Thêm Đôi Điều Về Lễ Tưởng Niệm Gia Kim Định

Cố GS. Lương Kim Định.

Trên An Việt toàn cầu, học giả Lê Việt Thường có bài biết dài phê bình chúng tôi và Giáo sư Trần Ngọc Thêm, hai diễn giả chính trong Lễ Tưởng niệm cố triết gia Kim Định tai Văn Miếu Quốc tử giám ngày 14.7.2012.

Chân thành cảm ơn sự quan tâm theo dõi và góp ý của học giả, chúng tôi xin thưa lại đôi điều.

*

Tác giả viết: “chúng tôi nhớ lại cách đây khoảng 6, 7 năm, khi lần đầu tiên có dịp đọc bài viết của Vị này, chúng tôi rất đổi ngạc nhiên khi trong bài viết, Vị này tự đề nghị “đặt căn bản khoa học” cho Chủ Thuyết của Cố Triết Gia Kim Định. Nay thì lời văn trong bài tham luận mới đây đã đổi khác nhiều, có thể nói là đã xoay chiều “gần như 180 độ”!

Sự thực không phải như vậy. Nhận thức là một quá trình. Với thời gian, chúng tôi có hiểu sâu thêm về Kim Định đồng thời cũng cập nhật thêm những tri thức mới, vì vậy nhận thức cũng chuyển biến. Tuy nhiên không hề có chuyện thay đổi “gần như 180 độ”, bởi lẽ, những thâu nhận của chúng tôi về hai đóng góp lớn của Kim Định là gốc Việt và triết Việt hoàn toàn nhất quán.

Kim Định đã xây dựng tòa lâu đài văn hóa Việt nguy nga nhưng lại quá huyền ảo nên người thường không với tới được còn các nhà duy sử có nhiều lý do phản bác. Do vậy, gần nửa thế kỷ, thuyết của Kim Định chưa thực sự đến với đông đảo công chúng. Khi xác lập cơ sở khoa học cho học thuyết Kim Định là chúng tôi đã đặt học thuyết của Ông trên một nền móng khoa học vững chắc. Chính sự xác tín khoa học mà chúng tôi đề xuất đã giúp cho trong thời gian ngắn, tư tưởng của Kim Định được tiếp nhận rộng rãi. Điều này góp phần không nhỏ đưa tới Lễ tưởng niệm ngày 14 tháng Bảy 2012.

Học giả Lê Việt Thường viết:

“Chúng tôi xin bàn qua về giả thuyết “Thiên Sơn” mà có người đề cập đến. Nếu mới xem qua một cách HỜI HỢT thì chủ trương này của Sử Truyền Viễn Đông có vẻ “mâu thuẫn” với các khám phá gần đây của Di Truyền học với sự hỗ trợ của khoa Khảo Cổ liên quan đến sự thiên di lên phía Bắc của người Đông Nam Á cách đây khoảng 40.000 năm. Nhưng nếu nghiên cứu một cách NGHIÊM TÚC hơn thì có thể KHÔNG CÓ MÂU THUẪN GÌ CẢ!

Lý do thứ nhất là hai Lý Thuyết nói tới HAI LOẠI Dữ Kiện CÁCH NHAU MẤY CHỤC NGÀN NĂM. Lý do thứ hai là các khám phá Khoa Học gần đây có vẻ hỗ trợ cho chủ trương của Sử Truyền.”

Theo chúng tôi, sự thực cũng không như vậy.

Thuyết Thiên Sơn của sử truyền nói rằng: “500.000 năm trước, sống sót qua bốn lần băng giá, loài người tập trung ở phía nam dải Thiên Sơn.” Đấy là sự lầm lẫn lớn. Nếu điều này có thật thì người của thời đó là Người đứng thẳng Homo erectus, loài tiền nhiệm của chúng ta, như Người Bắc Kinh, Người Java… đã tuyệt diệt ở châu Á cách nay 250.000 năm. Còn chúng ta hiện nay thuộc Người Khôn ngoan Homo sapiens, chỉ mới xuất hiện 160.000 năm trước. Là hai loài riêng biệt, không liên quan đến nhau nên không hề có chuyện người tiền sử từ Tây Bắc xuống như sử truyền.

Nói chính xác thì khám phá di truyền học không hề hỗ trợ mà ngược lại, phủ định quan niệm sai lầm của sử truyền. Khi còn mơ hồ về chuyện này thì khó mà hiểu chính xác văn minh phương Đông.

Ông Lê Việt Thường khuyên chúng tôi thận trọng “hầu tránh những Ngộ Nhận đáng tiếc mà một câu tuyên bố tương tự cách phát biểu sau đây của diễn giả I có thể gây ra”:

“Tiếng Việt là chủ thể tạo nên tiếng Trung Hoa. Không những thế, chữ Việt cũng là chủ thể tạo nên chữ Trung Hoa…” “Bằng những chứng cứ không thể tranh cãi, chúng ta đã chứng minh được rằng, không chỉ Dịch, Thư, Thi… là sáng tạo của người Việt”

Tóm lại, Cần Phải Phân Biệt rõ ràng đâu là Phần Đóng Góp Của TÀU và đâu là Phần Đóng Góp Của VIỆT như Cố Triết Gia đã làm trong suốt Bộ Sách An Vi và Việt Nho hầu TRÁNH những Hiểu Lầm, Ngộ Nhận cũng như trường hợp người ta xử dụng nó như cái CỚ để XUYÊN TẠC Kim Định !!!

Cảm ơn lời khuyên nhủ nhưng chính sự khẳng định “Người Việt chiếm lĩnh đất Trung Hoa trước nhưng không phải từ tây bắc xuống mà lại từ chính Việt Nam lên” là phát kiến trọng đại nhất đã mở ra khúc quanh quyết định của lịch sử phương Đông và góp phần khẳng định học thuyết Kim Định.

Nửa thế kỷ trước, do khoa học chưa cho phép nên Kim Định phải thận trọng. Tuy thận trọng như vậy nhưng vì thiếu chứng cứ nên ông vẫn chịu nhiều búa rìu của dư luận mà có lúc phải thúc thủ, ông nói đại ý: “không chú ý lắm tới những dẫn chứng khảo cố. Và nếu ông sai về phần gốc Việt thì cũng chỉ sai 10%, còn Việt Nho chiếm 90%.”

Nhưng nay khoa học đã cho biết, trong suốt 40.000 năm, người từ Việt Nam đi lên xây dựng Trung Hoa thì tiếng Việt hay chữ Việt là chủ thể của tiếng nói và chữ Viết Trung Hoa cũng là điều đễ hiểu. Ở thời của mình, triết gia Kim Định chì có thể dựa vào kinh Dịch để phỏng đoán rằng người Việt làm ra chữ chân chim, chữ Khoa đẩu, chữ hình ngọn lửa. Tuy nhiên cho tới nay ta chưa có được bản văn nào bằng thứ chữ đó! Từ mấy năm trước, nhờ phát hiện chữ tượng hình cổ ở Bán Pha, Giả Hồ… chúng tôi đã đoán rằng chữ Khoa đẩu hay chữ Hỏa tự là những thể nghiệm của người Việt trên đường sáng tạo nhiều loại ký tự nhưng rồi thành công ở chữ hình vẽ với Giáp cốt văn, Kim văn. Tuy vậy, chỉ tới đầu năm nay, nhờ phát hiện chữ Lạc Việt trên rìu đá Cảm Tang, Quảng Tây, chúng tôi mới đủ chứng lý khẳng định, chữ tượng hình – chữ Nho, tiền thân của chữ Hán là do người Việt sáng tạo!

Những phát hiện trên chúng tôi đã viết báo và in thành sách, hiện có mặt trong nhiều thư viện thế giới. Chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm, và khẳng định, những phát hiện đó chỉ có tôn vinh thiên thài Kim Định, không sợ bất cứ sự xuyên tạc nào!

Thiết tưởng, những tri thức như vậy sẽ tạo sức mạnh cùng niềm tin cho những người nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt.

Nhân đây xin nói thêm đôi điều về Lễ tưởng niệm.

Như lệ thường, sau khi các diễn giả trình bày, đến phần phát biểu tự do. Phó Giáo sư Tiến sĩ T.N.V lên diễn đàn. Ông nói: “Thông thường ở một hội thảo thì được phát biểu tự do. Nhưng ở đây… Dừng lại, ngoảnh nhìn tấm phông có hàng chữ “Lễ tưởng niệm…” rồi tiếp: khó nói quá!” Khi được động viên : “Cứ nói thoải mái,” ông tiếp:

- Kim Định là linh mục và là người chống cộng. Sau 30 tháng Tư, sách của Kim Định được xếp vào hàng tài liệu phản động, cấm lưu hành. Không hiểu vì lẽ gì nay ở đây lại có cuộc tưởng niệm thế này. Trong khi đó có bao nhiêu việc phải làm. Tin nội bộ cho biết, Trung Quốc cho hàng chục tàu xuống Trường Sa. Hội nghị này có phải là để chống Trung Quốc không?

Cả hội trường sững sờ lặng đi, cái im lặng trước cơn bão.

Vị Giáo sư nói xong, ông Nguyễn Khắc Mai Giám đốc Trung tâm Minh triết bước lên bục:

- Đúng, Cụ Kim Định là linh mục và chống cộng. Điều này chúng ta đã biết. Nhưng Kim Định cũng là người yêu nước và có những công trình nghiên cứu về văn hóa Việt đặc sắc không ai làm nổi. Vì vậy, việc tưởng niệm Cụ hôm nay là tưởng niệm một nhà văn hóa lớn của dân tộc, chúng tôi nghĩ không có gì không phải. Và đây cũng là công việc bình thường, trong lịch trình từ trước, không chống Tàu hay chống ai cả!

Nhờ sự điều hành tế nhị của vị chủ xị mà không khí hội trường chùng xuống, nỗi bức xúc của mọi người được giải tỏa và vị PGS cũng không bị bẽ bàng.

Buổi chiều cùng ngày, với cử tọa hẹp hơn, ý kiến của vị PGS lại được mang ra bàn thảo. Ông Trương Quang Được, cựu thành viên Bộ Chính trị ĐCSVN nói:

- Trước khi đến đây, tôi chưa biết gì về chuyện này. Nhưng sau khi nghe các diễn giả trình bày, tôi thấy mừng quá. Có một người phát hiện những điều quan trọng như vậy về văn hóa dân tộc thật là quý giá, đáng để tổ chức tưởng niệm. Việc ông Kim Định có chống cộng cũng không sao, bởi lẽ Cương lĩnh của Mặt trận rồi Nghị quyết 36 nói: “Đoàn kết mọi người Việt Nam yêu nước, không phân biệt chính kiến.”

Như một học giả chuyên nghiệp, Giáo sư Trần Ngọc Thêm đã chuẩn bị trên cái laptop mini những điều định nói. Ông phản bác có lý lẽ từng luận điểm của PGS, khẳng định đóng góp lớn của triết gia Kim Định cho văn hóa dân tộc. Việc tưởng niệm ông là phải lẽ và còn cần làm nhiều hơn nữa.

Có phần giống với ông Lê Việt Thường, trước đây tôi cảm thấy Trần Ngọc Thêm không minh bạch khi tiếp thu ý tưởng của Kim Định. Nhưng bữa đó, qua bài phát biểu, tôi nhận ra, ông là học giả nghiêm túc, chịu trách nhiệm trước phát ngôn của mình. Việc chỉ ra những cái sai của Kim Định là việc làm cần thiết trong khoa học. Ngồi trên ghế chủ tọa đoàn, tôi nói với ông:

- Khi tôi đi, nhiều bạn bè tôi là trí thức cũ của Sài Gòn, trong đó có học trò của cụ Kim Định nhắn rằng họ rất mừng vì có lễ tưởng niệm này. Họ muốn dự nhưng không thể ra Hà Nội được. Nếu có dịp tổ chức ở Sài Gòn, sẽ có nhiều người tham gia. Sang năm là tròn 100 năm ngày sinh cụ Kim Định, nếu Trung tâm của anh tổ chức một hội thảo vào dịp đó thì quá hay!

Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho biết là ông cũng dự kiến làm một hội thảo về Kim Định ở Sài Gòn và sẽ tổ chức vào nửa đầu năm 2014.

Lễ tưởng niệm này do hai trung tâm văn hóa tư nhân đứng ra tổ chức. Việc tổ chức vinh danh một học giả từng bị coi là hàng đầu chống cộng không đơn giản. Phải có tâm, có trí, có dũng mới làm được.

Ông Nguyễn Khắc Mai cho biết, năm 1975 vào Sài Gòn, ông mua được cuốn Việt lý tố nguyên trên vỉa hè. Cuốn sách ám ảnh ông suốt những năm tháng qua. Ông thấy dịp này là thích hợp đề tổ chức Lễ tưởng niệm cụ Kim Định. Ông băn khoăn về tâm thức Quốc – Cộng khá nặng nề. Chia rẽ mãi như thế dân tộc làm sao khá lên được. Trước sự tồn vong của đất nước hôm nay mỗi người phải góp tâm lực vào hóa giải mối mặc cảm còn nặng nề ấy. Làm việc này là cái tâm của ông muốn góp vào hòa giải.

Trung Thu năm Nhâm Thìn