Tiếp theo bài giới thiệu về các chữ Hán - Nôm tại mặt tiền nhà thờ giáo họ Vinh Trung, chúng tôi xin giới thiệu về hai câu đối chữ Hán tại nhà thờ giáo họ Lai Thành, dâng kính thánh Giu-se Thợ, thuộc giáo xứ Hoài Lai, giáo phận Phát Diệm[1].
Phiên âm
Câu đối 1:
Vế phải: Thiên thu kí tích, kim đài tĩnh phối Nữ Vương, siêu bách thánh;
Vế trái: Vạn cổ lưu phương, thạch cốc danh xưng Chủ Phụ, quán quần thần.
Thượng khoản: Ất Mùi niên xuân
Hạ khoản: Xà Cừ thị đồng thị cung tiến
Câu đối 2:
Vế phải: Nữ trung ý đức cao thiên thánh;
Vế trái: Thiên thượng kì hoa mãn bách hương.
Thượng khoản: Thành Thái Kỉ Hợi xuân
Hạ khoản: cung tiến
Nhận xét
Câu đối 1:
Về hình thức, các chữ Hán trong câu đối này được viết theo lối khải, với kĩ thuật khảm trai, nét chữ chân phương, khá đẹp và sắc sảo. Phần thượng khoản ghi Ất Mùi niên xuân. Ngôi nhà thờ này được xây dựng năm 1890. Từ năm xây dựng đến nay có hai năm Ất Mùi, 1895 và 1955. Chúng tôi cho rằng câu đối này được làm vào mùa xuân năm 1895. Phần hạ khoản ghi Xà Cừ thị đồng thị cung tiến, nghĩa là chợ Xà Cừ cùng mua để kính dâng. Xà Cừ có thể là tên riêng của một địa danh, một nơi họp chợ. Hẳn những người buôn bán ở khu chợ này đã góp tiền và dâng câu đối cho nhà thờ. Xà Cừ lại cũng có thể dùng để chỉ nghề khảm xà cừ, tức là khảm trai. Nếu Xà Cừ là tên một khu chợ thì hiện chúng tôi chưa xác định được cụ thể địa danh này.
Theo cách ngắt câu mà chúng tôi đề nghị ở phần trên, câu đối này thuộc loại hạc tất, tức là loại câu đối gối hạc, mỗi vế được chia thành ba phần.
Câu đối 2:
Câu đối này cũng bằng chữ Hán và viết theo lối khải, khảm trai, nét chữ chân phương, khá đẹp, nhưng không sắc sảo bằng nét chữ trong câu đối 1 ở trên. Phần thượng khoản ghi Thành Thái Kỉ Hợi xuân, tức là năm 1899. Phần hạ khoản ghi cung tiến, tức là kính dâng. Ngoài ra không có chi nào về người dâng câu đối.
Mỗi vế của câu đối này có bẩy chữ, nên có thể coi đây là loại câu đối thơ, cũng có thể xem là loại câu đối song quan.
Đôi điều về ý nghĩa
Chúng tôi xin được tạm dịch câu đối 1 như sau:
Ngàn năm ghi dấu tích, chốn đài vàng cùng Đức Nữ Vương kết ước, cao hơn trăm ngàn các thánh;
Muôn thủa để tiếng thơm, nơi hang đá xứng danh Cha nuôi của Chúa, vượt trên tất cả quần thần.
Chúng tôi cho rằng câu đối này nhằm ca tụng thánh Giu-se, bổn mạng của họ đạo Lai Thành. Phần đầu của mỗi vế đối - thiên thu kí tích và vạn cổ lưu phương - xem ra không có gì đặc sắc, vì là những lối tán tụng quen thuộc, thường thấy nơi các câu đối ở những đền miếu thờ thành hoàng hoặc các anh hùng. Phần giữa của hai vế đối - kim đài tĩnh phối Nữ Vương và thạch cốc danh xưng Chủ Phụ - theo chúng tôi là phần hay nhất, nhưng cũng khó giải thích nhất. Kim đài (金臺) nghĩa là đài vàng. Trong Hán ngữ, kim đài có thể mang nghĩa là kinh đô. Chúng tôi cho rằng đây là một cách diễn tả riêng biệt nhằm ám chỉ Đền Thờ. Tĩnh phối Nữ Vương, theo chúng tôi, là một sáng kiến nhằm diễn tả điều được nói tới trong Mt 1,25, tức việc Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se kết hôn với nhau nhưng không ăn ở xác thịt với nhau. Kim đài tĩnh phối Nữ Vương có thể hiểu như cách diễn tả cuộc hôn nhân, nhất là lễ cưới của Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se tại Đền Thờ[2]. Thạch cốc, theo chúng tôi là cách dịch từ cách hiểu truyền thống được diễn tả trong tiếng Việt bằng hang đá, để chỉ nơi sinh của Chúa Giêsu. Thực ra, Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca chỉ nói tới nơi sinh của Chúa Giê-su tại Bê-lem, Lu-ca 2,7 thêm chi tiết “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ[3]”. Phần cuối của hai vế đối, siêu bách thánh và quán quần thần, cho thấy vị trí của thánh Giuse vượt trên tất cả triều thần và các thánh.
Có thể nói phần quan trọng nhất, phần trung tâm của hai vế đối, đã đề cập đến hai thời điểm quan trọng trong cuộc đời của thánh Giuse, kết ước với Đức Trinh Nữ Vương và đảm nhận công việc nuôi dưỡng Con Chúa làm người. Vế thứ nhất vừa diễn tả được điểm mấu chốt liên quan tới niềm tin công giáo về đời sống hôn nhân của hai vị thánh vừa phản ảnh nét riêng biệt của lễ cưới của hai vị theo cách hiểu trong truyền thống. Vế thứ hai dùng từ thạch cốc để nói về nơi sinh của Chúa Giê-su, qua đó nhấn mạnh tới vai trò Cha nuôi Con Thiên Chúa của thánh Giuse.
Chúng tôi xin tạm dịch câu đối 2 như sau:
Vế phải: Đức tốt[4]nữ nhân hơn chư thánh;
Vế trái: Hoa lạ trên trời ngập muôn hương.
Cách sử dụng từ ngữ cũng như ý nghĩa câu đối 2 kể như không có gì đặc sắc lắm. Chúng tôi cho rằng câu đối này nhằm ca tụng Đức Mẹ. Vế thứ nhất nói lên nhân đức tốt đẹp của Đức Mẹ giữa hàng phụ nữ vượt trên hết các thánh. Vế thứ hai diễn tả vẻ đẹp kì diệu của Đức Mẹ như đoá hoa lạ trên thiên giới gồm cả sắc hương ngào ngạt.
Chúng tôi vừa thử giới thiệu hai câu đối tại nhà thờ họ Lai Thành, xứ Hoài Lai, giáo phận Phát Diệm. Như đã trình bày trong bài giới thiệu mặt tiền nhà thờ họ Vinh Trung, giáo xứ Phát Diệm, chúng tôi cho rằng những câu đối này là một kiểu làm thần học của giới Nho học công giáo Việt Nam cuối thế kỉ XIX. Ưu điểm của thể loại câu đối là sự cô đọng và xúc tích. Tuy nhiên, ưu điểm này cũng đồng thời hàm chứa nhược điểm là những vấn đề được nêu lên không được trình bày một cách rõ ràng rành mạch, do vậy cần phải được giải thích. Trong khả năng hạn hẹp của mình, chúng tôi đã cố gắng giới thiệu hai câu đối này, rất mong các bậc cao minh bổ sung và chỉ giáo.
KIM ÂN
[1]Những hìnhảnh trong bài viết này do linh mục Phao-lô Nguyễn Xuân An cung cấp, hoặc chép lại từ trang điện tử http://phatdiem.org/ .
[2]Biến cố này được kể lại trong chương 8 của Tin Mừng của Giả-Mát-thêu (The Gospel of Pseudo-Matthew), và được nhiều danh hoạ thời Trung Cổ vẽ lại.
[3]Máng cỏđược dịch từ φάτνηtrong nguyên bản Hi-lạp. Từ này vừa có nghĩa là chuồng nuôi súc vật, vừa có nghĩa là máng ăn của súc vật. Truyền thống trang trí hang đá máng cỏ vào dịp lễ Giáng Sinh được cho là xuất phát từ thánh Phan-xi-cô Át-xi-di vào lễ Giáng Sinh năm 1223.
[4]Ý đức (懿德) có nghĩa là đức tốt, trong đó chữ 懿dùng để nói về người phụ nữ có đủ bốn nết ôn hoà, nhu mì, sáng lánh, chí thiện.