CÒN ĐÊM GIÁNG SINH NÀO CHO EM

Em thân. Mùa đông Portland, 1995. Đêm xanh và gió lạnh từng cơn. Một góc trăng xa vàng vọt, bơ vơ giữa trời mênh mông đầy sao. Đêm huyền diệu, ngát hương an bình và hy vọng. Đêm Chúa ra đời, cứu chuộc nhân loài. Bên trong, tiệc mừng Giáng sinh bắt đầu với tiếng nói cười, chúc tụng rộn ràng và ánh sáng lấp lánh muôn màu từ cây sapin đặt giữa phòng. Một lúc nào, qua hai tuần rượu, người bạn tôi, một nhân viên thiện nguyện xã hội, đưa cho tôi xem một bức hình đã cũ, úa vàng, bức hình của em, do anh ta chụp tại một trại tỵ nạn Đông Nam Á mấy năm trước. Em đứng một mình, dáng buồn bã sau lớp kẽm gai, tay bám vào cột sắt, đôi mắt to đen còn ngấn lệ ngơ ngác nhìn thế giới bên ngoài. Quần áo xốc xếch, và tóc rối như mây bay bay trên khung ảnh, trong nắng hoàng hôn nhạt nhòa. Tuổi em chừng độ mười ba, mười bốn, nhưng trông em gầy còm, bé nhỏ như mới lên tám. Anh bạn cho biết em ở trại đã hơn tám năm, và đang chờ trục xuất về Việt Nam theo diện không thân nhân. Tôi ngắm mãi hình em. Giờ này chắc em đã về rồi, trôi dạt ở một nơi nào đó trên quê hương –nơi mà số phận bất công và bọn người có quyền lực đang rình rập, vồ xé em với nanh vuốt của loài thú dữ.

      Tự dưng tôi thấy cổ họng nghẹn đắng và tâm hồn rã rời. Giống như trước đây, khi hành quân qua những thôn ấp điêu tàn tôi đã ôm trong tay các em bé bị thương vì mìn chông và đạn pháo, hoặc nhìn những dòng sông ngập xác người  –gục ngã giữa hai lằn đạn–  trôi lẫn với ngàn cánh lục bình vùi dập. Hoặc sau này, trong một bối cảnh khác, bị tù đày đi ngang qua những trại giam thiếu nhi hình sự miền Bắc, thấy có nhiều em chỉ mới bảy, tám tuổi, đói lả, da bọc xương, bước đi xiêu vẹo...

 

      Không còn lòng dạ nào tiếp tục cuộc vui. Trên đường khuya trở về nhà, trời mưa như trút. Mưa, hay những dòng nước của em giàn giụa ở một khung trời nào thật xa tôi, trong những đêm Giáng sinh mồ côi, không có hoa đèn, quà tặng, câu hát, tiếng cười. Không có bình an Chúa đã hứa. Không có cả hy vọng mong manh khi sáng mai thức dậy em thấy mặt trời vẫn mọc trên biển Đông. Ngồi âm thầm giữa đêm thâu, trong tiếng mưa gõ nhịp bên thềm và tiếng nhạc trầm buồn, mơ hồ như sóng trùng dương xa khơi réo gọi, thầm nhắc những gian truân ngày cũ, tôi muốn chia sẻ nỗi khổ đau ngút ngàn của em, cũng như của bao người đang bị lãng quên ở cuối tầng địa ngục. Tôi muốn nói tôi thương em vô vàn vì những bất hạnh em mang, dù chưa một lần gặp em, chưa một lần gọi tên em. Dù em, chắc chắn, sẽ không đọc được những dòng này.

      Trong một nghĩa nào, những bất hạnh đó cũng là của tôi, một thuyền nhân may mắn hơn em một chút, và của hàng vạn trẻ em khắp cùng thế giới, nạn nhân tội nghiệp của chiến tranh và thù hận, tại các trại tỵ nạn Bosnia, Rawanda, Somalia, Nigeria, Indonesia... và ở Hồng Kông và Philippines, nơi vẫn còn những thuyền nhân chưa nước nào tiếp nhận. Và tại ViệtNam trong những mùa chinh chiến cũ. Và bây giờ, dưới chế độ Cộng sản bạo tàn, nơi tuổi thơ không bao giờ được học nghĩa của yêu thương.

 

      Làm sao tôi không nghĩ rằng trẻ em Việt Nam là hiện thân trọn vẹn của Đau Thương cùng cực? Trong chiến tranh, từ ấu thời, các em đã biết mùi lửa đạn, chết chóc, chia lìa, mất mát, vào tuổi mà ở Mỹ quốc trẻ em, kể cả trong các gia đình gốc tỵ nạn, được nâng niu, chăm sóc, hưởng mọi thứ tiện nghi, ưu đãi trên đời. Sau 1975, các em càng khốn khổ hơn. Cha vào tù, mẹ tần tảo gánh gồng, bươn chải nuôi đàn con trẻ dại. Các em thiếu ăn, thiếu mặc, suốt ngày chỉ được dạy bài học lao động và căm thù. Và rồi một đêm, em đã vượt biển ra đi, một mình, như tôi cách đây nhiều năm, bất chấp hiểm nguy, mang theo hy vọng và tương lai của cả gia đình. Tại những trại tiếp cư, em ngóng chờ từng ngày, từng tháng, từng năm, trong cảnh cơ cực, buồn nản. Cuối cùng, người ta lạnh lùng chối bỏ em, đày em xuống lại địa ngục mà em đã khổ công đào thoát. Em chắc không biết truyện nàng Cúc Hoa, trong văn chương nước ta, từ địa ngục được trở về dương thế, đoàn tụ với chồng, Phạm Công, và hai con, nhờ lòng thương của quỷ Diêm vương –còn mang tính người hơn lũ người tự nhận "đỉnh cao trí tuệ", nhưng bởi khỉ mà ra. Hay nàng Eurydice, kém may mắn hơn, trong thần thoại Hy Lạp, khi sắp đến bến bờ hạnh phúc, đã vì lỗi của chồng, Orphée, phải quay lại địa ngục, nhưng cùng với tình yêu trọn vẹn và nỗi tiếc nhớ khôn nguôi chàng dành cho. Còn em? Còn phi lý và nghiệt ngã nào hơn, hỡi em? Còn thiên đường xanh nào cho những ước mơ bình thường, bé bỏng của em? Hồn tôi chợt xao xuyến, nghe nhức buốt trước nỗi tuyệt vọng của em, và căm phẫn vì sự thờ ơ, ích kỷ của loài người.

      Thế giới thực sự quay lưng với em rồi. Người ta đã quá mệt mỏi, và phải công bình mà nói, người ta không cáng đáng nổi nữa trước con số tỵ nạn khổng lồ ngày càng gia tăng khắp nơi trên hoàn vũ bởi những cuộc chiến trăm lần tệ hại và tàn độc hơn chiến tranh Việt Nam. Và còn lý do chính trị nữa. Gió đã đổi chiều, người ta háo hức xin được bắt tay với các kẻ thù cũ, mới. Người ta hân hoan tháo bỏ cấm vận. Và mới đây, theo yêu cầu của bạo quyền Hà Nội, người ta đục xóa các tấm bia tưởng niệm thuyền nhân ViệtNam đã bỏ mình tại vài nước tạm cư, Indonesia và Mã Lai, và trên biển cả. Người ta cho đó là thức thời, là tiến bộ, là hòa bình, hòa hợp, hòa giải. Tôi gọi đó là khiếp nhược, phản bội, đầu hàng. Và nạn nhân không ai khác là hàng ngàn đồng bào đáng thương còn kẹt ở các trại, trong số có em. Nạn nhân của sự trở mặt ấy, em hãy tin tôi, chắc hắn không phải là một số khá đông cựu thuyền nhân, cựu di tản, đã hay đang trở về  –nhưng khác với em– để du lịch vinh quang, tậu biệt thự, làm ăn, hoặc ca hát, nhảy múa, hoặc chơi bời trên đất nước thảm thương, rách nát mà ngày nào họ đã trốn chạy trối chết.

      Trong đôi mắt mênh mông buồn thảm em nhìn, qua bức ảnh, đôi mắt đã ám ảnh tôi suốt đêm Giáng sinh, tôi đọc thấy lời kết án nặng nề đối với lương tâm của nhân loại. Và của tôi. Tôi có mặc cảm tội lỗi, xấu hổ vì bất lực, không làm được gì để giúp em thoát khỏi xích xiềng nô lệ và đọa đày. Tiếng nói của tôi, cũng như của một số đồng hương đầy thiện chí đã cố gắng can thiệp với chính quyền, tranh đấu cho em, cho những người trong hoàn cảnh của em, chỉ là tiếng vọng trên sa mạc, chìm mất theo sóng nhạc bềnh bồng của những đêm khiêu vũ mệt nhoài hay các buổi tiệc tùng tưng bừng.

 

      Thôi em, hãy quên. Hãy quên. Và chấp nhận mệnh số tàn ác trời dành cho em. Nếu phải trở lại địa ngục, hãy mang theo tình thương và cảm thông tràn đầy, ít nhất của một người không quen đã bỏ dở bữa tiệc Giáng sinh vì em, đang nghĩ đến em đêm nay. Hãy trở lại như Eurydice thuở xưa. Hay như Hoàng Tử Nhỏ trong Saint-Exupéry, sau lần lạc bước đến thế giới loài người được hiểu thế nào là nhân ái và ác độc, đã bình thản trở về tinh cầu của mình với trái tim rướm máu.

      Và nhất là, để tiếp tục sống, em hãy tiếp tục giữ hy vọng vào hạnh phúc, như ngày em bước lên thuyền ra khơi. Dù hạnh phúc thật chưa hề có trên cõi đời này. 

 

 

Portland, Giáng sinh 1995

Em thân. Mùa đông Portland, 1995. Đêm xanh và gió lạnh từng cơn. Một góc trăng xa vàng vọt, bơ vơ giữa trời mênh mông đầy sao. Đêm huyền diệu, ngát hương an bình và hy vọng. Đêm Chúa ra đời, cứu chuộc nhân loài. Bên trong, tiệc mừng Giáng sinh bắt đầu với tiếng nói cười, chúc tụng rộn ràng và ánh sáng lấp lánh muôn màu từ cây sapin đặt giữa phòng. Một lúc nào, qua hai tuần rượu, người bạn tôi, một nhân viên thiện nguyện xã hội, đưa cho tôi xem một bức hình đã cũ, úa vàng, bức hình của em, do anh ta chụp tại một trại tỵ nạn Đông Nam Á mấy năm trước. Em đứng một mình, dáng buồn bã sau lớp kẽm gai, tay bám vào cột sắt, đôi mắt to đen còn ngấn lệ ngơ ngác nhìn thế giới bên ngoài. Quần áo xốc xếch, và tóc rối như mây bay bay trên khung ảnh, trong nắng hoàng hôn nhạt nhòa. Tuổi em chừng độ mười ba, mười bốn, nhưng trông em gầy còm, bé nhỏ như mới lên tám. Anh bạn cho biết em ở trại đã hơn tám năm, và đang chờ trục xuất về Việt Nam theo diện không thân nhân. Tôi ngắm mãi hình em. Giờ này chắc em đã về rồi, trôi dạt ở một nơi nào đó trên quê hương –nơi mà số phận bất công và bọn người có quyền lực đang rình rập, vồ xé em với nanh vuốt của loài thú dữ.

      Tự dưng tôi thấy cổ họng nghẹn đắng và tâm hồn rã rời. Giống như trước đây, khi hành quân qua những thôn ấp điêu tàn tôi đã ôm trong tay các em bé bị thương vì mìn chông và đạn pháo, hoặc nhìn những dòng sông ngập xác người  –gục ngã giữa hai lằn đạn–  trôi lẫn với ngàn cánh lục bình vùi dập. Hoặc sau này, trong một bối cảnh khác, bị tù đày đi ngang qua những trại giam thiếu nhi hình sự miền Bắc, thấy có nhiều em chỉ mới bảy, tám tuổi, đói lả, da bọc xương, bước đi xiêu vẹo...

 

      Không còn lòng dạ nào tiếp tục cuộc vui. Trên đường khuya trở về nhà, trời mưa như trút. Mưa, hay những dòng nước của em giàn giụa ở một khung trời nào thật xa tôi, trong những đêm Giáng sinh mồ côi, không có hoa đèn, quà tặng, câu hát, tiếng cười. Không có bình an Chúa đã hứa. Không có cả hy vọng mong manh khi sáng mai thức dậy em thấy mặt trời vẫn mọc trên biển Đông. Ngồi âm thầm giữa đêm thâu, trong tiếng mưa gõ nhịp bên thềm và tiếng nhạc trầm buồn, mơ hồ như sóng trùng dương xa khơi réo gọi, thầm nhắc những gian truân ngày cũ, tôi muốn chia sẻ nỗi khổ đau ngút ngàn của em, cũng như của bao người đang bị lãng quên ở cuối tầng địa ngục. Tôi muốn nói tôi thương em vô vàn vì những bất hạnh em mang, dù chưa một lần gặp em, chưa một lần gọi tên em. Dù em, chắc chắn, sẽ không đọc được những dòng này.

      Trong một nghĩa nào, những bất hạnh đó cũng là của tôi, một thuyền nhân may mắn hơn em một chút, và của hàng vạn trẻ em khắp cùng thế giới, nạn nhân tội nghiệp của chiến tranh và thù hận, tại các trại tỵ nạn Bosnia, Rawanda, Somalia, Nigeria, Indonesia... và ở Hồng Kông và Philippines, nơi vẫn còn những thuyền nhân chưa nước nào tiếp nhận. Và tại ViệtNam trong những mùa chinh chiến cũ. Và bây giờ, dưới chế độ Cộng sản bạo tàn, nơi tuổi thơ không bao giờ được học nghĩa của yêu thương.

 

      Làm sao tôi không nghĩ rằng trẻ em Việt Nam là hiện thân trọn vẹn của Đau Thương cùng cực? Trong chiến tranh, từ ấu thời, các em đã biết mùi lửa đạn, chết chóc, chia lìa, mất mát, vào tuổi mà ở Mỹ quốc trẻ em, kể cả trong các gia đình gốc tỵ nạn, được nâng niu, chăm sóc, hưởng mọi thứ tiện nghi, ưu đãi trên đời. Sau 1975, các em càng khốn khổ hơn. Cha vào tù, mẹ tần tảo gánh gồng, bươn chải nuôi đàn con trẻ dại. Các em thiếu ăn, thiếu mặc, suốt ngày chỉ được dạy bài học lao động và căm thù. Và rồi một đêm, em đã vượt biển ra đi, một mình, như tôi cách đây nhiều năm, bất chấp hiểm nguy, mang theo hy vọng và tương lai của cả gia đình. Tại những trại tiếp cư, em ngóng chờ từng ngày, từng tháng, từng năm, trong cảnh cơ cực, buồn nản. Cuối cùng, người ta lạnh lùng chối bỏ em, đày em xuống lại địa ngục mà em đã khổ công đào thoát. Em chắc không biết truyện nàng Cúc Hoa, trong văn chương nước ta, từ địa ngục được trở về dương thế, đoàn tụ với chồng, Phạm Công, và hai con, nhờ lòng thương của quỷ Diêm vương –còn mang tính người hơn lũ người tự nhận "đỉnh cao trí tuệ", nhưng bởi khỉ mà ra. Hay nàng Eurydice, kém may mắn hơn, trong thần thoại Hy Lạp, khi sắp đến bến bờ hạnh phúc, đã vì lỗi của chồng, Orphée, phải quay lại địa ngục, nhưng cùng với tình yêu trọn vẹn và nỗi tiếc nhớ khôn nguôi chàng dành cho. Còn em? Còn phi lý và nghiệt ngã nào hơn, hỡi em? Còn thiên đường xanh nào cho những ước mơ bình thường, bé bỏng của em? Hồn tôi chợt xao xuyến, nghe nhức buốt trước nỗi tuyệt vọng của em, và căm phẫn vì sự thờ ơ, ích kỷ của loài người.

      Thế giới thực sự quay lưng với em rồi. Người ta đã quá mệt mỏi, và phải công bình mà nói, người ta không cáng đáng nổi nữa trước con số tỵ nạn khổng lồ ngày càng gia tăng khắp nơi trên hoàn vũ bởi những cuộc chiến trăm lần tệ hại và tàn độc hơn chiến tranh Việt Nam. Và còn lý do chính trị nữa. Gió đã đổi chiều, người ta háo hức xin được bắt tay với các kẻ thù cũ, mới. Người ta hân hoan tháo bỏ cấm vận. Và mới đây, theo yêu cầu của bạo quyền Hà Nội, người ta đục xóa các tấm bia tưởng niệm thuyền nhân ViệtNam đã bỏ mình tại vài nước tạm cư, Indonesia và Mã Lai, và trên biển cả. Người ta cho đó là thức thời, là tiến bộ, là hòa bình, hòa hợp, hòa giải. Tôi gọi đó là khiếp nhược, phản bội, đầu hàng. Và nạn nhân không ai khác là hàng ngàn đồng bào đáng thương còn kẹt ở các trại, trong số có em. Nạn nhân của sự trở mặt ấy, em hãy tin tôi, chắc hắn không phải là một số khá đông cựu thuyền nhân, cựu di tản, đã hay đang trở về  –nhưng khác với em– để du lịch vinh quang, tậu biệt thự, làm ăn, hoặc ca hát, nhảy múa, hoặc chơi bời trên đất nước thảm thương, rách nát mà ngày nào họ đã trốn chạy trối chết.

      Trong đôi mắt mênh mông buồn thảm em nhìn, qua bức ảnh, đôi mắt đã ám ảnh tôi suốt đêm Giáng sinh, tôi đọc thấy lời kết án nặng nề đối với lương tâm của nhân loại. Và của tôi. Tôi có mặc cảm tội lỗi, xấu hổ vì bất lực, không làm được gì để giúp em thoát khỏi xích xiềng nô lệ và đọa đày. Tiếng nói của tôi, cũng như của một số đồng hương đầy thiện chí đã cố gắng can thiệp với chính quyền, tranh đấu cho em, cho những người trong hoàn cảnh của em, chỉ là tiếng vọng trên sa mạc, chìm mất theo sóng nhạc bềnh bồng của những đêm khiêu vũ mệt nhoài hay các buổi tiệc tùng tưng bừng.

 

      Thôi em, hãy quên. Hãy quên. Và chấp nhận mệnh số tàn ác trời dành cho em. Nếu phải trở lại địa ngục, hãy mang theo tình thương và cảm thông tràn đầy, ít nhất của một người không quen đã bỏ dở bữa tiệc Giáng sinh vì em, đang nghĩ đến em đêm nay. Hãy trở lại như Eurydice thuở xưa. Hay như Hoàng Tử Nhỏ trong Saint-Exupéry, sau lần lạc bước đến thế giới loài người được hiểu thế nào là nhân ái và ác độc, đã bình thản trở về tinh cầu của mình với trái tim rướm máu.

      Và nhất là, để tiếp tục sống, em hãy tiếp tục giữ hy vọng vào hạnh phúc, như ngày em bước lên thuyền ra khơi. Dù hạnh phúc thật chưa hề có trên cõi đời này. 

 

 

Portland, Giáng sinh 1995