NGƯỜI SAMARITANÔ NHÂN LÀNH THỜI ĐẠI
Vợ chồng anh Đặng và chị Mai hạnh phúc bên nhau cho dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn
Duyên định mệnh
Người kỹ sư “gàn” nói trên là anh Nguyễn Văn Đặng (31 tuổi) là dân Sài Gòn chính hiệu, có nhà ở quận Tân Bình (TP HCM), vợ anh là Nguyễn Thị Tuyết Mai (27 tuổi, ngụ ấp Cây Me, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, Long An). Chàng kỹ sư cơ khí quanh năm chỉ biết suốt ngày làm việc với những mối hàn, sắt thép và những công trình lớn nay trở thành anh nông dân miền Tây chính hiệu.
Quần đùi, ở trần, da ngăm đen, quanh năm dính bùn đất, Đặng cười tươi rói bảo rằng “tui là dân miền Tây chính hiệu rồi đấy”. Người vợ bại liệt ngồi bên hiên nhà cười mãn nguyện, có lẽ anh Đặng là món quà của cuộc đời chị, đưa chị khỏi vũng lầy của một cô gái luôn bi quan vì tật nguyền, vì nghèo đói và có người mẹ mù lòa.
Đặng nhớ về tuổi thơ mất mát của mình: “Mới 2 tuổi, ba đi biệt xứ, mẹ đi bước nữa với người đàn ông khác. Tôi sống cùng ông bà nội. Tuổi thơ tôi chưa có một ngày hạnh phúc”. Tuổi thơ thiếu thốn, nên khi nắm giữ hạnh phúc, anh muốn san sẻ, muốn cho đi và muốn bù đắp. Đó là lý do anh quyết định lấy cuộc đời mình “bù” vào sự thiếu hụt của cô vợ bất hạnh. Mối tình cổ tích ấy bắt đầu bằng sự tình cờ.
Đặng kể, cuối năm 2009 anh về huyện Hưng Điền, vùng biên giới tỉnh Long An thăm người quen, thì biết đến gia cảnh của Mai. Lúc ấy Mai bị tật nguyền không thể đi lại đang sống cùng người mẹ mù lòa trong gian chòi nhỏ lủi thủi giữa đồng. Cảm thương cô gái, anh sang nhà chơi và hỏi han đủ chuyện, Mai cũng bộc bạch hết hoàn cảnh của mình.
Chị kể, bản thân sinh ra ở miệt Trà Vinh. Vì nghèo, năm 1992, cả gia đình kéo nhau đến vùng sông nước biên giới Long An làm ăn. Họ được chủ điền cho mượn mảnh đất giữa ruộng để dựng nhà và đi làm mướn kiếm sống. Nhà bà Tám (mẹ Mai) có năm người con, tất cả sau này lớn lên đều phiêu dạt khắp nơi, lấy vợ, gả chồng an phận trong nghèo nàn. Năm 2000, bà Tám bị bệnh cườm mắt, không có tiền chạy chữa, bà trở thành người mù. Là con út, thấy cảnh cha già, mẹ mù lòa, Mai đành gác lại chuyện tình duyên.
Thời thanh niên chị khỏe lắm, đi làm mướn hết mùa lúa lại đến mùa lạc. Thế rồi tai họa ập xuống, năm 2006, hết ngày làm mướn về nhà, Mai lên cơn sốt. Chân tay cứng đờ, không thể cử động. Ba mẹ vội kêu gọi người thân, các anh chị em ở xa về đưa Mai đi Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Ca mổ sau đó bị tai biến, Mai bị xuất huyết tủy. Bác sĩ điều trị cho biết, để tiếp tục chữa chạy cần khoảng tiền 70 triệu đồng. Số tiền ấy quá lớn so với khả năng gia đình, họ đành đưa chị về quê, phó mặc sự sống cho thần chết.
Nhưng, Mai cứ nằm đó vì dường như ông trời không cho chết. 19 tuổi, đôi chân của cô đã bại liệt vĩnh viễn, tương lai trở nên mờ mịt. Nhiều lúc cô muốn chết để quên nỗi đau và nhẹ nhõm cho cha mẹ, nhưng tử thần lại mang người cha của chị đi trước. Tai họa liên tiếp giáng xuống gia đình Mai, ngày cha mất, chị đã là một phế nhân, nước mắt không còn để khóc cha. Những bất hạnh nối tiếp, cuộc đời của Mai vào độ tuổi đáng lẽ đẹp nhất thì lại đang rơi vào ngõ cụt tăm tối.
Chị không thể quên những ký ức của tháng năm đầy nước mắt ấy. Hai mẹ con, người mù, người liệt bấu víu nhau ở gian chòi rách tạm bợ ở bên bờ kênh vùng biên giới. Có những lần mẹ chị không thấy đường, lần mò trên sàn nhà thủng lỗ chỗ bị rơi xuống ao giữa đêm, chị phải hô hoán hàng xóm sang giúp đỡ. Lại có những hôm căn bệnh cũ tái phát hoành hành chị, trong túi không một đồng, người mẹ nghèo mù lòa chỉ biết ôm con khóc.
Những ngày tháng lê lết trên sàn nhà để chăm sóc mẹ, chị Mai bị cây xóc vào người gây nhiễm trùng nặng. Không có tiền chạy chữa, chị đành cắn răng chịu đựng. Chị nghĩ, cuộc đời mình cứ lay lắt thế, được ngày nào hay ngày đó, khi nào ông trời không cho sống nữa thì mẹ con “cùng đi một lượt”.
Có lẽ, những bộc bạch của cô gái tật nguyền đã chạm đến tận đáy trái tim chàng trai Sài Gòn tốt bụng. Anh quyết định mua tặng cô một chiếc điện thoại để tiện liên lạc, và thi thoảng anh còn động viên giúp đỡ cô. Sau khi về TP HCM, Đặng và Mai vẫn giữ liên lạc, hai người thường gọi điện hỏi han và nhắn tin.
Cuộc đời của Mai, của mẹ Mai cứ ám ảnh trong những đêm trằn trọc không ngủ của anh. “Đó là thứ tình cảm kết hợp giữa thương và nhớ, không biết đó có phải là tình yêu? Hình ảnh Mai cứ luẩn quẩn trong đầu tôi, xen vào công việc hàng ngày. Tôi suy nghĩ về cô ấy rất nhiều. Tôi lại gọi điện, có đêm chúng tôi tâm sự với nhau mấy tiếng đồng hồ”, Đặng kể.
Hạnh phúc là dám cho đi
Không lâu sau, Đặng viết đơn thôi việc, rồi từ biệt người thân để đi làm rể miền Tây. Ông bà nội chấp nhận để anh đi, vì biết tình yêu mãnh liệt anh dành cho cô gái ấy. Ngày anh ôm túi quần áo xuống căn chòi giữa ruộng, thấy anh, Mai ôm mẹ khóc tức tưởi.
Đặng nhẹ nhàng nắm tay Mai, trút hết nỗi lòng cùng cô gái bại liệt: “Hãy cho anh về đây sống với hai mẹ con em. Anh muốn được che chở, bao bọc và chăm sóc mẹ con em suốt đời”. Mai chết lặng, còn bà Tám cố đẩy anh ra, bà thều thào trong hơi thở yếu ớt: “Hãy đi tìm người con gái khác, Mai không xứng đáng với anh”.
Đặng quỳ xuống xin bà được ở lại. Lúc này, anh mới thổ lộ hết tấm chân tình, rằng tình cảm của anh xuất phát từ trái tim yêu thương thật sự. Anh nhớ Mai, yêu cô ấy từ lần đầu tiên gặp mặt. Anh đã không thể làm việc nổi, đã giày vò tâm hồn nhiều đêm để đi đến quyết định lấy Mai làm vợ. Sự ngăn cản yếu ớt của bà Tám không thể xua đuổi Đặng. Lần đầu tiên, anh ôm Mai vào lòng, hôn nhẹ lên hàng mi ướt lệ của cô, nhưng trong lòng ngực đôi trái tim đang rộn rực.
Đám cưới của Đặng - Mai diễn ra ấm cúng trong căn chòi mượn. Cô dâu không mặc áo cưới, mâm cơm do người chủ đất thương tình hỗ trợ để chú rể cúng tổ tiên. Đám cưới chỉ có trầu cau và nước mắt của hạnh phúc. Đôi trẻ nên vợ, thành chồng từ bấy.
Từ một “công tử” nơi phố thị sầm uất, để sống được ở miền quê nghèo, Đặng phải tập làm tất cả. Đặng đi chăn trâu thuê cho người ta. Đêm, anh quăng chài kiếm cá ở mạn sông. Qua mấy mùa nước nổi, chàng trai thị thành đã mang dáng dấp của một “Hai lúa” chính hiệu, cũng biết quăng câu, thả lưới, cuốc đất trồng rau như ai. Cuộc sống có bữa đói bữa no, nhưng anh thấy hạnh phúc, ấm áp mỗi khi nhìn Mai cười.
Chị Mai cũng không giấu cho biết, cuộc sống của vợ chồng chị khá vất vả. Số ngày chị phát bệnh, nằm viện nhiều hơn những ngày bình thường. Chị rất lo lắng, lại càng thương chồng nhiều hơn. Có không ít người từng hỏi Đặng, bây giờ đã chán cảnh sống nghèo khổ, bệnh tật chưa, anh cười hiền khô trả lời: “Chán mà tui còn ở đây sao được, còn sống ngày nào tui còn lo cho vợ tui ngày đó”.
Đặng vẫn lạc quan trong nghèo khó. Sáng sớm, chị Mai nhắc chồng chở mấy can rượu về bán lẻ để kiếm chút tiền, đến chiều anh lại mang về tấm lưới vừa thả, hai vợ chồng vui vẻ gỡ từng con cá nhỏ để gia đình ba người qua bữa. Mỗi khi đám bạn đồng trang lứa trong xóm chọc anh có vợ rồi mà không được “nằm chung” với vợ có buồn không, chị tủm tỉm cười xấu hổ, anh cũng cười và thanh minh cho vợ: “Vợ tui, tui thương, phá hoài mấy ông”.
Hạnh phúc với Đặng thật đơn sơ, với anh không nhất thiết phải “chăn gối”. Chàng trai quan niệm, khi con người dám cho đi, thấy người khác được nhận thì đó là hạnh phúc. Tình yêu của anh dành cho vợ không đơn thuần là tình cảm trai gái. Bởi, nếu tình cảm xuất phát bằng sự hẹp hòi ấy thì Đặng đã chẳng bỏ nghề, rời xa phố thị hoa lệ để đến vùng quê nghèo xa tít tắp lấy cô vợ tật nguyền và cưu mang một bà lão mù.
Hoàng Nam - Kỳ Anh