Phải Chi, Ở Lavang...



Đại lễ bế mạc Năm Thánh của Hội Thánh Công Giáo Việt Nam 2010 và Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ Lavang lần thứ 29 đã được tổ chức vào những ngày 4, 5 và 6 Tháng 01 Năm 2011, tôi đến Linh Địa Lavang vào trưa ngày Thứ Hai mùng 3 Tháng 01. Trời nắng đẹp, se se lạnh và khách hành hương phương Nam chỉ nguyện cầu rằng thời tiết này, bầu trời này sẽ được kéo dài trong suốt những ngày lễ hội. Cũng không dám tin vào thời tiết đỏng đảnh mùa này của Miền Trung, tôi đem máy ảnh rảo một vòng Linh Địa. Tại Linh Địa điều làm khách hành hương thường đến đây chú ý ngay là bức tượng Đức Mẹ Lavang mới bằng đá thạch anh đã được cung nghinh lên bàn thờ và được dâng cúng vào dịp lễ này do gia đình bà Maria Nguyễn Thị Kim Yến và GSTS Phêrô Hoàng Quang Thuận dâng cúng. Bức tượng sẽ được Đức Hồng Y Đặc Sứ của Đức Thánh Cha làm phép vào chiều ngày 5/01. Lễ Đài năm nay được dựng trước quảng trường mênh mông 15 ha do Nhà Nước mới trao trả lại cho Linh Địa Lavang. Chưa kịp xây dựng gì ngoài một Lễ Đài và đổ cát cho khách hành hương đứng tham dự các nghi lễ.

Các lều trại đã được dựng sẵn đủ kiểu đủ màu trong khuôn viên của Linh Địa. Người tôi gặp đầu tiên là linh mục chính xứ An Bằng, lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan trông cậy. Trong cuộc sống thường ngày, vị linh mục này thường tỏ ra can trường đầu tranh chống lại mọi bất công của xã hội, ấy vậy mà từ nhiều Đại Hội Đức Mẹ Lavang đã qua, ông vẫn thường dành cho mình một phần vụ rất khiêm tốn là quán xuyến vệ sinh môi trường của Linh Địa. Ống quần được xắn lên cao, ông rảo khắp nơi để điều hành “lính” của ông gồm nhiều nam giới thuộc nhiều giáo xứ. Ông chia họ ra làm 2 đội: vệ sinh và môi trường. Đội môi trường đi nhặt từng cọng rác, từng mẩu thuốc trên mặt bằng 19 ha này, còn đội vệ sinh phải bảo đảm sạch sẽ cho 500 nhà vệ sinh được đặt dọc theo tường rào của Linh Địa, phải cộng tác chặt chẽ với “ông nước” và “ông điện” để công việc được trôi chảy. Cha chính xứ An Bằng dí dỏm phát biểu: cầu xin Mẹ cho 3 trong 1, nghĩa là một chút lạnh của Hà Nội, vài tia nắng ấm của Saigon và một chút mưa phùn của xứ Huế.

Mặc dù có mặt từng giây, từng phút trong suốt những ngày lễ này ở Linh Địa Lavang, tôi sẽ không tường trình diễn tiến của 3 ngày lễ, mà điều nổi bật làm tôi không thể quên được là sự chịu đựng nhẫn nhục của khách hành hương trong cảnh mưa phùn, gió rét, chỗ ở ẩm ướt, sự chịu đựng của các nhân viên kỹ thuật phải che chắn những dàn máy, khư khư ôm chiếc máy thu hình được bọc trong túi nylon, sự chịu đựng của những đội trống kèn từ Bắc vô Trung, đường đi vất vả là thế đấy, đến nơi, thời tiết lại không thuận lợi để thi thố tài năng dâng kính Mẹ, mỗi lần mưa xuống phải dùng những tấm bạt che kín mặt trống rồi ngồi nhìn nhau. Tôi chỉ muốn nêu lên đây một số những sự kiện mà phải chi đã đừng xảy ra tại Linh Địa trong những ngày lễ.

Trước tiên là khách hành hương cứ thắc mắc đến hậm hực về chuyện thay đổi tên gọi của Linh Địa Lavang. Trong phiên họp của Hội Đồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam 1961, các Đức Giám Mục đã biểu quyết tên gọi cho Linh Địa Lavang là TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC, trong khi Thánh Đường được nâng lên hàng Vương Cung Thánh Đường, đến kỳ họp ngày 01/05/1980, toàn thể các vị Giám Mục của Hội Thánh Công Giáo Việt Nam đã tái xác nhận Linh Địa Lavang là trung tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc, sau đó các vị đã đứng dậy và đồng thanh hát kinh Salve Regina. Thế thì hôm nay, không kèn không trống Linh Địa được gọi là TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG LAVANG. Có người giải thích rằng có lẽ các Đức Giám Mục muốn biến nơi này không chỉ là cho Việt Nam không thôi mà là cho toàn Thế Giới như Lộ Đức ở Pháp, Fatima ở Bồ Đào Nha. Cũng không bỏ qua những suy đoán này nọ, do áp lực từ phía này, phía kia. Tất cả chỉ cần một lời minh định của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam là Dân Chúa sẽ yên lòng. Hay là tại các vị chưa đồng thuận với nhau về chủ trương này?, hay là tại các vị cho rằng đầy là việc của “địa phương” Huế, nên để Huế tự xoay xở, cũng như bao chuyện khác đã xảy ra trong Giáo Hội Việt Nam. Tôi không biết rằng, gặp gỡ nhau ở dịp này, các vị Giám Mục có hỏi thăm Giám Mục Kontum về cái đêm ngủ bờ, ngủ bụi ấy không, hay lại là chuyện nội bộ của Kontum? Tôi được nghe kể rằng vào những năm tháng khổ đau vật vã nhất của Đức Cha Philipphê Nguyễn Kim Điền, một vị Giám Mục đã cho người cầm tay mang tới cho Đức Tổng Philipphê một bức thư, trong đó chỉ có một tờ giấy trắng và chữ ký của người gởi. Đức Tổng Philipphê đã rất vui trong cử chỉ hiệp thông này, mặc dầu chỉ là một tờ giấy trắng.

Điều thắc mắc thứ hai của Dân Chúa về hành hương nơi này là đã không thấy bóng dáng cờ của Hội Thánh. Có ai cấm đâu nhỉ, trong phạm vi Linh Địa cũng như trong một khuôn viên của nhà thờ, chúng ta vẫn có thể đeo cờ Hội Thánh mà không bắt buộc phải treo Quốc kỳ. Hoặc có thể có một giải pháp dung hòa: ngay dưới chân bậc thềm trước khi tiến lên lễ đài, chúng ta có thể đặt 2 người cầm hai lá cờ Hội Thánh và Quốc gia, trước khi tiến lên lễ đài, cả Đức Hồng Y Đặc Sứ của Đức Thánh Cha va Phó Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn Thiện Nhân đều cúi chào trịnh trọng. Tôi còn nhớ tại Đại Hội Thánh Mẫu 1959, trước khi bước lên những bậc thềm của Dinh Độc Lập, Đức Hồng Y Đặc Sứ của Đức Thánh Cha, Hồng Y Agagianian, đã kính cẩn cúi chào Quốc kỳ Cộng Hòa Việt Nam.

Điều đáng tiếc thứ ba đã quá “mẫn cán”, phải chi “văn hóa” hơn một chút. Ví dụ, khi có một hai Giám Mục đi qua, họ đã dàn chào tích cực và xô đẩy không thương tiếc bà con hành hương quanh đó. Một bà Saigon đã ngoài 60 lãnh đủ một cái cùi chõ vào mặt, bà liền phản ứng theo phong cách Saigon: “làm cái gì mà dữ dậy, Giám Mục thì Giám Mục chứ, Giám Mục cũng là người như tôi”.

Một ngàn trật tự viên đã có những người ra tay quá đáng, đã có những khách hành hương mặc những chiếc áo thun kêu gọi cầu nguyện cho Đồng Chiêm, Thái Hà, Tam Tòa ….v….v… Những người trật tự viên đã lột ngay tại chỗ một cách thô bạo, trong lúc những người mặc áo chỉ đứng yên hoặc ngồi yên mà cầu nguyện. Các điểm nóng ấy trên bản đồ quê hương ai mà chả biết. Cứ để những khách hành hương này ngồi cầu nguyện thì đã có sao. Lôi kéo và tước bỏ đã làm nhiều người chú ý. Tôi cũng nghĩ rằng những sự việc xảy ra ở Nhà Chung Huế, khi vị Tùy Viên Chính Trị của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ muốn vào thăm linh mục Nguyễn Văn Lý, nếu cứ để ông vào bình thường, thì đã sao nào. Linh mục Lý lết đi từng bước, hô hào được ai, gây rối được gì cơ chứ.

Về đến Saigon, vào mạng, mới thấy khách hành hương than trách người MC của Đại Hội. Tôi biết rất rõ về anh, một MC có hạng trong các dịp lễ của Công Giáo. Anh sinh ra và suốt thời niên thiếu ở vùng quê đạo Thái Bình, rồi nhiều năm ở Tiểu Chủng Viện, trong đầu và trong tim anh thấm đẫm những kinh bổn, những vè vãn, những dâng hoa dâng hạt. Anh là một nhà thơ Công Giáo. Xuất thân trường Đại Học Văn Khoa Saigon, anh để tâm nghiên cứu về văn học và báo chí Công Giáo. Trời lại phú cho anh một giọng nói ấm áp, một ngoại hình cao ráo sạch sẽ. Anh đã thành công ở nhiều nơi, và kể cả ở Lavang, nhưng hôm nay anh đã quá tự tin không viết những câu nói thành văn trên giấy trắng mực đen, anh thả hồn cho ngẫu hứng, tránh sao khỏi những sai sót. Sau thánh lễ bế mạc, trời mưa như trút nước, anh đứng trên lễ đài và tạ ơn Mẹ, xin Mẹ cho mưa nữa đi như là mưa mốc. Trong đoàn hành hương, nào dù, nào áo mưa đang chen chúc nhau bì bõm ra về, tôi nghe đâu đây một vài tiếng “đan mạch” hồn nhiên trách móc. Phải chi, với tài liệu ngồn ngộn trong tay trong đầu, anh cẩn thận hơn một chút.

Tôi vô cùng thán phục vị linh mục xứ Huế đặc trách Phụng tự. Ai bảo tiếng Huế là khó nghe nhỉ? Không, vị linh mục này đã viết ra trên giấy từng câu từng chữ, ông dõng dạc đọc rành rẽ mỗi khi phần Phụng vụ cần phải được hướng dẫn.

Một chuyện phải chi đáng lẽ không nên nói ra đây, là chuyện ăn uống trong những ngày hành hương. Chắc Đức Mẹ cũng phải rớt nước mắt khi nhìn một bà cháu ngồi trên tấm bạt trong cái mưa phùn giá lạnh ấy chung nhau một hộp cơm. Đức Giám Mục Kontum cho tôi biết rằng lần này con cái của ngài, những anh chị em dân tộc chất phác và nghèo hèn về Lavang đến hơn 2.000 người trên 40 chiếc xe. Ngay từ đầu Năm Thánh, Đức Giám Mục đã loan báo ngày hội này và ai muốn về dự Đại Lễ thì phải đóng 650.000 $ một người, gồm 350.000 tiền xe và 300.000 tiền ăn, thế là anh em ký cóp bằng những bó măng hái từ rừng về, bằng những sọt phân bò thu lượm để bán cho các nhà vườn trồng cà phê. “Ngân sách” như vậy hỏi rằng ăn uống sang trọng làm sao được. Ngay cả các đoàn phục vụ cho đại lễ như các đội trống, kèn, các nhân viên thu thanh, thu hình, mỗi người cũng lãnh một khay cơm đạm bạc do giáo xứ Trí Bưu cung cấp. Vậy mà ngay trước cửa nhà hành hương cả trăm chiếc bàn ăn tươm tất, bên trong nhà hành hương là những bàn ăn dành cho các vị Giám Mục, tất cả chỉ cách vài bước chỗ giáo dân xúm xít chia nhau hộp cơm, chiếc bánh. Tôi đã từng mơ và vẫn tiếp tục mơ một ngày nào đó ở Đại Hội Lavang 4 Dòng nữ của Giáo Phận mở 4 nhà ăn, giá cả bình dân và bảo đảm vệ sinh thực phẩm, rồi thì Dân Chúa nghĩa là Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ, Giáo Dân, mỗi người sắp hàng với một cái khay trên tay, rồi ngồi chung bàn mà chuyện trò, mà thương yêu, mà cha cha, con con.

Một điều phải chi không đáng có cuối cùng là cái mẩu tin chút xíu ở cuối trang 3 Báo Tuổi Trẻ số ra ngày Thứ Sáu 7/01/2011 loan tin về Đại Lễ này của Hội Thánh Công Giáo Việt Nam. Bản tin viết rằng “….. hàng ngàn người dân đã có mặt tại nhà thờ giáo xứ Lavang ….. Đại Lễ do Tổng giáo hội Công giáo VN tổ chức……”. Ở Việt Nam (cũng như ở trên khắp Thế Giới) làm gì có Tổng giáo hội Công giáo cơ chứ. Mà tại sao lại hạ thấp Trung Tâm Toàn Quốc này xuống thành nhà thờ giáo xứ. Tôi nghĩ đã không loan tin thì thôi mà đã loan thì phải được loan cho chính xác với những ngôn từ chính xác.

Tôi về lại Huế chiều ngày Thứ Năm 06/01 để đến sáng Thứ Sáu 07/01 vẫn trong cái mưa rả ríc tôi ra ngồi ở một quán cà phê trong một cái kiệt (hẻm) để chuyện trò với những người anh em xứ Huế. Người Huế cho biết rằng mùa Đông năm ngoái không mấy khi họ phải mặc áo ấm. Ấy vậy mà năm nay, lúc này đây, thời tiết đã là 15 độ, hứa hẹn một mùa Đông rét đậm. Tôi không biết có phải là do ảnh hưởng của biến đổi thời tiết hay không. Ngay bên cạnh quán cà phê là một hàng bún bò. Tôi áp hai bàn tay vào tô bún để tìm hơi nóng lan man nhớ tới câu chuyện hôm nào, tôi hỏi một cô bán bún bò rằng bún bò Huế dạo này bớt cay, có lẽ để đáp ứng khẩu vị của Tây ba lô. Cô gái xứ Huế đã trả lời gần như là lạc đề, nhưng rất văn hóa: “Thưa chú, dạo này gái Huế chúng cháu bớt ghen rồi.”

Huế vẫn êm đềm, lặng lẽ, nên thơ.

Chỉ có Lavang là ồn ào và hoành tráng.

Vũ Sinh Hiên

Phú Nhuận, 10/01/2011