Trong các
ngày từ 07 đến 10-9-2017 vừa qua, tại tiểu-bang
New-South-Wales, Úc-châu đã có một Đại-hội dành cho giới
trẻ Việt-Nam, với chủ-đề Việt
Nam con đường nhân bản. Đây là
nỗ-lực của
Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới vì Nhân Quyền do
cô luật-sư Trần Kiều Ngọc sáng-lập cùng với hàng
trăm thiện-nguyện-viên tiếp sức để thực-hiện trong
bốn ngày. Ngoài các tham-dự-viên tại các tiểu-bang ở
Úc-châu ra thì còn có một số đến từ Hoa-kỳ, Pháp,
Tân-tây-lan, Gia-nã-đại, Phi-luật-tân…và đặc-biệt là
Việt-Nam.
Trong một
đề-tài nói về Tự do ngôn luận và
vượt sợ hãi do hai người trẻ
phụ-trách là cô Nancy Nguyễn Vy Hạnh đến từ Hoa-kỳ và
cô Vũ Ngọc Hân đã gây xúc-động mạnh cho người nghe.
Nancy
Nguyễn Vy Hạnh lớn lên ở Hoa-kỳ mà sao tiếng Việt
giỏi thế. Có thể nói còn giỏi hơn rất nhiều các
“diễn giả” Việt-Nam hiện nay cả trong lẫn ngoài
nước. Điều mà nhiều người nghe tâm-đắc vô cùng là
khi cô yêu cầu tất cả mọi người đang có mặt xin cùng
đứng lên, rồi mỗi người tự dùng một tay mình đặt
lên cổ tay kia để tìm xem có thấy nhịp đập của mạch
máu mình hay không. Sau đó cô giải-thích với đại ý
rằng cô tin trong mạch máu đang chảy nơi cơ-thể của cô
là có dòng máu của cha mẹ mình được chuyển thông từ
dòng máu của ông bà…Và trên hết, có cả dòng máu của
các bậc tổ-tiên nhiều đời vẫn còn lưu-truyền…Nơi
mọi người Việt-Nam cũng đều thế. Cuối cùng, Nancy
Nguyễn Vy Hạnh khẳng-khái kết-luận rằng vậy thì không
ai có thể nói là mình không có chút trách-nhiệm hay
liên-hệ gì đến đất nước, đến quê-hương Việt-Nam
hiện nay…
Vũ
Ngọc Hân là một người trẻ ở Việt-Nam, hoạt-động
trong phong-trào công-nhân. Cô chia sẻ là vì hoàn-cảnh
gia-đình khó-khăn nên phải đi làm từ năm 15 tuổi. Lúc
đầu thấy công-nhân đình-công hay tranh-đấu thì cô cũng
dửng-dưng. Lâu dần, cô bắt đầu thắc-mắc trước các
sự việc diễn ra và tự nhận-định để nhận ra sự
phi-lý và bất-công của chính-quyền trong chính-sách
đàn-áp công-nhân lao-động và cô nhập cuộc. Có một
lần, sau khi tham-gia đi biểu-tình thì cô bị công-an bắt
đem về thẩm-vấn rồi tha về; nhưng khi ra khỏi đồn
công-an, cô bị một đám côn-đồ giả dạng kiểu
cộng-sản đặt ra gọi là “quần chúng tự phát”, vây
đánh. Ngày hôm sau, người anh cô gọi điện-thoại trách
mắng đại-ý là cô không thể sống bình-thường như
nhiều người…lo học-hành, làm việc, lấy chồng, sinh
con hay sao? Bởi vì nếu một khi gặp những gian-nan,
khốn-khó như vậy thì không chỉ riêng mình cô đau và
khổ mà gia-đình cũng chung nỗi xót-xa…Và cô cho biết
đã trả lời người anh rằng…Tuổi
trẻ của em không nhiều, anh để cho em tự-do sống những
tháng năm tuổi trẻ của mình được không…
Cả
hội-trường xúc-động vì hai người trẻ này. Có nhiều
người đã khóc.
Thế
là từ sau giờ nghe về chủ-đề “…vượt
sợ hãi”, người viết cứ liên-tục
bị cách suy nghĩ rất độc-đáo của hai người trẻ này
ám-ảnh mà thành bài viết hôm nay.
Dòng máu
nào đang chảy trong tôi
Thường
thì mỗi dân-tộc đều có một
truyền-thuyết về
nguồn gốc phát-sinh. Chẳng hạn như người Nhật xưng
mình là con cháu của Thái-dương thần-nữ nên mới lấy
tên nước là Nhật-bản, tức là gốc từ mặt trời và
họ mang niềm tự-hào đó trong tâm-thức để vươn lên.
Dân-tộc Việt-Nam gần năm ngàn năm nay vẫn mang niềm
tự-hào về lai-lịch mình là giống Rồng Tiên, được
sinh ra từ một bọc trăm trứng. Vì vậy mới có cách gọi
nhau đặc-biệt là đồng-bào, nghĩa là cùng một bọc.
Song nỗi buồn to lớn của Mẹ Việt-Nam hôm nay là không
phải chỉ có những người trẻ, mà ngay lớp trung-niên
lẫn cao-niên từ trong nước ra hải-ngoại,
mấy ai còn nhớ
huyền-sử này. Mấy ai còn tha-thiết
với ý nghĩa về nguồn cội con Lạc cháu Hồng. Cho dù
chỉ là truyền-thuyết, là huyền-thoại, song lại là một
huyền-thoại đã làm nên nguồn cội thiêng-liêng cho bao
thế-hệ nương theo mà thắt chặt nhau lại thành một
khối dân bất-khuất trong tinh-thần chống ngoại-xâm. Lại
cũng nhờ vào tinh-thần đó mà cả khi trải qua bao
giai-đọan bị đô-hộ rồi cũng quật-khởi được để
phục-hoạt giống dòng chính vì đã tin vào một chân-lý
bất-biến rằng chúng ta đang cùng chung dòng máu chảy
trong huyết-quản. Đó là dòng máu Hồng Lạc.
Cô gái
trẻ Nancy Nguyễn Vy Hạnh cũng vì tin mình đang cùng mang
chung dòng máu với dân-tộc mình qua dòng máu của cha mẹ,
ông bà nối kết nên mới có được những ưu-tư đầy
tâm-huyết cũng như tự gắn bó với miền đất quê-hương
Việt-Nam đầy bất-trắc hiện nay.
Sống
những năm tháng tuổi trẻ
Nhìn
lại quá-khứ còn ghi trên những trang sử thì tuổi trẻ
Việt-Nam cũng đã làm nên nhiều trang sử có bi-tráng, có
hào-hùng. ..Từ những tấm gương của hai vị nữ-trung
hào-kiệt Trưng Trắc, Trưng Nhị vào năm 40 sau Công-nguyên;
200 năm sau với Triệu Thị Trinh phất ngọn cờ vàng vào
tuổi 23. Rồi cứ thế, những tuổi trẻ mang dòng máu
Hồng Lạc từng thời tiếp nối dòng máu nóng để viết
lên dòng lịch-sử vẻ-vang cho dân-tộc.
-
Vào năm 1385, người trẻ Trần Quốc Toản vì mới 16
tuổi nên không được vua nhà Trần cho nghe việc nước
giữa lúc Tổ-quốc lâm nguy vì giặc Nguyên, đã quyết-tâm
lập đạo quân trẻ , phất cao lá cờ phá
cường địch báo hoàng-ân.
-
Người anh-hùng Lê Lai đã vì đại-cuộc, hy-sinh giúp Lê
Lợi bình-định giặc Minh sau mười năm kháng-chiến.
-
Người anh-hùng áo vải Nguyễn Huệ nổi lên cũng mới ở
vào độ tuổi 19. Sau 18 năm đánh Nam dẹp Bắc, đuổi
hết quân Thanh ra khỏi bờ cõi, lên ngôi hoàng-đế, để
lại trên trang sử đấu-tranh của dân-tộc một tên tuổi
người trai đất Việt Nguyễn Quang Trung.
Dòng
máu bất-khuất này cứ thế mà chuyển tiếp qua từng
thế-hệ trẻ Việt-Nam…cho đến khi đất nước nổi
phong-ba vì thực-dân Pháp thì lại có biết bao người trẻ
thuộc thế-hệ Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học đã lấy
máu mình viết lên trang sử chống ngoại xâm. Nhiều người
than rằng tuổi trẻ
Việt-Nam hôm nay cũng nhiêu-khê như xã-hội Việt-Nam. Như
hoàn-cảnh phức tạp của đất nước Việt-Nam. Nếu
xã-hội muôn mặt thì tuổi trẻ cũng muôn mầu, muôn vẻ.
Nói chung, người trẻ nào cũng mang trong mình một sức
sống mạnh-mẽ, song điều quan-trọng là mỗi người trẻ
chọn cách dùng sức sống ấy như thế nào mà thôi.
Cô
Vũ Ngọc Hân đã chọn sống những năm tháng tuỏi trẻ
của mình bằng đường hướng đấu-tranh cho quyền-lợi
của những người công-nhân, lên tiếng giúp những người
công-nhân không có tiếng nói để đòi hỏi giúp họ
quyền làm người, quyền phải được đối-xử theo
nhân-bản và có nhân-quyền. Những người trẻ có mặt
trong mấy ngày Đại-hội này cũng đã là một thái-độ
chọn lựa sống theo nhiệt-tình tuổi trẻ của mình.
Những
người Việt-Nam nham-nhở
Mới
đây thôi, khi đi xin chữ ký tại Văn-phòng một Hội
cao-niên, tôi mới nhận ra trong đám anh em cùng chung dòng
máu Hồng Lạc với mình sao lại có lắm những kẻ
nham-nhở như vậy. Vì đây là hội tương-tế, nghĩa là
những ai ghi tên nhập hội thì ngoài việc đóng niên-liễm
ra, mỗi khi có hội-viên nào qua đời thì những hội-viên
còn lại sẽ góp mỗi người mười Úc-kim…Đại-để
kiểu như tiền tích-luỹ cho ngày chung cuộc của mình. Vì
muốn nhân vào những ngày hội-viên đến đóng tiền
tương-tế, có nhiều người tới lui tấp-nập nên
Ban-điều-hành ở đây cho kê chiếc bàn ngay lối ra vào
để mời từng người cho xin một chữ ký trên
thỉnh-nguyện-thư về vấn-đề môi-trường bên Việt-Nam.
Và từ đây đã học được nhiều mặt về cài điều
“cùng chung một dòng máu Tiên Rồng” với muôn mặt đã
biến-dạng đến độ khó nhìn ra.
Có người
chưa kịp mời thì đã đến hỏi trước là việc gì vậy
và vui-vẻ cầm bút ký, kèm theo câu nói mát ruột “những
việc như thế này không ủng-hộ thì còn nói làm gì…”.
Có người sau khi giải-thích xong thì ký ngay với câu
xã-giao đẹp “Chúc thành-công”. Có người nghe xong thì
hỏi một lô câu hỏi rồi lắc đầu bỏ đi với lời
giải-thích không ký được vì sợ lỡ có chuyện gì…Cái
chữ “lỡ” lo xa này không biện-minh cho được điều
gì ngoài sự tự tố-giác tính vị-kỷ. Có người thì
vừa bước vào cổng, thấy chiếc bàn có thỉnh-nguyện-thư
đã vội né tránh, chọn lối đi vòng xa-xa đi vào
văn-phòng. Có điều như vậy vẫn còn đỡ hơn có vài ba
trường-hợp không thể hiểu nổi, mà chỉ có thể
giải-thích theo lòng dạ ích-kỷ và cầu-an của người
mình. Rồi vì ích-kỷ quá, cầu an quá mà thành nham-nhở.
Song đã có vài ba thái-độ rất quá đáng mà xét kỹ
lại thấy có thể là tiêu-biểu cho một số thành-phần
không nhỏ giữa chúng ta.
1. Một
ông đi ngang qua bàn ký tên, nghe người đứng xin chữ ký
giải-thích với người khác xong thì phán ngay một câu
“làm trò ruồi bu”
và nhún vai rất hách-dịch, bỏ đi…Đây là điển-hình
của những người sau khi được cứu vớt bằng danh
nghĩa “thuyền-nhân tỵ-nạn cộng-sản” xong thì chỉ
lo cày cuốc ở nơi chốn mới đến. Sau khi ổn-định
được cuộc sống rồi thì thấy quá ấm-êm, không cần
phải nghĩ-ngợi gì nữa cho thêm phiền. Bởi vậy cũng
không muốn ai phiền đến mình, nhưng khi nhìn người khác
làm việc chung, tham-gia các việc công-ích thì lại thấy
khó chịu nên phải tìm cách chê-bai hay chỉ-trích hoặc
ngồi rung đùi chửi đổng cho vui tuổi già rồi chờ
chết. Họ ăn nói và khen chê vô-tổ-chức, vô-thưởng-phạt.
Không khi nào góp tay làm bất cứ việc chung nào, nhưng
việc nào cũng xía vào phê-phán, cho ra vẻ mình còn cái
đầu có óc trong đó. Và bây giờ lo hưởng cho hết ý
nghĩa của thành-ngữ “tha-phương cầu thực” là xong.
2. Một
bà mặt hoa da phấn tung-tăng đi ngang, vừa nghe mời ký
tên xong thì xua tay với câu nói “…Việt-Nam
hả, cai đi”. Đúng là “dân chơi
thứ thiệt”. Căn-cứ vào câu nói, người viết muốn
bầu bà làm đại-diện cho thành-phần “năm cha ba mẹ”,
có truyền-thống nào đâu mà giữ. Đồng thời, văn-hoá
chắc cũng không có gì. Vì vậy khi may mắn lọt được
ra nước ngoài rồi thì bị choá mắt ngay với cơm no, áo
đẹp nên từng ngày chỉ lo chạy theo và bắt chước
thiên-hạ, bỏ rơi quá-khứ và từng bước tự-mãn đi
xa khỏi nguồn cội.
3. Lại có
một ông ra vẻ học-hành, cầm tờ thư bằng Anh-ngữ lên
làm như đọc kỹ lắm rồi trả lại và bỏ đi sau một
câu kết-luận rất “hiểu biết” là…”Úc
thì ăn thua gì đến chuyện ở Việt-Nam mà giúp…” Thế
là đến lúc phải thưa
với ông rằng vậy ai đã cho ông đến đứng ở đây nếu
không là nước Úc.
Thật
tủi cho Nancy Nguyễn Vy Hạnh và Vũ Ngọc Hân cùng những
người trẻ Việt-Nam hôm nay khi đứng chung trong hàng ngũ
con cháu của các bậc ông bà, cha anh như thế. Và cũng
phải chăng từ những sự nham-nhở như trên mà đã
sản-sinh ra muôn vàn nỗi sợ đè nặng trên vai lớp trẻ
để họ trở thành vô-cảm và vô trách-nhiệm.
Những
nỗi sợ của cha anh
Nói
chung, thường thì
cha mẹ nào chẳng lo cho con cái và chẳng muốn con mình
được bình-an và tốt đẹp. Nhất là trong hoàn-cảnh
chung của đất nước Việt-Nam, đa số các bậc cha anh
đều không muốn con em mình bị rầy-rà về chuyện nước
non, chuyện tranh-đấu, chuyện lên tiếng lương-tâm trước
bạo-quyền. Thành vậy mà có những người trẻ Việt-Nam
hôm nay chưa bao giờ có dịp dùng những chữ như
nhân-quyền, độc-lập, tự-do, bình-đẳng, để rồi đến
một ngày nào đó người trẻ Việt-Nam sẽ không hiểu
luôn cả ý nghĩa của những chữ này.
Các
bậc cha anh của họ sợ những gì?
- Sợ con em bị liệt vào thành-phần phản-động cho nên từng câu nói, từng việc
làm của
các người trẻ trong gia-đình đều bị để ý và bị
bao vây còn hơn công-an khu vực.
- Sợ con em mình bị thành đối-tượng của chính-quyền trong các vụ theo dõi,
bắt bớ
và tù đầy nên chỉ cần thấy con em mình không tham-gia
bất cứ việc gì liên-can đến đấu-tranh, cho dù là đấu
tranh với cái ác, cái bất-công thì các bậc cha anh cũng
hớn-hở, tự-mãn về nhà nhiều phúc-đức, có được
con ngoan.
- Sợ con em mình mất việc làm, mất cuộc sống ổn-định cơm áo, nhà cửa đất
đai, tài
sản…
- Và sợ tất cả những gì dính-dáng đến nhà nước, đến chính-quyền. Và ở hải-
ngoại thì
là các bậc cha anh cũng sợ con em mình gia-nhập các
hội-đoàn, đoàn-thể hay sinh-hoạt đấu-tranh mà lơ-là
với việc kiếm thêm cho đầy túi tiền bạc.
Có điều, tuổi trẻ nào sinh ra cũng mang tính
thiện, cũng có tính năng-động
và muốn
được tự-do đi tới trong một hướng nhìn của họ. Họ
không thể ngồi yên hay lăng-xăng như những con lật-đật
theo ý cha anh suốt ngày này tháng khác. Cho nên, thay vì
được cha mẹ để họ chọn lựa, hay hướng-dẫn và
tiếp-sức cho họ tìm một lý-tưởng để thực-hiện ước
mơ chính đáng của đời người mà nếu không có thì họ
lại nhập cuộc trong các sinh-hoạt khác. Họ đua xe, họ
đánh lộn hay tìm đến các khu có nhiều người trẻ
quần-tụ để vui chơi nhảy nhót hoặc xa hơn nữa là các
sinh-hoạt thiếu lành-mạnh, thiếu lương-thịện và đi
đến các việc phi-pháp là chuyện thường.
Chung cuộc,
người lớn cầu-an và sợ-hãi thì ngưởi trẻ mất hướng
và nếu không lao vào đời như những con ngựa không cương
thì cũng lại là những kẻ mà như ông bà vẫn gọi, chỉ
là giá áo túi cơm.
Điều này
có đáng sợ hay không?