằng tuần ông nốc cả bụm thuốc Tàu như trẻ con ăn kẹo để có sức "nhồi bột" nắn "bánh dầy" trên thân người vợ trẻ bên cạnh đìa cá Koi thì bỗng dưng Việt Nam được gia nhập vào WTO, rồi từ đó mấy chữ "thời hội nhập" cứ xuất hiện trên tất cả mọi sự tình.

Người ta dùng chữ "thời hội nhập" để làm định mốc thời gian khi phân biệt với những "thời" khác như "thời bao cấp", "thời mở cửa", "thời đổi mới" v.v... Và "thời hội nhập" là cái thời mà ông Sơn không biết do "mắc đồng bố gì" lại nẩy ra hàng trăm "dự án" đâm ngang xẻ dọc hết các vùng ven đô của nhiều tỉnh thành đô thị lớn ở Việt Nam. Khổ một cái là những nơi nào có "dự án" đi qua là chủ đất nơi đó như té vô hũ vàng, giàu nhanh còn hơn trúng đề lô cặp.

Một ngày đẹp trời, có người quen của Hoa làm trên sở kiến trúc đô thị tất tả băng phà vượt sông Sài Gòn qua Thủ Thiêm ra đìa cá tìm nàng báo tin cho cô biết là sắp có "dự án" sẽ chạy qua khu vườn của cô, và cái "đìa cá Koi" này sẽ trở thành "đìa vàng" như chơi. Trị giá đền bù theo sơ khởi giá chót cũng phải là bốn năm tỷ đồng...

Từ hôm đó cô vợ trẻ "gần bùn mà chẳng hôi tanh" của ông Sơn hay len lén nhìn ông chồng già của mình một cách đăm chiêu có trộn lẫn nét... kỹ càng suy tính. Hàng ngày Hoa thường để ông Sơn ở nhà rồi xách Honda phóng qua Sài Gòn đi gặp người này người kia có khi đến sẫm tối mới về.

Lại thêm một ngày đẹp trời khác "chậu hoa kiểng quý", "con búp bê xinh đẹp" của ông Sơn mở cửa sân rào dẫn vào nhà một hội gồm năm bẩy ông anh em trai và họ hàng của nàng ở dưới quê lên. Nếu ông Sơn lanh mắt một chút thì sẽ thấy là còn thiếu cái ông em quấn băng kín đầu nằm bệnh viện hôm nào, vì thật ra Hoa chẳng có người em trai này. Hôm đó chỉ là một người bệnh bất chợt khi Hoa dẫn ông Sơn vào bệnh viện để làm "minh họa" cho câu chuyện thương tâm cần cứu mạng do cô tự đặt mà thôi.

Hoa tập trung các ông anh em lực điền của mình lại, nhờ mấy ông mặt ngầu này thông báo cho ông Sơn biết là ông "có quyền" vớt hết tất cả cá tôm dưới đìa lên, luôn cả "được phép" hái sạch cây trái ở trong khu vườn rồi nên... dọn ra, đi tìm chỗ khác mà... nuôi trồng tiếp.

Điếng hồn với "đóa sen trong bùn" của mình bỗng dưng trổ nhánh mọc gai ngang xương, và nghẹn cổ uất ức nếu như ông phải mất đứt hết tiền của đã đổ vô cái vườn cây và đìa tôm này, nhưng ông Sơn cũng còn tỉnh táo để nhìn nét mặt trân tráo của Hoa đã lộ rõ nét cạn tình cùng ông. Nàng trơ trơ như đá tảng, Hoa diễn đẹp vai chủ mưu bên cạnh mấy người anh em đang hùng hồn tuyên bố những lời... ăn cướp trắng trợn với "chồng" của nàng. Ông Sơn muốn nhảy đến bóp cổ Hoa cho chết rồi tự sát luôn cũng được nhưng ngặt cái ông biết là cái bầy lực điền vệ sĩ kia sẽ chẳng để cho ông có cơ hội nhút nhít một ngón tay đụng tới "vợ" ông.

Nội vụ được ông Sơn đau lòng ôm đơn kiện ra tòa mà theo lời mấy tay cò "chạy án" mách nước là nếu ông chịu chi chút đỉnh ứng trước để họ "chạy" thì ông sẽ thắng chắc. Mấy tay cò nói chắc cú rằng chuyện ông sẽ lấy lại toàn bộ vườn đất là đương nhiên, Việt Nam bây giờ đang ở "thời hội nhập" mà, đâu phải ai muốn ăn cướp của người khác là cứ cướp được đâu chứ?

Ông Sơn gom vét những xấp đô la cuối cùng đưa cho đám cò "chạy án". Thôi thì đành chia tay! Ông tự tin lời của cò, khi tòa xử sẽ cho ông lấy lại vườn đất từ tay Hoa. Dù sao thì ông vẫn còn yêu Hoa và thương tâm cho nàng chỉ vì một phút yếu lòng với kim tiền mà lại "sinh đạo tặc" với người chồng đang hết dạ thương yêu nàng. Ông Sơn quân tử nghĩ rằng khi lấy lại được vườn đất, ông sẽ chơi theo kiểu "fairplay" của Úc. Lúc đó ông sẵn sàng "cho" lại nàng một ít. Nói gì thì nói, ông và nàng cũng từng đậm tình "hương lửa" với nhau gần cả năm qua.

Ngày hầu tòa, ông Sơn lẻ loi và lạc lõng giữa một "tập thể" gia đình "bị cáo" đông đúc. Người con gái từng suốt ngày "nhỏng nhỏng" hai bờ mông tròn lẵng cùng cặp "bánh dày" vun ú vẹo qua vẹo lại trong nhà một cách "đáng tiền" cho ông nhìn. Người "vợ" mà ông cưng như trứng, hứng như hoa và đã tận lực sức già của ông hàng đêm để làm cho nàng được thỏa mãn đến phải đập mặt nệm đùng đùng kêu gào năn nỉ ông xin tha. Bây giờ Hoa đứng đó đang bị ông thưa là chiếm đoạt tài sản của ông...

Tòa án tuyên bác đơn khởi kiện của ông Sơn, vì ông và Hoa trên pháp lý không phải vợ chồng, và rõ ràng là tài sản đất đai tranh chấp trên giấy tờ hoàn toàn đứng tên Hoa một cách hợp lệ không liên quan gì đến ông.

Ông Sơn lủi thủi rời phòng xử. Bên hành lang, đám anh em tá điền của Hoa trừng trừng mấy đôi tròng mắt, dường như họ chỉ cần chờ ông có ý manh động điều gì với "vợ" của ông là lập tức ra tay "dập" cho ông "tắt đèn cầy" liền tại chỗ ngay.

Ông già gần bảy bó lọ mọ bước xuống mấy bực thềm định băng xuyên qua khoảng sân thì bỗng nhiên Hoa bước đến, nàng dịu dàng nắm lấy hai bàn tay ông, rồi như đứa con gái nhỏ thân tình nhón gót lên bá cổ người cha. Hoa giả giọng model của bắc kỳ thời đại thì thào vào tai ông Sơn nhẹ nhàng như tiếng gió thoảng "Con cám ơn bố ạ!"

Bước đi xiêu vẹo trong cái nắng chảy người của Sài Gòn buổi trưa. Thỉnh thoảng từ cổ họng khô khốc của ông Sơn bật ra một tiếng thở dài, trong sâu xa của mối tình cảm ông đã trót dành cho "đóa sen" đồng nội này. Ông Sơn không buồn Hoa, ông chỉ oán trách cho cái "thời hội nhập". Phải chi đừng có mấy "dự án" (mắc đồng bố) kia xuyên qua dám chừng mối tình Việt kiều già bên đìa cá của ông vẫn còn chưa đứt đoạn.


Phương "N"
MDC 74, Sydney