Ngày Quốc tế Nhân quyền năm 2009 đánh dấu kỷ niệm 61 năm ngày Liên Hiệp Quốc ban hành Bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền (viết tăt là Tuyên Ngôn) tại thành phố Paris, thủ đô của nước Pháp vào ngày 10 tháng 12 năm 1948. Văn kiện quan trọng vào bậc nhất này của thời đại chúng ta vừa có giá trị luân lý đạo đức, vừa là cơ sở triết học về luật pháp cho toàn thể các dân tộc đang sinh sống trên hành tinh trái đất ngày nay. Tiếp theo vào năm 1966, Liên hiệp quốc lại đã phê chuẩn hai công ước quốc tế nữa để chi tiết hóa việc thực hiện những nguyên tắc đã được ghi trong Bản Tuyên Ngôn. Hai công ước đó là :
* Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị,
* Công ước quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa.
Hai bản công ước này hợp với Bản Tuyên Ngôn thành Luật Quốc Tế Nhân Quyền (The International Bill of Human Rights) do Liên hiệp quốc chính thức ban hành vào năm 1976, sau khi hai công ước nói trên đã được đa số các quốc gia trên thế giới phê chuẩn.
Năm 2009 này Liên hiệp quốc đã phát động một chiến dịch “ Chống Nạn Kỳ thị “ (Non-Discrimination) nhằm kêu gọi các quốc gia phải tích cực hơn nữa trong việc bảo vệ công dân của mình thoát khỏi tệ nạn kỳ thị dưới bất kỳ hình thức nào, lý do nào. Tưởng cũng nên ghi lại Điều 1 của Bản Tuyên Ngôn như sau :
Điều 1 : Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi. Họ đều có lý trí và lương tri, và phải đối xử với nhau trong tình huynh đệ.
Vị Cao ủy về Nhân quyền của Liên hiệp quốc mới đây còn tuyên bố rõ rệt là : “ Nạn kỳ thị là nguồn gốc của nhiều vấn đề nóng bỏng cấp thiết về Nhân quyền của thế giới hiện nay. Mà không một quốc gia nào thoát khỏi cái tệ nạn này. Bởi vậy, việc loại trừ nạn kỳ thị là một bổn phận hàng đầu của hết thảy chúng ta “.
Nhìn chung trên thế giới, thì tại khắp nơi, ngay tại các quốc gia được gọi là tiến bộ nhất như ở Âu Mỹ, hiện vẫn còn nhiều sự kỳ thị, phân biệt đối xử về nhiều lý do khác biệt về sắc tộc, màu da, tôn giáo, chính trị v.v… Và riêng tại Việt nam quê hương chúng ta, thì do chủ trương độc tài chuyên chế toàn trị của đảng cộng sản, tệ nạn kỳ thị vì lý do chính trị và nhất là vì lý do tôn giáo vẫn còn rất nặng nề, gay gắt. Điển hình là tại những cộng đồng người sắc tộc thiểu số ở các vùng cao nguyên, các tín đồ theo đạo Tin lành vẫn còn bị sách nhiễu, cấm cản, đàn áp khủng bố vì lý do tôn giáo. Sự thể đáng buồn này phát xuất từ quan niệm cực kỳ lạc hậu của giới lãnh đạo đảng cộng sản luôn coi “Tôn giáo là thứ nha phiến làm mê hoặc quần chúng”, do đó mà họ đã thẳng tay tìm cách triệt hạ không thương tiếc đối với mọi tổ chức tôn giáo, đặc biệt của người sắc tộc thiểu số vốn không có sức đề kháng mạnh mẽ so với các tín đồ thuộc sắc tộc người Kinh. Tình trạng này đã được nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, điển hình là Human Rights Watch, đã và đang quan tâm theo dõi và phê phán nặng nề đối với chánh quyền Hanoi.
Cũng như mọi năm, vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân quyền, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt nam thường tổ chức Lễ Trao Giải Nhân quyền Việt nam hàng năm kể từ năm 2002 cho các nhân vật tranh đấu cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền ở quốc nội. Năm 2009, giải thưởng này được trao cho hai người, đó là mục sư Nguyễn Công Chính và nhà văn Trần Khải Thanh Thủy.
Lễ Trao giải năm nay sẽ được tổ chức đúng vào ngày Thứ Năm 10 tháng 12 tại thủ đô Washington DC. Mà vì cũng như mọi năm, cac vị được công bố lãnh giải đều không thể đi ra ngoài nước, để đích thân nhận lãnh giải thưởng, nên họ phải cử đại diện thay thế lãnh giùm. Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy hiện còn đang ở trong trại giam. Còn mục sư Nguyễn Công Chính thì bị công an tại địa phương ở Pleiku-Gia Lai thường xuyên khủng bố, trù dập trả thù, vì đã có can đảm bênh vực người sắc tộc bị đàn áp bách hại vì lý do tôn giáo và vì đòi hỏi lại ruộng đất bị cán bộ nhà nước tịch thu, lấn chiếm bất công. Hai nhân vật này quả thật rất xứng đáng để được trao giải thưởng Nhân quyền năm 2009 này.
Chào mừng Ngày quốc tế Nhân quyền năm nay, chúng ta thật phấn khởi hưởng ứng việc Lễ Trao Giải Nhân quyền năm 2009 được tổ chức lần đầu tiên tại chính trung tâm thành phố Washington DC, thủ đô của nước Mỹ, ngay sát với Điện Capitol trụ sở của Quốc hội Liên Bang Hoa Kỳ. Đây quả thật là nỗi vui mừng hân hoan đặc biệt, không những riêng cho hai vị được tuyên dương lãnh Giải Nhân quyền Việt nam, mà còn cho cả tập thể lớp người kiệt xuất, dũng cảm và ưu tú của dân tộc, đã và đang xả thân tranh đấu cho Tự do, Nhân phẩm, cho Quyền Làm Người và cho lý tưởng Công bằng Xã hội của đồng bào thân yêu chúng ta nơi quê hương đất nước Việt nam vậy./
California, Tháng 12 Năm 2009
Đoàn Thanh Liêm