Bài báo nẩy lửa của ĐHY Trần Nhật Quân đăng trên AsiaNews ngày 1 tháng Tư (bản dịch Tiếng Việt ở đây) nhằm bài bác những quan điểm của cha Jeroom Heyndrickx đã lập tức gây ra nhiều chú ý trên thế giới. Người Việt chúng ta cũng rất quan tâm đến bài báo này vì hoàn cảnh của Giáo Hội tại Trung Quốc cũng có rất nhiều nét tương tự với hoàn cảnh của Giáo Hội tại Việt Nam, nhiều vấn đề mà anh chị em tín hữu tại Trung Hoa phải đối diện cũng là những vấn đề chúng ta phải đương đầu.
Những nhận định của ĐHY Trần Nhật Quân không chỉ phản ánh một lối suy tư về đường lối cần phải có của Giáo Hội đối với các chế độ độc tài toàn trị mà còn là một lời mời gọi tất cả chúng ta duyệt xét lương tâm, sám hối và canh tân. Thực vậy, trước những kẻ cầm quyền của một thứ nhà nước không phải do dân bầu ra mà "do súng nó bầu ra", quá thường khi chúng ta dùng "đối thoại" như một thứ chiêu bài để ru ngủ lương tâm chúng ta và biện minh cho thái độ nhát đảm không dám lên tiếng cho công lý, sự thật và phẩm giá con người theo những đòi buộc của Tin Mừng nhưng lại để mình trượt dài "trong vũng lầy của sự khuất phục."
Trong bài này, chúng tôi xin điểm hầu quý vị một vài nét chung quanh cuộc tranh luận giữa Đức Hồng Y và cha Jeroom Heyndrickx, cố vấn về Trung Hoa của Bộ Truyền Giáo.
Biến cố Thừa Đức
ĐTC hôm xảy ra vụ Thừa Đức
Ngày 20/11/2010, đúng ngay vào lúc Đức Thánh Cha đang triệu tập Công Nghị 120 Hồng Y tại Vatican, thì tại Thừa Đức, thuộc tỉnh Hà Bắc linh mục Giuse Quách Kim Tài (Guo Jincai), Phó tổng thư ký Hội Công Giáo yêu nước Trung Quốc, Đại Biểu Quốc Hội Trung Quốc, được đảng cộng sản tấn phong Giám Mục mà không có sự đồng ý của Đức Giáo Hoàng. Điều đáng nói là có đến 8 Giám Mục được Đức Thánh Cha Bênêđíctô tấn phong cũng tham gia vào trò truyền chức này, cũng đặt tay, cũng ôm hôn thắm thiết đầy tình huynh đệ, cũng ban phép lành đầy đủ các thứ cho đương sự.
Thế giới Công Giáo, đặc biệt các vị Hồng Y đang quây quần bên Đức Thánh Cha, tê tái và ngỡ ngàng. Trong khi đó, các cơ quan truyền thông trên thế giới mô tả cử chỉ này của nhà cầm quyền Trung Quốc là một cái tát thẳng vào mặt Đức Giáo Hoàng (xem China ordains bishop despite Vatican objection ).
Cho đến thời điểm xảy ra biến cố tại Thừa Đức, bất chấp những lời cảnh cáo liên tục của Đức Hồng Y Trần Nhật Quân, chính sách của Tòa Thánh đối với đất nước đông dân nhất trên hành tinh này vẫn thường xuyên được mô tả là rất thành công, đặc biệt là từ sau Lá Thư của Đức Thánh Cha gởi cho các tín hữu tại Trung Hoa ngày 7/05/2007
Tòa Thánh lập tức ra thông cáo phản đối mạnh mẽ. Cha Lombardi, Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh nói hôm 24/11/2010 như sau:
Về vụ truyền chức Giám Mục cho linh mục Giuse Quách Kim Tài diễn ra hôm thứ bẩy 20/11 vừa qua, trước các tin tức chúng tôi đã thu thập được về vụ này, chúng tôi có thể minh xác những điều sau đây:
1. Đức Thánh Cha rất đau buồn khi hay tin về vụ truyền chức Giám Mục không có sự phê chuẩn của Tòa Thánh nói trên, và vì thế đó là một vết thương sâu đậm đối với tình hiệp thông Giáo Hội và là một sự vi phạm trầm trọng đối với kỷ luật Giáo Hội Công Giáo.
2. Người ta được biết là trong những ngày gần đây, nhiều Giám Mục Trung Hoa đã bị áp lực và bị hạn chế quyền tự do di chuyển, với mục đích cưỡng bức các vị ấy phải tham dự và truyền chức Giám Mục. Những sự cưỡng ép như thế của chính quyền và các lực lượng an ninh Trung Quốc, là một vi phạm trầm trọng đối với tự do tôn giáo và tự do lương tâm.
Tòa Thánh dành quyền cứu xét sâu xa hơn vụ này, dưới khía cạnh thành sự của việc truyền chức và về tình trạng pháp lý của các Giám Mục liên hệ.
3. Dầu sao đi nữa, điều ảnh hưởng đau thương trước tiên đối với linh mục Giuse Quách Kim Tài là, do cuộc truyền chức Giám Mục trái phép như thế, đương sự rơi vào một tình trạng rất trầm trọng về giáo luật đối với Giáo Hội tại Trung Quốc và Giáo Hội Hoàn Vũ, và phải chịu những hình phạt nặng nề như đã được đặc biệt qui định trong khoản giáo luật số 1382 của bộ giáo luật hiện hành.
4. Cuộc truyền chức như thế chẳng những không giúp ích cho các tín hữu Công Giáo tại Thừa Đức, nhưng còn đặt họ trong một tình trạng tế nhị và khó khăn, kể cả dưới khía cạnh giáo luật, làm cho họ bị hạ nhục, vì nhà cầm quyền dân sự Trung Quốc muốn áp đặt cho họ một vị Mục Tử không hiệp thông trọn vẹn với Đức Thánh Cha cũng như với các Giám Mục khác trên thế giới.
5. Trong năm nay, nhiều lần Tòa Thánh đã thông báo rõ ràng cho chính quyền Trung Quốc lập trường không chấp nhận việc truyền chức Giám Mục cho linh mục Quách Kim Tài. Mặc dù vậy, chính quyền đã quyết định tiến hành đơn phương, gây thiệt hại cho bầu không khí tôn trọng, đã được Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo kiến tạo một cách khó khăn qua những cuộc truyền chức Giám Mục gần đây. Sự tự phụ đặt mình trên các Giám Mục và hướng dẫn đời sống của Giáo Hội là điều không phù hợp với đạo lý Công Giáo, xúc phạm đến Đức Thánh Cha, Giáo Hội tại Trung Quốc và Giáo Hội Hoàn Vũ, làm cho những khó khăn mục vụ hiện nay thêm rắc rối.
6. Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, trong lá thư năm 2007, đã bày tỏ sự sẵn sàng của Tòa Thánh đối thoại trong tinh thần tôn trọng và xây dựng với nhà cầm quyền Cộng hòa nhân dân Trung Quốc, để khắc phục những khó khăn và bình thường hóa quan hệ. Trong khi tái khẳng định sự sẵn sàng ấy, Tòa Thánh đau buồn nhận xét rằng nhà cầm quyền đã để cho giới lãnh đạo Hội Công Giáo yêu nước Trung Quốc, dưới ảnh hưởng của ông Lưu Bách Niên, có những thái độ làm thương tổn trầm trọng cho Giáo Hội Công Giáo và ngăn cản cuộc đối thoại.
7. Các tín hữu Công Giáo trên toàn thế giới đặc biệt quan tâm theo dõi con đường cam go của Giáo Hội tại Trung Quốc: sự liên đới tinh thần mà họ tháp tùng các biến cố của anh chị em Trung Quốc, trở thành kinh nguyện nồng nhiệt dâng lên vị Chúa Tể của lịch sử, xin Chúa gần gũi các tín hữu tại Trung Quốc, gia tăng niềm hy vọng và lòng can đảm, cũng như ban cho họ ơn an ủi trong những lúc thử thách.
Phản ứng của cha Jeroom Heyndrickx
ĐHY Agostino Casaroli
Mặt khác, trong khi nhiều viên chức Tòa Thánh và một số cơ quan truyền thông Công Giáo kêu gọi kỷ luật đối với các Giám Mục tham gia vào trò truyền chức trái phép này, cha Heyndrickx gọi các Giám Mục này là "Thầy dạy trong đức tin của chúng ta"!
Là sư phụ của linh mục Giuse Quách Kim Tài, cha Heyndrickx vốn có những liên lạc thường xuyên với vị giám mục được truyền chức trái phép. Theo cha Heyndrickx, cha Quách Kim Tài đã cố gắng hết sức để tránh nghịch cảnh này.
Cha Heyndrickx tóm tắt các sự kiện liên quan đến biến cố Thừa Đức như sau: "5 năm trước đây người Công Giáo tại Thừa Đức đã thỉnh cầu nhà cầm quyền dân sự cho họ có được một Giám Mục. Điều đó đã được chấp thuận. Năm 2008, cha Quách Kim Tài được tất cả các linh mục nhất trí bầu là ứng viên Giám Mục. Biết là vào năm 2010, 10 linh mục Trung Hoa sẽ được tấn phong với sự phê chuẩn của cả Tòa Thánh lẫn Bắc Kinh, người Công Giáo tại Thừa Đức lạc quan tin rằng ứng viên của họ sẽ được nhanh chóng chấp thuận. Họ biết rằng Rôma không có những ý kiến bác bỏ ứng viên của mình. Tuy nhiên, Rôma lại đề nghị với Trung Quốc là dời lại việc tấn phong một thời gian nữa. Tòa Thánh đưa ra lý do là biên giới của các giáo phận đã thay đổi và hai bên cần phải đạt được thỏa thuận với nhau trước. Bắc Kinh bác bỏ và quyết định tấn phong Giám Mục cho linh mục Quách."
Có nhiều điều cha Heyndrickx nói không rõ có thể gây ra những ngộ nhận. Khi ngài nói "Năm 2008, cha Quách Kim Tài được tất cả các linh mục nhất trí bầu là ứng viên Giám Mục", người ta dễ có cảm giác là linh mục Tài rất được nhiều người yêu mến. Thực ra, giáo phận Thừa Đức, cách Bắc Kinh 250 cây số về hướng Đông Bắc, chỉ có 20 ngàn giáo dân thuộc 6 giáo xứ, với 6 linh mục và 15 nữ tu. 5 linh mục còn lại có ai dám không bầu cho linh mục Tài, Phó tổng thư ký Hội Công Giáo yêu nước Trung Quốc, Đại Biểu Quốc Hội Khoá 10 và Khóa 11 của Trung Quốc.
Linh mục Tài, còn trẻ măng, mới được thụ phong linh mục hồi năm 1992 thôi nhưng ngài lên như diều. Thành ra, người ta tin rằng ông là đảng viên đảng cộng sản Trung Quốc. Steven W. Mosher của Học Viện Nghiên Cứu Dân Số Hoa Kỳ, người lưu trú thường xuyên ở Bắc Kinh trong bản tường trình đặc biệt gởi Catholic Online đã viết như sau: "Tôi không dám nói ông ta là đảng viên ngầm của đảng cộng sản Trung Quốc, nhưng thật là đáng kinh ngạc nếu mà Bộ Công An của Trung Quốc, một thứ như KGB của Liên Xô cũ, mà không gài người vào đội ngũ các linh mục. Hơn thế nữa, ông ta đã hằng chứng tỏ cho thấy ông ấy sẵn sàng cộng tác với đảng cộng sản Trung Quốc trong khao khát khôn nguôi là thành lập một Giáo Hội ly giáo tại Hoa Lục vâng phục theo Bắc Kinh chứ không phải là Rôma".
Đứng trước một ứng viên "thứ thiệt" như thế, phân vân của Tòa Thánh là hợp lý. Hơn thế nữa, giáo luật đâu có cái "protocol" nào là các linh mục có thể tụ họp lại với nhau (biết đâu dưới nòng súng) để bầu một vị lên làm Giám Mục rồi Đức Thánh Cha phải "vâng phục" theo ý kiến ấy mà phê chuẩn. Lại nữa, cái giáo phận Thường Đức là "do súng nó đẻ ra" hồi năm 1955 nhằm chia nát giáo phận Hà Bắc để đưa Giám Mục trái phép vào. Tòa Thánh từ trước đến nay không công nhận cái giáo phận ấy thì làm sao lại tấn phong Giám Mục cho giáo phận ấy được.
Cha Heyndrickx lại nói "Họ biết rằng Rôma không có những ý kiến bác bỏ ứng viên của mình". Trong khi đó, thông cáo của Tòa Thánh hôm 24/11 nhấn mạnh rằng "Trong năm nay, nhiều lần Tòa Thánh đã thông báo rõ ràng cho chính quyền Trung Quốc lập trường không chấp nhận việc truyền chức Giám Mục cho linh mục Quách Kim Tài".
Hậu ý của cha Heyndrickx là quy lỗi cho Giáo Hội Thầm Lặng tại Trung Hoa, cho những vị Giám Mục cứ hay báo cáo với Tòa Thánh những tin đồn bậy bạ về "đồng chí Quách Kim Tài" khiến cho Tòa Thánh "lừng khừng" dẫn đến những gẫy đổ trong đối thoại với cộng sản Trung Quốc. "Tôi là sư phụ cũ của ông ấy. Tôi tin tưởng đệ tử của tôi, tôi biết là ông ấy đã cố hết sức để tránh cái nghịch cảnh này", ngài khẳng định như thế.
Bài viết của sư phụ mới đăng lên được 2 ngày, hôm 8/12, đệ tử chứng minh ngay lập tức cho thế giới thấy sư phụ của mình đúng tới bao nhiêu phần trăm. Trong Đại Hội Công Giáo Toàn Quốc, 45 Giám Mục (đương nhiên hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, đều lớn tuổi hơn Giám Mục dỏm Quách Kim Tài), cùng với 268 linh mục, nữ tu và giáo dân đã "nhất trí" bầu vị tân Giám Mục dỏm vào chức vụ Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục Trung Quốc. Ông Tài có phải là đảng viên cộng sản không, ông ấy "có súng" không chắc là đã rõ.
Cũng cần nói thêm, khác với cơ chế của các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới, vị Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục Trung Quốc là người điều hành thường trực đời sống của toàn bộ Giáo Hội công khai tại Trung Hoa. Vị ấy phải ở luôn tại Bắc Kinh để điều hành công việc. Cả hai cơ chế Hội Đồng Giám Mục Trung Quốc và Hội Công Giáo Yêu Nước đều không được Tòa Thánh công nhận.
Trong khi giới truyền thông trên thế giới mô tả vụ Thừa Đức là "một cái tát vào mặt Đức Giáo Hoàng", nhiều vị Hồng Y trong công nghị tại Rôma trong đó có Đức Hồng Y Trần Nhật Quân cũng dùng cái cụm từ đó thì cha Heyndrickx, người cố vấn cho Đức Hồng Y Ivan Dias về Trung Hoa lại gọi ấy là "một chiến thắng". Bởi vì, "Trung Quốc qua vụ này lại một nữa chứng minh cho thế giới thấy nó có vấn đề với tự do tôn giáo," và "các Giám Mục cũng nói rõ thái độ miễn cưỡng không muốn hợp tác với nhà nước trong hành động trái phép này," ngài giải thích như thế.
Bàn về vấn đề có nên kỷ luật các Giám Mục đã tham dự vào trò tấn phong trái phép không, cha Heyndrickx viết: "Dù sao đi nữa, không phải là giới truyền thông, những kẻ sống ở những nơi cư trú an toàn, những người cứ nằng nặc đòi lên án hay kêu gọi kỷ luật các Giám Mục tại Trung Hoa, nhưng chính là các Giám Mục, linh mục, và giáo dân bên trong Trung Hoa mới là những người soi sáng cho chúng tôi về thái độ phải có trong biến cố này. Trong nhiều năm họ đã học được cách thế đương đầu với những sách nhiễu [của nhà nước], bảo tồn đức tin Công Giáo, và hơn nữa còn lặng lẽ xây dựng các cộng đoàn đức tin."
"Họ dạy chúng ta rằng đức tin chân thật thì mạnh hơn sự bạo tàn của nhà nước giáng lên đầu họ. Họ bảo với chúng ta và các tín hữu của họ rằng: Đừng để bị lầm lạc. Đừng để những ai trong đất nước này đè bẹp đức tin Công Giáo sống động của anh chị em. Cũng đừng để cho các thứ truyền thông bên ngoài kích động lôi kéo anh chị em vào con đường chống đối. Nhưng hãy tiếp tục bước đi lặng lẽ trên con đường đối thoại đầy phẩm giá."
Đáp trả của Đức Hồng Y Trần Nhật Quân
ĐHY Trần Nhật Quân
Luận điểm chủ yếu của Đức Hồng Y Trần Nhật Quân có thể tóm lược như nhau:
1) Việc đối thoại chắc chắn là tối quan trọng. Nhưng phải tỉnh táo để thấy rằng người ta có thực tâm muốn đối thoại không, có muốn "phải người phải ta không" hay lại sẵn sàng "đóng sầm cánh cửa lại thẳng ngay vào mặt của người đối thoại quá-đỗi-hiền lành của họ" và chỉ quyết tâm đẩy đối phương vào "vũng lầy của sự khuất phục".
Trên UCANews hôm 6/12, Đức Hồng Y viết: "Trong thời gian gần đây, tôi đã nhiều lần nhắc cha Heyndrickx rằng giữa Giáo Hội tại Trung Hoa và nhà cầm quyền nước này chẳng có đối thoại gì hết."
Đọc thử những tờ như Hà Nội Mới, An Ninh Thủ Đô trong khoảng tháng 9/2009 khi xảy ra vụ tranh chấp tại Thái Hà, ta cũng có thể thấy có hay không thiện chí "đối thoại" từ những kẻ cầm quyền "do súng nó bầu ra" tại Việt Nam. Những cụm từ người ta đọc được nhiều nhất trên cơ quan thông tin của đảng bộ thành phố Hà Nội và của Công An Nhân Dân là gì nếu không phải là "nghiêm khắc lên án", "thẳng tay trừng trị". Miếng đất có chút xíu chiếm đoạt của người ta mấy chục năm mà quyết một lòng "ăn thua đủ" trong khi bao nhiêu đất đai trên bờ dưới biển nhường cho ngoại bang.
Đọc giữa những hàng chữ ấy thì cũng đủ thấy "thiện chí đối thoại" của nhà cầm quyền ở Hà Nội nó đi đến đâu hay chỉ muốn xô đẩy người đối thoại với mình vào tình trạng khuất phục hoàn toàn theo kiểu "cúi đầu nhận tội".
2) Trong tình trạng đối phương không sẵn sàng đối thoại, khăng khăng theo đuổi con đường đối thoại có nguy cơ rơi vào tình trạng thỏa hiệp với sự dữ.
Theo nhận định của Đức Hồng Y: "Giáo Hội của chúng ta tại Trung Hoa nay đang ở trong tình trạng thảm hại, bởi vì trong những năm qua một số người đã mù quáng và ngoan cố đeo đuổi cùng một chính sách Ostpolitik, bỏ qua các hướng dẫn rõ ràng được đưa ra bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô trong Lá Thư Gửi Cho Giáo Hội Tại Trung Hoa năm 2007, và chống lại đa số ý kiến của Ủy ban mà Đức Giáo Hoàng đã thành lập để tư vấn cho Tòa Thánh trong các vấn đề của Giáo Hội tại Trung Hoa.
Đối thoại và thoả hiệp là cần thiết, nhưng phải có căn bản. Chúng ta không thể từ bỏ các nguyên tắc của đức tin chúng ta, và kỷ luật cơ bản của Giáo Hội chúng ta, hầu làm vui lòng nhà cầm quyền Bắc Kinh."
Tại Trung Hoa, cũng như tại Việt Nam, bọn cầm quyền đều không muốn đối thoại thẳng thắn với các tôn giáo. Chính vì thế, thông thường việc đối thoại (mà hầu hết chỉ để cầu xin nó ban cho mình điều mình lẽ ra phải được quyền làm) đều phải đi đường vòng thông qua Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Quốc hay Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam, tức là thông qua những kẻ có một quyền đặc miễn không phải tuân theo các kỷ luật căn bản của Giáo Hội, những kẻ dám biến đền thờ, nơi linh thánh thờ phượng Thiên Chúa, thành điạ điểm chế bom xăng diệt lính Mỹ nhưng vẫn an nhiên không chịu bất cứ một thứ kỷ luật nào. Xin nhấn vào đây để xem thêm nếu quý vị còn chút gì hồ nghi. Thế là xảy ra một tình trạng tháo thứ trong "những nguyên tắc của đức tin chúng ta, và kỷ luật cơ bản của Giáo Hội"
Nó "đánh dứ" một cú ở Đồng Chiêm thử xem ta phản ứng như thế nào thì ta im lặng để cho Giáo Hội Ba Lan lên tiếng giùm. Có người nói theo kiểu "metalogic" không làm cũng có nghĩa là "làm". Ấy là làm cái động tác "không làm". Bây giờ "đối thoại" theo kiểu "im lặng" cũng là một cách đối thoại. Ấy là đối thoại theo kiểu "không đối thoại".
Trong trường hợp như thế, kẻ "đối thoại" với chúng ta giải mã thế nào về cách "đối thoại" của chúng ta? Rồi lại chúc tụng, dâng hoa, mời những kẻ triệt hạ những biểu tượng thánh thiêng nhất của mình "lên giảng". Chẳng hiểu ta đối thoại kiểu gì, hiệu quả tới đâu, nhưng xem chừng kiểu này "yếu quá".
3) Khi chúng ta lên tiếng chống lại những đòi hỏi vô lý của những kẻ không thành tâm đối thoại nhưng chăm chăm buộc ta phải khuất phục thì đấy cũng không hẳn là "đối đầu"
Trong bài "A funny sort of victory at Chengde – Một kiểu chiến thắng khôi hài tại Thường Đức", Đức Hồng Y Trần Nhật Quân viết như sau: "Trong thời gian gần đây, tôi đã nhiều lần nhắc cha Heyndrickx rằng giữa Giáo Hội tại Trung Hoa và nhà cầm quyền nước này chẳng có đối thoại gì hết, phẩm giá hay không phẩm giá cũng chẳng có. Tôi cũng nói với ngài rằng thật là khôi hài khi chụp cái mũ ‘đối đầu’ lên những ai chống lại không chịu khuất phục những đòi hỏi phi lý của nhà nước. Nói kiểu đó thì ông già Êlêxa (x. 2 Macc 6) [chống lại lệnh Vua thà chết không chịu ăn thịt cấm], và cả Thánh Gioan Tiền Hô khăng khăng thà đưa cổ cho lý hình nó chém hơn là tuân lệnh vua chúa quan quyền đều phạm vào cái tội ‘đối đầu’ hay sao? Rồi khi Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI lên tiếng kêu gọi các tín hữu can đảm làm chứng tá đức tin giữa mọi nghịch cảnh thì ngài cũng đang hô hào đối đầu à?"
4) Điểm khác biệt căn bản người ta có thể thấy được nơi cha Heyndrickx và Đức Hồng Y Trần Nhật Quân là vị linh mục người Bỉ này chịu ảnh hưởng nhiều bởi một thứ luân lý tương đối trong khi Đức Hồng Y đòi buộc một lương tâm khách quan.
Cha Heyndrickx tỏ ra hài lòng và coi là chiến thắng vì "các Giám Mục cũng nói rõ thái độ thoái thác không muốn hợp tác với nhà nước trong hành động trái phép này," xem đó là đủ để các vị ấy không phải chịu những kỷ luật của Giáo Hội (có thể nặng đến mức bị Dứt Phép Thông Công). Nhưng Đức Hồng Y không đồng ý như thế: "Chúng ta đồng ý rằng có một áp lực rất nặng nề từ phiá nhà nước và các Giám Mục đã bày tỏ sự bất bình không muốn hợp tác. Nhưng thực tế họ đã dự phần vào trò tấn phong trái phép này. Họ đã đặt tay, dù miễn cưỡng. Họ đã đồng tế."
"Có thể xem là chiến thắng của ông già Êlêxa hay không nếu như sau khi ông lên tiếng cực lực phản đối rồi sau đó cuối cùng chịu khuất phục mà ăn thịt cấm?" ngài chất vấn cha Heyndrickx.
Trên đây là một số nét xin điểm hầu quý vị chung quanh cuộc tranh luận giữa ĐHY Trần Nhật Quân và LM Heyndrickx.
Đức Hồng Y Trần Nhật Quân không phải là con người thích đối đầu nhưng ngài là người cổ vũ cho đối thoại – một thứ đối thoại thẳng thắn và có hiệu quả. Trong lãnh vực đối thoại nhiều lần ngài nhấn mạnh đến nhu cầu duyệt xét lương tâm, sám hối và canh tân không chỉ nơi các mục tử mà là tất cả các tín hữu Công Giáo.
Biết bao lần nhân danh "đối thoại", nhân danh xã giao, chúng ta chỉ dám dấm dúi làm dấu thánh giá trong nhà. Ra ngoài đường chúng ta hành xử như những người không có đạo. Khi người ta hỏi đến đạo lý của mình thì lại vì xã giao mà trình bày ra một thứ đạo lý tương nhượng đến mức "đạo nào cũng như đạo nào" như thể đạo nào cũng mang đến ơn cứu độ. Ngay trong gia đình, trước những sai trái của con cái, chúng ta cũng chẳng dám nói lên những điều tuy chói tai nhưng lại chính là những điều chúng ta phải nói.