Đôi lời tâm sự lúc bước vào tuổi 80

Tôi sinh vào tiết trung thu năm Giáp Tuất 1934, tại một làng quê trong tỉnh Nam Định vùng đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc Việt nam. Năm Giáp Ngọ 2014 này, tính ra thì tôi vừa chẵn 80 tuổi – kể như thế đã là sống thọ rồi.
Nhờ ơn trên, tôi vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn và hiện sinh sống an lành với gia đình xum họp đông đủ cùng vợ con, cháu, chắt tại miền Nam California trên đất Mỹ. Hơn nữa, hầu hết gia đình các anh chị em ruột thịt gần gũi thân thiết với tôi, thì cũng đều sinh sống quây quần trong nước Mỹ nữa. Như vậy, về mặt gia đình, tôi thật may mắn vì rõ ràng là mình được ở vào trường hợp của người “trẻ thì cậy cha, già thì cậy con”. Tuổi già của tôi như thế, thì kể như đã được an bài tốt đẹp chu đáo quá rồi – tôi thiết nghĩ mình chẳng nên đòi hỏi hay mong ước thêm điều gì riêng cho bản thân mình nữa.
Nay nhân lúc bước vào tuổi bát tuần, tôi xin ghi lại đôi điều tâm sự để bày tỏ lòng mình đối với bà con thân nhân củng như các bạn bè thân hữu.
1 – Quý người hơn quý của.
Tôi vẫn sống theo phương châm này, như được nhắc nhở trong gia đình cũng như ngòai xã hội. Vì không ham làm giàu cũng như không nhằm tìm kiếm cho mình một chức quyền danh vọng nào, nên tôi không hề có sự bất mãn, tỵ hiềm hay thù hận nào đối với bất kỳ một ai cả.
 Bà con họ hàng nội ngọai của tôi đều sinh sống quần tụ trong một ngôi làng, nên thường gắn bó thân thiết chặt chẽ với nhau. Nhất là cha tôi vốn là trưởng nam của ông bà nội, và mẹ tôi thì là trưởng nữ của ông bà ngọai - nên cả cha mẹ tôi đều để tâm ra sức chăm sóc chu đáo cho mọi người trong gia tộc, chứ không chỉ lo lắng riêng cho gia đình nhỏ bé của mình. Vì thế mà anh chị em chúng tôi đều cố gắng duy trì cái tình liên đới yêu thương bảo bọc lẫn nhau giữa mọi bà con trong dòng họ - mặc dầu vì hòan cảnh chiến tranh lọan lạc mà nhiều người phải sống phân tán xa cách nhau.
Ngòai vòng thân tộc do huyết thống, tôi còn kết thân được với rất đông bạn bè thân hữu mà mình có cơ duyên gặp gỡ nơi trường học, nơi sở làm, trong quân ngũ và nhất là qua những sinh họat văn hóa xã hội với những bạn cùng chí hướng ở khắp nơi – đặc biệt là kết thân được với cả nhiều bạn hữu quốc tế nữa. Tôi rất tâm đắc với câu tục ngữ mà cha ông ta thường nhắc nhở, đó là “ Một ngày nên Nghĩa, Chuyến đò nên Quen”  - cố ý‎ đề cao cái sự quen biết gắn bó giữa con người qua sự chung sống chia sẻ ân nghĩa với nhau dịp này dịp nọ. Cũng như trong tiếng Anh, thì có câu “Friends are Blessings =  Bạn bè là Phúc lộc Trời cho” vậy.
2 – Sống cho sòng phẳng đối với Người và với Đời.
Cái tên Thanh Liêm của tôi là do cha mẹ đặt cho, chứ không phải là do tôi chọn lựa riêng cho mình. Vì thế mà kể từ khi tôi biết suy nghĩ chín chắn ở vào tuổi trưởng thành, thì tôi luôn cố gắng để sống cho ra một con người lương thiện - nhất quyết không làm điều chi khuất tắt, lem nhem mờ ám khiến làm hoen ố đến thanh danh của bản thân, cũng như gây phương hại cho tiếng thơm của dòng họ nhà mình.
Mà còn hơn thế nữa, tôi coi mình có một món nợ thật lớn lao đối với gia tộc cũng như đối với xã hội, bởi lý do là mình đã lãnh nhận được bao nhiêu đâc ân qua nền giáo dục từ tuổi thơ ấu đến tuổi trưởng thành – từ trong gia đình đến các trường học ở mọi cấp, kể cả được cho đi du học ở nước ngòai nữa. Do đó, mà từ lâu nay tôi luôn cố gắng hợp cùng nhiều bạn hữu cùng chí hướng để tự nguyện dấn thân vào những công tác xã hội nhằm phục vụ đồng bào mà đang gặp khó khăn vì thiên tai bão lụt, vì chiến tranh tàn phá hay là nạn nhân của bất công áp bức v.v...Tham gia làm công việc như thế, tôi coi đó là một cơ hội để mình đền đáp những ân huệ mà gia đình và xã hội xưa nay đã từng hào phóng ban phát cho riêng bản thân mình. Đó chính là một thái độ sòng phẳng đối với nhân quần xã hội, đối với cuộc đời – chứ đó không phải là một sự ban ân bố thí của kẻ bề trên đối với người bề dưới. Và cái lối suy nghĩ “ mình là kẻ mắc nợ” như thế nó giúp cho tôi sống khiêm tốn hơn, nhã nhặn hơn.
Cũng trong cái tinh thần lương hảo sòng phẳng như vậy, mà tôi đã đặt tên cho ba đứa con trai của tôi là : Thanh Khiết, Liêm Chính và Chính Trực. Và tôi cũng mong ước là các cháu sẽ luôn giữ được cái truyền thống tốt đẹp đó của dòng họ Đoàn nhà mình.
3 – Hai niềm say mê của tôi : Bằng hữu và Sách vở.
Tôi có hai niềm say mê cuốn hút suốt cả cuộc đời mình, đó là bằng hữu và sách vở. Về bạn hữu, như đã ghi ở mục “Quý người hơn quý của” ở trên, tôi luôn cố gắng mở rộng mối thân tình giao tiếp với các bạn thuộc nhiều giai tầng xã hội khác nhau. Và quả thật, tôi đã học được nhiều điều quý báu từ nơi các bạn ấy – đúng như cha ông ta vẫn thường nói : ”học thầy chẳng tầy học bạn”. Có thể nói các bạn thân thiết gắn bó với tôi thì lên tới con số cả ngàn, cả vạn người. Lúc tôi bị biệt giam khốn khổ cô đơn trong tù ở Sài gòn vào các năm 1990 – 91, mỗi khi nhớ về các bạn, thì tôi cảm thấy mình được sự thông cảm an ủi, giúp xoa dịu vơi bớt được nỗi buồn phiền chán nản đi nhiều lắm. Tôi sẽ ghi lại một số bài thơ mà được làm ra lúc bị giam giữ trong tù ở mục sau.
Về báo chí sách vở, thì đã từ lâu tôi say mê tìm đọc đủ mọi lọai sách báo – nhờ vậy mà tích lũy được một số vốn liếng kiến thức giúp mình mở rộng được tầm hiểu biết để theo kịp được với đà tiến bộ chung của xã hội ngày nay. Nhất là gần đây, nhờ có internet mà tôi càng dễ tìm kiếm được những tài liệu cần thiết cho sự nghiên cứu của mình về các vấn đề văn hóa xã hội của thời đại – và nhất là giúp cho các bài viết có giá trị cao hơn với tính chất chính xác và phong phú hơn. Điều này đòi hỏi phải luôn thận trọng cảnh giác để mà tránh được những suy diễn cẩu thả với kết luận vội vã - hoặc tránh thóat được cái bệnh “tẩu hỏa nhập ma”, do không thể sàng lọc tiêu hóa hết được cái khối lượng thông tin phức tạp và mâu thuẫn hỗn độn của những phần tử vô trách nhiệm thường đem phổ biến bừa bãi lên không gian ảo của internet.
4 – Cố gắng hội nhập với dòng chính của xã hội Âu Mỹ.
Gia đình tôi qua định cư tại đất Mỹ từ năm 1996, tính đến nay thì đã được gần 20 năm rồi. Dù đã lớn tuổi, tôi cũng cố gắng tìm hiểu trau giồi thêm kiến thức để có thể hòa nhập vào được với cuộc sống trong xã hội tiến bộ ngày nay ở các nước Âu Mỹ. Có như vậy, thì tôi mới có thể sinh họat trao đổi dễ dàng với thế hệ các cháu sinh ra trên đất Mỹ và suy nghĩ hành động y hệt như người Mỹ.
Đàng khác, vì là người chuyên họat động xã hội và tranh đấu nhân quyền, nên tôi đã tìm gặp lại được nhiều bạn người Mỹ vốn quen biết gắn bó từ xưa và được các bạn ấy giới thiệu mình tham gia vào những sinh họat nhằm góp phần vào công cuộc xây dựng hòa bình, chuyển hóa tranh chấp ở một số trường đại học hay tổ chức chuyên biệt theo lý tưởng cao quy đó (peacebuilding, conflict transformation). Tôi cũng hợp tác gắn bó với các bạn trong những tổ chức nhân quyền như Amnesty International, Human Rights Watch nữa – nhờ vậy mà họat động tranh đấu cho nhân quyền của mình có cơ đạt được hiệu quả cao hơn.
Nói chung, thì tôi luôn phấn khởi lạc quan vì có dịp gặp gỡ và sát cánh với nhiều người bạn đồng chí hướng với mình trong công cuộc xây dựng một xã hội an hòa nhân ái hơn, tốt đẹp hơn mãi.
Và tôi mong sao cho thế hệ những người trẻ tuổi như lớp con, lớp cháu của mình sẽ tiếp nối cái truyền thống cao đẹp của mẫu người trượng phu quân tử - mà cha ông chúng ta đã xây dựng và phát triển liên tục trong suốt bao nhiêu năm ròng rã của lịch sử dân tộc Việt nam chúng ta.
5 – Để kết thúc bài ghi ngắn này.
 Tôi đã thật may mắn sống sót và vượt qua được chặng đường dài 80 năm đằng đẵng  - với bao nhiêu khổ nhục đắng cay bởi chiến tranh hận thù tàn bạo, rồi tiếp đến là chế độ độc tài khắc nghiệt đày dãy những dối trá lừa lọc phản bội – để rồi ngày nay được sống an lành những ngày cuối đời trên một đất nước tự do thịnh vượng và bình đẳng nhân ái.
* Trước hết tôi xin thành tâm cảm ơn Đấng Bề trên đã ban cho tôi bao nhiêu hồng ân phước hạnh, đã an bài sắp xếp cho tôi được sinh trưởng trong một gia đình nền nếp có ông bà cha mẹ đều là những người có lòng nhân đức đạo hạnh với tinh thần ngay thẳng lương thiện.
*Tôi xin ghi lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành, các vị tổ tiên ông bà đã xây dựng một nền móng vững chắc cho gia đình dòng họ của tôi trên đất nước Việt nam thân yêu.
*Tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn đối với quê hương dân tộc vì đã cung cấp cho tôi một hành trang văn hóa tinh thần vững chãi để tôi có thể tiến  bước cùng nhịp được với thế giới văn minh hiện đại.
*Và sau cùng, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến tất cả những vị đàn anh đàn chị đáng kính, những bạn hữu thân thương quí‎ mến vì đã khai sáng chỉ dẫn và khích lệ yểm trợ cho tôi trong suốt những năm tháng sinh sống và họat động tại quê hương Việt nam cũng như trên đất Mỹ vậy./
Costa Mesa California, tháng Chín năm 2014
Đoàn Thanh Liêm