Tâm Sự Gửi Người Bạn Cao Niên

Tôi đã bước vào lứa tuổi “thất thập cổ lai hy” từ mấy năm nay rồi. Mà ngày nay nhờ sự tiến bộ về nhiều mặt, đặc biệt về y học, nên tuổi thọ của con người mỗi ngày một tăng cao. Số người sống đến tuổi 80 – 90, mà vẫn khỏe mạnh minh mẫn, còn lái xe hơi đi đây đi đó khắp nơi được, thì vẫn còn khá đông. Thành ra đi tới đâu tôi cũng gặp gỡ được các bạn ngang lứa tuổi với mình. Hầu hết chúng tôi đã về hưu, không còn phải bận rộn với chuyện cơm áo, gạo tiền gì nữa. Mà con cái cũng lớn, đã trưởng thành, có nghề nghiệp và gia đình riêng, nên đã có nhà riêng biệt nữa. Nếu có chút bận rộn với lũ cháu nội ngoại, đó chỉ là để giúp cha mẹ chúng trong việc coi giữ lũ nhỏ trong ít giờ lúc cha mẹ các cháu bận rộn việc này chuyện nọ, mà tiếng Mỹ gọi là “babysit”. Chúng tôi lúc này có thể nói theo cụ Nguyễn Công Trứ hồi xưa : “Nợ tang bồng tay trắng vỗ tay reo” được rồi.

Bài viết này, tôi muốn dành riêng cho các bạn cao niên từ 60 tuổi trở lên, cũng chỉ là để ghi lại cái kinh nghiệm học được trong sách vở cũng có, mà còn do sự trao đổi với bạn bè qua những buổi “trà dư tửu hậu”, suốt bao nhiêu ngày tháng sống cuộc đời nhàn rỗi trên xứ người nữa.

1/ Trước hết, ta phải “nhẹ nhàng lịch sự với chính mình” (Be gentle with yourself). Đó là cái bí quyết giúp ta làm tăng thêm phẩm chất của cuộc sống (quality of life).Đầu tiên là cái ăn, cái ngủ, ta phải tập ăn, tập ngủ sao cho đủ với nhu cầu của cơ thể. Người lớn tuổi thường ăn không thấy ngon miệng, ngủ không thấy yên giấc, nên làm biếng chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, hoặc không chịu áp dụng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt cá nhân sao cho thích hợp với thể trạng của mình. Kinh nghiệm của tôi là phải tập thể dục đều đặn mỗi ngày, cụ thể là tôi đi bộ ở ngoài trời rất nghiêm túc, thường ngày đến 2-3 giờ vào giấc sáng, trưa, chiều, tối. Nhờ vậy mà ăn và ngủ được và tâm hồn nhẹ nhàng thanh thản, tránh được chuyện bệnh tật vặt vãnh, hay đâm ra bi quan yếm thế. Nói chung thì cơ thể có cường tráng, thì tâm hồn mới lành mạnh được, như người La mã cách nay trên 2000 năm vẫn nói : “Mens sana in corpore sano”.

Tiếp theo là chuyện hoạt động về trí não. Tuổi già dễ quên, hoặc sa vào chứng bệnh “mất trí nhớ” (Alzeithmer). Do vậy mà cần phải bắt trí não phải làm việc mài dũa thường xuyên, cụ thể như gặp gỡ bạn bè để hàn huyên tâm sự, khêu gợi lại những kỷ niệm vui buồn xa xưa, tổ chức cùng nhau đi du lịch, thăm viếng những thắng cảnh, tham dự các sinh hoạt văn hóa xã hội với cộng đồng nơi mình cư ngụ… Đó là những cơ hội rất thuận tiện để mình gặp gỡ được các bạn hữu quen biết từ bao nhiêu năm trước, như bạn học cùng lớp cùng trường, bạn đồng nghiệp nơi sở làm, trong quân ngũ, bà con đồng hương, đồng đạo v.v…Những cuộc gặp gỡ trao đổi thân tình như vậy giúp cho đầu óc ta linh hoạt, sống động và nuôi dưỡng tâm hồn ta thêm tươi mát, làm cho ta gắn bó vững chãi hơn với cuộc sống của tập thể con người vốn là chỗ dựa tình cảm và tinh thần cho mình. Tôi rất tâm đắc với câu văn của Boris Pasternak trong cuốn Doctor Zivago rằng : “Cuộc sống của bạn là ở trong những ngưới khác” (Your life is in others).

Bạn sống trong lớp con, cháu của bạn thông qua máu huyết và truyền thống gia tộc do bạn chuyển cho thế hệ kế tiếp của mình. Bạn cũng tỏa chiếu ra nơi người khác thông qua những hành vi, lời nói, chữ viết và cảm tình của bạn đối với tha nhân mà bạn có duyên tiếp cận hằng ngày (radiation). Chính cái phong cách sống, cái bản lãnh riêng biệt độc đáo của bạn mới ghi đậm nơi tâm khảm của mọi người quen biết, gần gũi thân thương gắn bó với bạn trong suốt quá trình “sống chung, cộng đồng sinh tồn” (co-existence) giữa bạn với họ.Đó là lý do mà dân gian ta vẫn nói : “Cọp chết để da, người ta thì để lại cái nết”.

2/ Thanh thỏa món nợ “Ân nghĩa” với cuộc đời.

Một trong những truyền thống tốt đẹp nhất trong các gia tộc được dân gian trọng vọng, đó là họ đào tạo cho con cháu mình thấm nhuần được cái thái độ sòng phẳng, cái tinh thần trách nhiệm đối với xã hội đã cưu mang, chăm sóc cho mình. Nói vắn tắt là lớp hậu sinh phải biết ăn ở thế nào cho “có ân, có nghĩa” đối với bà con xóm giềng gần gũi với mình, cũng như đối với đất nước đã che chở, nuôi nấng và dậy dỗ cho mình. Đó là cái “Ân sâu, Nghĩa nặng” đối với quê hương đất nước mà cả dòng họ nhà mình đã được nhờ vả, để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc từ thế hệ này liên tục tiếp nối qua đến thế hệ khác.

Việc này, người dân phát biểu ngắn gọn là : “Nợ áo cơm, nợ đèn sách”. Bạn càng được xã hội cung ứng cho nhiều, thì cái món nợ của bạn đối với cuộc đời lại càng nặng nề. Cụ thể như trong trường hợp của bản thân mình, thì tôi đã được xã hội lo cho ăn học đến mấy chục năm, hết bậc đại học rồi còn được cho đi du học ở ngoại quốc nữa. Vì thế cái món nợ của tôi đối với đất nước và dân tộc mình thì thật là lớn lao, mà tôi phải đem hết tâm sức, nghị lực và thời gian ra để mà đền đáp lại cái công ơn trời biển đó. Tôi không bao giờ lại đi phen bì với người khác là mình phải làm việc cật lực, vất vả nặng nhọc hơn họ. Tất cả việc tôi tự nguyện dấn thân phục vụ xã hội từ xưa đến nay, đó chỉ là vì tôi ý thức được rằng : “mình phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với quê hương đất nước vốn xưa nay đã dành bao nhiêu ưu đãi cho bản thân và gia đình mình”. Cái đó chỉ đơn giản là sự sòng phẳng phải chăng đối với cuộc đời mà thôi : “Có vay, thì phải có trả”. Đó là “fair play, fair deal” vậy thôi mà!

Tuy được đào tạo theo phương pháp khoa học xã hội và học thuật tư tưởng của Âu Mỹ, tôi vẫn noi theo cái nền nếp truyền thống Á Đông tiếp thu được từ trong gia đình của mình, điển hình là tinh thần nhân bản và nhân ái đạo hạnh là cơ sở nền tảng trong đời sống văn hóa dân tộc Việt nam. Và tôi luôn phấn khởi, lạc quan vì được nhiều bạn bè cũng chia sẻ cái lối sống thanh thản, sòng phẳng và lành mạnh như thế giữa lòng dân tộc thân thương của mình.

3/ Niềm vui được Đóng góp.

Vào lứa tuổi chúng ta, thì không nên bận tâm gì nhiều về công việc này nọ, kể cả chuyện sinh kế để nuôi bản thân và gia đình nữa. Chúng ta không còn nhiều sức lực thể chất để mà miệt mài lăn xả vào các loại hoạt đông như cái thời còn trai trẻ 30-40 tuổi năm xưa. Nhưng mà với kinh nghiệm dồi dào tích lũy được trong suốt quá trình làm việc và sinh sống lâu năm của mình, thì ta vẫn có thể đóng góp rất hiệu quả cho thế hệ trẻ là em, là con cháu chúng ta, mà đang phải gánh vác cái trách nhiệm nặng nề đối với dân, với nước. Trước hết, đó là làm sao truyền lại được cho con cháu mình cái ngọn lửa nồng nàn, thiết tha đối với tầng lớp những người kém may mắn nhất trong xã hội và các nạn nhân của sự bất công, áp bức và nhũng lạm do giới thống trị gây ra hiện nay ở trong nước Việt nam, quê hương mình (transfer of the flame). Tiếp đến là vận động cho bà con, bạn hữu thân thiết với mình cùng hết lòng tích cực yểm trợ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước về mọi mặt văn hóa, xã hội, kinh tế, khoa học kỹ thuật cũng như về mặt phục hồi xã hội dân sự trong giai đoạn “hậu cộng sản” sắp tới. Chúng ta cần tiếp thu cái kinh nghiệm của các nước Đông Âu và cả của nước Nga đã tích lũy được trong 20 năm gần đây, sau khi rũ bỏ được chế độ cộng sản năm 1989.

Nhờ sinh sống lâu năm tại các quốc gia dân chủ ở Âu Mỹ, chúng ta đều có điều kiện vô cùng thuận lợi để học hỏi được kinh nghiệm quý báu về phát triển và xây dựng xã hội tại các nước này. Và bây giờ ta tìm cách vận dụng sáng tạo cái số vốn kiến thức thực tiễn ấy, nhằm giúp đem ứng dụng thích nghi vào trong hoàn cảnh riêng biệt của nước mình. Đó thiết nghĩ mới chính là cách đóng góp tốt đẹp nhất, hiệu quả nhất của lớp tuổi cao niên như chúng ta vào công cuộc phục hưng đất nước Việt nam thân yêu của mình vậy./

California, Tháng 11 Năm 2009

Đoàn Thanh Liêm