Con ơi, phải cố gắng để sống cho xứng đáng

Các cháu thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba trong gia đình của anh chị em, của bà con trong thân tộc và của đông đảo các bạn hữu thân thiết của tôi – thì có thể lên đến con số cả ngàn người, mà nay đã ở vào lứa tuổi khôn lớn cả rồi. Các cháu lại sinh sống rải rác khắp mọi nơi, ở trong nước cũng như ở hải ngọai – mà trẻ nhất thì cũng đã vào lứa tuổi 10 – 15 bắt đầu có đủ trí khôn để suy xét việc này chuyện nọ. Mà lớp cháu lớn nhất, thì cũng đã ở vào lứa tuổi 50 – 60 được kể là trưởng thành chín chắn hết mức nữa rồi.

Vì thế, mà nhân dịp cuối năm 2014 này, trong cương vị của một người cha, người chú bác, người ông - tôi muốn có đôi lời tâm sự thân tình với các cháu qua bài viết ngắn ngủi, giới hạn trong vòng vài ngàn chữ thôi.

I – Phải xứng đáng với gia tộc dòng họ nhà mình.

Cha tôi là trưởng nam của ông bà nội, mà mẹ tôi lại là trưởng nữ của ông bà ngọai. Vì thế mà cả hai ông bà đều có sự quan tâm chăm sóc đến tất cả bà con trong dòng họ nội ngọai của mình – chứ không phải chỉ có lo lắng riêng cho gia đình nhỏ bé của mình mà thôi. Do vậy, mà anh chị em chúng tôi đều được cha mẹ nhắc nhở, khích lệ cho việc phải sống thế nào để mà gìn giữ bảo tòan được cái thanh danh của dòng họ nhà mình. Các cụ hay nói về “Gia phong, Gia đạo”, về truyền thống lương hảo đã có từ lâu đời do các bậc tổ tiên để lại. Tôi vẫn còn nhớ đến những câu khuyên bảo, điển hình như : “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Thà chịu sống thiếu thốn khổ cực nghèo túng, - chứ nhất quyết không chịu để người đời chê bai là lọai người tiểu nhân hèn hạ” v.v...

Vào thời kỳ trước năm 1945, thì hầu hết bà con nội ngọai của tôi đều sinh sống quây quần trong một làng quê với lũy tre xanh bao bọc xung quanh. Do đó mà mọi người trong dòng họ đều gần gũi thân thiết gắn bó chặt chẽ với nhau - và lớp trẻ con ở tuổi niên thiếu chúng tôi thường được các bậc cô bác trong xóm ngõ thương tình mà nhắc nhở chỉ dẫn, rèn cặp thêm cho về việc này, chuyện nọ. Nhờ vậy, mà thế hệ chúng tôi được rèn luyện với những đức tính lành mạnh tốt đẹp vẫn thường thấy nơi các gia đình có truyền thống gia giáo xưa kia ở miền quê.

Ngày nay, do hòan cảnh chiến tranh lọan lạc, và rồi do chế độc độc tài tàn bạo khắc nghiệt, nên bà con trong dòng họ đã phải phân ly xa cách, sinh sống lập nghiệp rải rác ở khắp nơi trong nước và cả trên thế giới nữa. Vì thế, mà những con cháu phần đông không có dịp gặp gỡ hội họp để mà nhận ra là bà con cùng có một mối liên hệ huyết thống từ chung một thân tộc xa gần với mình nữa. Mà rồi nhiều gia đình cũng không chịu viết cuốn gia phả tức là lịch sử gốc tích của dòng họ – để truyền lại cho thế hệ con cháu hiểu biết rõ ràng hơn về sinh họat của các thành viên trong dòng họ nhà mình.

Đó là những thiếu sót, hạn chế do hòan cảnh khách quan bên ngòai nó gây trở ngại cho sinh họat đầm ấm gắn bó của các thành viên trong một gia tộc. Nhưng không phải chỉ vì những khó khăn nhất thời như thế đó, mà chúng ta lại sao lãng cái bổn phận phải giáo dục trau giồi cho con cháu về mặt luân lý đức hạnh - mà vốn được coi là điều cốt lõi trong truyền thống cao đẹp của mỗi dòng họ nhà mình. Đó là lý do khiến cho tôi phải luôn nhắc nhủ các cháu là : “Phải cố gắng giữ vững được cái nền nếp đời sống cao thượng tốt đẹp của dòng họ nhà mình. Các cháu phải sinh sống thế nào cho thật xứng đáng với truyền thống đạo đức nhân nghĩa của thế hệ cha ông, của những bậc tiền bối để lại cho con cháu thời nay”.

Nói cho thật ngắn gọn, thì các cháu phải luôn hành xử cho ra một con người “chính nhân quân tử” - đó là mẫu người có đủ cả ba phẩm chất cao quý – mà cha ông ta từ xưa vẫn đề cao là : “Nhân, Trí, Dũng”.Tức là phải có lòng Nhân ái (Compassion), - để biết thông cảm xót xa với nỗi đau đớn khổ cực của số đông bà con sinh sống gần gũi xung quanh mình. Và phải có Trí tuệ sáng suốt (Consciousnes) - để hiểu rõ hòan cảnh xã hội và các sự việc trên đời. Rồi phải có đủ sự Dũng cảm (Courage) - để ra tay hành động góp phần cải thiện môi trường sinh họat của cộng đồng xã hội nơi mình cư ngụ, làm việc và sinh sống.

Mà còn hơn thế nữa, trong thời đại văn minh tiến bộ và toàn cầu hóa ngày nay ở thế kỷ XXI, các cháu còn phải vượt trội hơn thế hệ của cha bác, của ông bà mình – về cả hai phương diện Tài năng và Đức hạnh nữa. Có được như vậy, thì gia đình và dòng họ của các cháu mới đạt được cái tiêu chuẩn lý tưởng mà từ xa xưa các bậc tiền nhân vẫn nêu ra – đó là : “Con hơn Cha, Nhà có Phúc” thật đó vậy. Mong lắm thay!

Trong mục trên đây, tôi dùng các chữ “Gia tộc, Dòng họ, Dòng tộc” – thì đều có ý nghĩa giống nhau - để nói đến những người có liên hệ huyết thống chung với nhau vì cùng sinh ra từ cha mẹ, ông bà, ông bà cố về phía bên nội cũng như bên ngọai.

II – Phải xứng đáng với Dân tộc Tổ quốc Việt nam mình.

Hiện nay, vào năm 2014 thì dân số ở trong nước đã vượt qua con số 90 triệu người. Và số người Việt hiện sinh sống ở hải ngọai là vào khỏang 4.5 triệu – tức là chiếm tỉ lệ 5% của dân số trong nước. Như vậy, chúng ta có đến 95 triệu người Việt hiện sinh sống ở trong nước và ngòai nước.

Dân tộc Việt nam hiện bao gồm đến 54 sắc tộc – trong đó đến 86% là người sắc tộc Kinh chiếm đại đa số, còn lại 14% thì chia cho 53 sắc tộc thiểu số khác – điển hình như người Tày, Thái ở miền Bắc, người Chàm ở miền Trung, người Rhadé, Jarai ở miệt Cao nguyên, người Khmer ở vùng đồng bằng sông Mékong v.v...

Từ xa xưa, cha ông ta thường dùng chữ “bá tánh” - nghĩa đen là trăm họ – là có ý nói đến rất nhiều dòng họ mà hợp thành dân tộc Việt nam và cùng sống chung với nhau trên một vùng lãnh thổ được gọi là đất nước Việt nam. Và danh xưng Tổ quốc Việt nam thì bao hàm ý nghĩa là đất đai do tổ tiên của người Việt khai phá mà lập nên và rồi truyền lại cho con cháu là thế hệ chúng ta ngày nay. Trong tiếng Anh, người ta dùng chữ “Fatherland”, thì cũng có ý nghĩa y hệt như chữ Tổ quốc của người Việt chúng ta vậy.

Mà từ ngày người cộng sản áp đặt chế độ độc tài chuyên chế toàn trị trên cả đất nước Việt nam từ năm 1975, thì họ đã gây ra bao nhiêu tội ác tàn bạo khiến lòng dân cực kỳ căm hờn óan giận. Nhưng mà, chúng ta cần phải phân biệt bất cứ một chế độ chính trị nào, dù có xấu xa bạo ngược đến mấy đi nữa – thì chế độ đó cũng chỉ tồn tại nhất thời, trong một khỏang thời gian dài ngắn tương đối nào đó mà thôi. Chỉ có Dân tộc và Tổ quốc Việt nam chúng ta, thì đó mới đích thực là một thực thể tồn tại vĩnh viễn trên mặt trái đất hành tinh này.

Lịch sử đã ghi lại rằng : Dân tộc Việt nam chúng ta đã lập quốc từ trên 4,000 năm nay. Và tuy đất nược bị người Tàu chiếm đóng đô hộ đến cà ngàn năm, mà cha ông ta vẫn tìm cách dành lại được và rồi còn giữ vững được bờ cõi biên cương của đất nước mình. Cha ông ta lại còn tổ chức xây dựng cho dân tộc chúng ta có được một nền văn hiến với ngôn ngữ, phong tục, văn hóa riêng biệt cùng sắc thái đặc thù Việt nam – khác biệt hẳn với của người Tàu. Phải mất bao nhiêu công lao khó nhọc, bền chí hy sinh cố gắng - kể cả việc phải đổ cả hàng núi máu xương, hàng triệu mạng sống – thì mới có thể xây dựng và bảo vệ thành công được một quốc gia với truyền thống văn minh rạng rỡ - mà chúng ta đang được thừa hưởng ngày nay vậy.

Và mỗi người dân Việt chúng ta hiện nay đều có thể tự hào với cái truyền thống kiên cường bất khuất của cha ông mình - trước bất kỳ sự lấn áp xâm lăng thâm độc nào của những thế lực ngọai bang dù phát xuất từ phương Bắc hay từ phương Tây. Chúng ta phải thành tâm biết ơn tiền nhân vì các ngài đã để lại cho con cháu một cái gia sản vô cùng quí báu đó – cả theo nghĩa vật chất thể lý, cũng như theo nghĩa văn hóa tinh thần với những yếu tố phi-vật thể (im-material elements).

Và rồi như vậy bổn phận của mỗi người chúng ta ngày nay là phải cố gắng ra sức góp phần vào công cuộc phát triển cho thêm tươi đẹp phong phú hơn mãi cái giang sơn đất nước gấm vóc này. Mỗi người đều phải tích cực tham gia vào sự nghiệp chung của tòan thể dân tộc để xây dựng và phát triển quốc gia như thế đó – tùy theo khả năng chuyên môn nhiều ít của mình. Và nhất quyết không một người công dân nào mà lại giữ mãi cái thái độ gàn dở ù lì ngoan cố để thóai thác cái phần trách nhiệm được dành riêng cho bản thân mình được nữa.

Nói vắn tắt lại, thì mỗi con đều phải hết lòng ra sức cố gắng, phát huy óc sáng tạo phong phú của mình - để mà đóng góp cái phần tối hảo của cá nhân vào với sự nghiệp lớn lao cao trọng của tòan thể dân tộc Việt nam chúng ta, lúc này ở đầu thế kỷ XXI.

Có đích thực làm được những việc như thế, thì các con mới tỏ ra xứng đáng là một thành viên xuất thân từ một dòng họ lương hảo, danh giá - và mới thật xứng đáng với cái danh xưng là một người công dân điển hình gương mẫu của một tập thể dân tộc Việt nam anh hùng vậy./

Costa Mesa California, Những ngày cuối năm 2014

Đoàn Thanh Liêm