Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 5 Mùa Chay Năm C 17-03-2013

“Êm, chiều dần trôi êm,”

“Người ngồi thương nhớ bao giờ nguôi!

Một ngày xưa cũ, đời còn đương tơ

là ngày hai đứa chúng ta còn thơ.”

 (Johannes Brahms: Célèbre Valse Lời Việt: Phạm Duy: Mối Tình Xa Xưa)

(Cv 4: 31)

“Mối tình Xa Xưa”, “Một ngày xưa cũ”, là “Ngày hai đứa chúng ta còn thơ”, Ối chà! Cũng vẫn lời thơ êm ái giúp người nghệ sĩ đang đi vào với cõi “đời còn đương tơ”, chốn thương nhớ, có “chiều dần trôi êm”? Bần đạo nghe được lời này vào lúc có tin tác giả đã đi vào cõi “đương tơ”, tuổi 92.

Một đời, có những 92 năm dài đầy nhựa sống, mà bảo là “Mối tình xa xưa” được sao? Nếu không, sao bạn lại hát thêm lời đầy luyến tiếc, rất như sau:

 

            “Chiều hè êm ru,

            Tràn ngập hương mơ.

            Cuộc tình hai đứa như là thơ…”

            (Célèbre Valse – bđd)

 

Lại phải thú thực rằng: cuộc đời của ai đó cũng đều chỉ có thế, là thế. Thôi thì, hôm nay, bần đạo lại mời bạn và mời tôi, ta cứ thử nghe lời trần tình của bậc trưởng thượng nọ từng sống tháng ngày có cuộc tình không “còn thơ” nữa, rất như sau:

 

-Tôi với ông xã cùng tuổi, các cụ nói “cùng tuổi nằm duỗi mà  ăn”. Nhàn hạ và thơ thẩn gì đâu không biết, chỉ biết mỗi chuyện là vợ chồng tôi vẫn cứ vất vả như trâu cày bên ruộng.

-Thế, anh chị tuổi gì mà lại sung sướng thế?

-Tôi  tuổi  hợi, ông xã tôi tuổi dần, nhưng “dần” ở đây chỉ là cọp giấy thôi.

-Kìa, hai tuổi này xung khắc là thế mà sao các cụ hai bên lại chịu cho anh chị cưới nhau dễ  dàng thế?

-Bố mẹ tôi thì chẳng tin những chuyện như thế, nhưng tía má phía chồng tôi thì khó lòng mà lay chuyển nổi lòng tin của các cụ.

-Lạ nhỉ! Người Bắc bọn mình có tiếng là nệ cổ hay bảo thủ vốn không kiêng không cữ còn nghe được, chứ người Nam tự do phóng khoáng mà lại kỵ tuổi sao?

-Điều đó cũng có lý do đấy. Bố mẹ tôi có 5 con gái. Người ta gọi đó là 5 trái bom nổ chậm, chị có biết không? Vì thế, hễ có người dạm hỏi là Bố mẹ tôi chỉ muốn gả phắt cho nhẹ nợ. Nhưng, chị em tôi chẳng gì cũng có chút nhan sắc, đâu dễ gì để bố mẹ mình bán rẻ. Còn tía  má bên phía chồng tôi chỉ độc nhất có một con trai, thấy gia đình tôi toàn con gái mà là gái  Bắc kỳ thì bác bỏ dứt khoát. Ông xã tôi năn nỉ xin cưới không được phải thề độc:” Tía má  không cho cưới, con tự tử“.

-Người Nam như anh ấy dám tự tử thật chứ chẳng chơi.

-Cọp giấy mà tự tử cái gì. Nhưng tía má tôi sợ con liều mạng đành chiều con.

-Chị thật tốt phước.

-Đâu có dễ như chị tưởng.

Tía má tôi coi bói, ông thày phán bảo: “Để hóa giải cái tuổi xung khắc,không được rước dâu  qua cổng, mà phải xé rào cho nó vào”. Tôi không chịu. Mình về làm dâu chứ có phải đi ăn  trộm ăn chực đâu cơ chứ.

-Chị thế mà cao giá đấy chứ nhỉ. Rồi sao nữa?

-Ông xã tôi chạy đôn chạy đáo nhờ bà con thuyết phục tía má tôi. Cứ theo lời thuật của ông  xã thì cuối cùng tía má tôi cũng chịu cho rước dâu qua cổng. Hôm rước dâu, đám cưới xuống  xe đi bộ một quãng. Khi chỉ còn cách cổng chừng mươi bước thì từ đâu một mụ điên nhào tới  la lớn: “A, nó đây rồi, nó cướp chồng tôi”. Tôi hoảng quá, nép mình vào chồng rồi chồng tôi  đẩy tôi vào nhà qua lối hàng rào mới mở gần cổng, vừa đẩy vừa nói: “Dzô đây lánh con  điên, mau lên.” Đến lễ gia tiên, tôi mới hoàn hồn, hú vía!.

-Có thể đấy là điềm xấu đấy!...

-Tía má tôi cũng tin như thế vì vùng này có con điên nào đâu mà tránh với né, cơ chứ. Má tôi  tính xuống tóc ăn chay trường để cầu nguyện cho vợ chồng tôi. Lúc ấy, chồng tôi mới thú  thật có mướn một mụ ở chợ Cầu muối giả dạng điên khùng để hù tôi khỏi vào nhà qua cổng chính. Té ra tôi mắc lừa.

-Thế mà chị chê anh ấy là cọp giấy được sao? Cọp gì thì cọp, tôi nghĩ chị cũng nên tận hưởng những giây phút ở bên nhau tưởng chừng như không muốn dứt, thế mới phải!” (Truyện kể do bạn bè chuyển về để đọc rồi còn tin)

 

            Tin người phối ngẫu hay bạn đời là cọp giấy hay cọp thiệt, vẫn không là thứ cọp người sống ở đời thường, mình vẫn nhớ. Đời người, cũng có nhiều cọp giấy/cọp thiệt vẫn thấy sợ khi chung sống, nhưng lại cứ tiếc và cứ thương khi không còn ở với nhau nữa. Đó là sự thể rất thực cũng giống như sự thực rất thể lý, xảy đến với con người, ở mọi thời.

            Thời buổi hôm nay, ở nhà Đạo, cũng có những tình huống khiến thành viên trong đó lại cứ cảm nghiệm những điều mang tính triết lý/lập luận khó tách rời khỏi thực tế, cũng tương tự như thế. Như thế, là như thể khung cảnh và tình huống khiến người nghệ sĩ cứ ê a mà ca hát, một sự thể:

 

                        “Yêu người là khôn nguôi…

Sầu tình chan chứa bao giờ vơi

                        Cuộc tình xưa cũ… dù thời gian qua,

                        Mà lòng mãi mãi vẫn không phai mờ.”

                        Chiều hè êm trôi, ngậm ngùi thương ôi!

                        Cả một trời sao làm tròn duyên nhau

                        Người từ phương nao? Trở về cho hoa không phai mầu…”

                        (Johannes Brahms – bđd)

 

            Sự thể ở đời hôm nay, lại có tình huống rất bất chợt khiến người trong cuộc lại cứ nghĩ về cuộc tình trong Đạo/ngoài đời giống như lời thơ được diễn tả ở câu kết:

 

                        “Yêu người là không nguôi,

                        Trầm mình trong thú đau thương người ơi!

                        Cuộc tình xưa cũ, dù thời gian qua,

                        Mà lòng mãi mãi vẫn không phai mờ…!”

                        (Johannes Brahms – bđd)

 

            Nếu bảo rằng, bạn và tôi, sao cứ ví von chuyện thời sự trong Đạo, vào đầu niên biểu 2013, trong đó có tình huống khiến người đi Đạo lại cứ hát: “Mà lòng mãi mãi vẫn không phai mờ.” Không phai, không mờ “tình xưa cũ” giữa đàn con trong Đạo đối với Đấng bậc trên cao nay đi vào bóng tối của quên lãng. “Cuộc tình xưa” trong Đạo, còn là tình tự của những người con vừa bị cú “sốc” khi hay tin Đức Thánh là Cha trong Đạo nay quyết định lùi vào dĩ vãng, chốn lặng thinh, để nguyện cầu.    

            Cú “sốc” là thông tin rất lạ nghe được từ báo/đài hôm ấy, ngày12/2/2013 với lời lẽ như sau:

 

“Chỉ một số hồng y lão thành là biết rõ sẽ có chuyện gì đó rất quan trọng, đang xảy đến. Xảy đến, sự kiện rất lạ, là: Hôm ấy, toà thánh đóng cửa để mừng kỷ niệm ngày ký hiệp ước Latêranô, nên các hồng y đuợc vời đến gặp gỡ Đức Giáo Hoàng để ngài thông báo tên tuổi các vị thánh sắp được tấn phong. Hồng y đoàn còn ngạc nhiên hơn, khi Đức Giáo Hoàng loan báo tin đặc biệt có liên quan đến riêng ngài, bằng tiếng Latinh. Không phải tất cả mọi hồng y đều có khả năng hiểu hết lời ngài nói và nắm trọn tầm quan trọng của thời khắc vô tiền khoáng hậu xảy ra ngay lúc đó.

 

Hai ngàn năm lịch sử Hội thánh, chưa từng thấy có Giáo hoàng nào đang tại chức lại thoái vị, thôi không giữ vai trò dẫn dắt Hội thánh nữa vì lý do sức khoẻ. Quả là, năm 1294 thánh Cêlestin V, một vị ẩn tu trọng tuổi đã lánh khỏi Rôma khi ngài được bầu làm Giáo hoàng để lẩn tránh trách nhiệm quá nặng nề. Và năm 1415, Đức Grêgôriô XII đã từ nhiệm chức vụ tương tự trong lúc có hỗn độn trong giáo triều tranh giành quyền Giáo hoàng. Nhưng, chưa bao giờ lại có vị Giáo hoàng dám từ nhiệm đang lúc ngài có đủ quyền bính và dư sức để hoàn thành trọng trách của vị chủ chăn ở trên cao như thế…” (x. Robert A. Gahl, MercatorNet 12/02/2013)

 

            Gọi là cú “sốc” từ nhiệm thật ra cũng không đúng. Mà, chỉ nên coi đó như một ngỡ ngàng, ít khi thấy, có thế thôi. Bởi,có ngược giòng lịch sử Đạo Chúa, người người mới thấy nhiều điều từng xảy ra trong quá khứ, hệt như câu hỏi/đáp được đề cập ở bên dưới. Hỏi, là hỏi rằng:

           

“Như nhiều người, tôi rất đỗi ngạc nhiên về chuyện Đức Giáo Hoàng Biển Đức thứ 16 đột nhiên từ nhiệm vai trò lãnh đạo Hội thánh. Tôi biết có nhiều người vì thương yêu ngài quá sức, nên đã buồn. Việc này đem đến cho tôi rất nhiều câu hỏi. Chẳng hạn như: điều này, luật Hội thánh nói thế nào? Khi nạp đơn xin từ nhiệm, Đức Giáo Hoàng gửi cho ai? Hồng ý đoàn có được phép bầu cho vị nào đó không phải là Hồng y không?” (Câu hỏi mà nhiều người muốn biết nên vẫn hỏi)

 

            Nhiều người muốn biết, trong đó phải chăng có bạn và có tôi? Thật ra thì, bạn hoặc tôi, ta có hỏi thế không, chẳng là chuyện quan trọng. Quan trọng, là tôi và bạn, ta có bỏ giờ ra mà đọc những lời đối đáp rất nhanh chóng không, thôi. Và đây là câu giải đáp của đức thày rất nhà Đạo họ và tên John Flader ở Sydney, vùng trời ngang dọc, rất như sau:

 

“Đúng là tất cả mọi người chúng ta đều ngỡ ngàng khi hay tin Đức Giáo Hoàng Biển Đức thứ 16 đột nhiên từ chức. Ngài từng làm biết bao việc tốt lành cho Hội thánh trong gần 8 năm tròn làm Giáo Hoàng. Và ta vẫn trông đợi ngài làm được nhiều điều hơn nữa, trong các năm sắp tới.

 

Thiết tưởng mọi người cũng không lấy làm lạ gì khi thấy Đức Giáo Hoàng Biển Đức đã vào tuổi 86, tức ở tuổi đời với sức khoẻ và nghị lực đã yếu dần. Chính vì tuổi già sức yếu nên ngài thấy mình không thể cáng đáng được trọng trách trông nom chăn dắt Hội thánh trên vai với hơn tỷ người đi Đạo luôn canh cánh trông vào sự dẫn dắt của ngài qua công việc hằng ngày nay quá tải. Thành thử, cũng dễ là Giáo Hoàng Biển Đức 16 thấy ngài không thể thực thi vai trò được Chúa giao phó cho tốt hơn, nên ngài chọn giải pháp thoái vị hầu giao lại trọng trách cho vị kế nhiệm trẻ trung hơn. Nhìn vào thế quyền, ta sẽ thấy không ai ở tuổi cao niên như ngài mà vẫn nhận làm đầu một tổ chức lớn rộng như Hội thánh Công giáo.

 

Giáo luật qui định rằng: Giám mục nào muốn từ nhiệm chức vụ quản cai giáo phận thì vị ấy phải đệ trình đơn từ chức lên Giáo hoàng khi các vị ở vào tuổi 75. Rõ ràng là: ở tuổi này, ai cũng ngày càng thấy khó khăn với chức vụ và bổn phận. Lại nữa, luật Hội thánh còn có dự kiến qui định rằng: vị giám mục nào, do đau yếu hoặc có lý do “bất khả khác” sẽ trở nên không thích hợp với bổn phận và chức vụ phải thi hành, vì thế nên sẽ được yêu cầu đệ đơn từ chức (xem Giáo luật khoản 401 điều 1 & 2, khoản 411 nữa)

 

Đối với các linh mục chánh xứ cũng thế, vị nào đến tuổi 75 cũng buộc phải đệ đơn lên giám mục chủ quản xin từ chức (x. Giáo luật khoản 538 điều #3). Cả hai trường hợp vừa kể việc các ngài từ chức vì tuổi tác không cần phải có sự chấp thuận ở trên (xem. Giáo luận khoản 401 & 538 điều #3)

 

Mặc dù Đức Giáo Hoàng được bầu ở tại chức suốt đời và không cần đệ đơn từ chức với ai hết, nên Giáo luật đặc biệt lưu ý đến trường hợp khả thi như sau: “Giả như đã xảy ra trường hợp Đức Giáo chủ thành La Mã từ nhiệm khỏi chức vụ của ngài, thì luật đòi buộc rằng: việc từ chức như thế chỉ hiệu lực khi làm việc ấy trong tự do và rõ ràng có bày tỏ đúng qui cách mà không cần người nào chấp thuận hết.” (x. Giáo luật khoản 332 điều #2)

 

Câu cuối của khoản luật ở trên công nhận sự thể là: theo luật thì Đức Giáo Hoàng không có ai ở trên để ngài có thể đệ trình đơn từ chức và chẳng có ai có tư cách để chấp thuận hoặc khước từ việc ấy. Trong trường hợp này, Đức Giáo Hoàng loan báo việc ngài từ chức trong buổi triều yết có mặt phần đông hồng y. Và, một khi Đức Giáo Hoàng xử sự một cách tự do và công khai tỏ bày ý định ngài muốn từ chức thì việc ngài từ nhiệm sẽ có hiệu lực ngay vào lúc ngài quyết tâm như thế.

 

Dĩ nhiên, tất cả chúng ta không quen với việc một Đức Giáo Hoàng lại từ nhiệm chức vụ cao cả như thế và vị chủ quản Hội thánh từng từ nhiệm gần đây nhất là cách nay đã 600 năm. Có thể là, nay thì Đức Giáo Hoàng khác có thể cũng chọn đường lối như thế khi các ngài thấy mình không còn khả năng cáng đáng phần vụ theo đúng chức năng một cách mãn nguyện được nữa.

 

Còn hỏi rằng: có thể nào các hồng y lại chọn vị nào đó làm Giáo hoàng nhưng không phải là hồng y được không? Để trả lời, cho đến nay, việc này chưa từng xảy đến, nhưng không vì thế mà không thể xảy ra. Bởi lẽ, Giáo luật không đòi buộc vị được bầu làm Giáo Hoàng tương lai phải là hồng y mới được. Tuy thế, theo truyền thống rất lâu đời, thì lịch sử cho thấy: Thuợng Hội Đồng Giám Mục họp vào năm 769, đã quyết định là Đức Giáo Hoàng sẽ được bầu trong số các Hồng y có chức thánh giám mục, linh mục và phó tế của giáo phận La Mã, và các địa phận kế cận. Ngay thời buổi này, tất cả các Hồng y trên thế giới đều được bổ nhiệm để phục vụ giáo xứ La Mã nên các ngài có thể thực thi điều kiện này.

 

Giáo luật cũng trù liệu khả năng có vị nào đó được chọn làm Giáo Hoàng nhưng chưa làm giám mục, thì khi đó ngài sẽ được tấn phong giám mục ngay lập tức (xem Giáo luật khoản 332 điều #1). Vì thế nên, có thể có vị hồng y nào đó có mặt trong cơ mật viện vẫn chưa là giám mục và ngài vẫn có thể được bầu làm Giáo hoàng như thường.

 

Thế, còn việc bầu vị nào đó không có mặt ở cơ mật viện lúc bầu thì sao? Việc này cũng có thể xảy ra, đặc biệt là khi vị nào đó được biết là không kịp về với cơ-mật-viện vì lý do đau yếu hay lý do nào bất khả kháng. Thật ra, qui luật để bầu Giáo Hoàng được Đức Gioan Phaolô đệ II ban hành vào năm 1996 có tiên liệu việc có thể xảy ra bảo rằng: vị Giáo hoàng vừa được bầu không cư ngụ tại Vatican và cũng có thể là vị ấy vẫn chưa là giám mục nữa. (xem Universi Dominici Gregis, 90)

 

Dù có rơi vào trường hợp nào đi nữa, mọi sự đều tùy thuộc vào Chúa Thánh Thần. Bởi thế nên, chúng ta hãy liên lỉ nguyện cầu Chúa Thánh Thần soi sáng cho các vị hồng y cử tri để ta chóng có vị Giáo Hoàng mới, dù ngài có là ai đi nữa, cũng vẫn là thành quả của việc Chúa Thánh Thần đã tác động lên Hội thánh, và đó là điều tốt lành cho Hội thánh mình. “ (xem Lm John Flader, The Catholic Weekly, Question timw2 03/3/2013, tr. 10)

                

      Tác động của Chúa Thánh Thần vẫn là điều rất cần và rất tốt. Đó chính là vấn đề. Vấn đề, là ở chỗ: nếu không là người đi Đạo và tin vào Chúa, hẳn ta không thể hiểu được thế nào là tác động của Chúa Thánh Thần được. Tựa hồ ở đời, không là người có tai nghệ thuật hoặc có tâm hồn thi ca, văn học -nói chung là nghệ sĩ- thì cũng khó mà cảm nghiệm được lời thơ/ý nhạc ở ngay dưới:

 

“Yêu người là khôn nguôi,

Sầu tình chan chứa bao giờ vơi.”

(Johannes Brahms – bđd)

 

            Tin vào & cảm nghiệm được sức mạnh của Chúa Thánh Thần, còn là tin vào những gì đấng thánh hiền từng quả quyết:

 

            “Họ cầu nguyện xong,

thì nơi họ họp nhau rung chuyển;

ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần

và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa.”

(Cv 4: 31)

 

            “Nói lời Thiên Chúa”, là nói và rao truyền về Tình Yêu. Các Giám mục thành La Mã một khi đã có Chúa Thánh Thần trợ lực rồi, thì chắc chắn các ngài cũng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ Chúa giao phó, dù quá nặng.

            Thành thử, vấn đề là ở đó. Vấn đề, còn là: làm gì thì làm, các đấng bậc ở trên vẫn cứ phục vụ và cứ làm để đạt mục tiêu duy nhất như đấng bậc ở Sydney, vừa nhận định:

 

“Thời nào cũng thế, ngay thời ngôn sứ trong Cựu Ước cũng có những vị như tiên tri Giê-rê-mia dám can trường lặn lội khắp nơi –cả ở quê hương mình- chỉ để giảng rao lòng yêu thương trìu mến Thiên Chúa muốn có ở trần gian. Bất kể hiểm nguy hay bách hại xuất phát từ dân gian nơi thôn làng mình từng sống.

 

Và hôm nay, thánh Phaolô minh chứng lý do tại sao nhiều vị, bất chấp mọi hiểm nguy, dám hứng chịu muôn vàn khốn khó, thường thấy có ở nơi dân gian trong trời đất. Cả vào lúc bị coi là ngu si cuồng nhiệt hoặc có tội với đất trời, các vị vẫn làm vì lòng thương yêu trìu mến, hết dân gian. “Yêu”, là cụm từ được mọi người sử dụng rộng rãi, nơi đất trời ngàn năm mây bay này. Ngay đến chuyện vật chất – nhân gian như: cửa nhà cơ ngơi, vui chơi lễ hội, đua đòi se sua hoặc thi đua sắm sửa, người người vẫn cứ bảo rằng mình yêu, mình thích. “Yêu”, là ngôn từ được sử dụng bừa bãi, không còn mang ý nghĩa sâu sắc của lòng thương yêu trìu mến, nơi tín hữu nhà Đạo.

 

Thánh Phaolô dẫn giải tỉ mỉ trong bài đọc hôm nay, để mọi người hiểu rằng: yêu thương trìu mến, trước nhất không là cảm xúc xuất thần rần rần như tiếng phèng la, kêu ra rả. Mà, thánh nhân thừa hiểu: lòng yêu thương trìu mến nơi tín hữu Đức Kitô là chuyện rất thực. Yêu thương đích thực phải là, và luôn là, trạng thái của tín hữu Đạo Chúa, dám bảo rằng mình rất yêu thương mọi người. Đồng thời, cũng chứng tỏ rằng mình yêu thương thực sự bằng hành động, chứ không  bằng môi miếng, bề ngoài.

 

Thánh Gio-an tông đồ cũng ghi rõ trong Tân Ước một quả quyết rất xác thực: “Nếu anh em bảo mình yêu thương trìu mến Thiên Chúa, mà lại ghét bỏ người hàng xóm, cận lân, thì chắc chắn anh em chưa thật lòng”. Quả thật, chúng ta có thể tỏ ra chính thực về lòng thương mến Chúa và người anh em đồng loại, bất cứ khi nào chúng ta muốn. Nhưng, nếu không chứng minh được điều mình nói bằng cuộc sống riêng tư, thì có khác nào tiếng chũm choẹ chập choeng, thanh la phèng phèng. 

 

Không thể nói chuyện lòng vòng quanh co, khi bàn về lòng yêu thương trìu mến nơi Đạo Chúa. Lòng thương yêu nơi tín hữu đi Đạo là: ở nơi nào cũng thế, tình yêu đích thực luôn bao gồm sự hy sinh, rất triệt để. Nhưng vấn đề, là: Làm sao có thể vừa yêu thương lại vừa hy sinh triệt để như thế được? Và, tại sao phải yêu như thế? Dễ hiểu thôi, yêu như thế là vì mọi người khác đã từng yêu ta. Mọi người yêu như tình yêu phải có của người tín hữu Đức Kitô. Tức, những người đã đối xử tử tế, nhân đạo và kiên nhẫn với ta. Yêu theo kiểu dị kỳ mới lạ, tức tự nguyện chứ không phải bất đắc dĩ, vì được dạy bảo mà thôi . Tình yêu được dạy bảo là phải yêu cả những người đã ngã quỵ trong đau thương sầu thảm. Yêu, như tình yêu của người tín hữu Đức Kitô là yêu thương rất mực. Yêu đến cùng. Yêu không chỉ một chiều, nhưng còn chỉ bảo, dẫn dắt nhau đi vào tình yêu của cộng đoàn, rất phổ cập. Đó mới là yêu thương đích thực. Yêu như Đức Kitô yêu Giáo hội. Yêu loài người.”(xem Lm Richard Leonard sj, Suy niệm Chúa Nhật thứ Tư mùa thường niên năm C, Bản Tin Giáo xứFairfield Úc 03/02/2013)

 

            Chuyện đời là như thế, có nhớ có thương và so sánh. So sánh giữa đấng bậc này và cụ Đạo khác. Có khi, vì so sánh nên chỉ muốn người mình thương mình nhớ lại cũng thuộc gia tộc, giòng họ hoặc chí ít cùng một dân nước. Về bầu cử Đức Giáo Tông mới, có vị còn hỏi: phải chăng vị Giáo hoàng tân cử cũng giống như hai vị tiền nhiệm, nghĩa là thuộc giòng giống sắc tộc khác chứ không phải gốc Ý như xưa? Trả lời câu hỏi này, có bạn vừa gửi cho bần đạo một chuyện tiếu lâm “nhạt”, về chuyện tình yêu và sắc tộc như sau:

 

“Bạn có biết mong ước thiết tha nhất của đời tôi là gì không? Là một buổi sáng thức dậy bỗng dưng thấy mình trở thành một ông chồng Việt Nam như bạn. Tại sao thế? Tại rất nhiều lý do. Nhưng quan trọng nhất, theo mình là đàn ông Việt Nam rất ít khi phải rửa bát, lau nhà.

Với tư cách đàn ông với nhau, cả bạn vào tôi đều hiểu lau nhà, rửa bát không có gì xấu. Thậm chí có những giây phút, có những thời điểm chúng còn đẹp đẽ và tuyệt vời. Nhưng ở đời có thiếu gì thứ không xấu mà đàn ông không làm. Vì hàng trăm lý do. Trong đó có lý do quan trọng nhất là vợ không bắt buộc.

Cả đàn ông Tây như tôi lẫn đàn ông Việt như bạn đều có vợ. Nhưng nếu vợ Tây buộc chồng làm việc nhà, thì vợ Việt lại tìm cách thuyết phục. Khác nhau chính ở chỗ này. Cả hai chúng ta đều yêu vợ, điều ấy không có gì phải bàn. Nhưng nếu bạn nghĩ yêu chỉ là nộp tiền lương đầy đủ thì tôi cho rằng còn phải nộp thêm sức lao động nữa. Mà lao động trong một gia đình thì không chỉ có ở bếp, mặc dù bếp rất quan trọng. Nói cách khác, bạn cho việc rửa bát là vớ vẩn, còn tôi nghĩ rằng khi lau bóng chúng là lau bóng trái tim mình cho nó thơm phức rồi dâng lên nàng, để nàng đựng bất cứ thứ gì nàng muốn, kể cả một bông hoa hồng hay một miếng thịt bò.

            Điều trớ trêu là vợ Tây phần lớn không đẹp bằng vợ Việt. Họ to hơn, thô hơn, phải vàng hơn hoặc xanh hơn. Nhưng vợ Tây luôn ý thức và được xung quanh luôn cổ vũ cho ý thức rằng nếu chồng muốn có mình, chồng phải làm việc cho mình.

Sự làm việc này, than ôi, không ngoại trừ một lĩnh vực nào cả. Ở công ty, ở ngoài đường, ở phòng ngủ, ở trong bếp, đàn ông Tây lúc nào cũng có những thứ cụ thể để thực hiện một cách trực tiếp và rõ ràng.

Còn vợ Việt, ngược lại, rất nhiều cô có sẵn ý nghĩ trong đầu: muốn có chồng thì phải phục vụ chồng. Điều may mắn đó của bạn nhiều lúc khiến tôi ghen tị đến điên cuồng. Tôi chưa bao giờ dám nói với vợ: anh có tiền nên anh không đón con. Anh đẹp trai nên anh không giặt đồ. Anh là trưởng phòng nên anh không đụng tới vòi nước. Anh có xe hơi nên anh khỏi lau nhà. Tôi mà nói ra như thế, thì cả đàn bà, cả đàn ông, cả trẻ con, và cả chó mèo đều nhìn tôi như một tên ngớ ngẩn, thậm chí một tên quái vật.

Còn bạn thì sao?

Ngay từ thuở sinh ra, dù không phải điện thoại di động, bạn cũng được mặc định là không phù hợp với việc nhà. Muốn bạn vớ lấy các dụng cụ chùi rửa, các bà vợ phải vắt óc suy nghĩ. Tại sao bạn lại được hưởng cái quyền ấy? Trong khi nhìn chung, bạn chẳng có gì nổi trội hơn tôi? Đó là một câu hỏi mang tầm thế kỷ.

Là chồng Tây, sau bao đêm suy nghĩ, tôi chợt khám phá ra câu trả lời: chồng Việt Nam không khôn hơn ta. Nhưng vợ ViệtNam dại hơn vợ ta. Vợ Việt Nam dại hơn vợ tây?Chỉ có dại, cực kỳ dại mới bước vào một căn nhà và nghĩ ngay bếp là của mình. Họ quên phắt một điều cơ bản: bếp của những người đói mà đàn ông đói nhiều hơn đàn bà.

Khi đã nhận lấy bếp ngay từ đầu, vợ Việt Nam vô tình hay cố ý đẩy chồng ra phòng khách (phòng ngủ thì tôi không dám bàn vì bản chất tôi là người đứng đắn). Phòng khách không có nước lau nhà, không có xà phòng rửa bát, cũng không có chổi chùi toilet. Phòng khách có trà, rượu, báo chí và ti-vi.

Tại sao bạn lại may mắn thế? Do học hành chăng? Do dòng dõi quý tộc chăng? Hình như không phải. Chẳng qua do bạn được thừa hưởng một cách tự nhiên điều này từ cha, từ ông, hoặc ông cố mình.

Đàn ông chúng ta không phải là một cái gì phi thường, vĩ đại. Phụ nữ suốt đời phải thương yêu, giáo dục, quyến rũ, đe dọa, thì chúng ta mới nên người. Vấn đề nằm ở chỗ các bà vợ đứng ở đâu khi làm những công việc đó. Cậu đã vớ bở khi vợ ngay từ đầu đã đứng ở vị trí thấp hơn, ít nhất trong phạm trù quét dọn, lau chùi tổ ấm.

Vợ Tây không thế. Không bao giờ thế. Cho nên nếu muốn trốn việc nhà, tôi chỉ còn cách mơ thành ông chồng Việt Nam. Làm sao biến mơ trở thành thực bây giờ? Bạn giúp tôi đi. Chờ thư bạn từng phút.

Ký tên

David Beckham” (truyện kể lấy từ mạng)

 

Chồng Tây/chồng Việt hay vợ Tây/vợ Việt cũng khác nào nói về Đức Giáo Hoàng tân cử có là người gốc Việt hay gốc “Bông Kỳ” đi nữa, vẫn cứ hay cứ tốt, cho Hội thánh. Nhận định thế rồi, hỡi bạn và tôi, ta hãy sẵn sàng để hoan nghênh Đức Giáo Hoàng tân cử vào cuối Mùa Chay rất thánh năm 2013 này. Mong thay!

 

Trần Ngọc Mười Hai

với những mong cùng ước

rất chính đáng.

Như bao giờ. 

Suy niệm Lời Ngài đọc trong tuần Thứ Năm Mùa Chay năm C 17.3.2013