Nước mắt chúng ta

Tiễn anh Đoàn Thanh Liêm
vừa đi vào vĩnh-cửu

Khi được anh em bên Toà-soạn Diễn Đàn Giáo Dân báo cho biết tin anh Đoàn Thanh Liêm đã bị tai-biến (stroke) hôm 21-5-2018, đang ở nhà thương Hoag Newport Beach, kèm theo câu nhắn của anh Nguyễn Đức Tuyên “xin anh chị em cầu nguyện cho anh Liêm”, tôi đã chia-sẻ lại ngay trong nỗi cảm-xúc bồi-hồi…Nếu thực đã đến giờ của Thiên-ý thì xin vòng tay Thiên-hựu đón anh ra đi bình-an với hành-trang mang theo đầy ân-tình và tín-nghĩa…Và sau gần ba tuần lễ chập-chờn giữa hai bờ tử sinh, anh Đoàn Thanh Liêm đã quay lưng với cõi tạm này, vĩnh-viễn từ-giã mọi người vào chiều ngày 09-6-2018. Đã trả lại cho cõi trần nhúm bụi tro của một thuở được nương theo làn hơi hà vào để thành một cơ-duyên trong kiếp sống; để mang lấy thân-phận làm người và cũng là người Ki-tô hữu trên đất nước Việt-Nam. Và bây giờ, những gì còn giữa anh và những người ở lại, chính là nhịp cầu giao-hưởng vượt qua giới-hạn của sự sống và cái chết, một nhịp cầu tâm-linh bắc từ nguồn mạch Thần-khí đã cho anh “vươn hình hài lớn dậy” thành 84 năm cuộc đời, vẫn tiếp-tục nối-kết với chúng ta.

Tôi tin như thế bằng quan-niệm của người xưa đã nói…thác là thể-phách, còn là tinh-anh… và cũng bằng niềm tin Công-giáo đã thành tín-điều các thánh cùng thông-công.

Tôi được biết anh Đoàn Thanh Liêm vào cuối năm 1965 khi anh là một trong số các nhân-sự chủ-chốt điều-động “Chương-trình phát-triển Quận 8” dưới thời Chính-phủ Nguyễn Cao Kỳ. Đây là đơn-vị hành-chính mới thành-lập của Đô-thành Sài-gòn, được xếp theo thứ-tự là Quận 8 ở bên kia cầu chữ Y, sát với các quận Cần-giuộc và Long-an. Mỗi cuối tuần, đám sinh-viên thiện-chí chúng tôi theo anh đến vùng đất vừa nghèo-nàn vừa còn kém mở-mang này để sinh-hoạt cùng bà con địa-phương. Từ việc đào các đường cống thoát nước cho một số con hẻm tại các khu nhà ổ-chuột thường-xuyên bị úng nước; chỉnh-trang lại các nhà vệ-sinh công-cộng hay giúp bà con xúc đất đổ nền dựng lại căn nhà mục nát…đến bất cứ việc gì trong khả-năng của chúng tôi có thể giúp bà con cùng làm. Anh Đoàn Thanh Liêm là người tiếp-xúc với đám trẻ chúng tôi nhiều nhất trong công việc cũng như trong các dịp trò chuyện thì anh chỉ say-sưa nói về một chủ-đề “Xã-hội dân-sự”. Rồi từ “biết” đến “quen” và trở nên anh em thân-tình là từng bước tất-yếu phải nối tiếp trên đường dấn-thân và phục-vụ này.

Nhờ vào kinh-nghiệm đã có ở Quận 8, tôi mang nhiệt-tình tuổi trẻ lao tiếp vào các sinh-hoạt cứu-trợ dịp biến-cố Mậu-thân 1968, rồi đến tổng công-kích đợt hai và Mùa Hè đỏ lửa 1972 nên ít dịp gặp lại anh. Nhất là sau khi anh chuyển sinh-hoạt từ “Chương-trình phát-triển Quận 8” sang chuyên-môn của mình để thành Luật-sư Tòa Thượng-thẩm Sài-gòn; cũng đồng-thời làm Giám-đốc Văn-phòng Nghiên-cứu và Liên-lạc của Hội-đồng Tôn-giáo Thế-giới (World Council of Churches) đặt tại Sài-gòn. Tuy vậy, những người tôi đã gặp gỡ, những việc tôi đã cùng làm trong thời-gian khởi đi từ “Chương-trình phát-triển Quận 8” đã trở nên số vốn thủ-đắc của tôi trong hành-trang vào đời.

Rồi biến-cố ngày 30 tháng Tư 1975 đến với người Miền Nam như một thử-thách vàng đá. Giữa bầu khí lao-xao phức-tạp của một cuộc đổi đời có bi, có hài cũng như có cả rồng rắn chen nhau này, tôi gặp lại anh Đoàn Thanh Liêm và có thể nói đây mới là thời-gian anh em chúng tôi sống theo đúng chân-tình trong tương-quan huynh-đệ. Anh liên-lạc và tìm thăm từng bạn-hữu thân tình. Anh đặt vấn-đề với chúng tôi về trách-nhiệm của những người mà anh “phong” cho là “sĩ-phu trí-thức”. Anh luôn trăn-trở về hai chữ “trách-nhiệm” nên thèm có bằng-hữu để chân-thành chia sẻ…Nhiều bạn-bè cho biết, gần như ngày nào anh cũng ra khỏi nhà từ sớm. Vì chỉ đơn-giản là không muốn làm phiền gia-đình nào khi đến thăm nên anh đem theo một hộp Guigoz đựng bữa trưa, đạp xe đạp đến nhà người này người khác ngồi xuề-xoà tâm-sự chuyện thời-thế.

Mỗi khi nghe tiếng anh gọi cổng vào sáng sớm là cả hai vợ chồng tôi rối-rít cùng ra đón vì biết anh lại vừa qua một đêm ít ngủ, vừa có điều gì mới nghĩ ra cần có người nghe. Sau phần cà-phê, trà mở đầu là câu chuyện tiếp theo trong bữa ăn sáng bằng mì gói. Và cũng vì anh em quá thân rồi nên gần trưa thì giao khách lại cho nhà tôi kèm theo lời mời rất tự-nhiên…Anh ở nhà, em chạy ra chợ chút rồi sẽ về nghe tiếp chuyện. Anh đưa cái lon Guigoz đây và hôm nay anh phải ở tới muộn, không được đi đâu nữa…

Chúng tôi biết anh có con ở nước ngoài đã gửi giấy tờ bảo-lãnh về nên thỉnh-thoảng cũng hỏi về việc này. Anh thẳng-thắn nói tâm-ý mình là muốn ở lại quê nhà để sống và làm việc. Anh bảo chúng tôi …mình chê cộng-sản đủ thứ tồi tệ, xấu-xa, gian-tà, hại dân bán nước…mà lại cứ ùn-ùn bỏ đi hết, giao đất nước lại cho bọn người mạt hạng như vậy là sao…. Mới nghe thì có vẻ hoang-tưởng, song nghĩ đến tận cùng thì quá đúng. Đó là lý-tưởng của anh. Còn tấm lòng thì qua việc có lần anh bảo chúng tôi: “Tất cả các tiệm vàng ở khu Ngã Ba Ông Tạ này anh quen hết và họ cũng rất tin anh. Từ một chỉ đến một cây, anh hỏi mượn lúc nào cũng được, miễn là phải trả đúng hẹn, mà hẹn là do mình nói chứ không phải họ. Nếu lúc nào hai đứa cần thì cứ nói anh…” Nhà tôi hỏi anh có nhớ ông bà mình bảo ở đời có bốn cái ngu…lãnh nợ là cái ngu thứ hai không? Anh cuời hồn-nhiên như một bà nhà quê ngay thật…Anh không có tiền có vàng, nhưng có uy-tín nên lấy uy-tín giúp nhau cũng tốt thôi…” Dù chưa có dịp hưởng nhờ uy-tín của anh, song hai ý nghĩ này của anh đã giúp đôi vai tôi không bị oằn xuống vì mớ hành-trang đang hỗn-độn với đủ cả ân và oán, mất và còn lúc đó.

Sau khi nhà tôi đi vượt biên được mấy năm, một hôm anh đến gặp và nhanh gọn hơn ngày xưa Đức Ki-tô gọi ông Phê-rô ngoài bãi biển “Bây giờ không phải lo-lắng gì nữa thì đến góp tay với anh em đi”. Góp tay với anh em đây là nhóm công-tác xã-hội do anh gầy dựng. Anh đã quy-tụ được một số đông anh chị em bác-sĩ, nha-sĩ, dược-sĩ và cả y-tá đang làm việc tại các bệnh-viện ở Sài-gòn, trong đó có cả con cháu của cán-bộ cộng-sản cao-cấp. Nhóm có sinh-hoạt hàng tuần với mục-đích xã-hội song không có tên, không cả “lý-lịch”. Cứ theo định-kỳ mỗi trưa Thứ Bảy, ai đi được thì từ chỗ làm mang theo các dụng-cụ y-khoa của mỗi người, đến thẳng một trong hai điểm hẹn cố-định ở trước chùa Vĩnh Nghiêm và nhà hát Hoà-bình với hai chiếc xe Daihatsu chờ sẵn. Đúng 2 giờ chiều lên đường và về lại vào tối Chủ-nhật. Thuốc men và các thứ cần-thiết khác do chính anh Đoàn Thanh Liêm, linh-mục Trần Văn Dụ và vài ba anh chị em chuẩn-bị bằng nhiều cách. Nói trắng ra là lo chạy tiền để mua thuốc, trả tiền xe.

Vào thời-điểm đó, chưa có nhiều “Việt-kiều” và anh Đoàn Thanh Liêm cũng không nhắm xin-xỏ thành-phần này. Mục-đích của anh là gây ý thức, gây chất men và vận-động quần-chúng (conscientisation, fermentation, mobilization) giữa người trong nước với nhau. Tôi chỉ mất mấy tuần đầu đi gặp bạn-bè xưa cũ, sau 1975 đã xoay ra buôn bán, nói với họ về sinh-hoạt này là khám bệnh phát thuốc, nhổ răng…Nếu gặp ai bệnh nặng thì mỗi bác-sĩ sẽ tuỳ khả-năng riêng hẹn người bệnh về bệnh-viện mình đang làm để giúp. Họ hoan-hỉ giúp và còn tiếp tay bằng cách đi rỉ tai, đi truyền miệng nên số người giúp tăng dần. Các người khác cùng trong nhiệm-vụ tổ-chức như tôi cũng vậy; cho nên tuần nào chúng tôi cũng xoay được đủ tiền mua thuốc. Hai ông chủ xe Daihatsu sau mấy lần nhìn công việc chúng tôi làm, đã không lấy bất cứ một chi-phí nào ngoài tiền đổ xăng.

Mỗi chuyến đi công-tác nhắm vào một xã hay ấp trong vùng sâu miền Hố-nai và Gia-kiệm tỉnh Long-khánh. Anh Phạm Tất Hanh, cố Tổng-thư-ký Diễn Đàn Giáo Dân sau này, là người trách-nhiệm liên-lạc với các nơi có nhu-cầu cũng như sắp đặt nơi ăn chốn ở cho đoàn từ chiều Thứ Bảy đến chiều ngày Chủ-nhật. Vào thời-gian này, việc hai chiếc Daihatsu chở đầy những người trẻ từ Thành-phố đến tụ ở một nơi nào là điều không thể được. Song qua sự góp ý của anh Phạm Tất Hanh và một linh-mục đi cải-tạo về, còn đang bị cấm làm mục-vụ, thì các cán-bộ hạ-tầng ở vùng quê còn phần nào bản-chất con người, đã chỉ nhắm vào nhu-cầu thiết-yếu của dân chúng, trong đó có cả bản-thân cùng anh em dòng họ mình, nên mừng rỡ viết ngay một cái giấy mời thô-sơ bằng trang giấy xé ra từ cuốn vở với lời lẽ vụng-về. Song các điều này không quan-trọng bằng con dấu đỏ có ngôi sao vàng chúng tôi cần có để làm “bùa hộ mệnh” khi cần. Anh Phạm Tất Hanh còn giúp họ tìm đến các linh-mục xứ dọc theo quốc-lộ để nhờ giúp nơi ăn chốn ở cho các bác-sĩ, chứ dân tình xã, ấp nghèo quá không giải-quyết được. Tác-phong cán-bộ nhà nước với lập-trường, với quan-điểm được thay bằng tâm-trạng kẻ đi nhờ mà thành thái-độ dễ chịu hơn, có văn-hoá hơn với các linh-mục quản-xứ trong vùng. Đúng là conscientisation, fermentation, mobilization…

Vào những năm cuối thập-niên 80, anh Đoàn Thanh Liêm vươn tay rộng thêm và xa hơn qua nhiều sinh-hoạt. Anh hăng-hái cùng các linh-mục Chân Tín, Trần Văn Dụ và Mai Xuân Hậu với một nhóm giáo-dân theo cách gọi của anh là “sĩ-phu trí-thức” để cùng soạn một tâm-thư đề ngày 28-02-1988 gửi Hội-đồng Giám-mục Việt-Nam và Tổng-giám-mục Nguyễn Văn Bình về việc Phong-thánh. Tiếp theo một thư khác đề ngày 15-8-1989 gửi Hồng-y Trịnh Văn Căn, Tổng-giám-mục Nguyễn Văn Bình và các Giám-mục, góp một số ý-kiến về nội-tình Giáo-hội Việt-Nam trước khi họp Hội-nghị Thường-niên Hội-đồng Giám-mục Việt-Nam. Anh cũng làm cố-vấn pháp-luật cho vài ba công-ty nước ngoài nên đã giúp nhóm công-tác xã-hội chúng tôi bớt vất-vả nhiều để lo tiền mua thuốc.

Cái hướng đến của anh Đoàn Thanh Liêm về một xã-hội dân-sự có lẽ giống như tiểu-thuyết kiếm-hiệp của Kim Dung gọi là bị “tẩu hoả nhập ma”. Anh nhìn sự việc rất rõ và quyết-định rất nhanh. Trong lần họp mặt tại nhà tôi để đón linh-mục Nguyễn Vân Đông, đang coi xứ Đức-an tại Pleiku dịp ông vào Sài-gòn thăm gia-đình; ghé thăm tôi theo lẽ bạn-bè quen biết thời Thanh Sinh Công. Ngoài anh Đoàn Thanh Liêm, còn có cụ Vũ Thế Hùng, thân-sinh của linh-mục Vũ Khởi Phụng; linh-mục Trần văn Dụ cựu giám-đốc Caritas Huế; linh-mục Phê-rô Tuần là đan-trưởng Đan-viện Biển-đức Thiên-hoà ở Ban-mê-thuột, linh-mục Nguyễn Vân Đông kể mẩu chuyện về niềm tin của một giáo-dân Thượng, ở cách giáo-xứ Đức-an khoảng 15 cây số. Sau khi chính-sách tôn-giáo bị siết thêm, cha Đông không được phép đi làm mục-vụ trong “buôn” Thượng này nữa nên anh giáo-dân này tìm đến linh-mục Nguyễn Vân Đông xin …ông cha chỉ cần cho tôi ở đây một tháng, dạy cho tôi về Chúa để giống như đốt cho tôi cây đèn, tôi đem về cùng đốt với dân trong “buôn” tôi. Nghe xong, anh Đoàn Thanh Liêm nghĩ ngay đến một “học bổng Giáo-lý” dựa theo thu-nhập hàng tháng của anh giáo-dân này... Mọi người có mặt tán đồng. Linh-mục Trần Văn Dụ và tôi được ủy-thác thực-hiện. Ngay hôm sau, anh Liêm đem lại cho tôi một chai rượu Napoléon và bảo…một khách nước ngoài mới tặng, nếu có dịp anh em đông đủ thì mỗi người một vài “shot” cũng vui, song bây giờ vui hơn là cô đem vào chợ Kim-biên bán để cho chi-phí chuyến đi Tây-nguyên của cha Dụ và cô lần này lo về học bổng giáo-lý như đã định.. Vì bản-tính “tham công tiếc việc” phát-xuất từ tấm lòng “ưu-thời mẫn-thế” của anh Đoàn Thanh Liêm mà nhiều sinh-hoạt được nối kết không đến nỗi vô-bổ. Anh triệt-để chống cộng-sản với chính-sách độc-tài và giáo-điều chuyên-chính vô-sản của những người đang nắm quyền trên đất nước, song không vẽ cho mình cái vòng tròn khắc-nghiệt của thành-kiến để cố-thủ.

Ngoài chủ-nghĩa cộng-sản và những người triệt-để lợi-dụng nó để khuynh-loát dân-tộc ra thì anh Đoàn Thanh Liêm vẫn giữ chủ-trương… gây ý thức, gây chất men và vận-động quần-chúng… nên xem ra trong thời-gian này anh rất quảng-giao. Một hôm anh đề-nghị với nhóm, chuyển hướng công-tác về Long-an dịp có mấy người xưng là “nhóm khảo-cổ” từ Hà-nội vào thăm vùng đất mà giới khảo-cổ gọi là “nền văn-minh Óc-eo Phù-nam”, có cả Trần Văn Giầu. Anh bảo tôi, đi mà nhìn tận mắt tác-phong và nghe tận tai kiến-thức của người đã trực-tiếp chỉ-huy cuộc lạm-sát người Quốc-gia yêu nước ở Nam-bộ, trong thời-gian từ 1945 đến 1947. Đến độ nhà văn Pháp Michel Tauriac trong tác-phẩm Viêt Nam - Le dossier noir du communisme de 1945 à nos jours (Hồ-sơ đen về cộng-sản Việt-Nam từ 1945 tới thời chúng ta) xuất-bản năm 2001 đã gọi đây là tên Việt-minh sát-nhân cũ của Miền Nam (Tran Van Giau, l’ancien assassin Viet Minh du Sud Vietnam).

Đám trẻ chúng tôi vừa làm công-tác xã-hội vừa nhìn các “chuyên-gia khảo-cổ của chế-độ” ngồi xổm trên mặt đất rờ-rẫm các mảnh gạch vỡ để “khảo cổ”; còn “sử gia” của chế-độ thì sau đó lại chỉ viết về việc nhóm chúng tôi hôm đó đã nhổ cho bà con Long-an gần hai kí-lô răng sâu. Rồi một dịp khác cũng do anh Đoàn Thanh Liêm quy-tụ tại nhà người bạn, tôi được gặp nhà thơ Hữu Loan để thấy mầu tím hoa sim huyền-thoại nơi thơ của ông chỉ còn là mầu khói xám trên hình-hài thảm-não sau những năm khổ-ải, đoạ-đầy của một văn-nghệ-sĩ Miền Bắc. Được gặp tác-giả Hoàng Cầm của một thời Nhân Văn – Giai Phẩm và biết được chẳng làm gì có loại lá tên là “diêu bông”. Song điều hữu-ích nhất là cả ba trường-hợp đã cho chúng tôi những nét dị-dạng thật của Miền Bắc trước 1975.

Rồi anh Đoàn Thanh Liêm bước xa thêm nữa để thể-hiện tâm-ý không đành…giao đất nước lại cho bọn người mạt hạng…như đã giải-thích lý-do anh cứ chần-chừ không muốn đi ra hải-ngoại. Trong một dịp gần lễ Giáng-sinh, anh đưa linh-mục Trần Văn Dụ, tôi và vài ba anh em bác-sĩ trong nhóm xã-hội đến dự bữa tối tại nhà anh Phan Xuân Huy, cựu dân-biểu trước 1975, đang làm việc tại Sở Thương-binh Xã-hội. Anh cho biết vì anh Huy muốn hội-ý về việc góp chuyên-môn y-tế với trại Phú-văn thuộc tỉnh Sông Bé, giáp ranh với Phú-bổn. Khu trại này có cái tên đẹp-đẽ là Trung-tâm Phục-hồi Nhân-phẩm. Tuy trung-tâm trực-thuộc Sở Thương-binh Xã-hội của Thành-phố nhưng vì lúc ấy phương-tiện giao-thông và đường đi còn khó-khăn hiểm-trở nên gần như quá cách-biệt với Sài-gòn.. Những người đã đưa đến hầu như không thấy ngày về lại Thành-phố.

Theo anh Phan Xuân Huy, công việc lao-động chính của những người nghiện ma-tuý và các cô gái giang-hồ từ Thành-phố đem về đây là canh-tác một diện-tích khá rộng chuyên trồng cây điều để lấy hạt. Họ thiếu-thốn đủ mặt, nhất là y-tế. Thêm một vấn-nạn nữa mà nhà nước chưa giải-quyết được là lâu ngày dài tháng, có nhiều người của hai khu đã lập gia-đình với nhau; đã có gần trăm đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong hoàn-cảnh phức-tạp này. Trong lần đầu tiên đi thăm trại, nhìn cảnh sống heo-hút của họ, ai cũng xót-xa. Có nhiều cô gái xin gặp cha Dụ và xưng tội bằng nước mắt. Lúc trở về gặp mưa, đường đèo Phú-văn trơn và dốc, thắng xe có chút trục-trặc…và đúng lúc mọi người trong xe đang “phó linh hồn” thì ông tài-xế nhìn thấy bên đường một đống đất cao ngút đầu bèn lao vào…Mọi người thoát nạn với những vết thương nhẹ…

Mới thoát chết trở về thì anh Phan Xuân Huy đã vội-vã gặp linh-mục Trần văn Dụ và anh em báo tin là ban quản-trị hay quản-giáo gì đó của trại đã quyết-định rằng ngoài Công-giáo ra thì cũng khó tìm được sự giúp đỡ nào nữa nên đồng-ý đề-nghị của cha Dụ là trước mắt sẽ đưa vài ba nữ-tu đến trại để giúp đám trẻ nhỏ. Còn việc họ có vừa dạy-dỗ vừa giảng đạo cũng không sao, vì …với tâm-trạng của những trại-viên ở đấy thì nếu họ có tìm lại được niềm tin từ một điều gì thì cũng tốt thôi…Song đấy chỉ là cách suy-nghĩcủa những cán-bộ cộng-sản chưa nhiễm nhiều “đảng tính” nên vẫn còn nhân-tính…Nhưng quyết-định sau cùng vẫn là ở cấp cao hơn…

Anh Đoàn Thanh Liêm còn hợp-tác với nhóm Truyền Thống Kháng Chiến Nam-bộ, còn gọi là Câu-lạc-bộ những người kháng-chiến cũ của ông Nguyễn Hộ và các chiến-hữu của ông như Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Quân, Hồ Hiếu, Lê Đình Mạnh…Anh Liêm đã cùng họ khởi-xướng chủ-trương đa-đảng, đa-nguyên với lập-trường 5 điểm gì đó như tôi đã có lần liếc thấy trên mấy tờ truyền-đơn tại nhà chị Tiêu Thị Tú, khi ấy đang dạy tại Đại-học Tổng-hợp, cái tên mới của Đại-học Văn-khoa Sài-gòn trước 1975. Chị Tú là một trong các sinh-viên “ruột” của Giáo-sư Nghiêm Thẩm như Huỳnh Minh Đức, Lý Thị Dung, Sơn Hồng Đức…

Một buổi sáng năm 1990, tôi đến Dòng Chúa Cứu Thế, được linh-mục Chân Tín báo tin… mình vừa có một người anh em nộp mạng cho nhà nước rồi đó, anh Liêm đã bị bắt hôm qua tại phi-trường Cam-ranh hay Phan-rang không rõ... Rồi vào sáng sớm ngày hôm sau, chị Tiêu Thị Tú đến nhà tôi với nét mặt phờ-phạc, thất-thần. Thấy chị ngồi bất-động với hai mắt nhắm nghiền, dáng vẻ rất mệt-mỏi nên tôi thủng-thỉnh xuống bếp làm cho chị ly trà đường nóng và ngồi chờ. Một lúc lâu sau, chị mới như hoàn-hồn, bắt đầu thuật lại mọi sự. Vào lúc bốn giờ sáng hôm ấy, có sáu nhân-viên công-an đến trình lệnh “kiểm tra hành-chính”. Chị bị buộc ngồi im để họ làm phận-sự. Cả nhà bị lục tung. Từng cuốn sách trên kệ bị lật từng trang nhưng có ba ngăn kéo đã dán lệnh của ban văn-hoá sở công-an cho phép chị được giữ một số sách “ngoài luồng” để tham-khảo nên không ai có quyền kiểm-soát trừ khi có lệnh riêng.. Sau gần ba tiếng đồng-hồ lục-lọi, chị ký tờ biên-bản không có gì vi-phạm rồi đi ngay đến nhà tôi; vừa để chia bớt nỗi xúc-động, vừa cùng nhau nghĩ cách “thu vén” ba ngăn kéo đặc-miễn kia vì trong đó toàn là “gia-bảo” đa-đảng đa-nguyên với hàng xấp truyền-đơn “lập-trường 5 điểm” của anh Đoàn Thanh Liêm... Các nhân-sự của Câu-lạc-bộ những người kháng-chiến cũ cũng bị bắt. Rồi nhà thơ Trương Hồng Thái, “thư-ký đánh máy” của anh Liêm cũng vào tù. Sau đó, đến anh Nguyễn Ngọc Lan bị kiểm-tra hành-chính rồi bị quản-thúc tại gia và cha Chân Tín đi “lưu-đầy” ngoài Duyên-hải. Mãi gần hai năm sau, khi tôi vừa sang Úc được hai ngày, nhà cầm quyền cộng-sản mới tuyên xử anh Đoàn Thanh Liêm 12 năm tù với tội danhTuyên-truyền chống chủ-nghĩa xã-hội trong phiên toà ngày 14-5-1992.

Rồi tuy cùng sống ở nước ngoài, song anh em cũng chỉ gặp nhau vài ba lần. Lần đầu vào năm 2004, dịp sang Mỹ dự Đại-hội Truyền-thông Công-giáo. Âm vang tiếng reo giời ơi… giời ơi…của anh Liêm trong điện-thoại trước khi được anh Trần Phong Vũ đưa đến thăm nói lên đủ những gì còn lại sau một cuộc đổi đời đá nát vàng phai. Tiếp đến tôi gặp lại anh cũng vào dịp Đại-hội Truyền-thông do Diễn Đàn Giáo Dân tổ-chức vào tháng Sáu năm 2011 và vào cuối năm 2011 khi anh đến Úc-châu dịp Mạng Lưới Nhân Quyền tổ-chức trao giải Nhân-quyền cho luật-sư Cù Huy Hà Vũ và cô Đỗ Thị Minh Hạnh.

Do lối suy nghĩ và cách ứng-xử ít giống ai mà anh Đoàn Thanh Liêm cũng không tránh được sự xét đoán sai-lạc ngay cả trong số có thể gọi là bạn hữu thân tình. Với tôi, điều này không có gì lạ vì anh cứ suy bụng ta ra bụng người. Anh có hai áo thì sẵn-sàng đưa cái thứ hai cho người nào thiếu hoặc rất tự nhiên hỏi xin bạn bè nào còn cái áo thứ chín thứ mười của họ để cho người khác mà không dám nghĩ bạn mình có thể nghĩ gì khác về mình. Trừ những người cộng-sản đang nắm quyền cai-trị cách tàn-độc ra thì anh không có thù mà chỉ có những bạn hữu thân tình, hay ít ra thì ai cũng là anh em đồng-bào của anh.

Trong bài Người cộng sản mà có tư cách đàng hoàng: trường-hợp của ông Tạ Bá Tòng…viết năm 2009, anh nói rõ....Dứt khoát là tôi bất đồng với đường lối chính sách độc tài của đảng cộng sản và đã lên tiếng mạnh mẽ phê phán cái đường lối sai trái, thất nhân tâm, vô đạo đức ấy…nhưng tôi lại phân biệt là trong hàng ngũ những người cộng sản vẫn có những cá nhân có tư cách chững chạc đàng hoàng, có tấm lòng thật tâm yêu nước thương nòi, chẳng khác với những người đối lập với cộng sản vốn là bạn hữu lâu năm của tôi ở Miền Nam vậy…Thành vậy mà cho dù ai khác nghĩ sao, riêng tôi thấy anh Đoàn Thanh Liêm đã sống trọn giá-trị và ý-nghĩa của đời mình giữa mọi người bằng cái khí hạo-nhiên của kẻ sĩ.



Anh thân-kính

Đất Nước mình đang bị những người như anh nói là…sai trái, thất nhân tâm, vô đạo đức ấy…đẩy vào tận cùng con ngõ cụt. Lúc này đây, cùng thời-gian gia-đình và bè-bạn khóc anh thì từ nhiều cõi lòng Việt-Nam cũng đang sụt-sùi trào dâng trong óc, trong tim sĩ-khí sôi-sục …đau lòng con quốc-quốc…. Em tin rằng dù trong cảnh sinh-ly hay tử-biệt thì tình huynh-đệ trong Đức Ki-tô không thể đứt đoạn cũng như người xưa nói.. tử giả thể-phách bất tử giả tinh-thần…nên anh em chúng ta vẫn còn phải chia với nhau dòng nước mắt, không phải để khóc nhau mà là như cụ Nguyễn Đình Chiểu nói với hương-hồn ông Trương Định…Khóc là khóc nước nhà cơn biến loạn…

Mong anh trong cõi an-bình vừa đến đừng quên cầu nguyện cho những người còn lại; cho gần trăm triệu đồng-bào trên dải đất chữ S không bị mất hai chữ Việt-Nam.