Góp Ývề bài Phân tích Hiến Pháp 26. 10. 1956 của Giáo Sư Nguyễn Văn Bông

Gần 12 năm qua, người viết thường viết một bài về Đệ 1 Cộng Hòa Việt Nam cho Đặc San tưởng niệm cố tổng thống Ngô Đình Diệm đã hy sinh cho chính nghĩa quốc gia, phát hành vào đầu tháng 11 mỗi năm. Năm nay Anh phụ trách đặc san Lê Tinh Thông, có chuyển lại cho người viết bài phân tích về Hiến Pháp 1956 của Đệ 1 Cộng Hòa Việt Nam của Gs. Nguyễn Văn Bông, do một người bạn trẻ gửi cho Ban Biên Tập Đặc San, nhờ góp ý về  bài viết này. Thú thật, khi đọc bài này, người viết  không nghĩ là của Gs. Bông, là một giáo sư về Luật Công Pháp mà người viết hằng kính phục. Do đó, người viết đã phải liên lạc với một số thư viện có lưu trữ tài liệu về Việt Nam Cộng Hòa, trước năm 1975 như Thư Viện Quốc Gia Úc và Thư Viện của Đại Học Quốc Gia Úc Châu tại Canberra và một vài thư viện khác tại Hoa Kỳ như Thư Viện của Đại Học Hawaii, Đại Học Cornell ở Ithaca và Đại Học Harvard ở Boston để kiểm chứng. Người viết  rất kinh ngạc, khi thấy bài viết này xuất hiện dưới nhan đề:

Chế Độ Ngô Đình Diệm (1955-1963)

Đoạn 1: Phân Tích Hiến Pháp 26. 10. 1956

Đoạn 2: Nhận Xét

 

 nằm trong tập Giảng Văn về Luật Hiến Pháp của Gs. Nguyễn Văn Bông tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và sau đó, được xuất bản dưới nhan đề Luật Hiến Pháp và Chính Trị Học, Lý Thuyết Đại Cương, Thế Giới Chính Trị Hiện Đại, Nền Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam, xuất bản lần thứ 3, tại Saigòn vào năm 1971. tr. 561-565.

Sở dĩ, kinh ngạc, vì người viết không thể ngờ rằng một giáo sư khả kính và có một học vị cao trọng như Gs. Nguyễn Văn Bông, lại có thể viết một bài viết thiếu thận trọng trong phần dẫn chứng tài liệu, thiếu khoa học, thiếu tinh thần khách quan và vô tư và thiếu cả sự tự trọng cần thiết của một giáo sư đại học.

Để có một nhận định công bình, hợp lý và khoa học về hiến pháp Đệ 1 Cộng Hòa Việt Nam cũng như bài phê bình của Gs. Nguyễn Văn Bông; trước hết người viết xin trích lại từng phần trong phần nhận xét của Gs. Bông, sau đó sẽ tìm hiểu quan điểm của những nhà lập hiến thời đó, cùng bối cảnh lịch sử chính trị miền Nam, kế đến lược khảo về lý thuyết chỉ đạo các thể chế dân chủ cổ điển của Tây Phương và sau cùng là dùng phương pháp luật học đối chiếu, so sánh hiến pháp 1956 của Đệ 1 Việt Nam Cộng Hòa với một số quốc gia khác trên thế giới.

Nhận xét 1

 

Mở đầu, Gs. Bông viết:

Trước hết, người ta có thể tự hỏi bởi vì lý do gì mà nhà Lập Hiến ưng thuận cho “đương kiêm tổng thống (tức Ngô Đình Diệm) sẽ là tổng thống đầu tiên theo hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa”. Khi mà đã tổ chức được một cuộc trưng cầu dân ý và một cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc Hội Lập Hiến, thì người ta không hiểu vì sao không tổ chức được một cuộc bầu cử tổng thống chiếu theo hiến pháp mới. Sự kiện này chứng tỏ sự thiếu tinh thần dân chủ của đương kiêm tổng thống.

Có lẽ Gs. Bông muốn đề cập đến điều 96 trong hiến pháp ngày 26. 10. 1956, nhưng Giáo cư đã không ghi rõ. Tuy nhiên, nhận xét này của Gs. Bông đã khiến cho người đọc có cảm tưởng rằng Gs. đã viết với nhãn quan của một nhà chính trị đối lập hơn là một nhà trí thức hay là một giáo sư công pháp có đủ khách quan, vô tư và đủ kiến thức về luật học và bối cảnh chính trị Miền Nam lúc đó.

Thực vậy, trước hết, về phương diện pháp lý, đây là quyết định hoàn toàn độc lập của 123 vị dân biểu Quốc Hội Lập Hiến trong cuộc bỏ phiếu chung quyết về Bản Hiến Pháp Đệ I Cộng Hòa Việt Nam vào ngày 20. 10. 1956 tại trụ sở quốc hội. Không rõ vì lý do gì Gs. Bông lại viết, Sự kiện này chứng tỏ sự thiếu tinh thần dân chủ của đương kiêm tổng thống.

Để có một nhận xét khách quan và vô tư hơn cho vấn đề, thiết tưởng chúng ta nên tìm hiểu quan điểm của những nhà lập hiến thời đó. Khi trả lời một thắc mắc tương tự của người viết bài này, Ông Bùi Tuân, một dân biểu và  cũng là Tổng Thư Ký Quốc Hội Lập Hiến Đệ I Cộng Hòa Việt Nam đã cho biết như sau:

Như mọi người đều biết, tổng thống Ngô Đình Diệm đã đắc cử với số phiếu áp đảo 97.9% (5.721.735phiếu / 5.838.907 tổng số cử tri đi bầu[1]) vào ngày 23. 10. 1955 nghĩa là chưa đầy một năm trước đó, nếu có tổ chức bầu cử tổng thống lại thì ông Ngô Đình Diệm chắc chắn cũng sẽ đắc cử tổng thống, vì uy tín tổng thống Ngô Đình Diệm lúc đó lên cao tuyệt đỉnh, không một ai còn có chút lương thiện và công tâm có thể phủ nhận sự kiện đó được. Hơn nữa, thêm một sự kiện lich sử sau này đã chứng tỏ quyết định này của Quốc Hội Lập Hiến thời đó là hợp lý. Thực vậy 5 năm sau, vào ngày 9. 4. 1961, tổng thống Ngô Đình Diệm cũng tái đắc cử với tỉ số là 89% (6.709.150 phiếu/ 7.300.000 cử tri đi bầu), vượt xa hai liên danh khác của Ông Nguyễn Đình Quát & Nguyễn Thành Phương (liên danh 2) và ông Hồ Nhật Tân & Nguyễn Thế Truyền (liên danh 3).

Tiếp đến, tổ chức một cuộc bầu cử như vậy, phải tốn mấy chục triệu cho ngân sách quốc gia và trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23. 10. 1955,  gần 30 quân, dân, cán chính đã phảỉ hy sinh để bảo vệ cuộc bầu phiếu chống lại sự phá hoại của cộng sản. Chính vì lý do này, sau khi cứu xét mọi khía cạnh của vấn đề, toàn thể 123 dân biểu của Quốc Hội Lập Hiến đã bỏ phiếu chấp thuận điều 96 này của hiến pháp Đệ I Cộng Hòa Việt Nam[2].

Phải chăng Gs. Bông đã thiếu công bình khi đưa ra lời phê bình này vì rõ ràng nó đã không phù hợp với khía cạnh pháp lý và thực tại chính trị miền Nam lúc bấy giờ?

Nhận xét 2

 

Kế đến, Gs. Bông viết nguyên văn như sau:

Nhận xét thứ hai liên quan đến điều 89: trong nhiệm kỳ lập pháp đầu tiên (tức từ 1956 đến 1959). Tổng thống có thể tạm đình chỉ sự sử dụng những quyền tự do đi lại và cư ngụ, tự do ngôn luận và báo chí, tự do hội họp và lập hội, tự do nghiệp đoàn và đình công, để thỏa mãn những đòi hỏi đích đáng của an toàn chung, trật tự công cộng và Quốc Phòng.

Một câu như thế xóa bỏ hết Thiên thứ Ba của bản hiến pháp! Và chính những quyền rộng như vậy mà chế độ Ngô Đình Diệm có phương tiện loại trừ các đoàn thể quốc gia độc lập, phát động phong trào suy tôn mở đường cho một chế độ độc tài cá nhân.

Trước hết, về phương diện hình thức, Gs. Bông đã ghi nhầm, đây là điều 98 trong hiến pháp Đệ I Cộng Hòa Việt Nam, chứ không phải là 89, và Thiên thứ hai quy định quyền Hạn và nhiệm vụ công dân, chứ không phải là Thiên thứ ba như giáo sư đã viết.

Và để có một cái nhìn công bằng và hợp lý, chúng ta thử tìm hiểu quan điểm của những nhà lập hiến về điều khoản 98 này. Gs Vũ Quốc Thông, một dân biểu, đồng thời là Phó Chủ Tịch của Ủy Ban Hiến Pháp của Quốc Hội Lập Hiến Đệ I Cộng Hòa Việt Nam, và cũng là người tiền nhiệm của Gs. Bông ở chức vụ Viện Trưởng của Học Viện Quốc gia Hành Chánh, đã cho biết rằng:

Sở dĩ, Ủy Ban Hiến Pháp đã khởi thảo điều này và sau đó Quốc Hội Lập Hiến thông qua, vì chúng tôi ý thức một cách sâu sắc rằng Việt Nam lúc đó đang ở vào một hoàn cảnh vô cùng hiểm nguy. Thực vậy, chưa đầy một năm trước đây, Việt Nam đang đứng trên bờ vực thẳm, sắp sữa rơi vào tình trạng hỗn loạn toàn diện, để chờ ngày cộng sản Bắc Việt thôn tính. Không ai có thể tưởng tượng được một quốc gia có thể tồn tại khi mà Thủ Tướng chính phủ bị chính Tổng Tư Lệnh quân đội quốc gia và lực lượng Cảnh Sát Công An thách thức quyền hành. Cùng lúc đó, nhóm phiến loạn Bình Xuyên cấu kết với giáo phái, lại được sự hổ trợ tích cực của thực dân Pháp, công khai dùng võ lực để lật đổ chính phủ.

Hơn nữa, trước khi tập kết ra Bắc, cộng sản đã gài lại Miền Nam hằng chục ngàn cán bộ nằm vùng, để phát khởi những chiến dịch phá hoại và khủng bố có kế hoạch nhằm làm ung thối toàn thể miền Nam. Đó là về phương diện quân sự và an ninh, còn về phương diện chính trị, Việt Nam còn lại phải đối diện với tình trạng chia rẽ khốc liệt của chính sách “chia để trị” do thực dân Pháp chủ trương như lập vùng Hoàng Triều Cương Thổ, cho các dân tộc thiểu số được tự trị, cho các giáo phái hùng cứ mỗi người một phương như các sứ quân trong thời phong kiến. Về mặt xã hội, Việt Nam sống trong sự bất ổn triền miên do hậu quả của một cuộc chiến ác liệt suốt 9 năm liên tục. Về kinh tế, đất nước phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chính sách “tiêu thổ kháng chiến”, “vườn không nhà trống” do cộng sản  tạo nên. Hơn nữa, chính quyền Ngô Đình Diệm còn phải đối diện với tình trạng ngân khố trống rổng do chính phủ tiền nhiệm để lại. Ngoài ra, chính phủ hầu như bị tràn ngập bởi việc tiếp đón gần 1 triệu đồng bào miền Bắc di cư lánh nạn cộng sản…

Tóm lại, Việt Nam lúc đó không những phải đối diện với cuộc chiến tranh bạo loạn từ bên trong do cộng sản nằm vùng và  các nhóm phản động gây nên mà còn phải chuẩn bị chống trả hiểm họa xâm lăng từ phương Bắc do cộng sản đột nhập vào. Ngoài ra, về mặt kinh tế và xã hội, đất nước đang trãi qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn, hỗn loạn toàn diện để đi đến chỗ sụp đỗ. Do đó, quốc hội phải dành cho chính phủ mọi quyền hành rộng rãi nhất, để có đủ quyền lực củng cố lại an ninh trật tự trong nước, thống nhất quân đội, kiện toàn guống máy hành chánh, thiết lập kỷ cương để ồn định xã hội và hoạch định kế hoạch để phát triển kinh tế quốc gia.

Đây không phải là trường hơp đặc biệt của Việt Nam vào thời đó, mà là một định lệ không những được áp dụng tại các quốc gia mới thu hồi độc lập như Tân Gia Ba, Đài Loan… mà ngay cả những quốc gia có truyền thống dân chủ lâu đời như Pháp Quốc, sau này, vào năm 1958, khi phải đối diện với cuộc bạo loạn xãy ra tại thuộc địa Algeria, một lãnh thổ bên ngoài nước Pháp[3]

Bây giờ, chúng ta thử đặt vấn đề này trên bình diện lý thuyết, thử xem quan niệm của Quốc Hội Lập Hiến lúc đó có đúng hay không?

Để thấy rõ định kiến chính trị của Gs. Bông, người viết xin trích nguyên văn[4] phần những học thuyết chỉ đạo về luật hiến pháp, trong tác phẩm Luật Hiến Pháp và Chính Trị Học đã dẫn chứng ở trên, về hai học thuyết chống đối nhau về việc điều hành quốc gia trong tình trạng khẩn trương: thuyết pháp lý và thuyết chính trị

1.       Hành Pháp- theo thuyết pháp lý- là quyền ưu tiên, xưa nhất và nếu có kém quyền lập pháp trên phương diên pháp lý, lại rất trội hơn với tư cách cơ quan chính phủ. Thống trị không phải là thảo luận mà là hành động. Và nhất là trước một nguy cơ cấp bách, trong tình trạng đặc biệt, khi mà sự sinh tồn của Nhà nước lâm nguy, cơ quan hành động chiếm địa vị ưu tiên. Đình chỉ sự áp dụng tất cả những luật lệ, có thể cản trở hành động khẩn cấp, luôn cả đạo luật bảo vệ quyền lợi cá nhân, đành rằng là hành vi hết sức quan trọng, nhưng chung qui là một đặc quyền mà mục đích không ngoài việc bảo vệ chính đáng Nhà nước và sự liên tục của quốc gia . Đặc quyền này là quyền thiên nhiên của Nhà nước. Trong những trường hợp đặc biệt, chính phủ có bổn phận bảo vệ đoàn thể bằng bất cứ biện pháp nào dù rằng bất hợp pháp.

 

2.       Đặc quyền pháp lý của cơ quan hành pháp bị những kẻ chủ trương thuyết chính trị phủ nhận. Họ cho rằng đề cập đến vấn đề quyền hạn là lạm dụng danh từ. Không thể tưởng tượng được một quyền pháp lý mà đặc tính là hủy bỏ pháp luật. Nếu sự hiện hữu của tối cần không thể chối cải, vấn đề đặt ra là thử hỏi sự tối cần ấy cho phép chính quyền có những hành vi mà không một văn kiện nào qui định trước. Và vấn đề chỉ đặt trên phương diện chính trị. Khẩn cấp, tối cần không thể đặt ra pháp luật. Nếu những biện pháp ngoài luật lệ của chính phủ được chứng thực và chuẩn y mai sau bởi một cơ quan đại diện nhân dân không phải vì chính phủ có quyền ban hành sắc luật bất hợp pháp mà trái lại vì sự tối cần chính trị, vì chỉ có ý niệm này là căn bản của tất cả sắc lệnh vượt khỏi thẩm quyền hành pháp của chính phủ.

 

Quan niệm lý thuyết bất đồng về căn bản quyền hạn của chính phủ trong tình trang khẩn trương là như thế. Nhưng trên cuộc tranh luận ấy, một ý tưởng trung tâm nổi bật lên, đặc quyền của chính phủ trong một tình trạng đặc biệt là một thực sự. Tất cả những gì giúp vào sự sinh tồn Nhà nước và sự vãn hồi an ninh trật tự - Không thể là những hiện tượng bất hợp pháp [5].

 

Trên đây, là những lý lẽ mà chính giáo sư Bông đã trinh bày trong giảng văn về môn Luật Hiến Pháp và Chính trị Học, tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh tại Saigòn, trong các năm 1969-1971..Người viết muốn trích dẫn lại lập luận này ở đây, chứng tỏ rằng một mặt, Giáo sư Bông đã hiểu rất rõ rằng, ngày nay, trong tình trạng chiến tranh, bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng phải đình chỉ thi hành một số các quyền tự do cá nhân và công cộng để bảo vệ sự sống còn của quốc gia…Mặt khác, Giáo sư lại chỉ trích các nhà lập hiến đệ I Cộng Hòa đã dành cho hành pháp những đặc quyền đó, là sai lầm… Phải chăng sự mâu thuẫn đó bắt nguồn từ những định kiến chính trị hẹp hòi của giáo sư Bông?

  

Tiếp theo chúng ta thử dùng phương pháp luật học đối chiếu, theo dỏi một số các quốc gia trên theo thế giới trong tình trạng khẩn trương, chính quyền đã áp dụng những biện pháp nào?

 

Trước hết, ta thử xem trường hợp của các quốc gia có truyền thống dân chủ lâu đời như Hoa kỳ, Anh và Pháp quốc…

 

1.     Hoa Kỳ

Dù hiến pháp của Hoa Kỳ năm 1787 không qui định điều này. Nhưng các tổng thống nhậm chức trong những giai đoạn khẩn cấp và chiến tranh, đều cho rằng họ có quyền thi hành những hành động đặc biệt để bảo vệ tổ quốc khi bị lâm nguy. Trong cuộc chiến tranh Nam Bắc tại Hoa Kỳ (1861-1865), tổng thống Albraham Lincoln đã ký sắc lệnh đình chỉ mọi quyền tự do cộng cộng, trước khi đến giải thích hành động của mình trước quốc hội như sau: Hy sinh quốc gia hay là hy sinh hiến pháp? Đôi khi cần cắt chân hay tay, để cứu mạng sống. Chưa bao giờ, người ta lại hy sinh mạng sống, để cứu một bàn chân hay một cánh tay[6]

Tổng thống F. D. Roosevelt, còn chủ trương cho tổng thống một quyền hành mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian chiến tranh. Ông nói:

Tổng thống có quyền như John Lock[7] chủ trương là có các quyền hành như các vị vua chúa [thời xưa] đã có, hành động để phục vụ lợi ích chung, không cần có sự cho phép của luật pháp, và có khi chống lại cả luật pháp[8]

            Trong thực tế, vào năm 1942, khi Hoa Kỳ tham dự vào Đệ II Thế Chiến, chính quyền của tổng thống F. D, Roosevelt chuyển sang quốc hội dự luật kiểm soát giá cả để bảo vệ nông nghiệp. Quốc hội từ chối, ông yêu cầu quốc hội suy nghĩ lại trong thời gian một tháng, nếu không, ông sẽ đơn phương hành động. Cuối cùng, quốc hội đành nhượng bộ.

2.     Anh Quốc

 

Trước thế chiến thứ 2 bùng nổ, để phản ứng lại hiệp ước Nazi-Soviet Pact giữa Đức và Liên Sô ký ngày 23. 8. 1939, chỉ một ngày sau Nghị Viện Anh đã mau chóng thông qua đạo luật khẩn trương The Emergency Powers (Defence) Act, ngày 24. 8 1939. Trong đó cho phép chính quyền Anh, được quyền ban hành những sắc lệnh, có quyền hành rộng rãi để theo đuổi cuộc chiến tranh có hiệu quả hơn. Từ đặc quyền này, chính phủ đã ban hành những điều luật quốc phòng (Defence Regulations) như lệnh Thiết Quân Luật (State of Siege) rất khắc khe cho phép nhà cầm quyền đình chỉ sự mọi quyền tự do công cộng, quyền lập hội, quyền đình công, các giới chức quân sự có quyền khám xét tư gia, bất luận đêm ngày, mà không cần trát của tòa án, quyền kiểm duyệt các phương tiện truyền thông, sách báo, kiểm duyệt thư tín, chỉ định cư trú cho những người xét ra có hại cho an ninh quốc gia, đóng cửa các nơi tụ họp công cộng, ấn định việc phân phối lương thực, nước uống, xăng dầu cho dân chúng, qui định việc đóng cửa, tắt đèn, dập tắt lửa..của các gia đình hằng đêm… để địch quân không phỏng đoán được vị trí quân sự…

 

Nhưng chưa hết, đến năm 1940, khi Đức tấn công Pháp, những Qui Luật Quốc Phòng này được tu chính, đã qui định thêm 2 án tử hình dành cho những người can tội gián điệp và phản bội quốc gia như thông đồng với địch quân hay trực tiếp hoặc gián tiếp, tiếp tay cho quân thù…

Và vì hậu quả khó khăn của chiến tranh còn kéo dài trên đảo quốc Anh, nên một số các điều khoản của các điều luật vẫn được duy trì cho đến 1950, mặc dù, thế chiến 2 đã chính thức chấm dứt tại Âu Châu với sự đầu hàng vô điều kiện của Đức vào ngày 8. 5. 1945.

 

3.     Pháp Quốc

     Ở Pháp Quốc, vào năm 1958, vì những bạo loạn tại chiến trường Algeria, Đệ 4 Cộng Hòa Pháp Quốc bị giải tán, Tướng Charles De Gaulle trở lại cầm quyền trong cuộc khủng hoảng vào tháng 5 năm 1958. Để ổn định tình hình khẩn trương lúc đó, Pháp Quốc đã phải thành lập Đệ 5 Cộng Hòa Pháp Quốc với một bản hiến pháp mới. Trong đó, điều 16 trong hiến pháp này, đã dành cho tổng thống Cộng Hòa Pháp quốc nhiều quyền hành rộng rãi hơn để ổn định quốc gia trong tình trạng khẩn cấp:

Khi nào những định chế của chính thể Cộng Hòa , nền độc lập của quốc gia, sự vẹn toàn lãnh thổ hay sự thi hành các hiệp ước quốc tế bị đe dọa một cách trầm trọng và trực tiếp, và khi sự điều hành các cơ quan công quyền do hiến pháp qui đinh bị đình trệ thì tổng thống Cộng Hòa sẽ ban hành những biện pháp thích ứng sau khi hỏi ý kiến chính thức của Thủ Tướng, các chủ tịch của Lưỡng Viện Quốc Hội và Hội Đồng Bảo Hiến.[9]

Điều cần lưu ý, là tổng thống chỉ cần hỏi ý kiến, chứ không cần được sự chấp thuận của những giới chức này. Hiến pháp qui định sắc luật của tổng thống sẽ có hiệu luật ngay khi ban hành, với điều kiện phải thông báo ngay cho quốc dân biết những biện pháp sẽ thi hành và chuyển văn bản này cho quốc hội trong thời gian sớm nhất. Sắc luật này chỉ có giá trị trong vòng 12 ngày. Nếu muốn kéo dài hiệu lực sau thời gian qui định này, Tổng thống cần phải có sự biểu quyết của quốc hội để thông qua sắc luật này[10].

Nhận xét 3

 

Sau cùng, Gs Bông phê bình như sau:

Nhận xét thứ ba liên quan đền chế độ Tổng Thống. Một số bình luận gia, khi phê bình hiến pháp 1956, kết luận rằng hiến pháp này thiết lập Tổng Thống Chế theo kiểu Hoa Kỳ. Đây là một khuynh hướng tối quan trọng cần phải xét lại vì sự thất bại của chế độ Ngô Đình Diệm làm nhiều người tưởng rằng chế độ độc tài là hậu quả tất nhiên của chế độ tổng thống. Thật ra, Tổng Thống Chế Việt Nam trong năm 1956 không phải là Tổng Thống Chế của Hoa Kỳ . Trong khi hiến pháp Hoa Kỳ giữ thế quân bình giữa các quyền được thiết lập, đặc điểm của hệ thống tổ chức chính quyền theo hiến pháp 1956 là ưu thế quá mức của tổng thống. Và ưu thế này được thể hiện qua những quyền hành của tổng thống và nhất là sự can thiệp tích cực của hành pháp vào lãnh vực lập pháp.

Thật vậy, ngay ở điều khoản thứ 3, chúng ta nhìn thấy ‘Tổng thống lãnh đạo quốc gia’. Tổng thống bổ nhiệm và cách chức các sứ thần và công chức cao cấp không cần ý kiến quốc hội. Trái với nguyên tắc phân nhiệm mà điều 3 ghi rõ là ‘nguyên tắc phân nhiệm giữa hành pháp và lập pháp phải rõ rệt’. Hiến pháp 1956 dành cho tổng thống quyền ký sắc lệnh giữa 2 khóa họp quốc hội, quyền ký sắc lệnh tuyên bố tính trạng khẩn cấp, báo động hoặc giới nghiêm.

Một sự tập trung quá mức quyền hành cùng sự thủ tiêu đối lập và sự hiện diện của một chính đảng duy nhất đã đưa chế độ Ngô Đình Diệm lần lần đi đến một chế độ quyền hành cá nhân áp dụng những phương tiện chuyên chế mà tiếng súng ngày 1. 11. 1963 đã đưa vào dĩ vãng.[11]

Để độc giả dễ dàng theo dõi vấn đề, tôi xin phân tích từng phần trong nhận xét thứ 3 của Gs. Bông. Trước hết, Gs. Bông cho rằng hiến pháp Hoa Kỳ 1787 và hiến pháp Việt Nam 1956 là khác nhau. Trên bình diện lý thuyết, điều này hoàn toàn đúng, mà người viết sẽ phân tích chi tiết sau. Tuy nhiên, trong phần kế tiếp, Gs. Bông tạo cho độc giả cảm tưởng rằng hiến pháp 1956 của Việt Nam Cộng Hòa có những lỗi lầm vì sự dành ưu thế quá mức cho tổng thống và sự can thiệp tích cực của hành pháp vào lãnh vực lập pháp.

Để có một nhận xét khách quan và công bằng hơn về lời phê bình của Gs. Bông, người viết thử tìm hiểu vấn đề trên bình diện lý thuyết, bối cảnh lịch sử đã hình thành 2 bản hiến pháp của Hoa Kỳ và Việt Nam thời đó. Sau nữa, sẽ dùng phương pháp luật học đối chiếu, nghĩa là là so sánh bản hiến pháp Việt Nam 1956 với những hiến pháp của các quốc gia khác trên thế giới, để tìm hiểu vấn đề.

1.     Hiến Pháp Hoa Kỳ 1787

Trước hết, chúng ta thấy hiến pháp Hoa Kỳ 1787, dựa trên nguyến tắc phân quyền (separation of powers) do John Lock và Montesquieu đề xướng. Đặc biệt Montesquieu (1689 –1755)[12], đã trình bày nguyên tắc này rất đầy đủ, trong tác phẩm The Spirit of the Laws, xuất bản năm 1748.  Theo Montesquieu, chính thể Cộng Hòa phải được phân quyền làm 3: Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp. Ba quyền này phải độc lập với nhau và kiểm soát lẫn nhau để tránh tình trạng đưa tới độc tài…, về bối cảnh lịch sử, hiến pháp Hoa Kỳ được hình thành, sau khi tranh đấu dành độc lập từ tay người Anh và lúc đó người Mỹ sống trong một xã hội tạm ổn định về mọi mặt. Và khi soạn thảo hiến pháp này, các nhà lập hiến Hoa Kỳ còn chịu ảnh hưởng sâu đậm của hệ thống pháp luật của Mẫu Quốc Anh. Điều này thể hiện rõ rệt trong hiến pháp Hoa Kỳ, như quốc hội có 2 viện: Thượng nghị viện và Hạ nghị viện gần giống như Quí tộc viện và Thứ Dân Viện. Và điểm quan trọng nhất là các nhà lập hiến Hoa Kỳ đã bắt chước chế độ đại nghị của Anh Quốc là Hành pháp không có sáng quyền lập pháp, nghĩa là không được gởi dự thảo luật và đệ trình dự án ngân sách hằng năm cho quốc hội, mà phải giao cho một dân biểu trong chính đảng đang nắm chính quyền, đệ trình trước quốc hội… Đây là điều đã không dự trù trong lý thuyết về chế độ Tổng Thống cổ điển mà John Lock, Montesquieu và Jean Jacques Rousseau đã chủ xướng.

2.     Hiến Pháp Việt Nam 1956

Trong khi đó, hiến pháp Việt Nam 1956, dựa trên nguyên tắc phân nhiệm (Seperation of Functions) của Jean Jacques Rousseau (1712-1778) được đề ra trong tác phẩm The Social Contract hay còn gọi là Principles of Political Rights, xuất bản năm 1762. Nguyên tắc này đã được long trọng xác định trong điều 3 hiến pháp năm 1956 của Việt Nam, bản Việt ngữ[13]. Tuy nhiên, trong bản dịch hiến pháp sang Anh ngữ lúc đó, có lẽ người dịch không hiểu rõ thuật ngữ chuyên môn trong Luật hiến pháp, nên đã dịch một cách nhầm lẫn là Separation of Powers[14]. Sự khách biệt quan trọng của thuyết phân nhiệm là J. J. Rousseau cho rằng chủ quyền quốc gia luôn luôn thuộc về quốc dân. Đó là quyền hành tuyệt đối, bất khả nhượng và không thể phân chia ra được. Vì không thể phân chia quyền hành này ra được, nên 3 cơ quan Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp chỉ có thể phân công, phân nhiệm ra để làm việc với nhau, chứ không thể phân quyền như Montesquieu chủ trương được..

 

Về hoàn cảnh lich sử, hiến pháp Việt Nam 1956 được hình thành sau khi người Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam, sau môt cuộc chiến tranh khốc liệt với những tàn phá khủng khiếp và hậu quả nghiêm trọng của chính sách “tiêu thổ kháng chiến” của cộng sản và chính sách “chia để trị” của thực dân Pháp. Tóm lại, khi các nhà Lập Hiến soạn thảo hiến pháp này, Việt Nam đang đối diện với tình trang bạo loạn, bất ổn cùng cực và gần như sụp đổ toàn diện trên mọi bình diện chính trị, quân sự, kinh tế và xã hội. Nguy hại hơn nữa, Việt Nam đang phải đối đầu với cuộc chiến tranh du kích, phá hoại, khủng bố, khuynh đảo và xâm lựơc của cộng sản từ phương Bắc.

 

Cuộc đô hộ Việt Nam của người Pháp gần 80 năm cũng để lại những ảnh hưởng sâu đậm trên nền văn minh Việt Nam. Chính vì lý do này, chúng ta thấy mặc dù theo lý thuyết phân nhiệm của J. J. Rousseau, nhưng quyền Tư Pháp trong hiến pháp năm 1956 của Việt Nam lại chịu ảnh hưởng lề lối tổ chức Hệ Thống Thẩm Phán của Pháp. Từ đó, quyền Tư Pháp trong hiến pháp 1956 được hưởng qui chế độc lập, như cơ cấu tổ chức chính quyền của Pháp, chứ không phải là một công quyền ngang hàng với Lập Pháp và Hành Pháp theo quan niệm thông thường của những chế độ dân chủ cổ điển[15]. như John Lock, Montesquieu và J. J Rousseau chủ trương

 

Và sau hết giữa hiến pháp Hoa Kỳ và Việt Nam còn có những khác biệt như sau, Việt Nam là một quốc gia đơn vị và có quốc hội độc viện, còn Hoa Kỳ là một quốc gia liên bang và có quốc hội lưỡng viện. Để giải thích lý do tại sao Việt Nam lại tổ chức độc viện, Gs. Thông cũng là nhà soạn thảo hiến pháp 1956 giải thích như sau:

 

Các nhà Lập Hiến quan niệm rằng, với chế độ độc viện.., thủ tục làm luật sẽ được nhanh chóng, không kéo dài, và chính quyền do đó, cũng sẽ có những phương tiện hành động mau chóng hơn[16].

 

Trên đây, người viết đã cố gắng trình bày những khác biệt trên bình diện lý thuyết, bồi cảnh lịch sử và thực tại chính trị, trong đó hiến pháp Hoa Kỳ 1787 và hiến pháp Việt Nam 1956 ra đời. Từ đó, đã dẫn đến một số điểm khác nhau trong hiến pháp của 2 nước. Nhưng điều này không bao gồm ý nghĩa hiến pháp Hoa Kỳ là toàn hảo, còn hiến pháp Việt Nam 1956 có những điểm sai lầm đã dẫn đến chế độ quyền hành cá nhân áp dụng những phương tiện chuyên chế như Gs. Bông đã viết.

 

Để có một cái nhìn công bằng hơn nữa về lời phê bình của Gs. Bông, chúng ta nên khảo sát vấn đề dưới ánh sáng của luật hiến pháp và dùng luật học đối chiếu để so sánh với các hiến pháp của các quốc gia khác trên thế giới.

3.     Thiếu Thận Trọng

 

Trước khi đi vào chi tiết, người viết thấy cần phải nêu lên một sự kiện: điều đáng tiếc nhất, Gs. Bông là một giáo sư công pháp và viện trưởng của Học Viện Quốc Gia Hánh Chánh, đã không dành một sự thận trọng cần thiết theo lương tâm của một giáo sư đại học, khi phân tích và phê bình một văn kiện pháp lý quan trọng nhất của một quốc gia như bản hiến pháp của Đệ I Cộng Hòa Việt Nam. Từ đó, Gs. Bông đã để nhiều nhầm lẫn trong việc dẫn chứng những điểu khoản của hiến pháp 1956 trước khi phê bình, như người viết đã có dịp trình bày trong phần trên và trong những phần kế tiếp sau đây. Điều này làm cho nhiều người tự hỏi, không biết đây là sự nhầm lẫn vô tình hay cố ý của giáo sư để gây cho người đọc cảm nghĩ không tốt về hiến pháp 1956, để rồi dễ dàng chấp nhận quan niềm đầy thiên kiến của giáo sư?

 

Chúng ta thử xem phần dẫn chứng và phê bình của Gs. Bông:

 

Thật vậy, ngay ở điều khoản thứ 3, chúng ta nhìn thấy ‘Tổng thống lãnh đạo quốc gia’. Tổng thống bổ nhiệm và cách chức các sứ thần và công chức cao cấp không cần ý kiến quốc hội.

 

Đối chiếu với hiến pháp 1956, chúng ta thấy, Gs. Bông đã nhập 3 điều khoản trong hiến pháp 1956 lại thành một. Đó là điều 3, điều 35 và điều 37 thành 1 câu, có thể gây nhiều ngộ nhận cho người đọc. Sau đây, người viết xin ghi lại đầy đủ các điều khoản đó:

 

Điều 3: nguyên văn như sau:

 

Quốc Dân ủy nhiệm vụ hành pháp cho Tổng thống dân cử và nhiệm vụ lập pháp cho Quốc hội cũng do dân cử.

 

Sự phân nhiệm giữa hành pháp và lập pháp phải rõ rệt. Hoạt động của các cơ quan Hành pháp và Lập pháp phải được điều hòa.

 

Tổng thống lãnh đạo quốc dân.

 

Điều 35:….   Tổng Thống bỗ nhiệm các sứ thần, tiếp nhận ủy nhiệm thư của các đại diện ngoại giao, thay mặt quốc gia trong việc giao thiệp với ngoại quốc.

 

Điều 37: Tổng thống bổ nhiệm và cách chức tất cả các công chức dân sự và quân sự theo thủ tục luật định, ngoại trừ những trường hợp mà hiến pháp ấn định theo một thủ tục đặc biệt[17].

 

4.     Quyền Hạn của Tổng Thống

Bây giờ chúng ta phân tích từng điểm: Tổng thống lãnh đạo Quốc dân, chứ không phải là Quốc gia, như Gs. Bông đã ghi nhầm.

 

Tổng thống Việt Nam theo hiến pháp 1956, có một uy quyền rất lớn, vì ông được toàn dân bầu ra trong một cuộc phổ thông đầu phiếu, trực tiếp và kín. Ông có địa vị ngang với quốc hội, vì cả 2 cơ quan cùng trực tiếp phát xuất từ ý chí của quốc dân. Nhưng nếu phân tích kỹ hơn, chúng ta thầy quốc hội yếu thế hơn, vì quốc hội bị phân tán ra cho hàng trăm dân biểu khác nhau, mỗi người đại diện cho một phần rất nhỏ của cử tri bầu ra, có tính cách địa phương. Trái lại, sự đại diện của tổng thống được tập trung vào một người, do toàn dân bầu ra, trong khung cảnh toàn quốc[18].

 

Chính vì ưu thế đó, mà Quốc Hội Lập Hiến đã chấp nhân vai trò Tổng Thống lãnh đạo Quốc Dân không có gì là quá đáng.

 

Tiếp đó, Gs. Bông, dùng tiểu chuẩn của hiến pháp Hoa Kỳ 1787 phê bình Tổng thống bổ nhiệm và cách chức các sứ thần và công chức cao cấp không cần ý kiến quốc hội, tạo cho người đọc cảm tưởng rằng hiến pháp Việt Nam 1956 có những sai lầm trên nguyên tắc.

 

Trước hết về phương diện hình thức. Gs. Bông không trích dẫn đầy đủ câu văn trong hiến pháp làm cho người đọc có thể ngộ nhận rằng tổng thống có thể cách chức một viên chức cao cấp một cách tùy tiện hay ngẫu hứng, mà không cần viện dẫn lý do hay thủ tục pháp định nào cả. Trái lại, khi đọc nguyên văn điều 37, người đọc mới hiểu rằng, muốn cách chức một công chức cao cấp, tổng thống cũng phải tuân theo một số nguyên tắc pháp định hay hiến định tùy theo trường hợp.

 

Còn xét về phương diện lý thuyết, chế độ Tổng Thống nguyên thủy hay cổ điển, luôn có sự phân quyền hay phân nhiệm cứng rắn giữa hành pháp và lập pháp. Quyền bổ nhiệm và cách chức các viên chức cao cấp trong ngành hành pháp hoàn toàn thuộc thẩm quyền của tổng thống mà quốc hội không thể can dự vào… Tuy nhiên, hiến pháp Hoa Kỳ 1787 đã phác họa cho đất nước này một chế độ tổng thống biến thể, có 2 đặc tính:

 

Phát xuất từ ảnh hưởng của chế độ đại nghị của Mẫu Quốc Anh. Giống như Quí Tộc Viện của Anh quốc, Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ đóng vai trò cố vấn của cho chính quyền trung ương. Chính vì lý do này, nên hiến pháp 1787, đã để cho các thượng nghị sĩ có quyền quyết nghị trong việc bổ nhiệm các viên chức cao cấp trong chính quyền liên bang[19].

 

2.      Phát sinh do thể chế của chính quyền liên bang Hoa Kỳ. Đó là việc tham gia của Thượng viện vào các vấn đề ngoại giao.Thực vậy, thượng viện Hoa Kỳ còn có tính cách đại diện cho các tiểu bang, mà tiểu bang không đựơc tham gia vào chính sách đối ngoại, nên hiến pháp Hoa Kỳ đã cho thượng viện có quyền tham gia vào tiến trình bổ nhiệm các sứ thần ngoại giao, để cho phép các tiểu bang được chia xẽ quyền hành với chính quyền Liên bang trên các vấn đề ngoại giao[20].

 

Trở lại với hiến pháp Việt Nam năm 1956, riêng về bổ nhiệm các sứ thần ngoại giao phải có sự chấp thuận của quốc hội như Gs. Bông đề cập đến, nếu áp dụng tại Việt Nam thì đây là điều không hợp lý. Vì trên nguyên tắc của tổng thống chế, tổng thống đã có quyền bổ nhiệm bộ trưởng ngoại giao mà không cần có ý kiến của quốc hội, tại sao khi bổ nhiệm một đại sứ, là một công chức thuộc bộ ngoại giao lại đòi buộc phải có ý kiến của quốc hội? Sở dĩ, tổng thống phải bổ nhiệm các sứ thần ngoại giao, mà không phải Bộ Trưởng Ngoại giao, vì tổng thống theo hiến pháp 1956, là người duy nhất có thẩm quyền đại diện quốc gia trong các vấn đề ngoại giao. Hơn nữa, khi Quốc Hội Lập Hiến của nền Đệ 2 Cộng Hòa Việt Nam, vì chịu ảnh hưởng của thể chế tổng thống của Hoa Kỳ và chế độ Bán Tổng Thống của Đệ 5 Cộng Hòa Pháp Quốc đã ghi vào hiến pháp Việt Nam năm 1967 ở điều 59 như sau:

 

Tổng thống bổ nhiệm với sự chấp thuận của Thượng Viện:

Các Trưởng nhiệm sở ngoại giao

 

            Đã bị luật sư Trương Tiến Đạt, Tổng Thứ Ký của Quốc Hội Lập Hiến của Đệ 2 Cộng Hòa Việt Nam cho rằng, đây là điều không hợp lý và không cần thiết[21]

 

Trên đây là những nét đặc thù trong hiến pháp biến thể của Hoa Kỳ, chứ không phải là những yếu tính cần thiết phải có trong một thể chế tổng thống cổ điển nguyên thủy. Do đó, việc Gs. Bông dùng một thể chế biến thể của Hoa Kỳ như là một tiêu chuẩn để phê bình thể chế tổng thống chính danh của Việt Nam, rồi cho rằng hiến pháp Việt Nam sai lầm. Theo thiển ý của người viết, đó là một nhận xét không hợp lý, thiếu khoa học, và đầy thiên kiến chính trị.

 

Về phương diện luật học đối chiếu, chúng ta thử đối chiếu điều 37 cùa hiến pháp 1956 với điều 58 trong hiến pháp của Việt Nam 1967, một bản hiến pháp mà Gs. Bông có rất nhiều ảnh hưởng trong việc soạn thảo. Điều 58 viết như sau:

 

Tổng thống bổ nhiệm Thủ Tướng; theo đề nghị của Thủ Tướng, Tổng thống bổ nhiệm các nhân viên chính phủ.

Tổng thống có quyền cải tổ toàn bộ hay một phần chính phủ tùy ý, hoặc sau khi có khuyến cáo của quốc hội. 

 

Nói cách khác, theo hiến pháp năm 1967, tổng thống  có toàn quyền bổ nhiệm và cách chức Thủ Tướng và toàn thể nội các, một cách tùy ý, mà không cần hội ý với quốc hội. Người viết muốn nhấn mạnh chữ tùy ý, nghĩa là tổng thống Đệ 2 Cộng Hòa Việt Nam có thể cách chức Thủ Tướng và một phần hay toàn thể nội các, một cách tùy tiện, không cần viện dẫn lý do. Trong khi tổng thống Đệ 1 Cộng Hòa Việt Nam muốn cách chức các công chức cao cấp trong chính phủ phải tuân theo những thủ tục luật định hay hiến định…[22]

 

Khi đặt 2 điều khoản này để đối chiếu theo luật học, một người bình thường cũng thấy rằng, quyền  bổ nhiệm và cách chức các công chức cao cấp trong chính phủ của Tổng thống Đệ 1 Cộng Hòa Việt Nam có tính cách hợp lý, chính đáng, hợp pháp và trọng tinh thần dân chủ hơn thẩm quyền của Tổng thống Đệ 2 Cộng Hòa Việt Nam rất nhiều. Nhưng không hiểu căn cứ vào yếu tố nào, Gs. Bông lại cho rằng điều 37 của hiến pháp 1956, là điểm khởi đầu đã đưa đến độc tài cá nhân, còn điều 58 trong hiến pháp 1967 đã thể hiện các yếu tính dân chủ cần thiết. Phải chăng, nhận định của Gs. Bông về điểm này thiếu công bình và không hợp lý?

 

3.     Trong Tình Trạng Khẩn Trương

Kế tiếp, Gs. Bông phê bình:

 

Trái với nguyên tắc phân nhiệm mà điều 3 ghi rõ là ‘nguyên tắc phân nhiệm giữa hành pháp và lập pháp phải rõ rệt’. Hiến pháp 1956 dành cho tổng thống quyền ký sắc lệnh giữa 2 khóa họp quốc hội, quyền ký sắc lệnh tuyên bố tính trạng khẩn cấp, báo động hoặc giới nghiêm.

Vì Gs. Bông trich dẫn không được đầy đủ trước khi phê bình, có thể gây ngộ nhận cho người đọc, người viết xin ghi lại nguyên văn những điểu khoản trong hiến pháp 1956 mà giáo sư muốn đề cập đến. Đó là điều khoản 41 và 44.

Điều 41 qui định:

Giữa hai khóa họp quốc hội. Tổng thống vì lý do khẩn cấp có thể ký sắc luật. Các sắc luật này phải được chuyển đến văn phòng quốc hội ngay khi ấy.

Trong khóa họp thường lệ tiếp cận nếu Quốc Hội không bác bỏ các sắc luật ấy sẽ được coi hẳn như những đạo luật.

Một điều hết sức quan trọng, theo người viết, là Gs. Bông vì vô tình hay cố ý bỏ sót nhóm chữ vì lý do khẩn cấp,  và câu Các sắc luật này phải được chuyển đến văn phòng quốc hội ngay khi ấy đã làm thay đổi toàn bộ ý nghĩa của văn kiện pháp lý này. Thật vậy, không thể quan niệm được rằng, trên thế giới ngày nay, lại có một hiến pháp của một quốc gia dân chủ, trong tình trạng bình thường, mà Lập pháp lại nhường sáng quyền làm luật và biểu quyết các đạo luật của mình cho cơ quan hành pháp, như Gs. Bông đã đề cập.

 

Nhưng trong tình trạng chiến tranh hay khẩn cấp, không những các quốc gia đang phát triển mà ngay cả những quốc gia có truyền thống dân chủ lâu đời như Anh, Pháp đều dành cho Hành pháp được quyền ban hành các sắc luật cần thiết để ổn định tình thế, duy trì an ninh quốc phòng để cứu nguy quốc gia.

 

Giờ đây, chúng ta thử trở lại tìm hiểu điều 41, theo cách trình bày không đầy đủ của Gs. Bông, khiến người đọc có cảm tưởng rằng, tổng thống Đệ I Cộng Hòa, có thể lợi dụng thời gian quốc hội nghỉ, giữa 2 khóa họp thường lệ, ban hành các sắc luật, để tránh sự kiểm soát của quốc hội.

 

Sự thật thì khác hẳn,  theo điều 41 trong hiến pháp Đệ I Cộng Hòa, tổng thống chỉ có thể ký sắc luật  vì lý do khẩn cấp,  và Các sắc luật này phải được chuyển đến văn phòng quốc hội ngay khi ấy. Câu văn này có mục đích gì? Nghĩa là khi văn phòng quốc hội nhận được sắc luật do hành pháp chuyển qua, nếu văn phòng xét thấy có những điều không thích hợp… có thể, với sự đồng ý của đa số dân biểu, triệu tập một khóa họp bất thường, như được qui định trong điều 64 của hiến pháp, để cứu xét, thảo luận và biểu quyết bác bỏ sắc luật đó. Ngược lại, nếu những sắc luật do tổng thống ký, bao gồm những điều họp lý và cần thiết cho tình trạng khẩn cấp, thì văn phòng quốc hội theo thủ tục bình thường như đã được qui định trong điều 41 là đợi đến khóa họp thường lệ tiếp cận nếu Quốc Hội không bác bỏ thì các sắc luật ấy mới được coi hẳn như những đạo luật.

 

Tóm lại, trong bất cứ trường hợp nào, quốc hội vẫn còn giữ đầy đủ thẩm quyền làm luật của mình, Hoàn toàn khác hẳn với điều Gs. Bông đã viết Hiến pháp 1956 dành cho tổng thống quyền ký sắc lệnh giữa 2 khóa họp quốc hội và đãsự can thiệp tích cực của hành pháp vào lãnh vực lập pháp. như cách diễn tả, hình như, cố ý của Gs. Bông, để người đọc hiểu lầm về đặc tính pháp lý này trong hiến pháp 1956 của Đệ 1 Cộng Hòa Việt Nam.

Và điều 44 trong hiến pháp 1956 qui định:

 

Tổng thống có thể ký sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp, báo động hoặc giới nghiêm một hay nhiều vùng, các sắc lệnh này có thể tạm đình chỉ sự áp dụng một hoặc nhiều đạo luật tại những vùng đó.

 

Gs. Bông đã phê bình như sau:

Trái với nguyên tắc phân nhiệm mà điều 3 ghi rõ là ‘nguyên tắc phân nhiệm giữa hành pháp và lập pháp phải rõ rệt’. Hiến pháp 1956 dành cho tổng thống…, quyền ký sắc lệnh tuyên bố tính trạng khẩn cấp, báo động hoặc giới nghiêm. Và Gs. Bông cho rằng đãsự can thiệp tích cực của hành pháp vào lãnh vực lập pháp.

Nói một cách khác, Gs. Bông muốn chỉ trích điều 44 này đã vi phạm nguyên tắc phân nhiệm giữ hành pháp và lập pháp, vì điều khoản này của hiến pháp1956, đã cho phép tổng thống  ký sắc lệnh tuyên bố tính trạng khẩn cấp, báo động hoặc giới nghiêm một hay nhiều vùng, các sắc lệnh này có thể tạm đình chỉ sự áp dụng một hoặc nhiều đạo luật tại những vùng đó.

 

Một lần nữa, người viết xin trưng dẫn nguyên văn một đoạn văn khác trong tác phẩm của Gs. Bông mà người viết, vừa dẫn chứng trên, để người đọc thấy rõ sự sai lầm của Gs. Bông trong việc phê bình hiến pháp 1956. Sau đây là phần Gs. Bông viết về:

Hiến Định Pháp và Tình Trạng Khẩn Trương

Không một nước nào mà tình trạng khủng hoảng, khẩn cấp, khác thường, không đặt ra vấn đề quyền hạn đặc biệt của chính quyền liên quan đến nền pháp trị.

Hiến pháp Hiệp Chủng Quốc 1787 không đề cập đến vấn đề này. Nhưng tất cả các tổng thống nhậm chức trong những lúc quốc gia trải qua cơn khủng hoảng đều khẳng định rằng tổng thống có quyền dùng biện pháp đặc biệt trong tình trang khẩn cấp, tổng thống Lincoln, vào đầu trân giặc Nam Bắc phân tranh, đã dám ký sắc lệnh đình chỉ tất cả tự do công cộng và trước nghị viện ông thuyết minh hành động mình, viện lẽ khẩn cấp và lời tuyên thệ giữa gìn hiến pháp và bảo vệ quốc gia.

Ở nước Anh, vào cuối thế kỷ thứ 19, giữa lúc phiến loạn lan tràn trên địa phận Ái Nhĩ Lan chính phủ bắt buộc ký hàng chục sắc lệnh đặc biệt Peace Preservation Acts. Vào cuối năm 1920, quốc hội Anh đã biểu quyết đạo luật, hiện nay còn hiệu lực, về quyền hành khẩn cấp (Emergency Power Act)[23], một đạo luật có tính cách thường trực cho phép chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp[24] trong trường hợp đình công hay bạo động, làm tê liệt thông thương và an ninh và dùng tất cả biện pháp cần thiết để vãn hồi trật tự công cộng.

Hai thí dụ trên đây chứng tỏ rằng, mặc dù hiến pháp không định trước và trong những nước mà nền pháp trị được áp dụng hoàn toàn, cơ quan hành pháp lắm lúc phải vượt hẳn thẩm quyền của mình và cơ quan lập pháp phải đề cập đến việc cho phép chính phủ đối phó tình thế đặc biệt.

Có lẽ để tránh mọi khó khăn và tranh luận về tính cách hợp hiến của tình trạng khẩn trương một phần lớn các hiến pháp sau thế giới đại chiến thứ hai, rút kinh nghiệm đã qua đã đề cập đến tình trạng khẩn trương. Hiến pháp Miến Điện điều 110 qui định: “Bất cứ lúc nào quốc hội không họp và nếu thấy tình thế đòi hỏi những biện pháp cấp tốc thì tổng thống có thể ban hành những sắc lệnh cần thiết có hiệu lực như luật lệ của quốc hội”.

Cùng với ý tưởng ấy, những lời lẽ khác nhau, tùy xứ, Chính phủ, Tổng thống, Nhà vua có quyền ký sắc lệnh.

“Trong những trường hợp bất thường, tối cần và khẩn cấp, hiến pháp Cộng Hòa Ý Đại Lợi 1948, điều 11.”

“Trong trường hợp tối cần, hiến pháp Cộng Hòa Ả rập Thống Nhất 1958, điều 53.”

“Trong trường hợp cực kỳ khẩn cấp, hiến pháp Đan Mạch 1953, điều 23”

“Và ... điều thứ 16, Hiến pháp 1958 của Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp được áp dụng và gây nhiều tiếng vang trong dư luận nước Pháp.”[25]

Sở dĩ, người viết đã trích dẫn dài dòng, làm phiền lòng người đọc không ít, vì trước hết muốn chứng minh sự mâu thuẫn trong lập luận của Gs. Bông khi phẩm bình về Hiến Pháp Đệ 1 Cộng Hòa Việt Nam.

Thật vậy, một mặt, khi phê bình về điều 44, Gs. Bông cho rằng các nhà Lập Hiến 1956 không những đã vi phạm nguyên tắc phân nhiệm giữa hành pháp và lập pháp, mà chính họ đã long trọng xác nhận trong điều 3 của hiến pháp; hơn nữa, họ còn dành cho tổng thống Diệm một ưu thế quá mức đã dẫn đến độc tài cá nhân…

Mặt khác, trong phần Hiến Định Pháp và Tình Trạng Khẩn Trương, Gs. Bông đã tường trình khá đầy đủ rằng, ngày nay không những trong các quốc gia có truyền thống dân chủ lâu đời như Hoa Kỳ, dù hiến pháp được soạn thảo trong thời bình, nên không dự trù dành cho tổng thống những quyền hành đặc biệt trong tình trang bạo loạn, khủng hoảng hay chiến tranh. Nhưng tất cả các tổng thống nhậm chức trong những lúc quốc gia trải qua cơn khủng hoảng đều khẳng định rằng tổng thống có quyền dùng biện pháp đặc biệt trong tình trang khẩn cấp…và cơ quan lập pháp đều biểu quyết chấp nhận dành cho tổng thống những quyền hạn đó. Còn ở Anh quốc, không có hiến pháp thành văn và cương tính như Hoa Kỳ hay các quốc gia khác, nhưng trước khi thế chiến thứ 2 xãy ra vào năm 1939, Nghị Viện Anh  đã thông qua  đạo luật Khẩn Trương (Emergency Power Act) dành cho chính phủ được quyền ban hành Lệnh Thiết Quân Luật hay Giới Nghiêm[26] trên toàn lãnh thổ, để cứu nguy quốc gia.

Và sau thế chiến 2, như Gs. Bông đã trưng dẫn, các hiến pháp của các nước từ các quốc gia Á Phi như Miến Điện, Ai Cập đến quốc gia tiền tiến như Đan Mạch, Pháp, trong hiến pháp Đệ 5 Cộng Hòa đều cho phép Hành Pháp ký sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp, báo động hoặc giới nghiêm…giống hệt như điều 44 của hiến pháp 1956 của Đệ 1 Cộng Hòa Việt Nam.

 

Tóm lại, chúng ta thầy rằng Gs. Bông đã biết, đã hiểu và đã ý thức rất rõ rằng việc lập pháp dành cho hành pháp được quyền tuyên bố tính trạng khẩn cấp, báo động hoặc giới nghiêm đã trở thành một định lệ pháp lý và chính trị chung cho hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nhưng khi các nhà lập hiến Việt Nam ghi vào hiến pháp 1956, thì bị Gs. Bông cho rằng nó đã vi phạm những nguyên tắc căn bản về phân nhiệm hay phân quyền trong luật hiến pháp. Điều này thật khó hiểu? Phải chăng vì thiên kiến và quyền lợi chính trị đã chi phối lối nhận định của Gs. Bông?

 

 

 

 

Và trong thực tế, dưới thời Đệ 1 Cộng Hòa Việt Nam, tổng thống Ngô Đình Diệm đã ký sắc lệnh số 209 TTP ngày 15. 10. 1961, tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn lãnh thổ. Và tiếp theo, quốc hội đã căn cứ vào điều 42 của hiến pháp, mau chóng biểu quyết đạo luật số 13/6  vào ngày 19. 10. 1961 ủy quyền cho tổng thống ban hành các sắc luật về các biện pháp an ninh quốc gia và điều động nhân lực, trong thời hạn một (1) năm.[27]

Sau hết, mặc dù Gs. đã tường trình khá đầy đủ về vấn đề Hiến Định Pháp và Tình Trạng Khẩn Trương; tuy nhiên, để người đọc có một cái nhìn khoa học, công bình và thực tế hơn về việc quốc hội ủy quyền cho chính phủ ban hành những sắc luật tạm đình chỉ những quyền tự do dân sự trong trường hợp khẩn trương, người viết xin theo phương pháp luật học đối chiếu thử so sánh với các định chế  pháp lý của hai quốc gia tiến bộ láng giềng với chúng ta ở Á Châu như Cộng Hòa Tân Gia Ba và Công Hòa Trung Hoa (Đài Loan) và các định chế quốc tế khác.

1.      Cộng Hòa Tân Gia Ba

Ở Cộng Hòa Tân Gia Ba, khi đảo quốc nay gia nhập Liên Bang Mã Lai Á vào năm 1963, đạo luật An Ninh Nội Chính của Mã Lai (Malaysian Internal Security Act), cũng được áp dụng cho Cộng Hòa Tân Gia Ba. Và sau khi ly khai khỏi Liên Bang này vào 1965, đạo luật này vẫn được duy trì tại quốc gia đảo quốc này. Tương tự như các điều luật quân sự ở Anh quốc, trong thời thế chiến 2 và ở Đài Loan trong thời kỳ Thiết Quân Luật, Quốc Hội của đảo quốc này cho phép chính quyền ban hành các sắc luật đình chỉ sự mọi quyền tự do công cộng, quyền lập hội, quyền đình công, các giới chức quân sự có quyền khám xét tư gia, bất luận đêm ngày, có quyền bắt và tạm giam bất cứ người nào, chỉ vì lý do bảo đảm việc duy trì trật tự và an toàn công cộng, mà không cần quyết định của tòa án. Quyền kiểm duyệt các phương tiện truyền thông, sách báo, chỉ định cư trú cho những người xét ra có hại cho an ninh quốc gia, đóng cửa các nơi tụ họp công cộng. Quyền kiểm tra các trương mục ngân hàng của những phần tử bị nghi ngờ tiếp tay cho cộng sản.. Đến năm 1965, Cộng Hòa Tân Gia Ba có hiến pháp mới, nhưng một đều khoản trong chương 4 của văn kiện pháp lý này qui định:

Điều khoản này sẽ không làm vô hiệu bất cứ đạo luật nào:

Có hiệu lực trước khi hiến pháp được ban hành, cho phép bắt và tạm giam bất kỳ người nào lợi ích của sự an toàn công cộng, hòa bình và ổn định trật tự.[28]

Chính vì vậy mà phần lớn các điểu khoản đạo luật An Ninh Nội Chính vẫn còn có hiệu lực tại đảo quốc này, nghĩa là Cộng Hòa Tân Gia Ba hiện nay vẫn còn duy trì các hạn chế về quyền tư do công cộng như tự do ngôn luận, chỉ trích chính phủ, hội họp, lập hội, đình công…

 

2.      Cộng Hòa Trung Hoa (Đài Loan)

 

Ngày 19 tháng năm 1949, Bộ Trưởng Quốc phòng, Cộng Hòa Trung Hoa, Chen Cheng, đã ban hành "Lệnh Thiết quân luật trên toàn lãnh thổ Đài Loan. Trong thời gian này, các giới chức quân sự thay thế các viên chức dân sự trong việc điều hành cơ cấu chính quyền trung ương và địa phương.

 

Và hầu hết những quyền tự do dân sự công cộng đều bị cấm đoán, như quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, lập hội, lập đảng chính trị, diễn hành, biểu tình, đình công, đặc biệt quyền tự do báo chí bị kiểm duyệt gắt gao, các báo phải nộp bản trước khi phát hành. Nhưng điều đáng nói hơn cả là chính quyền, chỉ cần viện dẫn lý do an ninh quốc gia, có quyền bắt giữ bất cứ người nào, không cần trát của tòa án và có thể giam giữ bao lâu cũng được, mà không cần đưa ra tòa án xét xử…

Lệnh thiết quân luật này chỉ được bãi bỏ, bởi Tổng Thống Tưởng Kỉnh Quốc vào ngày 15. 7. 1987, nghĩa là luật này đã áp dụng hơn 38 năm tại đảo quốc này. Đây là quốc gia trên thế giới áp dụng lệnh thiết quân luật lâu nhất trong thế kỷ 20[29]. Tuy nhiên, hiện nay, ở Đài Loan, mặc dù Lệnh Thiết Quân Luật đã chấm dứt, quyền tự do ngôn luận, hội họp và báo chí vẫn bị đình chỉ thi hành, bởi qui đinh của Đạo luật An Ninh Quốc Gia (National Security Law) được quốc hội thông qua vài ngày trước khi Lệnh Thiết quân Luật bị bãi bỏ vào năm 1987.

 

3.      Liên Hiệp Quốc và các Tổ Chức Quốc Tế Khác

Và ngày nay, chính Liên Hiệp Quốc cũng như các Tổ Chức Quốc Tế của các Châu lục đều công nhận việc đình chỉ thi hành một một số quyền tự do dân sự là chính đáng để bảo vệ sự sống còn của quốc gia trong tình trạng khẩn cấp. Thực vậy, điều 4 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) của Liên Hiệp Quốc, cho phép các quốc gia không thi hành một số quyền dân sự được bảo đảm trong công ước này vào thời gian khẩn cấp công cộng[30].  

 

Các Công ước Châu Âu và Mỹ Châu về Nhân quyền cũng có những điều luật tương tự qui định về việc giới hạn thi hành một số quyền dân sự trong tình trạng khẩn cấp[31].

 

Chính vì những sự kiện chính trị trên đây mà Gs. Nguyễn Độ, nguyên Khoa Trưởng Trường Đại Học Luật Khoa Saigòn trước năm 1975, khi nhận xét về điều 44 của hiến pháp 1956, đã cho rằng tổng thống Diệm cần phải có nhiều quyền hành rộng lớn hơn nữa, để cứu nguy quốc gia, đem lại sự an ninh và trật tự cho đồng bào, chống lại một cách hữu hiệu cuộc chiến tranh du kích, phá hoại và khuynh đảo của cộng sản.. Nguyễn Độ viết:

Theo Hiến Pháp Đệ 1 Cộng Hòa, có lẽ vì nhà Lập Hiến hồi đó quên rằng tại Việt Nam tình trạng giới nghiêm được qui định trong luật 9. 8. 1849 ban hành do Sắc luật 30. 12.1916 tại Nam Phần và các nhượng địa, nên đã căn cứ vào vài án lệ thuộc về tình trạng chiến tranh tại Pháp Quốc để quyết định rằng các sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp, báo động hoặc giới nghiêm trong một hay nhiều vùng có thể tạm đình chỉ sự áp dụng một hoặc nhiều đạo luật tại những vùng đó. Thực ra quyền hạn của Hành Pháp cần phải được nới rộng hơn nhiều.[32]

Tóm lại, sau khi khảo sát các học thuyết chỉ đạo luật hiến pháp, tìm hiểu quan điểm của những nhà lập hiến của Đệ 1 và Đệ 2 Cộng Hòa Việt Nam, cũng như dùng phương pháp luật học đối chiếu để tìm hiểu hiến pháp của một số quốc gia  có truyền thống dân chủ lâu đời tại Âu Mỹ cũng như một số các quốc gia đang phát triển, nhưng có một đời sống chính trị ổn định và tiến bộ như Tân Gia Ba và Đài Loan, đều cho rằng trong tình trạng chiến tranh, khủng hoảng chính trị, kinh tế hay khẩn cấp, lập pháp cần phải ủy quyền cho hành pháp có những quyền hành rộng rãi và ký các sắc luật cần thiết để ổn định tình thế và cứu nguy quốc gia. Hơn nữa, Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) của Liên Hiệp Quốc có hiệu lực sau ngày 23. 3. 1976 và mới đây các tổ chức quốc tế ở Châu Âu và Châu Mỹ đều công nhận trong tình trạng chiến tranh hay khẩn cấp, chính quyền các quốc gia sở tại đều có quyền tạm đình chỉ một số những quyển dân sự và chính trị để mưu tìm các biện pháp bảo vệ quốc gia, duy trì an ninh và trật tự cho dân chúng.

 

Từ các luận cứ trên đã cho chúng ta thấy rằng sự kiện Gs. Bông cho rằng việc Quốc Hội Đệ 1 Cộng Hòa Việt Nam cho phép tổng thống Ngô Đình Diệm đình chỉ việc thi hành một số các quyền chính trị và dân sự là sai lầm, cũng như chỉ trích Quốc hội cho phép Tổng thống ban hành những sắc lệnh hay sắc luật trong tình trang chiến tranh hay khẩn cấp là sai luật và điều này đã dẫn đến tình trạng độc tài cá nhân dưới thời Đệ 1 Cộng Hòa, là không hợp lý và thiếu sót. Thực vậy, trong thực tế, qua phần lược trình trên đây của người viết về những biện pháp kiểm soát gắt gao mà chính quyền của các quốc gia tây phương tiền tiến như Hoa Kỳ, Anh, Pháp và các quốc gia đang phát triển như Tân Gia Ba và Đài Loan đã áp dụng trong thời kỳ chiến tranh và trong tình thế cộng sản gây rối; đã cho những người còn chút công tâm phải nhận thấy rõ rằng những biện pháp mà tổng thống Ngô Đình Diệm đã áp dụng chống lại cộng sản khủng bố và phá hoại vào thời đó, còn quá dễ dãi và chưa cứng rắn đủ để có thể ổn định tình thế và chiến thắng cộng sản xâm lược từ miến Bắc vào. Và điều này cũng chứng tỏ rằng những lời phê bình của Gs. Bông, hình như, không những, không phản ảnh đúng bối cảnh lịch sử chính trị của Việt Nam thời đó, mà còn tỏ ra không công bình, không hợp lý, thiếu sáng suốt, nhưng điều đáng tiếc nhất là Gs. Bông đã vô tình hay cố ý, cắt bỏ một một số chi tiết trong các đoạn văn của Bản Hiến Pháp 1956, khi phê bình để tạo nên những ngộ nhận cho người đọc về văn kiện pháp lý này. Và sau hết và cũng là điều đáng buồn hơn hết, Gs. Bông đã không ngần ngại phơi bày những mâu thuẫn ngay trong lập luận của chính mình, chỉ vì thiên kiến chính trị…? Điều này, hình như, theo quan điểm thô thiển của người viết, đã khiến bài viết của Gs. Bông mất đi tất cả những giá trị khách quan và khoa học đáng kính của một giảng văn ở cấp đại học, để biến thành một tài liệu tuyên truyền của Cơ QuanTâm Lý Chiến nhằm củng cố quyền lực của một số rất ít tướng lãnh Việt Nam bất xứng, nhận tiền của Hoa Kỳ, ám sát tổng thống Diệm, lên nắm quyền vào năm 1963.

Để thêm vào phần kết luận, người viết mong được phép nêu lên một câu hỏi, sau 49 năm tổng thống Ngô Đình Diệm bị thảm sát, lịch sử đã để lại cho ta bài học nào?

 

Phải chăng tổng thống Diệm độc tài cá nhân, gia đình trị, loại trừ các đảng phái đối lập hay nói một cách bóng bẫy như Gs. Bông, Một sự tập trung quá mức quyền hành cùng sự thủ tiêu đối lập và sự hiện diện của một chính đảng duy nhất đã đưa chế độ Ngô Đình Diệm lần lần đi đến một chế độ quyền hành cá nhân áp dụng những phương tiện chuyên chế mà tiếng súng ngày 1. 11. 1963 đã đưa vào dĩ vãng.[33]

 

Gần một nữa thế kỷ đã trôi qua, thời gian đã cho chúng ta có đủ sự bình tâm để nhìn lại những biến cố của lịch sử một cách trung thực hơn. Thực vậy, nếu chúng ta so sánh những biện pháp mà chính phủ Anh quốc trong thế chiến 2, và những điều luật pháp lý mà 2 quốc gia láng giềng tiến bộ như Cộng Hòa Tân Gia Ba và Cộng Hòa Trung Hoa (Đài Loan), thi hành trong những ngày mới lập quốc vào đầu thập niên 1950 như Việt Nam Cộng Hòa của chúng ta; chúng ta thầy rất rõ rằng Tổng Thống Ngô Đình Diệm còn quá dễ dàng, chưa cương quyết đủ, chưa cứng rắn đủ, người viết không muốn dùng chữ độc tài ở đây, vì như ở Anh quốc trong thế chiến thứ 2, chính phủ đã ban hành những điều luật quốc phòng (Defence Regulations) rất khắc khe như đình chỉ sự mọi quyền tự do công cộng, quyền lập hội, quyền đình công, các giới chức quân sự có quyền khám xét tư gia, bất luận đêm ngày, mà không cần trát của tòa án, quyền kiểm duyệt các phương tiện truyền thông, sách báo, kiểm duyệt thư tín, chỉ định cư trú cho những người xét ra có hại cho an ninh quốc gia, đóng cửa các nơi tụ họp công cộng, ấn định việc phân phối lương thực, nước uống, xăng dầu cho dân chúng, qui định việc đóng cửa, tắt đèn, dập tắt lửa..của các gia đình hằng đêm… để địch quân không phỏng đoán được vị trí quân sự…

 

Chính phủ Anh Quốc đã làm như vậy, nhưng không ai bảo Thủ Tướng Winston Churchill thời đó là độc tài, tại sao? Phải chăng, vì đó là những biện pháp cần phải thi hành để cứu nguy quốc gia trong thời chiến?

 

Còn ở Tân Gia Ba và Cộng Hòa Trung Hoa thì sao? Họ cũng đã áp dụng những điều luật Tương tự như các điều luật quân sự ở Anh quốc, trong thời thế chiến 2, ngoại trừ việc kiểm soát phân phối lương thực, nước uống, xăng dầu cho dân chúng, qui định việc đóng cửa, tắt đèn..là không áp dụng.

 

 Còn về sinh hoạt chính đảng thì sao? ở Cộng Hòa Trung Hoa (Đài Loan), tử năm 1949 đến 1986, chỉ có một chính đảng độc nhất là Trung Hoa Quốc Dân Đảng (Kuomintang), được phép hoạt động, còn ở Cộng Hòa Tân Gia Ba, từ năm 1959 đến nay chỉ có Đảng Nhân Dân Hành Động (People’s Action Party) của Lý quang Diệu độc chiếm chính quyền. Mặc dù, đảo quốc này trên phương diện chính trị, có sinh hoạt của một vài đảng phái khác, nhưng trên thực tế, các quan sát viên quốc tế vẫn xem đây là quốc gia độc đảng (de facto one-party state).

 

Điều gì chúng ta có thể học được từ các quốc gia này, nước Anh đã thắng được cuộc chiến tranh, duy trì được nền dân chủ truyền thống, ổn định xã hội. Còn Cộng Hòa Trung Hoa (Đài Loan) và Cộng Hòa Tân Gia Ba đã tiêu diệt được du kích quân cộng sản phá hoại và khủng bố. Hai quốc gia này ngày nay đã trở thành 2 trong số 4 quốc gia có một nền kinh tế phát triển nhất tại Á châu, có một thể chế dân chủ vững chắc và một trật tự xã hội ổn định[34].

 

 

Từ những sự kiện này, chúng ta thấy những nhận xét của Gs. Bông không còn sức thuyết phục nữa hay nói khác đi, đó là một sai lầm.

 

Còn ở Việt Nam, vào năm 1963, Việt Nam là quốc gia ổn định về mọi mặt. Về chính trị, Việt Nam có một chính quyền dân chủ, hợp hiến, hợp pháp. Về quân sự, Việt Nam đang giành được những chiến thắng quyết định trên mọi trận địa và gần đạt đến thắng lợi cuối cùng để tận diệt cuộc chiến tranh du kích và khuynh đảo của CS. Về kinh tế, Việt Nam đã đạt được một chỉ số phát trển kinh tế nhanh nhất và ổn định nhất trong vùng.

Nhưng sau đó vào ngày 2. 11. 1963, một số rất ít tướng lãnh bất tài, thiếu học nhưng nhiều tham vọng, đã bị Hoa Kỳ mua chuộc, ám sát tổng thống Diệm và khi lên cầm quyền, các tướng lãnh đã đưa đất nước vào một tình trạng khủng hoảng chính trị triền miên, trong vòng 15 tháng có đến 7 chính phủ thay nhau cầm quyền và cuối cùng miền Nam đã rơi vào tay cộng sản và Việt Nam Cộng Hòa đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới.

Sau ngày đảo chánh 1. 11. 1963, vì nhu cầu củng cố quyền hành và theo chỉ thị của người Mỹ, các tướng lãnh Việt Nam đã ra lệnh cho Bộ Thông Tin và cơ quan Tâm Lý Chiến viết bài lên án chế độ Ngô Đình Diệm là tham nhũng, thối nát, độc tài, gia đình trị và bí mật thương thuyết với Bắc Việt để bán đứng Miền Nam cho cộng sản… Chúng ta biết rằng, như người Mỹ đã tự thú nhận, họ thích sử dụng những tướng lãnh ít học nhưng nhiều tham vọng như Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim và Tôn Thất Đính…, trước đây là lính đánh thuê cho Pháp, không có tinh thần quốc gia, chỉ cần cho tiền, cho địa vị và chức vụ, thì dễ dàng sai khiến họ làm bất cứ điều gì. Người Mỹ cũng biết rất rõ rằng trong văn hóa Việt Nam, người ta chỉ xem trọng kẻ sĩ, còn những tướng lãnh thì ít học, không đạo đức, không uy tín, không tài cán, không khả năng thì làm sao có uy quyền để lãnh đạo quốc dân được. Vì thế chính quyền Hoa Kỳ, đặc biệt là Bộ Ngoại Giao và Đại Sứ Cabot Logde đã chỉ thị cho các tướng lãnh dùng mọi phương tiện và mọi thủ đoạn, kể cả những thủ đoạn bất chính như ngụy tạo tài liệu và thuê người viết mướn vu cáo cho Tổng Thống Diệm đủ thứ tội như vừa kể trên.. Làm như vậy để tạo hào quang cho cuộc đảo chính ngày 1. 11. 1963 và tạo công trạng cho các tướng lãnh, nhằm thu hút được sự ủng hộ của quần chúng cho cuộc chiến tranh do người Mỹ trực tiếp điều động[35].

 

Đó là thủ đoạn tuyên truyền vào giai đoạn đó của người Mỹ và ngày nay những tài liệu này hầu như đã được chính quyền Hoa Kỳ bạch hóa toàn bộ từ các điện văn, điện tín, các bản ghi nhớ, các bản phúc trình, các biên bản của các phiên họp, các dự án, các kế hoạch, các bản nghiên cứu, các chương trình hành động…của Tổng Thống Phủ, Hội Đồng An Ninh Quốc gia, Bộ Ngoại Giao, Ngũ Giác Đài, CIA và Quốc Hội Mỹ… đã phơi bày hầu hết những sự thật đáng hỗ thẹn của chính quyền Kennedy và các tướng lãnh Việt Nam, trong việc chủ mưu lật đỗ và bôi nhọ uy tín của tổng thống Diệm.

 

Những tài liệu phê bình về Đệ 1 Cộng Hòa Việt Nam được viết vào những năm, sau ngày đảo chính 1. 11. 1963 hầu hết là thiếu trung thực vì lúc đó những tài liệu mật và tối mật chưa được bạch hóa, nên một số những người viết, dù có tư cách và công tâm, nhưng không có đủ những dữ liệu lịch sử cần thiết, đã có những nhận định thiếu công bình và khách quan về Tổng Thống Diệm. Ngoài ra, còn có một số tài liệu tuyên truyền do những văn nô, đã cam tâm bẻ cong ngòi bút để xuyên tạc sự thật lịch sử chỉ vì mục tiêu tiền bạc và địa vị chính trị.

 

Tóm lại, ngày nay, hầu hết sự thật lịch sử đã được đưa ra ánh sáng dù cho bùa phép và bóng đen của phù thủy vẫn còn cố tình che đậy vì những quyền lợi vị kỷ của phe nhóm.

 

Tiến Sĩ Phạm Văn Lưu

Melbourne 11. 2012

 


[1] Ông Bùi Tuân đã dựa theo kết quả cuộc Trưng Cầu Dân Ý trong Bản Tuyên Bố của Tổng Trưởng Nội Vụ, ngày 26. 10. 1955, xem trong Qui Pháp Vựng Tập, Quyển I, Tòa Tổng Thư Ký, Tổng Thống Phủ, Saigòn 1959, tr. 12

[2] Bùi Tuân, đàm Luận với người viết, 23. 01. 1966 tại Huế

[3] Gs. Vũ Quốc Thông, Đàm luận với người viết, tại Viện Đại Học Dalạt, tháng 2. 1967.

[4] Dù rằng lối hành văn của Gs. Bông ở đoạn này không được rõ ràng cho lắm.

[5] Nguyễn Văn Bông, Luật Hiến Pháp và Chính trị Học, Saigòn, 1971, tr. 628-29

[6] M. G. Burns,  Government by the People, Prentice Hall, 1964, tr. 453

[7] John Lock, được biết đến như là cha đẻ của chủ thuyết Tự Do Cổ Điển (classical liberalism), các tác  phẩm của ông đã ảnh hưởng sâu đậm đến tư tưởng của các  lý thuyết gia dân chủ của Pháp như Voltaire và J. J Rousseau. Đặc biệt, tư tưởng của ông đã góp phần trong việc hình thành Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hiệp Chủng Quốc.

[8] S. Corvin, The constitution and What it means Today, Princeton University, 1948, tr. 85

[9] Điều 16 trong Hiến Pháp Đệ 5 Cộng Hòa Pháp Quốc ngày 4. 10 1958 viết như sau: Where the institutions of the Republic, the independence of the Nation, the integrity of its territory or the fulfilment of its international commitments are under serious and immediate threat, and where the proper functioning of the constitutional public authorities is interrupted, the President of the Republic shall take measures required by these circumstances, after formally consulting the Prime Minister, the Presidents of the Houses of Parliament and the Constitutional Council.

[10]Les pouvoirs exceptionnels du président, official governmental website (French)  

[11] Nguyễn Văn Bông, Luật Hiến Pháp và Chính trị Học, Saigòn, 1971, tr. 565

[12] Thật tế, tên ông rất dài, Charles-Louis de Secondat, baron de La Brède et de Montesquieu (1689 –1755), nên người ta thường gọi tắt là Montesquieu.

[13] Trong điều 3 Hiến Pháp Đệ I Cộng Hòa ghi rõ:

Quốc Dân ủy nhiệm vụ hành pháp cho Tổng thống dân cử và nhiệm vụ lập pháp cho Quốc hội cũng do dân cử.

Sự phân nhiệm giữa hành pháp phải rõ rệt. Hoạt động của các cơ quan Hành pháp và Lập pháp phải được điều hòa.

Tổng thống lãnh đạo quốc dân.

Xem Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa, 1956, Saigòn, Bộ Thông Tin, 1956. Bản Việt ngữ, và có thể xem trong phần tài liệu của Gs. Nguyễn Độ, Luật Hiến Pháp, quyển 1, Sàigòn, Tủ Sách Hồng Đức, 1973, tr.170-190.

[14] The Constitution of The Republic of Vietnam, Saigon, The secretariat of State for Information, October 26, 1956, tr. 23.

[15] Vũ Quốc Thông, Sự Thành Lập Chế Độ Cộng Hòa Nhân Vị, Quê Hương, số 16, tháng 10. 1960, tr.1-39 và 245-262.

[16] Vũ Quốc Thông, Ibid.

[17] Thực sự trong Chính trị học và Luật Hiến Pháp, thuật ngữ, quốc gia, quốc Dân và Nhân Dân, có ý nghĩa rất khác biệt. Rất tiếc, trong giới hạn của một bài báo, không cho phép người viết giải thich các thuật ngữ này một cách chi tiết

[18] Lê Đình Chân, Luật Hiến Pháp, Khuôn Mẫu Dân Chủ, Tủ Sách Đại Học, Saigòn, 1975, tr. 34

[19] Gs. Nguyễn Độ, Luật Hiến Pháp, Quyển 2, Loai Sách Hồng Đức, Saigòn 1974, tr. 91.

[20] Gs. Lê Đình Chân, Luật Hiến Pháp và Các Định Chế Chính Trị, Tủ Sách Đại Học, Saigon, 1973, tr. 134

[21] Luật sư Trương Tiến Đạt, Hiến Pháp Chú Thích, Saigon, 1967, tr. 268-269

[22] Một điểm khác cần lưu ý ở đây là vì hiến pháp Việt Nam 1967 theo một thể chế Bán Tổng Thống, nên quốc hội cũng có quyền khuyến cáo tổng thống cải tổ chính phủ. Đó là sự khác biệt có tính cách hiến định giữa 2 bản hiến pháp của Việt Nam Cộng Hòa  trước đây.

 

[23] Có lẽ ở điểm này, Gs. Bông đã nhầm lẫn, thực sự đạo luật Emergency Power Act  đã được Nghị Viện Anh Quốc thông qua ngày 24. 8 1939, chỉ một ngày sau khi Đức và Liên Sô ký Nazi-Soviet Pact ngày 23. 8. 1939, chứ không phải là 1920 như Gs. bông đã viết.

[24] Có lẽ ở đây Gs. Bông dùng chữ tình trạng khẩn cấp không được chính xác, vì chữ State of Siege, nếu dịch sát nghĩa là tình trạng bị bao vây, và trong danh từ luật pháp, người ta thường dịch là tình trạng Thiết Quân Luật hay là tình trạng Giới Nghiêm. Thật vậy Tình Trạng Thiết Quân Luật rất khác với Tình Trạng Khẩn Trương, vì trong Tình Trạng Thiết Quân Luật, cho phép nhà cầm quyền quân sự nắm quyền điều hành trong vùng bị bao vây hay trên toàn lãnh thổ, tùy theo trường hợp, thay thế cho nhà cầm quyền dân sự và mọi tội phạm , dù là thường phạm, cũng sẽ bị đưa ra xét xữ trước tòa án quân sự, chứ không cỏn thuộc thẩm quyền của tòa án dân sự nữa.

[25] Nguyễn Văn Bông, Luật Hiến Pháp và Chính trị Học, Saigòn, 1971, tr. 629-631

[26] Không phải như Gs. Bông đã viết nhầm là tình trạng khẩn trương, xin xem lại chú thích 23 và 24

[27] Xem Công  Báo Việt Nam Cộng Hòa ngày 19. 10. 1961, tr. 3606-F

[28] Xem Hiến Pháp cùa Cộng Hòa Tân Gia Ba, 1965

[29] Nhưng sau này, có lẽ đã bị xếp xuống hàng 2, sau Syria áp dụng Lệnh thiết quân luật lâu gần đến nửa thế kỷ, 48 năm (1963-1011).

[30] xem  UN Treaty Collection: International Covenant on Civil and Political Rights. UN. 2012-03-06. Retrieved 2012-03-06.

[31] The European and American Conventions on Human Rights

[32] Gs. Nguyễn Độ, Luật Hiến Pháp, Quyển 2, Loai Sách Hồng Đức, Saigòn 1974, tr. 69.

[33] Nguyễn Văn Bông, Luật Hiến Pháp và Chính trị Học, Saigòn, 1971, tr. 565

[34] Ở đây, người viết cũng muốn xác nhận, khi phê bình về sự tiến bộ của một quốc gia, nếu muốn thực hiện một cách đầy đủ, người ta phải xét đến yếu tố lịch sử, văn hóa, văn minh, cơ cấu và thành phần dân số, tình trạng dân trí, định chế chính trị quốc gia, cơ cấu kinh tế cũng như chương trình và kế hoạch phát triển quốc gia cùng nhiều yếu tính khác nữa… Còn ở đây trong pham vị một bài báo nhỏ hẹp, người viết chỉ muốn khung định vấn đề trong những biện pháp chống lại sự phá hoại của du kích quân cộng sản và phương cách cứu nguy quốc gia  trong tình trạng khủng hoảng của chiến tranh.

[35] Việc Luận Công Định Tội một số những tướng lãnh đã chủ mưu cuộc đảo chính ngày 1. 11. 1963 cũng như các tướng lãnh đã tham gia vào các biến động kế tiếp,  sẽ được trình bày đầy đủ trong tác phẩm Cơn Sốt Chính Trị Việt Nam, 1963-1966, của người viết sẽ được xuất bản vào năm tới.