Ngày đầu tháng Năm tại Đại học Temple ở Philadelphia

Temple University là một Đại học lớn với trên 30,000 sinh viên, được thành lập đã trên 100 năm tại thành phố Philadelphia trong tiểu bang Pennsylvania. Từ nhiều năm nay, mỗi lần đến Philadelphia, thì tôi đều đến thăm chị bạn Sophie Quinn-Judge là một giáo sư dậy môn Sử học tại trường này. Chị Sophie này khác với chị Sophie Richardson làm việc với Human Rights Watch ở Washington mà tôi cũng đã đến thăm vào giữa tháng Tư như đã tường thuật trong một bài mới đây.

Lần này, Sophie Quinn-Judge lại còn mời tôi đến nói chuyện với sinh viên trong lớp về Sử học Á châu do chị phụ trách. Và như đã hẹn qua e-mail, sáng sớm ngày 1 tháng 5, tôi đã đến văn phòng của Sophie ở tầng 10 của building Gladfelter trong khuôn viên Đại học Temple ở về phía bắc Đại lộ Broad của thành phố.

Gặp tôi, Sophie thật mừng và nói ngay : “Trông anh có vẻ khỏe mạnh đấy…” (You look so healthy). Sau khi mời tôi dùng cà phê, thì Sophie cho biết đây là một lớp học nhỏ chỉ có 7 sinh viên đang theo học năm thứ 3 và thứ 4. Các em chọn môn Sử học là môn chính để thi bằng Cử nhân. Chị nhắc lại với tôi là chị muốn nhờ tôi giúp cho sinh viên hiểu cụ thể hơn về những gì đã xảy ra tại Việt nam trong vòng nửa thế kỷ vừa qua. Lớp sinh viên này mới ở vào lứa tuổi 20 – họ sinh vào đầu thập niên 1990 – nên chẳng hiểu gì lắm về tình hình ở Việt nam, kể cả về cuộc chiến ở đó. Kinh nghiệm họat động lâu năm và kiến thức vững vàng của anh sẽ góp phần bổ túc phong phú hơn cho những gì tôi giảng dạy cho các em này từ ít lâu nay.

1 – Câu chuyện trao đổi với sinh viên lớp Sử học.

Và theo lời yêu cầu của chị, tôi đã cho in bản Tiểu sử ngắn của mình để tiện cho chị giới thiệu với lớp học. Chúng tôi đến lớp học bắt đầu vào đúng 9.00 giờ. Khởi đầu nói với sinh viên, Giáo sư Quinn-Judge giới thiệu tôi là một vị khách mời đến từ California. Sau ít lời trình bày về tiểu sử của tôi, thì chị bảo mỗi sinh viên lần lượt tự giới thiệu với tôi về tên tuổi và năm mình đang theo học. Tiếp theo, thì chị trao lời cho tôi chủ động cuộc trao đổi với các sinh viên trong lớp học về quá trình họat động của mình.

Trong chừng 10 phút, tôi nói qua về tình trạng sinh họat của làng quê tôi ở tại miền Bắc Việt nam – cụ thể là vào năm 1945 lúc tôi đã 11 tuổi, thì xảy ra nạn đói làm chết đến một phần ba dân số trong làng, trong đó có cả ông chú là em của cha tôi và nhiều bà con khác. Tính ra, tại vùng đồng bằng sông Hồng gồm 5 tỉnh, thì có đến gần 2 triệu người chết đói trong số 6 triệu cư dân. Thành ra, bà con rất óan hận thực dân Pháp và quân phiệt Nhật.

Do vậy, mà khi quân Nhật thua trận hồi tháng 8/1945, thì dân chúng tại làng quê tôi rất phấn khởi trước việc nước Việt nam dành lại được nền độc lập khỏi tay người Pháp và người Nhật. Ông Hồ chí Minh được nhiều người ca tụng như là một vị lãnh tụ tài ba – hồi đó đâu có mấy người biết rõ ông ấy là người cộng sản được đào tạo tại Moscow.

Rồi đến năm 1946, người Pháp tìm cách chiếm lại Việt nam – thì tòan dân đều hăng say tìm cách chống lại quân xâm lăng này. Nhưng đến năm 1950 trở đi, thì Việt minh cộng sản áp dụng chế độ độc tài theo lối của Stalin, Mao Trạch Đông, thì người dân bắt đầu chán ghét cộng sản. Cụ thể là năm 1954, chính tôi đã theo chân cả triệu người di cư rời bỏ miền Bắc do cộng sản cai trị - để vào miền Nam sống dưới chế độ quốc gia. Nhờ vậy, mà tôi có cơ hội được học hết chương trình Đại học – để trở thành một luật sư, chuyên nghiên cứu về luật pháp.

Từ năm 1965, chiến tranh leo thang với bao nhiêu chết chóc kinh hòang và hàng triệu nạn nhân chiến cuộc phải rời bỏ làng quê để về tá túc tại các đô thị có anh ninh bảo đảm hơn. Vì thế, mà tôi trở thành một người tình nguyện họat động xã hội nhân đạo để giúp đỡ chăm sóc cho các nạn nhân này – cụ thể là tại các quận 6,7 và 8 Saigon.

Năm 1975, lúc chính quyền miền Nam sụp đổ trước cuộc tấn công của quân đội cộng sản miền Bắc, thì tôi ở lại Saigon chứ không tìm cách trốn thóat đi. Lý do là tôi phải ở lại với số đông bà con trong cơn họan nạn này – chứ tôi không hề có một ảo tưởng nào về chế độ cộng sản cả.

Và đến năm 1990, sau khi chế độ cộng sản Đông Âu sụp đổ, thì lãnh đạo cộng sản Việt nam đã hốt hỏang (panicked, paranoid) và bắt giữ những người có ý kiến bất đồng như tôi – mặc dầu tôi không hề có hành động bạo lực nào để chống lại họ. Và do sự can thiệp của nhiều tổ chức nhân quyền như Amnesty International, Human Rights Watch cũng như của chánh phủ Mỹ - mà cộng sản đã trả tự do cho tôi bằng cách chở tôi từ nhà tù ra phi trường để cùng gia đình qua định cư ở California.

Thành ra bây giờ thì tôi là một người tỵ nạn chính trị ở nước Mỹ này đây ( a political refugee)… Và tôi đang cùng một số bạn tích cực tham gia góp phần vào công cuộc tranh đấu Bảo vệ Nhân phẩm và Nhân quyền cho đồng bào Việt nam thân yêu của chúng tôi.

Tiếp theo các sinh viên thay nhau đặt các câu hỏi yêu cầu tôi giải thích thêm về một số điểm mà họ chưa được hiểu biết thông suốt. Tôi đã cố gắng giải tỏa những thắc mắc của các bạn trẻ này. Và sau một giờ thì lớp học chấm dứt, Sophie lại dẫn tôi trở lại văn phòng của chị để tiếp tục cuộc nói chuyện riêng giữa chúng tôi.

2 – Trao đổi riêng với chị Sophie Quinn-Judge.

Sophie là một trong số những người bạn Mỹ thân thiết từ lâu của tôi. Tôi đã có vài lần viết về chị và bài gần đây nhất được viết năm 2012 về cuộc gặp gỡ với chị cũng tại Đại học Temple này - nên tôi khỏi cần nhắc lại chi tiết về mối liên hệ gắn bó với người bạn thật dịu dàng dễ mến này.

Sau lớp học, Sophie nói ngay với tôi : “Điều anh nói với sinh viên của tôi bữa nay như thế là điều rất tốt, vì rõ ràng cái chứng từ của anh thật rõ ràng và đáng tin cậy – nó có sức thuyết phục lôi cuốn đối với các em này về sự dấn thân nhập cuộc tranh đấu cho công bằng xã hội, cho Nhân phẩm, Nhân quyền của giới trẻ sau này. Tôi sẽ yêu cầu Temple gửi tới địa chỉ của anh ở California một tấm check chừng vài trăm dollar – như là một thứ honorarium cho guest speaker của buổi nói chuyện này – đó là thủ tục vẫn được áp dụng như thường lệ tại bất kỳ nhà trường nào…”

Tiếp theo, chúng tôi trao đổi tin tức về một số bạn hữu thân thiết mà mới ra đi trong mấy tháng gần đây. Điển hình như anh John Spragens vừa mất tại Oregon vào hồi đầu năm 2013, và mới đây vào đầu tháng Tư thì anh Roger Rumpf là chồng của Jackie Chagnon cũng mất ở Missouri. Cả hai người đều bị bệnh ung thư và qua đời ở tuổi chưa đến 70. Sophie cũng bày tỏ sự thương tiếc đối với Linh mục Chân Tín – mà chị có dịp đến thăm ông cách nay chừng 2 năm. Chị kể lại : “Lúc tôi gặp cha, thì dù ông đã yếu, nhưng tinh thần vẫn sáng suốt tinh tường. Ông đích thực là một tiêu biểu cho tinh thần nhân bản, nhân ái trong hàng ngũ trí thức hiện nay ở Việt nam…” Sophie cũng thương tiếc anh Nguyễn Ngọc Lan, chị nói : “Nếu anh Lan chịu đi qua Pháp hay ở Mỹ, thì không đến nỗi phải chết sớm như vậy.” Tôi nói : “Anh Lan có tính tự ái cao, anh khó mà chấp nhận chuyện bỏ nước ra đi..” Sophie gật đầu đồng ý với nhận xét của tôi, chị nói nguyên văn tiếng Anh : “Yes, he is too proud to accept leaving the country”.

Sophie còn hỏi tôi : “ Anh nhận định thế nào về chuyện “Sửa đổi Hiến pháp” tại Việt nam lúc này?” Tôi nói đại khái :” Giới lãnh đạo ở Hanoi bày trò sửa đổi Hiến pháp này là kế hõan binh để mua chuộc thời gian, vì trong hàng ngũ nội bộ của đảng cộng sản đang có mâu thuẫn tranh chấp rất lớn. Mặt khác, hiện đang xuất hiện một phong trào đối lập công khai - do nhiều thành phần dân chúng, nhất là giới trẻ - đối với đảng cộng sản. Có triển vọng là Xã hội Dân sự ở Việt nam sẽ phát triển mỗi ngày thêm lớn mạnh – để thực sự đóng được vai trò “làm Đối trọng” (Counterbalance) đối với Nhà nước độc tài tòan trị cộng sản. Và từ đó mà công cuộc Dân chủ hóa ở Việt nam sẽ trở nên khởi sắc - như là một tiến trình không thể nào mà có thể bị làm đảo ngược lại được nữa (Irreversible Process)…” Sophie gật đầu, tỏ ý tán thành ý kiến đó của tôi.

Đến trưa, thì Sophie dẫn tôi xuống một khu vườn để chọn đồ ăn và đem ra bàn ngồi ăn chung với số đông sinh viên. Trời nắng thật đẹp với khí hậu mùa Xuân mát dịu, chúng tôi hòa mình với cuộc sống vô tư yêu đời của hàng hàng lớp lớp các sinh viên nam nữ hầu hết còn đang ở lứa tuổi 20. Và riêng tôi, thì tôi thấy mình trẻ lại – y hệt như cái thời cách nay đã trên 50 năm trước lúc mình còn theo học tại Trường Luật Saigon. Nhân dịp này, tôi còn tặng Sophie cuốn Hồi ký vừa mới xuất bản của chị bạn Judy Wicks có nhan đề thật ngộ nghĩnh là : “Good Morning, Beautiful Business”.

Thật là một kỷ niệm đẹp với Đại học Temple ở Philadelphia trong một ngày Mùa Xuân năm 2013 này vậy./

Philadelphia ngày 3 tháng Năm 2013

Đoàn Thanh Liêm