Sứ điệp Hòa bình và Quê hương yêu dấu

Nhân dịp Ngày Hoà Bình Thế Giới lần thứ 46 ngày 01.01.2013, Đức Thánh Cha Biển Đức 16 gởi đến chúng ta Sứ điệp có chủ đề ‘Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình’. Người viết :

Năm mới luôn mang lại cho chúng ta niềm hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn. Nguyện cầu Thiên Chúa ban cho chúng ta sự hoà thuận và bình an để những khao khát của chúng ta về một đời sống hạnh phúc và thịnh vượng có thể được thành tựu. Công đồng Vatican II gần 50 năm qua giúp chúng ta đào sâu sứ mạng Giáo hội trong thế giới, và là Kitô hữu, Dân Chúa bước theo Người sống giữa lòng thế giới, dấn thân vào lịch sử để chia sẻ vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng, khi chúng ta công bố ơn cứu độ Đức Kitô và thăng tiến hòa bình cho nhân loại.

Sự toàn cầu hoá có những khía cạnh tích cực và tiêu cực, với những xung đột bạo lực và những đe doạ của chiến tranh, sự bất bình đẳng giữa giàu và nghèo, khủng bố và tội ác quốc tế,… Thực tế, vẫn có rất nhiều người xây dựng hòa bình vì nỗi ước mong hòa bình là khát vọng nền tảng, liên quan đến nghĩa vụ và quyền lợi nơi sự phát triển của cộng đồng và xã hội, vốn cũng là một thành phần trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người. Những thao thức này thúc đẩy Đức Thánh Cha chọn chủ đề Sứ điệp năm nay từ những lời của Đức Giêsu: ‘Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa’ (Mt 5,9).

Đức Kitô khai mạc sứ vụ bằng ‘Bài giảng trên núi’ hay ‘Tám mối phúc’. Trong truyền thống Kinh Thánh, đó là những tin tốt lành, một ‘Tin Mừng’, chóp đỉnh của một lời hứa. Đây không chỉ là những khích lệ về mặt luân lý, cổ võ chúng ta tuân giữ để thấy trước những phần thưởng hay những vị thế hạnh phúc trong tương lai. Trong con mắt thế gian, những người tin tưởng vào Thiên Chúa như thế thường bị xem là kẻ khờ khạo và xa rời thực tế. Tuy nhiên, Đức Giêsu nói cho họ rằng, không chỉ ở đời sau nhưng ngay tại đời này, họ sẽ khám phá ra mình là con cái Thiên Chúa, và rằng Thiên Chúa đã, đang và sẽ mãi ở bên cạnh họ. Chúng ta cần biết mình không lẻ loi, bởi vì Thiên Chúa là đồng minh với những con người dấn thân cho chân lý, công bình và bác ái.

Mối phúc Đức Giêsu nói cho chúng ta biết hòa bình là một món quà của Đấng Mesia nhưng đồng thời cũng là hoa trái phát sinh từ những nỗ lực của con người. Thực vậy, hòa bình giả thiết về sự mở ra của con người đối với siêu việt. Nó là hoa trái của một món quà hỗ tương, một sự phong phú mang tính hai mặt. Nhờ vào quà tặng này, một quà tặng có nguồn cội nơi Thiên Chúa, chúng ta có thể sống với và sống cho người khác. Nền đạo đức của hòa bình là đạo đức của tình liên đới và chia sẻ. Điều tuyệt đối cần thiết là những nền văn hoá chúng ta trong thời nay cần vượt qua những hình thức nhân loại học và đạo đức dựa trên những giả định vốn chỉ mang tính chủ quan và thực dụng, nơi đó mối tương đồng tồn tại được gợi hứng bởi các tiểu chuẩn về quyền lực và ích lợi, phương tiện trở thành cùng đích chứ không phải ngược lại, văn hóa và giáo dục chỉ đơn thuần tập trung vào thiết bị, kỹ thuật và hiệu quả.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: « Điều kiện cần thiết để có hòa bình là sự xóa bỏ chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối và của một giả định về nền luân lý hoàn toàn tự trị vốn không thừa nhận luật luân lý tự nhiên, được Thiên Chúa ghi khắc trong lương tâm mỗi người nam và người nữ. Hòa bình cần được xây dựng trên sự đồng hiện diện của những thuật ngữ lý trí cũng như luận lý, được đặt nền tảng trên những tiêu chuẩn vốn không phải do con người tạo nên, nhưng đúng hơn là do Thiên Chúa. Thánh Vịnh 29 (câu 11) nói rằng: Xin Gia-vê ban uy lực cho dân Người, Gia-vê chúc lành cho dân Người bình an ».

Thành tựu hòa bình phụ thuộc trước hết vào việc chúng ta nhận ra, nơi Thiên Chúa, chúng ta là một gia đình nhân loại. Gia đình này được cấu trúc bởi các mối tương quan liên vị và các thể chế vốn được hỗ trợ và được làm sống động bởi cộng đồng ‘chúng ta’, đòi hỏi một trật tự luân lý hợp với chân lý và công bình, các quyền hỗ tương và các nghĩa vụ tương ứng được chân thành nhận. Hòa bình là một trật tự được sống động và hòa hợp bởi đức ái, trong đó chúng ta sẽ cảm thấy nhu cầu tha nhân cũng là của chính mình và chia sẻ thiện ích với tha nhân và lao tác cho thế giới một sự hiệp thông lớn hơn về những giá trị tinh thần. Hòa bình là một giá trị đạt được trong tự do, tức phù hợp với phẩm giá con người, với bản chất của mình như là những hữu thể có lý trí, con người chịu trách nhiệm cho hành động mình.

Con đường đạt đến thiện ích chung và hòa bình trên hết cần phải tôn trọng phẩm giá con người trong mọi chiều kích, từ khi thụ thai, thông qua sự phát triển, cho đến cái chết tự nhiên. Người kiến tạo hòa bình đích thực là người yêu mến, bảo vệ và thăng tiến sự sống con người trong sự toàn vẹn của nó, cá nhân, cộng đoàn và siêu việt. Để kiến tạo hòa bình, các hệ thống pháp luật phải công nhận quyền sử dụng nguyên tắc phản kháng lương tâm trước những luật lệ và biện pháp của chính quyền chống lại phẩm giá con người như phá thai và làm cho chết êm dịu.

Gia đình là cái nôi của sự sống để con người sống trong an bình hạnh phúc, nên gia đình cần được kiến tạo và thăng tiến hòa bình, để từ mỗi gia đình cá thể đi đến đại gia đình nhân loại. Cần phải nhìn nhận và thăng tiến cơ cấu tự nhiên của gia đình, là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Ngoài ra, xã hội phải tôn trọng quyền bình đẳng lao động và nghề nghiệp. Phẩm giá con người và các yếu tố kinh tế, chính trị và xã hội, đòi hỏi chúng ta tiếp tục ‘ưu tiên mục tiêu tạo ra việc làm ổn định cho mọi người’ bằng phải có cái nhìn mới về lao động, dựa trên những nguyên tắc đạo đức và những giá trị tinh thần, xem khái niệm lao động là một thiện ích cơ bản đối với cá nhân, gia đình và xã hội.

Để có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính hiện nay đang đưa đến sự bất bình đẳng ngày càng lớn hơn, chúng ta cần có những con người, nhóm người và các thể chế thăng tiến sự sống, cổ võ cho sự sáng tạo của con người. Vì bên cạnh những khả năng tri thức và nghề nghiệp, sự phát triển kinh tế nhân bản đích thực và sống động còn cần là nguyên tắc và ý nghĩa của quà tặng được biểu lộ như tình huynh đệ. Cụ thể, trong lĩnh vực kinh tế, người kiến tạo hòa bình là người thiết lập nên mối dây công bình và tương trợ lẫn nhau nơi các công ty, công nhân, khách hàng và người tiêu thụ. Họ dấn thân vào hoạt động kinh tế vì thiện ích chung.

Đức Thánh Cha mạnh mẽ xác nhận rằng những người kiến tạo hòa bình được mời gọi để nuôi dưỡng một lòng khao khát dành cho thiện ích chung của gia đình và công bình xã hội đồng thời dấn thân một cách hiệu quả vào lãnh vực giáo dục xã hội. Vai trò gia đình tiên quyết vì là tế bào nền tảng của xã hội theo quan điểm nhân khẩu học, đạo đức, kinh tế, giáo dục và văn hóa. Ơn gọi tự nhiên gia đình là thăng tiến đời sống: Gia đình đồng hành với mỗi cá nhân cho đến khi họ trưởng thành và khuyến khích một sự phát triển hỗ tương và phong phú ngang qua sự chăm sóc và sẻ chia. Các cộng đoàn tôn giáo cũng góp phần cách thế đặc biệt trong nhiệm vụ giáo dục hòa bình. Giáo hội chia sẻ trách nhiệm này qua sứ mạng Tân Phúc Âm Hóa, đặt trọng tâm vào trong việc hoán cải để đến với chân lý và tình yêu Đức Kitô và, kết quả là sẽ dẫn đến một cuộc tái sinh về luân lý và thiêng liêng nơi các cá nhân và cộng đoàn xã hội. Các thể chế giáo dục và văn hóa cũng như các học đường (từ mầm non đến đại học) mang trọng trách của sứ mạng đặc biệt về giáo dục hòa bình.

Khoa sư phạm về hòa bình đòi hỏi một đời sống nội tâm phong phú, những quan điểm luân lý rõ ràng và giá trị và những thái độ và lối sống thích hợp. Những hoạt động kiến tạo hòa bình thường kéo theo những thành tựu về Công Ích; những hoạt động này tạo ra những lợi ích cho hòa bình và dưỡng nuôi nó. Những suy nghĩ, lời nói và cử chỉ hòa bình thường tạo ra một tâm thức và một nền văn hóa hòa bình cùng với một bầu khí tôn trọng, yêu thương và thân ái.

Hồi tưởng về Quê Hương yêu dấu.

Sau khi Quốc Trưởng Bảo Đại trao cử vào chức vụ Thủ tướng toàn quyền dân sự và quân sự để có thể đối phó với tình hình cực kỳ khó khăn lúc ấy, ngày 26.06.1954, ông Ngô Đình Diệm trở về Sài gòn, cùng với hoàng thân Bửu Lộc, Thủ tướng xuất nhiệm, để bàn giao quyền hành.

Chánh phủ Bửu Lộc chỉ giao dinh Gia long và với năm bảy chiếc xe cũ kỹ, với một tiểu đội cảnh sát canh gác. Ông Diệm đi Hà nội để xem xét tình hình và mời chánh khách miền Bắc tham gia chính phủ. Nội các được trình diện quốc dân đồng bào ngày 07.07.1954. Trong đó, ông Diệm là Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng và Nội vụ. Tuy nhiên, ông không có trong tay Quân đội (Tướng Nguyễn văn Hinh, Tham mưu trưởng, nắm giữ) và Công an Cảnh sát do Bình Xuyên chỉ huy.

Ngày 20.07.1954, Hiệp định Genèvre đình chỉ chiến sự tại Việt Nam được ký bởi đại diện của hai lực lượng quân sự là Thiếu tướng Delteil (Pháp) và Tạ Quang Bửu (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) có nội dung chính như sau : Ngừng bắn trên toàn chiến trường Đông Dương ; chia đôi Việt Nam tại Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17 và dân chúng được tự do đi lại giữa 2 miền trong 300 ngày. Dù bị cộng sản dùng mọi cách để chận đứng đồng bào vào Nam, trên 800 ngàn người cũng đã di cư vào Miền Nam.

Bằng những biện pháp thật Hoà bình nhưng cương quyết để tái lập Độc Lập cho Việt Nam, Thủ tướng Ngô Đình Diệm phải tiến hành thu Chủ Quyền cho Tổ quốc : Tiếp thu Dinh Norodom (nơi Cao ủy Pháp đại diện chính phủ Pháp ngự để ‘cai trị’ vùng đất thuộc địa), độc lập về tài chính từ ngày 02.01.1955 và ngoại giao từ 20.06.1955, khi Cao ủy Pháp Paul Ély mãn nhiệm và về Pháp, Thủ tướng Diệm yêu cầu Pháp chỉ cử Đại sứ và phải được Việt Nam chấp nhận trước. Quân nhân Pháp cuối cùng rời lãnh thổ Việt Nam ngày 28.04.1956.

Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng việc dành quyền tư lệnh Quân đội vẫn trong Hòa bình. Rất tiếc, chỉ việc nắm lại quyền chỉ huy Cảnh sát và đóng cửa sòng bạc Đại Thế Giới và khu mãi dâm tại Bình khang của ông Lê văn Viễn (Bảy Viễn), cầm đầu Bình Xuyên, một nhóm võ trang. Do đó, họ đã pháo kích vào Dinh Độc lập và Bộ Tổng Tham mưu Quâân đội và Quân đội đã phản công và tiêu điệt nhóm này. Các giáo phái Cao đài và Hòa hảo (chống cộng sản vô thần) lần lượt về hợp tác với Chánh phủ. Trong lúc phải đối phó thành công với bao khó khăn đó, chánh phủ Ngô Đình Diệm còn phải xúc tiến việc tiếp nhận và định cư đồng bào di cư từ miền Bắc. Chánh phủ và đồng bào cùng nổ lực khai khẩn đất hoang để biến những nơi đây thành những nơi phát triển trù phú, gia đình sống trong hạnh phúc. Quyền sở hữu đất đai được cấp phát và tôn trọng.

Trước những thành quả đó, ngày 29.04.1955, đại diện 18 chánh đảng và đoàn thể cùng 34 nhân sĩ ký tên Kiến nghị Truất phế Quốc trưởng Bảo Đại. Nghe đến ‘Truất phế Quốc trưởng Bảo Đại’, mặt ông Diệm biến sắc, lặng người, rồi cố gắng lấy lại bình tỉnh và nói : « Xin quí ngài cho tôi… có thời giờ suy nghĩ kỹ về vấn đề trọng đại nầy! Xin cám ơn quí ngài! ». Ngày 23.10.1955, qua Trưng cầu dân ý, cử tri ‘truất phế Bảo Đại và chọn ông Ngô Đình Diệm như Tổng thống để thành lập chế độ cộng hòa’ và ngày 26.10.1955, ông Ngô Đình Diệm tuyên bố thành lập nền Cộng hòa Việt Nam và trở thành Tổng thống. Quốc hội Lập Hiến thông qua Hiến pháp và được Tổng thống ban hành ngày 26.10.1955. Từ đó, người đân Việt Nam Cộng hòa được sống trong những năm Hỏa bình…

Chính sách mở rộng đất canh tác qua kế hoạch Dinh điền chủ yếu chú trọng đến Cao nguyên Trung phần và khu vực Phước Long với 90 trung tâm phát triển ruộng đất được thành lập nhằm đưa dân từ miền duyên hải lên lập nghiệp. Từ năm 1957 đến 1961, chính phủ đã định cư 210.000 người từ miền xuôi lên và khai hoang 89.000 hecta đất rừng. Ngày 22.10.1956, Tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành Dụ số 57 quy định chủ điền chỉ được giữ tối đa là 100 ha, trong đó 30 ha phải trực canh và 70 ha còn lại có thể cho tá điền thuê theo quy chế tá canh. Diện tích quá 100 ha luật định phải bán lại cho người không có đất. Chính phủ bồi thường số đất bị truất hữu (tước quyền sở hữu) cho chủ điền bằng 10% tiền mặt và 90% công trái phiếu hạn 12 năm. Tá điền có quyền mua trả góp đất của chính phủ với giá tiền chính phủ bồi thường chủ điền. Vốn và lãi trả trong vòng 12 năm với lãi suất 3%/năm. Diện tích đất tối đa một người nông dân được mua là 5 ha.

Để biết thêm về con người và thành quả kinh tế của chánh phủ Đệ nhất Cộng hòa, xin mời đọc ‘Bài học yêu nước qua tấm gương Ngô Đình Diệm’ tại :

Dân Làm Báo

Năm 1960, nền hòa bình tại Việt Nam Cộng hòa bắt đầu bị đe dọa. Vì những lý do khác nhau, Nhóm Tự do Tiến bộ, còn được gọi là Nhóm Caravelle vì nhóm họp và ra tuyên cáo tại khách sạn Caravelle (Sài gòn) ngày 26.04.1960, gồm 18 nhân sĩ (trong đó, có một linh mục) thỉnh cầu chính quyền gấp thay đổi chính sách để cứu vãn tình thế, bảo vệ chế độ Cộng hòa và bảo vệ sự sống còn của quốc gia. Chúng tôi giữ vững niềm hy vọng là dân tộc Việt Nam sẽ có một tương lai sáng lạn để được hưởng thanh bình và thịnh vượng trong Tự Do và Tiến Bộ. Ngày 11.11.1960, cuộc đảo chính của các sĩ quan trung cấp, nhưng đã thất bại.

Ngày 20.12.1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam được thành lập bởi chế độ cộng sản Miền Bắc, nhưng nhà nước Hà nội đã thành công phần nào lường gạt thế giới bằng cho đó là một phong trào người dân Miền Nam chống ‘đế quốc Mỹ và tập đoàn Ngô Đình Diệm’. Sau khi chiếm Miền Nam, được coi như đã hoàn thành nhiệm vụ, tổ chức này bị Hà nội giải thể ngày 31.01.1977. Dựa vào đó, chính phủ Hoa kỳ yêu cầu Việt Nam nhận để Quân đội Mỹ tham chiến tại đây. Một nhà kiến tạo hòa bình như Tổng thống Ngô Đình Diệm đã từ chối vì biết Chính nghĩa sẽ bị tổn thương và xã hội sẽ bị băng hoại như lịch sử đã chứng minh.

Sáng sớm ngày 27.02.1962, hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc thuộc Không lực Việt Nam Cộng hòa lái phi cơ A-1 Skyraider bay trên không phận Dinh Độc lập. Thiếu úy Cử (con ông Nguyễn Văn Lực, một lãnh đạo Đại Việt dân đảng) đã oanh tạc Dinh làm 3 nhân viên chết và khoảng 30 bị thương, sau đó, bay sang Cambodge tỵ nạn. Trung úy Quốc không bỏ bom, phi cơ bị trúng đạn, phải thả bom an toàn xuống sông Sài gòn, cho phi cơ đáp xuống sông và bị bắt giam tại An ninh Quân đội cho đến ngày 02.11.1963 (năm 1965, Trung tá Quốc bị tử trận khi bay từ Đà Nẵng đến vùng Hà tĩnh và được tưởng nhớ qua ca khúc ‘Huyền sử ca một người mang tên Quốc’). Chiều cùng ngày, Tổng thống Diệm đã đến thăm những nhân viên bị thương tại bệnh viện. Sau đó, ông đến Biên hòa để viếng đơn vị Phi đoàn 514 mà hai phi công Cử và Quốc là thành viên. Tổng Thống hỏi về hoạt động của Phi Đoàn và khuyên cố gắng tiếp tục ra sức đóng góp tích cực vào công cuộc chống cộng chung. Ông nói thẳng người Mỹ muốn đổ quân vào Việt Nam để tham chiến, nhưng ông khẳng định từ chối vì việc người Mỹ tham chiến sẽ làm mất đi chính nghĩa đấu tranh của chúng ta. Dù một người lính Mỹ nhập vào cù lao Ré, ông cũng không bằng lòng, huống hồ là để cả nhiều đơn vị lính Mỹ chiến đấu trên đất nước ta. Tổng Thống nhấn mạnh đến tương lai có thể bị cắt viện trợ quân sự. Khi đó, chúng ta xác nhận ý muốn duy trì chống cộng dù bị Mỹ cắt viện trợ… Khi nghe những tin đồn Trung úy Quốc bị hành hạ, tra tấn, đánh đập suốt cả ngày lẫn đêm, Tổng thống đã phái sĩ quan tùy viên Lê Châu Lộc đến tận nơi gặp Trung úy Quốc để nhìn thấy tận mắt thân thể đương sự.

Từ đó, cuộc chiến xăm lược từ Miền Bắc, được Liên xô và Trung cộng chỉ đạo, lan rộng và Hoa kỳ áp lực chánh trị vị Tổng thống, do dân bầu và vì thương dân, muốn hiệp thương thống nhất Việt Nam trong hòa bình. Tháng 05.1963, cuộc ‘khủng hoảng Phật giáo’, báo chí và chính phủ Hoa kỳ đã nhập cuộc đưa tới cuộc đảo chính ngày 01.11.1963. Tối hôm đó, Tổng thống và bào đệ Ngô Đình Nhu, sau một đêm lánh nạn tại Chợ lớn, đã đến Nhà thờ Cha Tam. Cha Jean, Chính xứ, đã giúp nhị vị đón nhận những Bí tích, chẳng may, đã trở thành những Bí tích cuối cùng. Cha đã thuyết phục anh em Tổng thống Diệm không nên gặp các tướng đảo chánh, Tổng Thống Diệm trả lời : « Cảm ơn Cha, tôi thấy không có gì nguy hiểm cả. Cá nhân tôi đã dâng trọn cho Chúa và Mẹ Maria nhưng tôi vẫn còn là nguyên thủ quốc gia. Tôi còn trách nhiệm với dân ». Sau đó, Cha đã can đảm bước theo anh em Tổng thống, bất chấp sự hung dữ của các sĩ quan đảo chính, cho đến khi cửa thiết vận xa đóng lại lúc khoảng 8 giờ. Lúc 10 giờ 45, Tướng Dương Văn Minh ra lệnh cho Đài Phát Thanh đọc một bản tin ngắn, loan báo anh em Tổng Thống Diệm đã tự tử. Cái tin thất thiệt không lường gạt được những đồng bào lương thiện. Tổng thống Ngô Đình Diệm đã chết một cách vô cùng thãm thương bởi những kẻ do bọn côn đồ người Mỹ thuê. Tổng thống đã tử nạn khi thi hành công vụ trong ngày ‘Chiến sĩ trận vong’ thời đó.

Khi giảng ‘Tám mối phúc’, Đức Kitô đã dùng cho mỗi mối phúc với một câu văn dùng ‘điều kiện cách’ để diễn tả, gồm hai vế: một về điều kiện: ‘Ai xây dựng hòa bình’ và một về thành quả : ‘Họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa’. Các mối phúc chỉ là những khích lệ về mặt luân lý trong hiện tại (thời điểm thực hiện), nhưng thành quả thường là những phần thưởng hạnh phúc tinh thần trong tương lai. Phúc lành mà các mối phúc nói đến việc viên mãn của một lời hứa dành cho tất cả những ai để cho mình được hướng dẫn bởi những đòi hỏi của chân lý, công bình và bác ái. Do đó, là những người Tin vào Lời Chúa hứa, chúng ta xác tín Tổng thống Ngô Đình Diệm từ thời niên thiếu đã học tập, khi làm quan đến lúc lãnh đạo Dân Việt luôn được soi sáng bởi những nhân đức chân lý, công bình và bác ái, những điều kiện phải có của một người ‘xây dựng hòa bình’. Trước khi chấm dứt cuộc lữ thứ trần gian, linh hồn Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm đã gặp ‘Đức Kitô thứ hai’ để được hòa giải và nhận ‘của ăn đi đường’ về Nhà Chúa hầu xứng đáng ‘được gọi là con Thiên Chúa’.

Sau đó, người dân Việt Nam Cộng hòa đã trải qua những năm tháng bất ổn với những cuộc ‘đảo chính’ và ‘chỉnh lý’, dưới sự đạo diễn của người Mỹ. Rồi sự tham chiến ồ ạt của Quân đội Hoa kỳ (có lúc, lên đến 500.000 quân), Những chánh trị gia chống ông Ngô Đình Diệm trong nước hay hồi hương lần lượt nắm chính quyền nhưng thay phiên nhau thất bại vì đều vô khả năng hay bị áp lực của người Mỹ hoặc các thượng tọa. Chẳng bao lâu sau, quan tài những chiến sĩ Mỹ hy sinh được đưa về nước, cuộc chiến ‘chánh trị’ xảy ra ngay trên đất Hoa kỳ…

Ngày 01.04.1967, Hiến pháp Đệ Nhị Cộng hòa được ban hành, những người thiện chí nắm lấy cơ hội để xây dựng hòa bình cho Quê hương. Trong ngày 03.09.1967, hai cuộc tuyển cử Tổng thống và Thượng nghị viện được tổ chức. Hiến pháp này bảo đảm nguyên tắc Tam quyền Phân lập, nên về Hành pháp, liên danh Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, nhờ sự ủng hộ của quân nhân, có nhiều triển vọng về đầu. Những nhân sĩ Công giáo được tín nhiệm thụ ủy (đại diện liên danh có 10 ứng cử viên) và mỗi cử tri có quyền bầu tối đa sáu phiếu vì Thượng nghị viện có 60 nghị sĩ. Đương nhiên, các liên danh này cũng bao gồm tín hữu các tôn giáo khác. Luật sư Nguyễn Văn Huyền, một nhân sĩ Công giáo đầy uy tín, thụ ủy liên danh ‘Công Ích và Công bình Xã hội’ với dấu hiệu Bông Huệ đã về nhì, sau liên danh ‘Nông Công Binh’ được sự ủng hộ của quân nhân. Kế tiếp là 3 liên danh khác do người Công giáo thụ uỷ và liên danh về thứ sáu của đảng Đại Việt Cách mạng, nhưng do một tín hữu Cao đài, ông Nguyễn Ngọc Kỷ, thụ ủy. Có 48 liên danh tham dự tuyển cử. Điều này cho thấy sự đáng buồn của sinh hoạt chính đảng thời đó và nhờ sự đoàn kết trong tổ chức, kỷ luật và quyết tâm xây dựng hòa bình cho Quê hương, nên trong số 60 nghị sĩ, đã có 26 người Công giáo và 11 người Công giáo trong số 13 luật gia. Luật sư Nguyễn Văn Huyền được bầu vào chức Chủ tịch viện Lập pháp này. Chủ trương của liên danh ‘Công Ích và Công bình Xã hội’ là thực thi lý tưởng đó : đối lập với Hành pháp khi vi phạm điều này và ủng hộ khi Tổ quốc lâm nguy như khi cộng sản tấn công và giết người dịp Tết Mậu thân 1968. Cuối thế kỷ trước, có những tin cho biết Luật sư Huyền tham gia ‘Mặt trận Tổ quốc, nhưng đó chỉ là do một sự tưởng tượng của ‘linh mục quốc doanh’ Phan khắc Từ.

Để tuyên bố năm 1969 là Năm Đức Tin của Giáo phận Nha trang, Đức Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã cho phổ biến Thư luân lưu ‘Vững mạnh trong Đức Tin, Tiến lên trong An Bình’, là đường lối xây dựng và củng cố, phát triển một nền Hòa bình chân chính, trường cửu theo quan niệm Công giáo:

- Hòa bình không có nghĩa là không chiến tranh.
- Hòa bình không phải là thế quân bình giữa hai lực lượng đối lập.
- Hòa bình là con đường duy nhất đi đến tiến bộ nhân loại.
- Hòa bình phải được xây dựng trên nền tảng Chân lý, Công bằng, Tự do và Bác ái.
- Hòa bình phải được xây dựng trên sự tôn trọng và nhìn nhận những quyền lợi của con người và nền độc lập của mỗi quốc gia.

Đức cha nhắc lại lời dạy của Đức Thánh Cha Phaolô VI: ‘Đức Tin là vấn đề tiên quyết, vấn đề tối hệ, và chúng ta các Giám mục, chúng ta phải nhìn vấn đề này với tất cả mối quan hệ khẩn cấp của nó’. Tiếp theo, Cha nhận định:

‘… Chưa bao giờ Đức Tin phải nguy hiểm như ngày nay. Hiểm nguy bên ngoài do vật chất, vô thần. Hiểm nguy bên trong do sự bất tuân phục Hội Thánh gây khủng hoảng trong nội bộ dân Chúa.

Để anh chị em vững mạnh trong Đức Tin, đề phòng hai hiểm họa trên, tôi trình bày cho anh chị em hai điểm sau đây: Tin tưởng ở phẩm vị con người và Tin tưởng ở Hội Thánh…’.

Nổ lực xây dựng hòa bình cho Quê hương dù được sự tham gia của đồng bào mọi thành phần xã hội vì, như Đức Thánh Cha viết : ề Thực tế, vẫn có rất nhiều người xây dựng hòa bình vì nỗi ước mong hoà bình là khát vọng nền tảng, liên quan đến nghĩa vụ và quyền lợi nơi sự phát triển của cộng đồng và xã hội, vốn cũng là một thành phần trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người Ừ (x. số 1 Sứ điệp). Nhưng, Dân tộc Việt yêu nước chúng ta bị tước đoạt quyền tự quyết, đồng minh Hoa kỳ thỏa thuận với các nước khác ký cái Hiệp Định Paris ngày 27.01.1973, để rồi cùng vi phạm. Trung cộng hứa tôn trọng lãnh thổ chúng ta, ngày 19.01.1974, chiếm quần đảo Hoàng sa, các nước khác đứng nhìn. ‘Dân làm báo’ ngày 27.01.2013 đăng ‘Bài diễn văn của Tổng thống Việt Nam Cộng Hịa Nguyễn Văn Thiệu vào ngày 24 tháng 10 năm 1972 (phần 1)’ tại

http://danlambaovn.blogspot.fr/2013/01/bai-dien-van-cua-tong-thong-viet-nam_27.html

Sáng ngày 25.01.2013, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ đình (Hà nội), người cộng sản đã tổ chức lễ mừng 40 năm ngày Hiệp định Paris này. Họ đề cao đây là ‘chiến thắng của nhân dân’, nhưng đối với nhân đân, đây là một bi kịch lớn vì Việt Nam ngày càng tụt hậu so với các quốc gia lân cận. Cái thãm trạng do người cộng sản gây ra cho người Việt hai Miền là dùng bạo lực súng đạn để tiêu diệt sự can đãm nơi người dân bị trị và đa số biến thành vô cảm trước những đau khổ, chết chóc của đồng loại cũng như trước sự mất nước. Thời Đệ nhất Cộng hòa, chính phủ trao quyền sở hữu đất đai cho người di cư tự khai thác thì nay, nhà nước dùng công an trang bị để cướp đát của họ.

Trong năm qua, ngày 15.05.2012, nhân dịp kỷ niệm 121 năm Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự) ban hành bởi Đức Thánh Cha Léon XIII, Ủy ban Công lý và Hòa bình Hội đồng Giám mục Việt Nam đã cho phổ biến bản ‘Nhận định về một số tình hình tại Việt Nam hiện nay’. Trong đó, các thành viên Ủy ban nhận định sự thật về các vấn đề quan trọng đe dọa sự xây dựng hòa bình xã hội như : nền kinh tế Việt Nam, Luật đất đai, Biên cương, hải đảo và chủ quyền quốc gia, lĩnh vực pháp luật, … đáp ứng Thư chung hậu Đại hội Dân Chúa năm 2010 mời gọi tất cả các thành viên Giáo hội Công giáo tại Việt Nam cố gắng nhận diện và phân định ‘hiện trạng xã hội Việt Nam dưới ánh sáng đức tin’. Tiếp theo, nhân dịp Lễ Các Thánh ngày 01.11.2012, Ủy ban xin phúc trình cùng Đức Hồng Y và quí Đức Cha một số tình hình xã hội Việt Nam hiện nay đang được dư luận quan tâm. Xin giản lược vào mấy nét tiêu biểu dưới đây: Dùng bạo lực để giải quyết các tranh chấp dân sự, Án xử bất công, Tham nhũng thành quốc nạn, Chủ quyền đất nước, Phẩm giá con người, Tự do Ngôn luận và Tự do tôn giáo.

Trước sự vi phạm nhân quyền đối với người dân vô tội bởi nhà nước cộng sản, những người quan tâm đến an ninh của đồng bào, ngày 25.12.2012, đã soạn thảo và đồng ký tên ‘Lời Kêu Gọi Thực Thi Quyền Con Người Theo Hiến Pháp tại Việt Nam’ kêu gọi chính quyền và toàn thể nhân dân thực thi những quyền con người được Hiến pháp nước Việt Nam và những Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ghi nhận và bảo đảm. Trong những quyền đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin, quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo Điều 69 Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi bổ sung năm 2001) và theo Điều 19, Điều 21, Điều 22 về những quyền dân sự và chính trị trong Công ước quốc tế mà Việt Nam gia nhập năm 1982. Các tác giả đã yêu cầu chúng ta ký tên vào văn kiện này và đến hôm nay, ngày 28.01.2013, đã có 3.576 người ký tên. Chúng tôi nghĩ đây là một hành động xây dựng hòa bình vì chúng ta góp phần yêu cầu nhà cầm quyền tôn trọng Hiến pháp và các cam kết quốc tế mà Việt Nam ký gia nhập và, nhờ có số đông người cùng ký tên, bạo quyền khó có thể đàn áp những người khởi xứng văn kiện này.

Ngày 15.01.2013, đại diện 14 gia đình 14 thanh niên yêu nước bị kết án oan trái ngày 09.01.2013 tại Vinh đã ký Bản Lên Tiếng Yêu Cầu Trả Tự Do 14 Thanh Niên Yêu Nước’ và nhận được sự ủng hộ của 31 Linh Mục thuộc các giáo xứ tại Nghệ An và các Lãnh đạo Phật giáo, các Giáo hội Tin lành, Hòa hảo cùng các vị bảo vệ nhân quyền, các Linh mục Nguyễn Hữu và Phan Văn Lợi (Tổng Giáo phận Huế), Lê Ngọc Thanh (Dòng Chúa Cứu Thế).

Sáng ngày 22.01.2013, Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã tiếp kiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của Cộng đảng Việt Nam, khi ông hướng dẫn phái đoàn cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam công du. Sau khi hội kiến chừng 30 phút, Đức Thánh Cha đã chào gặp chung 10 người trong đoàn tháp tùng. Sau đó, họ đã gặp gỡ và hội kiến với Đức Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, với sự hiện diện của Đức cha Dominique Mamberti, Ngoại trưởng Tòa Thánh, và các viên chức cao cấp Bộ ngoại giao Tòa Thánh. Khi nói chuyện, Tòa Thánh ước muốn những vấn đề còn tồn động sớm được sớm được giải quyết và sự cộng tác phong phú hiện nay cần được củng cố.

Giới quan sát nhận định Đức Thánh Cha thường không tiếp ai vào ngày thứ ba và, rất hiếm, Người tiếp riêng các chính khách không phải là nguyên thủ quốc gia hay lãnh đạo chính phủ. Nhưng Đức Thánh Cha không phải là người ‘cửa quyền’ (không đúng người hay ngày thì Người không tiếp). Người ta cũng lưu ý về việc phái đoàn ông Trọng cũng đã đi vào Vatican qua ngõ Quảng trường Thánh Phêrô, một đặc ân chỉ dành cho nguyên thủ các quốc gia hay lãnh đạo chính phủ. Đức Thánh Cha đã viết và trao cho chúng ta Sứ điệp Hòa bình này để nhắc lại Mối Phúc mà Đức Kitô hứa với chúng ta thì chắc chắn Người luôn là Đấng xây dựng hòa bình, nên Người chấp nhận lời yêu cầu của ông Trọng để ông cũng được cái đặc ân như ông Dũng và ông Triết. Không như tại các quốc gia dân chủ, tại Việt Nam, trước ông Trọng, các Tổng Bí thư Đảng đầy quyền lực, được gọi là nhân vật số 1. Chuyến đi của ông tới Vatican ít được nhắc tới như các chuyến đi của ông Dũng và ông Triết.

Phần chúng ta, chúng ta chỉ biết cám ơn Đức Thánh Cha đã gởi Sứ điệp khuyến khích mọi người xây dựng hòa bình để sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Đức Thánh Cha sẳn sàng có những hành động để đem lại hòa bình và nhân quyền cho người Việt Nam. Phần mình, chúng ta, giữa những người Việt với nhau, hãy thực thi những đề nghị của Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha đương nhiệm qua các Giám mục Việt Nam ngày 22.01.2002 : « Giáo hội, vì sứ mạng và chức năng mình, Giáo hội khơng lẫn lộn với một cộng đồng chánh trị và khơng bị gắn liền với bất cứ hệ thống chánh trị nào ». Bởi thế "cộng đồng chánh trị và Giáo hội độc lập với nhau và tự trị trong lãnh vực chuyên biệt của mình". Nhưng vì cả hai cùng được mời gọi hồn tất sứ mạng riêng biệt phục vụ cùng một tập thể con người, sự phục vụ sẽ càng hữu hiệu nếu "cả hai thực hiện nhiều hơn nữa một sự hợp tác lành mạnh với nhau". Vì "sự hợp tác lành mạnh nầy", Giáo Hội mời tín hữu dấn thân cho sự phát triển mọi con người và xây dựng một xã hội công bằng, đoàn kết và bình đẳng. Và ngày 22.06.2009 : Cũng như tôi, Anh Em biết rằng một sự cộng tác lành mạnh giữa Giáo hội và cộng đồng chính trị là điều có thể. Về vấn đề này, Giáo hội mời gọi mọi phần tử của mình hãy chân thành dấn thân xây dựng một xã hội công chính, liên đới và công bằng. Giáo hội không hề muốn thay thế các vị hữu trách chính quyền, nhưng chỉ mong muốn có thể tham gia chính đáng vào đời sống quốc gia, trong tinh thần đối thoại và cộng tác tôn trọng, để phục vụ toàn dân. Khi tích cực tham dự vào chỗ đứng của mình và theo ơn gọi đặc thù, Giáo hội không bao giờ có thể châm chước cho mình việc thực thi Bác ái trong tư cách là một hoạt động có tổ chức của các tín hữu, và mặt khác, sẽ khơng bao giờ có một tình trạng trong đó người ta không cần lòng Bác ái của mỗi Kitô hữu, vì con người, ngoài sự công bằng, vẫn luôn cần tình thương (Deus caritas est, số 29) ».