Lòng Nhân Ái, đó là điều quý báu nhất.

Trên thế giới, chúng ta có rất nhiều tôn giáo khác biệt nhau. Nhưng tất cả đều có chung một điều quan trọng nhất, đó là đạo nào cũng đều khuyên nhủ các tín đồ phải “làm điều lành, tránh làm điều ác”. Và tôn giáo nào thì cũng chủ trương kêu gọi tín đồ của mình phải thực tâm yêu thương con người, cụ thể như lòng từ bi hỷ xả của Phật giáo, tình nhân đạo bác ái của Công giáo.

Từ xa xưa, cha ông chúng ta cũng vẫn thường đề cao phẩm chất cao quý của người trượng phu quân tử - đó là họ phải có đày đủ cả ba tính cách : Nhân, Trí và Dũng. Nhân là lòng Nhân Ái, yêu thương mọi người. Trí là sự Hiểu biết, Thông tuệ. Còn Dũng là sự Can đảm, Dũng khí, Đảm lược. Nhằm giúp cho lớp con cháu trẻ tuổi sinh trưởng ở hải ngọai hiểu rõ hơn, tôi đã dịch 3 chữ Nhân, Trí, Dũng đó ra tiếng Anh như sau : Compassion, Consciousness và Courage. Cả 3 từ ngữ này đều bắt đầu bằng chữ C.

Trong bài viết này, tôi xin được khai triển chi tiết hơn về Lòng Nhân Ái - mà tôi coi là điều quan trọng quý báu nhất trong cuộc sống của toàn thể nhân lọai trong thời đại hiện nay. Xin lần lượt trình bày qua mấy điểm sau đây.

I – Trước hết là lòng Trắc ẩn, sự Thương cảm trước nỗi đau thương khốn khổ của những người khác.

Con người ở khắp nơi trên trái đất này, thì luôn luôn là nạn nhân của thiên tai như bão lụt, sóng thần, động đất, mất mùa, dịch bệnh v.v... Rồi họ lại còn là nạn nhân của chế độ độc tài, áp bức bóc lột do kẻ có quyền hành có thế lực gây ra nữa. Trong tiếng Anh, người ta phân biệt chữ “thiên tai” là “natural disaster” thì khác với chữ “nhân tai” là “man-made disaster”. Nhưng cả hai thứ đó, thì đều là những tai nạn mà con người phải gánh chịu những hậu quả đớn đau cả vậy.

Ngay đến lòai vật, chúng cũng có sự thương cảm trước nỗi đau đớn của đồng lọai như trong câu nói thông dụng : “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ” là vậy đó. Huống hồ là con người chúng ta với nhau, người bình thương ai mà lại không mủi lòng xót xa trước những nỗi thương đau đày đọa của bà con ruột thịt với mình hay của người đồng lọai sinh sống gần gũi với mình?

Ấy thế mà gần đây ở trong nước ta, nhiều người đã cảnh giác than phiền rằng hiện đang có tình trạng “vô cảm” nơi nhiều người trước những tai họa đau thương xảy đến cho người khác xung quanh mình. Đó là thái độ dửng dưng, chẳng hề quan tâm, xúc động trước nỗi thương tâm của bà con là nạn nhân của tai nạn lưu thông, của sự bạo hành trong gia đình hay ngòai xã hội v.v...Vì thế, mà có từ ngữ “Mackeno” có nghĩa là “Mặc kệ nó” - để chỉ thái độ phủi tay, không muốn bận rộn, dính líu gì đến bất kỳ chuyện gì hệ trọng xảy ra xung quanh mình nữa. Tình trạng vô cảm, vô trách nhiệm xã hội như thế rõ ràng biểu lộ sự suy thóai về mặt đạo đức, sự thiếu vắng về tình liên đới san sẻ giữa con người trong xã hội với nhau vậy.

Đây quả thật là một khía cạnh ảm đạm đáng buồn, một mối nguy cho cuộc sống của tập thể dân tộc chúng ta. Nguyên nhân của thái độ tiêu cực, bi quan yếm thế đó là một phần do chiến tranh bạo lực hận thù chồng chất gây ra, và tiếp theo là do chế độ độc tài chuyên chế làm tê liệt mọi sáng kiến và lòng hăng say phấn khởi tận tụy với chuyện công ích của đại bộ phận các tầng lớp nhân dân.

Nhưng cũng may là hiện cũng còn không ít người – nhất là trong giới những thanh niên trẻ tuổi - mà vẫn có tấm lòng trắc ẩn thương cảm với bà con đang lâm vào cảnh khó khăn ngặt nghèo trên đất nước chúng ta. Và trong giới hạn khả năng khiêm tốn của mình, họ đã tận tâm tận lực ra tay tìm cách giúp đỡ những người thiếu may mắn đó. Xin được ghi lại chuyện đáng khích lệ này trong mục dưới đây.

II – Từ sự động lòng trắc ẩn đến hành động cụ thể thiết thực nhằm cứu giúp những nạn nhân khốn khổ của thiên tai cũng như của nhân tai.

Ta vẫn có thể thấy là từ vài chục năm nay, do tình hình cởi mở thông thóang hơn trước, nên những chuyện từ thiện nhân đạo do các tổ chức tư nhân tình nguyện thực hiện để giúp đỡ các nạn nhân thiên tai bão lụt, các người mắc bệnh nan y như phong cùi, HIV/AIDS v.v…- thì mỗi ngày một phát triển tại nhiều nơi, kể cả nơi những vùng đất xa xôi hẻo lánh. Nhất là công tác cứu trợ do tín đồ các tôn giáo tổ chức, thì càng dễ được quần chúng tín nhiệm tham gia hưởng ứng, người góp công, kẻ góp của một cách hăng say phấn khởi – nhất là giới thanh niên, sinh viên học sinh rất đông đảo trong số các gia đình ở hải ngọai.

Nhờ vậy mà khu vực xã hội dân sự có cơ hội được mở rộng hơn, lôi cuốn được số đông người dân, đặc biệt là giới trẻ hăng say dấn thân nhập cuộc với những công tác cụ thể có ích lợi thiết thực cho nhân quần xã hội. Đó là một xu thế đi lên của xã hội mà bất cứ một chính quyền độc tài chuyên chế nào cũng không còn có thể ngăn cản hay trì hõan như trước đây được nữa. Điều này hiện đang diễn ra một cách ngọan mục - ngay tại Việt nam dù vẫn do đảng cộng sản nắm quyền thống trị.

Đó là nói về chuyện từ thiện nhân đạo nhằm giúp đỡ các nạn nhân của thiên tai bão lụt, của bệnh tât nan y, của nghèo túng đói khổ. Nhưng về mặt bất công, bóc lột áp bức là những “nhân tai” do chế độ độc tài chuyên chế toàn trị của đảng cộng sản ở Việt nam hiện nay gây ra - thì quả thật là chưa có những hành động đủ mạnh mẽ quyết liệt nhằm bênh đỡ hàng vạn những gia đình dân oan bị mất nhà mất đất do cán bộ nhà nước cộng sản gây ra. Và hiện vẫn còn đày dãy những chuyện bóc lột người lao động trong các xí nghiệp nhà máy, những vụ buôn người đi lao động hay là đi làm cô dâu ở nước ngòai. Và nhất là những vụ đàn áp, bắt bớ, khủng bố quấy nhiễu do chính quyền liên tục gây ra đối với những người có can đảm dám đứng lên tranh đấu bất bạo động chống quân xâm lược Trung quốc hoặc đòi hỏi Tự do, Dân chủ và Nhân quyền cho số đông quần chúng của Dân tộc chúng ta.

Phải thẳng thắn mà nhận định rằng công cuộc tranh đấu nhằm bảo vệ nhân phẩm và quyền con người ở Việt nam cho đến nay vẫn chưa được số đông người tham gia một cách mạnh mẽ tích cực. Vì thế mà chính quyền cộng sản vẫn còn ngoan cố, còn mạnh tay sử dụng mọi thủ đọan bạo lực thâm độc để đàn áp, làm vô hiệu hóa mọi cố gắng tranh đấu của những người có thiện chí dấn thân bênh đỡ cho số đông đảo những nạn nhân của bất công, bóc lột và áp bức tàn tệ đến như thế.

Sở dĩ có tình trạng kém hăng say với cuộc tranh đấu cho công bằng xã hội, cho nhân phẩm, nhân quyền – đó là vì nhiều người nhất là giới sĩ phu trí thức, giới lãnh đạo tinh thần trong các tôn giáo vẫn còn sợ hãi, e dè trước bàn tay sắt của công an mật vụ trong chính quyền độc tài chuyên chế cộng sản. Và điều này cũng chứng tỏ rõ ràng là tầng lớp sĩ phu ưu tú đó thật sự chưa có lòng yêu thương dân tộc đủ nhiệt thành mạnh mẽ - để mà không quản ngại chấp nhận những hy sinh gian khổ trong việc tranh đấu cho nhân phẩm và hạnh phúc đích thực của đại bộ phận bà con ruột thịt thân yêu của mình.

Nói vắn tắt lại, đây là sự thách đố lớn lao đối với tầng lớp người được mệnh danh là “tinh hoa của dân tộc”, là “nguyên khí của quốc gia”. Và nhân dân Việt nam hiện vẫn còn trông đợi sự dấn thân nhập cuộc tích cực của tầng lớp sĩ phu trí thức và lãnh đạo tinh thần đó vậy./

Costa Mesa California, Tháng Giêng 2015

Đoàn Thanh Liêm