Trong nhiều năm qua, Canada được LHQ đánh giá là một trong những quốc gia tốt đẹp nhất và đáng sống nhất trên địa cầu này về các mặt văn hóa, xã hội, kinh tế, y tế, và giáo dục. Về mặt địa lý thì Canada rộng lớn mênh mông, bề ngang 7.300 cây số, trải rộng 5 múi giờ, lớn hơn nước VN chúng ta 30 lần, có 244.880 cây số xa lộ và 194.000 cây số đường xe lửa, phía nam chung biên giới với Hoa Kỳ gần 8 ngàn cây số. Canada là một giải đất gấm hoa với bao nhiêu kỳ hoa dị thảo và thắng cảnh thiên nhiên, mỗi năm thu hút biết bao nhiêu triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới. Theo thống kê mới nhất thì năm 2013 chỉ riêng số du khách đến từ Hoa Kỳ là 14 triệu, sau đó là du khách đến từ Âu Châu, rồi Á Châu. Người các nước nô nức đến du lịch Canada, còn người Việt chúng ta đa số lại không để ý tới Canada bao nhiêu mà lại chọn đi du lịch các nước khác.
Bài này xin góp vài nét đanh thanh về địa thế và thắng cảnh của 10 tỉnh bang từ đông sang tây và 3 đặc khu ở miền bắc, những điều nổi bật đã thu hút các du khách.
A. Các tỉnh bang miền Đại Tây Dương / The Atlantic Provinces
Đây là miền phía đông Canada, đầy tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt ngư nghiệp, canh nông, lâm sản, và mỏ quặng. Bốn tỉnh bang miền này đã giữ một vai trò quan trọng về lịch sử và sự phát triển quốc gia Canada. Rất nhiều cư dân miền này là con cháu của các nhà thám hiểm tiền phong người Pháp đến đây vào năm 1604. Họ có tên là Acadians. Những người Acadians vẫn còn nói tiếng Pháp là tiếng mẹ đẻ.
Một trong những thứ đặc thù của mấy tỉnh bang miền Đại Tây Dương này là con tôm hùm lobster. Đây được coi là cái nôi của các loại tôm hùm trên thế giới. Du khách nào đến đây cũng phải ăn tôm hùm vì nó ngon và có hương vị đặc biệt. Môi năm Canada đánh bắt trên 60.000 tấn. Năm 2012 bắt được 74.790 tấn, trị giá 663 triệu đồng.
1.Tỉnh bang Newfoundland và Labrador.
Đây là một miền đất cực đông của Bắc Mỹ, có riêng một múi giờ. Diện tích 405.212 cây số vuông, dân số 508.270 (2008). Thủ phủ là thành phố St. John’s. Xin bạn đọc chú ý, ở miền này có 2 thành phố cùng mang tên gần giống nhau, St. John’s và St. John. St.John’s có chữ s là thủ đô của tỉnh bang này, và St.John (không có s) là thành phố lớn nhất và thịnh vượng nhất của tỉnh bang New Brunswick. Newfoundland và Labrador là thuộc địa tiên khởi và lâu đời nhất của đế quốc Anh ngày xưa. Nơi đây nổi tiếng về ngành ngư nghiệp, về các làng đánh cá, và những nét văn hóa riêng biệt. Ngoài việc đánh bắt cá, đây còn là một miền đầy dầu khí. Và Labrador nổi tiếng về ngành thủy điện.
Newfoundland hàng năm thu hút hàng triệu du khách tới xem các băng sơn, iceberg, đang trôi từ bắc cực xuống phương nam. Nhiều công ty du lịch tổ chức những chuyến đò đưa du khách ra đại dương, trèo lên tận băng sơn để lấy những cảm giác mạnh. Nhiều công ty nước uống nói là đã lấy nước từ các băng sơn tức là nguồn nước đã có ít nhất 1 triệu năm. Băng sơn là gì ? Thưa là những tảng băng đá khổng lồ, chỉ có phần nhỏ 10% nhô lên trên mặt biển, còn 90% là chìm dưới nước. Một băng sơn trôi từ bắc cực xuống tới miền biển Canada này phải mất 2 năm. Chính một trong những băng sơn này đã đánh chìm con tàu Titanic ngày 15.4.1912. Bạn có ý định đi xem băng sơn, leo lên băng sơn và uống ly nước lạnh có độ tuổi một triệu năm không ?
2. Tỉnh bang Prince Edward Island
Đây là tỉnh bang nhỏ nhất của Canada, diện tích 5.660 cây số vuông, dân số 139.407 (2008), gia nhập liên bang năm 1873.Tỉnh bang này nổi tiếng về các bờ biển đẹp thơ mộng, đất ở đây màu đỏ. Khoai tây của P.E.I. ngon nổi tiếng khắp thế giới. Nhà hàng nào nấu món khoai gốc P.E.I. thì đều rất hãnh diện khoe việc này trên thực đơn.Tỉnh bang này chính là sinh quán khai sinh ra liên bang Canada. Nơi đây, năm 1864 một số vị lãnh đạo đã gặp nhau lần đầu tiên để bàn chuyện lập ra nước Canada. Nơi đây có đài kỷ niệm các cha già lập quốc, tức các tổ phụ của liên bang Canada. Tỉnh bang này là một hòn đảo được nối với New Brunswick đất liền bằng cây cầu Confederation Bridge, dài gần 13 cây số (12.900 m ) có những nhịp cầu dài 250 thước, là một trong những cây cầu dài nhất thế giới, có tên trong danh sách các kỷ lục.
3. Tỉnh Bang Nova Scotia
Đây là tỉnh bang đông dân nhất trong miền Đại Tây Dương, dân số 935.962 người (2008), diện tích 55.284 cây số vuông. Gia nhập liên bang Canada ngày 1.7.1967. Đây là cửa vào nước Canada qua ngả Đại Tây Dương, mang nhiều dấu ấn lịch sử. Vịnh Bay of Fundy của miền này nổi tiếng về những ngọn sóng cao nhất thế giới, cao tới 50 bộ. Khi nước cạn thì bờ biển toàn cát màu đỏ. Thủ phủ của miền này là Halifax, nơi biển có dộ nước sâu nhất, và đặc biệt mùa đông nước không đóng băng. Tỉnh bang này nổi tiếng về đóng tàu, ngư nghiệp. Halifax là một hải cảng lớn nhất miền, giữ một vai trò trọng yếu về thương mại và quốc phòng. là một căn cứ hải quân quốc gia. Tỉnh bang Nova Scotia còn có một lịch sử lâu dài về mỏ than, lâm sản và nông nghiệp, và nhiều dấu ấn văn hóa cổ xưa.
Nova Scotia nổi tiếng là nơi có nhiều lễ hội nhất nước, đúng ý nghĩa của từ ‘đa văn hóa’ nhất, những 700 lễ một năm. Bạn đến đây bất cứ lúc nào cũng sẽ gặp một hai lễ hội đang diễn ra. Tại Baddeck có công viên quốc gia rộng 25 cây số để tôn vinh thiên tài Alexander Graham Bell, người đã phát minh ra điện thoại cho cả thế giới dùng.
Halifax có hãng đóng tàu và sửa tàu lớn nhất Canada. Đây cũng là bến tàu của hải quân được coi là lâu đời nhất Bắc Mỹ, xây năm 1759, dưới quyền thuyền trưởng James Cook, một nhà hàng hải và thám hiểm nổi danh thế giới.. Halifax cũng có nhà in đầu tiên của Bắc Mỹ, in tờ nhật báo Halifax Gazette đầu tiên ngày 23.3.1752. Halifax cũng là nơi xây cất nhà thờ Tin Lành đầu tiên ở Canada năm 1749.
4. Tỉnh bang New Brunswick
Tỉnh bang này là do những người trung thành với Vương Quốc Anh (United Empire Loyalists) ngày xưa lập nên. Diện tích 72.908 cây số vuông, dân số 751.527 người (2008). Đây là miền đất của kỹ nghệ lâm sản, nông nghiệp, ngư nghiệp, hầm mỏ, sản xuất thực phẩm và của kỹ nghệ du lịch. Có 3 thành phố quan trọng : St. John là thành phố lớn nhất, là một hải cảng quan trọng, một trung tâm sản xuất hàng hóa vĩ đại. Thành phố Moncton là một trung tâm Pháp ngữ chỉ đạo, và thành phố Fredericton là thủ đô của toàn miền. New Brunswick là một tỉnh bang song ngữ duy nhất ở Canada, một phần ba cư dân nói tiếng Pháp. Các lễ hội lịch sử hàng năm mang đầy dấu ấn văn hóa Pháp của tiền nhân thời đi tìm đất mới.
B. MIỀN TRUNG CANADA / Central Canada
Qúa nửa dân số Canada sống ở các miền gần Ngũ Đại Hồ và lưu vực Sông St.Lawrence, tức là miền nam Quebec và Ontario. Đây là miền đất kỹ nghệ. Quebec và Ontario sản xuất ra ba phần tư số lượng hàng hóa tiêu dùng ở Canada và xuất cảng.
Trước khi liên bang Canada ra đời, Ontario và Quebec cùng mang một tên chung là Province of Canada. Lúc đó Quebec City và Montreal có tên là Canada East, còn Kingston và Toronto có tên là Canada West.
5. Tỉnh bang QUEBEC
Chừng 8 triệu dân Canada sống ở tỉnh bang này, và đa số sống trong lưu vực Sông St.Lawrence. Diện tích của Quebec là 1.542.928 cây số vuông. Ba phần tư dân số nói tiếng Pháp, nhưng tiếng Pháp ở Quebec còn mang cung giọng tiếng Pháp thế kỷ 17 và 18 khi tiền nhân của họ từ Pháp sang lập nghiệp ở đây. Quebec phát triển rất mạnh về kỹ nghề lâm sản, hầm mỏ, và kỹ nghệ làm giấy. Quebec có một trữ lượng nước ngọt rất lớn và dẫn đầu thế giới về ngành thủy điện lực. Quebec cũng nổi tiếng về thực phẩm, phim ảnh, âm nhạc và văn chương. Quebec đứng đầu trong hiệp hội các nước Nói Tiếng Pháp, La Francophonie.
Montreal là thành phố lớn thứ hai sau Paris về số người nói tiếng Pháp. Montreal là một hòn đảo dài 32 dậm trên dòng sông nổi tiếng St.Lawrence. Dân số Montreal chiếm 45% dân số của tỉnh bang Quebec. Montreal có nhiều quán rượu nhất Bắc Mỹ. Nhà thám hiểm Jacques Cartier đến Montreal năm 1535 và đặt tên cho làng Da Đỏ này là Mont Royal. Sau này, với thời gian, Mont Royal biến thành Montreal. Thập niên 1700, Montreal là thương điếm quan trong về việc trao đổi lông thú giữa người Da Đỏ và người da trắng. Montreal có một thành phố ngầm dưới đất với nhiều cửa tiệm và nhà hàng, giống như Toronto. Đây là một nét độc đáo.
Montreal có những đại học danh tiếng lâu đời như Concordia, McGill, Université de Montréal. Bưu điện đầu tiên của Canada đặt tại Montreal năm 1786.
Quebec còn nổi tiếng về nét đa văn hóa nữa. Thủ đô của tỉnh bang Quebec là thành phố Quebec City, thành phố này nổi tiếng quốc tế là có tường thành vây quanh.
Thành phố thu hút du khách nhiều nhất hiện nay là Montreal, một thành phố mang nhiều dấu ấn lịch sử về chiến trận giữa quân Pháp và quân Anh ngày xưa. Bạn đi vào khu phố cổ sẽ thấy những tòa nhà cũ có cầu thang sắt thứ hai ngay ở mặt tiền. Đây là dấu vết về kiểm soát an ninh thời quân Anh cai trị. Nơi du khách tới thăm đông nhất là Oratoire St. Joseph, một đại giáo đường trên đồi, ban đầu do một thày dòng khó nghèo nhưng thánh thiện mang tên André xây.
Ngoài Oratoire St.Joseph trên đây, Quebec còn nổi tiếng về một nhà thờ khác mang tên Cap-de-la-Madeleine, được xây năm 1714 để tôn kính Đức Mẹ Maria. Tháp chuông nhà thờ này được coi là cổ nhất Canada
Hàng năm, ngày 24 tháng Sáu, lễ St.Jean-Baptiste, là ngày quốc lễ của Quebec. Người dân Quebec mừng lễ này rất lớn, có diễn hành, có hòa nhạc, có pháo bông, có bắn súng đại bác…
Cũng tại Quebec, miền Baie-Comeau, có đập nước sản xuất điện lực dài nhất thế giới mang tên Daniel Johnson. Công ty điện lực Quebec rất hãnh diện về nhà máy thủy điện này.
6. Tỉnh bang Ontario
Hơn 12 triệu dân sống ở tỉnh bang này, tức là hơn 1/3 dân số toàn quốc. Diện tích 1.076.395 cây số vuông. Ontario là một trong 4 tỉnh bang đã góp phần lập ra liên bang Canada năm 1867. Kinh tế Ontario rất mạnh nhờ vào nét đa văn hóa của dân chúng, và nhờ vào tài nguyên thiên nhiên bao la.
- Ottawa, thủ đô liên bang Canada nằm trên thị xã Ottawa của Ontario và thị xã
Gatineau của Quebec. Ottawa ban đầu là tên miền đất của một sắc dân Da Đỏ tên Odawa. Nữ hoàng Victoria của Vương quốc Anh chính thức chọn Ottawa làm thủ đô cho Province of Canada lúc đó bao gồm Ontario và Quebec. Ottawa nổi tiếng với viện bảo tàng Canadian Museum of Civilization, và con sông đào Rideau Canal dài 202 cây số nối sông Ottawa với thành phố Kingston ở phía nam, khúc sông quanh thủ đô là khu thể thao trượt băng đẹp nổi tiếng, mùa hè là một thủy trình cho việc đua thuyền, du thuyền ngắm phong cảnh, thời đánh nhau với Hoa Kỳ, đây là một thủy lợi chiến lược vận chuyển quân sĩ và quân nhu.
-- Toronto, thủ đô của tỉnh bang Ontario, là thành phố lớn nhất Canada và là trung tâm tài chánh chính yếu của Canada. Một miền ở Onatrio nổi tiếng khắp thế giới và là nơi lôi cuốn nhiều du khách nhất nước là Thác Niagara , xa Toronto chừng 2 giờ lái xe về hướng tây. Thác Niagara có 2 đầu, phần bên Hoa Kỳ không đẹp và hấp dẫn bằng phần thác nằm bên Canada. Ngoài dòng thác nổi tiếng ra, Niagara còn nổi tiếng về các vườn trồng nho và các xưởng chế tạo rượu nho, đặc biệt loại rượu Ice Wine. Tại Toronto có tháp CN Tower, một kiến trúc tân kỳ cao 553 thước, từ đỉnh tháp bạn có thể nhìn thấy cảnh vật xa 160 cây số. Toronto còn có bờ hồ Habourfront với các sinh hoạt văn hóa nhộn nhịp quanh năm.
- Ontario được lập ra do những người trung thành với vương quốc Anh ngày xưa. Ởđây cũng có một số lớn người dân nói tiếng Pháp là những người mà tổ tiên khi xưa sang đây lập nghiệp, cùng thời với những người ở Quebec.
- Giữa biên giới Onatrio và Hoa Kỳ có Ngũ Đại Hồ : Lake Ontario, Lake Erie, Lake Huron, Lake Michigan và Lake Superior. Lake Superior lớn nhất và là hồ có lượng nước ngọt lớn nhất thế giới.
- Brandford, thành phố mang tên một tù trưởng Da Đỏ dòng Mohawk, lãnh tụ này đã đánh đuổi quân Anh khi quân Anh xâm chiếm giải đất của họ. Brandford là thành phố đầu tiên trên thế giới đã đóng các toa xe lửa có giường ngủ. Brandforrd còn là nơi thiên tài Alexander Graham Bell sống thời niên thiếu, và là nơi ông thí nghiệm thành công đường giây điện thoại nói chuyện trực tiếp với Paris ngày 10.8.1876.
- Ontario còn có một thành phố nổi tiếng khác là Guelph, nơi đây có viện bảo tang Civic Museum lưu trữ nhiều cổ vật hiếm qúy của thế giới, có một đồng hồ lộ thiên, kim chỉ giờ dài 44 bộ, và Đại Học Guelph nổi tiếng về canh nông và thú y, lập năm 1862, lâu đời nhất bắc Mỹ.
C. CÁC TỈNH BANG MIỀN ĐỒNG CỎ / The Prairie Provinces
Miền này gồm 3 tỉnh bang Manitoba, Saskatchewan và Alberta, đây là vựa lúa và các hầm mỏ vĩ đại của Canada. Đây là nguồn năng lượng vô biên, là miền có các trang trại mầu mỡ nhất thế giới, khô ráo và rất lạnh về mùa đông và rất nóng về mùa hè.
7. Tỉnh bang Manitoba
Tỉnh bang rộng 647.797 cây số vuông và có cư dân là 1.196.291 (2008). Thủ đô của tỉnh bang này là Winnipeg, đông dân nhất miền, có ngã tư nổi tiếng Exchange District nơi hai xa lộ Portage và Main gặp nhau. Manitoba cũng có một khu nổi tiếng của 45.000 người nói tiếng Pháp. Cũng có khu những người có gốc văn hóa Ukraine, và đặc biệt có khu vực của người Da Đỏ, đông nhất Canada, chiếm 15% dân số. Nền kinh tế chính của miền này là nông nghiệp, hầm mỏ và điện lực.
-Manitoba nổi tiếng thế giới về giải đất mang tên International Peace Garden. Năm 1932, nơi đây có dựng một tấm bia ghi lời giao ước hòa bình giữa Canada và Hoa Kỳ như sau :
“ Hai nước chúng tôi hiến dâng giải đất này cho Thiên Chúa vinh quang và thề với nhau rằng bao lâu chúng tôi còn tồn tại thì không bao giờ chúng tôi cầm khí giới đánh nhau nữa”.
8. Tỉnh bang SASKATCHEWAN
Tỉnh bang rộng 651.036 cây số vuông, dân số 1.010.146 ( 2008).Thủ đô của tỉnh bang là Regina, tại đây có bộ chỉ huy trung ương của RCMP, ngành Cảnh sát Liên bang. Thành phố lớn nhất của tỉnh bang là Saskatoon, trung tâm của kỹ nghệ hầm mỏ, cũng là trung tâm quan trọng của ngành giáo dục, nghiên cứu và kỹ thuật
Tỉnh bang Saskatchewan ngày xưa được gọi là ‘ Rổ Bành Mì của thế giới’ và là ‘Tỉnh Bang của Lúa Mì’, là giải đất có 40% đất trồng trọt của Canada. Saskaschewan là giải đất chứa nhiều uranium và potash, hai chất quan trọng cho phân bón và cần thiết cho việc sản xuất dầu và khí đốt.
9. Tỉnh bang ALBERTA
Đây là tỉnh bang đông dân nhất trong vùng Đồng Cỏ miền tây của Canada. Thủ đô là Edmonton, diện tích 661.848 cây số vuông, dân số 3.512.368 (2008). Tên tỉnh bang cũng như Hồ Louise nổi tiếng trên thế giới lấy từ tên của Công chúa Louise Caroline Alberta con gái thứ 4 của Nữ Hoàng Victoria. Alberta có 5 công viên quốc gia trong số này có công viên Banff National Park được thiết lập từ năm 1885, thời vừa lập quốc Canada. Alberta còn có ngôi nhà cổ Badlands House lưu trữ các di vật hóa thạch thời tiền sử và di tích các khủng long ngày xưa. Alberta là nơi sản xuất lớn nhất nước về dầu , khí đốt, và dầu cát. Alberta cũng còn nổi tiếng thế giới là nơi có những trại chăn nuôi khổng lồ khiến Canada thành nơi sản xuất thịt bò lớn nhất thế giới. Thành phố Calgary là thành phố có độ cao nhất Canada, trên mặt nước biển 3.439 bộ, nổi tiếng khô ráo nhiều ánh nắng mặt trời, và là nơi hàng năm có các cuộc đua cỡi bò tót náo nhiệt nhất Canada.
Cũng tại thủ đô này có đền thờ Mosque of Al Reschild Hồi giáo đầu tiên ở Bắc Mỹ.
D. MIỀN BIỂN PHÍA TÂY
10. Tỉnh bang British Columbia
Tỉnh bang này nổi tiếng về những rặng núi hùng vĩ, và là cửa ngõ vào Canada qua lốiThái Bình Dương. Thủ đô là Victoria. Victoria cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng, và là nơi đặt bộ chỉ huy của hạm đội hải quân Thái Bình Dương của Canada. Diện tích 944.735 cây số vuông, dân số 4.428.356 (2008) . Vì nằm ven bờ Thái Bình Dương nên khí hậu toàn vùng dễ chịu quanh năm.
Tỉnh bang này nổi tiếng là cái nôi của cá hồi trên khắp thế giớ. Cứ 4 năm một lần, vào tháng 10, cá hồi từ khắp mọi đại dương trở về con sông Adams miền Kamloops để sinh đẻ. Con số lên tới trên 10 triệu con. Năm 2014 này đang là năm khởi đầu cho chu kỳ 4 năm. Từ đại dương nước mặn con cá hồi biến thành màu đỏ tươi khi vào tới sông Adams nước ngọt, bơi một thủy trình 500 cây số để đẻ trứng. Đàn cá con sinh ra và lớn lên, sống một năm trong dòng sông nước ngọt, rồi bơi ra sinh sống trong các đại dương nước mặn khắp năm châu, ba năm sau, đến mùa đẻ trứng thì lại quay về đây…
Hải cảng Vancouver, cửa ngõ ra vào của Á Châu-Thái Bình Dương, lớn nhất và bận rộn nhất Canada, khối lượng hàng hóa của thế giới qua bến này hằng năm lên tới tỷ tỷ đô la. Một nửa tổng số hàng hóa sản xuất ở đây là các sản phẩm từ lâm sản, bao gồm kỹ nghệ gỗ, ấn loát, bột giáy. British Columbia cũng nổi tiếng về hầm mỏ, ngư nghiệp, các vườn cây ăn trái, và các nhà sản xuất rượu ở miền Okanagan Valley.
Tỉnh bang này cũng nổi tiếng về 600 công viên . Dân số gốc Á Châu rất đông nên sau Anh ngữ là đến tiếng Tàu và tiếng Ấn Độ.
E. CÁC LÃNH THỔ TỰ TRỊ MIỀN BẮC
Miền Bắc chiếm một phần ba diện tích quốc gia, nhưng dân số chỉ có 100.000 người. Đây là miền của các mỏ vàng, chì, đồng, kẽm và kim cương. Nơi đây cũng có các mỏ dầu khí. Về mùa hè, nơi đây 24 giờ là nắng, không có đêm. Trái lại về mùa đông, nơi đây 24 giờ là đêm tối. Miền bắc này có mùa đông giá buốt kéo dài và mùa hè rất ngắn ngủi nên miền này không có cỏ cây. Dân chúng sống bằng nghề đi săn, đánh cá và đánh bẫy các thú hoang. Quân đội Canada lo an ninh cho toàn miền cực bắc này có tên là ‘The Canadian Rangers’.
Miền bắc bao gồm 3 lãnh thổ tự trị. Ba miền này khác với 10 tỉnh bang ở điểm này : Tỉnh bang là do Hiến Pháp Constitution Act 1867 thiết lập, còn 3 Miền Tự Trị là do chính quyền liên bang lập ra.
11. Đặc khu YUKON
Thủ phủ là Whitehorse. Diện tích 482.443 cây số vuông, dân số 31.587 (2008) gồm nhiều sắc dân, 24% là dân Da Đỏ với nhóm xưng danh là Fourteen First Nations. Đây là nơi đã thu hút nhiều ngàn thợ mỏ vào thời chạy đua đi tìm vàng Gold Rush hồi thập niên 1890. Năm 1896 vàng được tìm thấy ở cửa sông Klondike, tin này được loan đi thì khắp nơi thiên hạ dổ xô về đây. Từ năm 1896 tới năm 1904, số vàng tìm được trị giá hơn 100 triệu đồng.
Kinh tế của miền này là hầm mỏ. Con đường White Pass và hệ thống xe lửa đã nối liền Alaska bên cạnh với thủ phủ Whitehorse năm 1900, cũng là một hành lang rất đẹp mắt lôi cuốn du khách. Yukon nổi tiếng về độ lạnh kỷ lục của Canada, có năm mức lạnh xuống tới - 63 âm độ C.
12. Đặc khu Miền Tây Bắc NORTHWEST TERRITORIES
Thủ phủ là Yellowknife, dân số khoảng 20.000 người, đa số là người Da Đỏ thuộc nhóm Dene, Inuit và Metis. Thủ phủ này có biệt danh là ‘Thủ đô kim cương’ của Bắc Mỹ. Diện tích 1.346.106 cây số vuông, gia nhập liên bang năm 1870. Xưa kia miền đất này lớn hơn nhiều, có diện tích bằng 1/3 toàn quốc. Năm 1905, phía nam được cắt ra để thành lập hai tỉnh bang Saskatchewan và Alberta, và năm 1999 phía đông được cắt ra để thành lập đặc khu Nunavut. Miền này có con sông Mackenzie dài 4.200 cây số, đứng hàng thứ hai sau con sông Mississipi của Mỹ.
13. Đặc khu NUNAVUT
Thủ phủ là Iqaluit, xưa có tên là Frobisher, đặt theo tên của nhà thám hiểm Martin Frobisher người đến miền này vào năm 1576 và đã chiếm miền đất hoang vu giá buốt này cho Nữ Hoàng Elizabeth I. Nunavut là miền đất phía đông của Northwest Territories trên đây, được tách rời vào năm 1999. Diện tích 2.093.190 cây số vuông, lớn bằng cả Âu Châu. Dân số khoảng 33.000 người, tính ra cứ 65 cây số vuông mới có một người. Đi lại bằng máy bay hay tàu thủy.
LỜI KẾT.
Theo Nha Du Lịch thì toàn cõi Canada có vào khoảng 1.200 địa danh nổi tiếng lôi cuốn khách du lịch. Bài trên đây chỉ là một cái nhìn rất tổng quát như mời độc giả cỡi ngựa xem hoa. Các văn phòng du lịch có ở khắp nơi. Độc giả muốn thăm vùng nào thì liên lạc với họ, bạn sẽ được biết chi tiết. Riêng cánh đồng cỏ miền tây bao gồm 3 tỉnh bang lớn, du khách được khuyến khích nên đi xe lửa, vì từ xe lửa chúng ta sẽ thấy toàn cảnh bao la của đất trời miền tây, những đồng lúa trải dài tận chân trời, những cánh rừng mênh mông bát ngát, những giải núi cao ngút ngàn…
Đôi dòng này xin được coi là một chút hương thơm gợi hứng để mời độc giả chuẩn bị lên đường thăm đất nước gấm hoa Canada, đi sang miền đông xem vùng biển đầy tôm cá, đi sang miền tây thăm những cánh đồng lúa bao la, đi lên miền bắc thăm hầm mỏ kim cương đá quý và các xóm làng Da Đỏ. Ôi quê hương thứ hai của hơn 200.000 người Việt Nam chúng ta đẹp và đáng yêu biết chừng nào !
Toronto, Mùa xuân 2015
Trà Lũ
LTS : Tác giả Trà Lũ đã viết xong bộ ‘ Chuyện Cười Trà Lũ Toàn Tập’ gồm 4 cuốn 300, 400, 500, 600 chuyện cười. Đây là món quà đẹp nhất. Bạn và thân nhân sẽ cười cả năm. Giá bán bộ này là 100 Gia kim hay 100 Mỹ kim ( gồm tiền sách và bưu phí). Xin liên lạc với tác giả : petertralu@gmail.com