Cảnh Đấy Người Đây Luống Đoạn Trường

Cách đây 47 năm, 1959, lúc tôi mới học năm đầu Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, tôi đến Câu Lạc Bộ Phục Hưng làm quen với sinh hoạt sinh viên Công Giáo lần đầu. Tôi nhớ đó là một đêm văn nghệ tất niên được tổ chức ngoài sân cư xá sinh viên Phục Hưng với một sân khấu lộ thiên và những giây đèn xanh đỏ kéo chung quanh. Tài tử chính trong màn kịch là một anh chàng có dáng cao cao và móm xọm, sau này mới biết là Trần Ngọc Báu. “Ấn tượng” nhất đối với tôi đêm đó là tiết mục đơn ca do một chị sinh viên hát. Tôi rất tiếc không nhớ tên chị, nhưng nhớ rất rõ giọng cao vút của chị khi ca bài “Đường Nào Lên Thiên Thai” với lời ca rất trữ tình: “Cầm tay anh em hỏi đường nào lên thiên thai?...” để cuối cùng được trả lời: “Ấy đường qua khóe mắt thơ ngây, tiếng nhạc tiên lẫn tiếng thơ say, đưa hồn anh lạc vào tận... tim... ai”.

Thế là tôi chính thức gia nhập đoàn sinh viên Công Giáo sau đêm ấy. Chúa gọi mỗi người một cách. Cách Chúa gọi tôi vào đoàn (xin phép được đao to búa lớn một tí) không có vẻ đạo đức tí nào. Nhưng khi gia nhập đoàn, tôi lại sinh hoạt tại một đơn vị sực mùi đạo đức: Tiểu đội Đạo Binh Đức Mẹ Sinh Viên (Legio Mariae, Presidium Sinh Viên). Nói là tiểu đội nhưng có cả hai chục người, đa số là những sinh viên cựu và sinh viên già đáng bậc đàn anh đàn chị của tôi. Tiểu đội trưởng là chị Đạm Vân, tiểu đội phó là chị Kim Hường. Cả hai chị đều thuộc tu hội AFI (Auxiliaires Féminines Internationales), một tu hội cho phép các chị ăn diện như tiểu thư, quần là áo lượt, son phấn nữ trang như ai. Những tay cổ thụ trong tiểu đội thì có các anh Trần Qúi Thái (đã tốt nghiệp dược sĩ, được anh em gọi yêu là Thái trắng không râu), Trần Anh Linh, Trần Ngọc Báu v.v... Linh hướng là cha Nguyễn Huy Lịch. Khi cha bận thì có cha Hoàng Quốc Trương (giáo sư biologie và có lúc làm khoa trưởng phân khoa Khoa Học) thay thế. Sau này, tiểu đội chúng tôi đông “lính” qúa, phải tách làm hai, nên có thêm cha Ánh đến giúp. Tham gia Đạo Binh Đức Mẹ là phải đi họp mỗi tuần, ngoài việc qùi gối lần hạt năm chục, còn phải đọc kinh Catena tràng giang đại hải và nghe cha linh hướng giảng. Gay go nhất là mục báo cáo công tác. Mỗi hội viên phải trình với tiểu đội những công tác đạo đức mình đã làm trong tuần qua, dự tính công tác trong tuần tới, nghe lời góp ý của anh chị em và cha linh hướng. Kiểu làm việc này có vẻ hơi giống sinh hoạt của một chi bộ “đảng” đấy nhé. Công tác phải làm là những hành động cụ thể, như thăm người bệnh, phát thuốc trong xóm lao động, dậy kèm học sinh nghèo, nói về đạo cho bạn bè ngoại đạo, giúp đỡ những người muốn vào đạo v.v... Tôi ngán nhất màn báo cáo này vì vốn làm biếng nên không có gì để báo cáo. May thay cha linh hướng và mấy anh chị lớn phán rằng những hoạt động phục vụ cho Sinh Viên Công Giáo cũng được kể là những công tác. Tôi bèn lập tức nhẩy vào xin việc với nhóm làm báo “Thông Cảm”, tờ báo của sinh viên Công Giáo ra mỗi năm nhiều kỳ, in ronéo nhưng có bià in mầu đàng hoàng. Anh Thái trắng là linh hồn của phần biên tập. Tôi cũng theo anh viết lách, ký bút hiệu Mặc Giao. Thật ra bút hiệu này tôi đã dùng lần đầu cho một truyện ngắn đăng trong Đặc San Chu Văn An niên khóa 1956-57. Bút hiệu chẳng có gì đặc biệt. Giao là do chữ Giáo, tên cúng cơm của tôi đọc trại, Mặc là mực. Mặc Giao là giao tình bút mực, giao hữu văn chương. Nhưng bút hiệu này đã vận vào cuộc đời tôi, dứt không ra, vì khi đi làm báo thật để kiếm sống tôi cũng lấy bút hiệu này. Từ đó về sau ai cũng gọi tôi bằng bút hiệu, chẳng mấy người biết tên trong khai sanh của tôi là Phạm Hữu Giáo. Xin lỗi được nói ngoài đề một tí để anh em khỏi hiểu lầm tôi là cháu chắt của Mạc Đăng Dung. Trong nhóm làm báo còn có Đỗ Hữu Nghiêm, Nguyễn Văn Lan, một ông đồ Nghệ hay cãi lý và nhiều cây bút khác tôi không nhớ hết. Phần đánh máy stencil và quay ronéo thì có các anh Hoàng Nguyên Đán, Long lùn và Phụng lé hăng hái nhất. Lúc đó chúng tôi coi trời bằng vung, đề tài lớn nào cũng dám chơi, ông lớn nào cũng dám chọc. Bây giờ nghĩ lại thấy mắc cở. Nhưng lúc đó Bố Lịch chỉ vừa đọc vừa ngậm ống vố cười hích hích, lại còn khích thêm: “Cứ viết nữa đi”.

Ngoài Legio Mariae sinh viên còn có Hiệp Hội Thánh Mẫu sinh viên gồm dân trường Tây do cha Cras làm tuyên úy. Có Thanh Sinh Công đại học gốc gác từ trường La San để phân biệt với Thanh Sinh Công trung học của cha Đỗ Long Bộ. Có ca đoàn Trùng Dương với anh Trần Văn Qúy làm ca trưởng và các anh Lai Quốc Hùng, Vũ Sinh Hiên phụ tá. Ngoài ra còn có các nhóm sinh viên công giáo thuộc các phân khoa lêu bêu không thuộc những nhóm trên. Vì thế, để phối hợp những sinh hoạt đa dạng của tất cả các nhóm, Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo Đại Học Sài Gòn đã được thành hình. Các anh Trương Quang Ngọc, Nguyễn Ứng Long, Lê Minh Tâm (Tâm gà), Nguyễn Phúc Khánh (Khánh râu), Trần Ngọc Báu (Báu móm)... đã thay nhau làm chủ tịch. Cha Nguyễn Huy Lịch làm tuyên úy của Liên Đoàn. Sau có cha Phạm Long Tiên từ Pháp về phụ giúp và coi Câu Lạc Bộ Phục Hưng. Ban chấp hành Liên Đoàn và các nhóm sinh viên sinh hoạt tại Trung Tâm Phục Sinh, một biệt thự nằm sát Câu Lạc Bộ Phục Hưng, góc đường Hiền Vương và Nguyễn Thông. Các anh lưu trú viên Câu Lạc Bộ Phục Hưng cũng sang sinh hoạt Liên Đoàn, nhưng đa số là những anh chị em ở ngoài đến. Năm 1964, anh Trần Ngọc Báu đang làm chủ tịch Liên Đoàn, tôi làm phó chủ tịch nội vụ và chị Đặng Mộng Thu làm phó ngoại vụ, anh Báu xin từ chức để ra tranh cử chức chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn với Lê Hữu Bôi. Tôi được đôn lên thay anh Báu làm chủ tịch, Anh Đào Duy thay tôi làm phó chủ tịch nội vụ. Sau đó Liên Đoàn thay đổi cơ cấu tổ chức: có một chủ tịch đoàn gồm đại diện các phân khoa và các nhóm đặc biệt (Legio Mariae, Hiệp Hội Thánh Mẫu...), Ban Chấp Hành được điều khiển bởi một Tổng Thơ Ký và tôi lại được bầu vào chức vụ này. Trong thời gian giữ chức vụ Tổng Thơ Ký của cơ cấu mới, tôi đã cùng anh chị em thực hiện được một số việc đến giờ vẫn chưa quên:

- Hành hương thánh địa La Vang: Năm 1965, chúng tôi xin được máy bay của không quân chở một đoàn sinh viên Công Giáo Sài Gòn ra Huế, nhập với anh chị em sinh viên Công Giáo Huế, làm một cuộc hành hương đi bộ từ Huế ra La Vang, đường dài khoảng 60 cây số. Chúng tôi khởi hành tại nhà thờ Phủ Cam, vác cây thánh giá gỗ đi đầu, hàng trăm sinh viên sắp hàng theo sau, vừa đi vừa đọc kinh và ca hát. Dân chúng thành phố Huế và dọc quốc lộ 1 không khỏi hiếu kỳ khi thấy một đoàn sinh viên “xuống đường” một cách hòa bình như vậy. Chặng đầu anh em còn vui vẻ, hăng hái. Sau vài chục cây số, bà con oải dần, hết muốn hát, tiếng đọc kinh yếu đi, đòi được ngồi nghỉ bên vệ đường. May thay, có đoàn xe vận tải GMC của nhà binh đi qua, chúng tôi xin qúa giang và được chở một đoạn 30 cây số. Như vậy tổng cộng chỉ còn 30 cây số đi bộ. Lượt trở về Huế, dĩ nhiên phải đi xe. Đến La Vang, chúng tôi dự thánh lễ, viếng tượng đài nơi Đức Mẹ hiện ra. Hôm sau, tham dự hội thảo, đi đàng Thánh Giá tại quảng trường. Lúc đó La Vang đã hoàn tất việc xây cất, mọi sự còn đẹp đẽ, “hoành tráng”, chưa bị tàn phá thảm thương vì chiến cuộc.

- Thành lập Tổng Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo Việt Nam: tôi không nhớ rõ ngày tháng chính xác, nhưng chắc là khoảng cuối 1965, đầu 1966, các bạn đại diện ngoài Huế và Đà Lạt đã về Sài Gòn tham dự Đại Hội Sinh Viên Công Giáo toàn quốc lần đầu tiên. Sau những ngày thảo luận, anh em đã quyết định thành lập Tổng Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo Việt Nam. Cũng lại cơ cấu Chủ Tịch Đoàn với đại diện sinh viên Công Giáo thuộc 3 đại học và một Ban Thường Vụ do một Tổng Thơ Ký đứng đầu được bầu ra gồm toàn “người Sài Gòn” cho dễ làm việc. Phong Trào Sinh Viên Công Giáo Quốc Tế gửi vé máy bay mời đại diện Việt Nam tham dự đại hội của Phong Trào tại Colombo, thủ đô của Ceyland (Sri Lanka hiện nay). Anh em cử tôi đi đại diện. Tôi đã trầy da tróc vẩy xin được cái chiếu khán xuất cảnh từ Bộ Nội Vụ, nhưng không xin kịp visa nhập cảnh vào Ceyland, vì phải xin vòng qua Mã Lai. Khi được thì qúa trễ, đại hội đã bế mạc. Tôi rất tiếc đã mất cơ hội họp mặt với sinh viên Công Gíáo toàn cầu.

- Cuộc hội thảo tại Vũng Tàu: vào dịp hè 1966, chúng tôi tổ chức một trại hè hội thảo cho sinh viên Công Giáo Sài Gòn và Đà Lạt. Anh chị em ngoài Huế vì xa xôi không thể về dự. Điều đặc biệt là chúng tôi mời các ông Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, Nguyễn Đình Đầu đến thuyết trình, khiến nhiều linh mục trách cứ chúng tôi là tại sao lại mời mấy ông “thiên tả, cấp tiến” đến nói chuyện với sinh viên. Tôi trả lời rằng chúng con đã nghe các cha giảng nhiều rồi, bây giờ muốn đổi món, mời mấy ông giáo dân có lập trường khác để sinh viên được nghe những tiếng nói khác. Chúng con chủ trương cởi mở và tin rằng sinh viên có đủ khả năng tự nhận định. Sở dĩ lúc đó tôi dám nói ngon với các đấng là vì tôi đã thành sinh viên già, đang học cao học Văn Khoa, đã đi dậy học và viết báo chuyên nghiệp. Tuy nhiên, mọi sự đều diễn tiến tốt đẹp, lưu lại nhiều kỷ niệm khó quên, thí dụ Vũ Thành An (sau là nhạc sĩ nổi tiếng và hiện là thầy sáu tại Mỹ) không quen ăn đồ biển, hay trốn hội thảo đi giải quyết nhu cầu, bị anh em gọi là “An xấu bụng”. Ngay tháng 10 năm 2005, trong một buổi hội họp ở San José, bang California, tôi gặp một người đến nắm tay hỏi: “Anh còn nhớ tôi không? Trần Trọng An Sơn đây, cùng đi hội thảoVũng Tàu với anh đây”. Thế là anh em tuy tứ tán muôn phương nhưng vẫn chưa quên nhau và chưa quên những kỷ niệm thời sinh viên Công Giáo.

Ngoài một số sinh hoạt đặc biệt như trên, chúng tôi có những sinh hoạt thường xuyên hàng năm đã trở thành truyền thống:

- Đêm canh thức Giáng Sinh, thường được tổ chức tại sân Trung Tâm Phục Sinh hay cư xá nữ sinh viên Thanh Quan của các chị AFI. Chương trình gồm những lời suy niệm, những bài thánh ca, đôi khi diễn kịch, chiếu phim, rồi kéo nhau về căn cứ địa của Bố Lịch để dự thánh lễ Giáng Sinh.

- Đêm Thánh Ca mùa Phục Sinh được tổ chức trong mùa Chay. Ngoài ca đoàn Trùng Dương gà nhà, chúng tôi còn mời nhiều ca đoàn khác, như ca đoàn Đệ Tử Dòng Chúa Cứu Thế, ca đoàn Phan Xi Cô, ca đoàn Nhà Thờ Đức Bà..., có khi cả ca đoàn Tin Lành. Địa điểm trình diễn thường là nhà thờ Regina Pacis để có đủ chỗ cho số khán giả đông đảo, trong đó có cả những người thuộc ngoại giao đoàn.

- Tĩnh tâm ít nhất mỗi năm một lần, thường là vào Mùa Chay. Ngoài các cha tuyên úy cơ hữu, nhiều vị nổi tiếng khác cũng được mời đến giảng, như các cha Nguyễn Bình An, Trương Đình Hòe...

Ngoài ra, còn những trại hè, hội thảo, du ngoạn, công tác xã hội được tổ chức đều đều để sinh viên có dịp vừa học hỏi vừa vui chơi.

Những năm sau, Cha Phạm Long Tiên thành lập Phong Trào Hiệp Sinh qui tụ rất đông các bạn trẻ trung học và đại học, giúp họ sống đạo trong môi trường học đường và học hỏi để phát triển và củng cố đức tin. Lúc đó tôi đã ngưng hoạt động với Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo, được mấy ông đàn anh kéo sang sinh hoạt bên Phong Trào Pax Romana (có người gọi là nhóm Trí thức Công Giáo).

Tuy đã ra hoạt động ngoài xã hội, tôi vẫn gắn bó với các cha Đa Minh tỉnh Dòng Lyon. Cha Phạm Long Tiên đã dậy giáo lý hôn nhân cho vợ chồng tôi và rửa tội cho tất cả 5 đứa con của chúng tôi tại nhà thờ tu viện Mai Khôi. Trong lễ cưới của chúng tôi tại Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn, Cha Nguyễn Huy Lịch chủ tế và làm phép cưới, cha Phạm Long Tiên giảng thuyết, ca đoàn Trùng Dương hát lễ. Chúng tôi không bao giờ quên. Tôi biết ơn các cha Đa Minh đã hướng dẫn tôi trong tuổi thanh xuân. Tôi nghiệm rằng tuổi trẻ phải được học hỏi, phải được hướng dẫn, phải có sinh hoạt chung mới có thêm vốn liếng đức tin và hiểu biết về đạo để vào đời.

Mấy chục năm sau, kiểm điểm lại những ai mất ai còn, tôi nhớ đầu tiên đến Anh Qúy, ca trưởng ca đoàn Trùng Dương, người đã “cuỗm” được người đẹp Phan Thị Thanh Hằng, một thành viên trong ca đoàn. Sau này anh trở thành một nhà ngoại giao, cố vấn tại tòa đại sứ VNCH tại Argentine. Một hôm, vào năm 1973 hay 74, tôi nhận được một điện tín tại tòa đại sứ ở Paris thông báo thi hài ông cố vấn Trần Văn Qúy sẽ ghé phi trường Paris trên đường được đưa về nước. Khỏi cần nói sự xúc động của tôi ra sao. Đúng ngày giờ, vợ chồng tôi ra phi trường Orly chờ đón thi hài anh Qúy. Ở đó, chúng tôi chỉ gặp chị Hằng. Quan tài của anh Qúy được chuyển thẳng sang phi cơ khác để bay về Sài Gòn vài tiếng sau. Chị Hằng cho chúng tôi biết tai nạn xảy ra khi anh Qúy đi dự tiệc tiễn biệt vì anh Qúy đã hết hạn phục vụ tại Argentine. Trên đường về nhà, anh Qúy đã tông xe vào một đoàn xe lửa. Chúng tôi chỉ biết cầm tay an ủi chị Hằng. Mọi lời nói đều vô ích.

Tôi gặp cha Nguyễn Huy Lịch lần chót vào năm 1974, khi cha sang Pháp dự hội nghị Dòng. Anh chị Vũ Trùng Thân-Đặng Mộng Thu tổ chức một bữa ăn khoản đãi cha tại nhà anh chị ở ngoại ô Paris. Vợ chồng tôi được rủ đến để cha con tái ngộ. Thực đơn có cả tiết canh, lòng heo, món ăn cha rất khoái khẩu. Sau đó bặt tin. Mãi tới năm 1989, khi tôi đang mưu sự làm ăn tại Houston, Texas, tôi nhận được cú điện thoại của cha từ Paris gọi sang. Câu đầu tiên cha nói với tôi là: “Anh Giáo ơi! Về giúp nước”. Tôi trả lời cha nửa đùa nửa thật: “Con mà về tới Tân Sơn Nhứt là chắc có công xa ra đón về tận khách sạn lầu năm góc Chí Hòa”. Cha trả lời: “Không đâu, bây giờ thay đổi rồi”. Đó là lần cuối cùng tôi được nói chuyện với Bố Lịch.

Năm 1993, tôi được gặp lại cha Phạm Long Tiên tại Paris. Thời gian này, gia đình tôi đã tái định cư tại Canada được 8 năm, sau 12 năm sống ở Pháp. Cha Tiên sang Pháp chữa bệnh. Còn tôi thì từ Canada sang Pháp vì một công việc. Cha con hẹn gặp nhau tại địa điểm cử hành lễ kỷ niệm 50 năm Dòng La San Việt Nam. Sau lễ, tôi chở cha đi ăn phở và chè ba mầu tại tiệm Hawai, thuộc quận 13 Paris. Buổi chiều, tôi chở cha về nhà em tôi tại Bois Le Roi, gần Fontainebleau, cách Paris khoảng 50 cây số về phiá Nam. Chiều tối, tôi đưa cha về nơi cha tạm trú gần đó, một tu viện nữ tại Melun. Nơi đây cha được cung cấp ăn ở miễn phí nhưng phải dâng thánh lễ và giải tội cho các nữ tu. Cha con được sống với nhau một ngày, tha hồ tâm sự chuyện xưa chuyện nay. Đó là lần cuối cùng tôi được gặp cha. Năm sau cha qua đời vì bệnh ung thư phổi.

Về phiá bạn bè, người ra đi đầu tiên ở hải ngoại là anh Vũ Công, cựu lưu trú viên Phục Hưng. Anh Công định cư tại Houston, bang Texas. Lúc đầu anh cố gắng làm đủ thứ nghề để xây dựng lại cuộc đời. Rồi anh đi học tiếp, lấy được bằng chiropractor, được gọi là bác sĩ chỉnh xương. Trong khi làm nghề này, anh còn tham gia sinh hoạt chính trị của Mỹ và anh đã được đảng Cộng Hòa cử ra tranh chức dân biểu liên bang tại một đơn vị ở Houston. Anh thất cử trước đối thủ thuộc đảng Dân Chủ. Anh Vũ Công qua đời năm 2003 vì bệnh ung thư máu khi mới trên 60 tuổi. Năm ngoái, anh Trần Anh Linh nhạc sĩ định cư tại Mỹ, có thời sinh hoạt cùng tiểu đội Legio Mariae với tôi, đã mất tại Việt Nam trong chuyến về thăm quê hương. Tôi cũng được chị Mộng Thu cho biết anh Trần Qúy Thái đã qua đời tại Pháp. Cầu cho các anh được an nghỉ trong nước Chúa.

Đó là những người đã mất mà tôi biết. Còn ai khác nữa tôi không hay. Đối với những người còn, tôi gặp lại một số tại Pháp như anh chị Thân-Thu, anh chị Long-Yến, chị Khuê, chị Cẩm Vân, linh mục Đinh Đồng Thượng Sách. Anh Sách là một cựu Phục Hưng. Khi tôi tới Paris làm việc năm 1973, anh Sách đã thành cha, ở một nhà dòng gần Place Charles De Gaulle – Etoile, thỉnh thoảng rủ tôi lại phòng uống trà. Ở Mỹ, những người tôi gặp lại sớm nhất là anh Cường ở Oklahoma City năm 1977, anh Nguyễn Phi Hoàng tại New Jersey gần New York năm 1978, Nguyễn Trần Qúy tại Houston. Mãi đến năm 2003, tôi mới gặp lại anh chị Bửu Sao, anh chị Đỗ Hữu Nghiêm, anh chị Đỗ Anh Tài và anh Nguyễn Tiến Cảnh tại Orange County trong Đại Hội Truyền Thông do nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân tổ chức. Được gặp lại anh chị em đông đảo nhất là dịp lễ giỗ 10 năm cha Phạm Long Tiên tại Westminster, California năm 2004. Dịp này tôi gặp lại các anh Lê Châu Lộc, Nguyễn Phi Hoàng, đặc biệt chị Khuê Các, anh Nguyễn Công Bình và rất nhiều các bạn cựu Hiệp Sinh cũng như các bạn cựu sinh viên trẻ hơn tôi. Nói trẻ là nghĩ tới thời xưa. Bây giờ tái ngộ chẳng còn thấy má hồng tóc xanh ngày nào, chỉ gặp toàn gặp những ông bà chững chạc, tóc đã ngả hoa râm, người trẻ nhất cũng trên 5 bó. Ngoài ra, tôi bắt liên lạc được với một số bạn cũ như Phạm Xuân Cảnh, Trần Ngọc Báu ở Thụy Sĩ nhưng chưa bao giờ gặp lại nhau, chỉ trao đổi qua email. Tôi cũng liên lạc được với Đào Duy đang sống ở Hoa Kỳ bằng email.

Đó là nói về những bạn đã bỏ nước ra đi. Những bạn ở lại tôi không thể nhớ hết. Thỉnh thoảng được tin bạn này bạn kia, như bạn Hiên vẫn đi dậy học, bạn Bích, bạn “Nerhu” đã hành nghề luật sư trở lại, anh chị Khánh vẫn khỏe mạnh, làm ăn khấm khá, bạn Nguyễn Văn Ngọc (tục danh Ngọc Méo), có thời cùng Ban Chấp Hành Liên Đoàn với tôi, đã từng làm ông lớn của chế độ, hình như phó chủ tịch Ủy Ban Tôn Giáo Nhà Nước. Có điều ít ai biết là Ngọc Méo là bõ đỡ đầu cho thằng con thứ nhì của tôi năm 1967. Năm nay nó đã 39 tuổi, làm việc cho một công ty của Canada. Năm ngoái, Department do cháu trách nhiệm ký với chính phủ Việt Nam một khế ước trị giá nhiều chục triệu Mỹ kim. Đáng lẽ cháu phải về Việt Nam để “set up” công việc. Không hiểu sao nó lại cử người khác về thay. Tôi nói dỡn với cháu: “Con mà về sẽ được bõ đỡ đầu đón rước linh đình, muốn vô cửa nào là bõ đưa qua cái một”. Nó chỉ cười, không trả lời. Chắc nó không muốn rơi vào tình trạng “conflict of interest”. Ông bạn Ngọc Méo ơi! Ông đỡ đầu thằng con tôi mà ông chẳng giúp tôi dậy dỗ nó về đạo. Nếu trước đây tôi phải đi cải tạo thì ông dậy nó cái gì? Có dậy theo ông không?

Các bạn thân mến,

Các cha Đa Minh tỉnh dòng Lyon (nay đã nhập chung với tỉnh dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam) đã ấp ủ nhiều thế hệ trẻ chúng ta dưới mái nhà Phục Hưng và Phục Sinh. Sau đó chúng ta đã tung cánh vào đời. Bây giờ chúng ta có mặt ở muôn phương, thất bại cũng có, thành công cũng nhiều, nhưng tất cả đều nhớ về các cha kính mến, các bạn bè thân yêu để tạ ơn các cha và cám ơn nhau vì một thời thanh xuân được yêu thương, dẫn dắt và chia sẻ những niềm vui. 50 năm kẻ mất người còn, kẻ ở người đi. 50 năm nhìn lại thấy thời gian qua mau. Nhưng 50 năm sống từng ngày với những niềm vui và nỗi khổ không phải là chuyện dễ dàng:“Trăm năm thì ngắn, một ngày dài ghê”. Cơ sở Phục Hưng đã tìm lại được, nhưng tinh thần Phục Hưng còn đó hay không? Người Phục Hưng nay dâu? Liệu có còn cơ hội gặp lại nhau một lần nữa trong cuộc đời này?

Cảnh đấy người đây luống đoạn trường !

Calgary, Canada 2006-2007

MẶC GIAO