Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 21 mùa Thường niên năm A  24-8-2014

“Mưa với nắng dẫu chung trời, chung đất,
Mà quanh năm bắt buộc tránh nhau hoài.”
(Dẫn từ thơ Nguyễn Tất Nhiên)
Mt 16: 13-20
 
Chung trời đất, nhưng cuộc đời nào có chung. Tránh nhau hoài, là tư-thế của người đời thường ứng-xử với nhau trong đời người.
Trong đời người đi Đạo và sống Đạo cũng thế. Cũng có những cảnh người người tránh né nhau, như người dưng nước lã, khó làm thân. Chả thế mà, Đức GIêsu hôm nay cứ lần lữa hỏi đồ-đệ xem người người gọi Ngài là ai? Có biết gì về Đấng Mêsia không? Có biết Ngài là Đấng được gửi đến sống chung đụng, gần gũi trong trời đất, vẫn thương-yêu, gần cận biết bao người, như trình-thuật thánh Mát-thêu còn ghi chép.
Trình-thuật thánh Mát-thêu hôm nay ghi về cung cách sống rất chung đụng của người trần-thế, rất ở đời. Trong đời trần thế, sống đúng tư cách của người đi Đạo là sống cho ra sống. Dù cuộc sống có trần ai/bĩ cực, người tín hữu Đức Kitô vẫn phải sống có căn cước của nhà Đạo. Chứng tỏ căn cước nhà Đạo, là ưu tư của người đi Đạo.
Ở đây, “danh xưng” Kitô-hữu vẫn được coi như một căn cước. Ở đây, “căn cước” người tín hữu, vẫn nói lên cả một hiện tượng, thường xảy ở nhiều nơi.
         Tại giáo phận miền quê hôm ấy, xảy ra một vụ nổ lớn về cách thức vị linh mục chánh xứ tổ chức buổi tĩnh tâm cuối tuần, cho các học sinh trung học. Đêm thứ sáu của tuần lễ trầm mặc, là đêm căng thẳng nhất, khi vị linh hướng thông báo với các người trẻ, rằng: họ phải có quyết định dứt khoát, về niềm tin tôn giáo của mình.
         Nhiều phụ huynh đã sững sờ, khi biết là đám trẻ nhà mình, đã nhận được tối hậu thư rất gay, có thể dẫn tới hậu quả là chúng sẽ chối bỏ đức tin. Vị linh hướng hôm ấy, còn quả quyết rằng: người trẻ Kitô-hữu vẫn phải có quyết định chọn nghề, chọn lối sống; chọn nơi ăn chốn ở, môn học và các tương quan ở đời thường.
Vị chủ trì buổi tĩnh huấn, còn quả quyết: tôn giáo lâu nay bị đẩy lùi ra ngoài xã hội, và cuộc sống. Và, đây là chuyện khá quan trọng, để giới trẻ nên quan tâm suy nghĩ, hầu có quyết định chọn lựa trước khi bước vào cuộc đời đích thật. Và, nếu không có quyết định dứt khoát về niềm tin tôn giáo, thì Đạo của ta sẽ đắm chìm trong quên lãng. Hoặc, bị phủ vùi trong lớp ẩm mốc, cát bụi; để rồi, cuối cùng cũng làm mồi cho củi lửa, thiêu đốt.
         Linh mục ấy còn thêm: đòi hỏi giới trẻ có thái độ như thế, vẫn chưa đủ. Sau 12 năm thấm nhuần nền giáo dục mang tính Kitô-giáo; và sau nhiều năm học hỏi giáo lý, Hội thánh vẫn kêu gọi giới trẻ phải có thái độ đối với niềm tin của mình. Một số người trẻ, đã quyết định một cách có ý thức, dứt khoát tiến bước dấn thân làm thành viên của Giáo hội.
Và, khi quyết định tạo cho mình một nghề đầy lòng tin như thế, nhiều bạn trẻ cho biết: họ đã phải đối đầu cả với Chúa. Họ đã kinh nghiệm trực tiếp giáp mặt với Ngài. Có người đã không ngại ngần phản chống lại Giáo hội, đến độ về sau, họ không thể nào rút lại quyết định của mình, được nữa.
         Tiến-trình tĩnh tâm, cũng dựa trên nền tảng được nêu ra trong Tin Mừng, hôm nay: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Đáp lại câu hỏi này, các môn đệ muốn phản ánh kinh nghiệm mình đã sống với Đức Kitô, nên đã đưa ra những giải đáp khác nhau. Duy có Simôn Phêrô, lại quả quyết: Đức Kitô là sự mặc khải của Chúa gửi đến cho con người. Đây là tuyên ngôn nền tảng, mà qua đó Giáo hội của Chúa được thiết lập, chốn gian trần.
         Những gì khi xưa là chân lý, nay vẫn là sự thật. Rất hoàn toàn. Có một vài điểm, nếu ta vẫn muốn cho niềm tin chuyển đổi từ lề luật, rất ý niệm hoặc những quan điểm riêng tư, thành những gì ta có thể cảm nghiệm được, thì ta phải gánh vác niềm tin mà Giáo hội hằng nuôi dưỡng ta, mãi đến hôm nay.
Và, phải coi đó như trọng trách hoặc nghề nghiệp, của chính ta. Làm thế, khi giáp mặt Đức Kitô, ta mới thực sự cộng tác vào công cuộc tái tạo Hội thánh, cùng với thế hệ đương đại.
         Ý thức tận hiến đời mình, làm thành viên “cộng đoàn Hội thánh”, có lẽ là thách thức lớn Đức Chúa đem đến cho môn đệ, trong Tin Mừng. Như môn đệ xưa, chúng ta được kêu mời làm chứng tá cho tình yêu của Chúa tại nơi mình công tác hay làm lụng.
            Hoặc, khi hòa mình sống với bạn bè/người thân trong gia đình. Còn lại, là chuyện nhắc nhớ: chúng ta vẫn đại diện cho Hội thánh. Một Hội thánh duy nhất. Thánh thiện. Mà, tất cả mọi người chúng ta đang giáp mặt, sống chan hòa.
Đường lối ta đeo đuổi, có thể sẽ cột thắt hoặc giải phóng mọi người, sẽ được đo lường bằng niềm tin yêu của ta. Mọi người sẽ nhìn qua ta, để phán đoán xem Hội thánh có còn phản ảnh Đức Kitô, sống với thế giới gian trần, hôm nay không. Mọi người sẽ tìm hiểu xem Hội thánh có còn là căn nhà chung, mọi người chúng ta đang sống.
Và, tất cả đều được coi như thực chất/bản-lề đặt ở câu hỏi gửi đến mỗi người, trong cộng đoàn. Câu hỏi, là: “Thế còn bạn, bạn bảo Tôi là ai?” Cách thức ta trả lời cho câu hỏi, sẽ bộc lộ thật nhiều điều. Và, điều rõ nét nhất, vẫn là:  Đức Kitô có còn lý tưởng ta yêu thích. Có còn là, đối tượng ta mê say, phục vụ, nữa hay không?
         Một lần nữa, hỏi tức là trả lời. Một trả lời ở đâu đó, nơi lời kinh/nguyện cầu rất hăng say. Trong cảm-nghiệm về câu trả lời cho tình thương yêu gần cận với Thày, cũng nên ngâm lại lời thơ trên còn bỏ dở, rằng:
 
            “Mưa với nắng dẫu chung trời, chung đất,
            Mà quanh năm bắt buộc tránh nhau hoài.
            Ta với người bắt buộc phải chia hai,
Làm sao em biết trời đau đớn
Làm sao em lớn bằng ta lớn.
Để chung cùng công việc: đứng than thân…”
            (Nguyễn Tất Nhiên – Vài Đoạn Viết Ở Đinh Tiên Hoàng)
 
            Viết ở đâu cũng là viết. Viết về tư thế của mưa với nắng, tránh nhau hoài. Đứng ở đâu, cũng là đứng trong trời đất, mà cứ bắt buộc tránh nhau hoài, thế đó đâu phải là đời người. Chí ít là đời của người đi Đạo và sống Đạo, vẫn có Chúa thương yêu ở chung cùng mình, rất an bình.
          
Lm Richard Leonard sj
Mai Tá lược dịch
Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 21 mùa Thường niên năm A 24-8-2014
“Đôi chim, là chim ríu rít trên cành,”
Em yêu là yêu tiếng gọi
Của Mình là Mình, Mình ơi!
 (Diệu Hương – Mình Ơi)
(1Cor 9: 19-23)
 
Nếu ai đó, hiểu sâu và hiểu xa ý-nghĩa của từ-vựng “Mình” chỉ là “bạn tình” rất thường tình, chứ không là “bạn trăm năm”, thì chắc bạn và tôi, ta sẽ có rất nhiều điều để nói và để bàn, rất không chán.
Chuyện đáng nói và bàn, mà nhiều người cứ tưởng là chuyện trăm-năm-cuộc-tình-đôi-lứa như thế, nhiều lúc thấy cũng rất thường. Thường xảy đến, câu hát buồn từng nối đuôi theo, như:
 
“Đem qua thức giấc bùi ngùi
Nhìn quanh, là em không thấy mặt người.
Là, người mình thương.”
(Diệu Hương – bđd)
 
Ý-tưởng, được người viết nhạc diễn-tả ở đây muốn nói đến, có thể là tâm tình của người tình từng có “trăm năm một cõi đi về”, mà thôi. Nếu người đọc, lại diễn rộng thứ tình trăm năm hoặc nghìn năm mây bay thành tình bạn/tình người với mọi người, hẵn rằng lại khác!
Vâng! Sự thật lại rất khác. Cũng sẽ khác, nếu như ta lại cứ hát câu cuối của nhạc bản này và nghĩ đến người-tình-ngàn-năm sẽ thấy khác, cũng rất nhiều như những điều sau đây:
 
Đôi chim gẫy cánh giữa đường,
Từ nay là em thôi hết được
Gọi Mình là Mình, Mình ơi.”
(Diệu Hương – bđd)
 
Thế thì, nay có đề-nghị từ một người nghe nào đó, không phải là bần đạo bầy tôi đây, cứ hiểu chỉ một “tình mình” ngàn-năm-mây-bay không là tình bạn đôi lứa mà thôi, hẳn rằng bạn và tôi, ta lại sẽ có cả thiên/cả nghìn vấn-đề đặt ra cho riêng mình, và cho mọi người từ xưa đến nay.
Nói dông nói dài, là để dẫn vào câu chuyện xảy đến với nhà Đạo, rất không lâu. Muốn biết là chuyện gì vừa xảy đến không lâu, xin mời bạn/mời tôi ta đọc tiếp các “mẩu” thông-tin từ nhà Đạo mình, như sau:
 
“Trong lần gặp gỡ bạn bè xưa/cũ tại nhà thờ Caserta, Đức Phanxicô có nói: ngài biết chắc rằng: một số người đã tỏ ra sửng sốt khi thấy ngài thực-hiện chuyến đi thăm nhóm bạn-hữu thuộc giáo-phái Ngũ Tuần, xưa nay là bạn của ngài.
 
Đức Phanxicô có nói với nhóm Ngũ Tuần này, rằng: ‘Chúa Thánh Thần là nguồn-cội của sự đa-dạng trong Hội-thánh. Đa-dạng đây, là đặc-tính phong-phú, tốt lành, hạnh-đạo như mọi đạo. Chúa Thánh Thần là Đấng tạo sự hiệp-nhất hết mọi người. Theo cách này, Hội thánh vẫn là một trong Giáo hội đa-dạng ấy. Và Đức Phanxicô lại nói: ngài yêu-thích từ-vựng rất hay và rất đẹp vẫn được ghi trong Kinh thánh, đó là câu: Tính đa-dạng thực-hiện sự hoà-giải đích-thị là quà tặng của Chúa Thánh Thần.”
 
Trong buổi này, Đức Phanxicô lại đã dấy lên một đòi hỏi gửi đến cộng-đồng các vị Rao giảng Phúc Âm gốc Ý, là: thời Phát-xít lộng-hành, một số người Công-giáo đã là đồng-phạm trong vụ giết chết rất nhiều anh chị em Tin Lành thuộc phái Ngũ Tuần và Rao Giảng Phúc Âm, ở đây.
 
Thế nên, với tư-cách là mục-tử Đạo Chúa, tôi mong anh chị em hãy tha thứ cho những người anh/người chị của chúng ta, là những người Công giáo khi xưa vì không biết và do sự dữ cám-dỗ nên đã làm những chuyện xằng bậy mất đoàn-kết như thế...
 
Đồng thời hôm ấy, Đức Phanxicô cũng đem đến cho các linh-mục vài tư-tưởng về mối quan-hệ giữa người Công-giáo với các anh em Ngũ Tuần khiến mọi người thấy ngạc-nhiên. Đặc biệt là khi, Đức Giáo Hoàng cho biết: nhiều người Công-giáo ở Châu Mỹ La-tinh đã gia-nhập cộng-đồng tín-hữu Ngũ Tuần. Ngài kể lại câu chuyện nữ tín-hữu nọ là người Công giáo có nói: Giáo-hội Công-giáo đã bỏ rơi chị và cả bạn bè của chị theo Công giáo nữa. Chị nói: chị cần có Lời Chúa dẫn-dắt, nên đã phải gia-nhập sinh-hoạt của anh em Tin Lành này...
 
Để minh-hoạ và cũng kết thúc bài nói chuyện hôm ấy, Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Bất cứ ai, dù nam hay nữ, vẫn có thể đem đến cho ta đôi điều làm quà-tặng. Đó, có thể là chuyện đời riêng hoặc tình-cảnh tư-riêng của họ. Dù thế nào đi nữa, cũng nên lắng nghe họ. Và, Chúa Thánh Thần là Đấng khôn-ngoan rất mực, sẽ chỉ dạy cho ta biết cách ăn/nói với người đó.
 
Đừng bao giờ hãi sợ khi đối-thoại với bất cứ ai. Đối-thoại, không phải để bảo-vệ niềm tin của mình, dù nó có nghĩa là giải-thích những gì mình tin. Và, cũng là cung-cách làm áp-lực để thuyết-phục người nghe gia-nhập Đạo mình. Đức Bênêđíchtô 16 có lý khi nói rằng: “Hội thánh lớn mạnh không do việc khuyến-dụ người khác gia-nhập Đạo mình, mà là ngang qua sự thu hút của mình bằng cuộc sống”. (X. Cindy Wooden, Pope, friends move in the Spirit, The Catholic Weekly 03/8/2014 tr. 7)
 
Nói gì thì nói, nếu cứ nói và hát theo ca-từ của nhạc-bản trích ở trên, người đọc lại sẽ như bầy tôi đây, sẽ hát những lời bức-bách rất như sau:
 
“Từ khi, từ khi là Mình bỏ em buồn
Đôi chim lơ láo, quay cuồng là cuồng biếng ăn.
Co ro, co ro tìm một chỗ em nằm,
Phòng không, phòng không là không không chiếu lạnh
Nhện sầu là sầu giăng ngang.”
(Diệu Hương – bđd)
 
Nếu hiểu chữ “Mình” theo ý của cố Linh mục DCCT người Canada là Lm Gérard Gagnon khi trước vẫn hiểu chữ “Mình” trong câu thơ Kiều: “Nghĩ Mình, Mình lại nên thương nỗi Mình” là Đức Chúa Trời Ba Ngôi hiện-diện nơi mình/nơi người, trong đời, thì hôm nay chữ này còn mang nhiều ý-nghĩa hơn.       
Nếu thế thì, xin bạn và tôi, ta cứ tiếp-tục hát thêm câu hát có những chữ “Mình” như sau:
 
“Mình ơi là Mình, Mình ơi!
Mình đi là đi đi mãi quên lời,
Lời xưa mà ta ước hẹn,
Một đời là một đời sắt son.
Cây xanh, là xanh lá vẫn tươi màu,
Riêng em là em héo tàn.
Nhạt nhoà, là nhoà tình xuân.”
(Diệu Hương – bđd)
 
Thật ra thì, khi nghe hát những ý/lời có chữ “mình” ở trên, bần-đạo đây lại cứ liên-tưởng đến những chuyện rất khác với ý-tưởng của tác-giả bài hát rất úi chà “Mình ơi, là mình!”
Vâng! Thật sự thì: trong đời mình, lại cũng có những “mình” và “mình” vốn liên-kết với nhau không chỉ ngang qua tình ruột thịt mà còn là tình-thân thương của những con cái Chúa, ở Nước Trời nhà Đạo.
Liên-tưởng đến những gì mang chữ “mình”, bần đạo đây lại bắt gặp những đoạn gọi là “tình mình bây giờ” và khi xưa, những kể rằng:
 
“Theo các cụ Zelmyra và Herbert Fisher, là cặp phối-ngẫu có 87 năm chung sống với nhau, thì: muốn cho hôn-nhân của mình kéo dài cả đời người, không có gì khó khăn cho lắm. Sau đây là một vài mẹo vặt do hai cụ đề-nghị hầu đảm-bảo cho hôn-nhân của mình được thành-công, toại nguyện:
 
Ly-dị, không phải là chọn-lựa. Điều này ít được nói đến, nhưng tôi tin chắc là ngày nay, càng có nhiều người tính chuyện ly-dỵ chỉ vì đó là chọn-lựa, ngay trước mắt. Nếu bạn nghĩ rằng ly-dị là chuyện khả-thi, thì nhiều khả-năng là: khi mọi sự đi đến khó-khăn, bạn sẽ “chọn” việc đó như con đường “dễ đi” hơn là làm hết mình để chỉnh-sửa tương-quan mình vẫn có.
 
Hãy nhớ rằng: hôn-nhân là cuôc “thi-đấu”, đừng bao giờ duy-trì số điểm mình đạt được. Bởi lẽ, bạn ở cùng chung một đội-ngũ quyết giành phần thắng lợi, chứ không chỉ riêng mỗi một mình.
 
Mẹo kế tiếp, là: Hãy đồng-ý với nhau là mình có thể bất-đồng về nhiều chuyện và chiến-đấu cho những gì thực sự thành vấn-đề. Hãy học cách cúi gập người mình xuống mà đồng-thuận chứ không phải phá đổ mọi sự. Theo tôi thì, những gì đi đến nền tảng của sự việc mình tin-tưởng, thì cũng là điều tốt nếu như người phối-ngẫu với mình ở trên cùng chiều dài của cơn sóng vỗ như mình vậy. Không có gì là xấu xa nếu ta bất-đồng với nhau về cả “chuyện nhỏ”. Thật sự thì, cũng là điều tốt nếu như ta học được nhiều điều từ những người đồng-thuận với mình. Thêm nữa, điều đó cho thấy mình thật sự thoải-mái đối với nhau, có thể trân-trọng ý-kiến/lập-trường của nhau và nhượng bộ nhau, nếu cần.
 
Mẹo cuối thêm nữa là: điều mà bạn nên có chung với nhau, đó là: hãy thăng-tiến hết mọi sự, bởi ta đều là tín-hữu Đức Kitô và cùng tin vào Chúa. Điều này không có ý bảo rằng: muốn thành vợ chồng thành-công trong hôn-nhân, thì phải là Kitô-hữu.
 
Không. Không phải thế. Điều này, chỉ muốn nói đến yếu-tố bảo rằng: hầu hết các cặp vợ-chồng hoà-hợp/đoàn-kết với nhau là những người cùng san-sẻ một niềm tin hoặc giá-trị đạo-đức. Tại sao thế? Bởi như thế, họ hiểu nhau hơn, họ có thể giúp đỡ nhau vững chí với niềm tin của họ và như thế sẽ không giáp mặt với những xung-đột lớn lao khi nuôi dưỡng giáo dục đàn con của họ”. (xem Tamara Rajakariar, A Happy Marriage is Simple,MercatorNet 21/5/2014)
 
            Thế đó, cũng chỉ là lập-trường tư-riêng của ai đó. Có thể gọi họ là “các cụ giòng họ Fisher” ở Úc hay Mỹ Quốc. Có thể gọi họ là ông A bà B, rất đáng kể. Nhưng, gọi thế nào thì gọi, nói gì thì nói vẫn cứ nên nói cho có sách và mách cho có chứng. Những chứng cứ được ghi dấu ở Kinh Sách rất như sau:
 
“Phải, tôi là một người tự do,
không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người,
hầu chinh phục thêm được nhiều người.
Với người Do-thái, tôi đã trở nên Do-thái, để chinh phục người Do-thái.
Với những ai sống theo Lề Luật, tôi đã trở nên người sống theo Lề Luật,
dù không còn phải sống theo Lề Luật nữa, để chinh phục những người sống theo Lề Luật.
Đối với những kẻ sống ngoài Lề Luật, tôi đã trở nên người sống ngoài Lề Luật,
dù tôi không sống ngoài luật Thiên Chúa, nhưng sống trong luật Đức Kitô,
để chinh phục những người sống ngoài Lề Luật.
Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu.
Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người.
Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó,
để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.”
(1Cor 9: 19-23)
 
Sống thực tế, là sống với và sống bằng Lời khuyên dạy từ Tin Mừng. Sống, Lời dạy từ Tin Mừng, có là cùng sống và cùng tin với mọi thành-viên Hội-thánh, tức chính Hội thánh. Sống như thế, còn là sống rất thực bằng vào và ngang qua ý-kiến của nhiều người, trong đó có cả các bậc thày-dạy ở trường lớp rất thần-học.
Và hôm nay, bần-dạo bầy tôi lục-lọi xấp bài viết của một trong các bậc thày như thế, đã thấy được như sau:
 
“Trong mọi hoàn-cảnh, các vị quan-tâm đến nền thần-học của Giáo-hội thường có vấn-nạn trước nhất, hỏi rằng: “Thiên Chúa đang làm gì cho thế-gian?” Câu trả lời căn-bản từ nền thần-học thường vẫn bảo: Thiên-Chúa sống-động vẫn đang tiếp-tục công việc của Ngài nơi nhân-loại, ở mọi thời, để tỏ-lộ sự hiện-diện và quyền-uy của Ngài theo cách kín đáo, và gián-tiếp.
 
Thế nên, trách-nhiệm tiên-quyết của Giáo-hội, là nhận-thức cho rõ và ngoan-ngoãn ứng-đáp bằng niềm tin-tưởng đối với công-việc của Chúa, ở chốn gian trần. Nhận-thức cho rõ những gì Chúa đang làm và Ngài đã làm được tới đâu, cũng như những gì Chúa gọi mời Giáo-hội biết vâng lời, dù đôi lúc thấy việc ấy cũng không mấy dễ.    
 
Bằng vào trao-đổi với tác-giả Duffy hôm trước từng có nhận xét, là: hiện có một số khá đông tín-hữu Công-giáo vẫn sống cuộc sống kết-hợp hôn-nhân “không theo qui-cách của Đạo”. Dù ta có chấp-nhận vụ việc được kể trong buổi trao-đổi ấy như kết-luận của tác-giả về yếu-tố mục-vụ mang ý-nghĩa như việc châm ngòi cho bom nổ chậm nào đó, thế thôi.
 
Tuy là thế, điều đó cũng không nhất-thiết cho thấy con số các vụ sống với nhau không theo qui-cách nhà Đạo, như thế, lại là dấu chỉ về đường-lối mà các giá-trị xã-hội lâu nay đặt-định cho sự sống và khả-năng nhận-thức của tín-hữu, hoặc dấu-hiệu hôn-nhân Công-giáo hoặc thể-chế hôn-nhân Công-giáo trên đà đi xuống.
 
Thật ra, ta cũng có thể đọc các dấu hiệu ấy như dấu chỉ về lời mời gọi hãy liên tục sống kết-hợp hôn-nhân như giao-ước, hoặc đặc-biệt hơn, là dấu chỉ về sự thể xảy đến với người từ-chối tính-cách pháp-lý đối với bí-tích hôn-phối mỗi khi cần có quyết-tâm.
 
Có lẽ, vấn-đề trên đã bộc-lộ động-lực tạo “kết-hợp sai qui-cách” có thể là việc coi thường Giáo-hội cùng các bí-tích mà Giáo-hội đề ra. Hoặc, để xác-tín rằng việc sống chung-thủy không là vấn-đề và tính thánh-thiêng của hôn-nhân nay đã là chuyện của quá-khứ.
 
Từ đó, ta kết-luận được rằng: những gì được bộc-lộ, là mô-hình hoặc hình-thức của tội lỗi. Trong trường-hợp này, Hội thánh cũng nên tự biện-hộ cách đúng-đắn về chuẩn-mực đề ra cho hôn-nhân như luật-định, với cái giá mà Giáo hội phải trả cho lập-trường khác biệt cũng biết sống lành thánh/hạnh đạo. Bởi thế nên, việc thích-nghi và chỉnh-sửa chuyện này, tức có đúng qui-cách hay không, cũng đưa đến động-thái không còn biết tin vào Giáo-hội nữa.
 
Có lẽ, các chuyện do người sống đời hôn-nhân sai qui-cách mà Giáo hội tạo thành luật vẫn có thể là sự thủy-chung đối với Chúa và là đáp-ứng lại ân-huệ lành, ngay trong hoàn-cảnh khó khăn này khác.
 
Thế nên, cũng có thể Chúa mặc-khải cho Giáo Hội biết nhu-cầu phải nhận ra và ứng-đáp công việc của Chúa trong cuộc sống bằng vào động-thái cho phép các người phối-ngẫu sống như thế được phép hiệp-thông san-sẻ các bí-tích của Giáo-hội.
 
Ngay Giáo-hội có thể cũng được mời xem xét lại một số điều-khoản “thể-chế hôn-phối” dựng ra lâu nay, vì vẫn chưa làm hài-lòng được nhiều người, hầu củng-cố và đáp-ứng với công-việc của Chúa như từng diễn-lộ nơi đời sống của những người được ơn lành Chúa ban. Trong trường-hợp này, đổi-thay sẽ là cung-cách để Giáo-hội chứng-tỏ mình cũng vâng lời bằng niềm tin ngoan-cường”. (xem thêm Luke Timothy Johnson, Sex, Marriage and the Church, The Corpus Blog, 2011-2012)
 
            Thế mới biết, hễ nói chuyện sống đời hôn-nhân theo qui-cách rất qui-củ ở nhà Đạo, đều không là chuyện dễ nói, dễ làm. Chả thế mà, Đức Giáo Tông nhà mình đã cùng với Hội thánh chuẩn bị rất nhiều tháng, để sẽ có một hoặc hai buổi họp gọi là “Thượng Hội Đồng Giám Mục ở  Rôma” vào những tháng sắp tới, trong năm 2014 và 2015 này.
            Thế mới biết, cứ ới gọi nhau qua câu hát “Mình ơi là mình” cũng không dễ, như các câu:
 
            “Đôi chim gẫy cánh giữa đường,
Từ nay là chăn gối ngậm ngùi
Là ngùi tiếc thương.
Hò là hò ơi ới hò,
Mình đi mô mà mình đi miết rứa lkhông về
Rứa để em chứ rứa để em chẳng có ai nằm
Rứa em chẳng có ai nằm kề một bên.”    
(Diệu Hương – bđd)
 
“Chim gẫy cánh giữa đường”, chăn gối ngậm ngùi”, “tiếc thương” cũng vẫn là những ý-tưởng và tư-tưởng về một thứ hạnh phúc nào đó trong sống đời chăn gối. Sống, với cả nhà Đạo định ra chuyện chăn gối với con dân mình, rất tận tình.
Tất cả vẫn cứ là những nhận-thức và lãnh-nhận ơn-huệ lành thánh Chúa tặng ban cho mọi người. Cả những người đã và đang hoặc cũng từng sống đời chăn gối theo qui-cách đạo-hạnh của nhà Đạo, lẫn người bình thường ở đời, rất khơi khơi.
Tất cả, chỉ là hành-trình kiếm tìm hạnh-phúc có bài-bản hay không, có nhờ vào sự dẫn-dắt của Hội-thánh hoặc cơ-quan, đoàn-thể nào đó ở đời, hay không.
Tất cả, sẽ qui vào và về một cung-cách kiếm tìm nào đó, giống như nhận-định sau đây:
 
“Nếu hạnh phúc là thứ tìm có thể thấy thì có lẽ con người chẳng phải nếm mùi khổ đau nhiều như vậy nhỉ.
 
Nếu hạnh phúc là thứ ẩn nấp để cùng con người tham gia trò trốn tìm thì cuộc sống này liệu có còn thời gian cho yêu thương?
 
Vì thế, hãy dừng cuộc tìm kiếm hạnh phúc ấy lại bởi nó không phải là đích đến mà nó là thứ luôn hiện hữu song hành bên ta, chỉ vì ta quá bận rộn với cuộc sống bộn bề mà ta quên mất nó đấy thôi.
 
Nếu đến đây mà bạn vẫn không thể tìm thấy hạnh phúc của mình ở nơi đâu thì tôi chỉ bạn nhé.
Hạnh phúc nằm ở đôi môi của bạn đấy.
Một đôi môi biết mỉm cười và biết nói lời yêu thương chính là cửa ngõ dẫn đến hạnh phúc an nhiên của con người.

Nếu bạn chỉ biết than vãn, chỉ biết oán trách những trớ trêu của cuộc đời, chỉ biết dùng lời nói để chê bai, mỉa mai, công kích người khác thì đừng hỏi "Vì sao tôi không thấy hạnh phúc".
Hãy nói về những yêu thương tốt đẹp, hãy mỉm cười với cuộc sống xung quanh, hãy dành những lời ngọt ngào cho những người bạn yêu quý và bạn sẽ thấy hạnh phúc nảy nở từ đôi môi.
Hạnh phúc nằm ở sự tha thứ.
Chẳng có ai ôm trong lòng mối hận thù mà cảm thấy vui vẻ và thoải mái cả. Có thể, họ đã làm tổn thương bạn, họ đã phản bội lòng tin và hằn trong lòng bạn một vết thương sâu hoắm và nhức nhối nhưng hãy đặt tay lên ngực mình và dặn với chính mình "Cuộc đời này vốn không đủ dài để yêu thương thì tại sao lại phí hoài nó cho hận thù".

Vì thế, bằng cách này hay cách khác, hãy quên đi những vết thương và quên đi người để lại vết thương ấy. Một khi bạn cho đi sự tha thứ thì cũng chính là cách bạn tự cho chính mình một món quà chứa đầy hạnh phúc và an nhiên.
 
Tôi không chắc chúng ta có thể lại tin, lại yêu người ấy như chưa có chuyện gì nhưng chỉ cần bản thân tha thứ được thì ta sẽ lại có thể mỉm cười khi giáp mặt nhau.
Như vậy, không phải sẽ tốt hơn sao.
 
Hạnh phúc nằm ở chữ Cho chứ không phải chữ Đòi.
Hãy cho đi những thứ bạn muốn nhận rồi cuộc đời sẽ trả lại cho bạn những điều mà bạn muốn, có thể nó không đến từ người bạn cần nhưng chắc chắn rằng trong dòng đời sau này, sẽ có người cho bạn lại những điều như thế.
 
Đừng đòi hỏi điều gì khi bản thân không làm được. Sự hụt hẫng khi điều mình muốn không được đáp lại rất dễ đẩy bạn vào hố sâu của thất vọng.
 
Vì thế, đừng tự giết cảm xúc của mình chỉ vì những đòi hỏi cho thỏa mãn cảm xúc của bản thân, hãy học cách cho đi thật nhiều, cuộc sống này, không để bạn chịu thiệt thòi đâu.
 
Hạnh phúc là khi bạn biết Đủ.
Nói theo kiểu dân gian là "cái gì quá cũng không tốt".
 
Yêu thương quá sinh ra gò bó, quan tâm quá sẽ khiến mất tự do, ghen tuông quá cũng mất vị tình yêu và cái gì cũng thế, chạm đến chữ Đủ sẽ chạm được hạnh phúc tròn vị.
 
Đừng chạy theo cái gì quá hoàn chỉnh và cũng đừng ép bản thân phải trở nên quá hoàn hảo, yêu thương vừa đủ, ấm áp vừa đủ, quan tâm vừa đủ và bên nhau vừa đủ có lẽ sẽ hạnh phúc hơn.
 
Và hạnh phúc chẳng nằm ở đâu xa, nó nằm ngay trong trái tim của chính ta, khi bản thân chông chênh mệt mỏi, hãy đặt tay lên tim và tự nỏi "Rồi mọi thứ sẽ ổn".
 
Khi nỗi buồn xâm chiếm tâm trí và cô đơn thống trị lấn át hạnh phúc, hãy tìm một khoảng không gian riêng với những bản nhạc ta yêu, những món ăn ta thích và tự nói với lòng "Hết hôm nay thôi nhé, ngày mai ta sẽ lại mỉm cười".

Đừng gắng gượng, hãy đối diện và tìm cách giải tỏa nỗi buồn và mang hạnh phúc quay về.
Hạnh phúc của ta nên tự ta xây lấy, đừng chạy theo người khác để thỏa mãn lòng họ và mang về thứ hạnh phúc ảo sẽ chết theo thời gian.” (trích điện-thư bươm bướm trên mạng)
 
Điện-thư nhận-định như trên có thể là và vẫn là cung-cách sống của ai đó, có bài-bản hay không đó mới là vấn-đề. Và vấn-đề còn lại, vẫn xin dành cho bạn/cho tôi, là những người có quyết-định và quyết-tâm về đời mình. Cho chính mình.
 
Trần Ngọc Mười Hai
Và những đề-nghị cỏn con
Đề ra cho tôi và cho bạn
Để cho vui mà thôi.