Một thoáng hoài niệm: Nhớ Cha Lương Tấn Hoằng

Chúng tôi đến chào giã biệt Cha vào quá ngọ, một ngày cuối trung tuần tháng hoa, năm 2010, trời chợt mưa, chợt nắng.

Căn phòng nằm sâu 5 tầng dưới lòng đất của một bệnh viện tư ở Antony, vùng 92 ngoại ô nam Paris. Đèn néon rọi sáng tường vôi buồn bã, chưa tới ngày tẩn liệm, di quan nên không ảnh tượng, không hoa nến, trên giường đẩy Cha nhắm mắt xuôi tay, tấm drap trắng phủ trọn bờ vai, để lộ cổ áo lễ màu ngà. Nét mặt lạnh thư giản, xanh xao bình thường của một người mất sự sống. Mái tóc dợn sóng lấm tấm bạc (Nhớ ra thì hồi đầu năm Cha vừa mừng thượng thọ tám mươi với gia đình và một số bổn đạo thân cận).

Ở vào lớp tuổi mỗi sáng thức dậy « nghe nặng từ tâm lượng đất trời » thì dĩ vảng có nhớ, có quên. Hồi tưởng lại bằng chút ít hình ảnh còn lưu giữ, viết những dòng nầy, thay nén hương, thắp cho người vừa nằm xuống. Thân phận con người thường sống chung mà chết lẻ. Trí nghĩ miên man đưa dẫn tôi nhớ lại thời sinh viên, khoảng đầu thập niên 60.

Từ nhà thờ Đức Bà trở về Tân Định, trên đường Duy Tân, tôi bất chợt trông thấy một cha trẻ với tu phục dòng Biển Đức hai sắc trắng đen phom phom trên chiếc xe Honda Nhật màu đỏ, chở đầy ắp một giỏ thật lớn đựng toàn thức uống giải khát cho mùa nóng ở VN. Hình ảnh « nhập thế » đơn sơ gánh việc của một nam nhi xem ra bình thường, nhưng với những người « nguyền theo Chúa áo dòng che thân » thời ấy dường như hãy còn khá mới.

Về sau được biết đó là Cha Hoằng, từ đan viện tận miền Trung về thăm gia đình, ông bà cố Lương Tấn Hanh và các em ở cư xá Duy Tân.

Thời ấy, ngoài đoàn Thiếu Nữ Công Giáo ở Nhà thờ Đức Bà, tôi bắt đầu tham gia sinh hoạt với Hiệp Hội Thánh Mẫu Sinh Viên VN (Congrégation Mariale Universitaire CMU) do Cha Antoine Bùi Vĩnh Phước làm Tuyên Úy rủ gọi, trụ sở ở trường Taberd. Hoạt động hằng tuần là khám bệnh và phát thuốc thông dụng miễn phí cho đồng bào nghèo vùng Chánh Hưng, quận 8 Saigon. (Sau nầy mở thêm ở Mai Thôn, Cầu Kinh Thị Nghè)

Đến lúc Cha Phước mãn nhiệm ở Taberd, trong vai trò Trưởng ban Tổ chức Tĩnh Tâm-Du Ngoạn (một ngày) sau mỗi kỳ thi của các đại học, các dịp lễ lớn, long weekend… tôi bó buộc phải liên lạc « tìm cha » theo gợi ý của các đoàn viên (Cha Tổng Tuyên Úy Đỗ Minh Lý bận xứ đạo của Ngài, chỉ đến dịp lễ tuyên khấn). Dĩ nhiên bao giờ cũng tế nhị thông qua Frère Adrien, vị sư huynh thẩm quyền, đồng hành thầm lặng với CMU trong mọi tình huống. Đó là cơ duyên khởi đầu hoạt động với Cha Hoằng, lúc ấy vừa rời vùng bụi mù cát đỏ, trở về Saigon, làm phó sở Nhà thờ Đức Bà.

Không chính thức làm Tuyên Úy, thời gian sinh hoạt với CMU cũng không lâu, dường như chưa tới 2 năm, nhưng Cha đã lưu lại dấu ấn, đồng hành cùng CMU trong các công tác : viếng thăm, phát quà, chiếu phim lưu động ở trại tế bần Chánh Hưng, nhà thương phong cùi Chợ Quán, viện dưỡng lão Thị Nghè, cô nhi viện Gò Vắp… tổ chức « cây mùa xuân » ở xóm nghèo vùng Bình Đông, Bàn Cờ, Chợ Đủi… (Viết tới đây cũng nghĩ đến các sư huynh Lasan quá cố đã sáng lập CMU, tạo một môi trường cho thế hệ trẻ hoạt dộng, hổ trợ các sáng kiến, năng khiếu, khuyến khích tinh thần bác ái, không phân biệt tín ngưỡng. Nhiều anh chị « ngoại đạo », sau một thời gian sinh hoạt cùng CMU đã gia nhập vào hàng ngũ Dân Chúa.)

Nhưng hợp rồi tan, theo dòng đời biến động của đất nước đang chiến tranh, thế hệ chúng tôi lần hồi tản mác : lập gia đình, ra trường đi tạo sự nghiệp cá nhân hay theo lệnh động viên vào đời quân ngũ.

Sau Tết Mậu Thân 1968, trước khi rời VN về Pháp, Cha Albert Troger MEP phó thác nhà thờ Phú Lâm do ngài khởi công xây cất còn dang dở cho Cha Hoằng. Được Đức Tổng GM Nguyễn Văn Bình chuẩn y, rồi còn bổ nhiệm làm Tuyên úy Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo. Từ đó Cha lui tới thêm nơi Cư Xá Sinh Viên Phục Hưng, giao tiếp với Thanh Sinh Công v.v….

Rồi một hôm Cha đề nghị với chúng tôi, một số ít anh chị em CMU còn ở lại Saigon, mở một phòng y tế nho nhỏ nơi nhà xứ Phú Lâm, khám bệnh miễn phí cho đồng bào vào mỗi chiều thứ bảy từ 14 giờ đến 17 giờ.

Sau đó Cha bận bịu thêm chương trình giúp trẻ em ngoài hè phố. Thỉnh thoảng Cha nhờ tôi đi thăm (kín đáo, nhìn chừng thì đúng hơn) nhà nuôi Trẻ Bụi Đời. Không được biết những người thiện nguyện khác, tôi chỉ tiếp xúc với bà mẹ (có lãnh lương như các làng SOS Villages d’Enfants), anh tài xế và các trẻ em, phần lớn tuổi vị thành niên. Có một anh Mỹ trẻ, dường như tên Dick (hay Tom ?) năng động, giúp Cha xoay sở nhiều thứ, song tôi chỉ thoáng gặp một lần khi phải vào nhà thương Chợ Quán (thay anh ấy bận việc vắng mặt vài giờ), canh chừng một em thiếu niên ghiện ma túy đang chữa cai thuốc, không thể để một mình.

Rồi khoảng năm 1974, Cha lại gọi tôi đi thăm một nhà mới lập không bao lâu, lần nầy dành làm nơi cư ngụ cho một số phụ nữ hoàn lương, chờ học nghề và tìm việc. Cha hi vọng phát triển được công tác nầy sau chuyến Âu du vận động tài chánh. Nghe nói Đức chấp nhận tài trợ, nhưng tôi chỉ mới đến một lần thôi, rồi tới biến cố 1975…

Đầu đời ly hương, chúng tôi gặp lại Cha Hoằng ở Giáo Xứ VN Paris, lúc hãy còn tọa lạc ở đường Boissonnade, Paris 14. Mùa thu năm 1979, Cha lại thân hành chở cả gia đình đến ngôi nhà nguyện đơn sơ ở Villiers Le Bel cử hành nghi thức thanh tẩy cho con gái út của chúng tôi, như các lần ở Taberd và Phú Lâm.

Dáng dấp cao khỏe mà tiếng nói thì nhẹ nhàng, thủ thỉ… rất mẫn cảm với những hoạn nạn, tai ương, đau khổ của những người bị xem như bất hạnh ; ôm hoài bảo dấn thân góp phần trực tiếp giải quyết các vấn nạn lớn của một đất nước chiến tranh như trẻ bụi đời, phụ nữ hoàn lương… song song với công việc mục vụ của giáo xứ Phú Lâm vẫn tiếp tục phát triển sau ngày khánh thành nhà thờ.

Nghe kể từ năm 2000 - 2003, dịp hè Cha trở lại cố hương dạy Pháp văn nơi đan viện Thiên An, cho đến khi bị soi mạch tim lần thứ hai, do lời khuyên cấm của bác sĩ điều trị Cha không trở về VN nữa. Rồi tại Pháp, mấy năm gần đây, Cha bị Tai biến Mạch máu Não. Sau thời gian dài tịnh dưỡng, Cha lại tiếp tục làm mục vụ, chuyển bài giảng qua internet…

Sân khấu nhân gian vắng bóng một người. Cuốn sách đời vừa khép lại. Ngậm ngùi tiếc thương và cầu nguyện cho người chọn lý tưởng phục vụ tha nhân, suốt đời hoạt động để Danh Cha cả sáng.

Tạ Thanh Minh-Khánh