Mùa Xuân tại Tiểu bang Delaware

Delaware là một trong mấy tiểu bang nhỏ nhất và cũng ít dân cư nhất trong số 50 tiểu bang của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Nằm giữa đường từ thủ đô Washington đến thành phố New York, thành phố Wilmington Delaware là nơi dừng chân quen thuộc của những người lái xe trên trục lộ huyết mạch này của miền Đông Bắc nước Mỹ.

Dù đã có nhiều lần đi xuyên qua Delaware, đây mới là lần đầu tiên mà tôi thực sự đến sinh sống tại tiểu bang này liên tục trong 10 ngày vào giữa tháng Tư năm nay 2013. Đó là do cháu Nguyễn Thanh Tuyền - con của chị Liễu bạn thân thiết lâu năm của gia đình chúng tôi – đã lái xe đến đón tôi từ thành phố Baltimore Maryland về ở lại nhà cháu tại thành phố Newark thuộc Delaware.

Trời đang ở giữa tiết Xuân, khắp các ngõ ngách hoa nở rộ và các chồi lá non đã mau chóng đem lại cho cảnh vật thiên nhiên thêm xanh tươi sinh động nơi vùng Đông Bắc là nơi tổ tiên người Mỹ từ Âu châu đã đến định cư từ 3 – 400 năm trước đây. Trên các bảng gắn ở mỗi xe hơi đăng ký ở tiểu bang này, thì đều có ghi thật rõ chữ “The First State” (Tiểu bang số 1) – đó là niềm tự hào của mọi người dân của tiểu bang – vì Delaware là đơn vị đầu tiên của Liên Bang mà đã phê chuẩn Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ được biểu quyết vào năm 1787.

Trong 10 ngày qua, nhờ sinh họat với gia đình của cháu Tuyền tôi đã trải qua những giây phút thật là tuyệt vời lý thú - để xin được chia sẻ với bạn đọc trong bài viết ngắn gọn với mấy mục dưới đây :

1 – Hậu duệ của xứ Bắc Ninh.

Mẹ của Tuyền là chị Dương Thị Liễu Bồ chính là người con gái xứ Bắc Ninh – như tôi đã có dịp viết trong Đặc San Xuân Quý Tỵ do Hội Đồng Hương Bắc Ninh tại miền Nam California ấn hành hồi đầu năm 2013 này. Vì tôi có gửi cho Tuyền cuốn Đặc San đó, nên cháu mới biết rõ về quê ngọai của mình là miền đất xưa kia được gọi là xứ Kinh Bắc. Do đó Tuyền chính là một hậu duệ của Bắc Ninh – mà vì sinh trưởng ở trong Nam, lại đi học ở Mỹ từ trước năm 1975, nên cháu chưa có dịp hiểu biết gì nhiều về quê ngọai của mình.

Tuyền có bằng Tiến sĩ về Hóa học và hiện là một chuyên viên nghiên cứu kỳ cựu (senior researcher) làm việc cho hãng Ashland chuyên về hóa chất ở Delaware. Ái Liên bà xã của Tuyền cũng có bằng Tiến sĩ về Hóa học như chồng và làm việc cho hãng Dupont nổi tiếng từ lâu trên đất Mỹ. Hai vợ chồng đã ở độ tuổi trên 55, có ba người con đều theo học về ngành Y khoa và đã có hai người lập gia đình ra ở riêng rồi, còn cháu nữa thì lại đi học ở New York. Vì thế, nên chỉ còn lại hai vợ chồng ở trong căn nhà khá rộng đến trên 6,000 bộ vuông (SF = square feet), lại nằm trên một ngọn đồi thật khỏang khóat thóang mát – với nhiều tiện nghi theo đúng tiêu chuẩn của một gia đình có mức lợi tức thu nhập vào lọai trung lưu của Mỹ.

Mỗi ngày trong tuần, Tuyền và Liên đều phải đi làm, nhưng các cháu đã chăm sóc thật chu đáo cho tôi về mọi mặt, nơi ăn chốn ở - để cho tôi mọi sự thuận tiện thỏai mái trong công chuyện đọc sách báo và viết lách của mình. Cụ thể là tôi đã đọc xong được hai cuốn sách và viết được hai bài báo trong mấy ngày cư ngụ tại căn nhà của hai cháu ở Delaware.

Ái Liên kể với tôi : ” Căn phòng bác đang ở, thì ngày trước mẹ anh Tuyền vẫn ở đó, mỗi khi mẹ qua đây sinh sống với bọn cháu. Và bây giờ, mỗi buổi sáng anh Tuyền gọt trái cây cho bác ăn, thì cũng y hệt như xưa anh gọt cho mẹ anh ăn vậy…” Tôi thật cảm động được biết cái chi tiết thật là dễ thương này, và tôi nói với Liên : “ Ba mẹ của Tuyền tuy đã ra đi từ lâu, nhưng cái kỷ niệm thật tốt đẹp về cả hai người đối với gia đình của bác, thì vẫn còn lại hòai. Và nay có dịp đến sống chung với các cháu vào giữa lúc này đây, thì cái kỷ niệm thân thương đó lại càng trở thành sinh động sâu sắc và trìu mến hơn nữa…”

Nhưng điều đáng ghi nhận hơn cả nơi gia đình của hai cháu Tuyền và Liên lại là do cả hai vợ chồng đều “tâm đồng ý hiệp” để lăn xả dấn thân với những sinh họat văn hóa xã hội và nhất là sinh họat tôn giáo - mà hai cháu hăng say nhiệt thành hợp tác cùng với các bạn tại địa phương nơi miền Đông Bắc nước Mỹ. Căn nhà rộng rãi của hai cháu thường còn được sử dụng như là một thứ trung tâm sinh họat cộng đồng nữa. Và tôi xin tường thuật chi tiết hơn trong hai mục sau đây.

2 – Sinh họat văn hóa xã hội.

Tại Delaware, số người Việt sinh sống quá ít oi, lại ở rải rác xa cách nhau, nên không có một tổ chức cộng đồng được thành lập do cuộc bàu cử nào. Tuy vậy, tại đây vẫn có những sinh họat văn hóa được một số người thường xuyên tự nguyện hợp chung với nhau để tổ chức cho bà con gặp gỡ nhau như Lễ Hội Mừng Xuân vào dịp Tết mỗi năm – và nhất là Trường Việt ngữ Delaware vẫn mở các lớp dậy tiếng Việt cho các em nhỏ. Thông thường hàng năm thì có đến 5 – 7 trăm người đến tham dự buổi Hội ngộ Đầu Xuân như vậy.

Vào buổi tối ngày Thứ Bảy 20 tháng Tư, tôi được Tuyền chở đi tham dự Bữa Cơm Gây Quỹ do Trường Việt ngữ Delaware tổ chức nhằm yểm trợ dự án giáo dục và xã hội tại làng Bình An trong tỉnh Rạch Giá ở Việt nam. Bữa tiệc được tổ chức trong một phòng khá rộng tại khách sạn Sheraton thành phố Wilmington – quy tụ đến trên 200 thực khách tham dự. Buổi sinh họat tập thể này đã diễn ra thật ấm cúng với nhiều tiết mục hấp dẫn và có ý nghĩa đặc biệt điển hình như : Trình bày về một số công tác đã thực hiện được tại làng Bình An gần sát với khu vực Nhà máy Ciment Kiên Lương trên đường từ Rạch Giá đến Hà Tiên. Làng này có đến 8,300 cư dân, nhưng vì không có đường đi lại thuận tiện, nên chưa bao giờ nhận được sự trợ giúp của một cơ quan thiện nguyện nào cả.

Phần Văn nghệ giúp vui khá đặc sắc mà người trình diễn nổi bật nhất là ca sĩ Lệ Thu từ bên Pháp qua tham gia không những bằng giọng ca điêu luyện mà còn tặng cho Ban Tổ chức một số bức tranh do chị sáng tác để bán đấu giá giúp việc gây quỹ. Khỏi phải nói là phần Ẩm thực cũng được nhà hàng cung cấp khá dồi dào chu đáo – để các thực khách có thể tham dự cho đến hết phần Dạ vũ kéo dài đến nửa đêm luôn.

Vì khách tham dự cũng có một số người Mỹ, nên các tiết mục phải trình bày bằng hai thứ tiếng Việt và Anh ngữ - mà nhờ đã từng có kinh nghiệm nhiều năm, nên Ban Tổ chức đã sắp xếp chương trình rất gọn gàng êm thắm. Cử tọa tỏ ra thật xúc động lúc nghe cô giáo Ái Liên trình bày về hòan cảnh ngặt nghèo của bà con và các em nhỏ ở làng Bình An – với hình ảnh của những ngôi nhà xiêu vẹo, cái giếng nước đã cạn khô và lối đi gập ghềnh lở lói v.v… Nhưng bà con cũng lại phấn khởi được trông thấy hình ảnh cái giếng nước mới do Ban Xã hội thực hiện bằng cách nhờ chuyên viên khoan đào sâu tới cả hàng trăm mét dưới lớp đá tảng – để có thể cung cấp nước sạch cho nhiều ngàn bà con trong làng. Và nhất là cuộc phỏng vấn các em nhỏ được Ban Xã hội giúp cho phương tiện đi học. Các em miền quê còn nhiều tính cách ngay thẳng ngây ngô chất phác – khi được hỏi về ước muốn sau này sẽ làm gì, thì có em nói sẽ làm cô giáo, làm bác sĩ, ngộ nhất là có em lại nói : “Em sẽ làm cán bộ công an” – khiến cử tọa cười ngất.

Tuyền cho tôi biết thêm là : “Rút kinh nghiệm của Bangladesh trước đây cho đào tràn lan các giếng nước mà không chuẩn bị kỹ lưỡng – đến nỗi nhiều nơi nước giếng bị ô nhiễm nặng nề khiến gây bệnh họan khốn khổ cho dân làng. Vì thế, mà Nhóm chủ trương đã rất thận trọng trong việc đào giếng lọai sâu (artesian well) để bảo đảm có được nguồn nước tinh khiết cho dân làng Bình An. Và quả thật, cái giếng sâu trên 100 mét nói trên đã đem lại được niềm phấn khởi và tin tưởng cho dân làng và cả chính quyền ở địa phương nữa. Nhờ vậy, mà các công việc khác về giáo dục văn hóa mới dễ dàng thực hiện…”

Kết quả của Bữa tiệc Gây quỹ vào ngày 20 tháng Tư này đã đem lại cho ban Tổ chức một số thu nhập tổng cộng lên đến trên 40,000 dollar và sau khi trừ hết mọi khỏan chi phí, thì còn lại đến trên 30,000 $ US. Số tiền 30,000 này được gửi vào một trương mục dành riêng cho công trình xã hội giáo dục tại làng Bình An.

Các anh chị em trong Ban Tổ chức đã hết sức vui mừng trước thành quả đáng kể như vậy và mọi người đều hoan hỉ bắt tay cùng nhau tiếp tục thực hiện những công việc khác có ích lợi cụ thể thiết thực cho bà con ở quê nhà.Vì trong Nhóm, có nhiều người là bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, nên anh chị em đang chuẩn bị thành lập một đòan y tế để tham gia công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con ở làng Bình An và địa phương lân cận.

3 – Sinh họat tôn giáo.

Trong thời gian chung sống với gia đình Tuyền và Liên, tôi nhận thấy đời sống tâm linh đạo hạnh của hai cháu rõ rệt là có một chiều sâu thật vững vàng mà phong phú với việc hiến thân hết mình cho công việc xây dựng và phát triển sinh họat tôn giáo. Cha của Tuyền là anh Nguyễn Thanh Liêm đã từng làm Mục sư bên Mỹ và cả hai ông nội, ông ngọai của Tuyền xưa kia cũng đều là Mục sư nữa. Nên sau khi theo học về Thần học nhiều năm và giữ chức vụ thư ký cho Hội thánh ở Philadelphia trong 20 năm, thì Tuyền cũng được phong chức Mục sư – và từ mấy năm nay đã phụ trách công việc của Hội thánh Tin lành Mennonite ở Philadelphia và cả ở Delaware nữa. Như vậy làTuyền là thế hệ thứ ba trong gia đình nội ngọai đã tham gia phục vụ cho Hội thánh.

Ái Liên người bạn đời của Tuyền thì cũng là ái nữ của Mục sư Văn Đài hiện ở California. Và Liên luôn sát cánh với Tuyền trong cả việc xã hội giáo dục – như đã ghi ở trên - cũng như trong việc đạo.

Rồi đến em gái út của Tuyền là Trang cũng tham gia yểm trợ tài chánh rất tận tình cho công việc mở mang Nước Chúa của người anh cả của mình nữa. Đặc biệt là trong những công tác thực hiện tại Việt nam với nhiều bà con tín đồ tự nguyện tham gia phục vụ việc đạo trong âm thầm lặng lẽ từ nhiều năm gần đây.

Những buổi tối trong tuần, thì luôn có những cuộc Học hỏi Thánh kinh (Bible Study) tại nhà của Tuyền hay tại một tư gia khác ở Philadelphia. Có lớp hòan tòan dùng tiếng Anh cho người Mỹ, Ấn Độ, Đại Hàn …Có lớp dùng tiếng Việt riêng cho bà con người Việt. Còn vào các ngày Chủ nhật, thì khỏi nói – Mục sư Tuyền phải lo phụ trách hướng dẫn và giảng thuyết cho cả hai Hội thánh người Việt và người Mỹ tại Thánh đường Woodland ở Philadelphia. Hội thánh cho người Mỹ có tên là “Church for the Needy” dành cho những người nghèo khó, người homeless – hiện đã có đến gần 100 tín đồ.

Tuyền tâm sự với tôi : “Trước đây, cháu chỉ nghĩ là mình học chuyên môn cho thật giỏi để về Việt nam giúp việc dậy học. Nhưng sau này, khi tham gia giúp làm thư ký cho Mục sư Trần Xuân Quang nhiều năm, cháu thấy Hội thánh của người Việt tại Mỹ rất cần người rành cả tiếng Việt lẫn tiếng Mỹ và có trình độ văn hóa tương đối cao – do đó mà cháu phải đi học thêm về Thần học để rồi gánh vác trách nhiệm của một mục sư thay thế cho Mục sư Quang đã già yếu phải nghỉ hưu. Cháu tin đó là do sự anh bài sắp xếp của Thiên chúa để cho cháu tham gia công việc của Hội thánh như vậy đó…”

Trong nhà của Tuyền và Liên, tôi thấy la liệt các sách về đạo, nhất là sách nghiên cứu về Thánh kinh. Đặc biệt nhất là các tài liệu giảng dậy về Thánh kinh được in ấn ở Viết nam và Tuyền cũng thường về nước để phụ giúp việc giảng dậy về Thần học và Thánh kinh trong các lớp đào tạo mục sư và truyền đạo tại đó. Hơn nữa, Mục sư Tuyền còn tham gia sinh họat rất thường xuyên với các chương trình do tín đồ Mennonite ở Mỹ khởi xướng – điển hình như tổ chức nhân đạo xã hội MCC (Mennonite Central Committee) có trụ sở chính ở thành phố Akron Pennsylvania, như Đại học Eastern Mennonite University (EMU) tại thành phố Harrisonburg Virginia v.v…

Ngòai ra, Mục sư Tuyền còn cùng với một số cộng sự viên đi xuống giúp Hội thánh Mennonite tại thành phố Columbia tiểu bang South Carolina nữa. Nhờ có trình độ kiến thức vững chãi và có sự hăng say nhiệt thành, mà lại quen thuộc với lối tổ chức điều hành công việc theo lối khoa học của người Mỹ - nên mọi họat động về văn hóa xã hội của Tuyền kể cả trong lãnh vực sinh họat tôn giáo, thì đều được sắp đặt theo một trình tự khoa học hợp lý với hiệu quả rất cao.

* * * Họat động trong lãnh vực Tôn giáo cũng như về Xã hội Giáo dục đã chiếm hầu hết số thời giờ rảnh rỗi của Tuyền và Liên – như tôi được chứng kiến trong suốt 10 ngày vừa đây lúc tôi sống với gia đình của hai cháu.

Qua đó tôi thực sự lạc quan tin tưởng rằng vẫn còn nhiều các bạn trẻ trong thế hệ con cháu của mình mà giữ được cái ngọn lửa yêu thương đạo hạnh và dấn thân hết mình trong công việc phục vụ nhân quần xã hội – mà điển hình là trong gia đình hai cháu Tuyền và Liên như tôi đang ghi lại trong bài viết này vậy./

Philadelphia ngày 1 tháng Năm 2013

Đoàn Thanh Liêm