Bằng lăng tím... hay Bằng lăng nước

Hoa Bằng lăng tím và hoa Phượng vĩ được xem là những bông hoa của tuổi học trò, ngây thơ và e ấp. Hoa được xem là biểu tượng cho sự chung thủy, sự ngây thơ của màu tím tuy hơi lãng mạn và hơi buồn, tượng trưng cho những mối tình đầu của thuở học trò.để rồi theo thời gian trở thành những kỷ niệm vấn vương.

Hoa cũng là nguồn cảm hứng cho các thi sĩ, nhạc sĩ..Bài hát 'Bằng lăng tím' có những câu:

'..Nắng gửi gì cho hoa Bằng lăng..mà đượm màu sắc tím.

Em đi qua..bâng khuâng, chợt tiếc..'

Bài thơ nổi tiếng 'Bằng lăng' của Tế Hanh:

'Bằng lăng soi bóng ven hồ

Xuân đi thu đến bao giờ nở hoa ?

Hoa ơi có phải vì ta

Mà hoa tím cả trời xa..trời gần.'

Ngoài ra còn những bài thơ không kém phần gợi nhớ như:

' Em nói rằng

Yêu sắc Bằng lăng

Hoa nở rộ

Đầu mùa khô khát

Khoe sắc tím

Dẫu tình đời mặn nhạt

Dầu dãi một màu

Son sắt thủy chung

(Nguyễn Anh Tri)

Bài thơ Bằng lăng tím của tác giả vô danh(?):

'Anh yêu em khi chưa biết bằng lăng

Chỉ nghe kể một loài hoa màu tím..'

' Xưa yêu em chỉ biết cánh bằng lăng

Đem kết tóc để một thời rực cháy..'

Bằng lăng nước, ngoài vai trò cây cảnh, cây công nghiệp (lấy gỗ đóng thuyền và đồ vật gia dụng còn là một nguồn dược liệu đang được nghiên cứu và ứng dụng làm thuốc trị tiểu đường (nhất là tại Philippines).

Tên khoa học và các tên gọi khác:

Lagerstroemia speciosa thuộc họ thực vật Lythraceae

Tên Anh ngữ : Giant Crape-myrtle, Queen's Crape-myrtle

Các tên địa phương : Banabá (Philippines); Arjuna (Phạn), bundaro, jarol (Hindi); Bungur (Indonesia); Tabaek dam, chuangmuu (Thái)

Da hua zi wei = Đại hoa tử-vi (Trung Hoa)

Mô tả thực vật:

Bằng lăng nước thuộc loại cây thân gỗ lớn, phân nhánh nhiều, kích thước trung bình, mọc cao đến 20 m. Tàn lá lan rộng Vỏ thân mịn, trơn láng màu kem-xám có những đốm không đều, dễ bóc. Lá rụng hàng năm, hình bầu dục, chóp nhọn, tròn ở gốc, dài 8-15 cm, rộng 5-9 cm. Phiến lá nhẵn và dai, không lông, hai mặt cùng màu xanh nhạt. Cụm hoa hình tháp mọc ở giữa ngọn nhánh có lông; nụ hoa hình cầu tròn đỏ nhạt. Hoa lớn, rộng trên 3 cm, màu đỏ tím (buổi sáng màu hồng, chuyển sang tím vào buổi chiều) có 6 cánh, nhiều nhị. Cuống hoa dài khoảng 5 mm. Quả loại nang, dạng trứng cỡ 20x18 mm, mang lá đài xòe ra nở làm 6 mảnh. Hạt màu nâu nhạt có cánh mềm, đường kính 12-15 mm.

Bằng lăng tím phân bố rộng rãi tại vùng nhiệt đới Đông Nam Á bao gồm Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Nam Trung Hoa, cả tại Úc. Tại Hoa Kỳ cây có mặt tại Hawaii. Riêng tại Việt-Nam cây mọc hoang và được trồng làm cây cảnh tại nhiều nơi nhất là tại khu vực Đồng Nai, Tây Ninh .

Trong 'Cây thuốc và Động vật làm thuốc ở Việt Nam' của viện dược liệu có bài về cây Bằng lăng tía =Lagerstromia calyculata (trang 184), một cây tuy cùng chi nhưng có thành phần hóa học tương đối khác và được sử dụng làm thuốc trị bệnh ngoài da.

Tại Trung Hoa, cây được sử dụng nhiều là Bằng lăng xẻ= Lagerstromia indica (Tử vi hoa) cũng có thành phần và dược tính khác với Bằng lăng tím.

Hoa của cả 2 loại trên đều màu trắng.

Lagerstromia indica

Thành phần hóa học:

Thành phần hóa học của Bằng lăng thay đổi tùy bộ phận của cây.

a/ Lá chứa :

- Những chất chuyển hóa từ ellagic acid trong đó gồm các ellagitannins (7 loại) như lagerstroemin, flosin B, stachyurin, casuarinin, reginin A..., các hợp chất methyl hóa của ellagic acid..

- Triterpens loại pentacyclic như corosolic acid (=2-alpha-hydroxyursolic acid), oleanolic acid, arjunolic acid, asiatic acid, maslinic acid..

- Sterols như beta-sitosterol, stigmasterol, campesterol.

- Flavonoids nhu kaemferol, quercetin, iso-quercetin

- Chất béo, Amino acids (6 loại)

- Tannins (12-13 %)

- Dịch ly trích bằng ethanol nóng, sau khi phân đoạn ở môi trường trung tính cho : nonacosane, hentriacontane, tritria contane, olefins và các esters của các acid palmitic, daturic, stearic, arachidic và behenic (Annual Report of the Tohoku College of Pharmacy 26-1979)

- Nghiên cứu tại Khoa Dược ĐH Fujian (Trung Hoa) : Là chứa 4 loại triterpenes, 8 loại ellagic acid, một coumarin và một neolignan (Biochemical Systematics and Ecology Số 5-2013.) Nghiên cứu khác tại ĐH De LaSalle, Manila (Philippines) phân lập được thêm từ lá các hoạt chất 3-norlarge renol acetate và những hợp chất như tunotifolins C và D..ngoài những chất đã biết như lutein, phytol..(Journal of Asian Natural Products Research Số 7-2005)

- Lá trước khi rụng, chuyển từ màu xanh sang cam hay đỏ, đây là giai đoạn nồng độ các hoạt chất trong lá tăng cao nhất.

b/ Vỏ thân chứa:

Những chất tương tự như trong lá.

c/ Hạt chứa:

- Dầu béo trong đó có các acids béo như caprylic, lauric, myristic, palmitic (9.7%), stearic (4.6%), arachidic, behenic, lignoceric, oleic (10.3%) và linoleic (54.3%)..Ngoài ra còn có 9-keotoctadec-cis-11-enoic acid (21.1%) cùng các hợp chất dẫn xuất từ nonanedioic và octadecenoic acid..

- Amino-acids.

d/ Đọt non có ellagic acid, campesterol, stigmasterol và beta-sitosterol

Nghiên cứu dược học

1/ Bằng lăng và Tiểu đường:

Dược học dân gian Philippines dùng Bằng lăng để trị tiểu đường rất thông dụng như Mướp đắng tại Việt Nam. Bằng lăng là một trong 40 cây thuốc được Chính phủ Philippines đặt vào những chương trình nghiên cứu và cổ võ cho việc sử dụng để trị bệnh. Một số hoạt chất trong Bằng lăng như corosolic acid đã được chứng minh là thật sự có tác dụng làm hạ đường trong máu..

Các dữ kiện in vitro:

Các dữ kiện này được ghi nhận qua các thử nghiệm trên các tế bào cô lập. Những nhận xét về khả năng làm hạ tiểu đường của bằng lăng được ghi nhận đầu tiên khi dùng mô thức thử nghiệm trên tế bào ung thư và sau đó trên các tế bào mô mỡ khác nhau như 3T3-L1..

Dịch chiết từ lá, sau khi loại tannins chứa những acid amin có hoạt tính làm hạ tiểu đường theo phương thức như insulin (Phillipines Journal of Science Số 122-1993).. Hoạt tính làm khởi động hấp thụ glucose nơi tế bào thử nghiệm của dịch chiết cũng được ghi nhận kèm theo với hoạt tính ức chế phân lập tế bào mỡ (adipocyte) : hai hoạt tính phối hợp này khiến dịch chiết bằng lăng có thể dùng cho người tiểu đường type 2 có kèm theo béo phì (Journal of Nutrition Số 131-2001). Một báo cáo khác ghi nhận Lagerstoemin (một ellagitannin), flosin B và reginin A làm tăng hấp thu glucose nơi tế bào mỡ của chuột. Một nghiên cứu định lượng cho kết quả là 100cc nước chiết 20 % từ 20 gram lá và quả phơi khô từ 1-2 tuần có hoạt tính tương đương với 6-7.7 đơn vị insulin; hơn nữa dịch chiết bằng lăng không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ và hạ đường bằng cách uống (insulin mẫn cảm với nhiệt và cần dùng bằng cách tiêm-chich) trong khi đó nước chiết từ lá non và hoa chỉ có hoạt tinh bằng 4.4-5.4 đơn vị insulin (Acta Medicina Phiippina Số 3-1941)

Dịch chiết từ lá bằng ethyl acetate có hoạt tinh ức chế các men alpha-amylase và alpha-glucosidase (Phytotherapy Research Số 23-2009)

Nghiên cứu dùng mô thức tế bào mô mỡ 3T3-L1 ghi nhận nước chiết từ lá bằng lăng tạo một hoạt động vận chuyển glucose theo kiểu insulin. Khi dùng phân đoạn bằng HPLC các nhà nghiên cứu đã xác định được hoạt tính này là do các gallotannins và chất tanin có hoạt tinh cao nhất là Penta-O-galloyl-glucopyranose (PGG) (Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine Sỗ-2007)

Các thử nghiệm trên thú vật:

Các hoạt chất sinh học trong lá, bao gồm lageracetal, 1-pentanol, ellagic acid, lagertannin và corosolic acid đều có ảnh hưởng trên sự chuyển vận glucose khi thử 'in vivo'. Chuột bị gây tiểu đường bằng chuyển biến gene, cho dùng chế phẩm từ bằng

lăng trong 5 tuần liên tục, có kết quả là lượng đường trong máu giảm hạ đáng kể để có thể kết luận là bằng lăng có hoạt tính giúp

kiểm soát mức đường trong các trường hợp tiểu đường 'không tùy thuộc vào insulin' (Bioscience & Biotechnology & Biochemistry Số 60-1996) Đặc chế Nhật (Glucosol) chứa 1% corosolic acid, chiết từ bằng lăng cho thấy kết quả giúp hạ đường trong máu của chuột bị tiểu đường thử nghiệm.90 phút sau khi dùng, so sánh với chuột đối chứng (Yakuri To Chiryo Số 27-1994)

Dịch chiết từ lá làm hạ glucose trong máu của chuột thử nghiệm bị gây tiểu đường bằng streptozotosin, 15 ngày sau khi cho uống; dịch chiết này cũng có hoạt tính ức chế sự peroxyhóa các lipid và chống lại các phản ứng oxyhóa của các gốc tự do (Indian Journal of Experimental Biology Số 49-2011)

Hoạt tính hạ đường của dịch chiết lá bằng lăng bằng alcohol được ghi nhận là có tác dụng kéo dài đến 2 tuần sau khi ngưng thuốc, khi thử trên chuột bị gây tiểu đường (Journal of Nutrition Science and Vitaminology Số 45-1999).

Những kết quả tổng hợp về việc dùng Bằng lăng phối hợp với Mulberry tại Nhật (chế phẩm Banaba-kuwa) khi thử trên chuột đã được công bố với nhiều chi tiết trên Food Style Số 6-2002

 

Các thử nghiệm lâm sàng:

Một số thử nghiệm lâm sàng đã được thực hiện tại Nhật, Philippines, tuy nhiên các thử nghiệm này chưa đủ tính cách thuyết phục vì thiếu những dữ kiện 'thử nghiệm chính thống' và chỉ làm trong quy mô 'nhỏ' rất giới hạn:

- Thử nghiệm tại ĐH Y khoa Tokyo Jikeikai năm 1998 : 24 bệnh nhân tiểu đường type 2 cho dùng corosolic acid trong 4 tuần được ghi nhận là có sự hạ đường trong máu, kết quả thử nghiệm tuy 'có tích cực' nhưng không chính thống..

- Một thử nghiệm lâm sàng nhỏ trên người, khả tin hơn, người thử nghiệm bị tiểu đường type 2, nẩu nhiên (randomized) được cho uống hằng ngày, một chế phẩm từ bằng lăng tiêu chuẩn hóa để chứa 1 % corosolic acid (Glucotrol). Kết quả ghi nhận : các liều 32mg và 48 mg uống trong 2 tuần, làm giảm đường trong máu rõ rệt. Ngoài ra tác dụng hạ đường của Glucosol ở dạng viên nang mềm khoảng 30 %. trong khi đó tác dụng hạ đường của viêng nang cứng chỉ được 20 %, đặt ra yếu tố sinh khả dụng của 2 dạng thuốc (Journal of Ethnopharmacology Số 87-2003)

Các hoạt tinh dược học khác:

2/ Hoạt tinh kháng khuẩn:

Dịch chiết từ hạt bằng lăng có hoạt tính kháng nhiều vi khuẩn và nấm gây bệnh.

Dịch chiết bằng Ethanol 50 % từ lá và đọt non được ghi nhận là có khả năng ngăn chặn sự nhiễm siêu vi HIV-1 khi thử trên các giòng tế bào TZM-bl và CEM-GPF ở nồng độ IC50=1-25 microg/ml. Hoạt tinh này do gallic acid ức chế men reverse transcriptase và ellagic acid ức chế hoạt động của HIV-1 protease (Indian Journal of Medical Research Số 137-2013)

3/ Hoạt tính ức chế Xanthine oxydase:

Nghiên cứu tại TT Nghiên cứu Trung Ương của ITO EN Ltd, Shizuoka (Nhật) ghi nhận hai hoạt chất trích từ lá Bằng lăng tím Valoneic acid dilactone (VAD) và Ellagic acid (ED) có hoạt tính ức chế men Xanthine oxydase mạnh hơn allopurinol (Xanthine oxydase là men giúp chuyển biến hypoxanthine thành xanthine và sau đó thành uric acid, tác nhân gây bệnh gout) Nghiên cứu cho rằng dùng trà dược từ lá bằng lăng có thể giúp ngừa gout.(Journal of Ethnopharmacology Số 93-2004)

4/ Hoạt tính chống sưng-viêm :

Các dịch chiết từ lá bằng lăng bằng các dung môi khác nhau như ethyl acetate, ethanol, methanol và nước đều có hoạt tính thu nhặt các gốc tự do (gây các phản ứng oxy-hóa), đồng thời có hoạt tính chống sưng khi thử trên chuột bị gây phù chân sau bằng carrageenan, dịch chiết bằng ethylacetate có hoạt tính cao nhất, và hoạt tính này tùy thuộc vào liều lượng sử dụng (Inflammopharmacology Số 16-2004)

5/ Chống béo phì, giúp giảm cân:

Dịch chiết 5 % bằng nước từ lá bằng lăng được dùng trong thực đơn của chuột các béo phì KK-Ay/Ya Jel cho thấy có sự giảm trọng lượng cơ thể khoảng 10 % so với chuột đối chứng ăn theo thực đơn bình thường, ngoài ra nồng độ triglyceride trong gan của chuột uống nước sắc bằng lăng giảm được đến 40 % (Journal of Nutrition Science and Vitaminology Số 45-1999).

Một đặc chế dùng trị béo phì, giúp giảm cân gồm Gymnestra sylvestre, Garcinia cambogia (Bứa) và Bằng lăng đã được thử nghiệm trên chuột, ghi nhận đặc chế có hiệu ứng tương tự như glibenclamide và sibutramine (International Journal of Pharmacy and Pharmaceutical Sciences Số 2-2010) .

Nhận định tổng hợp:

Một báo cáo tổng hợp về sự hiệu nghiệm và mức độ an toàn khi dùng bằng lăng và corosolic acid đã được các tác giả SJ. Stohs, H. Miller và GR. Kaats, thuộc Trung tâm Y Khoa ĐH Creighton Omaha (USA) phổ biến trên Phytotherapy Research Số 26-2012:

' Hoạt tinh hạ đường của Bằng lăng đã được chứng minh là do cả corosolic acid và các ellagitannins. Các nghiên cứu đã dựa trên các mô thức dùng thú vật, nơi người, và các thử nghiệm in vitro sử dụng các dịch chiết từ lá bằng lăng bằng nước, dịch chiết corosolic acid tiêu chuẩn hóa, corosulic acid tinh khiết và ellagitanins. Corosulic acid tinh khiết được ghi nhận là làm hạ đường trong vòng 60 phút khi thử trên người. Corosolic cũng có những hoạt tính hạ lipid, chống oxy-hóa, chống sưng, kháng nấm, kháng siêu vi, kháng tế bào ung thư. Tác dụng của Bằng lăng và Corosulic acid trên sự biến dưỡng glucose và lipid có thể liên hệ đến nhiều cơ chế hoạt động như cải thiện sự thu nhập glucose nơi tế bào, gây trở ngại cho việc thủy giải sucrose và tinh bột, làm giảm tiến trình tiêu thụ glucose và điều hòa sự biến dưỡng lipid. Các hoạt động trên liên hệ đến các yếu tố trung chuyển như PPAR, MAP-K, NF-kB..' (PubMed 22095937)

 

Lagerstromia calyculata LAGERSTROEMIA INDICA

Bằng lăng trong thuốc dân gian:

Tại Philippnes : Lá được dùng để làm thuốc lợi tiểu, thuốc xổ, trị bệnh đường tiểu, viêm thận. Nước sắc từ rễ dùng trị đau bao tử. Toàn cây trị tiểu đường. Vỏ sắc lấy nước trị tiêu chảy, Hoa sắc trị nóng sốt, lợi tiểu.

Một phương thuốc dân gian tại Philippines để trị tiểu đường được pha chế như sau : 20 gram lá khô, sắc trong 50 ml nước đến sôi, lược bỏ lá, uống như nước trà mỗi ngày 2 lần.

Tại Việt Nam : Vỏ thân (sắc) làm thuốc trị tiêu chảy, quả trị lở miệng.

Tại Ấn độ và Pakistan : Rễ dùng trị sốt nóng, kích thích và chất chát. Vỏ và lá làm thuốc xổ. Quả làm thuốc đắp trị lở miệng.

Các công dụng khác:

Cành và gỗ dùng làm chất đốt cung cấp nhiệt lượng 18,850-19,230kJ/kg.

Gỗ thân bằng lăng có tỷ trọng 505-810 kg/m khối khi còn 15 % độ ẩm. Gỗ tâm, được xếp vào loại gỗ cứng, màu nâu nhạt, hay vàng-nâu, có khi đỏ nhạt và đỏ-nâu, có những vân, thớ gỗ đan vào nhau, chống được mối mọt nên khá được ưa chuộng để xẻ thành ván đóng thuyền, bàn ghế gia dụng và làm ván lót sàn.

Lá, vỏ thân dùng lấy tannins cho công nghiệp nhuộm.

Cây trồng làm cây cảnh ven đường, giữ đất khỏi bị xoi mòn. Tại Java, được trồng để tái tạo rừng nơi những đồi trọc.

Tài liệu sử dụng:

-The Review of Natural Products (Facts & Comparisons)

-Agroforestry Database (Lagerstromia Speciosa)

-Philippines Medicinal Plants : Banaba

-Từ điển Cây thuốc Việt Nam (Võ văn Chi)


* Xin cám ơn DS Hưng biên soạn công phu và Anh Trần Minh Trí thêm hình ảnh & mầu sắc tuyệt đẹp.
Mến,
Phúc.