Cây Na Đồng Mỏ

Đồng Mỏ là một chợ huyện nằm trên đường vào Lạng sơn, cách thị xã gần 40Km. Vào khoảng tháng 7, tháng 8, du khách qua lại Lạng sơn bị cuốn hút bởi những "núi na" đồ sộ như xây thành hai bên đường. Không xe nào không dừng lại cho khách chọn "na" (người miền Nam VN gọi quả na là "trái mãng cầu dai". Những trái na lớn, căng tròn khoe mình chào mời khách. Từng đoàn xe tải xếp hàng chờ chất na chở đi khắp các miền đất nước, và xuất khẩu sang Trung quốc. Kẻ bán người mua tấp nập. Khuôn mặt ai cũng rạng rỡ niềm vui.

Cách đây hơn 10 năm thì Đồng Mỏ không được như thế. Đồng Mỏ cũng như đa phần diện tích tỉnh Lạng sơn chỉ có những ngọn núi đá vôi trơ trụi. Không cây gì mọc được. Đất khô cằn lại xa thị xã, nên dân cư nghèo nàn thưa thớt. Đất không có giá vì chẳng ai muốn đến định cư tại đây.

Những người còn lại vì quá nghèo không biết đi đâu đành ở lại. Cho đến một ngày người ta thử trồng cây na. Thấy có trái, người ta nhân rộng ra. Và người ta khám phá ra rằng vùng đất Đồng Mỏ đặc biệt thích hợp với cây na. Trồng dưới chân núi cũng lên. Trồng trên sườn núi cũng mọc. Thậm chí nhét vào khe đá cũng tươi tốt.

Thế là người ta ùn ùn kéo về. Đất đai lên giá vùn vụt. Phố xá đông vui. Mọi người đua nhau trồng na. Na phủ kín từ dưới thung lũng lên đến tận đỉnh núi. Cả vùng biến thành một rừng na bạt ngàn. Mùa đông lá na rụng hết coi thật trơ trụi. Nhưng mùa xuân rừng na xanh tươi. Lộc non mơn mởn. Và mùa hè đầy những trái thơm ngọt ngào. Tất cả đều là na hảo hạng. 

Ngắm nhìn vườn na xanh tươi phủ kín vùng đá vôi Đồng Mỏ, tôi miên man nghĩ đến việc truyền giáo tại Lạng sơn. Truyền giáo được ví như đi gieo hạt giống. Lạng sơn là vùng núi khô cằn nên việc gieo hạt rất khó khăn.

Việc truyền giáo tại Lạng sơn chính thức bắt đầu từ năm 1913 khi Toà Thánh lập Phủ doãn Tông toà Lạng sơn. Gần 100 năm trôi qua, số giáo dân chỉ vào khoảng trên dưới 5000. Linh mục chính thức chỉ có 3. Một thất bại.

Nhưng có lẽ cánh đồng truyền giáo của Lạng sơn cũng giống như vùng núi đá vôi Đồng Mỏ. Đồng Mỏ đã trồng được na thì thế nào cũng phải có loại cây truyền giáo thích hợp với Lạng sơn chứ. Sau mấy năm ở Lạng sơn tôi thấy có vài loại hạt giống mọc được tại vùng đất này.

1. Hạt giống khiêm nhường

Trước khi tôi về Lạng sơn, tất cả các nữ tu đang phục vụ tại Lạng sơn đều bị trục xuất. Trừ các chị Tiểu muội. Khi đến Lạng sơn, các chị Tiểu Muội tìm được một ngôi nhà thờ đổ nát cách Cao bằng 9Km. Phần thân nhà thờ không còn dấu vết, cỏ mọc hoang vu. Chỉ còn lại ngọn tháp cháy dở, loang lổ đạn bom. Thấy cảnh nhà thờ hoang tàn giữa một vùng dân cư thưa thớt nghèo khổ, các chị quyết định lưu lại.

Các chị nhận làm con làm cháu, làm chị em với người dân trong vùng. Các chị sinh sống với họ, chia sẻ cảnh nghèo với họ. Các chị làm nghề may vá để sinh sống. Nhưng đến mùa cấy, mùa gặt, các chị cũng đi vần công, đổi công theo phong tục trong làng. Các chị được mọi người quý mến. Căn lều của các chị không lúc nào vắng bóng trẻ em.

Mọi người đón nhận các chị, coi các chị là người nhà, người làng người nước. Chính quyền chấp thuận cho các chị ở đến nay đã hơn 10 năm.

Vùng đất sỏi đá rất khô cằn nhưng đã đón nhận hạt giống khiêm nhường. Vì hạt giống khiêm nhường không bắt đất đá phải thay đổi, nhưng biết thay đổi chính mình cho phù hợp với đất đá.

Khiêm nhường đã gọt dũa các góc cạnh cá nhân để tròn trịa chìm vào cuộc sống chung. Khiêm nhường giúp trở nên bé nhỏ để được yêu thương. Trở nên yếu ớt để được giúp đỡ, trở nên dễ thương để được đón nhận. Người truyền giáo cần noi gương khiêm nhường của Đức Giêsu khi truyện trò với người phụ nữ xứ Samaria.

* Đức Giê su đã đến với chị như một người đói khát, nghèo nàn chẳng có gì.

* Đức Giê su đã hạ mình xin chị nước uống.

Nhờ khiêm nhường hạ mình mà Đức Giê su đã xoá được những biên giới ngăn cách, những kỳ thị, những chia rẽ bất hoà giữa người Giu-đêa và người Samaria. Nhờ khiêm nhường mà Đức Giêsu đã xin được nước uống và hơn thế nữa xin được 1 linh hồn, và hơn thế nữa, xin được 1 tông đồ giáo dân nhiệt thành.

(còn tiếp…)



TGM. Joseph Ngô Quang Kiệt