Dấu hiệu tích cực từ khối Hồi Giáo Úc Châu

Lần đầu tiên trong lịch sử gần đây tại Úc, 25 nhà lãnh đạo Hồi Giáo tại Sydney đã nhất trí lên tiếng kêu gọi đồng đạo của họ nhất tề bác bỏ bạo động và tôn trọng luật lệ của quốc gia bao dung. Lời kêu gọi này đã có tác dụng rõ rệt khiến những người Hồi Giáo ôn hòa, dù muốn bày tỏ thái độ bất nhẫn đối với hành vi phạm thượng vị Tiên Tri đáng kính của họ, cũng đã tự hạn chế không biểu tình phản đối, để những kẻ quá khích có thể lợi dụng quyền tự do phát biểu của họ mà gây phản ứng ngược lại nơi phần đông cư dân Úc.

Thái độ hợp tác với lời kêu gọi của 25 nhà lãnh đạo Hồi Giáo nói trên đã đánh đổ một số “tiên báo” của các nhà báo bi quan của Úc. Thực vậy, khi nghe 25 vị lãnh đạo kia lên tiếng, nhiều người tỏ thái độ “wait and see”. Có người nhân cơ hội này còn “bật mí” về những chia rẽ nội bộ trong hàng ngũ Hồi Giáo Úc Châu, như ký giả Kelly Burke của tờ Sydney Morning Herald. Ngày 22 tháng 9 vừa qua, ký giả này cho chạy hàng tít lớn: Disunity, not anger, is Muslim Dilemma và cho rằng: sau các cuộc biểu tình bạo động, sự hợp tác công khai đã che đậy nhiều chia rẽ trong cộng đồng. Ký giả này còn trích dẫn lời của Kuranda Seyit, giám đốc Nghị Hội Liên Hệ Hồi Giáo Úc Châu nói rằng “trở ngại lớn nhất đang đối đầu với người Hồi Giáo tại Sydney Australia là thiếu đoàn kết và hợp tác”. Kelly Burke đặc biệt chú ý tới khu Auburn, nơi mà một trong bốn cư dân tự nhận mình là Hồi Giáo, trong khi đối với Sydney nói chung, người Hồi Giáo chỉ chiếm 4 phần trăm dân số. “Auburn là thế giới thu nhỏ của Hồi Giáo tại tiểu bang New South Wales; bao nhiêu văn hóa là gần như bấy nhiêu chia rẽ. Việc lãnh đạo bên trong cộng đồng Hồi Giáo tại NSW, vốn là nơi cư trú của một nửa toàn bộ người Hồi Giáo sinh sống tại Úc, đã bị phân mảnh gần như tê liệt không hoạt động được nữa”.

Để chứng minh cho nhận định tiêu cực trên, Kelly Burke cho rằng hiện có ba bộ phận tự nhận mình đại diện cho quyền lợi mọi người Hồi Giáo tại NSW: Hiệp Hội Hồi Giáo Libăng, Hội Đồng Hồi Giáo NSW và Liên Minh Các Hội Đồng Hồi Giáo Úc Châu mà hồi gần đây đổi tên thành Người Hồi Giáo Úc Châu. Cả ba tổ chức này, trong quá khứ, đã có nhiều tranh chấp đến độ đưa nhau ra tòa. Nên ký giả này cho rằng: việc 25 nhà lãnh đạo Hồi Giáo lên tiếng vào tuần qua quả có ý nghĩa, nhưng việc những vị khác không lên tiếng cũng có ý nghĩa không kém. Như người Shiites chẳng hạn, họ chiếm 15 phần trăm cộng đồng Hồi Giáo Úc Châu, nhưng không có đại diện nào trong danh sách 25 nhà lãnh đạo này cả. Liên Minh Các Hội Đồng Hồi Giáo Úc Châu cũng vắng bóng. Chỉ có Hội Đồng Hồi Giáo NSW là có mặt. Người đại diện của Liên Minh tại NSW là Keysar Trad. Tuy ông này cho rằng cuộc bạo động tuần trước kia ở Sydney là sản phẩm của “những người trẻ đầu óc rỗng tuếch” nhưng tổ chức của ông thì quyết định đứng ngoài nỗ lực tập thể.

Người ta hy vọng rằng tình hình cuối tuần qua cho thấy các nhận định của Kelly Burke chỉ có tính bi quan. Thực tế, sự đoàn kết của khối người Hồi Giáo ôn hòa đang đem lại những kết quả tốt đẹp. Có người cho rằng: những kết quả tốt đẹp ấy có được một phần cũng do phản ứng kịch liệt của quảng đại quần chúng Úc đối với thái độ coi thường luật pháp của một số phần tử cực đoan Hồi Giáo. Có những người như Waleed Aly, một giảng sư chính trị học tại Đại Học Monash, đã vẽ ra những hình ảnh thật tồi tệ về cuộc bạo động tại Sydney trên National Times ngày 17 tháng 9: “đây là tác phong của những người say rượu: vung tay bừa bãi với hy vọng cú đấm của mình trúng một nơi nào bất cứ” giống như vụ người Pakistan phá tiệm ăn của người Mỹ và đốt hình TT G. Bush vì hình hí họa Đan Mạch và câu nói “chẳng ăn nhằm gì” của một người bạo động: “người chết của bọn tao lên thiên đàng, người chết của bọn bay xuống hỏa ngục”. Họ đâu có nói gì về cuốn phim họ cho là phạm thượng! Aly bảo: cuộc biểu tình chẳng có chiến lược, chiến thuật hay tính toán gì cả; bất kể việc nó biến thành người quảng cáo không công cho cuốn phim; bất kể việc sử dụng những khẩu hiệu và biểu ngữ đầy xúc phạm để chống lại quyền xúc phạm của người khác; bất kể việc chống lại những người nhục mạ trên căn bản tôn giáo trong khi tuyên bố rằng người Kitô giáo vô luân. “Điều ấy chỉ khó hiểu cho tới khi bạn hiểu ra rằng những người biểu tình này không thực sự phản đối để đưa ra một quan điểm. Cuộc biểu tình chính là trọng điểm” (biểu tình để biểu tình!). Đối với Aly, tất cả chỉ là hãnh diện, tất cả chỉ là chống đối, không một chút thực chất, “giống anh chàng khổng lồ đấm đá (hulk)”.

Thực ra, các phản ứng chừng mực, quân bình, và thông sáng như phản ứng của Tòa Thánh Vatican đã góp phần tạo ra những thành quả tích cực trên: một mặt Tòa Thánh lên án bạo động, một mặt không quên lên án nguyên cớ gây nên cảnh bạo động kia. Một giới hạn nào đó cần phải được vạch ra khi nói tới những vị sáng lập tôn giáo, nhất là các tôn giáo hoàn cầu như Hồi Giáo, một tôn giáo hiện có số tín đồ lớn nhất thế giới. Hay ít nhất cũng nên chú trọng tới nhậy cảm tính đa văn hóa. Đây là hoài mong của những người Hồi Giáo chân chính, như phát biểu của Tim Soutphommasane, một triết gia chính trị học tại Đại Học Monash, trên tờ Sydney Morning Herald ngày 24 tháng 9. Tim cho rằng cuộc bạo động tuần trước chỉ có thể nhận được sự kết án không nhân nhượng. Nhưng nếu bảo rằng vì nó mà chính sách đa văn hóa đã thất bại thì sai. Vì thực ra, cuộc bạo động trên chỉ là do các phần tử bên lề. Đại đa số người Hồi Giáo tại Úc không tin rằng các phần tử ấy nói thay cho họ, họ không tin rằng chủ nghĩa đa văn hóa thay thế cho luật pháp của xứ sở.

Theo Tim, chính sách đa văn hóa của Úc hơi khác với Châu Âu, vì ở Châu Âu, người ta coi các dị biệt văn hóa chỉ nên được phát biểu trong phạm vi tư riêng, trong khi chính sách của Úc tránh quan điểm ấy, bằng cách tôn trọng cả đa dạng tính của thực tại đa văn hóa. Một điều đáng chú ý nữa là chính sách đa văn hóa tại Úc được mọi phía hỗ trợ. Gần đây, lãnh tụ đối lập Tony Abbott cho thấy chiều hướng mới của Liên Đảng khi thú nhận rằng: trước đây, vì chịu ảnh hưởng của Geoffrey Blainey, ông hơi e ngại về việc chính sách đa văn hóa có thể biến Úc thành một quốc gia gồm nhiều bộ lạc. Nhưng rõ ràng điều ấy sai “Nay tôi đã thay đổi não trạng”. Thực ra, ý niệm chính trong chính sách đa văn hóa của Úc là: dù không đòi những người mới tới phải vất bỏ di sản văn hóa của họ, nhưng Úc mong họ trở thành công dân Úc; nghĩa là quyền được phát biểu bản sắc văn hóa đi đôi với trách nhiệm chấp nhận nền dân chủ nghị viện, thượng tôn luật pháp, bình đẳng giới tính, tự do tôn giáo, và Anh ngữ là ngôn ngữ quốc gia. Tim cho rằng chính sách này là đối cực tốt nhất chống lại chủ nghĩa cực đoan và phân mảnh, để bảo đảm cho việc đa dạng tính văn hóa tiếp tục nhất quán với nền văn hóa công dân của Úc.