Bạo lực, sức đẩy của nền văn hóa sự chết?

Trong mấy ngày qua, cả nước Mỹ bàng hoàng xúc động theo dõi biến cố đau thương đẫm máu xảy ra tại một rạp hát mang tên Century ở quận hạt Aurora, Tiểu bang Colorado khi một người Mỹ da trắng có tên James Holmes, 24 tuổi vốn là sinh viên từng theo học ngành bác sĩ thần kinh (doctoral student) xuất hiện vào lúc 12:37 sáng ngày 20/7/2012 trên sân khấu, dùng súng liên thanh bắn xối xả vào khán giả, giết chết 12 người và làm bị thương 58 người trong rạp. Hai phút sau cảnh sát đã đến bao v6ậy rạp hát, phong tỏa hiện trường và tóm được thủ phạm Theo sự điều tra của cảnh sát, hung thủ đã trang bị áo giáp, mặt nạ ngừa hơi độc và ba loại vũ khí khác nhau đó là một khẩu Handgun, ta thường gọi là Colt 45, một súng AR 15 và một súng liên thanh thuộc loại mới (Shotgun, Novafirearm). Hung thủ đã mua trên 6000 viên đạn qua hệ thống Internet nên không bị kiểm tra về giấy tờ và quá trình sử dụng súng (giấy phép) và ba thứ vũ khí đó được mua từ ba tháng trước đây. Sau khi bị bắt, hung thủ có báo cho biết cả một hệ thống mìn bẫy được gài sẳn trong căn hộ y sống. Cảnh sát, nhân viên FBI đã đến căn hộ đó, thận trọng phá từng cửa sổ để vào triệt phá hệ thống mìn bẫy đó. Một buổi lễ canh thức cầu nguyện cho các nạn nhân đã được tổ chức rất cảm động với nhiều thành phần tôn giáo tham dự trong đó có Đức Giám Mục Phụ Tá James Conley, đại diện Công Giáo, Mục Sư Robin Holland đại diện Tin Lành, Đại Tư Tế Joe Black thay mặt Do Thái Giáo (Temple Emanuel), Đại diện Chính Thống Giáo gốc Hy Lạp, và về phía chính quyền có Thống Đốc John Hickenlooper cùng rất nhiều chức sắc địa phương và các tiều bang lân cận vào chiều Chủ nhật 22-7 lúc 7 giờ (giờ địa phương). Trong khi đó Tổng Thống Obama và TNS Mitt Romney đã phải ngưng các cuộc vận động tranh cử và gửi lời chia buồn trên các hệ thống truyền hình. Riêng Tổng Thống Obama đã đến Aurora vào bệnh viện thăm các nạn nhận bị thương còn nằm điều trị tại đó và hứa sẽ giúp đỡ các nạn nhân, nhất là xúc tiến các thủ tục đưa hung thủ ra Tòa.

Sáng Thứ Hai, 23-7-12, hung thủ với đầu tóc nhuộm đỏ, vàng, bận áo tù màu huyết dụ, gương mặt không một nét xúc động, với cặp mắt ngái ngủ bên cạnh một nữ luật sư người da trắng đã hiện diện trong phòng xử của Tòa Sơ Thẩm địa phương để tiến hành các thủ tục pháp lý của Tòa Án dưới sự chứng kiến của một số thân nhân các nạn nhân và báo chí khắp nơi. Đài truyền hình CNN ghi nhận bộ dạng hung thủ “he looks a pathetic freak” (hắn có dáng bề ngoài bất bình thường như muốn tạo nên sự thương hại, áo não từ kẻ khác). Rõ ràng hắn đang cố bịp mọi người!

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ giết người bi thảm như thế trên đất nước Hoa Kỳ cũng như tại nhiều nước trên thế giới tóm lược qua hai danh từ tiếng Việt, đó là bạo lực và tiếng Anh là violence hoặc tiếng Pháp la violence. Các vụ giết người dã man như vậy xảy ra thỉnh thoảng trên đất nước Hoa Kỳ vì nhiều lý do nhưng có lẽ có chung một nguồn gốc và cũng là chung một hậu quả. Phải chăng đó là hậu quả của một nền văn hóa mà vị lãnh đạo tinh thần của hơn một tỉ người Công Giáo trên hoàn vũ, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaollô II, nay là Chân Phước Gioan Phaolô II trước đây mệnh danh là “nền văn hóa của sự chết” (culture of death) ?

Nguồn gốc của bạo lực hay bạo lực được nhìn qua lăng kính tôn giáo, triết lý hay lịch sử và chính trị ở Đông phương và Tây phương.

Ở Đông phương, cách đây hơn hai nghìn năm Mạnh Tử (sinh - 372 và chết -289 trước T.C.), một vị á thánh của Khổng giáo đã có nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện” (Con người lúc ban đầu tính vốn lành) nhưng một vị môn đồ khác của Khổng giáo là Tuân Tử lại chủ trương ngược hẳn “Nhân chi sơ tính bổn ác” (Con người lúc ban đầu tính vốn ác). Ở đây, chúng ta không chú tâm trên vấn đề tranh luận xem điều thiện hay cái ác thứ nào có trước nhưng một ý nghĩ có thể được nhiều người chia xẻ đó là bạo lực xuất phát từ tâm thức con người mà nguyên do chính là vì sự đố kỵ và lòng tham lam. Cả hai thứ này (đố kỵ và tham vọng) lại chính là sản phẩm của nền văn hóa hay xã hội trong đó con người thấm nhuần hay sinh sống.

Sách “Sáng Thế” (Genesis) trong bộ Ngũ Thư (The Pentateuch) của Cựu Ước (The Old Testament) đã kể lại câu chuyện bạo lực đầu tiên của loài người khi Ca-in, người con đầu của A-đam và E-và giết em mình là A-ben chỉ vì Đức Chúa đoái thương A-ben và lễ vật y phụng tiến. Sự đố kỵ (mặc dù là với em mình) đã khiến bàn tay Ca-in nhuộm máu em của y. Đức Chúa đã thấy hết mọi sự và rất công bình khi phán tội Ca-in: “Vậy nay ngươi phải vô phước trên mặt đất, vì đất đã mở miệng hút máu em ngươi do tay ngươi đổ ra; ngươi cày bừa ruộng đất mà chẳng thu được hoa trái, ngươi sẽ đi dông dài trốn tránh trên mặt đất.” (Đ.M. Trần Đức Huân, Kinh Thánh Cựu & Tân Ước, Ra Khơi Thánh Kinh Thiện Bản tái bản, Sài Gòn, 1971, trang 8.) Sách “Sáng Thế” cho biết khi Ca-in thưa cùng Đức Chúa về nỗi lo sợ của y sẽ bị người khác gặp mà giết thì Đức Chúa trấn an người con đầu của A-đam bằng cách ghi dấu trên Ca-in, để bất cứ ai gặp y khỏi giết y. Xét cho cùng Ca-in đã sử dụng bạo lực (tội ác) nên lo sợ bị quả báo bởi vì “thiện ác đáo đầu chung hữu báo, cao phi viễn tẩu giả nan tàng” (làm việc lành, gây tội ác rốt cuộc cũng đều được báo đáp, cao bay xa chạy cũng khó mà che dấu được). Đức Chúa đã cho Ca-in dấu hiệu gì thì cho đến nay không ai thấy được dấu đó một cách tỏ tường nhưng theo sự chú giải của các nhà nghiên cứu Kinh Thánh, chẳng hạn qua tác phẩm The Catholic Study Bible, ( Nhà xuất bản Oxford University Press, bản in lần thứ hai, 2006, trang 12) đó là một dấu xâm trên cơ thể con người (tattoe); việc sử dụng các dấu xâm trên mình là để chỉ các ký hiệu mang tính bộ lạc riêng biệt thường rất phổ biến trong nhiều sắc dân du mục thuộc các sa mạc vùng Cận Đông. Tuy nhiên cứ theo kinh nghiệm về nhân tướng học Việt Nam cô đọng qua câu nói “Lúa tốt xem biên, người hiền xem tướng” hoặc như thời xưa “những người thắt váy lưng ong, vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con” hay “chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, thì “hình tượng Ca-in” (hay hiện tượng thì cũng thế) chắc chắn lộ ra từ con người của y (cử chỉ, lời nói, khuôn mặt) và thông qua sự nhận xét, chẩn đoán nhất là nhờ cái lương tri (bon sens, vốn do Đấng Tạo Hóa ban cho) của những người gặp y. Những kẻ làm ác cho dù cố che dấu hành tung của mình, cạo râu sửa mặt và mặc dù cố mai phục dưới biết bao danh từ hoa mỹ, dưới các tước vị cao sang của nhà nước, chính quyền, tổ chức chắc chắn cũng phải có ngày lộ ra cái chân diện mục của họ. Sách Trung Dung của Tử Tư tức Khổng Cấp, con của Bá Ngư, cháu nội của Khổng Tử, có câu “Mạc hiện hồ ẩn, mạc hiền hồ vi” (Không có gì che dấu mà không hiện ra, không có gì nhỏ nhặt mà không hiển hiện). Câu này sao mà quá đúng với câu kinh gọi là Kinh Tụng Ca trong tang lễ của người Công Giáo hát trong bài Requiem (An nghỉ) “Quidquid latet, apparebit) (Những cái gì cố che đậy đều sẽ lộ diện ra) trong ngày phán xét đời mình (the last judgement) dù được viết trong thời gian rất xa nhau, lạ lùng thay lại có chung cùng một quan điểm đó là không có gì che dấu được sự thật hết. Đúng là các tư tưởng lớn thường hay gặp nhau. (Les grandes idées se rencontrent). Những người có cơ hội “ăn trên ngồi trốc” hôm nay, những người hãnh tiến (un parvenu) ở địa vị chóp bu của xã hội mà không biết tu thân tích đức cũng sẽ bị báo ứng vì đó là luật nhân quả của Trời Đất!

Kinh nghiệm cho hay người ta có thể bị lầm một lần, hai lần nhưng không thể bị lầm lần thứ ba và lầm mãi mãi. Goebbels (1897-1945), cựu Bộ Trưởng Tuyên Truyền của Đức Quốc Xã, tay chân thân tín của Adolf Hitler (1889-1945) từ những năm đầu của thập niên 30, thế kỷ 20 đã chủ trương rằng cứ nói láo, nói láo, và tiếp tục nói láo rồi một ngày kia điều nói láo đó sẽ trở thành sự thật. Ở Trung Hoa thời cổ, người ta truyền nhau câu chuyện “Tăng Sâm giết người”. Tăng Sâm là một học trò đức hạnh cao của Khổng Tử. Một hôm mẹ Tăng Sâm đang ngồi dệt vải thì có người đến báo tin Tăng Sâm giết người ngoài chợ. Bà mẹ Tăng Sâm vẫn ngồi điềm nhiên dệt vải, không chút xúc động vì tin rằng con mình không bao giờ làm chuyện ác đức đó. Lát sau, có người khác đến gõ cửa nhà bà và hốt hoảng nói: “Tăng Sâm giết người ngoài chợ, bà hãy ra mà coi”. Bà cụ hơi xốn xang nhưng vẫn nhất mực tin rằng con mình là người có tư cách đạo đức, bao giờ lại làm chuyện tày trời đó nên bà nhổm dậy nhưng lại ngồi xuống sau khung cửi. Dĩ nhiên tâm bà có chút giao động. Sau đó một lát có người đập cửa ầm ầm vào báo “Tăng Sâm giết người ngoài chợ và đang bị quan quân kéo đến bắt dẫn đi”. Lần này thì bà mẹ Tăng Sâm vụt dậy, bỏ khung cửi, chạy vội ra chợ để xem sự thể ra sao nhưng nhìn kỹ lại hoá ra không phải con mình nhưng là một thằng nào đó rất lạ nhưng cũng có tên Tăng Sâm. Thật là một sự trùng tên chết người. Nghe ngóng dư luận cũng là một điều tốt, nhưng kiên định lập trường đôi khi cũng tốt hơn. Bà mẹ Tăng Sâm khác hẳn bà mẹ của Mạnh Tử. Bà mẹ Tăng Sâm không kiên định lập trường dù rằng bà biết con mình là người gương mẫu, đạo đức. Bà mẹ của Mạnh Tử lại khác, khi đã có ý định tốt thì bằng bất cứ mọi giá thực hiện cho bằng được ý định tốt đó. Bà muốn con thành người có học, có hạnh nhưng bản thân bà cũng phải trải qua một số kinh nghiệm mới đạt được mục tiêu của mình. Câu chuyện “Mạnh mẫu trạch lân xử” trong sách Minh Tâm Bửu Giám ngày trước(mẹ thầy Mạnh chọn chỗ ở cho con) kể rằng bà mẹ Mạnh Tử ba lần dời chỗ ở vì muốn con thành người tốt: lần đầu bà chọn chỗ ở gần nghĩa địa nên Mạnh Tử ngày ngày chứng kiến cảnh người ta đưa tang ma như đào, chôn, lăn lộn, khóc than nên cậu bé cũng học đòi làm như thế. Bà mẹ thấy không ổn nên dời nhà đến bên cạnh một lò mổ heo (abatoir), cậu bé cũng học đòi cầm dao, đâm thọc, chặt, bằm… Lại thấy không ổn, một lần nữa bà mẹ chịu khó dời nhà đến sát cạnh một trường học và lần này cậu bé Mạnh lại bắt chước, xin mẹ mua cuốn sách và xin qua thụ giáo với thầy học là một ông đồ. Ảnh hưởng của môi trường văn hóa cao khiết đã biến đổi một cậu bé từ “nhị tì” qua”sát sinh” để trở thành “thụ nhân” rồi trở nên một vị á-thánh của đạo Nho, ngàn đời tiêu biểu của nền triết lý chính trị phương Đông.

Trở lại luận điểm của Goebbels ngày trước, chúng ta thấy rằng bọn lãnh đạo Quốc Xã Đức khi tung ra tác phẩm Mein Kampf (Cuộc tranh đấu của tôi) của Hitler viết lúc bị cầm tù ở Munich (1923) vì tổ chức một cuộc nổi dậy hụt (bị sảo thai) đã cổ xúy cho chủ nghĩa siêu tộc và phân biệt chủng tộc của mình, bài diệt Do Thái, đồng thời bắt mạch được tâm lý quần chúng vốn dễ tin nếu bị tuyên truyền nhồi nhét nhiều lần vì chỉ nghe mà không thấy. Ngày nay thì khác, luận điểm đó đã không đứng vững được vì kỹ thuật truyền thông hiện tại đã quá tiến bộ (mau lẹ) và rộng khắp (toàn cầu). Cách đây ba năm, đảng Cộng sản Việt Nam đã dại dột (hay dốt nát?) khi cắt lời phát biểu của Tổng Giám Mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt trước Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà nội (ngày 22-9-2009) nhân vụ tranh đấu đất Tòa Khâm Sứ để kết tội vị giáo phẩm cao cấp này trong dư luận dân chúng Việt Nam và chạy tội tham bạo của họ trước quốc tế. Tuy vậy, trong khi có một ít người vì không được nghe các tin tức “ngoài luồng” nên đã tin theo luận điệu của nhà nước thì đại đa số quần chúng (vốn có lập trường dứt khoát là không bao giờ tin nhà nước CS) vì họ được nghe nguyên văn lời phát biểu can trường đó qua báo chí ngoại quốc, đài phái thanh hải ngoại, email, facebook, twitter v.v… nên có thái độ đứng về phía Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt. Đảng Cộng Sản Việt Nam đến nay chắc là đã “tởn”, không còn dám dùng chiến lược tuyên truyền cổ lổ sĩ của “danh sư” Goebbels nữa vì đã bị ngón võ “gậy ông đập lưng ông, dáo Tầu đâm Chệt” chưa hết choáng váng trên đầu. Nhưng chứng nào tật đó, họ vẫn ưa thích sử dụng bạo lực bằng chứng là trong vụ Giáo xứ Con Cuông, Giáo phận Vinh, họ vẫn dùng một đám công an đội lốt “dân chúng tự phát” để đánh đập các linh mục, tu sĩ và giáo dân, dùng loa phát thanh cực lớn để át tiếng kinh cầu của người tín hữu Công Giáo. Bộ mặt của nhà nước Cộng Sản đã lem luốc từ bao năm nay lại càng nhơ bẩn thêm dù họ có hàng tỉ đô la để rửa tiền tại các nhà băng ngoại quốc. Hành động dùng công an đội lốt quần chúng, một thứ “văn hóa công an” như chữ dùng của Bùi Tín, là lối bắt chước theo Trung Quốc và bắt chước cả Miến Điện thời quân phiệt Miến còn chễm chệ trong các guồng máy chính quyền. Bọn quân phiệt Miến Điện đã dùng cả xiềng, xiềng chân tù chính trị và bắt đi đập đá trong núi sâu (Xem ảnh giữa các trang 160-161, sách The Voice of Hope, tác giả Alan Clements, Nhà xb Seven Stories Press, New York, 2008, ảnh của ký giả Peter Conrad). Trong các cuộc biểu tình của dân chúng ở thủ đô Ngưỡng Quang, có anh sinh viên trong đám biểu tình đã phải quỳ phục xuống dưới đất, ôm hôn đôi giày của một người cảnh sát dẹp biểu tình, trước hàng lưỡi lê dàn hàng ngang tua tủa, tháng Tám 1988, ảnh của Ryo Takeda. Nhưng nay bạo lực đã từng bước bị chận đứng ở Miến Diện. Bao giờ thì đến lượt Việt Nam ? Sẽ không lâu!

Đối chiếu với lịch sử cận đại Việt Nam, theo Mạc-Định Hoàng Văn Chí, tác giả cuốn sách khá hay Từ Chủ nghĩa Thực dân tới chủ nghĩa Cộng Sản (Hoàng Văn Chí, From Colonialism to Communism, A case history of North Vietnam, Nhà xuất bản Frederick A. Praeger, Second Printing, 1965, trang 70), hai chữ Việt Minh xuất phát từ một tổ chức có tên Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội của Hồ Học Lãm thành lập cùng với Nguyễn Hải Thần tại Nam-kinh vào tháng 1-1936 mà Hồ Chí Minh đã cưỡng đoạt lúc còn ở Trung Hoa. Tổ chức này thường được viết tắt là V.M., đọc nhanh là VẸM. Trong tiếng Việt, VẸM có nghĩa con vẹt, tức là nói như con vẹt, tức nói không cần suy nghĩ, tức nói láo. Lời ví von này mang ý nghĩa được dạy cho điều gì thì nói lại như vậy, thì lặp lại y nguyên lời đó, không cần sáng tạo, không cần ý kiến mới. Cho nên “nói như cán bộ Việt Minh”, có nghĩa là “nói láo như Vẹm”, cũng đồng nghĩa với “giả nhân giả nghĩa như Vẹm”. Hoàng Văn Chí từng là chuyên viên in bạc cho Hồ Chí Minh, hoạt động cộng tác nhiều năm với họ Hồ trong kháng chiến, đã bỏ về thành, nên biết rất rõ bộ mặt của chế độ Cộng Sản. Theo Hoàng Văn Chí cho biết, để tránh bị nhân dân cười diễu hai chữ Việt Minh là VÊ-EM tức VẸM, đảng Cộng Sản Việt Nam bèn đổi hai chữ Việt Minh ra LIÊN VIỆT nhưng do thái độ ỡm ờ, quờ quạng, phản trắc, không bao giờ tỏ ra thành thật, nhân nghĩa của đa số đảng viên và thành phần lãnh đạo (Bộ Chính Trị) của đảng Cộng Sản Việt Nam cùng các thành viên trong Mặt Trận Liên Việt, dân chúng khắp nơi trong vùng CS kiểm soát gọi Liên Việt là LỜ VỜ. Thật là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Như vậy đủ biết quần chúng Việt Nam lúc nào cũng cảnh giác, và cảnh giác cao độ chứ không chịu thua trận để cho Cộng Sản lừa bịp dễ dàng.

Những câu ca dao thời đại như : “Đại thắng lợi, Bác Hồ lộng kiếng” trở thành “Đợi thắng lại, Bác Hồ liệng cống…” hay “Mất mùa là tại thiên tai, Được mùa là tại thiên tài Đảng ta” phản ánh ngọn dáo của nhân dân đâm ngược vào họng nhà nước cường quyền.

Trong nền triết lý chính trị của Á Đông thời cổ có thể nêu một thí dụ điển hình về việc sử dụng bạo lực là việc nhà Tần (221-206) áp dụng sách lược của Pháp gia (Legalist School) trong việc thống nhất Trung Quốc vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên. Pháp gia là học phái chủ trương dùng hình phạt, pháp luật, nhất là bạo lực để thôn tính lãnh thổ các nước nhỏ và thống trị một đất nước rộng lớn.

Theo bản đồ của J. Gernet vẽ nước Trung Hoa vào thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, nước Tần ở vào một vị trí hẻo lánh lại mang tính chiến lược ở vào phía tây nước Trung Hoa này so với các nước khác thời Chiến Quốc như Ba Thục, Chu, Tống, Lỗ, Tề, Triệu, Yên đa số ở về phía đông. Nước Tề nhờ vị trí khá biệt lập đó nên ít bị các nước nhỏ khác dòm ngó, theo dõi… Nước Tần có cửa ải Hàm Cốc vốn là một vị trí địa lý rất hiểm trở “một người giữ cửa đó thì chống cự được vạn người”. Sử sách cho biết như vậy. Tần Thủy Hoàng đã biết khai thác yếu tố địa lý chính trị (geopolitics) của ải quan này bằng cách từ phía tây đột nhập tấn công các nước phía đông, phá hoại, thu chiến lợi phẩm rồi sau đó rút lui ngay trong khi các nước kia vì không am hiểu địch tình, thiếu tin tức tình báo nên không dám mạo hiểm truy kích về phía tây. Chiến lược này về sau đã ảnh hưởng trên đường lối chiến lược của Mao Trạch Đông (1893-1976) đó là chiến lược du kích trong đó được phác hoạ lại với tính cách vĩ mô “lấy rừng núi chế ngự nông thôn, lấy nông thôn bao vậy thành thị.” Buổi đẩu, Tần Thủy Hoàng dùng Lã Bất Vi làm Tể tướng, sau đó bãi chức họ Lã và dùng Lý Tư, một môn sinh của Tuân tử thuộc phái Pháp gia. Trong phái Pháp gia người giỏi hơn cả là Hàn Phi tử, bạn học của Lý Tư, rất được Tần Thủy Hoàng khâm phục vì nghe tiếng và có đọc được sách của Hàn nhưng chưa từng gặp gỡ. Bộ Sử kí của Tư Mã Thiên viết về ông ta: “Cùng với Lý Tư, học ở Tuân Khanh. Tư coi không bằng Phi” (Quyển 63; Phùng Hữu Lan, Đại Cương Triết Học Sử Trung Quốc, dịch giả Tiến Sĩ Nguyễn Văn Dương, Nhà xuất bản Thanh Niên, 1998, trang 165). Vì đố kị tài năng, Lý Tư đã gièm pha Hàn Phi tử khi ông này tới đất Tần và ngày càng được nhà vua trọng đãi. Sau đó ít lâu, do số phận trớ trêu, Hàn Phi tử bị tống giam và bỏ mạng trong ngục tối vào năm 223 trước C.N.

Theo Phùng Hữu Lan, trước Hàn Phi tử là lý thuyết gia cuối cùng và lớn nhất, có ba nhóm tư tưởng gia khác nhau. Thủ lãnh của một nhóm là Thận Đáo, người đồng thời với Mạnh Tử, chủ trương “thế” là yếu tố trọng yếu nhất đối với chính trị, và chính quyền. Thủ lãnh của nhóm thứ hai là Thân Bất Hại (chết năm 337 tr. C.N.) chủ trương “pháp” là yếu tố trọng yếu nhất. Thủ lãnh của nhóm thứ ba là Thương Ưởng, cũng được biết dưới tên Thương quân (chết năm 338 tr. C.N.) lại nhấn mạnh đến “thuật”. Chữ “thế” có nghĩa là thế lực hay quyền thế; “pháp” có nghĩa là luật hay sự quy định luật lệ; “thuật” có nghĩa là phương pháp hay nghệ thuật giải quyết công việc và điều khiển người tức là “thuật cai trị”.

Hàn Phi tử đồng ý rằng cả ba đều cần. Ông nói: “Cho nên bậc minh chúa dùng luật như Trời, dùng người như quỷ. Như Trời thì không trái, như quỷ thì không khốn. Lấy “thế” mà hành giáo nghiêm nhặt, thì kẻ địch không dám làm trái… Sau đó “pháp” mới thi hành nhất trí.” (Hàn Phi tử, thiên 48). Minh chúa là phải như Trời, bởi vì hành động ngay thẳng vô tư, hợp với pháp luật. Đó là công dụng của “pháp”. Minh chúa lại như quỷ thần, bởi vì có tài dùng người khiến người không hiểu được dùng như thế nào. Đó là công dụng của “thuật”. Minh chúa lại có quyền thế để áp dụng mệnh lệnh một cách nghiêm nhặt. Đó là công dụng của “thế”. Cả ba là “công cụ của đế vương”. (Thiên 43). Không được sao lãng phần nào.” Phùng Hữu Lan, dịch giả Nguyễn Văn Dương, Sách đã dẫn, trang 165-6).

Điều khiến cho Tần Thủy Hoàng thành công công việc thống nhất Trung Hoa ngoài chính sách “phần thư khanh nho” (đốt sách, chôn học trò) lại còn dám áp dụng các biện pháp cải cách sắt máu quan trọng trong đó có việc tiêu diệt giai cấp quý tộc mà lập ra một giai cấp mới là giai cấp quân nhân. Theo học giả Nguyễn Hiến Lê, “Tần đã thành công nhờ chính sách độc tài, sự tổ chức chặt chẽ, chiến thuật đại tài, mà cũng nhờ mưu mô xảo quyệt: dùng một bọn do thám cho lẻn vào tất cả các nước, vung tiền ra mua chuộc các đại phu, tướng quân của địch, mua chuộc không được thì ám sát. Những cách đó thành công rồi, lúc đó Tần mới đưa quân vô. Hàn (230), Triệu (228), Ngụy (225), Sở (223), Tề (221) đều vì vậy mà bị diệt.” (Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc, Nhà xuất bản Văn Nghệ, 2003, trang 112).

Mua chuộc không được thì ám sát, tức là sử dụng bạo lực bởi vì mục đích biện minh cho phương tiện (La fin justifie les moyens). Tuy cùng là học trò của Tuân tử nhưng hành động và tư tưởng của Lý Tư lại khác với phong cách và triết thuyết của Hàn Phi tử.

Bạo lực nói chung là con đường hành động của những người theo chủ nghĩa Cộng Sản như Mao Trạch Đông giết Lưu Thiếu Kỳ và hơn 70 triệu người dân Trung Hoa trong thời đại y cai trị đất nước này. Stalin thanh toán hàng vạn đồng chí của y cùng khoảng 20 triệu người dân Nga đã bị tiêu diệt tính từ khi có đảng CS Liên Xô cho đến ngày đảng này cáo chung (theo Hắc Thư về chủ nghĩa Cộng Sản, Tập I, dịch giả Hồ Văn Đồng, Cơ sở xuất bản Hội Phát Triển Văn Hóa Việt Mỹ, Seatle, WA, 2002, trang14). Thậm chí có người như lãnh tụ Đệ Tứ Quốc Tế Léon Trotsky đã chạy trốn sang tận Mễ Tây Cơ cũng bị ám sát (1936). Hồ Chí Minh gọi nhóm Đệ Tứ là “những con chó của Phát-xít” đã tìm cách giết Tạ Thu Thâu, Dương Bạch Mai, Bùi Công Trừng (gốc Đệ Tứ), thủ tiêu Trương Tử Anh, lãnh tụ Đại Việt, Huỳnh Phú Sổ, Giáo chủ Hòa Hảo và là lãnh tụ của Dân Xã Đảng, Phạm Quỳnh, nhà văn hóa tài danh, Ngô Đình Khôi, Tổng Đốc Quảng Nam, nhà hành chánh tài giỏi của Việt Nam và một triệu người dân vô tội.

Theo Hồ Sĩ Khuê trong cuốn sách Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm & Mặt Trận Giải Phóng “1938, Tố Hữu bị phủ doãn Thừa Thiên bắt giam. Cùng một lúc nhà trọ của tôi bị mật thám Pháp khám xét nửa đêm đến sáng. Tôi không có mặt, nhờ đang nghỉ lễ Các Thánh ở quê. Không tìm ra được tài liệu gì, nhưng ông chủ nhà tôi trọ cũng bị giam oan mấy tháng.Tố Hữu nằm lao Thừa Phủ, chuyển ra cho bài thơ “Con chim của tôi”, kể chuyện trong nhà lao anh nuôi một con chim nhỏ, không săn sóc được nên nó chết. Trong bài thơ có câu tôi nhớ mãi:

Tôi đã tù sao bắt nó tù!

Và đoạn kết:

Nó chết rồi, con chim của tôi !

Ngậm oan như nó biết bao người,

Nếu không ra khỏi vòng giam cấm,

Quyết chẳng ưu lưu luyến cõi đời.

Bài thơ nhân tính, nhân tình biết mấy!

Sau năm 1975, xem toàn tập “Thơ Tố Hữu” nhà nước Xã hội chủ nghĩa xuất bản, không thấy đoạn kết này, đã một thời làm xúc động thanh niên học sinh thành Huế. Tôi cười bảo một cán bộ, bạn chung ngày xưa: Có lẽ đồng chí Tố Hữu của anh khi cầm quyền đã bắt giam vô số “con chim” khác, nhất là mấy con chim “Nhân văn Giai phẩm”, nay thấy đoạn kết bài thơ nhân ái xưa nổi tiếng của mình không thành thực như bài khóc Staline, nên cho là vô vị mà gạt đi chăng. Trừ Tố Hữu, ai trả lời cho tôi được.” (trang 137).

Dĩ nhiên với một Tố Hữu năm 1956 thì khác, vì lúc này ông ta là công thần của chế độ nên phải gào thét, khai triển bạo lực để xây dựng chính quyền vô sản, ăn cơm chúa phải múa tối ngày mà:

Thắp đèn cho sáng ba gian,

Lôi mi ra giữa đình làng đêm nay.

Trăm tay xỉa xuống mặt mày,

Trăm tay xỉa xuống mặt đầy gian tham.

Lê-nin đã từng vạch rõ cho hàng đồ đệ một chính sách rõ ràng lúc sử dụng bạo lực, đã để lại câu nói “ Giết người là kỹ thuật cầm quyền” cho nên những người như Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ v.v… đều cúi đầu thi hành răm rắp. Kỷ luật sắt của Cộng Sản là như vậy!

Đảng Cộng Sản Việt Nam thời họ Hồ và nay cũng vậy, đã chủ trương “thà giết lầm hơn bỏ sót” hay “trí phú địa hào, đào tận gốc tróc tận rễ” trong các đợi Cải Cách Ruộng Đất (1953-1956) cho nên đã có hơn 170,278 người phải bỏ mạng cách oan uổng, vô tội. Nghĩa là người Cộng Sản Việt Nam đã tận dụng bạo lực trong việc cướp đoạt chính quyền năm 1945, cướp đất của nông dân bằng chính sách “hợp tác hóa nông nghiệp”san bằng các thế lực thù nghịch do nền văn hóa truyền thống Việt Nam xây dựng từ nhiều thế kỷ tại nông thôn trong đó có tình cha con, nghĩa vợ chồng, tình lân lý (hàng xóm), tương giao giữa người lớn trẻ nhỏ v.v… Họ san bằng, cào bằng hết sau các đợt đánh kinh tế năm 1975 tạo ra tâm lý sợ hãi khắp nơi trên toàn quốc. Tâm lý sợ hãi là tình trạng phổ biến khắp nơi, trong mọi giai tằng xã hội cho đến nỗi nhà văn Nguyễn Tuân đã có lần kín đáo tâm sự với bạn bè “ Tớ sở dĩ còn sống đến ngày hôm nay là vì tớ biết… sợ”. Bạo lực đã lên ngôi và nền văn hóa sự chết đã thống trị toàn cõi Việt Nam. Nhưng chế độ CS duy trì tình trạng sợ hãi này được bao lâu? Đó là câu hỏi tôi sẽ trả lời trong các loạt bài kế tiếp.

Philadelphia, ngày 24-7-2012