Theo Cha Robert Barron, sáng lập viên tác vụ hoàn cầu Word On Fire, thì khi chặt đầu 21 Kitô hữu Coptic, ISIS cho công bố cuốn video tựa đề là: “Sứ điệp viết bằng máu gửi Dân Tộc của Thập Giá”. Và theo cha, “Dân Tộc của Thập Giá” không có nghĩa nào khác ngoại trừ nghĩa chung chung chỉ Kitô Giáo.
Điều trên càng củng cố hơn nữa điều Đức Phanxicô quả quyết về ý nghĩa cái chết của 21 người Ai Cập nói trên: họ chết vì thập giá Chúa Kitô, không vì bất cứ lý do nào khác.
Tử đạo vào giờ thứ 25
Có điều theo Ahram-Canadian News, 1 trong số 21 người bị chém đầu nói trên không phải là Kitô hữu Coptic. Nói cho đúng, anh không phải là một Kitô hữu cho tới khi chứng kiến đức tin của những người Kiô hữu Coptic cương quyết bác bỏ việc chối từ Chúa Giêsu và sẵn sàng chấp nhận cái chết vì thế. Vì chứng tá của họ, anh quyết định tin vào Chúa Giêsu.
Bản tin của Ahram-Canadian News như sau: ISIS loan báo việc xử tử 21 người Coptics nhưng chỉ có 20 danh tính được xác nhận, phần lớn xuất thân từ tỉnh Minya (Thượng Ai Cập). Có sự thiếu chính xác trong con số con tin Ai Cập; chỉ có 20 người Ai Cập (Copts) mà thôi. Vậy thì nạn nhân không phải người Ai Cập này là ai?
Ahram-Canadian News đã thu lượm thông tin đầy đủ về người này. Anh ta là một công dân người Chad (nước da đen hơn). Anh chấp nhận Kitô Giáo khi chứng kiến đức tin bao la của các Kitô hữu Coptic vui lòng chết vì Chúa Kitô. Khi quân khủng buộc anh tuyên bố Chúa Giêsu Kitô không phải là Thiên Chúa, nhìn các bạn Kitô hữu của mình, anh trả lời “Thiên Chúa của họ là Thiên Chúa của tôi”, do đó, quân khủng bố cũng đã chém đầu anh.
Câu người Chad trên đây trả lời quân khủng bố cũng là câu Ruth Dân Ngoại trả lời mẹ chồng Dân Chúa Naomi trong Ruth 1:6: “Dân mẹ cũng là dân của con, Thiên Chúa của mẹ cũng là Thiên Chúa của con”. Nhờ câu này, Ruth không những được cứu rỗi mà thực sự đã trở thành tổ mẫu của Đấng Cứu Rỗi. Người Chad không những có quyền coi lời Chúa Kitô nói với người trộm lành cùng chịu đóng đinh với Người như là nói với anh, rằng: “Ta bảo thật, hôm nay con sẽ ở trên thiên đàng với Ta” (Lc 23:39-43), mà máu của anh cũng thành dòng máu phát sinh nhiều tín hữu khác, như Tertulianô từng quả quyết.
Tử đạo giờ thứ 25 như người Chad trên đây có thể là lý do khiến Trung Tâm Nghệ Thuật Trình Diễn Kennedy (Kennedy Center for Performing Arts) ở Hoa Thịnh Đốn, trong tuần này, cho trình diễn vở Nhạc Kịch bất hủ "The Dialogue of the Carmelites" (Cuộc Đối Thoại Của Các Nữ Đan Sĩ Cát Minh) do Francis Poulenc sáng tác năm 1956, dựa vào cuốn “Người Cuối Cùng trên Đoạn Đầu Đài” hay “Bài Ca Trên Đoạn Đầu Đài” của Văn sĩ Đức Gertrud von Le Fort. Đây là câu truyện có thực kể về 16 nữ đan sĩ Cát Minh của một đan viện vùng Compiègne, thời Cách Mạng Pháp. Họ bị một đoàn người có vũ trang bao vây, buộc phải rời khỏi đan viện và từ bỏ đức tin. Khi các nữ đan sĩ bác bỏ lời bó buộc đó, họ bị công khai chém đầu, trong khi vẫn cầu nguyện và hát thánh ca cho tới hơi thở cuối cùng.
Ai ở Đà Lạt vào năm 1960 và xem cuốn phim cùng tên của hai nhà đạo diễn Raymond Léopold Bruckberger và Philippe Agostini tại Rạp Hòa Bình, hẳn hiểu tại sao tựa truyện nguyên thủy lại là “Người Cuối Cùng Trên Đoạn Đầu Đài”. Người cuối cùng trong số 16 nữ đan sĩ này chính là Blanche De La Force. Tuy tên là De La Force (Có Sức Mạnh), nhưng cô rất sợ Cách Mạng Pháp vì cô vốn là một nhà qúy tộc. Nơi cô nghĩ sẽ che chở cô là Đan Viện Cát Minh Compiègne, bèn xin gia nhập. Mẹ bề trên, tuy nhận cô, nhưng cho cô hay: đan viện không phải là nơi trú thân; các nữ đan sĩ phải bảo vệ đan viện chứ đan viện không bảo vệ họ!
Lời mẹ bề trên trở thành sự thực. Cách Mạng Pháp không một chút nương tay đối với cả nơi không hề dính dáng chi tới chính sự. Họ quốc hữu hóa đan viện, buộc các nữ đan sĩ không những phải rời đan viện mà còn cởi bỏ tu phục và nhất là từ bỏ đức tin của mình. Dĩ nhiên các nữ đan sĩ không đầu hàng…
Thấy nguy, Blanche De La Force bí mật rời Đan Viện vì sợ. Trong khi ấy toàn bộ 15 nữ đan sĩ còn lại bị bắt và bị lên máy chém, từng người một, miệng hát bài thánh ca Salve Regina (Lạy Nữ Vương). Và phép lạ đã xẩy ra, Blanche De La Force bỗng xuất hiện. Cô là người cuối cùng anh dũng bước lên máy chém, miệng hát tiểu khúc cuối cùng của bài thánh ca Veni Creator Spiritus (Xin Thánh Thần Sáng Tạo Hãy Đến): Deo Patri sit Gloria… (Sáng Danh Đức Chúa Cha), bài thánh ca mà cô từng hát khi khấn hiến mình cho Chúa. Giờ đây quả là một lễ dâng toàn thiêu cho Thiên Chúa, dù là vào giờ thứ 25.
Cách Mạng Pháp không phải chỉ giết cô và 15 người đồng tu của cô, vì trong 1 năm cai trị đầy khủng bố (the Reign of Terror) của cuộc Cách Mạng này, hơn 40,000 người Pháp đã bị giết, trong đó, có rất nhiều linh mục và tu sĩ bị chính những đồng công dân của họ sát hại trong một quốc gia chính thức được coi là theo Kitô Giáo, chỉ vì bị coi, một cách bất phân biệt, là đồng loã với quân chủ chế và cơ cấu quyền lực thối nát. Việc thờ phượng công cộng bị ngăn cấm, ngày lễ nghỉ của Kitô Giáo bị bãi bỏ, tên các thánh chỉ đường phố bị thay thế. Họ quyết tâm phi Kitô hóa xứ sở!
Tìm nguyên nhân
Điều đáng lưu ý là nhạc kịch trên bắt đầu được trình diễn liền sau cuộc họp thượng đỉnh kéo dài 3 ngày tại Tòa Bạch Ốc bàn về việc ngăn chặn nạn khủng bố. Tại cuộc họp này, các nhà chuyên môn kết luận rằng những gì dẫn tới đợt tấn công khủng bố gần đây khá giống với những gì xẩy ra nhiều thế kỷ trước tại Pháp.
Người trẻ thất vọng với chính sách của các chính phủ độc đoán chuyên trừng trị người bất đồng, không dành cho họ một tiếng nói nào. Mất hết hy vọng, họ không ngần ngại hy sinh mạng sống mình cho các ý thức hệ cách mạng.
Cũng đáng lưu ý là một cuộc nghiên cứu mới được cơ quan Mercy Corps công bố tuần rồi cho thấy phần lớn các cố gắng trợ giúp của Tây Phương nhằm phản công các lôi kéo của chủ nghĩa khủng bố bằng cách tạo ra công ăn việc làm đã gần như vô giá trị: không hề có mối liên hệ nào giữa việc thất nghiệp và việc người trẻ sẵn sàng tham gia hàng ngũ khủng bố.
Nasir, một trong những người được nghiên cứu, cho hay: “tôi tham gia Taliban không phải vì tôi nghèo. Tôi tham gia vì tôi uất hận”. Uất hận chính là bài ca chính thức của Cách Mạng Pháp trong “Những Người Khốn Cùng” (Les Misérables).
Nhưng tại sao người trẻ đủ uất hận để tham gia các nhóm khủng bố? Cuộc nghiên cứu của Mercy Corps đưa ra nhiều lý do, nhưng có thể tóm gọn trong chữ “bất công”. Tuy nhiên, chống bất công phức tạp và nhiều sắc thái hơn là việc huấn luyện nhân dụng. Đây là một thách đố vượt quá các giải pháp đặc trưng có tính quân sự, chính trị và ngoại viện. Có lẽ vì thế mà Trung Tâm Nghệ Thuật Trình Diễn Kennedy muốn kéo người ta lưu tâm đến các chiều kích khác đó là Thiên Chúa, đức tin, và ý nghĩa của tử đạo, và sự kiện này nữa: ta sẽ phải trả giá cho việc sự thật không được ngỏ cùng quyền lực và ý thức về bất công có thể biến những hành vi không cao thượng chút nào thành cao thượng thực sự.
Ý nghĩa của thập giá
Linh mục Robert Barron, vì thế, nhân dịp này, đã đưa ra một số nhận định về ý nghĩa của thập giá. Theo cha, đối với phần đông Kitô hữu, thập giá chỉ còn hơn thuốc giảm đau một chút, một thứ biểu tượng vô hại, một thứ trang trí đạo hạnh. Nhưng thực ra, thập giá có nét dị biệt hết sức đặc trưng. Đặc trưng đến độ ISIS đã dùng nó để chỉ cả một khối người lớn lao bị họ coi là kẻ thù, ít nhất là cả Phương Tây đồ sộ.
Thời Chúa Giêsu, thập giá là dấu chỉ bạo tàn nhưng hết sức hữu hiệu của quyền lực Rôma. Các thẩm quyền đế quốc muốn cho thấy: “nếu anh vượt qua (cross) chúng tôi, chúng tôi sẽ đóng anh vào khí cụ tra tấn khủng khiếp này và để anh quằn quại trong hấp hối, thực sự hết sức đau đớn (excruciating= ex cruce, như từ thập giá) cho tới chết. Rồi chúng tôi sẽ bảo đảm để xác anh tòong teng trên cái giá đó cho tới khi bị thú vật ăn thịt ăn hết mới thôi”.
Nói tóm, thập giá là chủ nghĩa khủng bố của nhà nước, nhằm khủng bố người ta. Sau khi dẹp được cuộc nổi dậy của nô lệ Spartacus, chính quyền Rôma cho dựng dọc Appian Way hàng trăm thập giá để hăm dọa những đầu óc mưu toan cách mạng. Phôngxiô Philatô cũng có cùng định hướng ấy khi đóng đinh hàng tá người Do Thái chống đối tại Giêrusalem. Chính ông cũng đã cho đóng đinh Chúa Giêsu trên Đồi Canvariô, không xa cổng thành Giêrusalem xưa bao nhiêu để răn đe khách hành hương Do Thái tới kinh thành dự Lễ Vượt Qua.
Ngoại trừ Gioan, mọi môn đệ của Giêsu đã bỏ trốn (như Blanche De La Force), vì họ muốn thoát khỏi cái số phận khiếp đảm trên. Sau Thứ Sáu Tuần Thánh, họ khiếp sợ co cụm lại với nhau ở Thượng Lầu, chỉ sợ bị đóng đinh vào thập giá. Hai môn đệ trên đường Emmau cũng thế. Với họ, phong trào do Chúa Giêsu khởi xướng đã hóa ra số không. Nói tóm lại, thập giá có nghĩa thế gian đã chiến thắng, Chúa Giêsu đã hóa ra không, cùng với tất cả những gì Người chủ trương.
Ấy thế mà một trong các Tông Đồ và là nhà truyền giảng tiên khởi của Kitô Giáo lại viết rằng: “tôi chỉ dạy một điều đó là Chúa Kitô và là Đấng chịu đóng đinh!” (1 Cor. 1:23). Ngài chỉ có thể làm được điều này vì biết rõ Thiên Chúa đã cho Chúa Giêsu bị đóng đinh sống lại từ cõi chết, do đó, chứng minh rằng tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa lớn hơn bất cứ điều gì trên thế gian. Chính vì thế, lối hiển dương thập giá của ngài là một lời chế nhạo đối với Rôma và mọi hậu huệ tàn ác của họ muôn đời về sau rằng “các anh nghĩ điều đó làm chúng tôi khiếp sợ sao? Thiên Chúa đã chiến thắng nó!”. Và đó cũng là lý do khiến các Kitô hữu, cho tới nay, vẫn can trường giơ cao hình ảnh Chúa Giêsu bị nhục mạ, bị tra tấn cho thế giới thấy. Điều họ muốn nói là: “chúng tôi không sợ”.
Điều ấy quả là tuyệt diệu nếu người ta chịu lưu tâm tới thảm kịch của tạp chí Charlie Hebdo và tới cuộc tranh cãi chung quanh bức hí họa vẽ tiên tri Muhammad một cách đầy diễu cợt ở Hòa Lan. Các Kitô hữu không làm om xòm trước các nhục mạ đối với Chúa Giêsu, vì chúng ta vốn coi việc mô tả Chúa Giêsu bị nhục mạ như là hình ảnh thánh thiêng nhất của ta. Với Thánh Phaolô, ta có thể nói “tôi chắc chắn điều này: cả sự chết lẫn sự sống, cả thiên thần lẫn vương chế, cả trời cao lẫn vực sâu, hay bất cứ tạo vật nào khác cũng không thể phân rẽ chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8:38-39), vì ta biết rằng thế gian giết Chúa Giêsu nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết.
Ngay trước khi bị cắt cổ, các Kitô hữu Coptic vẫn kêu “Giêsu Kitô” và “Chúa Giêsu là Chúa”. Hai chữ đầu là phiên âm từ tiếng Aram Ieshouah Maschiach, nghĩa là “Chúa Giêsu được xức dầu”. Kiểu nói này có từ thời Vua Đavít, nhân vật điển hình được xức dầu trong Cựu Ước. Thuật ngữ thứ hai trích từ lời xưng hô sơ truyền của Thánh Phaolô Iesous Kyrios (Lạy Chúa Giêsu!), nhằm đánh đổ khẩu lệnh thời ấy là Kaiser Kyrios (Xêda là Chúa Tể). Nói tóm lại, cả hai lời tuyên xưng đều quả quyết vương tước của Chúa Giêsu, nhưng quả là một vương tước đặc biệt. Tân Đavít cai trị, nhưng không cai trị trên ngai vàng mà là trên thập giá; vị hoàng đế thế chỗ của Xêda không lãnh đạo bất cứ đoàn quân nào, nhưng hiện thân cho sự tha thứ của Thiên Chúa.
Những kẻ man rợ của ISIS quả rất đúng khi đề tựa cho cuốn video giết người của họ là “Sứ điệp viết bằng máu”. Suốt trong các thế kỷ qua, các bạo chúa và tay sai của chúng vốn nghĩ họ sẽ quét sạch các tín hữu của Chúa Giêsu bằng các hành vi bạo lực. Nhưng, như lời Tertullianô từng nói xưa kia, máu các tử đạo là hạt giống gieo Kitô hữu. Và họ cũng rất đúng khi gửi sứ điệp đó tới “Dân Tộc của Thập Giá”. Nhưng họ nên biết rằng thập giá đang chế nhạo họ.