Hải Thượng Lãn Ông, Lê Hữu Trác (1720-1791)


Hải Thượng Lãn Ông, Lê Hữu Trác (1720-1791) Wikipedia


Bài đọc suy gẫm: Ngọn Đèn Sáng tức "Thầy Toại", truyện ngắn có liên quan đến lịch sử của tác giả Hòa Mỹ. Hình ảnh chỉ có tính minh họa.
***


Thời sinh viên, Huy học toán và cư ngụ trong câu lạc bộ Phục Hưng. Suốt năm, Huy chỉ học phất phơ, phần lớn thì giờ lo dạy tư kiếm tiền nuôi thân và người anh đang học y khoa. Vì cô thế, không kiếm được giờ dạy ở các trường tư thục Sàigòn, mỗi tuần Huy phải đón xe đò đi Bình Dương dạy ba ngày. Thế mà trời thương, chó ngáp phải ruồi, mỗi năm Huy đều đỗ kỳ đầu ít nhất một chứng chỉ. Nhìn các anh học y khoa thức khuya, dậy sớm, suốt ngày chúi đầu vào sách vở, có anh chàng hộ pháp ngồi tụng mãi đến chiếc ghế phải mòn, Huy khâm phục sự kiên trì của họ. Vì thế sau này Huy không ngạc nhiên thấy họ làm giàu mau chóng. Nhưng người Huy khâm phục nhất là thầy Toại, mặc dầu chưa hề thấy mặt, nghĩa là “Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”.

Sinh viên y khoa xem thầy như thần tượng. Họ thêu dệt nhiều chuyện thần thoại về thầy. Họ thấp thỏm, run sợ khi thấy thầy cầm bảng “phong thần” đọc tên những người đậu vào những kỳ thi cuối năm. Thầy vừa là khoa trưởng, giáo sư thạc sĩ y khoa giải phẫu nổi tiếng, vừa là người thầy gương mẫu cho đàn em noi theo. Một giai thoại được nhiều người truyền tụng nhất là thầy đành tâm đánh hỏng người em ruột nhiều kỳ liên tiếp và cuối cùng phải bỏ y khoa, mặc dầu thầy dư khả năng cho đậu. Giữa thời buổi “một người làm quan, cả họ được nhờ” theo truyền thống, thầy đã vì lương tâm nghề nghiệp chống lại quan niệm sai trái ấy làm sao Huy không khâm phục được? Sau này khi trở lại học y khoa, thấy các đàn anh, bằng mọi giá đưa con em mình vào trường y và cho lên lớp đều đều mặc dầu không có khả năng, Huy lại càng khâm phục thầy Toại hơn nữa. Thầy đúng là một đóa sen…

Sau khi tốt nghiệp, Huy được một học bổng du học Mỹ. Người ta chỉ thông báo phải hoàn tất thủ tục trong vòng một tuần lễ. Huy biết họ đã có ứng viên thay thế mình. Họ cho Huy biết vì tuân hành theo quyết định chung của một buổi họp liên bộ. Việc khám sức khoẻ là gay go nhất vì lúc ấy chưa có bệnh viện Thanh Quan dành riêng cho công việc này. Huy phải đến bệnh viện Bình Dân. Bệnh nhân thì tràn ngập mà các bác sĩ thì làm việc từ tốn, khoan thai, 11 giờ sáng vẫn chưa thấy có mặt. Huy chắc chắn không thể nào hoàn tất mọi việc đúng thời hạn ngoại trừ phép lạ. Chạy tìm mấy anh sinh viên y khoa quen trong câu lạc bộ nhờ giúp đỡ, nhưng ai cũng lắc đầu chịu thua. Một anh xúi: “Mày gõ cửa đại phòng thầy Toại xin giúp thì may ra”. Bí quá, Huy đành làm theo mà tim đập liên hồi. Chàng đã gặp được thầy Toại, người mà chàng đã từng ngưỡng mộ như một thần tượng. Huy run run trình bày lý do mà cứ sợ thầy đúng theo nguyên tắc sẽ từ chối giúp đỡ. Không ngờ sau khi nghe xong, thầy cầm lấy hồ sơ, dở ra chăm chú xem môt lúc lâu rồi mỉm cười bảo :

– Anh là dân Quảng Nam à?

Huy gật đầu xác nhận :

– Dạ, con là dân nhà quê nghèo ở Quảng Nam vì thế con không quen biết ai để nhờ giúp đỡ nên mới mạo muội làm phiền đến thầy

Thầy lại cười bảo :

– Đất ngủ phụng tề phi nên mới sản xuất được những người đặc biệt như anh. Chỉ có ba năm mà anh đã lấy được hai bằng cử nhân giáo khoa toán và khoa hoc. Tôi đã từng học năm dự bị y khoa ở trường đại học khoa học nên biết giá trị của những bằng mà anh vừa đậu. Tôi có hai sinh viên nội trú giỏi nổi tiếng và rất thông minh. Mỗi người đều đậu được chứng chỉ toán học đại cương, nhưng sau đó thì thi hoài mà không đậu được những chứng chỉ cao hơn. Anh học có khó khăn lắm không?

Du thành thật trả lờI:

– Con chỉ gặp may. Con chỉ học phất phơ thôi. Hàng tuần con phải đi Bình dương dạy ba ngày dể kiếm tiền sống và giúp gia đình.

Thầy ân cần nắm tay Huy bảo:

– Anh đáng được giúp đỡ. Anh hãy đi theo tôi.

Chỉ trong vòng hai giờ, thầy đã đưa Huy đi làm hết các thử nghiệm và cuối cùng vào phòng quang tuyến, chính thầy xem phổi cho Huy mà không cần phải chụp phim.

Ngày hôm sau, Huy trở lại bệnh viện thì mọi thử nghiệm đã có kết quả và thầy đã ký tên xác nhận sức khoẻ của Huy tốt. Chàng bàng hoàng như sống trong mơ. Người thầy mà các đàn anh y khoa của chàng khâm phục và run sợ lại dễ dãi và tốt với chàng đến thế! Huy cảm ơn mà nước mắt lưng tròng. Thầy cũng cảm động không kém, rút trong túi quần ra một số tiền đưa cho Huy và bảo:

– Tôi biết anh nghèo và cô thế. Anh cầm lấy số tiền này để may quần áo lạnh. Quốc gia đang cần những người như anh. Ráng làm rạng danh dân tộc nơi xứ người và sống có tư cách. Chúc anh may mắn và mau trở về chung tay xây dựng quốc gia.

Huy thổn thức:

– Con xin cám ơn lòng tốt của thầy và xin ghi nhớ những điều thầy dạy để đền đáp phần nào những đặc ân thầy đã dành riêng cho con.

Thầy vỗ vai Huy:

– Đây là bổn phận của lớp đàn anh. Ơn huệ gì mà anh phải áy náy.

Giám đốc nha du học sửng sốt khi thấy Huy hoàn tất mọi thủ tục trước thời hạn nên đành phải để cho chàng xuất ngoại du học.

Hai năm sau, Huy trở về dạy tại trường đại học kỹ thuật Phú Thọ và đem hết khả năng đào tạo sinh viên như thầy mong đợi. Huy cũng thường ghé thăm thầy tại bệnh viện Bìnhdân để bàn luận thời sự và trao đổi ý kiến, học thêm những điều hay nơi thầy.































Trường Cao Đẳng Kỹ Thuật Phú Thọ (trước 1975)
















Cuộc đảo chánh thất bại năm 1960 làm cho ông Nhu, cố vấn chính trị cho Tổng Thống Diệm nghĩ đến cần một người có văn hóa cao, có kỹ thuật vững, có tinh thần độc lập để không làm tay sai và có mặc cảm tự ti với người Mỹ, vừa có tinh thần chống cộng vững chắc để khỏi bị họ mua chuộc, làm giám đốc nha trung ương tình báo, một cơ quan hữu hiệu vừa chống cộng vừa bảo vệ chế độ cộng hòa. Huy được ông Nhu mời qua sự giớI thiệu và trung gian của ông Tổng giám đốc công vụ. Huy đã gặp thầy Toại và được thầy chỉ bảo:

– Chỉ có hai ông Diệm, Nhu mới đủ khả năng giữ cho miền Nam khỏi rơi vào tay cộng sản và không lệ thuộc quá đáng vào Mỹ. Tuy ông Diệm quan liêu, độc tài, nhưng biết dùng và kính trọng người có khả năng và tư cách. Bọn trí thức hèn hạ đã làm hư ông ta. Nếu có dịp, anh cứ nói thẳng là ông Diệm đừng để cho ông Thục, ông Cẩn, bà Nhu xen vào thao túng chính quyền, phải tạo cơ hội cho những người đối lập có tư cách tham chính và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân thì mới mong đứng vững được.


Sau ba giờ nói chuyện, Huy nhận thấy ông Nhu là người thông minh, sâu sắc, có cái nhìn chính xác về tình hình chính trị trong và ngoài nước. Ông ta cũng là người chịu làm việc, yêu nước và thanh liêm. Chỉ tiếc một điều là muốn yên cửa, yên nhà, ông ta đã để cho bà Nhu làm nhiều điều sai trái, lộng quyền. Thêm vào đó vì thiếu giao tế và kiêu ngạo, ông ta không thông cảm được với giới trí thức miền Nam và đẩy họ vào thế đối kháng một mất, một còn. Trong khi đó thì phần lớn trí thức chỉ học giỏi chứ không có thực tài, vì quyền lợi cá nhân, vì tự ái, đã thù oán chế độ và xúi dục ngoại bang gây khó dễ làm cho tình thế trở nên bấp bênh và bi thảm.


Tổng Thống Ngô Đình Diệm (giữa) và trí thức miền nam. Bộ trưởng Bộ Quốc Gia Giáo dục Nguyễn Đăng Trình (trái, vest đen). Linh mục Giáo sư Cao Văn Luận Viện trưởng Viện Đại học Huế (phải)

Theo lời thầy Toại dạy, Huy trình bày những ước vọng của mình như một điều kiện để cộng tác. Ông Nhu có vẻ buồn và suy nghĩ nhiều. Sau đó, chàng không gặp lại ông ta một lần nào nữa.

Biến cố Phật Giáo năm 1963 và những xáo trộn chính trị lôi cuốn sinh viên vào một trận cuồng phong mà nhiệt tâm tuổi trẻ thiếu sáng suốt dễ bị lợi dụng. Khi tình thế đã trở nên khẩn trương, sinh viên sẵn sàng xuống đường để ủng hộ Phật Giáo thì các khoa trưởng đồng lòng cùng nhau gặp ông Diệm để trình bày sự thật cho ông có cái nhìn chính xác hơn về tình trạng khẩn cấp mà quốc gia đang gặp phải. Đáng lẽ ông Giám đốc trường kỹ sư công nghệ phải tham gia phái đoàn này. Nhưng ông ta vừa kiêm thêm Tổng giám đốc hỏa xa và Quản trị viên Điện lực Việtnam nên né tránh và cử Huy thay thế. Lần đầu tiên Huy gặp được đông đủ các vị khoa bảng Việt Nam từ bộ trưởng giáo dục, viện trưởng, khoa trưởng, đến giám đốc các trường cao đẳng kỹ thuật. Tất cả tập họp trong phòng khách của dinh Gia Long vì dinh Độc Lập đang trùng tu vì bị bom của Nguyễn Văn Cử. Các vị khoa bảng ngạc nhiên khi thấy vẻ mặt non choặt của Huy hiện diện cùng với họ làm cho chàng thấy xấu hổ và tự ti. Chỉ có thầy Toại đến bắt tay và nhìn Huy với cặp mắt thân ái đầy khuyến khích.

Khi ông Diệm vào, Huy thấy không khí thay đổi đột ngột. Một vẻ trang nghiêm và sợ sệt đang bao phủ. Khi mọi người an tọa, Huy thấy ông Diệm hút thuốc liên hồi, vẻ mặt nghiêm trang với cái nhìn quyền uy và không có một mặc cảm tội lỗi nào. Cái nhìn của một người biết rằng mình chưa làm điều gì hại dân, hại nước và đem lại tư lợi cho riêng mình. Ông Bộ trưởng thay mặt mọi người trình bày mục đích buổi tiếp kiến. Sau đó mỗi khoa trưởng và giám đốc lần lượt trình bày tình trạng của trường mình. Phần lớn đều run sợ, nói năng lắp bắp, khác hẳn với giọng nói đầy tự tin và quyền uy của họ hàng ngày. Họ chỉ nói quanh co và kể lể công lao của họ trong việc ngăn chận sinh viên xuống đường và cuối cùng xin chỉ thị của Tổng Thống. Huy đâm ra thất vọng. Họ đến để tâng công chứ đâu có nghĩ gì về tình thế khó khăn của quốc gia lúc bấy giờ. Chắc họ sợ bị mất chức khi ông Diệm lật ngược được thế cờ như năm 1960 chăng? Nhìn họ Huy mới thấy cái hèn hạ của người trí thức khi bị công danh và tư lợi buộc chặt.

Đến phiên thầy Toại, thầy đứng thẳng, mắt nhìn thẳng ông Diệm, dõng dạc nói:

– Thưa Tổng Thống, tình hình đang nguy cấp. Việc bạo động của sinh viên đã ra khỏi tầm tay của chúng tôi rồi, một phần vì tuổi trẻ thiếu suy nghĩ chín chắn lại bồng bột, một phần vì chính quyền quá cứng nhắc và phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng. Nếu Tổng Thống không kịp thời có những nhượng bộ thích hợp thì chính quyền khó đứng vững trong cơn bảo táp này.

Cả phòng họp im lặng như tờ. Ông Diệm cau mày, nhưng cái nhìn vẫn kính trọng người đối diện. Ông nói:

– Cám ơn ông khoa trưởng đã nói thẳng và nói thật. Chúng tôi sẽ xét lại tình hình khẩn cấp để có những biện pháp thích hợp.

Cả phòng thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng ngàn cân. Khoái quá, Huy vỗ tay và mọi người bắt chước làm theo. Thực sự nếu miền Nam có được vài chục trí thức như thầy Toại thì gia đình họ Ngô đâu dám ngông cuồng tự đại để làm suy yếu chế độ và tạo dịp cho ngoại bang can thiệp vào nội tình nước ta. Sở dĩ mọi người đều run sợ trước ông Diệm vì họ không có tư cách. Khi chưa có quyền thì luồn cúi, xin xỏ, hoặc bất mãn, phản đối. Khi có quyền thì tham nhũng, thối nát, nịnh trên, nạt dưới. Bọn tướng lãnh giết hai ông Diệm, Nhu là một lũ người hèn hạ, ngu si nhất. Nếu họ cho hai ông ấy ra khỏi nước một thời gian để ăn năn những việc sai trái đã làm thì miền Nam khó bị cộng sản cưỡng chiếm sau này.

Sau ngày hai ông Diệm, Nhu bị giết, các khoa trưởng và giám đốc lại được mời họp. Lần này trong giảng đường của trường đại học sư phạm. Huy cũng được tham dự. Thấy họ vui vẻ, rạng rỡ khác hẳn với vẻ khúm núm, sợ sệt lúc gặp ông Diệm, Huy thấy buồn. Chàng thấm thía với câu bình luận của đài B.B.C vừa nghe đêm qua: “Miền Nam sẽ hỗn loạn triền miên sau khi ông Diệm chết”. Thực tế sau này đã chứng minh điều nhận xét trên là khôn ngoan và sâu sắc. Các khoa trưởng, giám đốc lại lần lượt lên diễn đàn tố cáo tội ác của Diệm, Nhu. Đến phiên thầy Toại, thầy hiên ngang nhìn thẳng vào đám đông dõng dạc nói:

– Chúng ta họp nhau hôm nay ở đây là để bàn về tương lai và ổn định lại việc học cho sinh viên, chứ không phải để tố cáo người đã chết. Họ làm sai, lịch sử sẽ phê phán. Chúng ta không dư thì giờ để bàn những việc chưa đáng phải làm và thực sự chúng ta chưa đủ tư cách để làm công việc ấy.

Cả hội trường sửng sốt, nhất là ông tướng mang hai sao đang ngồi chủ tọa. Họ không ngờ người khẳng khái bất bình với chính quyền trước mặt ông Diệm, nay lại đi bênh vực cho ông ấy. Khoái quá, Huy đứng dậy vỗ tay ầm ĩ, nhưng chỉ có vài người phụ họa. Ông tướng cau mày nhìn Huy . Huy biết rõ ông tướng này làm đại tá an ninh quân đội thời ông Diệm. Ông ta chỉ đậu bằng tiểu học và làm đội khố xanh trong dinh tuần vũ của ông Diệm ở Phan Thiết khi xưa. Khi ông Diệm làm thủ tướng rồi tổng thống thì ông ta đã cúc cung tận tụy phục vụ nên mới lên được đại tá. Thế mà ông ta chưa bằng lòng với cấp bực của mình nên xin lên tướng. Ông Diệm đã coi ông ta như con cháu trong nhà nên nhỏ nhẹ bảo : “Từ nay cấp bậc tướng chỉ dành cho những sĩ quan trẻ có học vấn cao, hiểu biết rộng thì tương lai quốc gia mới khá hơn được, con hãy bằng lòng với cấp bực đại tá đi“ Thế là ông ta bất mãn và kết hợp với mấy ông tướng bất tài khác làm loạn, giết người đã từng thương yêu và nâng đỡ mình hết lòng.

Tháng sau, Huy nhận được giấy trình diện nhập ngũ. Huy biết rõ mấy ông tướng cầm quyền ghét và muốn hành hạ chàng. Huy nhớ lại lúc chàng nói thẳng và đặt điều kiện với ông Nhu, ông ta không bằng lòng nhưng không thù vặt như mấy ông tướng đang cầm quyền.

Chín tháng lăn lóc trong quân trường, chàng học được nhiều điều mà điều hay nhất là Huy nhận ra được khả năng chịu đựng vô biên của con người và thông cảm hoàn toàn nỗi nhọc nhằn mà người lính phải chịu trong cuộc huynh đệ tương tàn dai dẳng mà đảng cộng sản Việtnam là thủ phạm. Chàng có cái hãnh diện là đã không hèn hạ chạy chọt trốn lính. Chàng vẫn luôn luôn noi gương thầy Toại là thà chịu cực chứ không nịnh nọt mấy ông lớn lon để xin xỏ ơn huệ. Huy được đổi về làm giáo sư văn hóa cho trường Võ Bị Quốc gia Đàlạt sau hai năm làm sĩ quan địa phương quân đóng đồn ở Bình Định. Ba năm làm giáo sư, chàng vẫn tâm niệm lời dạy của thầy Toại là đem hết khả năng đào tạo sinh viên. Rất tiếc miền Nam mất quá sớm. Nếu còn đứng vững đến ngày hôm nay, chàng chắc chắn những sĩ quan Võ Bị được đào tạo văn võ song toàn, trong một ngôi trường hiện đại nhất Đông Nam Á, có cái nhìn rộng rãi, sâu sắc, không có mặc cảm dốt nát như các tướng tá đàn anh, sẽ điều khiển quốc gia một cách hoàn hảo. Chàng cũng được hãnh diện khi nghe nhiều người khen ngợi tài đức và lòng dũng cảm của các sĩ quan Võ Bị sau này.


Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam





Khi được biệt phái về trường đại học kỹ thuật Phú Thọ, chàng ghi tên học y khoa. Bệnh viện Bìnhdân vẫn còn đó với các kỷ niệm thân thiết xưa, nhưng đã có nhiều thay đổi từ hình thức đến tinh thần. Bệnh viện được xây cất đồ sộ, khang trang với các phòng thí nghiệm và giải phẫu tối tân. Nhân sự cũng thay đổi nhiều. Thầy Toại vẫn còn đó, nhưng không còn làm khoa trưởng nữa. Thầy chỉ giữ một căn phòng nhỏ, khiêm nhường làm văn phòng và dạy vài giờ cho những năm cuối. Phần lớn thì giờ thầy làm việc cho phòng giải phẫu của bệnh viện Saint Paul do các sơ điều khiển. Huy không dám hỏi thầy về những biến cố đã xảy ra vì sợ chạm đến vết thương sâu kín trong tâm hồn thầy. Nhưng điều Huy cảm nhận được là thầy đã thiếu khả năng thích ứng. Thầy đã được đào tạo trong không khí thân tình của nền y khoa Pháp và chứng kiến sự can thiệp thô bạo của Mỹ vào chủ quyền Việtnam khi cho phép mấy ông tướng vô học làm loạn. Chính những điều ấy đã làm cho thầy ngần ngại khi Mỹ muốn viện trợ xây cất một trung tâm y khoa hiện đại cho viện đại học Sàigòn và thầy đã bị bánh xe tiến hóa đẩy ra bên lề. Thực sự, thầy chưa thấy được cái dã tâm của người Pháp. Theo Huy thì Mỹ hay Pháp đều như nhau. Một đàng tinh tế, tình cảm hơn. Một đàng thực tế, thô bạo hơn. Nếu chúng ta biết đoàn kết, có tinh thần đồng đội, tinh thần độc lập, thì lợi dụng được sự giúp đỡ của họ một cách khôn ngoan, đôi bên cùng có lợi mà không lệ thuộc quá đáng vào họ. Nếu chúng ta chia rẽ, tư lợi, xu nịnh, nô lệ, thì sẽ bị khuynh đảo để thực hiện những mưu đồ của họ. Nhiều người bất đồng ý kiến đã bỏ đi Pháp, nhưng thầy vẫn ở lại. Huy thương sự thiếu thích ứng của thầy, nhưng kính phục lòng can đảm và yêu nước nơi thầy. Thầy hỏi Huy:

– Tại sao anh trở lại học y khoa? Muốn làm giàu phải không?

Huy trả lời:

– Con học tây y là để bổ túc cho cái thiếu sót của đông y và muốn hiểu rõ bệnh nhân đã được tây y chữa trị như thế nào để thích ứng. Y khoa chỉ là nghề tay trái. Giáo dục mới là môi trường con có nhiều khả năng và đam mê.

Thầy hỏi Huy về đông y. Huy đã đem những tao ngộ kỳ thú và những kết quả lạ lùng kể cho thầy nghe với ước mong thầy thấy nền y khoa Mỹ dẫu có tiến bộ đến đâu đi nữa cũng không giải quyết được hết nỗi đau khổ của con người nhất là về mặt tinh thần để thầy thấy được cái hay ho của đông y và bớt chua chát về những cứng nhắc và thiếu thích ứng trong quá khứ.

Sau nhiều buổi thăm viếng và bàn luận, Huy thấy thầy vui hơn, lắng nghe những kinh nghịêm đau thương của người bạn trẻ và thấy mình vẫn còn gặp nhiều may mắn. Cuối cùng thầy kết luận:

– Thật kỳ lạ, anh là một người chỉ tin vào thực nghiệm mà lại đam mê chuyện siêu hình. Anh nói đúng. Cuộc đời có nhiều cái huyền diệu lắm mà kiến thức chuyên môn của mình không thể cắt nghĩa hết được. Tôi đã hố khi quá coi trọng cái chuyên môn của mình mà xem thường cái hay của người khác.

Đại học Y-Khoa Sài Gòn (trước 1975)





Từ đó, Huy thấy thầy vui hơn và thường tham dự vào những buổi giải phẫu biểu diễn của các phái đoàn y khoa Mỹ. Thầy đứng lẫn lộn trong đám sinh viên, cặp mắt đầy thương yêu và kính phục những bác sĩ Mỹ và những đàn em của thầy được họ đào tạo. Huy thấy trong mắt thầy một niềm luyến tiếc và một vẻ kiêu hãnh. Thầy luyến tiếc quãng ngày huy hoàng xưa và những khó khăn gặp phải khi không thích ứng nhanh với hoàn cảnh. Thầy kiêu hãnh vì đã đem hết tâm hồn đào tạo lớp đàn em nên người hữu dụng đang góp sức xây dựng quốc gia. Huy thương nhất khi thấy đôi bàn tay thầy âm thầm làm y những động tác mà các bác sĩ giải phẫu đang làm. Có lẽ thầy còn muốn học những kỹ thuật mới chăng? Chắc thầy buồn lắm khi thấy mình đã già và không còn khả năng theo kịp các tiến bộ vượt bực của y khoa hiện đại? Xin thầy yên tâm. Những đàn em có lương tâm và yêu nghề được thầy đào tạo đã tiếp nối một cách thông minh và tận tâm con đường dang dở của thầy. Riêng Huy, chàng tự nghĩ:


– Đời ta tuy gặp nhiều khổ nạn, nhưng ta cố gắng noi gương thầy Toại, ngang nhiên nói thật, nói thẳng những sai trái của người khác trong tinh thần xây dựng, thương yêu và khiêm nhường nhận những khuyết điểm người khác phê bình mà sửa đổi.









Tháng 7/2012 tàu bệnh viện USNS Mercy của hải quân Mỹ đến Nghệ An mang theo 1.200 thành viên quân sự và dân sự của nhiều quốc gia để thực hiện sứ mệnh nhân đạo. Đây là lần thứ 3 tàu Mercy đến Việt Nam trong chương trình "Hợp tác Thái Bình Dương". Sĩ quan Mỹ cùng với các nước khác đã hỗ trợ tỉnh Nghệ An nâng cấp và cải tạo các cơ sở hạ tầng y tế, tổ chức khám chữa bệnh cho người dân và động vật. Ảnh: Nguyễn Khoa

Vì thế, chàng rất buồn khi thấy báo chí luôn khen ngợi người Việt mình thông minh, cần mẫn, can đảm, bất khuất mà không đề cập đến những tính xấu căn bản như: thiếu tự tin, chia rẽ, ích kỷ, nô lệ, kiêu ngạo, vọng ngoại làm mất hết những đức tính tốt trên và sẵn sàng làm tay sai cho ngoại bang để dày xéo nhân dân mà thụ hưởng tư lợi. Đó có phải là một tính tốt và khôn ngoan sợ mất lòng người khác chăng? Huy cho rằng đó là một thiếu sót quan trọng của người cầm bút chỉ nhìn thấy mặt phải mà không dám nhìn mặt trái của mọi vấn đề hay cố ý không nhìn đến. Nếu mọi người Việt nhất là giớI trí thức đều nhìn bất cứ vấn đề nào dưới hai mặt phải trái khác nhau và sẵn sàng chấp nhận ý kiến chung mặc dầu trái với ước muốn của mình và cố thích ứng với hoàn cảnh thì tương lai đất nước sẽ tươi sáng biết bao nhiêu! Còn nếu vẫn cứ cho rằng mình luôn thông minh và dùng cái thông minh ấy để bịp người khác thì muôn đời dân tộc chẳng bao giờ ngóc đầu lên nổi.

Gần đây ông thiếu tướng chủ tọa buổi họp năm xưa không biết nhờ cơ duyên nào mà bỏ công ra viết một quyển sách chứng minh gia đình họ Ngô và cộng đồng Công giáo đã làm hại quốc gia, dân tộc với những lý luận tinh vi và những bằng cớ xác đáng. Ông ta không hề nhắc đến những đóng góp tốt đẹp của người Công giáo cho xứ sở cũng như những cái tốt và xấu của cộng đồng Phật giáo vào tiến trình đau thương của dân tộc trong mấy chục năm qua. Chỉ đậu được bằng tiểu học mà ông ta đã viết được như vậy thì quả thật là một người thông minh nếu không nhờ kẻ khác viết giúp. Ông ta đã bóp méo sự thật một cách khôn ngoan và có thủ đoạn để biện minh cho công việc mình đã làm nhưng không ngờ đến tác dụng tai hại làm chia rẽ dân tộc. Những kẻ nào có dã tâm gây nên sự kỳ thị tôn giáo tại nước ta đều có tội nặng với lịch sử. Chỉ vì muốn biện minh cho việc làm sai trái của mình trong quá khứ, ông ta đã làm một việc nguy hại lâu dài cho dân tộc là đầu độc thế hệ trẻ bằng những cái nhìn mất quân bình, không công bằng và đầy ác ý. Ông ta đã làm giống y như Hồ Chí Minh lý luận Công giáo là nguyên nhân đưa đến sự xâm lăng của Pháp vào Việt Nam và chỉ có cộng sản đệ tam mới là sức mạnh duy nhất lật được ách đô hộ của họ. Trong thâm tâm, ông ta vẫn hiểu rằng tiến trình lịch sử đi tìm thuộc địa và sự tự kiêu, bế môn, tỏa cảng của các vua triều Nguyễn đã đưa đến thảm họa xâm lăng. Cũng như sau thế chiến thứ hai việc nổi dậy của các dân tộc bị trị để dành lấy độc lập là điều tất nhiên mà không cần phải có đảng cộng sản lãnh đạo như các nước khác đã làm. Chính những lý luận khôn ngoan, một chiều, đầy dụng ý ấy của ông Hồ đã bịp được dân tộc ta và đẩy họ vào một cuộc nội chiến triền miên trong hơn ba mươi năm, giết hại không biết bao nhiêu nhân tài, tàn phá không biết bao nhiêu di sản quí báu mà tiền nhân đã khổ công gầy dựng, để cuối cùng có được một nước Việt Nam thống nhất nhưng rách nát, nghèo đói, lạc hậu, đau thương nhất thế giới. Vì thế dân tộc ta cần có những nhà trí thức yêu nước thật tình và có can đảm nói thẳng, nói thật giống như thầy Toại vậy. Chắc chắn sau vài năm áp dụng chủ nghĩa cộng sản vào Việt nam, Hồ Chí Minh đã thấy những sai lầm nghiêm trọng, nhưng ông ta không đủ can đảm nói ra sự thật vì sợ chết. Do đó người anh hùng không phải là kẻ dẫm lên sự đau thương của dân tộc để tạo được những kỳ công cho thế giới khâm phục mà là người dám hy sinh mạng sống của mình vì hạnh phúc của nhân dân và nói lên những sai lầm của chính mình đã phạm.

Sở dĩ đảng cộng sản đã đưa dân tộc ta đến tình trạng bi thảm ngày nay chỉ vì họ đã áp dụng sai những nguyên tắc căn bản trong việc xây dựng tổ quốc. Họ đã nhìn mọi hiện tượng, mọi sự việc một mặt, một chiều trong khi mọi đảng viên đều sống hai mặt, một mặt thật âm thầm ăn năn, đau khổ với chính mình và một mặt giả đạo đức, gương mẫu để bịp đảng và mọi người chung quanh. Đáng lý ra họ phải chân thật với chính mình và mọi người, nghĩa là chỉ có một mặt chân thật mà thôi. Nhưng khi xét người, xét việc thì họ phải nhìn kỹ hai mặt phải trái thì mới có thái độ đúng đắn được. Họ lại quá cứng nhắc trong giáo điều vì thế không thích ứng được với tình hình chính trị và kinh tế thay đổi quá nhanh hiện nay.

Cách đây không lâu có một phong trào “phục hưng tinh thần Ngô Đình Diệm” bừng dậy rầm rộ. Nhiều người mời Huy tham gia. Noi gương thầy Toại, Huy nói thẳng:

– Ông Diệm chỉ có được cái thanh liêm và yêu nước. Ngoài ra còn có quá nhiều khuyết điểm trầm trọng như quan liêu, độc tài, gia đình trị. Tôi thấy không cần thiết phải làm phục hưng tinh thần đó. Nếu vẫn còn yêu mến ông Diệm thì các anh hãy tự làm cho mình tốt đi và người ngoài sẽ thấy được cái ưu điểm ấy mà kính phục ông ta. Còn nếu các anh vẫn xấu mà tự nhận là đồ đệ ông Diệm là các anh đã chôn vùi tên tuổi của ông ta vậy.

Tuy thầy Toại là một gương sáng cho Huy, nhưng không vì thế mà Huy xem thầy là thần tượng như khi còn trẻ và bắt chước thầy trên mọi phương diện và cúi đầu ca tụng thầy một cách mù quáng như bao nhiêu đồ đệ Hồ Chí Minh đã làm. Huy chỉ trích sự thiếu khả năng thích ứng và tính cứng nhắc của thầy. Chính vì thế mà nửa cuộc đời còn lại thầy sống trong cô đơn, hối tiếc vì không đóng góp được gì nhiều cho quốc gia, dân tộc.

Sau khi miền Nam bị cưỡng chiếm, thầy Toại vẫn còn ở lại trong nước. Huy đến thăm thầy sau hai năm cải tạo, thầy buồn rầu nói :

– Chắc anh nghe nhiều người đồn rằng tôi đang chạy theo cộng sản để kiếm tư lợi. Ý kiến anh thế nào?

Thấy vẻ mặt đau khổ của thầy khi nói điều trên, Huy biết là thầy đã bị bọn cộng sản lợi dụng. Họ muốn chứng tỏ cho thế giới biết là họ vẫn tôn trọng giới trí thức. Thêm vào đó họ đang cần thầy vì bác sĩ Tôn Thất Tùng được họ trọng dụng cũng phải khen ngợi sự tài giỏi của thầy trong quá khứ. Trong khi đó thì giới trí thức bị kẹt lại thấy thầy được cộng sản trọng dụng nên ghen tị, chê trách. Huy an ủi thầy :

– Con hiểu được tình cảnh khó xử của thầy. Chỉ cần lương tâm thầy bình an là được. Làm sao thầy có thể làm vừa lòng mọi người khi họ chỉ thấy một mặt của sự việc. Con tin ở tư cách của thầy. Nếu thầy không mềm dẻo một chút trong hoàn cảnh khó khăn đầy oan trái này thì thầy dễ bị áp huyết cao và đứt mạch máu não lắm.

Thầy buồn rầu thú nhận :

– Tôi cũng muốn bắt chước anh xem thường dư luận. Nhưng khi thấy tia nhìn khinh bỉ của đồng nghiệp thì lòng tôi đau xót khôn cùng. Ý muốn của tôi là được suốt đời phục vụ cho sức khỏe của nhân dân, đào tạo cho quốc gia một đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu lòng bác ái trước nổi khổ đau mênh mông của dân tộc, sống và chết trên quê hương thân yêu này. Thế mà gặp toàn cảnh ngang trái, oan khiên. Tôi khâm phục anh tuy gặp toàn những bất công và khổ đau trong cuộc sống so với bạn bè chung quanh mà vẫn vui cười như không. Chỉ có hồn thiên sông núi uy linh của đất địa linh nhân kiệt mới sinh ra được những ngườI như anh. Cám ơn lời khuyên của anh. Tôi sẽ cố gắng bắt chước anh, nhưng chắc là khó lắm. Anh định làm gì trong tương lai?

Huy cười bảo :

– Con vừa vượt ngục ra. Đối với chế độ này con là một tội phạm nguy hiểm nhất thì làm được gì cho nhân dân. Nếu con không bị bắt lại để chết dần mòn trong lao tù là may rồi. Con chỉ còn một con đường duy nhất là vượt biên mà thôi.

Đúng như điều tiên đoán của Huy, vài năm sau thầy đã bị đứt mạch máu não và bán thân bất toại. Huy thương cho sự thiếu thích ứng của thầy mà không biết làm sao cứu giúp. Thầy đã sống những ngày đau khổ nhất trước chứng bệnh nan y. Huy đã viết thư thăm hỏi, an ủi và khuyến khích thầy thường xuyên. Vài năm sau, Huy được tin thầy đi Mỹ theo diện đoàn tụ. Huy biết thầy đau lòng lắm khi có quyết định trên vì thầy luôn muốn sống và chết trên quê hương thân yêu. Trong quá khứ thầy đã từ chối biết bao nhiêu cơ hội sống giàu sang trên xứ người, thế mà bây giờ thầy phải chấp nhận quyết định đau đớn ấy. Huy hiểu rằng thầy đã khinh tởm chế độ cộng sản đến mức nào!

Khi định cư tại Canada, với thông minh và trí nhớ ngoại hạng, Huy dễ dàng trở lại nghề bác sĩ vừa có danh, vừa có tiền, nhưng chàng đã không làm. Chàng thấy đông y bổ túc được phần nào cái thiếu sót của tây y. Nhờ kiến thức tây y, chàng hiểu rõ bệnh nhân đã được tây y chữa trị như thế nào và có cái gì khiếm khuyết để bệnh không lành mà tìm cách chữa trị. Chàng vui thích khi thấy mình đã giải quyết được nhiều trường hợp mà tây y bó tay và giúp ích được nhiều cho dân bản xứ đã hào hiệp cưu mang gia đình chàng trong một xứ sở tự do và thanh bình. Chàng đã chứng minh được cho họ thấy cái huyền diệu và cao đẹp của đông phương mà họ đang thiếu. Chàng vui mừng thấy mình có can đảm khước từ vinh hoa, phú quí và chọn cho mình một con đường độc đáo để truyền bá cái tinh hoa của dân tộc ta. Có một điều càng ngày Huy càng nhận rõ là tinh thần càng thăng hoa, cuộc sống càng đơn sơ, thanh đạm, tấm lòng càng rộng mở để hoàn toàn thông cảm được với nỗi khổ đau của người khác bằng tất cả con tim và tình thương thì việc chữa trị đông y càng phong phú, hiệu quả và chính xác.

Vừa hưởng được mọi tiện nghi của đời sống vật chất hiện đại mà không bị trói buộc, vừa có phong cách trầm tĩnh và thoát tục của đông phương, Huy thấy mình có khả năng thích ứng hơn thầy Toại nhiều. Dẫu sao thì trong tâm hồn Huy tư cách thanh cao của thầy Toại vẫn là ngọn đèn sáng giúp cho chàng có đủ can đảm ngang nhiên nói thẳng, nói thật những điều sai trái người khác biết mà không dám nói.

Hoà Mỹ