Đọc Họ Là Ai? của Cung Chi

Họ Là Ai ? phụ đề Các Thánh Tử đạo Việt Nam, dày 205 trang, khổ 16/21. Đắc Lộ Tùng Thư xuất bản.

Lời giới thiệu tập sách do Đức cha Lê Văn Hồng, Tổng Giám mục Huế. Về tác giả, đức cha nói:

"Tử Nê hiền hòa, trung tâm hai huyện Gia Bình và Lang Tài, bên cạnh dòng sông Bá Giang, là làng quê dấu yêu của Linh mục Đinh Đồng Thượng Sách, Dòng Thánh Thể Việt Nam, dưới bút hiệu Cung Chi. Với tiếng hát Quan họ, văn hóa bản địa, miền đất này sản sinh tâm hồn thi sĩ, để sáng tác những vần thơ tôn giáo siêu thoát như áng mây trong xanh trên khung trời đất Kinh Bắc".

Về tác phẩm, đức cha khen ngợi:

"Họ Là Ai?" là những vần thơ kiêu hùng, thánh thiêng, những bài ca gói tròn mỹ danh 117 Chư Thánh Tử Đạo Việt Nam, với chức phận, nghề nghiệp, sinh quán, công tác tông đồ, đời sống chứng nhân… "Họ Là Ai?" dệt những giòng thơ sáng ngời đức tin, nồng ấm đức ái, chan hòa niềm hy vọng, những lời thơ tuyệt vời, nhẹ nhàng, âm điệu dễ nhớ đối với tuổi thanh thiếu niên Việt Nam trên miền đất mới ở hải ngoại".

Từng ấy, tưởng cũng quá đủ để nói lên giá trị của một tác phẩm mà những ai lưu tâm tới vấn đề tôn giáo và việc cấm đạo tại Việt Nam cần phải đọc.

 

*

 

Đã có nhiều sách về các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nhưng thiết tưởng, nếu chỉ đọc có một cuốn, thì nên đọc Họ Là Ai?

Tập sách cho ta một cái nhìn tổng quát về việc cấm đạo thời xưa, trước khi đề cập tới 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam.

 

1. Nhìn Tổng quát

Tổng số các vị tử đạo: 130.000.

30.000 dưới thời Chúa Trịnh tại Đàng Ngoài; Chúa Nguyễn và Tây Sơn tại Đàng Trong.

40.000 dưới thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức (1820-1883)

60.000 do việc bắt bớ, thảm sát, phân sáp của Phong Trào Văn Thân (1862-1885)

 

Hình Phạt:

Bá đao: cắt thành trăm mảnh.

Lăng trì: chặt tay chân trước khi chém đầu.

Thiêu sinh: đốt sống.

Xử giảo: tròng dây vào cổ rồi kéo hai đầu dây cho đến chết

 

 

Phân sáp. Tệ hại và dã man nhất là chế độ Phân sáp. Sắc lệnh ngày 05.08.1861 do vua Tự Đức ban hành, đại ý như sau:

Khoản 1: Tất cả những người nào mang tên Công Giáo, đàn ông, đàn bà, già trẻ, khó nghèo hay giàu sang, đều phải tản mát sang các làng bên lương.

Khoản 2: Tất cả các làng bên lương đều có trách nhiệm canh giữ những người Công Giáo, cứ năm người lương giữ một người giáo.

Khoản 3: Tất cả các làng bên Công Giáo đều phải phá hủy. Vườn tược, nhà cửa sẽ chia cho các làng lân cận. Những làng này phải chịu thuế về đất vườn mình lãnh.

Khoản 4: Phải chia rẽ đàn ông Công Giáo ra khỏi đàn bà Công giáo, các người đàn ông Công Giáo sẽ được gửi đi trong một tỉnh và các đàn bà trong một tỉnh khác, để chúng không còn có thể sum họp, con cái sẽ giao cho các gia đình lương nuôi nấng.

Khoản 5: Trước lúc tản mát phải khắc hai chữ "Tả Đạo" vào má các người đàn ông, đàn bà, con trẻ Công Giáo, và cũng phải khắc tên tổng và huyện chúng phải đày tới, ngõ hầu chúng không trốn tránh được. Con trẻ cũng không trừ!

 

Đoạn trích sau đây (tr. 39-40) cho thấy hậu quả đau thương của chính sách Phân Sáp.

"Trong tỉnh Nam Định, người Công giáo bị đuổi khỏi nhà, quân lính trói từng năm người một, họ chỉ được mang theo mấy nắm gạo ăn chừng hai ngày…

"Có 390 giáo hữu bị giam. Tổng đốc Nguyễn Đình Tân ra lệnh cấm tiếp tế lương thực và chỉ mấy ngày sau: 240 người chết. Những người còn lại hấp hối chờ chết… Ngày 18.05.1862, tổng đốc ra lệnh chém 21 người, ngày 22 chém 22 người… Ngày 30.05 ông truyền 112 người buông sông, rồi hôm sau đến lượt 122 người khác…

"Việc làm của Tổng đốc Nguyễn Đình Tân được các quan phủ noi theo. Người Công giáo phải chết hàng trăm, kẻ bị chém, người bị thiêu sinh trong ngục, hoặc có ai tháo chạy ra ngoài, thì cũng bị lý hình cầm gươm dí họ vào lửa cho đến chết… Có lần 120 người bị xử một lúc, lý hình vì không thành thạo, chém đi chém lại, chỉ giết được 20 người, số còn lại, binh lính đẩy xuông sông. Nhưng sông lại nhỏ, một số người sống sót bơi vào bờ, quân lính trói bắt, rồi cứ hai người một buộc vào nhau, ném xuống giếng sâu chết cả" (Theo thư đề ngày 02.08.1862 của linh muc Estévez Nam được M. Gispert trích trong Historia de las Missiones Dominicas en Tunkin, Avila (1928 tr. 610-612).

Như vậy, chỉ có một số rất nhỏ được tuyên phong hiển thánh năm 1988. Và một vị được tuyên phong chân phước năm 2000: Chân phước Anrê Phú Yên, một Thầy Giảng do cha Alexandre de Rhodes ban phép rửa lúc 16 tuổi và tử đạo khi mới 19 tuổi. Ngài là vị Tử đạo tiên khởi của Việt Nam.

 

 Cựu hoàng Bảo Đại. Ba hoàng đế đầu đời Nguyễn cấm đạo khắc nghiệt: trong số 117 Thánh Tử Đạo, 57 vị chịu chết thời Minh Mạng (1820-1840), 3 vị thời Thiệu Tri (1840-1847) và 51 vị dưới triều vua Tự Đức (1847-1883). Tổng cộng 111 trên 117 vị Hiển Thánh. Nhưng Thánh Giá đã thắng hận thù. "Vị vua cuối cùng của Nhà Nguyễn, Cựu hoàng Bảo Đại, đã xin gia nhập đạo Công Giáo và lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy tại Thánh đường Pierre de Chaillot, Paris, Quận XVI, ngày 17.04.1988, hai tháng trước ngày Tôn phong Hiển Thánh 117 Chân phước Tử đạo Việt Nam.

Trong nhiều năm liền, Cựu hoàng Bảo Đại đã tham dự "Đàng Thánh Giá" do xứ đạo Pierre de Chaillot tổ chức, khởi đi từ Rond Point des Champs-Elysées, qua các đại lộ Montaigne, George V, Marceau về đến Thánh đường Pierre de Chaillot vào mỗi Thứ Sáu Tuần Thánh từ 12giờ đến 14giờ. Mỗi chặng do một nhóm đại diện vác Thánh Giá (truyền thông, học đường, doanh thương…). Cựu hoàng Bảo Đại thường thường cùng với nhóm Giáo xứ Việt Nam Paris vừa đi vừa suy niệm, đọc kinh…với hàng ngàn người có mặt. Có lần (Thứ sáu Tuần Thánh năm 1994) chính Cựu hoàng Bảo Đại đã "vác Thánh Giá".

 Tấm hình sau đây được linh mục Đinh Đồng Thượng Sách công bố lần đầu tiên trong tập Họ Là Ai?

2. Hạnh 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam

 

Tên Chư Thánh Tử Đạo được xếp theo thứ tự abc, vi thế rất dễ theo dõi. Muốn biết về thánh Tống Việt Bường, tìm tên Bường. Thông thường, người mình gọi nhau bằng tên chứ có đâu bằng họ. Sự kiện tác giả xếp thứ tự theo tên, đáng lưu ý. Đáng lưu ý hơn nữa, tác giả không nêu tên thánh của các Thánh Tử Đạo. Vì tên ta gọi là tên thánh, thực ra chỉ là tên gọi của người tây phương.

Mỗi Thánh Tử Đạo được trình bày bằng một tiểu sử ngắn gọn, chừng nửa trang. Và một hay nhiều bài thơ. Thơ và Tiểu sử bổ túc cho nhau. Phần tiểu sử ghi những lời trăn trối quý báu của Chư Thánh.

 

Trong 117 Thánh Tử Đạo, có 8 Giám mục, 5 Giáo sĩ Đa Minh Tây Ban Nha, 8 Linh mục Thừa sai Paris, 37 Linh mục Việt Nam, 16 Thầy giảng, 1 Chủng sinh và 42 Giáo dân. Theo quốc tịch, thì 10 vị thuộc Hội Thừa sai Paris, 11 vị thuộc dòng Đa Minh Tây Ban Nha, 96 vị là người Việt Nam. (Tuy nhiên, các vị thừa sai, dù là quốc tịch nào đi nữa, đều là Tổ Tiên của chúng ta trong Đức Tin và những Thánh Tử Đạo Pháp hay Tây Ban Nha tại Việt Nam, đích thực là các Thánh Tử Đạo Việt Nam).

Xét về hình phạt: 1 vị bị xử bá đao, 4 vị bị xử lăng trì, 6 vị bị thiêu sinh, 9 vị chết rũ tù, 22 vị bị xử giảo, 75 vị bị xử trảm.

Xét theo nghề nghiệp, thì ngoài Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, trong 42 giáo dân tử đạo, có lý trưởng như thánh Mỹ, chánh trương như thánh Nguyên, trùm họ như thánh Đích (một nhà 4 người tử đạo), lang y như thánh Cảnh, quan lớn như thánh Hy, chánh tổng như thánh Thìn, tá điền như thánh Vinh, thương gia như thánh Gẫm (cả ba cha con tử đao), nông dân như thánh Mạo, ngư phủ như thánh Dũng, quân nhân như thánh Huy. Thợ may, có thánh Đệ, thợ mộc, có thánh Đa.

 

3. Dòng thơ Tử đạo

 Bài thơ đầu tập, tựa đề "Họ Là Ai?", Cung Chi sáng tác năm 1988, để vinh danh các Anh hùng Tử đạo Việt Nam, đặc biệt 117 vị được tôn phong Hiển Thánh ngày 19.06.1988. Thi sĩ nêu đủ chức phận, nghề nghiệp, Họ vàTên 117 Thánh Tử đạo. Tên được viết chữ hoa nhưng đồng thời lồng vào ý nghĩa của câu thơ. Ví dụ:

"ĐƯỜNG MINH ĐỨC QUÍ hơn TRIỆU kim NGÂN

"Lòng THÀNH KÍNH dưỡng tâm ĐIỀM LIÊM TỊNH

 Bài thơ cuối tập, tựa đề "Bao La" kỷ niệm 25 năm (19.06.1988/2013) Tôn phong Hiển Thánh 117 Chân Phước Tử Đạo Việt Nam. Từ bài đầu đến bài cuối là một dòng thơ tôn vinh Chư Thánh. Mỗi thánh một bài. Thêm vào đó, một số bài sáng tác vào những dịp trọng đại hoặc để phụng họa những bài thơ của chính các Thánh Tử Đạo. Trong Họ là ai? có thơ của thánh Dũng Lạc, thánh Minh, thánh Quý, thánh Xuyên, thánh Mỹ. Trích hai bài:

 

Bài thơ của Thánh Mỹ, lý trưởng:

Gông đóng, xiềng mang, dạ nguyện kinh

Những say vì đạo, hả vì tình

Vai mang bốn điệp, tai thêm ấm

Xổng xểnh ba vòng, cổ lại thanh

Phép nước đành lòng không oán thán

Nghĩa thầy để dạ vẫn đinh ninh

Khiến sao nên vậy nào lo nghĩ

Phó mặc Hoàng Thiên sự tử sinh.

 

Cung Chi Cảm họa:

Ngay chốn pháp trường còn đọc kinh

Một đời tin đạo trọn tâm tình

Gông cùm kìm kẹp coi êm ấm

Xiềng xích trói trăn thấy nhã thanh

Tôn trọng phép vua không trách thán

Kính tuân luật Chúa chắc đinh ninh

Đạo đời thấm đượm đường suy nghĩ

Đạt cõi muôn đời phúc vĩnh sinh.

 

Baì thơ củaThánh Xuyên, linh mục:

Ai ơi giữ lấy túi khôn

Đầy tràn tin cậy, đầy lòng mến yêu

Gươm đao đe dọa dẫu nhiều

Quỉ ma cám dỗ sớm chiều đe loi

Ai mà thắng được trên đời

Mai sau hưởng phúc cõi trời cao sang.

 

4. Thánh Lê Thị Thành (Đê).

Đọc toàn bài về một Thánh Tử Đạo trong Họ Là Ai?

Thánh Thành là nữ thánh độc nhất trong số 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam. Thơ Cung Chi:

Người mẹ sáu con Lê Thị Thành

Tấm gương đời đạo đáng lưu danh

Phần đời xoay sở đầy can đảm

Phía đạo chăm chuyên rất nhiệt thành

Giúp đỡ người người cơn khốn khó

Chở che cố cụ lúc điêu linh

Đòn roi rắn rết khổ vì đạo

An ủi chồng con thật chí tình.

 

Cung Chi đã sáng tác hàng ngàn bài thơ đủ loại, in thành ba tập dưới tiêu đề Thương Ngàn Thương. Bài thơ trên đây hiền hậu, đơn sơ. Kể truyện một bà mẹ sáu con. Bà Thành cũng như bao nhiêu bà mẹ việt nam khác. Tận tụy, can đảm lo cho chồng con. Là người công giáo, bà sùng đạo, thương người. Vì "chở che cố cụ lúc điêu linh", không khai nơi trú ẩn của các linh mục đang bị truy nã, mà bà bị bắt. Rồi vì không chịu quá khóa, mà bị khổ hình và chết trong ngục. Hai từ "rắn rết" cho biết: trong các hình thức tra tấn người ta có dùng cả rắn.

Phần tiểu sử ghi bà tử đạo ngày 12.07.1841, thời Thiệu Trị, thọ 60 tuổi, quê Bái Biền, tỉnh Thanh Hóa. Bà nói với chồng khi ông vào thăm bà trong tù: "Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến đàn ông còn không chịu nổi, nhưng tôi đã được Đức Mẹ giúp sức, nên tôi không cảm thấy đau đớn". Cô Nụ, con gái của bà nói về bà như sau: "Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục con cái. Chính người dạy chúng tôi đọc chữ, học giáo lý; sau lại dạy cách tham dự Thánh Lễ và xưng tội. Khi chúng tôi lơ là, người thúc giục chúng tôi bằng được mới thôi. Người cho chúng tôi nhập hội Con Đức Mẹ, vào ban Thiếu Nữ thưa kinh ở nhà thờ". Vào thăm mẹ trong tù, thấy mẹ đầy máu, Nụ khóc. Mẹ khuyên: "Con đừng khóc, mẹ mặc áo hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc… Con hãy về chuyển lời mẹ bảo với anh chị em coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên đàng".

Bị đánh đập, tù đày, biết mình sắp chết vì đạo rồi nhưng vẫn không quên dặn các con "coi sóc việc nhà". Đúng như Cung Chi giãi bày trong thơ: "Tấm gương đời đạo đáng lưu danh". Nhưng đẹp và đầy ắp tin yêu hơn cả, lời mẹ khuyên con: con đừng khóc, mẹ mặc áo hồng đấy, mẹ vác Thánh Giá theo chân Chúa Giêsu. Mặc áo hồng của Nữ thánh Lê Thị Thành khiến tôi nhớ lại một bản nhạc kính các Chân Phước tử đạo việt nam hồi xưa:

Khi trên trần thế,

Gươm giáo gông cùm,

Không nao núng lòng

Nhuộm thắm đức tin bằng máu hồng.

 

Đọc hạnh thánh Lê Thị Thành, thấy bà là một hiền mẫu đảm đang như ức triệu bà mẹ việt nam khác. Tuy nhiên, lòng tin đã thăng hoa những đức tính tự nhiên của bà và đem lại cho bà một nghị lực phi thường để "vác Thánh Giá theo chân Chúa Giêsu".

 

Ta thường nói: "Anh hùng Tử Đạo". Rất đúng. Thánh Dũng Lạc, từ trong ngục, gửi thư cho linh mục bạn, viết:

"Làm kẻ anh hùng chi quản khổ

"Nguyện xin cùng gặp chốn Thiên Đàng  

Nhưng thiết nghĩ, các Thánh Tử Đạo Việt Nam không tìm làm anh hùng. Các Ngài cũng không tìm sự chết, dù là chết vì Đạo. Các Ngài chỉ chăm lo sống Đạo. Đạo của các Ngài là Đạo của Tin Yêu, của Vui mừng và Hy vọng, thể hiện bằng Thập Giá mà các Ngài thà chết chẳng thà bước qua. Cái "Túi Khôn" của các Ngài,  như thánh linh mục Xuyên giảng trên kia, "Đầy tràn tin cậy, đầy lòng mến yêu". TIN, CẬY, MẾN. Các Ngài sẵn sàng đón nhận cái chết là để bảo vệ Túi Khôn đến kỳ cùng.

                                                                                   

                        Đỗ Mạnh Tri. 22.04.13.