Ngày Hiền Mẫu - Nhớ Ơn Mẹ

NGÀY HIỀN MẪU - NHỚ ƠN MẸ

HAPPY MOTHER’S DAY

Đang khi Mẹ tôi còn sống, còn khoẻ mạnh, tôi phải viết lên đây để cám ơn, công lao sinh thành, dưỡng dục của Mẹ tôi. Nếu mai này Mẹ tôi không còn nữa, tôi có cám ơn, có ca tụng cách mấy cũng bằng thừa.

Jovi SA

 

***

Mẹ Tôi!

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ “tám” con với một chồng

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo xèo mặt nước buổi đò đông.

Một duyên hai nợ, âu đành phận

Năm nắng mười mưa, dám quản công

Tôi xin mượn bài thơ của thi sĩ Trần Tế Xương trên đây, để diễn tả phần nào tâm trạng và nỗi vất vả của Mẹ tôi, một người phụ nữ suốt đời, âm thầm lặn lội buôn bán khắp đó đây, để kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con, nuôi bố và nuôi em nữa.

Mẹ tôi sinh năm Canh Thân 1920, cầm tinh con khỉ, trong một gia đình xấu số.

Mẹ tôi là người con thứ II trong gia đình có 3 chị em.

Mẹ tôi lớn gần 3 tuổi, thì bà ngoại của tôi qua đời vì một cơn bạo bệnh.

Mẹ tôi mồ côi, từ lúc vừa qua cái tuổi chập chững biết đi, vắt mũi chưa sạch, thì đã phải quấn trên đầu vành khăn tang, một nỗi buồn thê lương mất mẹ.

Bà Ngoại của tôi mất đi, để lại cho ông Ngoại tôi một nách 3 người con thơ ấu nhỏ dại. Cậu Út của tôi lúc đó mới được gần 10 tháng, đang còn phải ẵm bé trên tay. Ông Ngoại tôi lâm cảnh gà trống nuôi con, khi đó ông mới trên 25 tuổi, đang tuổi xuân thì, trai tráng hào kiệt.

Nhiều người mai mối, nhưng Ngoại tôi đã thủ tiết, cương quyết không tái giá, ở vậy nuôi con cho đến tuổi già. Cụ đã qua đời năm 1971 tại nhà tôi ở trên Sàigòn do căn bệnh ung thư xương và phổi, thọ 79 tuổi.

Gia đình chúng tôi là những người miền Bắc di cư vào Nam, hay còn gọi là Bắc Kỳ 54, nên chúng tôi theo phong tục, tập quán và văn hoá ngoài miền bắc. Những vị trưởng thượng của cha hay mẹ, như: Chị của Mẹ hay anh của Mẹ, hoặc anh hay chị của Bố, chúng tôi đều phải gọi bằng bác, cho dù những vị đó là ruột thịt hay họ hàng. Chứ không gọi là dì hay cậu như người miền Nam.

Người miền Nam thì vai vế cấp trên, hay vai cấp dưới cũng đều gọi là Cậu và Dì.

Do đó chúng tôi gọi chị và em của Mẹ tôi là bác Cả và cậu Út.

Bà ngoại tôi qua đời, ba chị em của Mẹ tôi bước vào một ngõ rẽ đen tối, với bao cảnh gian chuân, buồn tủi và khổ cực. Bác Cả của tôi và Mẹ tôi phải xông xáo, lặn lội kiếm sống, giúp ông ngoại tôi nuôi cậu Út. Mặc dù Mẹ tôi lúc đó chưa có đủ trí khôn, đã phải bon chải vào đời, bác Cả tôi được gần 5 tuổi. Ông ngoại tôi phải nhờ đến các cô, các dì của Mẹ tôi nuôi dùm cậu Út. Bác Cả và Mẹ tôi hàng ngày phải bế cậu Út đi bú rình những sản phụ quen thân trong giòng họ và trong làng, lại phải mớm cơm cho cậu Út, cho đến khi cậu biết ăn, biết uống.

Ngoại tôi đặt tên cho ba chị em của Mẹ tôi, với những cái tên rất đẹp và dễ thương. Nhưng số phận thì lại hẩm hiu.

Theo lời bác Cả tôi kể lại. Tuy còn nhỏ dại, nhưng hai chị em Mẹ tôi đã phải theo người ta đi mò cá, mò cua, bắt tôm, bắt chạch ở những chỗ vũng nước ruộng cầy và mương rạch, đem đi bán dạo để kiếm tiền giúp gia đình.

Đến khi khôn lớn, những người họ hàng thương tình giúp đỡ, họ cho Mẹ tôi đi theo gồng gánh thuê, tập buôn bán, kiếm kế sinh nhai.

Mẹ tôi gánh hàng vải, hàng xén cho những người lái buôn đến các phiên chợ huyện quanh vùng, rồi phụ bán với họ. Mẹ tôi kiên nhẫn học hỏi cách buôn bán. Nhờ vậy mà bà trở nên lạnh lẹ, xoay sở giỏi giang.

Sau này thành thạo, Mẹ tôi đứng ra buôn bán riêng rẽ, không còn phải đi gánh thuê cho người ta nữa. Nhưng hàng ngày Mẹ tôi phải lội bộ, gồnh gánh hai cái bồ đựng vải và hàng xén, đi nhiều nơi bán hàng, có khi đi cả 3 hay 4 chục cây số, đến chợ huyện các vùng quanh tỉnh Thái Bình. Có khi trời tối không kịp về nhà, Mẹ tôi phải vào tá túc, xin ngủ trọ những gia đình quen biết, hoặc bà con ở các làng, gần chợ.

Lúc còn tuổi thiếu nữ thanh xuân, Mẹ tôi khoẻ mạnh, đi buôn bán nhiều nơi, nhiều tỉnh, từ Thái Bình sang Bùi Chu, Nam Định, ngay cả Hà Nội nữa, chỗ nào cũng có vết chân. Mẹ tôi chỉ mong kiếm tiền đem về giúp ông ngoại tôi nuôi sống gia đình với bốn cha con, cho tới ngày Mẹ tôi trưởng thành, lập gia đình với Bố tôi.

Mẹ tôi không được đi học, vì ngày xưa ở nhà quê ngoài miền bắc rất nghèo, hầu như con gái chẳng có mấy ai được đi học. Phụ nữ chỉ cần rèn luyện: Tứ đức tam tòng, tề gia nội trợ là đủ. Hơn nữa Mẹ tôi lại là đứa trẻ mồ côi, thì còn xấu số hơn bao trẻ khác nữa.

Mặc dù không được đến trường, nhưng Mẹ tôi học lóm từ bạn bè, tập viết, tập đọc cũng tạm đủ dùng vào thời đó. Tuy viết lách không được trôi chảy, nhưng bà tính toán khá hay, có bài bản, chi ly từng đồng.

Mẹ tôi tính nhẩm rất nhanh, thí dụ: Một con gà giá 33 đồng, Bà chỉ lẩm nhẩm trong mồm, 10 con giá 300, dư 3 đồng lẻ mỗi con, cộng lại thành 30. Vậy là 10 con gà giá 330 đồng. Mẹ tôi tính nhẩm thoăn thoắt không sai một xu.

Các cụ thường nói: “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Mẹ tôi mồ côi, phải bon chen vào đời rất sớm, nên trí óc của Mẹ tôi cũng phát triển thông minh, bén nhậy và lanh lợi sớm hơn so với những bạn gái cùng lứa tuổi.

Họ nội của tôi thì chuyên nghề đông y, Bố tôi lại rất hiền từ, chỉ chăm chú vào công cuộc “cứu nhân độ thế”, nên khi Mẹ tôi về làm dâu nhà chồng, bà học thêm được cái nghề bán thuốc cao đơn hoàn tán, luyện thuốc viên, thuốc tễ, ủ men rượu.

Gian hàng buôn bán của Mẹ tôi trên đất chợ là một cái chiếu vỉ trải xuống nền đất. Mẹ tôi có mặt hầu hết ở các phiên chợ huyện, với nhiều mặt hàng khác nhau từ tạp hoá, vải vóc cho đến thuốc men đều có đủ.

Mẹ tôi luôn là những chuỗi ngày lao động vất vả. Lúc Mẹ tôi sanh đứa em trai kế tôi được vài tháng, thì Bố tôi bị lính Tây vào làng, cán quét bắt đi nhân công, lao động biệt tăm. Mẹ tôi hàng ngày phải đèo bồng em tôi đi nhiều nơi dò dẫm, thăm hỏi tin tức, nhưng chẳng tìm thấy tông tích Bố tôi đâu.

Chúng đầy ải Bố tôi lên mãi tận vùng cực bắc, Yên Tử, Yên Bái.

Trong lúc Bố tôi bị đày đi nhân công, em tôi lớn gần 1 tuổi thì bị bệnh dịch chết, ông Nội tôi cũng bị Tây càn, bắt đi tải đạn, chúng đánh đập tàn nhẫn, khiến ông Nội tôi lâm trọng bệnh rồi qua đời sau đó.

Bà Nội của tôi và Mẹ tôi phải chôn cất em tôi. Vài tháng sau lại phải lo cái đại tang, chôn cất ông Nội tôi. Giòng họ Nội nhà tôi, tuy khá giả, nhưng lúc này, bị coi như rơi xuống vực thẳm.

Mẹ tôi trên vai 3 - 4 gánh nặng, phải lo chăm sóc bà Nội và nuôi nấng mấy chị em chúng tôi, lại còn phải phụ giúp ông Ngoại tôi lo cho cậu Út nữa.

Vất vả như vậy, mà Mẹ tôi cũng đã kiên trì vượt qua, cho tới ngày Bố tôi trốn trại, thoát về được đến nhà, đoàn tụ với gia đình.

Năm 1953- Bố Mẹ tôi sinh thêm đứa em trai kế nữa, thì làng xã chúng tôi bị Việt Minh tràn về chiếm đóng.

Năm 1954 - Bộ đội Việt Minh vào làng hội họp, yêu cầu Bố tôi phải gia nhập đội ngũ thanh niên xung phong đi nhân công tải đạn vào khu Tư, đánh Tây và vượt rừng vào Nam. Nghe thấy thế, Bố tôi sợ hãi, về bàn với Mẹ tôi. Ban đêm, Mẹ tôi sắp xếp, chuẩn bị khăn gói cho Bố con tôi xé hàng rào sau nhà, lội đồng, vượt mương trốn ra Hải Phòng, bỏ lại gia đình sau lưng.

Với sự bén nhậy, tinh khôn của Mẹ tôi. Chỉ một tuần sau, khi cha con tôi vượt thoát, Mẹ tôi cũng lén lút bỏ nhà, bỏ làng, trốn đi. Bà dẫn được cả gia đình 6 người đi theo, gồm có: Bà Nội tôi, chị gái tôi, anh tôi và em trai 1 tuổi của tôi, cùng một người chị họ của tôi đi theo.

Nhờ đi buôn bán đó đây, nên Mẹ tôi rành đường, quen lối, trốn đi dễ dàng, không bị bọn dân phòng canh gác cổng làng, ngõ xóm chặn lại.

Mẹ tôi trốn thoát ra đến Hải Phòng, gặp lại Cha con tôi, cả nhà mừng mừng, tủi tủi ôm nhau khóc xướt mướt. Cả gia đình tôi vừa đoàn tụ trong trại ty nạn nơi căng Thượng Lý, Hải Phòng ngày hôm trước, thì hôm sau Bố tôi sợ Việt Minh có thể tràn đến, nên đã nhanh chân dẫn cả gia đình chúng tôi xuống tàu “Há Mồm” xuôi Nam ngay.

Sau ngày vào Nam, người chị họ của tôi vẫn ở với gia đình tôi cho đến khi lập gia đình. Thế là Bố Mẹ tôi lại phải nuôi thêm một miệng ăn nữa.

Đặt chân đến Sàigòn, chính quyền TT Ngô Đình Diệm đưa gia đình chúng tôi lên khu định cư Tân Uyên, Biên Hòa lập nghiệp, nơi đây toàn là rừng rẫy và cỏ tranh, người dân chỉ sống bằng một nghề duy nhất là đan lát: Nong, nia, thúng, mủng, rổ, rá. Mẹ tôi lại nghiệp cũ, gia nhập nghề buôn thúng, bán mẹt và tạp hoá, từ Biên Hòa lên Sàigòn, Hố Nai, Tây Ninh.

Mẹ tôi nghe được tin ông Ngoại và cậu Út tôi cũng di cư đến được vùng Trảng Bàng, Tây Ninh, còn bác Cả tôi thì đi theo bác Trai, quân nhân Sư Đoàn 7 BB di chuyển vào Bà Rịa miền Nam, theo đoàn quân nam tiến. Mẹ tôi cũng từ từ mò mẫm đi tìm kiếm cho bằng được.

Ở vùng Tân Uyên làm ăn khó khăn. Đến năm 1956 Giám Mục Phạm Ngọc Chi đặc trách Phủ Tổng Ủy Di Cư đã chỉ thị cho các linh mục lãnh đạo, dẫn chúng tôi di cư lần thứ II xuống dinh điền Cái Sắn, Long Xuyên lập nghiệp.

Lúc anh em chúng tôi còn đi học tiểu học ở Cái Sắn trường làng, thì Mẹ tôi bôn ba từ Long Xuyên, lên Sàigòn, rồi ra mãi tận miền Trung buôn bán, đem các sản phẩm đồng quê như: Gạo, thuốc lào, cà pháo, gà vịt theo xe vận tải, chuyển lên Sàigòn cho các đại lý con buôn quen biết.

Mẹ tôi chuyển thuốc lào ra tận mãi miền Trung, lên Quảng Ngãi, Kontum, Pleiku, Đắc Tô, Đắc Sút, Phú Bổn, Bình Định, Qui Nhơn, Hớn Quản, Bình Long, nơi nào có người quen, là nơi đó có lốt chân của Mẹ tôi. Chỗ nào có những người đồng hương sinh sống làm ăn hoặc đi quân đội, thì Mẹ tôi dò hỏi, rồi lân la tìm đến tá túc, để liên lạc tìm bạn hàng buôn bán. Mẹ tôi biết nhiều nơi còn hơn lính Bộ Binh đi hành quân. Rồi khi từ miền Trung trở về, Mẹ tôi mang theo những món hàng sản xuất từ rừng rẫy như: Măng khô, mật ong, tiêu, tỏi, cà phê về quê chào hàng, rao bán.

Năm 1961, ở vùng quê, cả khu xóm chỉ mình nhà tôi là có cái Radio, Mẹ tôi mua từ SG đem về nhà để cho gia đình nghe tin tức và nhạc. Ngày quân đội đảo chính TT Ngô Đình Diệm, dân làng trong kênh kéo nhau đến nhà tôi nghe tin tức, như hội họp. Tôi vảnh mặt lên, ra nghênh cản ở ngoài cổng. Những đứa trẻ nào cùng lứa tuổi với tôi, hoặc nhỏ hơn tôi mà lộn xộn, tôi đe doạ sẽ đóng cổng không cho vào nhà tôi nghe radio.

Sống ở vùng quê nông thôn, toàn ruộng vườn và kênh rạch nên di chuyển khó khăn, phương tiện vận chuyển chính là đi bộ và chèo xuồng, ít người có tiền mua xe đạp. Khi trời mưa, đường lầy lội, chỉ có chèo xuồng là đỡ cực. Học sinh đi học rất cực, đến trường phải lộ bộ trên đường xình lầy mấy cây số. Mùa khai trường lại hay vào nùa mưa rào, gió bão.

Học hết tiểu học ở trường làng, lên bậc trung học, hai anh em chúng tôi phải ra mãi tận ngoài xã mới có trường trung học. Mỗi ngày chúng tôi đi học, phải lội bộ, đi và về trên 20 cây số, thức dậy từ lúc 4 giờ sáng đi học, 12 giờ trưa tan học, nhưng tới 2 - 3 giờ chiều mới lội bộ về đến nhà.

Mẹ tôi thấy anh em chúng tôi vất vả, không có phương tiện đi học, bà đã tìm tòi mua cho anh em chúng tôi một cái đò cỡ trung, có lắp máy đuôi tôm, chở được khoảng hai chục người.

Hàng ngày anh em chúng tôi dùng đò làm phương tiện đi học và đưa, đón hành khách đi chợ, kiếm thêm tiền xăng làm lộ phí.

Không ngờ anh em chúng tôi là những thằng học trò nhà quê, lại trở nên những tay tài xế, lái đò máy cừ khôi. Còn Mẹ tôi vừa làm lơ, vừa làm chủ đò thu tiền hành khách đi chợ.

Trong giờ học của anh em chúng tôi, Mẹ tôi trông coi con đò và ra chợ buôn bán rông dài, đủ thứ linh tinh, từ đầu chợ, cho đến cuối chợ. Rào đón, rước khách đi chợ về. Đợi cho tới 12 giờ, anh em chúng tôi tan học, Mẹ tôi đón khách đi chợ, xuống đò, chúng tôi chở về nhà.

Từ đó chúng tôi đi học không phải lộ bộ, đỡ mệt mà lại về nhà sớm hơn. Thật là một công, mà tới 3 - 4 chuyện. Chúng tôi phục sát đất sáng kiến của Mẹ tôi. Nhờ vậy mà năm 1979 sau khi được thả tù, anh em chúng tôi lái ghe vượt biên sang đến Mã Lai ngon lành.

Mẹ tôi chẳng có lúc nào ngồi yên. Buổi sáng bà ra chợ, chiều về Mẹ tôi tiếp tục mở tiệm tạp hóa ở nhà, buôn bán những món hàng cần thiết cho dân quê, họ không cần phải ra chợ quá xa cả hàng chục cây số để mua.

Đôi khi tôi mở CD, cassette nghe lại bản nhạc “Bà Mẹ Quê” của nhạc sĩ Phạm Duy, tôi thương Mẹ tôi vô cùng:

Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một mầu

Có đàn, có đàn gà con nương náu

Mẹ quê, mẹ quê vất vất vả trăm chiều

Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu

Bà bà mẹ quê! Gà gáy trên đầu ngọn tre

Bà bà mẹ quê! Chợ sớm đi chưa thấy về

Chờ nụ cười con, và đồng quà ngon.

Trời mưa, trời mưa ướt áo mẹ già

Mưa nhiều, mưa nhiều càng tươi bông lúa

Trời soi, trời soi bốc khói sân nhà

Nắng nhiều, nắng nhiều thì phơi lúa ra

Bà bà mẹ quê! Đêm sớm không nề hà chi

Bà bà mẹ quê! Ngày tháng không ao ước gì

Nhỏ giọt mồ hôi, vì đời trẻ vui.

Miệng khô, miệng khô nhớ bát nước đầy

Nhớ bà, nhớ bà mẹ quê xưa ấy

Mùa đông, mùa đông manh chiếu thân gầy

Cháu bà, cháu bà ngủ ngon giấc say.

Bà bà mẹ quê! Chân bước ra đời cõi xa

Bà bà mẹ quê! Từ lúc quê hương xóa nhòa

Nhớ về miền quê, mà giọt lệ sa

Ns Phạm Duy

Bản nhạc này đã gợi cho tôi cảm nhận được tình thương yêu của Mẹ tôi đối với gia đình thật là bao la, hải hà.

Mẹ tôi không thích làm nghề nông. Nên khoảng, sau 1965 nước lụt toàn vùng Cái Sắn và miền Tây. Lũ lụt đã tàn phá nhà cửa, ruộng vườn, hoa màu. Mẹ tôi dẫn anh em chúng tôi lên Sàigòn gửi, trọ học. Mẹ tôi đi đi, lại lại Sàigòn - Long Xuyên, buôn bán đôi nơi, nuôi anh em chúng tôi ăn học.

Đến năm 1967 -Mẹ tôi dành dụm, bóp chắt được ít tiền. Bà quyết định mua căn nhà nhỏ trên Sàigòn cho anh em chúng tôi tá túc đi học, khỏi phải phiền hà đến bà con và cũng làm bàn đạp để Mẹ tôi tung cánh, trổ nghề thương mại nơi thành thị.

Năm 1968, Mẹ tôi sanh đứa em gái út thiếu tháng. Mẹ tôi đã phải vất vả, nhiều khi thức trắng đêm cả 3 - 4 tháng trời trong bệnh viện, để nuôi nấng ẵm bế em tôi, không rời tay. Em tôi sinh ra, cân nặng chỉ vài trăm gram, rất yếu ớt, hơi thở thoi thóp, tưởng là không sống nổi. Mẹ tôi lúc nào cũng ngồi lẩm nhẩm đọc kinh, phó thác em tôi trong tay Thiên Chúa phù trì cứu độ. Thế rồi em tôi cũng từ phát triển theo năm tháng và trở thành đứa trẻ bình thường, từ dòng sữa ấm áp của Mẹ.

Cũng năm đó, thời kỳ vận may đã đến, Mẹ tôi có đủ lực vốn liếng, mua ngay một cửa tiệm tạp hóa nhỏ, trên mặt tiền đường Nguyễn Thông, Quận Ba, Sài Gòn, gần ga xe lửa Hòa Hưng. Sau đó gia đình tôi di chuyển toàn bộ từ Long Xuyên lên Sàigòn buôn bán sinh sống. Lúc này gia đình chúng tôi có hai căn nhà trên Sàigòn, một căn ở và một căn làm tiệm buôn. Còn ruộng đồng ở Cái Sắn thì Bố tôi nhờ chị họ tôi và người nhà coi sóc, cho bà con cùng quê cày cấy, ăn chia.

Tiệm tạp hoá của gia đình tôi, mọi người cùng góp sức với Mẹ tôi buôn bán, từ từ khấm khá lên. Mẹ tôi quyết định bán đi một căn nhà cũ, tân trang lại cửa tiệm tạp hóa cho gia đình làm ăn sinh sống. Đến sau ngày mất nước 30/4/75 thì cửa tiệm của gia đình tôi bị tịch thu, đóng cửa. Vì bị các “đồng chí vịt con” đánh tư sản mại bản. Từ đó Mẹ tôi truyền nghề lại cho những đứa em gái của tôi, kiếm kế bán dạo, còn Mẹ tôi chạy rông dài buôn bán ngoài đường, ngoài phố, chợ trời, tránh con mắt dòm ngó của các đồng chí, đồng chuột, áo vàng công an, đến dụ dỗ gia đình chúng tôi đi kinh tế mới. Bố tôi thì trở về quê giữ lại ruộng vườn. Một chốn đôi quê. Mẹ tôi dứt khoát không về quê, như VC tuyên truyền.

Đến năm 1979, bốn anh em chúng tôi dùng căn nhà dưới quê vùng Cái Sắn, để làm nơi đi lại, tổ chức xuất phát vượt biên.

Sau khi chúng tôi vượt biển thành công, thì Bố Mẹ tôi để lại ruộng đất dưới quê cho gia đình cậu Út của tôi quản lý. Bố tôi trở về Sàigòn xum họp với Mẹ tôi và các em tôi cho đến năm 1982, thì Bố Mẹ tôi được anh em chúng tôi bảo lãnh sang Úc đoàn tụ. Những chị em của gia đình tôi còn lại sau đó, cũng từ từ vượt biên và được bảo lãnh trọn gói, sang Úc kế tiếp. Gia đình tôi cũng đã hiến cho biển cả một người em trai thứ 7 của tôi mới 22 tuổi, vượt biên trước chúng tôi, ghe bị bể máy trôi dạt ngoài biển khơi, mọi người cùng đi đều bị chết mất xác. Mẹ tôi đã khóc cả mấy tháng thâu đêm. Tuy đến nay đã 32 năm, nhưng cứ mỗi lần đến ngày giỗ em tôi, thì Mẹ tôi lại khóc, chẳng bao giờ quên.

Trước khi Bố Mẹ tôi rời Việt Nam, Mẹ tôi đã lo liệu cho gia đình cậu Út tôi lên Sàigòn. Các em con cậu Út của tôi tập tành buôn bán, cho đến khi đứa em cuối cùng của tôi rời Việt Nam, thì gia đình tôi trao tất cả các tài sản của gia đình tôi cho gia đình cậu Út quản lý. Từ đó những đứa em con cậu Út của tôi tiếp tục buôn bán trên những gia sản của Mẹ tôi để lại.

Từ khi chính quyền cộng sản Việt Nam cởi trói cho đến nay. Mẹ tôi thỉnh thoảng về VN cố vấn cho các em con cậu Út của tôi làm ăn. Vì sau vài năm gia đình chúng tôi qua Úc đoàn tụ, cậu mợ tôi đã lần lượt qua đời hết cả.

Mẹ tôi thương yêu và lo cho gia đình cậu Út của tôi, còn hơn cả người mẹ thương con.

Sang Úc tuy đã 62 tuổi, nhưng Mẹ tôi ít khi ngồi yên. Không đi chỗ này thì cũng vào hội đoàn nọ giúp chỗ khác. Bố Mẹ tôi đã được anh em chúng tôi thay nhau dẫn đi du lịch nhiều quốc gia Âu, Mỹ, Úc, Á Châu, tìm lai lịch những thân nhân xa, gần, liên kết họ hàng lại với nhau nơi hải ngoại. Bố Mẹ tôi đến thăm từng gia đình thân nhân bên Âu Châu và Mỹ Châu, Úc Châu.

Ông Bà kể lể gia phả, nối lại giòng họ lâu năm đã bị mất liên lạc. Cho nên bây giờ họ hàng của gia đình tôi hầu như có mặt trên khắp 5 châu, sống rải rải rác trên 4 châu: Á, Âu, Mỹ, Úc. Còn em gái Út của tôi đang công tác cho Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế (Red Cross) bên Phi Châu đã nhiều năm qua. Gia đình tôi cũng đã sang tận Phi Châu thăm em tôi.

Mẹ tôi là một cuốn gia phả vô giá của Giòng Họ nhà tôi, không thể tìm kiếm trong bất cứ thư viện nào trên thế giới. Nếu không có Bố Mẹ tôi, có lẽ chẳng bao giờ chúng tôi nhận lại được họ hàng. Một ví dụ điển hình, là người Dì họ của tôi đang sinh sống tại Melbourne. Dì là người con cả của bà Cô ruột của Mẹ tôi. Mẹ tôi đã mất liên lạc với Dì, từ ngày Cô ruột của Mẹ tôi qua đời, ông chú dượng của Mẹ tôi di chuyển lên mãi vùng xa biệt tăm, tái giá, lập gia đình. Qua bao nhiêu năm tìm kiếm, thế mà Mẹ tôi dò hỏi, may mắn đã gặp lại được Dì ngay trên đất Úc tại Melbourne. Từ ngày gặp lại gia đình Dì, Mẹ tôi hầu như hàng tuần đều liên lạc nói chuyện với Dì và người em ruột của Dì bên Mỹ nữa. Tuy là chị em họ, con Cô, con Cậu, nhưng Mẹ tôi gắn bó thiết tha, thân tình như chị em ruột.

Năm 2008, Mẹ tôi về quê: nội, ngoại ngoài miền bắc Việt Nam, Mẹ tôi đã qui tụ hầu hết bà con, thân nhân nội, ngoại lại với nhau, kể cho con cháu nghe về họ hàng thân tộc, trong đó họ ngoại tôi có Đức cha Trương Cao Đại OP cựu giám mục giáo phận Hải Phòng là người anh họ đời thứ II của Mẹ tôi. Tuy đã gần 60 năm xa cách, Mẹ tôi giúp họ hàng, ghi lại Giòng Họ cuốn gia phả họ ngoại làng Rèm và Bơn, Thái Bình của Mẹ tôi. Tiện dịp sau đó, chúng tôi cùng Mẹ tôi ra tận Hải phòng tìm lại dấu tích của Giám Mục Trương Cao Đại OP. Chúng tôi đã được Đức Cha Vũ Văn Thiên đương kim giám mục Hải Phòng tiếp kiến. Ngài yêu cầu Bố Mẹ tôi sang viện Bào Tàng của giáo phận, ngồi lên trên chiếc ghế của Cố Giám Mục Trương Cao Đại OP, chụp hình lưu niệm. Chiếc ghế này ngày xưa Đức Cha Trương Cao Đại thường ngồi hàng ngày.

Mặc dù gia đình tôi đã có 8 chị em ruột, nhưng Bố Mẹ tôi vẫn nuôi thêm 3 người con trai mồ côi nữa, hai người đã theo gia đình tôi sang Úc, một người vẫn còn bên Việt Nam. Bố Mẹ tôi đã dựng vợ, gả chồng cho cả 3 người con nuôi có gia đình đầm ấm, đã có con, cháu.

Bây giờ Mẹ tôi tuổi đã khá cao, nhưng bà Cụ vẫn giúp các cháu Nội, cháu Ngoại, ẵm bế các chắt cho ngủ, khi con cháu của chúng tôi cần đi đó đây.

Mẹ tôi là một cái gạch nối, keo sơn của chị em trong gia đình chúng tôi. Còn Mẹ, thì chị em chúng tôi thường xuyên gặp gỡ và ăn uống chung với nhau. Hễ có tổ chức ăn uống hay vui chơi trong gia đình tôi, là Bố Mẹ tôi bắt phải gọi nhau, đến cho đông đủ, không thiếu một ai.

Một điều mà gia đình và chị em chúng tôi rất cảm phục, cần phải học hỏi từ trên 25 đứa con, cháu, chắt của chúng tôi.

Người lớn không ai bảo chúng nó. Thế mà, cả gần chục năm nay chúng đã tự động hội họp bàn thảo với nhau. Cứ cách 2 tuần một lần, vào các tối thứ Hai. Con cái, cháu chắt của chúng tôi không ăn cơm nhà. Chúng chia phiên nhau nấu nướng, tự chế biến các món ăn rồi bưng sang nhà Bố Mẹ tôi, bắt Ông Bà cùng ngồi quây quần ăn chung và ca hát với cháu chắt. Chúng nó không cho chúng tôi (bố mẹ) tham gia. Chúng nó tuyên bố thẳng thừng! Các bữa ăn tối thứ Hai (fortnight) chỉ dành cho Ông Bà và Cháu Chắt mà thôi.

Mục đích của tụi nó, muốn cho Ông Bà vui với cháu chắt lúc tuổi già. Bố Mẹ tôi rất vui và nhớ đúng kỳ hẹn của các cháu, chắt.

Bố Mẹ tôi, tuy rằng ăn uống chẳng được bao nhiêu, nhưng vui vì các cháu biết hiếu thảo, biết kính yêu Ông Bà, mặc dù đa số con, cháu của chúng tôi đều sinh ra trong xã hội Úc.

Đây là một điểm son, mà chúng tôi rất hãnh diện về con cháu của chúng tôi, chúng nó biết kính phục ông bà, cha mẹ.

Đi chơi ở bất cứ nơi đâu, mà có ông bà cùng đi, là các cháu lo cho ông bà mọi thứ, từ đồ ăn tới nước uống, đáng lẽ công việc này là của chị em chúng tôi phải làm.

Chúng tôi thầm cầu mong, sau này con cái của chúng tôi vẫn giữ mãi sự liên kết mật thiết như hiện nay.

Có lẽ những việc làm của con cái, cháu chắt chúng tôi, là do sự di truyền, ảnh hưởng từ cái GEN đức độ của Bố Mẹ tôi.

Mẹ tôi còn nhiều đức tính đảm đang và giỏi giang, nhưng chẳng còn giấy bút nào kể cho hết.

Mỗi khi nghĩ về Mẹ tôi. Tôi thầm hát bài thánh ca đắc ý nhất để cầu cho Mẹ.

Mẹ ơi! Con yêu mẹ, Yêu từ thời thơ bé, Yêu mãi đến tuổi già, Yêu tha thiết bao la…

Mẹ ơi con yêu Mẹ…Yêu từ thời thuở bé……..

Dù có chết con vẫn còn yêu mẹ…..

Mẹ tôi nay đã 93 tuổi, nhưng trí khôn của Cụ vẫn còn minh mẫn và nhớ từng người trong họ hàng, quen thân. Đôi lúc ra ngoài làm việc, tôi gặp những vị cao niên bị mất trí, ốm đau, tê bại liệt giường, thì tôi thấy thật là hạnh phúc cho chị em chúng tôi, khi nhìn thấy Mẹ còn khoẻ mạnh.

Hàng ngày tôi khẩn cầu, cho Mẹ tôi và Bố Mẹ vợ của tôi nữa, luôn được bình an và cho các cụ còn đủ trí khôn minh mẫn, đến ngày ly trần.

Thời gian thấm thoát qua đi. Thế là Bố tôi đã từ trần hơn 1 năm vào ngày 02 tháng Tư, năm 2010 sau cơn bạo bệnh, vì bệnh già, bỏ lại Mẹ tôi, con cái, cháu chắt sau lưng, giờ đây chỉ còn lại một mình Mẹ tôi lủi thủi trong căn nhà 3 phòng hiu quạnh.

Nhiều lúc tôi bắt gặp, Mẹ tôi ngồi khóc một mình, thương nhớ Bố tôi, đã làm cho tôi không thể cầm được nước mắt.

Mẹ ơi! Mẹ là cả một bầu trời trong sáng của đời con.

Chúc Mẹ ngày “Mother’s Day” luôn vui vẻ bên mái ấm gia đình, con, cháu, chắt..

Chúng con luôn ghi nhớ công ơn của Mẹ.

HAPPY MOTHER’S DAY

Jo. Vĩnh SA